Tác giả Nguyễn Chí Ngoan


Sinh ngày: 22.02.1991
Quê quán: Thuận Hòa, An Minh, Kiên Giang
Nghề nghiệp: Giáo viên Tiểu học


Giải thưởng:
•    Giải Tác giả trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, năm 2019 – tập truyện ngắnBến chờ
•    Giải Khuyến khích cuộc thi “Thành phố tôi yêu”, báo Thanh Niên, năm 2020
•    Giải thưởng thiếu nhi Khát vọng Dế Mèn lần I, báo Thể thao Văn hóa, năm 2020 – tập truyện ngắn Mộng giang hồ
•    Giải Ba cuộc thi thơ, tạp bút “45 năm rực rỡ tên vàng”, báo Người lao động, năm 2021
•    Giải Nhất cuộc thi “Nghĩa tình Miền Tây”, báo Thanh Niên, năm 2022


Tác phẩm đã xuất bản:
•    Bến chờ (Tập truyện ngắn – NXB Văn hóa Văn nghệ, 2019)
•    Mưa miền đất mặn (Tản văn – NXB Kim Đồng, 2021)
•    Rồi nắng cũng lẻ loi (Tập truyện – NXB Kim Đồng, 2022) 

Đời minh mẫn

                                                Truyện ngắn của Nguyễn Chí Ngoan

Nhưn quan ngậm dầu trong miệng phun vào cây đuốc đang rực cháy trên tay. Lửa cao gần tới nóc nhà, cỏ cây quanh nhà héo lả đi vì bị lửa táp. Đám trẻ con trong xóm đứng nép vào người lớn, hé mắt nhìn nhưn quan “biểu diễn”. Mấy động tác bỏ bộ y hệt ông Tề Thiên chiếu trên truyền hình làm đám con nít thấy mắc cười nhiều hơn là mắc khóc. Nghĩ, vẻ bặm trợn của nhưn quan còn không dọa được đám con nít trong xóm huống hồ chi bọn ma quỷ. Gánh đạo tì múa may quay cuồng, miệng phát ra những thứ âm thanh kinh dị nghe lạnh cả sống lưng. Đoàn người đưa tang đứng dạt ra hai bên chờ giây phút gánh đạo tì khiêng quan tài đi. Thằng Ba Khơi bưng thúng vàng mã (thứ chẳng ai tranh giành) đứng chờ sẵn trước cuộc rời đi không hẹn ngày gặp lại. Mảnh sân trước nhà sau cơn mưa đã nhầy nhụa bùn sình trộn lẫn phân heo, nước đọng vũng đục mò phảng phất mùi khai ngai ngái. Những tiếng người chồng lấn va vào nhau không mỏi, họ kể cho nhau nghe những mảnh kí ức rời về bà già sống âm thầm, ra đi cũng trong âm thầm.

***

Con Lủng với thằng Củi đứng lùi lại phía sau nhưng mắt vẫn không rời khỏi cây đèn cầy ở chính giữa nắp hàng. Ban chiều hai đứa nó đã phải canh bà thợ nấu lột tỏi, để vơ vét bằng hết từng vỏ tỏi được bóc ra. Hai đứa con nít đứng chống nạnh cự nhau xon xỏn làm bà thợ nấu muốn bỏ nghề. Thứ tưởng chừng bỏ đi lại trở thành mồi lửa nhen nhóm một cuộc tranh giành. Trước bữa chôn bà Tư Tại, con Lủng với thằng Củi đã được giao phải lấy cho bằng được cây đèn cầy ở chính giữa đầu hàng, để giành cho đứa em còn ở trong bụng. Chỉ có cây đó mới linh, ban đêm đốt lên kiểu gì em bé cũng hết khóc tang. Mớ vỏ tỏi tanh rình được hai đứa trẻ cất giữ như báu vật, con Lủng còn vịn chặt túi quần sợ bị lấy mất lúc đốt vàng mã. Hai đứa trẻ lăng xăng cũng được những bà mẹ dạy khi nào khóc lớn, khi nào khóc nhỏ để nhà bớt hiu quạnh, không phải chịu lời đàm tiếu “đám ma gì mà lạnh ngắt”.

