Dương Tất Từ bộc bạch: “Một khi đã đam mê văn học thì chỉ nên vì văn học, chẳng nên tính toán một cái gì khác. Nói như Xuân Diệu thì đúng là “Cơm áo không đùa với khách thơ” thật! Không thể sống bởi nó nhưng lại có thể hết lòng vì nó. Đó là suy nghĩ về nghề văn của một nhà thơ mà tôi thấy mình cần phải chia sẻ”…
1. Những “Ruồi trâu” của E. L. Voynich, “Viết dưới giá treo cổ” của J. Fucik, “Thép đã tôi thế đấy” của A. Ostrovsky, “Bất khuất” của Nguyễn Đức Thuận, “Sống như anh” của Trần Đình Vân từng là sách gối đầu giường, từng có ảnh hưởng lớn về mặt lý tưởng của nhiều thế hệ trẻ Việt Nam trong một khoảng thời gian dài.
Cả mấy cuốn sách này, tôi được đọc từ hồi niên thiếu, khi đi sơ tán và là học sinh của Trường cấp 2 Thống Nhất (Thường Tín, Hà Tây) vào cuối những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỷ trước do cô giáo trẻ, dạy môn Kỹ thuật nông nghiệp Nguyễn Thu Phong cho mượn. Mỗi khi đưa sách cho tôi, cô giáo Phong thường nói một câu gần như là cửa miệng: “Những cuốn sách này đã chuyền tay nhiều người. Khi đọc, em nhớ giữ gìn, đừng để sách quăn queo, nhầu nát. Nhưng quan trọng hơn cả là em hãy đọc chúng để suy ngẫm và sống…”.
Và ở trang đầu những cuốn sách này, bao giờ tôi cũng bắt gặp dòng chữ của cô giáo mình: “Cuốn sách quý giá của đời tôi”. Bây giờ mà có một người yêu sách, quý sách và học những tấm gương sống qua sách một cách tự nguyện, chân thành và trong sáng như cô giáo Phong thì thật hiếm hoi!
Dịch giả Dương Tất Từ.
Mãi sau này, tôi mới hay: Trong số những cuốn sách trên, việc chuyển ngữ “Viết dưới giá treo cổ” có nhiều tình tiết rất đáng nhớ. Năm 1950, nó được dịch lần đầu tiên qua tiếng Trung của dịch giả Trần Công. Đầu những năm 1960, nó được dịch qua tiếng Pháp của dịch giả Phạm Hồng Sơn. Thời gian này, dịch giả Phạm Hồng Sơn vẫn đang điều trị trong bệnh viện và ông dịch “Viết dưới giá treo cổ” đương nhiên là trên giường bệnh.
Phạm Hồng Sơn là một dịch giả có nghị lực phi thường và là một tấm gương sống cũng phi thường. Ông nguyên là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Anh hùng 307 nổi tiếng thời chống Pháp. Khi không may lâm bệnh, ông đã tự học thêm và tự nâng cao trình độ ngoại ngữ (tiếng Pháp và tiếng Nga) và coi sự dịch sách là những cống hiến đầy ý nghĩa cuối cùng của đời mình.
Ở một chừng mực đáng kể, Phạm Hồng Sơn rất gần với người anh hùng, nhà văn Xô Viết Gaiđa. Khi bị một vết thương khá nặng đến nỗi không còn đủ sức ở trong quân ngũ, Gaiđa đã phấn đấu trở thành nhà văn và ông coi sự viết cũng là những dịp đến với chiến trận theo cách của ông. Tác phẩm “Timua và đồng đội” của ông đã được nhiều độc giả nhỏ tuổi của nhiều quốc gia, trong đó có nhiều độc giả nhỏ tuổi Việt Nam một thời đặc biệt quan tâm, yêu thích.
Sau khi gần như là hoàn thành bản dịch “Viết dưới giá treo cổ”, đã có các cuộc gặp gỡ đáng nhớ giữa Phạm Hồng Sơn và Dương Tất Từ – người có 6 năm (1955 – 1961) theo học Khoa Ngôn ngữ ở trường Đại học Tổng hợp Praha Tiệp Khắc (CH Séc hiện nay). Đây là một sự kết nối rất có duyên giữa hai người yêu văn chương, tâm huyết với văn chương, mong muốn làm được một điều gì đó vì văn chương. Sau đó, Dương Tất Từ đã nhiệt tình đối chiếu, hiệu đính tác phẩm này qua nguyên bản tiếng Tiệp. Đến năm 1966, “Viết dưới giá treo cổ” được xuất bản lần thứ hai qua bản dịch của Phạm Hồng Sơn và Dương Tất Từ.
Rồi Dương Tất Từ cũng “thành danh” từ đó với tư cách là một dịch giả tiếng Tiệp sớm nhất ở Việt Nam.
Đến năm 1975, Dương Tất Từ tự mình dịch lại “Viết dưới giá treo cổ” và được ấn hành với tira cả vạn bản với lời tựa của nhà thơ Tố Hữu.
2. Tính đến nay, Dương Tất Từ đã dịch 15 tác phẩm văn học – một mảng tinh hoa của nền văn học và văn hóa châu Âu, từ tiếng Tiệp sang tiếng Việt. Riêng về thơ, ông đã có công giới thiệu một cách đầy đủ, có hệ thống… đủ để độc giả hình dung, nắm bắt được bề dày và tinh hoa thơ Tiệp. Đó là nhà thơ tiêu biểu V. Nezval nhà thơ đoạt giải Nobel J.
Seifert và các nhà thơ khác: Holan, Zavada, Urbankova… Theo ông, thơ J. Seifert là bằng chứng về tinh thần độc lập và đa dạng của con người. Thơ J. Seifert cũng là thứ thơ sáng rõ đến trong suốt mà vẫn phức tạp, đa nghĩa. Nhưng điều quan trọng hơn cả là ông đã sử dụng ngôn ngữ thơ như vũ khí hữu hiệu trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc mình. J. Seifert rất tin vào sức mạnh mầu nhiệm của thi ca: “Tôi biết có những vần thơ mãnh liệt/ Như lời thần chú nơi địa ngục/ Có sức lật đổ cả cánh cổng thiên đường…”.
Bằng việc chuyển ngữ tập thơ “Thiên đường quá khứ” của M. Cernik, ra mắt bạn đọc qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2007, một lần nữa, Dương Tất Từ đã góp phần giới thiệu thêm một phần của thơ đương đại Tiệp Khắc. Nhiều bài thơ, trong đó có “Triết lý cỏ cây” thật sâu sắc và có sắc màu triết lý: “Những ngọn cỏ dù bao lần giẫm đạp/ Chúng bao giờ cũng gượng lại như xưa/ Dù bao lần ngươi ta cắt xén, sang sửa/ Cỏ lại mọc lên những mầm non xanh tươi/ Cỏ cây và nhân loại/ Luôn phục sinh sau cái chết liền hồi…“.
Tác phẩm mới nhất của Dương Tất Từ là tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Tiệp, được xuất bản năm 2011, qua Nhà xuất bản Kính viễn vọng. Cách nay hơn nửa thế kỷ, năm 1961, trước khi rời mái trường đại học ở Praha, Dương Tất Từ đã cùng với nhà thơ J. Noha hợp tác thực hiện việc này. Sau khi J. Noha mất đến nửa thế kỷ, Dương Tất Từ vẫn giữ bản thảo, rồi mới cẩn trọng công bố. Đây cũng là bản dịch “Nhật ký trong tù” mới nhất hiện nay.
Vì những lẽ ấy nên Dương Tất Từ đã một lần được trao giải của Hội Nhà văn Tiệp vào năm 2009 và một lần được trao giải liên minh các nhà văn Cộng hòa Séc vào năm 2015. Ngoài ra, ông còn được Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc và Thượng viện quốc hội Cộng hòa Séc trao kỷ niệm chương “Vì sự cống hiến xuất sắc trong lĩnh vực văn hóa”.
Bởi vậy, cũng không phải vô cớ mà TS triết học, nhà Việt Nam học I. Klinderova từng phát biểu: “Chúng ta, những người Tiệp, cần đánh giá đầy đủ công lao của nhà Tiệp học Dương Tất Từ – người đã làm việc không mệt mỏi để cống hiến cho việc dịch thuật. Cả cuộc đời ông đã đam mê với việc giới thiệu, quảng bá nền văn học của chúng ta. Sự nỗ lực của ông khiến cho độc giả Việt Nam có điều kiện tìm hiểu cái đẹp của tâm hồn Tiệp. Ông là người bạn lớn của nước Tiệp. Ông đã coi Tiệp là là quê hương thứ hai của ông…”.
