Gần đây giới nghiên cứu văn học Việt Nam bắt đầu chú ý tới vấn đề văn hóa tâm linh trong mối tương quan với sáng tác văn chương đương đại. Một ví dụ rất gần gũi và tiêu biểu là không phải ngẫu nhiên mà nhiều người rất quan tâm đến vấn đề văn hóa tâm linh trong sáng tác của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, đặc biệt là các tiểu thuyết có tiếng vang trên văn đàn như Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa. Điều này được minh chứng bằng loạt tham luận đáng chú ý tại Hội thảo khoa học về Nguyễn Xuân Khánh do Viện Văn học tổ chức cuối năm 2012 (Trần Thị An – Sự ám ảnh của tín ngưỡng dân gian trong tiểu thuyết “Mẫu thượng ngàn”, Nguyễn Quang Huy – Những miền mơ tưởng Mẫu tính và Nữ tính vĩnh hằng trong “Mẫu thượng ngàn”, Tôn Phương Lan – Khi tâm thức Phật giáo hòa vào tâm thức Việt, Phan Trần Thanh Tú – Tâm thức Phật giáo trong “Đội gạo lên chùa”…). Một điều đáng lưu ý nữa là khi tiếp nhận Nguyễn Huy Thiệp, dường như ít người quan tâm tới yếu tố văn hóa tâm linh trong sáng tác của nhà văn này. Thực ra thì Nguyễn Huy Thiệp rất quan tâm tái hiện thế giới tâm linh của con người thời đại, chẳng hạn trong truyện Thương nhớ đồng quê, nhà văn đã viết: “Sấm sét nổ vang trời. Chớp lóe sáng. Vũ trụ mở ra vô cùng vô tận. Gió ào ào, nghe như có muôn vàn cánh chim bay đang vỗ trên đầu. Một cảm giác kinh dị xâm chiếm toàn thân khiến tôi bủn rủn. Tôi rõ ràng thấy có một bóng hình vĩ đại đang lướt nhanh qua, đang chuyển vận mãnh liệt trên đầu. Tôi nằm áp xuống bờ rạ, tâm trạng bàng hoàng, thổn thức. Tôi tin chắc ở lực lượng siêu việt bên trên tôi kia, đang chuyển vận rầm rộ kia, thấu hiểu tất cả, phân minh lắm, rạch ròi, chắc chắn bảo dưỡng tính thiện trong tâm linh con người, có khả năng an ủi, âu yếm đến từng số phận. Điều ấy khiến tôi an lòng” (Nguyễn Huy Thiệp – Như những ngọn gió, truyện ngắn tuyển chọn, Nxb Văn học, 1999, tr. 435). Tôi nhấn mạnh bằng cách gạch chân ba cụm từ trong đoạn trích trên, coi đó không chỉ là lời văn nghệ thuật thuần túy mà sâu xa hơn là tâm thức của nhà văn hòa trong tâm thức cộng đồng người Việt nói chung. Dấu ấn tâm linh cũng rất đậm nét trong nhiều tác phẩm đặc sắc khác của Nguyễn Huy Thiệp như Những ngọn gió Hua Tát, Muối của rừng, Chảy đi sông ơi, Tâm hồn mẹ, Con gái thủy thần, Chút thoáng Xuân Hương, Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, Thương nhớ đồng quê…
Bằng cái sự đọc nhiều giới hạn của mình, tôi cho rằng bảy cuốn tiểu thuyết được dẫn ra phân tích dưới đây khá tiêu biểu cho những tác phẩm nghiêng về tái hiện thế giới tâm linh trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam đương đại. (Các tác phẩm này ít nhiều cũng đã gây được tiếng vang trên văn đàn. Trường hợp nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã được cả một hội thảo khoa học mổ xẻ như đã nói, trong đó có nhiều tham luận đi sâu khai thác yếu tố tâm linh khá thuyết phục, trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin phép không đề cập lại).
