Chúng ta đang sống trong thời đại mà nhu cầu chính đáng về vật chất cũng như tinh thần của con người đang không ngừng tăng lên, đặc biệt là khi xu thế hội nhập và giao lưu văn hóa ngày càng sâu rộng. Hơn lúc nào hết, trách nhiệm nặng nề và thiêng liêng đang đặt ra đối với văn nghệ sĩ là đưa tài năng và tâm huyết của mình sáng tạo nên những tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT) có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao để đáp ứng một phần nhu cầu tinh thần của công chúng.

Nói riêng trong lĩnh vực văn học, những năm đầu thế kỉ XXI, đang có những thay đổi rất đáng quan tâm. Thay đổi trong cách tiếp cận hiện thực. Thay đổi về phương thức biểu hiện. Về thơ, có thể kể đến những tác phẩm được dư luận đánh giá tốt như Hạt dẻ thứ tư (Tuyết Nga), Dòng sông cháy (Bảo Chân), Những ngôi sao hình quang gánh (Nguyễn Phan Quế Mai), Bầu trời không mái che (Mai Văn Phấn), Châu thổ (Nguyễn Quang Thiều), Sông trôi không lời (Lê Thành Nghị), Sóng và khoảng lặng (Từ Quốc Hoài), Những kỉ niệm tưởng tượng (Trương Đăng Dung), Màu tự do của đất (Trần Quang Quý), Bơ vơ đông đảo (Việt Phương), trường ca Metro và Trường ca chân đất (Thanh Thảo), Ngày linh hương nở sáng (Đinh Thị Như Thúy), Giờ thứ 25 (Phạm Đương)… Nhưng cũng phải thừa nhận, nhìn toàn cục, thơ nghiệp dư, thơ phong trào đang có xu thế lấn át. Thơ đang phát triển bề rộng mà chưa có nhiều sự kết tinh, lắng đọng. Về văn xuôi, có thể kể, đề tài chiến tranh có Vùng lõm (Nguyễn Quang Hà), Mùa hè giá buốt (Văn Lê), Cửa thép (Nguyễn Đức Thiện), Đêm Sài Gòn không ngủ (Trầm Hương), Thượng Đức (Nguyễn Bảo), Xuân Lộc (Hoàng Đình Quang), Phòng tuyến sông Bồ (Đỗ Kim Cuông), Chân trời mùa hạ (Hữu Phương), Đối chiến (Khuất Quang Thụy), Lính trận (Trung Trung Đỉnh)…; đề tài lịch sử có Hội thề (Nguyễn Quang Thân), Minh sư (Thái Bá Lợi), Mẫu thượng ngàn (Nguyễn  Xuân Khánh), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Mạc Đăng Dung (Lưu Văn Khuê)…; đề tài xã hội, trong đó nổi lên cảm hứng phân tích những mặt tiêu cực của cuộc sống hôm nay, có Lửa đắng (Nguyễn Bắc Sơn), Chạy án (Nguyễn Như Phong), Quyên (Nguyễn Văn Thọ), Cánh đồng bất tận, Sông (Nguyễn Ngọc Tư), Giữa dòng chảy lạc (Nguyễn Danh Lam), Thức giấc (Thùy Dương), Xuân Từ Chiều (Y Ban), Thần thánh và bươm bướm (Đỗ Minh Tuấn), Heo may về (Đỗ Thị Hiền Hòa), Lỏng và tuột (Trần Đức Tiến), Thành phố đi vắng (Nguyễn Thị Thu Huệ), Thế giới xô lệch (Bích Ngân), 3.3.3.9 Những mảnh hồn trần (Đặng Thân)…; đề tài cải cách ruộng đất có Cuồng phong (Nguyễn Phan Hách), Thời của thánh thần (Hoàng Minh Tường), Biết đâu địa ngục thiên đường (Nguyễn Khắc Phê)… Trong những tác phẩm kể trên, có nhiều tác phẩm phản ánh khá sắc sảo hiện thực, nắm bắt và phơi bày những tiêu cực của cuộc sống, nhất là những va chạm quyết liệt giữa cá nhân và tập thể, phân tích cặn kẽ những mặt khuất lấp của đời sống hiện thực, nhưng một lối thoát tinh thần cho sự ngột ngạt ấy còn chưa được dày công suy ngẫm. Hiện thực mới chỉ là những cái nhìn thấy, thiếu cái nghĩ thấy, thiếu cái rút ra từ những gì nhìn thấy. Bởi vậy, đọc xong những tác phẩm này, cái thừa là những nhức nhối của hiện thực, cái thiếu là một hướng đi tinh thần mang dấu ấn thời đại, là tính tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm, là sức lay chuyển tinh thần, khả năng làm xáo trộn nhận thức và tình cảm của người đọc. Bất cứ một tìm tòi nghệ thuật nào thì điểm dừng cuối cùng phải là tâm hồn người đọc. Đó chính là mục tiêu xây dựng con người mà VHNT có sứ mệnh vươn tới. Trong hơn mười năm qua, có không nhiều tác giả mới, ra mắt công chúng mà có thể tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong đời sống tinh thần như ở những giai đoạn trước, kể cả giai đoạn chiến tranh. Có thể đang có một sự ngưng đọng, trì trệ, lúng túng nhất định nào đó, cản trở sự bứt phá của văn nghệ sĩ.

