Triều đại nhà Đường (618-907) được đánh giá là triều đại vàng son của văn hóa Trung Hoa cổ đại. Chính vào thời kỳ này đã xuất hiện một thể thơ mới  rất độc đáo có tên Đường thi (thơ Đường) gắn liền với hàng nghìn những thi nhân kiệt xuất. Cả hai điều này  đã khiến cho Đường thi trở thành  di sản văn hóa của nhân loại.

Có một điều rất đặc biệt là  nhiều các tác gia nổi tiếng đời Đường đều gắn bó tên tuổi của mình với những bài thơ kiệt xuất mà nguồn cảm hứng được tạo ra khi họ đến thăm hoặc nói về  những tòa đền các, lâu đài nổi tiếng. Như  Vương Bột có Đằng Vương các, Vương Chí Hoán có Đăng Quán Thước lâu, Trần Tử Ngang có Đăng U Châu đài ca, Thôi Hiệu có Hoàng Hạc lâu, Lý Bạch có Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài  v..vv, trong đó nổi bật nhất là Đỗ Phủ với bài Đăng Nhạc Dương lâu. Đỗ Phủ (712-770) là một thi gia kiệt xuất của thơ Đường và đã được người Trung Hoa phong là Thi Thánh, một trong tứ thánh của nền văn học cổ điển Trung Hoa (Văn Thánh Khổng Tử, Thi Thánh Đỗ Phủ, Thư thánh Vương Hy Chi, Họa Thánh Vương Duy). Ngày nay Đỗ Phủ đã được tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới.


Theo các nhà Đỗ Phủ học thì Thi Thánh họ Đỗ sinh ra trùng với năm Đường Minh Hoàng lên ngôi. Sau quãng thời gian gần 30 năm trị quốc thành công thì  Đường Minh Hoàng quay ra ham ăn chơi, mê đắm Dương Quý Phi, bỏ bê triều chính để gian thần Lý Lâm Phủ hoành hành. Điều này đã dẫn tới cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn và Sử Tử Minh (mà lịch sử gọi là loạn An-Sử) từ năm 755 tới 764, Lúc cao trào quân nổi loạn đã chiếm được kinh đô Tràng An (tức Tây An bây giờ) khiến Đường Minh Hoàng phải bỏ chạy vào Ba Thục (Tứ Xuyên). Trên đường tháo chạy Đường Minh Hoàng phải nghe theo ý nguyện của quân sỹ giết Dương Quý Phi ở gò Mã Ngỗi. Ba năm sau Đường Túc tông lên ngôi thay Đương Minh Hoàng,  lấy lại Tràng An thì lại xảy ra cuộc xâm lăng của Thổ Phồn từ phương bắc từ năm 767 và kéo dài dai dẳng hàng chục năm sau đó. Chính cái xã hội rối loạn, quan trường nhiễu nhương đó đã có ảnh hưởng hết sức sâu sắc  đến cuộc đời của Đỗ tiên sinh.

Vốn là người học giỏi tài cao, mang theo ý nguyện “phò vua giúp nước”, nhưng thực tế xã hội đã ngăn cản Đỗ tiên sinh thực hiện hoài bão của mình. Ông đã hai lần dự thi tiến sỹ nhưng cả hai lần đều bị đám gian thần đánh trượt vì những lý do phi lý. Lần thứ nhất vì “bài làm hơn tất cả mọi người”, lần thứ hai thì tất cả các thí sinh đều bị đánh trượt do quyết định của  tể tướng Lý Lâm Phủ. Tể tướng họ Lý muốn chứng minh với vua Đường rằng mình là người sáng suốt, rằng tất cả những bạc hiền tài đã được sử dụng hết rồi, trong thiên hạ không còn ai nữa. Sau này Đỗ Phủ cũng có thời gian ngắn giữ những chức quan nhỏ nhưng rất “trái khuáy”  như quan coi kho vũ khí…khiến ông nhanh chóng từ quan. Và cái đói, cái rét, cái nghèo cứ bám chặt cuộc đời Đỗ tiên sinh khiến ông long đong lật đật lưu lạc khắp nơi trong khói lửa binh đao, trong thiên tai lũ lụt, trong xã hội đầy rẫy những thối nát.
Tháng 12-768 Thi thánh họ Đỗ cô đơn với bệnh tật đầy người chạy loạn tới hồ Động Đình (thuộc tỉnh Hà Nam bây giờ) trên một chiếc thuyền con rách nát. Nhưng cũng chính vì thế mà ông đã có dịp lên lầu Nhạc Dương. Đây là một ngôi lầu nổi tiếng  nằm ở cửa tây thành Nhạc Dương, nhìn xuống hồ Động Đinh do Đại đô đốc của Đông Ngô là Lỗ Túc  xây dựng từ thời Tam Quốc (220-280), một trong  Giang Nam tam đại danh lâu (gồm Hoàng hạc Lâu, Đằng Vương các và Nhạc Dương Lâu). Cuộc gặp gỡ “hữu duyên” giữa một đại danh thắng với một đại thi nhân đã cho ra đời bài thơ nổi tiếng: Đăng Nhạc Dương lâu:

Tích văn Động Đình thuỷ, 
Kim thướng Nhạc Dương lâu. 
Ngô Sở đông nam sách, 
Càn khôn nhật dạ phù. 
Thân bằng vô nhất tự, 
Lão bệnh hữu cô chu.
Nhung mã quan san bắc, 
Bằng hiên thế tứ lưu.
Bản dịch của Tản Đà:
Động Đình nghe tiếng từ xưa,
Mà đây lầu Nhạc bây giờ mới lên. 
Đông, Nam, Ngô, Sở tách miền
Mênh mang trời đất ngày đêm 
bềnh bồng. 
Bạn bè một chữ vẫn không, 
Thân già đa bệnh chiếc bồng lẻ loi. 
Bắc phương giặc giã rối bời, 
Bên hiên đứng tựa, sụt sùi lệ sa.

Ở đây suy tư của tác giả có vẻ như rất mâu thuẫn. Tác giả không hề muốn trực tiếp thể hiện tấm lòng “ái quốc ưu dân”,  mà lại mở đầu bằng việc kể lể về sự khốn khổ của mình và của gia đình đang phải chịu đựng. Nhưng sự khốn khổ của bản thân và gia đình  lại không hề khiến cho tác giả quá đau lòng, thậm chí lúc ban đầu nó lại từ vui mà đến. Chỉ tới cuối cùng khi nghĩ tới vận mệnh của quốc gia, mới nước mắt ròng ròng. Tại sao lại như vậy? Đó phải chăng là vì tác giả là một người sống trong cuộc sống khốn khó của người dân nên toàn bộ tư tưởng và cảm xúc đều bắt nguồn từ cuộc sống thường nhật, bắt nguồn từ những thể nghiệm bản thân mình. Không những thế tác giả còn là một thi nhân “tâm hoài thiên hạ” (trái tim hướng về mọi người) nên trái tim ấy không chỉ vượt qua không gian nhớ tới “quan ải bắc” mà còn vượt thời gian để nghĩ tới tương lai. “Quốc phá gia tiên vong, gia vong nhân tiên tán” (Nước mất thì nhà tan trước tiên, nhà tan thì người ly tán trước tiên). Bây giờ đây “cái thân tôi” đã không còn chỗ trú chân, thì trong tương lai liệu quốc thổ có còn toàn vẹn hay không? Hiện nay người nhà, bạn bè của “cái thân tôi” bị ly tán khắp nơi thì trong tương lai  cái đất nước này, dân tộc này sẽ đi đâu về đâu? Từ đó có thể thấy nước mắt của tác giả chính là nước mắt xót thương cho nước nhà đang gặp nạn, làm thức tỉnh mọi người, cảnh báo thời cuộc, làm tăng lòng trắc ẩn về những mối nguy cơ và sự bức bối, để đến thời khắc cuối cùng có thể đủ sức thay đổi thời cuộc. Cái độ đau khổ không ngừng tăng cấp này từ cổ chí kim chỉ có thể có được ở Thi thánh Đỗ Phủ mà thôi. Và chỉ với bài thơ ngũ ngôn “Đăng Nhạc Dương lâu” này đã cho người đời thấy được cái độ mặn chát tột cùng cũng như sự quý báu tột cùng của tấm lòng người thi sỹ “ái quốc ưu dân”.