Những tiếng trống đêm buồn giục giã, nhưng người xóm Lác vẫn có thể nghe thấy tiếng hai thằng con trai giành nhau thứ tự bưng ly hương, cầm dù che di ảnh. Dâu lớn ngồi xoắn ống quần bỏ ngang nửa cái bánh bò.

– Ông Minh là con trai lớn trong nhà. Phải để ổng bưng ly hương cho má.

Dâu Út bới lại đầu tóc, mặt lộ vẻ hầm hầm.

– Ủa… Hồi giờ má ở với tụi tui không. Chuyện đó phải để cho ông Mẫn nhà tui làm mới được.

Họ hàng nhìn nhau lắc đầu mà không dám nói chen ngang, hai đứa trẻ vừa chợp mắt cũng lồm cồm ngồi dậy như sẵn sàng “cất cao tiếng nói” để bảo vệ mẹ mình. Hai người đàn ông vẫn lầm lì để vợ ra mặt, không có dấu hiệu gì cho thấy cuộc cự cãi đó sẽ ngưng lại, khi chẳng ai chịu “đầu hàng”, mặc dù sắc trắng đã rải khắp từ nhà ra tới sân.

Buổi cháo khuya quanh quẩn mấy bà già thịt da teo tóp chuẩn bị cho cuộc rời đi. Bà Năm Trầu húp miếng cháo chậc lưỡi ngó tấm ảnh thờ, than ngắn thở dài.

– Mới hôm qua còn sân sẩn vậy mà giờ chui vô đó nằm.

Bạn già của bà Tư Tại hết chép miệng rồi hít hà, kể số bả khổ từ thời con gái đến khi lấy chồng. Ông Tư Tại đi “bán muối” từ hồi thằng Mẫn còn đỏ hỏn. Một thân một mình nuôi nấng hai đứa con. Biết bao mối dọ tới mà bà đâu có chịu ưng. Bởi sợ cảnh, “con anh con em đánh con chúng mình”. Phải chi hồi đó, bà nhắm mắt ưng đại thì chắc gì đã khổ như bây giờ, người xóm Lác nghĩ vậy. Ông Ba Mít đeo theo bà Tư Tại từ hồi còn trai tráng đến lúc rụng hết răng, nói chắc như đinh đóng cột “bả bị ông bà về dẫn đi”, chứ đương không sao chết được. Mà kể ra, chết vậy cũng phẻ. Khỏi nằm một chỗ ỉa trây, đái dầm khổ con cái.

Đám thanh niên hâm nóng không khí nguội lạnh bằng cuộc đánh bài uống rượu. Vài cuộc cãi nhau với lý do chẳng ăn nhập vào đâu. Thằng Ba Khơi đứng “vòng ngoài” lo trà bánh, người ta chỉ thật sự để ý đến sự tồn tại của nó lúc món thịt bò thiếu miếng nước tương, bàn ăn thiếu chén đũa hay chai rượu gần cạn đáy. Làm riết thành quen, đám tiệc gì bất kể buồn vui, thằng Ba Khơi cũng toàn lo chuyện bao đồng. Vậy nên người trong xóm mặc định thằng nhỏ là đứa sai vặt, lo chuyện khơi khơi.

Cơn buồn ngủ ập đến rã rời, người xóm Lác mòn mỏi ra về. Khói nhang nguội lạnh dần mặc dù đã được dặn trước không được để nhang tắt nhưng lửa cháy nhanh hơn người ta tưởng. Con chó mực nằm cạnh quan tài lâu lâu lại ngóc đầu ngơ ngác nhìn ra sân, gầm gừ trong họng. Thằng Ba Khơi ngồi xuống bộ ngựa gõ ngúc ngắc, chờ đánh những hồi trống buồn ác chiến. Đám trẻ con thể nào cũng sợ quíu người rúc đầu vào lòng mẹ, chờ tan tiếng trống. Ở xóm Lác này, bà Tư Tại coi thằng Ba Khơi như con cháu trong nhà. Nếu không tỏ tường gốc gác, còn tưởng thằng Ba Khơi là con rơi, con rớt của bà Tư Tại cũng không chừng. Mấy lần, trong nhà lục đục chuyện đất cát, vợ chồng Út Mẫn cuốn nớp về bên vợ, thằng Ba Khơi đều tạt qua nhà ngủ lại phòng hờ trái gió trở trời.