Có phải nguyên nhân nằm ở vấn đề tự do sáng tác? Kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI, với khẩu hiệu “cởi trói”, tiếp đến là Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị (1987), Cương lĩnh xây dựng đất nước (1991), Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa VII), Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X)… càng ngày vấn đề tự do sáng tác càng được đề cập đến một cách rất thỏa đáng: Tự do là điều kiện sống còn để tạo nên giá trị đích thực trong văn hóa, văn nghệ để phát triển tài năng, hay Bản chất quyền tự do sáng tác của văn nghệ sĩ nằm trong sự nghiệp do Đảng lãnh đạo và được quy định bởi trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người đối với Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 2006, tập 48, các trang 484, 485). Trên thực tế, phải thừa nhận, không có bất cứ lãnh địa nào mà văn nghệ sĩ không được trực tiếp phản ảnh, miêu tả, kể cả những lĩnh vực nhạy cảm như cải cách ruộng đất, đồng tính, sex… Hiển nhiên cần phân biệt, không một thể chế chính trị nào, cũng như không một nghệ sĩ có lương tri, lương tâm nào lại tự cho phép mình cổ vũ cho lối sống thấp hèn, ca ngợi bạo lực, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc… Như vậy là từ đường lối chính sách đến thực tế công việc, tự do sáng tác đã không còn là mối bận tâm, không còn là rào cản đối với người nghệ sĩ.

Có phải nguyên nhân từ những khó khăn kinh tế? Nền kinh tế của đất nước từ đầu thế kỉ XXI đến nay, tuy trải qua rất nhiều khó khăn nhưng so với nhiều giai đoạn trước, chưa phải là đáng kể. Lịch sử văn học đã chứng minh, nhiều tài năng xuất chúng đã tỏa sáng trong những điều kiện kinh tế ngặt nghèo. Có nghĩa là, trong lĩnh vực sáng tạo VHNT, đời sống kinh tế tuy hết sức quan trọng, nhưng chưa phải là yếu tố quyết định tuyệt đối sự xuất hiện của những tác phẩm lớn, những tài năng lớn.

