Cửu Long Giang ta ơi

 

Ngày xưa ta đi học

Mười tuổi thơ nghe gió thổi mùa thu

Mắt ngẩng lên trông bản đồ rực rỡ

Như đồng hoa bỗng gặp một đêm mơ

Bản đồ mới tường vôi cũng mới

Thầy giáo lớn sao, thước bảng cũng lớn sao

Gậy thần tiên và cánh tay đạo sĩ

Ðưa ta đi sông núi tuyệt vời

Tim đập mạnh hồn ngây không sao hiểu

Mê Kông sông dài hơn hai ngàn cây số mông mênh

Nguồn tự Trung Hoa có Vạn lý trường thành

Có Hy Mã lạp sơn, Ðộng Ðình hồ, Tây du, Thủy Hử

Mê Kông chảy

Cây lao đá đổ

Ngẫm nghĩ voi đi

Thác Khôn cười trắng xóa

Lan hoang dứa mật thông nhựa lên hương

Những trưa hè ngun ngút nắng Trường Sơn

Rừng Lào – Miên rộng quá

Dân Lào – Miên mến yêu

Xôi nếp nước trong sẵn sàng chia bạn đói

Ta đi… bản đồ không còn nhìn nữa

Sáng trời thu lại còn bướm với trời xanh

Trúc đào tươi chim khuyên rỉa cánh sương đọng long lanh

Ta cởi áo lội dòng sông ta hát

Mê Kông chảy Mê Kông cũng hát

Rừng núi lùi xa

Ðất phẳng thở chan hòa

Sóng tỏa chân trời buồm trắng

Nam bộ

Nam bộ

Chín nhánh Mê Kông phù sa nổi váng…

Ruộng bãi Mê Kông trồng không hết lúa

Bến nước Mê kông tôm cá ngập thuyền

Sầu riêng thơm dậy đất Thủ Biên

Suối mát dội trong lòng dừa trĩu quả

Mê Kông quặn đẻ…

Chín nhánh sông vàng

Nông dân Nam bộ gối đất nằm sương

Mồ hôi vã bãi lau thành đồng lúa

Thành những tên đọc lên nước mắt đều muốn ứa

Những Hà tiên, Gia định, Long Châu

Những Gò công, Gò vấp, Ðồng tháp, Cà mau

Những mặt đất

Cha ông ta nhắm mắt

Truyền cháu con không bao giờ chia cắt

Ta đã lớn

Thầy giáo già đã khuất

Thước bản to nay thành cán cờ sao

Những tên làm man mác tuổi thơ xưa

Ðã thấm máu của bao hồn bất tử

Những Minh Khai, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Trần Phú

Những bông hoa dân tộc anh hùng

Mười sáu tuổi xanh

Em Ðuốc Sống đốt mình phá tan kho giặc

Võ thị Sáu vùng răng cắn chặt

Giữ trung trinh cho đến phút cuối cùng

Ðạn giặc xuyên lỗ chỗ ngực măng non

Ðỏ thắm nụ cười

Chào Bác Hồ và Việt nam bất diệt.

Ðêm nay

Cửu Long Giang vẫn âm vang sóng cát

Sao khuya lấp lánh

Lửa chài thức sáng nhịp hát hò ơ

Ðồng Tháp xa đưa những tiếng mẹ ru

Hồ Chí Minh thành ca dao bát ngát…

———————–

1. Ngoài những trường thiên tiểu thuyết hàng nghìn trang, Nguyên Hồng chỉ để lại một tập thơ mỏng, và có thể, chỉ một bài trong tập ấy là vượt được thời gian, còn lại mãi với người đọc, đó là bài có câu tuyệt bút Ngẫm nghĩ voi đi/ thác Khôn cười trắng xóa. Nhưng chỉ với một câu ấy thôi ta đã học được bao điều.

Học làm phối cảnh, nếu muốn câu thơ sống như một khuôn hình điện ảnh! Phải chọn chỗ đứng, tạo góc nhìn cho trước hết là người viết rồi đến người đọc thấy được trong cùng một thời khắc, con bồ tượng khổng lồ kia chuyển động theo trục nằm ngang băng qua cái thác đang đổ từ trên xuống, tạo một chuyển động dọc làm hậu cảnh. Nếu nhìn như thế, câu thơ dù có 9 chữ vẫn có thể chia đều cho hai vế đối hình ảnh. Và đấy là cách xếp những bậc thang hình ảnh của nghệ thuật không gian để vượt khỏi bức từơng giới hạn của nghệ thuật thời gian xây bằng những hàng gạch chữ nghĩa. Là lối chơi tổng lực của người thi sĩ lao động hết mình, mài trên cái nghiên thơ cả những thỏi mực điện ảnh để, nói như các cụ xưa, thi trung hữu họa.

Lại học các cụ mà nói thì bức tranh thơ một câu Nguyên Hồng ta đang nhìn ngắm là thứ danh tác họa trung hữu thanh. Cái cười của một dòng thác lớn không thể là cái cười câm, cái cười vô thanh. Thác Khôn cười ầm ầm, cười ào ào, cười vỡ ra màu trắng xóa hòanh tráng. Câu thơ có “âm thanh trắng xóa” âm lượng hết cỡ như thế lại im lặng khác thường là vì cái hậu cảnh âm thanh kia phải hóa thân thành màu sắc tạo khỏang lặng để nâng niu, để làm phông làm nền cho dòng ngẫm nghĩ, cho khối tư tưởng lừng lững kia (xin chắp tay mà nhớ rằng, voi là vật thiêng trong đạo Phật, từ giấc mơ voi trắng, đức Phật đã đản sinh). Vậy là những chuyển động dọc, ngang của hình thơ, kéo ý thơ về hai phía, vừa mở ra chiều bao la của thiên nhiên hùng vĩ vừa đào sâu chiều thăm thẳm của những trầm tư mặc tưởng.

Trước câu thơ trên, cũng trong bài ấy, Nguyên Hồng có nói đến cánh tay đạo sĩ đã chỉ cho ông thấy cảnh hùng vĩ nên thơ kia. Chính ông cũng là đạo sĩ, biết cách bắt thác Khôn cười đề làm sáng câu thơ của mình. Nói khác đi, chính chữ cười được Nguyên Hồng đưa vào một liên kết ngôn ngữ chưa từng có trước đấy (thác cười) để chuyển hóa rất nhiều biện pháp tu từ (nhân hóa, đối xứng, hóan dụ…) vào một câu thơ 9 chữ hầu như không có dấu vết tu từ, một câu thơ liền mạch, kín mạch, tự nhiên như thác đổ xuống, như voi bước đi. Nguyên Hồng là bậc thầy của lối liên kết ngôn ngữ này. Ông có thể theo chân voi linh, tìm ra bước chữ như ta đã thấy, lại cũng có thế gắp những miếng chữ từ một mẹt thịt. Chuyện rằng, một lần Nguyên Hồng đi mua thịt chó, ông lục lọi, bấu bấu, nắn nắn, để có được miềng nầm, rồi nói với bà hàng thịt: “Chị cho tôi thêm mấy nhát riềng”. Người kể chuyện này bình luận:” Chữ nhát đúng là chữ của anh. Không chết như chữ miếng. Chữ nhát gợi một động tác, một hình ảnh, một âm thanh, một quá trình”  (trang 64 – Một thời để mất – NXB Hội Nhà văn 1995).

Hãy học Nguyên Hồng cách bấu bấu, nắn nắn để có thể tìm ra một chữ ngon như thế!

2. Từ bút nghiên tới phấn bảng là bước chuyển mình của hình tượng người thấy giáo trong văn học Việt nam từ Ông đồ của Vũ Đình  Liên tới Cửu Long Giang ta ơi của Nguyên Hồng. Bài kia còn khắc khoải tiếng gọi Hồn muôn năm cũ về Đọng trong nghiên sầu. Bài này đã lâng lâng một cậu bé mười tuổi thơ, cởi áo, thoát xác, nhập vào hào khí núi sông. Hai bài đều có thần, và thần thái của  cả hai bài lại từ bút nghiên, từ thước bảng, từ đồ nghề của các ông thầy mà nhập mà thăng.