Dịch giả Dương Thị Châu Lan (ngoài cùng bên trái) thay cha đến nhận giải thưởng cho những cống hiến của cha trong việc đưa văn học Séc tới bạn đọc Việt Nam.
3. Dương Tất Từ bộc bạch: “Một khi đã đam mê văn học thì chỉ nên vì văn học, chẳng nên tính toán một cái gì khác. Nói như Xuân Diệu thì đúng là “Cơm áo không đùa với khách thơ” thật! Không thể sống bởi nó nhưng lại có thể hết lòng vì nó. Đó là suy nghĩ về nghề văn của một nhà thơ mà tôi thấy mình cần phải chia sẻ”.
Rồi ông nêu ví dụ: “Tôi từng chuyển ngữ “Ngôi nhà trên thiên đường” của I. Hubăc – một trong 100 kiệt tác của sân khấu thế giới và được Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn. Cuối cùng, chỉ được trả công bằng 6 cái giấy mời đi xem vở kịch với tư cách dịch giả. Vậy, nếu không tìm ra ý nghĩa và niềm vui của việc mình làm, liệu có cần phải vất vả, cực nhọc đến thế không?”.
Nhìn lại mảng hoạt động xã hội của mình, Dương Tất Từ bảo: “Tôi cũng có nhiều dịp được làm phiên dịch, làm cầu nối ngôn ngữ trong những lần những nhà lãnh đạo nước ta gặp gỡ, tiếp xúc với những nhà lãnh đạo Tiệp Khắc, trong đó nhiều lần có vinh dự và may mắn được phục vụ Bác Hồ. Đó là những kỷ niệm sâu sắc của đời tôi”.
Về chuyện tình duyên và sở thích của Dương Tất Từ, nhà thơ Vũ Từ Trang kể: “Anh ấy có người bạn đời vốn là hoa khôi của Hiệu sách Quốc văn Tổng hợp có tiếng của Hà Nội trong nhiều năm. Thời gian tìm hiểu và quen biết được với người đẹp, dễ thường anh ấy phải đi mòn vài cặp lốp Fa-vô-rit (tên một nhãn hiệu xe đạp có tiếng của Tiệp Khắc một thời), chứ không ít hơn đâu. Anh ấy có ba sở thích rất khó thay đổi: Dịch sách văn học, chụp ảnh và đi xe đạp. Riêng ở lĩnh vực nhiếp ảnh, anh ấy đã có đến hai lần tổ chức triển lãm riêng đấy”.
Theo Dương Tất Từ thì: “Người Tiệp họ hào hoa, lịch lãm và quý người lắm. Nền văn hóa của họ cũng có nhiều nét hấp dẫn lắm, khác lạ lắm. Vì thế mà tôi mới dành gần như cả đời mình để “dấn thân như vậy”. Không biết có phải vì chịu ảnh hưởng môi trường Tiệp nói chung mà Dương Tất Từ luôn là một người hào hoa, lịch lãm và quý người?
Ở tuổi 81, Dương Tất Từ sống khá tùng tiệm và vẫn dành thời gian dịch sách. Hiện ông đang hoàn thiện bản thảo hai cuốn sách: “Tuyển 50 bài thơ hay nhất Tiệp Khắc”, “Đất nước và con người Tiệp Khắc” để chuẩn bị xuất bản trong tương lai gần.
Trước khi chia tay tôi tại một căn hộ đã “xuống mã” dần theo thời gian ở khu tập thể Trung Tự, ông nói: “Số dịch giả tiếng Tiệp ít lắm. Nếu kể tên thì chỉ đủ năm ngón tay trên một bàn tay mà thôi. Ngoài tôi còn có: Lương Duyên Tâm, Đỗ Ngọc Việt Dũng, Nguyễn Thị Mùi và Dương Thị Châu Lan. Nhân đây, tôi cũng nói thêm: Dương Thị Châu Lan là dịch giả một số tác phẩm như “Truyền thuyết và cổ tích Séc”, “Truyền thuyết Praha”… và là con gái tôi. Vậy là tôi đã có “truyền nhân” rồi đó!”.
Đặng Huy Giang – Văn nghệ công an