PGS. TS. Phan Trọng Thưởng
Chủ đề này ít nhiều nhắc chúng ta nhớ đến mệnh đề triết học nổi tiếng: “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông” của Hêraclít – triết gia cổ đại Hy Lạp. Bởi vì, thực tiễn văn học, nghệ thuật cũng giống như một dòng sông, không bao giờ ngừng trôi chảy, vận động. Thực tại lịch sử mọi thời đại cho thấy, không chỉ trong hoàn cảnh đất nước thái bình thịnh trị mà ngay cả trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt nhất thì văn học, nghệ thuật vẫn luôn luôn tìm được đất sống, tìm được nguồn cảm hứng và động lực mới để không ngừng vận động và phát triển. Có thể nói vận động là nguyên lý cơ bản, là quy luật phổ biến của văn học, nghệ thuật. Không vận động, không đổi mới cách tân, không tự tìm kiếm, dung nạp thêm các nguồn năng lượng mới thì văn học, nghệ thuật sớm muộn cũng sẽ dần cạn kiệt nguồn cảm hứng, già cỗi, thiếu sức sống, sức sáng tạo và khó tìm được lý do để tồn tại và phát triển.
Nhưng sự vận động của văn học, nghệ thuật không phải là sự chuyển dịch đơn thuần, hỗn loạn mà diễn ra một cách có quy luật… Nhận diện được các xu hướng, lý giải được thực trạng và chỉ ra được các mối liên hệ biện chứng, nhân quả, bên trong của các xu hướng có nghĩa là chúng ta đã nhận thức được quy luật phát triển của văn học, nghệ thuật, làm chủ được thực tiễn để chủ động tạo ra các điều kiện, các nhân tố tác động tích cực tới chiều hướng vận động của văn học, nghệ thuật.
Chỉ mới đây thôi, chúng ta vừa tiến hành bước đầu các hoạt động nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đánh giá thành tựu văn học, nghệ thuật 30 năm đổi mới và hội nhập (1986-2016). Tại một số diễn đàn học thuật, giới nghiên cứu lý luận, phê bình cũng như giới nghệ sĩ sáng tạo đã gặp nhau ở quan điểm nhìn nhận khách quan và đánh giá cao thành tựu nhiều mặt của tiến trình văn học, nghệ thuật thời kỳ đổi mới; Đồng thời, xem đây là kho kinh nghiệm quý báu cần được nghiên cứu, đúc kết cả trên phương diện lý luận lẫn thực tiễn.
Mặt khác, giới nghiên cứu lý luận cũng như giới nghệ sĩ sáng tạo cũng đã thống nhất ở nhận định: Văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới và hội nhập tuy đã đạt được những thành tựu đặc biệt quan trọng, nhưng vẫn chưa đi hết lộ trình của nó. Đà đổi mới vẫn đang mạnh. Các yếu tố tác động lên tiến trình văn học, nghệ thuật thời kỳ đổi mới vẫn đang tiếp tục tạo ra các xung lực mới cho văn học, nghệ thuật giai đoạn tiếp theo. Bằng mẫn cảm vốn có từ trong bản chất của nó, văn học, nghệ thuật đã và đang thu nhận thêm những nguồn năng lượng mới từ thực tiễn công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực tiễn của cuộc cách mạng công nghệ 4.0; thực tiễn lao động sáng tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thực tiễn đấu tranh bảo vệ phẩm giá và hoàn thiện nhân cách con người v.v… để không ngừng vận động và phát triển, tạo nên diện mạo mới cho văn học, nghệ thuật. Với tư cách là một lĩnh vực nhạy cảm, nhạy bén với cái mới, văn học, nghệ thuật đang cho thấy là một thực thể năng động hội tụ nhiều luồng tư tưởng thẩm mỹ, nhiều xu hướng tìm tòi, cách tân, nhiều hình thức thể hiện mới lạ.
Nhìn một cách khái quát trên tất cả các lĩnh vực, bức tranh văn học, nghệ thuật bao gồm cả nghiên cứu lý luận, phê bình lẫn sáng tác, chúng ta dễ dàng nhận thấy một thực trạng văn học, nghệ thuật khá sôi động, phong phú và đa dạng, nhưng lại khá ngổn ngang, bề bộn và phức tạp, trong đó cả các yếu tố tích cực lẫn tiêu cực, tốt và xấu. Dường như đời sống văn học, nghệ thuật đang thiếu một trật tự, một cây đũa chỉ huy có hiệu lực và quyền uy. Cảnh tượng “Bách gia tranh minh” trên phương diện lý luận, “Trăm hoa đua nở” trên phương diện sáng tác tuy chưa thực sự hiện hữu, nhưng không còn là chuyện quá xa lạ, khó hình dung trong thực tiễn văn học, nghệ thuật của chúng ta hiện nay.
Sau khi ra khỏi tình thế “độc tôn” để nhanh chóng chuyển sang tình thế đa dạng, đa phương về lý thuyết, cho đến nay, có thể nói phần lớn các lý thuyết nghệ thuật trên thế giới ra đời trong thế kỷ XX đều đã được biết đến, được vận dụng khá phổ biến và ít nhiều có chỗ đứng ở Việt Nam. Có người đã hình dung Việt Nam hiện nay giống như một bãi thử các lý thuyết nghệ thuật không phải là không có lý. Ở lĩnh vực văn học, có thể thấy từ Thi pháp học, Phân tâm học, Tu từ học, Tự sự học đến các trường phái hình thức Nga, cấu trúc Pháp, cấu trúc Mỹ, cấu trúc Praha, lý thuyết tiếp nhận, lý thuyết liên văn bản, lý thuyết trung tâm và ngoại vi, lý thuyết hậu thực dân, lý thuyết hậu hiện đại, văn học hiện sinh, văn học nữ quyền, văn học sinh thái v.v…, tất cả cùng hiện diện, tạo nên một sự cộng sinh lý thuyết trong đời sống văn chương học thuật Việt Nam. Ở các lĩnh vực nghệ thuật khác như: Mỹ thuật, Điện ảnh, Âm nhạc, Kiến trúc, v.v… tuy sự du nhập về lý thuyết có vẻ như không sôi động bằng nhưng từ thực tiễn cũng có thể nhận thấy nhiều khuynh hướng tìm tòi, nhiều quan điểm nghệ thuật mới đang phát huy ảnh hưởng. Thực tế đó góp phần mở rộng biên độ của tư duy, mở rộng phương pháp và cách thức tiếp cận, tăng cường khả năng nhận thức, lý giải các hiện tượng văn học, nghệ thuật, làm phong phú hơn đời sống lý luận và học thuật của đất nước. Nhờ đó, các xu hướng tư tưởng thẩm mỹ, xu hướng nghiên cứu lý luận, phê bình và sáng tác mới đang manh nha hình thành. Đó là những tín hiệu tích cực, đáng mừng. Nhưng bên cạnh đó cũng đã xuất hiện không ít những vấn đề, những hiện tượng cần được lưu tâm, cảnh báo. Sau những hứng khởi, vồ vập, thậm chí sùng bái, sính lý thuyết diễn ra từ những năm tám mươi của thế kỷ XX, đến nay, sinh khí lý luận có vẻ như chững lại, chùng xuống. Những biểu hiện máy móc, công thức, vận dụng lý thuyết một cách sống sít, khiên cưỡng, thiếu nhuần nhuyễn ở trường hợp này, trường hợp kia đã và đang tạo ra khoảng cách nhất định giữa lý thuyết với thực tiễn sáng tạo văn học, nghệ thuật ở Việt Nam.
Trên phương diện sáng tác, nhìn qua một số lĩnh vực có thể hình dung một cảnh tượng sôi động, ồn ào, nhiều vẻ, nhiều chiều. Dưới tác động của cơ chế thị trường, của chủ trương xã hội hóa, của công nghệ thông tin truyền thông và hội nhập…, nhiều loại hình văn học, nghệ thuật mới ra đời, kéo theo những loại hình văn học, nghệ thuật, những phương thức hoạt động mới, những mô hình tổ chức quản lý mới; những thiết chế nghệ thuật mới, từng bước hình thành hệ giá trị văn học mới…, từ đó tạo ra động lực mới cho sự nảy nở và phát triển của các xu hướng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là các yếu tố tác động từ bên ngoài, yếu tố ngoại sinh. Đối với văn học, nghệ thuật, các yếu tố tác động từ bên trong, yếu tố nội sinh mới đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa to lớn. Đây là quá trình tự vận động, tự ý thức của văn học, nghệ thuật để đổi mới và phát triển. Từ đây, các xu hướng tìm tòi, cách tân mới có cơ sở để hình thành.