Như chưa đủ độ thê lương, ông trời đổ thêm cơn mưa cho vừa đủ bộ. Gió thổi phần phật vào rạp che trước sân, tấm keo su che rạp rách tả tơi không ngừng dột nước. Thằng Ba Khơi rải thau, chậu khắp nơi, đắp dày xuống nên đất ướt mấy bao trấu dựng cập bên cự củi. Đêm cuối còn ở lại với má Tư, thằng Ba Khơi ngó quanh căn nhà nhỏ, thấy đâu cũng neo hình bóng cũ. Căn nhà nhỏ thấp lè tè mỗi bận bước vô đều phải cúi đầu, bữa nào đi về xớn xác không coi ngó, thể nào cũng có nguyên giề lá mục trên đầu. Mùa mưa nào thằng Ba Khơi cũng qua chêm thêm lá mới mà nó đâu có hay, căn nhà chêm bao nhiêu lá cũng dột.

Người trong nhà vẫn ngủ im lìm, chẳng khác gì so với cổ quan tài lạnh ngắt. Bà thầy bói tuốt miệt Đồng Năng tối mặt tối mày với hai đứa con dâu, coi ngày nào cũng kỵ tuổi, không ít thì nhiều. Hết kỵ chồng tới kỵ dâu, cháu nội. Chọn giờ hạ huyệt cũng chằn ăn trăn quấn, được với người này lại không được với người kia. Bà thầy bói thiếu điều đốt sách. Đặt tiền quẻ có năm chục, mà lật nát nhàu sách Tử vi cũng không tìm được ngày tốt. Dời đến tận ngày thứ sáu mới chiều lòng được hai đứa con dâu khó tính. Mường tượng cảnh chồng bà Tư Tại không chết yểu, đẻ thêm chừng hai đứa con nữa, không biết dời tới “mùa quýt” nào bà Tư mới được… tiếp đất. Thằng Ba Khơi đội mưa buộc lại tấm cao su vừa rách, vặn lại đèn trên bàn thờ. Tiếng trống hoà vào tiếng mưa rả rích trên mái nhà. Con Lủng giật mình nói mớ, câu nói chẳng ăn nhập gì giữa khung cảnh đau buồn này “trả bọc tỏi lại cho tao”. Giữa lúc đó, mà con nhỏ hốt hoảng gọi lớn “nội ơi đừng bỏ con”, chắc thằng Ba Khơi khóc hết nước mắt.

***

Hồi bà Tư còn sống, thím Út nhéo bắp đùi thằng Củi đỏ như trái cà chua, mỗi bữa chuẩn bị nấu cơm. Đợi mòn mỏi vẫn không thấy con dâu dỗ nín thằng cháu nội. Bà đành xách xoang đi vo gạo, tiếng lon sữa bò va vào khạp rổn rảng. Bà Tư cũng mỏi chân với những lần cầm thau mượn gạo dài dài theo xóm. Bồ lúa mỗi năm mỗi hẹp dần rồi ngỡ ngàng mất hút. Đàn bà trong xóm Lác, đứng bên sông chống nạnh thèm thuồng, khi thấy mười xuồng chạy bán dưới sông thì có chín xuồng được thím Út kêu ngoắc lại, xuồng ghe ghé muốn lở bến mà than nhà không gạo ăn, ai tin? Đồ ăn mua lên được thím Út giấu trong vạt áo đem vào buồng ăn lén ăn lút. Chỉ trừ cóc, ổi – thứ mà “hàng tiền đạo” của bà Tư đâu có công phá được. Bà Tư cũng tự biết điều nên luôn tìm cách tránh con dâu mỗi lúc nghe tiếng máy tốp dưới sông.