Có phải nguyên nhân từ lí luận phê bình (LLPB)? Từ thực tế của đời sống VHNT, LLPB phải vừa làm nhiệm vụ theo dõi, bao quát, phát hiện, cổ vũ, khẳng định cũng như phê phán kịp thời những biểu hiện tích cực và tiêu cực của sáng tác, trên cơ sở đó hướng dẫn, soi đường cho sáng tác. Một nền LLPB với những đòi hỏi cao như vậy đang có khoảng cách khá xa so với thực tế của hoạt động này. Cụ thể, LLPB của ta hôm nay còn lúng túng trước sự phát triển của VHNT. Trong văn học đã có những tác giả thay đổi cách viết, có thể là theo những thủ pháp khác nhau, nhưng lí luận chưa kịp thời chỉ ra những điểm yếu, điểm mạnh, điểm cần khuyến khích, điểm cần tránh của những thủ pháp nghệ thuật này. Chúng ta đã dịch nhiều lí thuyết về VHNT của phương Tây, nhưng thiếu một sự vận dụng những mặt khả dĩ tiến bộ của chúng để lí giải thực tế sáng tác trong nước. Bởi vậy, có thể nói lí luận đang xa rời thực tế đời sống, và hiển nhiên chưa làm tốt vai trò của mình. Phê bình cũng có tình trạng không bao quát được sáng tác, chưa phát huy được vai trò định hướng dư luận, “hướng đạo” sáng tác. Cho nên, cũng có thể nói, VHNT hôm nay chưa có nhiều tác phẩm hay một phần trách nhiệm thuộc về LLPB.

Có phải nguyên nhân từ tâm thế của thời đại? Đời sống xã hội cũng như đời sống VHNT hôm nay đang có nhiều biểu hiện không bình thường. Thí sinh đại học quay lưng với các ngành học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Hàng vạn tập thơ in ấn rất đẹp, có những tập được quảng cáo rất ồn ào, nhưng nhanh chóng rơi vào ế ẩm. Sân khấu không mấy khi sáng đèn, nếu có sáng bởi một vài buổi hài kịch cũng chóng vánh gây nhàm chán. Âm nhạc với những ca từ rẻ tiền, những trang phục lố lăng của người biểu diễn, xa lạ với truyền thống văn hóa và thuần phong mĩ tục của dân tộc. Mĩ thuật tràn lan những tranh chép, tranh nhái một cách vô tội vạ phục vụ những thị hiếu thấp. Phim trường, cả tư nhân và quốc doanh, nội dung không có gì nổi bật, không kéo được khán giả đến rạp, vì thế không có lãi, thậm chí có nhà làm phim đang sạt nghiệp… Tình trạng nghiệp dư, ăn xổi, muốn nhanh chóng nổi tiếng mà không phải dày công tu luyện, muốn dùng công nghệ quảng cáo để đi tắt, muốn có thu nhập mà không phải lao động, muốn câu khách bằng những trò giật gân… đang ngày một gia tăng. Hình như có sự chuyển đổi giá trị ngoài mong muốn mà cơ chế thị trường mang tới làm cho cái thực dụng lên ngôi, thôn tính dần cái đẹp vốn không có khả năng tự vệ. Phải chăng, tình trạng trên đây đã làm cả giới văn nghệ sĩ lúng túng, mệt mỏi? Người giàu tâm huyết, có kinh nghiệm có thể đang bị ràng buộc bởi thói quen, nếp nghĩ cũ, không theo kịp cơ chế mới. Nhiều cây bút trẻ có thể nhận thức chưa chuẩn xác về động cơ, lại cộng thêm áp lực về thu nhập nên chưa hết mình trong sáng tạo, cho ra đời những sáng tác vội vàng mang giá trị trung bình, hoặc sa vào những lối đi rối rắm của những cái gọi là thủ pháp hiện đại, hậu hiện đại. Có phải tình trạng đó đã làm nền văn học của chúng ta hôm nay đang thừa sách mà thiếu tác phẩm hay, thừa sự làng nhàng nông cạn mà thiếu chiều sâu chưng cất, chọn lọc, thừa sự dễ dãi mà thiếu sự công phu, nghiền ngẫm, thừa giá trị ảo mà thiếu những đỉnh cao đích thực?

Cần phải thừa nhận thực tế đang có sự phân hóa sâu sắc trong cộng đồng chủ thể tiếp nhận VHNT. Đấy là sự phát triển lành mạnh. Độc giả của văn học cũng như khán, thính giả của các môn nghệ thuật khác đang được tiếp cận với những trào lưu và phong cách nghệ thuật khác nhau của thế giới mà chủ trương hội nhập mang lại. Sự phân hóa trong nhận thức, trong tiếp nhận thẩm mĩ là tất yếu, đúng quy luật. VHNT đang đứng trước những chủ thể tiếp nhận có trình độ cao, ham thích nghệ thuật đích thực, không hề dễ tính, không thừa nhận những giá trị thấp kém, một lớp người đọc (xem, nghe) có khả năng nhận thức và phê bình VHNT. Tuy nhiên, sự phân hóa dù mạnh mẽ đến đâu, dù một bộ phận chủ thể tiếp nhận “khó tính” đến đâu, thì đòi hỏi của họ cũng không vượt ra ngoài chân – thiện – mĩ, không vượt ra ngoài mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII xác định: Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao thấm nhuần tinh thần nhân văn dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người.

Mĩ học marxist quan niệm VHNT không thể tồn tại nếu xa rời hiện thực cuộc sống khách quan, nhưng hoạt động sáng tạo VHNT còn phụ thuộc vào yếu tố chủ quan, đó là: tài năng, vốn sống, tầm tư tưởng triết học và tình cảm của người nghệ sĩ đối với dân tộc, với con người, với Tổ quốc. Sáng tác là một hoạt động có ý thức, thể hiện tư tưởng và tình cảm của chủ thể sáng tạo. Nghệ sĩ là người gắn bó mật thiết với đời sống của dân tộc, phát hiện ra những ý nghĩa từ cuộc sống đó, những ý nghĩa mang tư tưởng của thời đại, mang tư tưởng nhân đạo, nhân sinh cao cả, mang ý nghĩa triết học sâu xa mà người bình thường không thể phát hiện được, từ đó bằng tài năng của mình xây dựng thành những hình tượng nghệ thuật độc đáo mà trước đó chưa có. Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chiến tranh và hòa bình của L. Tolstoy, Don Quixote của Cervantes, Hamlet của Shakespeare, Faust của Goethe… là những tác phẩm như vậy.

Tư tưởng của một tác phẩm toát ra từ hình tượng nghệ thuật. Hình tượng nghệ thuật phản ảnh thế giới hiện thực, là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, cho nên tư tưởng của tác phẩm không tách rời khỏi tư tưởng, tình cảm của người nghệ sĩ. Rèn luyện để có tư tưởng đúng đắn là trách nhiệm của mỗi văn nghệ sĩ. Bác Hồ từng nói: Để làm tròn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng (Bàn về văn hóa văn nghệ, Nxb Văn hóa-Nghệ thuật, 1963, trang 17). Tác phẩm có tính chân thực nghệ thuật không những mang nội dung hiện thực, mà còn mang nội dung tư tưởng. Nói cách khác, có thể mọi tác phẩm đều có tính hiện thực, nhưng không phải tác phẩm nào cũng có tính chân thực nghệ thuật.

Tư tưởng có giá trị là tư tưởng mang khát vọng của thời đại, phù hợp với nguyện vọng của dân tộc, của nhân dân. Chẳng hạn, tư tưởng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, yêu chuộng hòa bình, khát vọng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh… là những tư tưởng lớn có giá trị lâu dài mà Đảng và Nhà nước ta hằng chủ trương. Nghệ sĩ, những người cầm bút, cầm cọ, cầm máy, bằng sức mạnh đặc thù của nghệ thuật, sáng tạo ra những hình tượng có giá trị tư tưởng cao, chắc chắn sẽ đáp ứng được sự mong mỏi hôm nay của người tiếp nhận.

