Giữa thập niên hai mươi của thế kỷ trước, trải qua nhiều chặng đời sóng gió, văn sĩ Nhất Linh, người lĩnh xướng và cũng là thống soái của “Tự lực văn đoàn” tạm lánh Sài Gòn, về ẩn cư tại Đà Lạt. Ở phố núi mờ sương, trong những tháng ngày náu mình đợi thế sự đó, ông đã kịp để lại cho Đà Lạt một di sản, di sản về tên gọi các loại phong lan và địa lan.
“Cậu có biết vì sao tên các loại phong lan, địa lan ở Đà Lạt đều rất đẹp và gợi không?” – Ông Chu Bá Nam – văn sĩ có lối sống khắc kỷ mà nghiêm ngắn như một ẩn sĩ ở TP Đà Lạt – bỗng nhiên hỏi tôi. “Chắc là chúng được khai sinh bởi một tay văn sĩ có tài”, tôi nói hú họa và thật sự bất ngờ. “Quả vậy! Văn sĩ có tài đó chính là Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam!”.
Câu trả lời quá bất ngờ, lại chứa đựng nhiều thông tin về tác giả của “Đoạn tuyệt”, đã gợi cho tôi làm một cuộc tìm kiếm dấu xưa Nhất Linh trên mảnh đất mà theo lời ông Chu Bá Nam, từng là nơi được văn sĩ Nhất Linh lựa chọn để ẩn cư và tiêu dao cùng lan rừng. Kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Thượng Hiền – một người Đà Lạt yêu hoa, sưu tầm lan từ sau năm 1975 đến nay và hiện sở hữu hơn 300m2 đất trồng lan rừng – là địa chỉ đầu tiên tôi gõ cửa. Bên hiên ngôi biệt thự cổ ở đường Nguyễn Du, vị kỹ sư già đang nâng niu, ngắm nghía giò lan vừa mới trổ bông trông như con hạc trắng, thì tôi xuất hiện. Kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Thượng Hiền gằm mặt, gườm gườm nhìn tôi vẻ khó hiểu qua khoảng trống trên cái gọng kính đã ngả màu sừng trâu cũ kỹ, rồi tủm tỉm: “Giò lan này có tên Bạch hạc. Cành lan cao, gầy, mảnh. Còn bông lan thì như soi mình xuống mặt nước phẳng lặng, giống con hạc trắng trầm mặc giữa hồ…”.
Lan Bạch hạc. |
– Chẳng những tên lan đẹp, lãng mạn, bay bướm thôi đâu, Nhất Linh còn là bậc thầy về khoản mô tả thần thái, dáng dấp của hoa. Như Huyết nhung, cánh lan có màu đỏ thắm nổi bật giữa vầng lá xanh ngà ngọc tựa gấm nhung. Như Thủy tiên, nàng tiên hoa nơi thủy cung. Thủy tiên có cánh hoa mảnh mai, trắng tinh khiết, mang đậm tính nữ, thùy mị, đầy vẻ quý phái, thanh sạch. Như Nhất điểm hồng, cánh hoa có màu trắng ngọc, đáy cánh hoa điểm một màu đỏ phớt. Nhất điểm hồng đẹp sơ giản, tất cả vẻ kiêu sa lặn hết vào bên trong, chỉ lộ ra ngoài một nét đỏ chấm phá trên nền hoa trắng tuyết – Ông Đinh Văn Lân – nổi tiếng trong giới chơi lan Đà Lạt về cái sự tinh, sành trong thưởng lãm hoa, không ngờ đã có mặt từ trước – buông vài câu góp chuyện.
– Khi gia nhập giới chơi lan, tôi mới vỡ lẽ ra cha đẻ của những “Hồn bướm mơ tiên”, “Đời mưa gió”, “Lạnh lùng”… không chỉ tài hoa trong lĩnh vực câu chữ mà còn là tay chơi lan rành rõi và cũng rất tài hoa. Nhiều tên lan Đà Lạt đã được khai sinh bởi Nhất Linh. Ông cũng là người lĩnh xướng trào lưu chơi lan ở Đà Lạt hồi thập niên năm mươi của thế kỷ trước” – Kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Thượng Hiền tình thật.
Văn sĩ Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam. |
Thoạt kỳ thủy, lan Đà Lạt cũng như tất thảy mọi sự vật, hiện tượng trên thế gian này vốn dĩ không có danh xưng. Chỉ khi trên nẻo đường rừng, thế nhân bất ngờ tương ngộ loại hoa lạ ở đâu đó và đem lòng yêu mến, rồi căn cứ theo những đặc tính căn bản nhất (hình dáng, hương thơm, màu sắc…), hay đơn giản vì thích tên gì (cái Tý, cái Tầm, cu Ít…) thì gắn cho lan tên đó. Thế là tự dưng có tuổi, mang tên. Tất nhiên, những cái tên ở thời điểm ấy, không thể và tài nào đẹp bằng những tên hoa đã được Nhất Linh gửi gắm tất cả tâm tình và tài năng của người yêu hoa. Chúng chỉ bình dị, mộc mạc như cuộc đời người dân sơn nguyên bình dị. Nếu xét trên bình diện khoa học, chắc hẳn danh xưng chẳng có tác động gì đến bản chất vật hoặc người hữu quan? Nhưng trong cuộc sống đời thường, tác động của danh xưng đến người hữu quan là chắc có. Chả thế mà trước kia, bậc túc nho có thể đoán được số mệnh của một con người chỉ thông qua tên gọi của con người đó. Giai nhân, mệnh phụ cũng từ tên gọi mà thành. Quân vương, thức giả cũng từ đấy. Hiền, dữ cũng từ đấy. Bần hàn, đói rách cũng từ đấy… Tất cả nhập nhằng, tỏ mờ trong cái vòng quay chưa dễ gì rõ tường của con tạo.