Út Mẫn nghe lời vợ bỏ ruộng không làm, để mặc cỏ dại mọc đầy, đám cá đua nhau đục lổ mội nước chảy ào ào qua vuông bên cạnh. Bà Tư Tại cũng chẳng còn sức be bờ, lấy ngót lúa giống hay bưng thúng lội sình sạ lúa như hồi còn trẻ. Thím Út chắc mẩm “làm không được thì giao đất”, bà già sức mấy mà chịu được. Niềm tin đó mãnh liệt đến nỗi chẳng ai có thể bốc thím Út ra khỏi cái ý nghĩa đó. Lấy cớ mùa màng thất bát, vợ chồng chú Út tuyệt không đưa bất cứ đồng nào, tiền mướn đất, để đó từ từ trả, có giựt đâu mà sợ. Thành ra, bà Tư phải bơi xuồng chai tay vớt củi mục, mủ bể về bán ve chai.

Bận đó thằng Ba Khơi đi sau lưng nắm vạt áo bà Tư.

– Hổng ấy, má về ở với con.

Cái lắc đầu cộng với quãng buồn mênh mông đâu có làm thằng Ba Khơi từ bỏ. Người trong xóm Lác chửi nó khùng, thân biết lo xong chưa mà học đòi làm người tử tế. Thằng Ba Khơi chỉ biết cười trừ “có người rầy la cũng vui”. Nhà trước, nhà sau được ngăn đôi bằng mấy miếng ván tạp. Người xóm Lác cười bà Tư Tại già vậy rồi mà còn… ra riêng. Mọi thứ chia chác vừa vặn cho một người. Mấy lần bà Tư đứng ở nhà trên lén nhìn thằng cháu nội lẩm đẩm bước đi, ứa nước mắt khóc không thành tiếng. Thằng nhỏ cười khăng khắc nhón chân định leo qua “bờ rào”, thím Út đã vội chạy lại lôi về, dứt bà già ra khỏi chút thâm tình còn bé mọn. Có ai ngờ mấy miếng ván mục lại dựng nên một thành quách ngổn ngang bền dai đến vậy. Ừ thì, có gì bằng chia cắt máu mủ ruột rà?

Mỗi lần chú Út nhậu về, thím đều càm ràm bằng câu nói quen thuộc “bà già ông cho ông mướn đất đó”. Có lần, chú Út ẵm con cầm đuốc dọa đốt nhà ra đường ở. Chuyện nhà bà Tư bị mấy cái nón lá ngồi dưới bụi tre quạt bay xa khắp xóm. Có người vỗ đùi đen đét, bà già cũng ác nhơn, ai đời cho con mướn đất lấy tiền. Giọng người đàn ông khác vọng ra từ đám đông, chứ giao đất cho nó rồi giỗ quải ông bà tụi nó làm chèm bẹp coi sao được. Lần gần nhất, thằng Ba Khơi đứng ra cãi tay đôi cùng thiên hạ là vào lúc vợ chồng chú Minh bồng chống nhau về kêu khóc, một mực đòi nuôi dưỡng bà già. Không muốn nhận thêm nhiều mâm cơm nguội lạnh, bà Tư Tại nhắm mắt nhắm mũi gật đầu.

Thím Út chặn đứng ý định đó, lúc cầm dao chặt khơi khơi xuống nền nhà.

– Ai ngon vô đây cất nhà.