Nhưng tính tư tưởng của tác phẩm phải đặt trong mối tương quan với tính nghệ thuật-thẩm mĩ. Nghệ thuật là cái đẹp của sự thật. Nếu không tồn tại trong hình thức của cái đẹp chân chính, thì cho dù có thật đến bao nhiêu đi nữa chẳng qua cũng chỉ là sự sao chép giản đơn. Mà sao chép thì có nghĩa là đi ngược lại bản chất của phản ảnh nghệ thuật, hủy diệt nghệ thuật. Cho nên đối với VHNT, tính hiện thực cũng như tính tư tưởng chỉ tồn tại trong tính thẩm mĩ. Ở đây cần mở ngoặc, bất cứ nhà văn, nghệ sĩ nào cũng sáng tác dưới ánh sáng của lí tưởng thẩm mĩ của thời đại. Nó cho phép văn nghệ sĩ không hạn chế mình trước bất cứ một sự thật nào của hiện thực khách quan, miễn là việc phản ánh sự thật đó nhằm để người đọc (xem, nghe) nhận thức được sâu sắc nhất, đầy đủ nhất, bản chất nhất, để hướng họ đến những điều tốt đẹp. Hiểu như vậy để giải thích vì sao có khá nhiều tác phẩm phản ánh những mặt tiêu cực của cuộc sống, mà vẫn không làm lạc hướng công chúng, vẫn được đón nhận trong những năm cuối thế kỉ XX như Thời xa vắng của Lê Lựu, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Tấm ván phóng dao của Mạc Can… bên cạnh những tác phẩm phản ảnh hiện thực chiến tranh với những hoàn cảnh khá đặc thù như Chim én bay của Nguyễn Trí Huân, Bến đò xưa lặng lẽ của Xuân Đức, Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh… Như vậy, hơn bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống, VHNT luôn đòi hỏi ở nghệ sĩ một năng lực thẩm mĩ đặc biệt, một khả năng tưởng tượng phong phú, một vốn liếng ngôn ngữ hơn người, một sự dấn thân chiếm lĩnh hiện thực từ mọi góc độ và chưng cất hiện thực ấy thành tác phẩm mang tính tư tưởng, tính nghệ thuật cao. Hơn mười năm đầu tiên của thế kỉ XXI, nền VHNT của ta không có nhiều những tác phẩm như vậy.

Trên kia chúng ta đã nói đến tự do trong sáng tạo nghệ thuật. Và, điều hết sức quan trọng này đã và đang được hoàn thiện trong đường lối xây dựng một nền văn nghệ mới mà Đảng và Nhà nước ta chủ trương. Vấn đề còn lại thuộc về hai lĩnh vực cũng vô cùng quan trọng khác, có ý nghĩa quyết định để có những tác phẩm có giá trị, đó là tài năng của nghệ sĩ và chính sách (điều kiện) để tài năng ấy phát triển.

Nói đến sáng tạo nghệ thuật là nói đến tài năng. Những người làm công tác sáng tạo nghệ thuật, tuy tầm mức khác nhau nhưng ít nhiều đều có những tài năng, hoặc nói một cách khiêm tốn là có những năng khiếu, những cảm xúc thẩm mĩ. Ngay cả một người bình thường cũng mang trong mình những cảm xúc thẩm mĩ. M. Gorky từng nói, con người bản tính vốn là nghệ sĩ. Nhưng tài năng độc đáo, tài năng để sáng tạo ra những tác phẩm lớn, vượt thời đại, biểu hiện tập trung cao độ ở nghệ sĩ chân chính, thường xuất hiện bí ẩn, không theo quy luật. Mozart từ thuở lên bảy, lên tám đã có thể sáng tác nên những bản giao hưởng hết sức phức tạp, chinh phục hàng triệu người trên thế gian và những bản nhạc ấy vẫn là đỉnh cao của mọi thời đại. Không ai ngờ thiên tài âm nhạc lại tìm trú ngụ ở Beethoven, một đứa trẻ khiếm thính…

Ở nghệ sĩ lớn, tài năng thường đi đôi với trí tuệ lớn vượt thời đại, vượt thời gian, thường là những người có lương tri đặc biệt, cảm nhận sâu sắc số phận của con người, của dân tộc. Và ở nghệ sĩ lớn, tài năng bao giờ cũng đi liền với tình cảm lớn. Thúy Vân trách chị “khéo dư nước mắt khóc người đời xưa”, bởi vì ở Thúy Vân không có tố chất nghệ sĩ. Nghệ sĩ là người bình thường như mọi người, nhưng là người hơn người ở trái tim hết sức nhạy cảm, biết đau cái đau của nhân quần. Nghệ sĩ lớn thường là nhà nhân đạo lớn là vì vậy.