Cách trở âm dương (Nxb Phụ nữ, 2009) là cuốn tiểu thuyết thứ mười của Vũ Huy Anh. Cái nhan đề và hình thức nghệ thuật kì ảo của tác phẩm có sức khơi gợi hứng thú và cũng dễ gây tranh luận ở các chủ thể tiếp nhận. Một câu chuyện, có thể nói là, hoàn toàn “bịa” khi nhà văn cho người đang sống tiếp xúc với người đã chết. Mở đầu tiểu thuyết là cảnh một người mẹ rơi vào trạng thái hôn mê trong mười bảy ngày đêm, chu du “cõi âm”, để rồi trở về dương thế trên một chiếc thảm biết bay. “Chiếc thảm bay chậm lại, hạ thấp dần, rồi đậu xuống sân bệnh viện. Tôi bước ra. Chiếc thảm lại vọt cao lên và bay đi. Tôi bỗng thấy như người vừa tỉnh ngủ, mở choàng mắt”. Mười bảy ngày tính bằng thời gian vật lí thì không dài, nhưng tính bằng thời gian tâm lí thì rất dài, dài bởi cuộc tiếp xúc âm – dương giữa hai cha con (con là nhân vật chính, người kể chuyện, xưng “tôi”). Câu chuyện được dẫn dắt khéo léo bằng sự đan cài, lồng ghép giữa chuyện của cõi dương và chuyện của cõi âm, theo kiểu “dương sao âm vậy” như dân gian nói. Người cha đã khuất của nhân vật “tôi” (tên An) đã dẫn dụ con gái mình “Con hãy xuống cõi Âm với cha”. Xuống tới cõi âm, “tôi” gặp cha đẻ, rồi gặp Tuân (người đàn ông đã yêu “tôi” ở dương thế, đã hi sinh ở chiến trường), rồi cả ba đi vào phía trong cổng “Âm phủ”. Cuộc hành trình ấy khiến nhân vật “tôi” ngộ ra được bao điều mà khi còn ở “dương thế” cô không cách nào thấu tường. Câu chuyện giữa những người đã chết và người còn sống tạo nên cái không khí đặc biệt cho tiểu thuyết, gây hấn cảm xúc ở người đọc, khiến người đọc vừa tin tưởng vừa nghi ngờ, vừa sảng khoái vừa đau xót, vừa thăng hoa vừa triệt tiêu. Phần kết của tiểu thuyết có tính luận đề mở ra trong người đọc những chiêm nghiệm về cõi đời, cõi người: “Âm, Dương tuy cách trở, cõi Âm có chuyện của cõi Âm, cõi Dương có những vấn đề của cõi Dương, nhưng rồi những người còn sống trên dương thế, hay nhờ vào sự may mắn của số phận từ cõi Âm trở về cõi Dương, thì tất cả rồi lần lượt cũng lại đến lúc từ bỏ cõi Dương mà đi vào cõi Âm. Cũng như từ thực đi vào ảo, từ hiện hữu đi vào hư vô. Thế nên làm sao cho đỡ vô nghĩa trong cái khoảng cách ngắn như chớp mắt giữa hai cực hư, vô của kiếp sống con người mới là điều phải suy nghĩ”.
Đoàn Minh Phượng được độc giả biết đến như một cây bút có duyên văn từ khi nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2007 với tiểu thuyết Và khi tro bụi (Nxb Trẻ, 2006). Nhà văn chia sẻ: “Người viết tiểu thuyết chỉ kể một câu chuyện, lang thang giữa vùng sáng và vùng tối của trái tim con người” (Tại sao tôi đọc tiểu thuyết? – Báo Tiền Phong cuối tuần, số 44 năm 2007). Trong cuốn tiểu thuyết này nhà văn đã mượn đôi cánh của cái kì ảo để nâng đỡ và phóng chiếu “cái tâm linh” bay lên. Một câu chuyện được kể từ ngôi thứ nhất (“tôi”) của người phụ nữ mất chồng bởi một tai nạn giao thông. Từ sau cái chết của người chồng, người vợ sống một nửa đời thực của mình và một nửa đời không thực của người quá cố. Cô dầm mình trên những chuyến tàu hỏa và trong cõi tâm linh của chính mình để “đi tìm thời gian đã mất”, đi tìm mình, tìm “nghĩa” cho cái chết sắp tới của mình. Phải chăng cuộc chu du của nhân vật khi “lang thang giữa vùng sáng và vùng tối của trái tim con người” chính là lang thang trong thế giới tâm linh đầy bí ẩn – cái thế giới có sức mời gọi nhà văn và độc giả?
Ngược mặt trời (Nxb Hội Nhà văn, 2012) của Nguyễn Một, câu chuyện về đức tin cũng có thể coi là một “đốm sáng” của tiểu thuyết những năm đầu thế kỉ XXI. Cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Một trong Ngược mặt trời, có thể nói, là “cái nhìn ngược sáng” về lịch sử, con người và thời cuộc. Chủ đề đức tin qua cuộc hành trình “đi tìm thời gian đã mất” được tác giả gửi gắm trong nhân vật nhà nhiếp ảnh Nguyễn Chạc, người trăn trở kiếm tìm cái làng Chạc Chìu đã biến mất mà không rõ nguyên nhân. Tôi một lần nữa có ý nhấn mạnh cụm từ “không gian tâm linh” để chúng ta cùng suy ngẫm về cái ý nghĩa có tính phổ quát của nó trong đời sống con người trên trần thế mà lâu nay vì nhiều lí do ngoài văn chương chúng ta đã hạn chế tái hiện nó. Từ “linh hồn” xuất hiện khá nhiều trong tiểu thuyết Ngược mặt trời của Nguyễn Một: “Linh hồn có quyền lựa chọn sao?”, “Thiên Chúa đâu, ngài có để làm gì nếu cho các linh hồn được tự do lựa chọn?”, “Ông mù thật sự nhưng trong tâm ông nhìn thấy con người ở trạng thái nguyên sơ không quần áo và những linh hồn xung quanh họ”, “Chín Toàn thấy sự cô đơn của những linh hồn và toàn bộ sự thật trần trụi đáng buồn của người sống”…
Cõi người rung chuông tận thế (Nxb Đà Nẵng, 2002, tái bản nhiều lần) của Hồ Anh Thái được đón chào khá nồng nhiệt cũng như nhiều tiểu thuyết khác của nhà văn “ăn khách” này. Trả lời phỏng vấn Báo Sài Gòn giải phóng (19-10-2002), tác giả nhấn mạnh: “Quan niệm hiện thực là những gì ta thấy, ta nghe, ta trải nghiệm là chưa đủ. Hiện thực còn là cái ta cảm nữa. Những gì tồn tại ở thế giới bên ngoài đều có thể tìm thấy ở thế giới bên trong mỗi người, ở trong tâm và trí của họ. Cả một đời sống tâm linh cũng là hiện thực, không ai dám nói là đã đào sâu hiểu thấu cái thế giới tâm linh ấy”. Tôi nhấn mạnh cụm từ “đời sống tâm linh”, “thế giới tâm linh”, coi đó là một thứ “mật mã” để khai mở thế giới văn xuôi Hồ Anh Thái: thế giới hiện thực đời sống, không chỉ là những gì hiện hữu, hữu hình mà còn là những gì ẩn khuất, vô hình. Như chúng ta biết “cõi người” là một cách nói (cao hơn là một quan niệm) mang màu sắc tôn giáo về sự sinh tồn của con người trong không gian và thời gian. Khi viết Cõi người rung chuông tận thế, Hồ Anh Thái đã chịu ảnh hưởng tư tưởng Thiên Chúa giáo và cả Phật giáo. Nhà văn giãi bày tiểu thuyết này của ông chịu ảnh hưởng từ Kinh Thánh Tân ước: “Khúc cuối cùng trong Kinh Thánh Tân ước, Thánh John báo trước cho đồ đệ về ngày phán xử cuối cùng, ngày cái Ác tràn lan sẽ bị trừng phạt, ngày tận thế của cái Ác. Nhiều năm gần đây, hình như không chỉ cõi người phẫn nộ với cái Ác mà cả trời đất cũng nổi giận, thiên tai khắp nơi như lời cảnh báo với con người đang hủy diệt môi trường, hủy hoại cuộc sống và tâm hồn nhau”. Đồng thời nhà văn này cũng đề cao tinh thần khoan hòa của Phật giáo khi cho rằng: “Triết học Phật giáo không tin vào định mệnh: kẻ làm ác vẫn còn có cơ hội được giác ngộ, được đón nhận trở lại cõi người, chứ không phải bao giờ cũng bị trừng phạt” (trả lời phỏng vấn Báo Lao động cuối tuần, ngày 12-10-2002). Những ý tưởng trên được nhà văn kí thác trong nhân vật Mai Trừng, người đã đạt tới “giác ngộ” (cô đã lấy thân mình che đỡ một nhát dao tàn độc cho nhân vật “tôi” – người kể chuyện).