Thêm nhiều tiếng cự cãi, bà Tư như đống rơm thấp lè tè tới thời mục rửa, dù có nhóm bao nhiêu lần lửa cũng không cháy được. Bà Tư buông ánh nhìn ráo hoảnh, từng ngọn gió lạnh lùa vào lòng bà chao chát. Mương nước trong leo lẻo cập bên hè, chỗ chú Minh từng nhảy xuống cứu thằng em xém chết hụt, giờ thành nơi phân chia “chiến tuyến” hai nhà. Bận đó, lúc bà Tư lôi được hai anh em lên bờ, chú Mẫn chỉ còn nửa cái mạng, kêu gọi cỡ nào cũng không mở mắt. Chú Minh khóc ngất lên ngất xuống, lúc ông Tư Xước vác chú Mẫn lên vai chạy lòng vòng quanh nhà. Bà Tư đấm lên ngực mình thình thịch khi người ta hơ cái khạp da bò qua đống lửa rồi lăn qua bụng đứa con trai. Ngực chú Mẫn sẹo vít dọc ngang sau trận chết hụt, tưởng đâu đó sẽ là minh chứng tình thân rõ ràng nhất. Từ bữa té xuống mương nước, tuyệt nhiên chú Minh không bao giờ cho đứa em bước ra tới vách hè. Bà Tư đi đâu cũng dắt hai đứa con theo tò tò, cứ như chỉ cần hở ra một chút, tụi nó sẽ biến mất vào trong không khí. Vết sẹo theo năm tháng vẫn còn đó mà lòng người đã cạn đi từ lúc nào không biết. Mường tượng lúc đi qua mương nước hay vô tình chạm phải vết sẹo lồi, chú Mẫn có nhớ khoảng ký ức từ lâu đã bị lãng quên. Hình như cái gì đã quá thân thuộc thì không còn đủ sức khiến con người ta bận lòng.

***

Bữa bà Tư nằm trên giường bệnh, dâu lớn xáp lại ngồi thủ thỉ.

– Má mà không làm di chúc. Nữa tụi nó giành hết trơn cho má coi.

Bà Tư Tại khẽ trở mình, day lưng vào vách. Tia nắng chiều xuyên qua vách nhà thưa rỗng thưa rễnh không đủ hong khô giọt nước mắt của bà Tư. Mép gối ướt mèm, bà Tư Tại cắn môi bật máu, cố không để những tiếng khóc tố cáo mình. Nhưng tiếng khóc của hai đứa cháu nội còn nhiều hơn tiếng gió. Những cuộc vật ngã nhau vì trái bần chua, trái ổi chín sau vườn như nhát dao khứa vào vết thương không ngừng chảy máu. Thím Hai không nhịn được, bỏ bà già lại với vô vàn tiếng khóc. Hai bà mẹ được dịp đôi chối nhau về trái ổi đứa kia nhìn thấy trước, khúc mía ngọn lạt nhách xước tưa máu răng. Tất cả làm nên một cuộc ồn ào từ những chuyện cỏn con. Bà Tư Tại nằm im không cử động như thể chốc lát nữa thôi, bà sẽ lún dần vào chiếu chăn mất hút.

Thằng Ba Khơi dầm mưa đến nhà, nó đứng lấp ló trước hàng ba đợi bộ đồ trên người thôi rỏ nước. Vừa định nhón chân bước vào nó đã đụng phải vẻ mặt chằm dằm của thím Hai. Nó co cụm lại như con cuốn chiếu (điều mà mấy đợt gió ngoài kia không đủ sức làm nó run rẩy) lách qua ánh mắt nguýt dài của thím Hai. Nhác thấy Ba Khơi, bà Tư vịn thành chõng ngồi dậy, những nếp nhăn ở đuôi mắt xô vào nhau chấp chới.

– Má ăn cháo hông? Để con nấu.

Thím Hai nhếch môi không rõ đã thành nụ cười chưa.

– Đâu ra nhận má khơi khơi vậy? Định gù bà già chia đất cho hay gì?

Sau câu nói đó, thằng Ba Khơi biết mình thành lẻ loi. Chẳng ai có thể tin người dưng nước lã mà có thể đối tốt với nhau. Có bận thím Hai còn chỉ thằng Ba Khơi về xứ thím, dắt bà già “nửa hột” lang bạt về làm má. Khi đó, có gọi má khô cổ họng cũng không ai nói tiếng nào. Thằng Ba Khơi lầm lũi ngồi nhóm bếp, đám củi ướt làm khói bay ngập ngụa trong nhà. Thím Hai bỏ ra sân nhưng mớ lời bị bỏ lại như biết mọc rễ cắm sâu vào đất, xanh bạt ngàn. Kéo ống tay áo chùi nước mắt, thằng Ba Khơi bày ra vẻ mặt tươi rói lúc bưng cháo đem lên. Những cơn “ụa ụa” làm bà Tư cong người ói muốn tới mật xanh, vuốt lưng kiểu gì cũng không hết. Bà Tư Tại nằm thiêm thiếp như dấu lặng nằm vắt ngang, lơ lửng bắt đầu bám mốc. Tàn tro đã nguội tắt từ lâu mà căn nhà như vẫn đầy trong khói lạnh, ngùn ngụt cháy trong lòng.