Nhưng dù xuất hiện bất ngờ và bí ẩn đến đâu, tài năng cũng chỉ có thể bắt nguồn từ vốn văn hóa, văn hiến của dân tộc, của nhân loại, từ sự rèn luyện công phu, thường xuyên với một khả năng tinh nhạy trong nắm bắt trí tuệ của nhân loại. Và tài năng còn là sự từng trải, là vốn sống đặc biệt phong phú của bản thân nghệ sĩ. Lê Quý Đôn, một nhà bác học thần đồng từng nói: Muốn văn hay phải hiểu biết và từng trải nhiều. Văn chương chữ nghĩa không phải là lời nói suông. Trong bụng không có ba vạn cuốn sách, trong mắt không có núi sông kì lạ của thiên hạ thì không thể làm văn được (Cha ông ta bàn về thơ văn, Tạp chí Tác phẩm mới, số 57, trang 86). Một tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật chỉ có thể bắt nguồn từ vốn hiểu biết sâu sắc về cuộc sống con người, chỉ có thể là bài học nhân sinh mà tác giả dày công nghiền ngẫm, rút ra từ cuộc sống của con người.

Như vậy, trí tuệ, tình cảm và vốn sống là ba yếu tố quyết định làm nên một tài năng đích thực. Tuy nhiên, một yếu tố khác cũng có thể xem là cốt tử của sáng tạo nghệ thuật, đó là tâm huyết của người nghệ sĩ. Nghệ sĩ sống trong cuộc đời, thông cảm sâu sắc với số phận con người dân tộc mình và thể hiện tình cảm ấy thông qua tác phẩm. Đó là tâm huyết muốn đem tài năng của mình phục vụ nhân dân, đất nước. Trách nhiệm và nghĩa vụ với cuộc sống, với nhân dân, dân tộc mình là đạo lí của người hoạt động nghệ thuật. Đạo lí giúp nghệ sĩ luôn biết đứng về phía nhân dân, dân tộc, bênh vực quyền lợi của nhân dân, dân tộc. Thế gian vẫn không thiếu những tài năng lầm đường lạc lối, đi chệch, đi ngược với lợi ích của nhân dân và dân tộc. Ở đây cần thiết phải mở rộng, nghệ thuật và chính trị không phải là một, nhưng nếu là nghệ thuật chân chính và chính trị tiến bộ, thì đều có chung một mục đích, đó là phụng sự đất nước và nhân dân. Bởi vậy, một nghệ sĩ giàu tâm huyết bao giờ cũng là người nhận biết một cách thông minh những mục tiêu tốt đẹp mà chính trị đang theo đuổi. Tâm huyết cũng là động lực để nghệ sĩ dốc hết sức lực của mình cho tác phẩm. Chúng ta đều biết lao động nghệ thuật là gian nan và cực khổ, là thứ lao động “dĩ tận vi độ” (lấy cái tận cùng làm độ). Có tâm huyết cao, tức là có động cơ nghề nghiệp cao, nghệ sĩ sẽ vượt qua được những gian nan, cực khổ ấy để tận hiến cho nghệ thuật.

Nếu một nghệ sĩ hội tụ đủ những yếu tố trí tuệ, tình cảm, vốn sống và tâm huyết, thiết nghĩ điều kiện để sáng tác những tác phẩm mang giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao đã được thiết lập. Những yếu tố này xoắn quyện với nhau trong tâm hồn, nhân cách của người nghệ sĩ, thăng hoa thành hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm, để khi đến với người tiếp nhận thì chỉ còn là nỗi xúc động lớn lao, làm xáo trộn tâm hồn, làm thay đổi kích thước tinh thần của họ.

Thông thường, những nghệ sĩ tài năng không bao giờ chờ đợi đến khi có những điều kiện nào đó mới sáng tác. Tâm huyết và cảm hứng nghệ thuật thường có khả năng vượt lên mọi hoàn cảnh. Sự thôi thúc của nỗi đau nhân thế, sự xót xa, thông cảm với những con người bất hạnh là những sức mạnh tự giác của trái tim đưa nghệ sĩ đến với công việc không gì có thể ngăn cản. Có những nhà văn vĩ đại vẫn thường viết trong nghèo khổ, thiếu thốn và bí bách như Đỗ Phủ, Lí Bạch, Nguyễn Du, Dostoevsky… Hình như với họ, khát vọng nói lên những đau đớn của kiếp người đang đè nặng trái tim mình là bất diệt, không gì có thể làm họ chùn bước. Không ít lần trong Truyện Kiều Nguyễn Du đã thốt lên: Đau đớn thay phận đàn bà, Những điều trông thấy mà đau đớn lòng, Lòng đâu sẵn mối thương tâm… Nhưng không một lần nào trong Truyện Kiều ông than thở về những thiếu thốn của gia cảnh Hồng Sơn huynh đệ tán thất thế và tàn tạ sau bao nhiêu gió bụi của thời cuộc mà ông đang lâm trận. Có lúc không còn cái ăn, ốm đau không có thuốc chữa, nhưng cái lớn của nhà thơ, sự hơn người của nhà thơ là ở chỗ ông đã tự vượt qua chính mình, quên mình vì nỗi đau của tha nhân, của thập loại chúng sinh mà ông từng chứng kiến. Và ở vào những thời gian bất hạnh nhất, nhà thơ đã để lại cho nhân loại một Truyện Kiều bất hủ, mang tính nhân đạo cao cả của một nghệ sĩ vĩ đại.

Nền VHNT cách mạng của chúng ta hình thành trong hai cuộc chiến tranh gian khổ, bom đạn, thiếu thốn, thậm chí đói khát mà vẫn âm vang sử thi, âm vang chất anh hùng ca của cuộc kháng chiến. Có thể nói vượt lên mọi hoàn cảnh, những nhà văn, nhà thơ, những nghệ sĩ đầy tâm huyết với cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc đã không cần chờ đợi một sự đáp ứng về quyền lợi, về vật chất… mà vẫn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cao cả của mình.

Nhưng nói thế không có nghĩa là xem nhẹ vai trò của điều kiện sống của người nghệ sĩ. Đúng như Xuân Diệu từng nói cơm áo không đùa với khách thơ. Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương (khóa VII), ngày 14-1-1993 Về một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt đã nhấn mạnh: Tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh các chế độ lương, thù lao, mua bán tác phẩm, thuế, chính sách khuyến khích sáng tác, bảo đảm cho văn nghệ sĩ chuyên nghiệp có thể sống bằng nghề nghiệp chính của mình. Đường lối chính sách đã sáng rõ như vậy, nhưng trên thực tế điều này chưa được quan tâm đầy đủ và thực thi cụ thể, và vì vậy vẫn tồn tại những khó khăn không nhỏ tác động đến hoạt động sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Như vậy, đến đây, để có một giải pháp khả thi nhất trong việc tạo những điều kiện cho sáng tạo nghệ thuật là các ngành liên quan hãy quyết tâm thực hiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đề ra cách đây đã tròn 20 năm. Làm được những điều thiết thực tạo điều kiện cho sự ra đời của những tác phẩm VHNT lớn không bao giờ là muộn. Riêng đối với lĩnh vực văn học, những điều thiết thực đó là:

Thứ nhất, cần nhanh chóng cải thiện chế độ nhuận bút.

Thứ hai, Nhà nước nên làm tốt công tác đầu tư sáng tác.

Thứ ba, hệ thống thư viện Nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần liên hệ với các nhà xuất bản, ưu tiên kinh phí mua những tác phẩm văn học có chất lượng.

Thứ tư, cần nâng cao văn hóa đọc của công chúng.

Nói tóm lại, để có những tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, cần một giải pháp đồng bộ, cần một sự cố gắng đồng bộ: văn nghệ sĩ phải nỗ lực, tâm huyết hơn nữa; nhà quản lý cần quan tâm, chăm sóc hơn nữa đến tài năng của văn nghệ sĩ; các ban ngành cần quyết liệt và cụ thể hơn nữa trong việc thực hiện đầy đủ và triệt để những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực VHNT, điều kiện để những tài năng phát triển. Thiết nghĩ đấy là những điều thiết thực nhất, khả thi nhất trong giai đoạn hiện nay

Tháng 9 năm 2013

LÊ THÀNH NGHỊ

Nguồn: vannghequandoi

Exit mobile version