“Hầu chuyện…” là tôi nói kiểu ăn theo tập sách nổi đình đám mới xuất bản năm 2015 của nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa, có tên là “Hầu chuyện Thượng Đế”. Còn “Lão Khoa” là tên facebook của anh, một cái “phây” cũng khá đình đám với số lượng người theo dõi có ngày lên tới vạn lượt…

Sắp đến Ngày thơ Việt Nam Xuân Bính Thân 2016 mà Trần Đăng Khoa là thành viên Ban chỉ đạo, tôi chợt nhớ đến bài thơ “Lính biển học viết văn” của anh, cách nay 34 năm tôi đã được nghe anh đọc, chỉ một lần mà nay vẫn còn nhớ được vài khổ. Nay nhân bàn chuyện Ngày thơ sắp tới, tôi hỏi Trần Đăng Khoa:

* Bài thơ “Lính biển học viết văn” tôi rất thích. Này nhé: “Việc viết văn làm sao mà học được/ Anh vẫn đi để… xa biển thôi mà/ Ta xa nhau càng thương nhau hơn nữa/ Có vẻ đẹp gần lại thấy lúc chia xa…/ Anh đi học viết văn. Anh còn đi học mãi/ Càng lớn lên càng phải học làm Người/ Mới hiểu biển đến từng con sóng/ Và lại càng yêu em đến đắng ngọt mà thôi”… Vậy mà tại sao sau này tôi không thấy anh đăng báo? Mấy tập thơ sau đó của anh cũng không thấy có, kể cả “Tuyển tập thơ văn về biển, đảo và bạn đọc với Đảo chìm”của anh xuất bản cuối năm ngoái cũng không thấy?

Rất cám ơn anh vẫn còn nhớ đến mấy câu thơ phiêu bạt của tôi. Bài thơ ấy, tôi mất bản thảo. Nhưng tôi nhớ đã in trên báo Quân đội nhân dân, đâu như giữa thập niên 80 của thế kỷ trước. Quân đội nhân dân là tờ báo hằng ngày, số lượng lưu trữ lớn lắm, nên hiện nay không dễ lục tìm lại. Tôi còn rất nhiều tác phẩm, cả thơ và văn xuôi, chỉ in một lần ở đâu đó rồi thất lạc. May mà anh vẫn còn “thương nhớ” nó…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa (người cầm micro) giao lưu cùng các thế hệ tác giả viết về biển, đảo tham gia Trại sáng tác Tuổi Hồng tại Quảng Ninh, tháng 8-2015 (ảnh: Bảo Ngọc)

Có người nói thích thơ văn của Trần Đăng Khoa sau này – nhất là mảng viết về biển đảo – hơn thơ Trần Đăng Khoa thời thiếu nhi, vì nó sâu sắc, đa dạng, phong phú hơn. Ý anh thế nào?  –

Tôi cũng như anh, là nhà văn, nhà thơ thì chỉ có viết thôi. Còn đánh giá nó lại là quyền của bạn đọc. Tôi cũng mừng là hầu như cuốn sách nào ra cũng được bạn đọc đón nhận rất nồng nhiệt. Như cuốn “Hầu chuyện Thượng Đế” mới đây, chỉ trong một tháng đã tái bản đến lần thứ ba. Còn tập “Đảo chìm – Trường Sa” thì in lại nhiều lắm. Có năm in đến cả chục lần. Có lẽ vì yêu biển, đảo; vì chủ quyền biển, đảo thiêng liêng mà bạn đọc yêu thêm cuốn sách của tôi chăng?

* Cuốn “Đảo chìm” tôi đọc từ hồi mới xuất bản lần đầu và vô cùng thích thú. Đến lần tái bản thứ ba mốt, tôi đọc lại, vẫn thích. Nhưng nói thật nhé: Tôi không thích mấy chữ “Tiểu thuyết mi-ni” trên bìa sách. Bởi đã là tiểu thuyết thì phải hư cấu, nhưng đây toàn những chuyện thật, người thật, việc thật… Cũng xin tự giới thiệu là tôi đã nhiều lần ra Trường Sa, có lần vào năm 1989, vì nhỡ tàu của hải quân, tôi phải xin đi nhờ theo tàu của Công ty vận tải biển tỉnh Phú Khánh chở vật liệu ra xây nhà cho bộ đội ở đúng cái hòn đảo mà trước đó hơn chục năm anh đã sống cùng bộ đội trong ngôi nhà cao cẳng và đã tả trong cuốn “Đảo chìm”.

Anh nhận xét rất đúng. Trong “Đảo chìm” toàn là chuyện thật, người thật, việc thật… Đó là tất cả những gì tôi được nghe, được thấy, được biết về những người lính mà tôi may mắn được sống, được đồng cảm và sẻ chia cùng họ trong nhiều năm tháng ở Trường Sa. Thoạt đầu, tôi đã định biến những con người mà tôi yêu mến thành nhân vật trong truyện ngắn hay tiểu thuyết. Nhưng khi bắt tay vào viết, tôi lại thấy không nên làm như thế, vì bản thân họ đã rất đẹp rồi, rất thật rồi, hà cớ chi phải hư cấu thêm cho cồng kềnh, rắc rối? Tốt nhất là cứ để mộc như vậy. Cuộc sống vốn chân thật và giản dị… Vậy thì anh có thể coi cuốn “Tiểu thuyết mi ni” của tôi như một liên khúc các bút ký hay ghi chép, nhật ký cũng được. Biết đâu việc không phân định một cách rạch ròi về hình thức thể loại, đã góp phần tạo nên sự thích thú như anh vừa nói.

