Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nói rằng khi người viết đã sáng tạo ra một tác phẩm, điều đầu tiên cần phải chú trọng đó là tác phẩm giúp gì cho đời sống chứ không phải chỉ viết để thỏa mãn cái tôi
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là tác giả hiếm hoi ở phía Bắc đoạt Giải Mai Vàng, thời lĩnh vực văn học đang còn sôi động. Nhắc đến Nguyễn Xuân Khánh là nhắc đến nhà tiểu thuyết số 1 của Việt Nam, đặc biệt là trên “sân chơi” tiểu thuyết lịch sử. Ông còn được yêu mến như một nhà văn hóa hàng đầu bởi thế giới lộng lẫy mà ông đã xây dựng và thổi hồn dân tộc vào đó…
Bi kịch lịch sử mang thông điệp thời đại
Dịch giả Đoàn Tử Huyến nhận xét: “Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh hiện là một trong số rất ít nhà văn Việt Nam có tác phẩm đáng đọc nhất”. Các cuốn tiểu thuyết Hồ Quý Ly (dày 804 trang), Mẫu thượng ngàn (808 trang), Đội gạo lên chùa không làm độc giả “ngán” vì quá dày mà ngược lại đã khiến hàng ngàn người sửng sốt và tấm tắc đọc hết từ đầu tới cuối. Toàn bộ tác phẩm tràn ngập bầu không khí ngọt ngào quyến rũ của thế giới trực giác. Ngoại trừ những phân đoạn đi sâu miêu tả tâm lý cộng đồng, phong tục, tất thảy là thế giới huyền ảo của trực giác, linh cảm, ham muốn, ẩn ức, bị quyến rũ. Đọc rồi tự hỏi sức sáng tạo ở đâu mà một nhà văn ở lứa tuổi 80 lại có thể miệt mài cống hiến cho đời những thành quả ngọt ngào như vậy? Tiểu thuyết lịch sử khiến độc giả mê đắm, đến mức ông đã được mệnh danh là tung hoành một mình trên “sân chơi” tiểu thuyết lịch sử mà không có đối thủ cạnh tranh.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh vui với tượng Mai Vàng trên tay Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
“Lối viết của Nguyễn Xuân Khánh đúng là cổ điển nhưng vẫn mang đậm hơi thở của đời sống hiện đại. Tôi thích nhất là những trường đoạn viết về bản thể tự nhiên, tính phồn thực của nhân vật nữ. Rất phì nhiêu kiểu Nguyễn Xuân Khánh” – nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận định.
Với nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan, tiểu thuyết Hồ Quý Ly không đơn thuần kể lại câu chuyện của thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV mà nhà văn đang “ôn cố tri tân”. Cuốn sách không viết về nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly mà viết về thời đại của Hồ Quý Ly. Tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh không những khắc họa chân thực không khí thời đại mà còn đưa ra rất nhiều điểm nhìn đối với cuộc cách tân.
Không viết để thỏa mãn cái tôi
“Ông vua truyện ngắn” Nguyễn Huy Thiệp quan niệm truyện ngắn khó viết hơn tiểu thuyết vì truyện ngắn có dung lượng ít hơn nên cần phải tinh túy mới chuyển tải được thông điệp, còn Nguyễn Xuân Khánh đánh giá quan niệm này là quá cực đoan. Nguyễn Xuân Khánh cho rằng không có thể loại nào dễ viết mà cũng chẳng cái nào khó hơn cái nào; mỗi thể loại có bút pháp khác nhau nên yêu cầu đòi hỏi đối với người viết sẽ hoàn toàn khác nhau. Từ sau thành công với Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, mọi tinh túy ông dành hết cho tiểu thuyết, tuyệt đối không viết truyện ngắn nữa.
Cuộc đời đã từng trải qua những giai đoạn bĩ cực, lăn lộn bên lề đường nên hình ảnh của lão nhà văn chẳng khác gì cây xương rồng trên cát và cho đến mãi sau này, Nguyễn Xuân Khánh vẫn giữ thói quen sống khắc khổ, giản dị. Ông đòi hỏi mọi thứ phải rõ ràng, rành mạch, làm tốt thì hãy làm, không thì thôi đừng làm. Với ông, viết văn không phải cuộc chơi. Khi người viết đã sáng tạo ra một tác phẩm, điều đầu tiên cần phải chú trọng đó là tác phẩm giúp gì cho đời sống chứ không phải chỉ viết để thỏa mãn cái tôi cá nhân.
Đang rơi vào cơn “tự chán” mình
Dường như đề tài cuộc sống đương đại không hấp dẫn ông? Nguyễn Xuân Khánh bảo không hẳn thế, đời sống đương đại với ngập tràn những chất liệu và trăn trở cũng đáng để phản ánh lắm. Nhưng cái gì nung nấu nhất ở trong đầu mình thì nó cứ thế tuôn ra. Đối với ông, cuốn sách nào cũng gửi gắm nhiều ưu tư với dân tộc, với đất nước, với lịch sử ngàn năm và tố chất tốt đẹp sâu kín của con người.
Bây giờ, sau khi đã rất thành công với tiểu thuyết nhưng ông bảo không dễ dàng để nói được khi nào thì công bố thêm cuốn sách tiếp theo. Bởi vì, nhiều lúc ông cứ trăn trở tự nhủ phải chăng trước đây mình đã may mắn đào được trúng cái “mỏ vàng” tiểu thuyết lịch sử – văn hóa? Nếu bây giờ cũng cứ quay trở lại đào tiếp cái mỏ đã cũ ấy thì độc giả có chán không?
Dù ở vào tuổi 80, Nguyễn Xuân Khánh vẫn giữ thói quen viết tay, như một sự khổ luyện rèn nghề. Nhà văn hằng ngày miệt mài đọc rất nhiều sách. Ông bảo đọc sách là cách giúp bổ sung kiến thức, đồng thời khiến ông cảm thấy dễ chịu, thư thái, tìm lại nhã hứng văn chương.
Biểu hiện “tự chán” của Nguyễn Xuân Khánh thực ra là một thể trạng của “căn bệnh” tự đòi hỏi ở mình quá cao – một tố chất rất quý đối với người viết. Chính vì thế mà ông bước vào làng văn từ rất sớm nhưng phải mãi đến 30 năm sau mới tỏa sáng rực rỡ. Hy vọng ông sớm đi qua “cơn chán” để độc giả lại tiếp tục được đón nhận những cuốn tiểu thuyết hấp dẫn.
Trân trọng Giải Mai Vàng
Nguyễn Xuân Khánh bước vào nghiệp viết từ rất sớm song tên tuổi của ông mới thực sự làm rung chuyển văn đàn khi công bố tiểu thuyết Hồ Quý Ly (năm 2000), sau đó là Mẫu thượng ngàn (2006), Đội gạo lên chùa (2011). Những cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh ra đời đúng vào thời điểm văn học Việt rất khó khăn để tìm ra những gương mặt xuất sắc, những cây bút lớn. Bộ 3 tiểu thuyết lịch sử – văn hóa này đã đem lại cho nhà văn nhiều giải thưởng: Giải thưởng Thăng Long của UBND TP Hà Nội, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội và Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Đặc biệt, ngay khi cuốn Hồ Quý Ly ra mắt, tác giả đã vinh dự nhận được Giải Mai Vàng 2001 Nhà văn được yêu thích nhất trong năm do bạn đọc Báo Người Lao Động bình chọn.
“Khi nhận được Giải Mai Vàng, tôi vui lắm và rất bất ngờ vì đó là phần thưởng của độc giả. Các giải thưởng khác thường do hội nghề nghiệp trao tặng, còn Giải Mai Vàng lại do bạn đọc bình chọn. Tôi rất trân trọng sự ghi nhận của bạn đọc và cho đến giờ, sau 13 năm, Giải Mai Vàng vẫn đang ở trên giá sách của tôi” – nhà văn xúc động nói.
Theo nld.com.vn