Thím Út rải theo sông câu chuyện bà già chồng cặp bồ với thằng con trai đáng tuổi con cháu trong nhà. Những người đàn bà xóm Lác ngờ ngợ ngày nào, giờ vùng lên vỗ ngực “nghi đâu trúng đó”. Con dâu trong nhà nói sao mà không có được, chắc bắt gặp tại trận chớ đâu. Từ bữa đó, người xóm Lác ném vào thằng Ba Khơi cái nhìn bén ngót, gánh đàn ông còn canh không cho vợ đứng quá gần thằng “bợ đít đàn bà”. Sợ có giây phút nào vuột tay, những bà vợ sẽ bị thằng Ba Khơi bỏ bùa lấy mất. Bữa thằng Ba Khơi gục khóc ngậm ngùi bên giường bệnh, con lo cho má trăm tuổi già rồi con mới đi. Người xóm Lác nhìn vào, gắn lên đó đầy rẫy những chi tiết với mối tình ngang trái, coi kìa coi kìa ban ngày ban mặt mà làm vậy luôn, chắc bàn tính chuyện đất cát, nghĩ sao người ngộm nhăn nheo hết mà còn nựng mặt… Nghĩ, mấy ông đạo diễn tranh giải oscar có chạy thục mạng cũng không đuổi kịp được sức tưởng tượng của đám đàn bà xóm Lác. Bận đó, thằng Ba Khơi bỏ hết những lời điều tiếng.

***

Hạ huyệt xong. Căn nhà bắt đầu ồn ào câu chuyện đất cát. Những công cán được phơi bày, những tờ đơn đã được thảo sẵn, những lời hăm he cất cánh dẫu cho xác thân của bà Tư vẫn chưa tới hồi mục rữa. Bài kinh thâu sẵn phát ra từ cái máy cát-sét đặt cạnh bàn thờ không làm át đi những tiếng cự cãi trong nhà. Thằng Ba Khơi dỡ cái chõng bà Tư nằm đem đốt, chai thuốc trừ sâu còn lưng lửng rơi ra trong lúc thằng Ba Khơi lấy búa tháo mầm thanh chõng. Thằng Ba Khơi đứng thẫn thờ, buông cái búa đập vô chân mình mà không thèm ngó xuống. Nó đã khóc ngất khi không thể nhìn mặt bà già lần cuối, trách ai coi giờ liệm mà ác nhơn vậy cà, trách mớ lời không có chân mà đi khắp xứ. Bà Tư đã hứa sẽ dọn về sống với nó, má con rau cháo nuôi nhau, bỏ ngoài tai những bẽ bàng rát xót. Những dấu hỏi bay lơ lửng trong đầu thằng Ba Khơi như mớ dây thòng lọng chờ sẵn, xiết người ngợp thở. Thằng Ba Khơi bỏ lại căn nhà có quá nhiều đổ vỡ, nó đứng trên bờ nhìn tờ di chúc chìm xuống đáy sông xóm Lác. Đến ngờ dòng sông như đang dừng lại, nặng oằn trong từng nét chữ chưa học đến hết lớp ba của bà Tư Tại. Rồi bà Tư có nghĩ quẩn không? Câu hỏi đó chắc còn làm đau lâu thằng Ba Khơi trong những chiều buồn buồn nơi xóm Lác. Người biết đặt tên con mình là Minh là Mẫn thì tuyệt đối không làm chuyện dại dột. Bởi chẳng phải bà đã có một đời “minh mẫn” hay sao?