Cho nên, thước ấy với Nguyên Hồng là gậy thần  tiên và  người nâng cây thước ấy để thiên biến vạn hóa là một giáo viên  đạo sĩ, đang xuất thần trong một giờ học đầu năm có gió mùa thu khai trường:

Ngày xưa ta đi học

Mười tuổi thơ nghe gió thổi mùa thu

Mặt ngẩng lên trông bản đồ rực rỡ

Như đồng hoa bỗng gặp một đêm mơ

Bản đồ mới và tường vôi cũng mới

Thầy giáo lớn sao thước bảng cũng lớn sao

Gậy thần tiên và cách tay đạo sĩ

Đưa ta đi sông núi tuyệt vời

Phải là một đạo sĩ thì mới đủ  công lực biến tấm  bản đồ  địa lí thành cánh đồng hoa gặp trong một  đêm mơ. Trong niềm hứng thú của cậu học trò ngẩng lên cõi mộng, bài địa lí bỗng  có một chiều sâu không ngờ. Có con sông không chỉ chảy từ đỉnh núi mà còn bắt nguồn từ các bộ tiểu thuyết du kí, võ hiệp danh tác, từ các kì quan thế giới, từ thăm thẳm một miền văn hóa Đông phương:

Tim đập mạnh hồn ngây không sao hiểu

Mêkông dài hơn hai ngàn cây số mông mênh

Nguồn từ Trung Hoa có Vạn Lí Trường Thành

Có Hy Mã Lạp Sơn, Động Đình Hồ, Tây Du, Thủy Hử

Con sông ấy khi thì băng băng như lưỡi gươm mở đất khiến cây lao đá đổ khi thâm trầm ngẫm nghĩ tìm đường để rồi hả hê giải toả:

Ngẫm nghĩ voi đi

Thác Khôn cười trắng xoá

Trong bài giảng thần tiên về một con sông Tổ Quốc, ta không chỉ đươc thấy thác cười mà còn được nghe Mêkông cũng hát, còn được đau cùng Mêkông quặn đẻ. Đẻ ra một Nam Bộ:

Lửa chài thức sáng nhịp hò ơ

Đồng Tháp xa đưa những tiếng mẹ ru

Hồ Chí Minh thành ca dao bát ngát

Bài thơ bắt đầu từ một lớp học chật chội để có được cảm  nhận thầy giáo lớn sao, thước bảng cũng lớn sao rồi dài theo dòng sông,  mở ra một cách đồng và kết ở từ bát ngát. Cái  từ kết,  ngữ nghĩa  đã mênh mông, ngữ âm lại dào dạt nhờ từ ấy điệp vần at mà gợi ra tiếng sóng.

Đọc lại toàn bộ bài thơ, thấy hơi thơ phóng khoáng như sóng dậy mà tứ thơ lại được tổ chức chặt chẽ. Cách tổ chức của nhà tiểu thuyết Nguyên Hồng giỏi bày binh bố trận. Nhân vật ông thầy được tôn vinh ngay từ những dòng đầu, lại không thấy ở những dòng cuối thì đâu phải vì bị  bỏ quên, chỉ vì thầy giáo già đã khuất. Ngay cả những giáo cụ của các cụ giáo cũng chẳng món nào bị quyên. Bản đồ đã không nhìn nữa đã nhập vào cương vực quốc gia. Chỉ còn thước và bảng thì thước thành cán mà bảng đã hoá cờ sao.

Ông đồ của Vũ Đình Liên còn mài mực. Thầy giáo của Nguyên  Hồng đã chỉ thước. Bạn đọc đang chờ trong thơ một  bậc thầy đưa ngón tay dẫn đường gõ vào phím enter của máy vi tính.

Nguồn: vanvn.net