Sự chính danh của lan Đà Lạt là dấu ấn tài hoa Nhất Linh để lại trong mối tương quan giữa danh học (khoa học về danh xưng/ tên gọi) và cuộc sống đời thường. Ông đã đặt cho hoa những tên đẹp nhất, hay nhất, ấn tượng nhất, đúng cái thần thái của giò lan một cách khoa học và sang trọng nhất. “Năm 1953, Nhất Linh lên Đà Lạt, sống ở đường Yersin. Thời gian này, ông lấy thú vui sưu tầm, trồng và chăm lan. Rộ nhất là khoảng từ năm 1955 đến năm 1957, Nhất Linh đã tạo được một bộ sưu tầm lan khá lớn” – Kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Thượng Hiền chia sẻ.
Nhất Linh chơi lan công phu, kỹ lưỡng và đầy dụng công. Ngoài sưu tầm, ông còn đặt mua từ Pháp những cuốn sách viết về các loại hoa phong lan trên thế giới, rồi tỉ mỉ phân loại, so sánh với lan Đà Lạt. Cùng đó, Nhất Linh vẽ lại từng đóa hoa một, ghi chú từng đặc tính, cẩn thận tập hợp tư liệu, chăm chút thay tên, đặt tên cho một số lan: Bạch ngọc, Thanh ngọc, Nhất điểm hồng… , sau khi đã trải qua quá trình nghiên cứu nghiêm túc về mỗi loại bằng niềm đam mê sáng tạo như thể sáng tác một tác phẩm văn chương. Ý định ban đầu của ông là sẽ có dịp viết một cuốn sách về lan. Sau này, vào năm 1963, ý định đó đã được Nhất Linh bộc lộ với con trai, khi người con gợi ý cha viết hồi ký: “… và quyển thứ ba cậu viết về hoa phong lan”. Tuy nhiên, như mọi người đều biết, ý định ban đầu của ông không thành hiện thực. Dẫu vậy, những tên gọi riêng của Nhất Linh dành cho hoa đã được giới chơi lan ở Đà Lạt chấp nhận và sử dụng rộng rãi từ bấy đến giờ.
Lan Huyết nhung. |
– Trước khi rời Đà Lạt về lại Sài Gòn, ông có dựng một căn nhà gỗ nhỏ bên dòng suối Đa Mê – cách ngã ba Phi Nôm (huyện Đức Trọng) vài cây số – để tiện cho việc sưu tầm lan rừng – Ông Đinh Văn Lân nói thêm.
Tôi men theo thông tin này để tìm về bên con suối Đa Mê, cố tình dò hỏi những gì liên quan đến Nhất Linh, nhưng tất cả đã yên giấc cùng với giấc mộng của Nhất Linh thuở nào.
– Tài năng của Nhất Linh trong lĩnh vực văn học là cùng Tự lực văn đoàn tạo nên một cuộc vận động lớn mang tính bứt phá về mặt thi pháp. Cụ thể ở đây là bứt phá phủ nhận. Tự lực văn đoàn đã đoạn tuyệt với văn xuôi biền ngẫu. Còn dấu ấn của Nhất Linh trong thú chơi lan là đã khai sinh nhiều tên hoa hết sức ấn tượng: Kim điệp, Thủy tiên, Hồ điệp, Long tu, Hoàng phi hạc, Hoàng y Mị nương… và cũng hết sức tài năng – Ông Chu Bá Nam kết luận.
Năm 1958, giã từ Đà Lạt, Nhất Linh trở lại Sài Gòn.
Đà Lạt và người Đà Lạt, một ngày nào đó, có thể chẳng còn ai buồn nhắc, hoặc giả có muốn cũng chả còn biết để mà gợi lại dấu xưa Nhất Linh trong dáng hình lúi húi chăm bẵm cho từng giò lan đẹp bên hiên căn nhà nhỏ trên đường Yersin, hay trong bước chân văn nhân xao xác giữa đại ngàn tìm kiếm, sưu tầm những giò lan lạ. Nhưng Đà Lạt và người Đà Lạt, dẫu vô cảm vô tâm, cũng không thể làm mờ phai những tên phong lan, địa lan đẹp mê mẩn, mà ở đấy, Nhất Linh trong tư cách là kẻ sáng tạo ra chúng.
Theo Trịnh Chu – VNCA