Họ vẫn chưa về (Nxb Phụ nữ, 2009) là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Thế Hùng. Cái “cốt” của tiểu thuyết này là truyện ngắn Lộc trời (2005) viết về một miền sơn cước xa ngái của Hà Tĩnh với nghề nuôi hươu truyền thống. Nhân vật “tôi” trong tiểu thuyết Họ vẫn chưa về thường đi trên con đò, cùng ông lái đò, với sông nước và đất trời vần vũ. “Con đò” ở đây có thể hiểu là con tàu tâm tưởng, nơi nhân vật đắm trong những cuộc mộng du. Phần kết thúc tiểu thuyết có một cặp hình ảnh đối lập: Trên trời thì “vẫn chỉ là ông già dở hơi suốt ngày cầm cành dâu da chăn bầy thiên sứ”. Còn dưới mặt đất lại chỉ có: “Tôi nhìn sông, sông vẫn lặng câm. Tôi nhìn chính tôi và bỗng giật mình, hình như tiếng gọi đò từ chính trong lồng ngực tôi phát ra”. Đó chính là cảm thức về mối giao hòa giữa con người và vũ trụ của con người thời đại. Nhân vật của Nguyễn Thế Hùng có đặc điểm tự ý thức về mình như một bộ phận hữu cơ của tự nhiên, vì thế phải hành xử trong cuộc đời làm sao cho hợp “lẽ Trời” (có như thế may ra mới nhận được “lộc trời”). Nhà văn này còn viết về “kiếp trước”: “Hình như kiếp trước em tôi có duyên nợ gì đó với trăng? Hay cái số em tôi bị trăng đày?” (Đoàn Minh Phượng thì lại suy tư về “kiếp sau” khi viết tiểu thuyết Mưa ở kiếp sau).
Hoang tâm (Nxb Hội Nhà văn, 2013) là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của Nguyễn Đình Tú. Ngay cái nhan đề tiểu thuyết đã khiến độc giả nghĩ tới một thế giới hiện thực đầy chất mộng mị, hoang đường. Mà đúng như thế thật bởi nhân vật chính của tác phẩm rơi vào cơn mất ngủ triền miên khủng khiếp nhiều năm trời do dư chấn chiến tranh. Cùng với cô gái “bán hoa”, Anh – người lính phục viên – đã sống trong “hoang tâm” (qua những cuộc chu du “vô tiền khoáng hậu”). Tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú dẫn dụ độc giả vào một thế giới tâm linh bí ẩn, với những “linh hồn”, “cõi âm” rất nhiều “âm khí”. Tác phẩm mang cái vẻ “âm âm u u”, vừa đánh mạnh vào thần kinh người đọc, vừa mê hoặc họ bởi cách viết có phần kì bí. Cái kết tiểu thuyết khá bất ngờ, bởi câu chuyện mà độc giả bị dẫn dụ ở trên, hóa ra chỉ là một giấc mơ của nhân vật chính.
Tiểu thuyết Chân trần (Nxb Trẻ, 2013) của Thùy Dương lấy được nhiều cảm tình của độc giả. Thế giới tâm linh trong tác phẩm của nhà văn này bắt đầu phát lộ từ tiểu thuyết Thức giấc (2009), nhưng đậm đặc hơn cả thì phải đến Chân trần. Nhân vật chính, nữ nhà báo, bị nhấn chìm trong những giấc mơ, đúng là cuộc sống của chị thường “lang thang giữa hai miền sáng tối của trái tim con người” như cách Đoàn Minh Phượng đã viết. Chân trần như là cuộc đối thoại giữa người sống và người chết, giữa cõi dương và cõi âm, giữa người “đời trước” với người “đời sau” về những giá trị sống và những bài học về cách thức hành xử ở chốn trần gian. Đời thực và giấc mơ, hiện hữu và vô hình, cụ thể và mơ hồ đan xen, quyện lẫn trong cuộc sống của nhân vật. Nhân vật nữ của Thùy Dương có khả năng đặc biệt (hay là “siêu phàm”) đó là “thông linh”: đang sống ở cõi trần nhưng có thể “kết nối” được với thế giới khác – thế giới của những linh hồn người.