Không những thế, một cách rất tự nhiên là đọc Đăng Nhạc Dương lâu  khiến người ta liên tưởng tới hai bài thơ nổi tiếng khác cùng có bóng dáng của những tòa lâu đài nổi danh thiên hạ là Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu (704-754) và Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài của Lý Bạch (701-762). Sự liên tưởng này xuất hiện vì những lý do rất ý vị và sâu xa.
Nếu như Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu kể về chuyện chim hoàng hạc (một loài chim tượng trưng cho sự trường tồn) đã bay đi để lại nỗi nhớ nhà (quê hương) da diết thì Đăng Kim lăng Phượng Hoàng đài của Lý Bạch cũng nói về một loài chim đã bay đi, nhưng đó là chim Phượng Hoàng, vua của các loài chim. Nỗi nhớ của Phương Hoàng để lại là nỗi nhớ  và cả sự trăn trở về sự tồn vong  quốc gia (đất nước). Như vậy có thể nói mối quan hệ trong Hoàng Hạc lâu là mối quan hệ Nhân-Gia (Người – Quê Hương), còn mối qua hệ trong Phượng Hoàng đài là mối quan hệ  Nhân – Quốc (Người – Tổ Quốc)         

Và sự liên tưởng ấy  sẽ càng thú vị  hơn nếu ta mở rộng sự liên tưởng những vấn đề tưởng như không có sự liên quan nào nhưng thật ra lại rất nhạy cảm giữa nội hàm và ngoại hàm, giữa cạnh tranh và hợp tác, giữa thán phục và đố kỵ … trong mỗi bài thơ của mỗi thi nhân. Một minh chứng rõ ràng cho điều này, như sử sách đã từng ghi lại, rằng  có một lần đứng trên lầu Hoàng Hạc, Lý Bạch đã không ngần ngại tự  “hạ mình”  thốt lên rằng: “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc, Thôi Hiệu đề thơ tại thượng đầu” (Phong cảnh trước mắt không nói được. Vì đã có thơ Thôi Hiệu ở trên đầu). Về sự kiện này Kim Thánh Thán đã có lời bình rằng: “Làm thơ không nhiều mà có thẻ khiến cho Lý Bạch phải gác bút thì (Thôi Hiệu) đúng là bậc đại trượng phu trong rừng bút vậy”. Nói như thế để thấy Hoàng Hạc lâu hay biết đến chừng nào! Nhưng rồi không lâu sau đó khi tới thăm Phượng Hoàng đài,  Lý Bạch đã viết bài  “Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài”, bài thơ trác tuyệt với  ý tứ sâu xa, ngôn từ tự nhiên và điêu luyện khiến hậu thế phải giật mình. Với tâm thế  “khinh kinh tiêu tiêu, thanh sắc bất lộ” (nhẹ nhành thoải mái, thanh sắc không lộ ra ngoài), Lý tiên sinh đã sử dụng luật thơ, âm vận mà Thôi Hiêu đã sử dụng trong bài Hoàng Hạc lâu, nhưng nếu chỉ cần xết về chiều sâu của lịch sử và biên giới tư tưởng thì rõ ràng đã phát triển vượt bậc so với Hoàng Hạc lâu. Với Thôi Hiệu thì đó là “Nhật mộ hương quan hà xứ thị. Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Chiều xuống quê hương đâu chẳng thấy. Khói sóng trên sông  não dạ người”, còn với Lý Bạch thì là “Tổng vi phù vân năng tế nhật. Tràng An bất kiến sử nhân sầu” (Nỡ để mây đùn che vầng sáng. Trường An chẳng thấy não dạ người) đã cho thấy việc không đề thơ trên lầu Hoàng Hạc của Lý tiên sinh hoàn toàn chỉ vì tôn trọng người đề thơ trên lầu Hoàng trước mình chứ không phải do mình không làm nổi thơ hay, mà có khi lại có phần hơn.

Nhưng nếu như “đường lang bố thiền”  (bọ ngựa rình bắt ve sầu) thì lại có “hoàng tước tại hậu” (Chim sẻ ở đằng sau lại rình bắt bọ ngựa). Nếu như thi tiên Lý Bạch có bài “Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài” sau khi đã lên Hoàng Hạc lâu nhưng không đề thơ vì  đã có “Thôi Hiệu đề thơ tại thượng đầu” thì Thi thánh Đỗ Phủ cũng lại có bài  “Đăng Nhạc Dương lâu”. Và Thi thánh Đỗ Phủ  đã đem “minh nhượng âm tranh” (ngoài thì nhường nhịn nhún nhường nhưng trong thì tranh đua quyết liệt) giữa hai đại thi nhân Thôi – Lý mà “khán tại nhãn lý, kí tại tâm gian” (xem chính tận mắt, ghi tận trong tim), mà dựa vào việc sử dụng luật về âm vận vốn giống nhau tại Đường thi để viết ra “Đăng Nhạc Dương lâu”. Nhưng ở đây thay vì thơ “thất ngôn bát cú” (thất luật) như trong hai bài của Thôi-Lý, Đỗ Phủ đã dùng thể thơ “ngũ ngôn” (ngũ luật), đồng thời đã tăng (trùng điệp) sự hiện diện của “gia” (nhà) và “quốc” (nước) một cách tuyệt mỹ thể hiện mối quan hệ sâu sắc giữa “nhân” (người) với “gia” và “quốc” . 

Điều này có thể thấy ngay nếu ta  thử làm một chút so sánh có thể thấy sự tương đồng về nội hàm giữa 2 câu thơ “Ngô, Sở đông nam sách, Càn khôn nhật nguyệt phù” (trong bài Đăng Nhạc Dương lâu của Đỗ Phủ) và câu thơ “Ngô cung hoa thảo mai u kính, Tấn đại y quan thành cổ khâu, Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại, Nhị thủy trung phân bạch lộ châu” (trong bài Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài của Lý Bạch). Cả hai đại thi sỹ đều từ hai góc độ là lịch sử và hiện thực mà ngầm chỉ ra sự phân liệt và thậm chí là sự diệt vong của quốc gia. “Đông Nam sách” tức là ngầm chỉ sự phân chia Nam-Bắc để tránh phải nói thẳng là “Nam Bắc phân liệt”. “Càn khôn nhật nguyệt phù” không chỉ là nói “đang rơi xuống lưng chừng”, đến giữa rồi, mà hơn thế nữa muốn cảnh báo cái họa điên đảo của trời đất, tức là của quốc gia, sẽ dẫn tới sự đắm chìm của cả dân tộc. Về ý tứ nó tương đồng với câu “Tràng An bất kiến sử nhân sầu”: Kinh đô tìm không thấy, quốc gia còn có thể tồn tại được chăng? Tiếp đó là sự tương quan gĩữa  “Thân bằng vô nhất tự, Lão bệnh hữu cô chu” trong Đăng Nhạc Dương lâu với “không dư Hoàng hạc lâu”, “không du du” và “nhật mộ hương quan hà xứ thị” trong bài Hoàng Hạc lâu thì sẽ thấy sự gần gũi là rất rõ ràng. Tuy nhiên cái nỗi “hương sầu” của Thôi Hiệu là nỗi sầu “đạm đạm du du” (mờ mờ ảo ảo), còn “hương sầu” của Đỗ Phủ là nỗi sầu “thê thê thảm thảm”.    

Có thể nói rằng  chỉ với bài ngũ ngôn Đăng Nhạc Dương lâu  Đỗ Phủ đã kết hợp một cách hoàn hảo  mối tương quan “Nhân-Gia” của Thôi Hiệu và “Nhân-Quốc” của Lý Bạch để hình thành mối liên quan thống nhất  “NHÂN-GIA-QUỐC). Chính vì thế  Đăng Ngạc Dương lâu  đã trở thành chiếc cầu hoàn mỹ nối kết hài hòa giữa Hoàng Hạc lâu với Đăng Phượng Hoàng đài cũng tức là xóa bỏ sự “xa cách” giữa hai thi sĩ Thôi-Lý. Phải chăng đó  cũng là một trong những lý do mà người đời đã phong Thánh cho thi sỹ họ Đỗ. Và cũng  có thể đó là lý do giúp cho hậu thế  nhìn ra được cái bí mật  từ Thôi Hiệu đến Lý Bạch, từ Lý Bạch đến Đỗ Phủ  để  cho ra đời những thiên tài và những  tác phẩm thiên tài chăng?

Theo Nguyễn Tiến Cừ (sưu tầm và giới thiệu) – Văn nghệ
Exit mobile version