Cũng xin kể thêm với anh là sau khi xuất bản “Đảo chìm” và nhất là sau khi tiểu thuyết được đưa lên mạng, thì có rất nhiều phản hồi gửi đến. Có cả những phản hồi từ chính các nhân vật của tôi. Họ bổ sung một số chi tiết hoặc “bóc mẽ” những việc mà tôi nhầm lẫn. Tôi đã xin phép họ, cả những lời chỉ trích, đưa vào phần phụ lục trong lần tái bản gần đây nhất. Hi vọng với phần bổ sung ấy, tác phẩm tái bản lần này sẽ có thêm vẻ đẹp từ đời sống thực ngoài sự sáng tạo của người nghệ sĩ.

* Lần trở lại Trường Sa gần đây nhất của anh là khi nào, sau bao nhiêu năm kể từ ngày xa Trường Sa?

Tôi đã nhiều lần có mặt ở Trường Sa sau khi rời Quân chủng Hải Quân. Chuyến về Trường Sa gần đây nhất là tháng 4 -2014, tôi đi cùng đoàn cán bộ Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương. Tôi có mặt ở Trường Sa từ năm 1975. Khi đó Trường Sa còn vất vả lắm. Lính khổ trăm bề. Có đảo trọc lốc không cây cỏ. Bóng râm duy nhất đổ xuống đảo là bóng người lính. Ở đảo không còn nhớ ngày tháng. Chỉ biết mặt trời lên là thêm một ngày. Tôi viết rất nhiều về Trường Sa, cả thơ và văn xuôi, chủ yếu là ghi lại những ngày gian khổ đó. Bây giờ Trường Sa hoàn toàn khác. Cây lá xanh mướt. Nhà cửa khang trang. Trường học cho trẻ con. Mái chùa cho người già. Thơ văn của tôi viết trước đây đã trở thành lạc hậu. Tôi cũng hiểu điều đó ngay từ ngày xưa, nên rất có ý thức ghi chép tỉ mỉ, để giữ lại cho đời sau những vẻ đẹp của những người lính thời đó. Tôi coi đó như một phòng bảo tàng tư nhân. Tôi biết Trường Sa rồi sẽ khác, như thế này:

Có ngôi nhà dưới vòm cây mát

Có sân khấu xây

Mây cánh kiến mở màn cho em hát

Có nước ngọt đấy là điều tuyệt nhất

Có thể gội đầu có thể uống no say

Có thể tặng nhau cả một giếng đầy…

Đấy, ước mơ của tôi, của những người lính đảo xưa là thế thôi. Tôi biết nó sẽ đến, nhưng không ngờ Trường Sa đổi mới nhanh quá!

* Là một nhà-thơ-lính-biển và là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đương nhiệm, anh có nhận xét gì về “phong trào” sáng tác văn học-nghệ thuật về biển đảo gần đây?

Tác phẩm văn học, nghệ thuật về Trường Sa rất nhiều. Trước đây, viết về Trường Sa, ở mảng văn chương mới chỉ có Hữu Thỉnh, tôi, Duy Khán, Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu, Đình Kính, Lê Hoài Nam, Chu Lai, Phạm Đình Trọng, Nguyễn Xuân Thuỷ, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Phan Quế Mai, Mai Nam Thắng, Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Bảo, Hồng Diệu… Bây giờ thì nhiều lắm. Rất phong phú và đa dạng. Bao gồm cả thơ, văn, báo, tiểu thuyết, kịch, âm nhạc, hội hoạ, nhiếp ảnh. Nhiều vô cùng! Tất nhiên, số lượng dù có nhiều đến đâu cũng chẳng nói được điều gì, nếu không hay. Nhưng ở đó, lại có rất nhiều tác phẩm hay, có sức sống lâu dài. Đó chính là những cột mốc chủ quyền mà những nghệ sĩ chúng ta đã cắm cho quần đảo thiêng liêng này…

Theo anh, làm thế nào để có nhiều tác phẩm hay hơn nữa về biển, đảo và sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo?

Muốn viết hay về biển, đảo thì trước hết phải rất hiểu biển, đảo và rất yêu biển, đảo. Nhiều nhà văn của chúng ta đã từng cầm súng bảo vệ biển, đảo. Hiện thực của đời sống cứ ứa lên đầu ngọn bút. Tác phẩm hay được cũng vì thế. Thêm nữa, Bộ Tư lệnh Hải quân cũng là quân chủng của nghệ thuật, của văn chương, nên các anh ấy luôn tạo điều kiện cho các nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, nghệ sĩ… đi thâm nhập thực tế; lại có những giải thưởng, những bằng chứng nhận sự đóng góp bảo vệ chủ quyền biển đảo để động viên kịp thời cho những sáng tạo của văn nghệ sĩ. Đấy là những cố gắng rất cần ghi nhận. Và tôi tin, rất tin sắp tới, chúng ta sẽ còn có nhiều tác phẩm hay hơn nữa, đặc biệt những tác phẩm phản ánh được vẻ đẹp của Trường Sa hôm nay. Trường Sa của thời đổi mới…

(Nguồn: báo QĐND)

* Xin cảm ơn anh và rất mong lại được đọc những trang văn, bài thơ mới của anh về biển, đảo và Trường Sa, Hoàng Sa.

Nhà thơ Mai Nam Thắng

Exit mobile version