Đỗ Quyên

“Hỡi ôi! Những kẻ lên đường

            Đang tâm để cả cô đơn lại nhà”

Nguyễn Bính (1918 – 1966)

Văn chương Dân tộc lúc này không nói lên nhiều lắm;

kỷ nguyên của văn chương Thế giới đang tới,

và mọi người cần nỗ lực thúc đẩy nó đi nhanh.”

  1. W. Goethe (1749 – 1832) 

THỜI GIAN THẾ THÁI

(Gửi T, L, D, và v.v….)

 

Ba mươi năm lỡ gặp nhau

Ba mươi năm nữa còn đâu cõi này

 

Cớ duyên nào vẫn tôi đây

Lỗi tại tôi lỗi tại đây mọi đàng[1]

 

Thân bằng đến thế là tan

Thế nhân tình thế là tàn thế nhân[2]

 

Ba mươi năm đã là nhanh

A di đà Phật cho thành sát na[3]

 

HÀNH LÝ KẺ LÃNG DU

(Gửi HH)

 

Mang theo căn bệnh của em

Đến mọi thành phố mới

Gặp ai ta cũng dò tìm

Trước mỗi người tương tự triệu chứng

 

Nhưng chưa hề thấy bất kỳ ai

Hội đủ những gì em chịu đựng

 

Ngày mai sẽ tới quốc gia cuối cùng

 

Đây

Ta kẻ lãng du

Hành lý là một căn bệnh

 

 

BỨC TƯỜNG TỪ THỨC

(Tặng V & B, T & H, T & L)

 

“Bởi mi sống bằng thời gian khác

chưa yếu già

như ta

hiển nhiên!”

 

Bức tường Berlin

phần di tích hẳn cũng dài cả kilômét

nhìn ta

chân cẳng

cười cười

ý hỏi còn có thể leo qua

như hồi ba mươi năm trước

 

“Mi trẻ trung

ai cũng biết

ta đâu ở không mà thử sức

với chàng Từ Thức thời nay?”

 

 

THẢM THIẾT MOZART

(Tặng VND, NCT)

 

Người dẫn ta thăm nhà Mozart

Mưa chiều thảm thiết

Du khách đông hẳn cũng như ngày chuẩn về thời tiết

Kìa những lối đi các nốt nhạc khó có thể len vào

 

Người dẫn ta thăm nhà Mozart

“Thành phố Salzburg số 9 đường Getreidegasse”[4]

Cái trong ngoặc kép là ta cọp

Mạng cho vào thơ giữa bảo tàng trong thảm thiết mưa

 

Người dẫn ta thăm nhà Mozart

Nhạc của ông ai mà chẳng biết

Nhiều và hay vô kể nhưng biết thì biết, nghe là chuyện khác

Mà thôi đố ai biết ông viết khúc đoạn nào về sự thảm thiết mưa

 

Người dẫn ta thăm nhà Mozart

Thảm thiết mưa ừ thì mưa thảm thiết

Nhằm nhò chi với điều ai ai cũng biết

Ngày 5 tháng 12 năm 1791

 

Thiên tài hóa thành nấm mồ mất tăm sau những cơn bão tuyết…

 

 

BẠN THƠ

(Tặng TAT)

 

Cùng Goethe[5] chúng mình

chụp hình selfie

cái nào cái nấy cả ba cùng vươn tới đỉnh đầu

 

Không lẩn quất

quanh đây

hồn vía ông đang ngự nhiều chốn khác

 

Trong tòa nhà thiếu thời?

(lát nữa

đi bộ mươi phút

bảo tàng viện tới ngay thôi)

 

Nơi thành Weimar nghĩa trang lịch sử?

 

Ngay cả

Trên những thảm cỏ đồng quê Đức quốc?

Trên những câu chữ văn chương Đức tân kỳ?

 

Lúc này

linh hồn hẳn không phủ sóng

pho tượng đồng

muôn năm lừng lững

 

Nếu có

chắc gì hai chúng mình

kéo được

một-cái-đầu-lớn dường vậy

sát vào

 

 

HOA ĐỨC VÀ THƠ ĐỨC

(Tặng TKL và C & H)

 

Có một người tới trễ

Với hoa và với thơ

Hoa gia chủ bày tiệc

Hè Muenchen trong mơ

 

Thơ người đưa tặng ta

Hai cuốn đôi tay đợi

Lời hẹn tự năm xưa

Tay chờ hoài chưa mỏi

 

Hoa vườn nhà Đức quốc

Nom giông giống hoa ta

Thơ Đức, ồ rất khác!

Ta đọc và không ra

 

Không ra bao điều mới

Không ra bao điều hay

Không ra bao điều lạ

Không ra cả điều này:

 

Có một người tới trễ…

 

 

ANH EM HỌ

(Tặng MT)

 

Chúng mình hai anh em họ

Thuở nhỏ mấy nỗi gặp nhau

Hai nhà cách dăm ngã phố

Lễ Tết được dịp đụng đầu

 

Anh con giai sao lại nhát

Thấy em gái đã chạy rồi

Nhà toàn đàn ông có khác

Em muốn tới chơi mà lười

 

Lớn lên nữa càng ít gặp

Dẫu ta trang lứa sàn sàn

Nhớ mãi lần thăm bác mệt

Anh nhìn buồn buồn man man

 

Ở nhà đã thế ra đường

Hà Nội bé bằng mắt muỗi

Nào đâu mấy khi chợt thấy

Ông anh họ Đỗ vô thường

 

Vầy vậy dễ bốn chục năm

Thoắt cái chiều nay gặp lại

Ô cô đấy a… Ối anh…

Giời thua hai anh em họ

 

Giá chẳng được ra nước ngoài

Cụ thể mình không sang Đức

Chửa chắc một trong hai người

Đến vĩnh biệt người kia chết

 

Tha hương là ngộ cố tri[6]

Đời em ngộ câu này nhất

 

 

CÓ NHẼ CHÚA Ạ!

(Tặng TTĐ)

 

Chụp mãi

chúng con chụp đi chụp lại

đổi máy đổi người

vị trí góc nhìn ánh sáng

(chẳng phải dân chuyên nghiệp

đã đành)

thiệt tình

chúng con máy móc người ngợm

đâu đến nỗi

 

Chúng con chụp mãi

hình chúng con vẫn lạc

không nhập tới

đỉnh nhà thờ

chót vời

 

Trên đó quanh Ngài

có nhẽ tất cả

linh hồn vô tội những kẻ

nghển cổ chờ chuyển tiếp

một ngày đẹp trời

giây phút thiên đàng lên hẳn

 

Chúng con không cầu trên đó

thiên đàng

chỉ muốn sánh đỉnh nhà thờ

tấm hình kỷ vật đơn sơ

mai rồi từ biệt

chả biết đến bao giờ

 

Có nhẽ là một tội?

 

Chúng con không cầu trên đó

thiên đàng

chỉ mong làm dân thường đất lành sống chết

dưới đỉnh nhà thờ mãi mãi

 

Có nhẽ là hai tội?

 

Còn nhiều tội khác

có nhẽ

chúng con nghe Ngài phán quyết

(trong khi loay hoay

chụp đi chụp lại mình

với đỉnh

nhà thờ chính tòa Koeln[7]

tót vót)

 

Chúa ạ!

 

 

CHỢ VIỆT TRỜI ÂU

(Tặng PTH)

 

Chợ Đồng Xuân[8] giữa Berlin

Vẫn say như buổi hòa bình Tây – Đông[9]

 

Em xinh rõ xỉnh xình xinh

Mời bún chả Hà Nội mình đây anh

 

Chợ Đồng Xuân giữa Berlin

Gắp một gắp trúng cái tình Việt Nam

 

[1] Phỏng theo Kinh Thú Nhận.

[2] “Giấc mơ đến thế là tan/ Bài thơ đến thế là tàn bài thơ” (Thơ Nguyễn Bính)

[3] Thuật ngữ nhà Phật chỉ đơn vị ngắn nhất của thời gian, vừa một ý niệm.

[4] Salzburg là thành phố lớn của Áo, và cũng thường được gọi là Thành phố Mozart (1756 – 1791).

[5] Tượng tưởng niệm J. W. Goethe ở trung tâm thành phố Frankfurt am Main, miền trung nước Đức.

[6] Thơ Đường cổ: “Tha hương ngộ cố tri” (Xa quê gặp bạn cũ).

[7] Nhà thờ nổi tiếng thế giới nằm sát nhà ga chính của thành phố Koeln, phía tây nước Đức.

[8] Tên gọi của “Dong Xuan Center” – trung tâm thương mại, sinh hoạt hàng đầu của người Việt ở Đức.

[9] Ngày nước Đức thống nhất (3/10/1990) chấm dứt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

[Trích bản thảo thơ “Nước Đức & châu Âu, đến và đi”; Phần I: Hình Tổ quốc]

Vancouver, tháng 7 & 8/2018

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài