Kim Nhung

Trong nhiều năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật đã tổ chức và mở nhiều trại sáng tác cho các văn nghệ sỹ thuộc các cơ quan và hội của trung ương, địa phương, các đơn vị lực lượng vũ trang. Điều này đã thúc đẩy và tạo cảm hứng cho sự ra đời của không ít những tác phẩm có giá trị và đạt được những giải thưởng cao. Nhưng trong bối cảnh phát triển nhiều phương diện của đời sống, đòi hỏi văn nghệ sỹ cũng cần phải có những thay đổi để đáp ứng được nhu cầu, mong muốn thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Điều này đặt ra yêu cầu với các trại sáng tác cũng phải có những phương thức mới để phù hợp và tạo điều kiện cho các văn nghệ sỹ. Trên tinh thần đó, Hội thảo Đổi mới và nâng cao hiệu quả sáng tác của văn nghệ sỹ tại các nhà sáng tác có được nhiều ý kiến từ các nhà quản lý, các nhà tổ chức và các văn nghệ sỹ.


Toàn cảnh hội thảo diễn ra ngày 30/11 tại Hà Nội – Ảnh: Báo Tổ quốc

Theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thì chúng ta cần phải đổi mới mô hình trại sáng tác. Cần đa dạng hóa các lớp sáng tác, trại viết theo quy mô thời gian với từng loại hình văn học nghệ thuật. Hình thức tổ chức cũng cần đa dạng, được xây dựng trên những nội dung cụ thể. Ông cũng khẳng định, đổi mới mô hình tổ chức của trại viết, nhà sáng tác là vấn đề quan trọng và cấp bách.

Nhà văn Phùng Văn Khai, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội tham gia hội thảo với bài tham luận Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật: Điểm đến tin cậy của các nhà văn quân đội cũng tạo được sự quan tâm thảo luận của đông đảo văn nghệ sỹ. Tham luận có đoạn: “Từ các trại viết, tính chất nghề nghiệp của mỗi thành viên được bồi đắp phong phú, tạo những động lực sáng tác lâu dài… Và trong các cuộc thi của Văn nghệ Quân đội, các giải thưởng cao nhất thường được sáng tác, chỉnh sửa, nghiệm thu từ các trại sáng tác”. Nhà văn cũng đề xuất một số ý kiến như: Cần duy trì đều đặn, thường xuyên hoạt động của các Nhà sáng tác trên toàn quốc; Đối với các loại hình nghệ thuật khác nhau cần linh hoạt và mở rộng không gian, thời gian tham gia trại sáng tác; Thành quả của mỗi trại sáng tác phải được tổng kết, báo cáo, quảng bá tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhằm đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng sáng tạo của các ngành nghệ thuật góp phần làm giàu bản sắc văn hóa Việt Nam.

Cũng trong buổi hội thảo, nhà văn Chu Lai, một trong những văn nghệ sỹ thành công nhất khi có các tác phẩm có giá trị được hoàn thành từ các trại viết chia sẻ: Vai trò của trại viết không phải là vật chất mà là điểm tựa cho tâm hồn của nghệ sỹ. Và chất lượng của tác phẩm thì phụ thuộc vào hành vi của người tham gia trại viết và những người tổ chức điều hành. Cần phải có những trại viết giao thoa văn hóa giữa các vùng miền để văn nghệ sỹ trong cả nước có sự trao đổi, học hỏi và bổ sung cảm xúc cho nhau. Nhà thơ Đỗ Thị Tấc thì khẳng định trách nhiệm của người cầm bút khi tham gia trại viết là điều quan trọng nhất.

Nhiều câu hỏi và giải pháp đã được đưa ra trong suốt buổi hội thảo. Điều đó nói lên phần nào không khí sáng tác của văn nghệ sỹ hôm nay và sự quan tâm của các cơ quan quản lý, các đơn vị tổ chức.

Thứ trưởng Vương Duy Biên khẳng định: Nhà sáng tác là một sự ưu việt đối với văn nghệ sỹ. Từ đây nền văn học nghệ thuật đã công bố được những tác phẩm chất lượng mang lại sự kỳ vọng lớn cho công chúng yêu nghệ thuật. Mọi sự đổi mới, nâng cao là rất cần thiết, nhưng khát khao sáng tạo của nghệ sỹ mới là điều đáng quý và quan trọng nhất.

Tối cùng ngày, tại Nhà hát lớn Hà Nội diễn ra lễ trao bằng khen cho 75 tác giả có tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật tiêu biểu được sáng tác trong hai năm (2015 – 2016) tại các Nhà sáng tác do Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức.

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version