Có gì gần gũi, tương đồng giữa những cuốn tiểu thuyết hiện diện dấu ấn tâm linh mà tôi vừa dẫn ở trên? Đó chính là “cảm thức tôn giáo”, là “đức tin”. Sở dĩ vấn đề “đức tin” được đặt ra khá thống thiết trong nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng, là bởi tinh thần con người thời đại đang có phần xáo trộn và bất an. Trong hiện trạng khủng hoảng tinh thần (dĩ nhiên cần nhận thức về một kiểu “khủng hoảng phát triển”) thì tâm linh chính là “nơi chốn đi về”, “trú ngụ” của con người (nó đối lập với một đời sống thực tồn, đầy tinh thần hiện sinh). Trở về với tâm linh, rất có thể, là cơ hội để con người khám phá ra bản thể của mình. Con người vẫn được coi là một phần của tự nhiên, sinh ra từ tự nhiên, nó cần được giao hòa với cái “nôi vĩ đại” đó. Cuộc sống thời kĩ trị đã lôi kéo con người rời xa tự nhiên, ném nó vào dòng thác của tiện nghi vật chất. Trở về với tâm linh chính là một “liệu pháp tinh thần” để con người sống hài hòa hơn, “vô vi” hơn, “người” hơn.
Thế giới tâm linh được chắp cánh bởi “cái kì ảo” (như là một hình thức nghệ thuật, chứ không phải là một hình thức thể loại văn chương). Cái kì ảo có thể giúp cho trí tưởng tượng của con người ngày càng bay cao, bay xa. Tâm linh trên đôi cánh của kì ảo, biết đâu sẽ “nối dài các giác quan” của con người, cũng có nghĩa là biên độ của không gian – thời gian tồn tại của con người sẽ được mở ra vô cùng tận.
Có thể nói, tâm linh không chỉ là nội dung mà còn là hình thức của văn chương (có ý kiến còn cho rằng, nếu văn chương là nghệ thuật ngôn từ thì tâm linh là một kiểu ngôn từ đặc biệt).
Nhà văn Pháp Andre Malraux đã viết: “Thế kỉ XXI là thế kỉ của tâm linh”. Đúng như thế. Đặc điểm của đời sống tinh thần giàu có tâm linh là “khoan dung”, “an nhiên”, “hài hòa”, “cứu rỗi”, “thông linh”, “khai mở”… Năng lực tâm linh sẽ giúp con người biết lắng nghe tự nhiên, xã hội, con người; thậm chí có thể “nghe” được cả bước đi của lịch sử một cách tinh tế nhất như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết: “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về” (Đất nước). Và càng ngày con người ta càng tin có một thế giới đặc biệt như cách nhà thơ Tố Hữu viết: “Bác đã lên đường nhẹ bước tiên/ Mác-Lênin, thế giới người hiền/ Ánh hào quang đỏ thêm sông núi/ Dắt chúng con cùng nhau tiến lên” (Bác ơi). Tương lai của văn chương sẽ là những cuộc khám phá bất tận những bí ẩn của thế giới tâm linh trong đời sống của con người thời đại. Thế giới tâm linh đã, đang và sẽ là một “miền đất hứa” chứa đựng nhiều bí ẩn kì thú mời gọi khám phá sáng tạo đối với nghệ sĩ, cũng như mời gọi thưởng thức, đồng sáng tạo, đối thoại đối với công chúng nghệ thuật
B.V.T
Nguồn: vannghequandoi
———–
(*) Lược trích tham luận tại Hội thảo “Văn học và văn hóa tâm linh” do Viện Văn học và Khoa Văn học & Ngôn ngữ – Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đồng tổ chức, ngày 7/3/2014 tại Hà Nội.