Cho đến nay, hầu như chưa có công bố nào thật đầy đủ, chính xác về các xu hướng văn học, nghệ thuật ở Việt Nam. Tuy nhiên, qua hoạt động nghiên cứu phê bình trên báo chí và qua một số công trình, khảo sát đánh giá thực tiễn, tùy theo tiêu chí phân định, mức độ và phạm vi khái quát, có thể liệt kê hàng chục xu hướng, trong đó có những xu hướng đồng thời xuất hiện ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật, như: xu hướng văn học, nghệ thuật thị trường; xu hướng văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử; xu hướng bạo lực; xu hướng thương mại; xu hướng phê phán; xu hướng văn học mạng; xu hướng chạy theo hình thức; xu hướng cải biên, cách tân truyền thống; xu hướng nghệ thuật đại chúng; xu hướng hậu hiện đại v.v…
Trong mỗi xu hướng này có thể còn có những xu hướng nhỏ hơn dưới các tên gọi khác nhau; khi thì căn cứ vào nội dung, đề tài; khi thì căn cứ vào phương thức hoạt động, vào tính chất, mục đích của hoạt động. Xét từ góc độ nghệ thuật, tuy phần lớn các xu hướng đều hình thành một cách tự phát, nhưng cũng có những xu hướng, nhóm phái hình thành dựa trên những cơ sở lý luận thẩm mỹ nhất định. Khả năng tồn tại và ảnh hưởng của mỗi xu hướng đến công chúng có thể khác nhau, nhưng nhìn chung, tất cả đều đang vận động, tất cả đều đang nỗ lực tìm kiếm chỗ đứng, tìm kiếm khả năng tồn tại và phát huy ảnh hưởng của mình.
Trên phương diện tiếp nhận, có thể nói chưa bao giờ công chúng văn học, nghệ thuật lại phân hóa sâu sắc về thị hiếu thẩm mỹ như hiện nay. Trước một tác phẩm, một hiện tượng, ý kiến khen, chê có thể khác nhau như nước với lửa. Họ được trao công cụ lý thuyết và sứ mệnh cao cả không thua kém các nhà văn. Mệnh đề nổi tiếng của R.Barthe “Tác giả đã chết” đang làm phấn khích tinh thần của một bộ phận độc giả. Nhất là trong cơ chế thị trường và trong bối cảnh đang diễn ra sự chuyển dịch hệ giá trị văn học, hệ giá trị đạo đức tinh thần, công chúng đang là thượng đế, là người cân đong đo đếm, người tạo ra động lực có sức mạnh chi phối trở lại thực tiễn sáng tác, thực tiễn lao động nghệ thuật để hình thành nên những xu hướng lâu nay được gọi là: Chạy theo thị hiếu, chạy theo những giá trị nhất thời, giá trị ảo, giá trị thực dụng… khá phổ biến trong đời sống văn học, nghệ thuật và xã hội hiện nay.
Trong một tình hình văn học, nghệ thuật như vậy, việc nhận thức, nhận diện, lý giải chính xác các xu hướng vận động của thực tiễn văn học, nghệ thuật, chỉ ra các yếu tố và cơ chế tác động, tính chất, triển vọng của mỗi xu hướng… đặt ra như một yêu cầu khoa học cấp thiết không chỉ đối với hoạt động nghiên cứu lý luận, phê bình mà còn đối với thực tiễn sáng tác, tiếp nhận, lãnh đạo và quản lý văn học, nghệ thuật…
Trong tình hình hiện nay, cho dù các xu hướng vận động của văn học, nghệ thuật có đa dạng đến mấy thì xu hướng văn học, nghệ thuật lành mạnh, phản ánh chân thật, sâu sắc thực tại lịch sử đất nước và con người Việt Nam vẫn cần giữ vai trò là xu hướng chủ đạo. Tất cả những biểu hiện xa rời, xem nhẹ xu hướng này cần được điều chỉnh, phê phán tùy từng mức độ. Công chúng văn học và nhân dân ta luôn chờ đợi các tác phẩm lớn các giá trị văn học chân chính, các xu hướng nghệ thuật lành mạnh, phù hợp, đồng thời không chấp nhận các xu hướng nghệ thuật lai căng thấp kém, phản tiến bộ, đi ngược lại lợi ích chính đáng của nghệ thuật và mỹ cảm của nhân dân…
Trước một thực tiễn đang vận động, các nhận thức, lý giải ở góc độ lý luận hoàn toàn không phải để can thiệp thô bạo vào các xu hướng làm nghèo đi tiềm năng và sức sống đa dạng của nghệ thuật mà trái lại, để chủ động nắm bắt thực tiễn, chủ động tạo ra các điều kiện thuận lợi cho các xu hướng văn học, nghệ thuật lành mạnh, tiến bộ có cơ hội phát triển và hoàn thiện, làm giàu có hơn gia tài văn hóa tinh thần của đất nước.
__________
* (trích Báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học toàn quốc: Các xu hướng vận động của văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay – Thực trạng và định hướng phát triển – Tổ chức tại Quảng Ninh, ngày 05/12/2017).
Nguồn Văn nghệ sơ 6+7+8/2018
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài