Bài thơ Với nhà thơ Tú Xương tôi sáng tác đầu thập niên 1960 miêu tả trung thực cảnh quan căn gác phòng văn của nhà thơ lớn dân tộc.

Ngày ấy phố Hàng Nâu Nam Định vẫn chưa đổi tên. Và số nhà 280 phố Hàng Nâu nổi tiếng (nơi Tú Xương chuyển đến sau khi mất căn nhà 247 cùng phố mà cha và ông nội để lại) trở thành địa chỉ hấp dẫn các khách mọi miền Tổ quốc mỗi lần về thành Nam tìm đến chiêm ngưỡng. Ngày ấy, trước cổng ngôi nhà 280 phố Hàng Nâu được Sở Văn hóa – thông tin (cũ) tỉnh Nam Định treo tấm bảng ghi rõ: “Nơi đây nhà thơ dân tộc Tú Xương đã sống và làm thơ…”. Căn gác phòng văn của nhà thơ được tác giả miêu tả trung thực trông ra dòng sông Vị năm nào…

Ngôi nhà số 280 phố Hàng Nâu (nay là phố Minh Khai, TP Nam Định) – Ảnh: Wiki

Ngày ấy và bây giờ?

Tác giả từ TP.HCM ra thăm quê thành Nam, đã sửng sốt vì nơi nhà “hương hỏa” của cụ Tú Xương – di sản văn hóa của dân tộc – đã “biến mất”.

Trên mảnh đất xưa, nay đã tọa lạc một ngôi nhà hai tầng của một tư nhân xây kín che lấp lối vào. Đi ngoài đường không còn nhận ra đâu là cổng vào năm xưa. Khách nơi xa muốn bước được vào căn gác danh tiếng phải chờ chủ nhà mở cổng. Tấm bảng xưa của Sở Văn hóa – thông tin và số nhà cũng không còn. Nhớ lại ngày trước, người đi trên phố Hàng Nâu khi qua số nhà 280 đều nhìn rõ căn gác phòng văn – di sản không chỉ của riêng Nam Định.

Thăm hỏi anh em làm văn chương và người dân thành Nam, tất cả đều không giấu nổi bất bình về việc để “biến mất” ngôi nhà di sản này. Người dân cũng như anh em văn nghệ sĩ cho biết đã nhiều lần lên tiếng thắc mắc với cơ quan văn hóa và chính quyền địa phương nhưng một ngôi nhà lưu niệm đúng nghĩa dành cho Tú Xương vẫn bị chìm trong sự im lặng, thờ ơ.

Chỉ còn năm tháng nữa là Nam Định tổ chức đại lễ kỷ niệm 750 năm thành lập phủ Thiên Trường và thành phố lên loại 1. Khách của mọi miền Tổ quốc được mời về dự, nếu có nguyện vọng đến thăm ngôi nhà cụ Tú Xương, chẳng biết ban tổ chức đại lễ và các nhà lãnh đạo địa phương sẽ trả lời sao?


Với nhà thơ Tú Xương


Căn gác phòng văn của nhà thơ ở phố Hàng Nâu 
chúng tôi vẫn trân trọng giữ
Chiếc ô lục soạn, tiếc không còn
Chúng tôi sẽ sắm chiếc mới đặt vào thay
Cây hồng bạch hoa đơn nhà thơ trồng góc sân dạo ấy
Chồi non vẫn đơm bông giữa buổi sáng tôi đến thăm này
Dòng sông Vị giờ thành đường đi
Có khách sạn mang tên quê nhà thơ vừa được xây
Qua cái tên chúng tôi muốn nói:
Vị trí của nhà thơ trong nền văn học mới hôm nay.

(Báo Văn Nghệ 1960)

HẢI NHƯ

Nguồn: Tuổi Trẻ.