Cầm Kỳ Official527 người đăng kýSố liệu phân tíchChỉnh sửa video

Phần 22

Chương Sáu

1

Càn quyét, vơ vét một hồi, thằng Bằng cho kéo quân về đồn. Thằng Quốc bốn ngón ngỗ ngược, vác cây tre treo Thủ cấp của ông Tiên nghênh ngang đi đầu, không một chút đau thương, sợ hãi. Bọn binh sĩ, thả sức đứa nào muốn lấy gì thì lấy, thằng thì treo lủng lẳng con chó, con mèo trên đầu súng. Thằng thì nhét gà, nhét vịt phồng hai túi quần trễ xuống tận đầu gối. Hai thằng khênh một con lợn cháy thui như lợn quay, khệnh khạng lắc lư, vội vã trên đường làng. Bốn thằng nhăm nhăm súng ống, dẫn giải một dây người, hai tay trói rặt cánh khỉ bằng dây chuối khô, chân kéo một khúc gỗ lê đi nặng nhọc. Đi đầu là Nho, tóc cháy xém, mặt mũi đen sì vừa đi vừa la hét “đ.m chúng mày sao lại bắt tao, không thấy tao bị bom cháy xém người đau đớn thế này đây à, thả tao ra”. Đi sau là Na, mỗi lần Nho dẫy dụa lại kéo Na ngã dúi dụi. Cũng may lúc thằng Bằng xông vào nhà bắt con của Na, chị Sen bế thốc cháu và thằng Sửu đóng sập cửa lại chui vào cạnh cót thóc. Nếu đuổi theo bắt thằng bé thì Na chạy thoát, không còn cách nào, đành chịu. Bao nhiêu căm tức nó đổ dồn lên đầu đám “tù binh” này, Bằng thúc báng súng vào lưng, vào mặt từng người, cả dây tám người kéo nhau đổ kềnh xuống đường làng. Na vùng dậy nghiêm mặt, nhìn thẳng vào mặt thằng Bằng quát: “Thằng khốn nạn kia, mày đã bao lần hành hạ tao rồi, lần này bà sẽ không tha cho mày đâu…”. Thằng Bằng lồng lên, hô bọn lính kéo dây người lê sềnh sệch trên mặt đường. Thằng Bỗng ở giữa dây, đứng nhanh dậy kéo theo mọi người cùng đứng lên rồi hát to: “Bao chiến sỹ anh hùng. Lạnh lùng vung gươm ra sa trường. Quân xung phong nước Nam đang chờ…”

Khuya lắm, Còi mới ở bờ sông Cái về. nén đau thương, nhanh chóng cùng dân làng, làm lễ mai táng cho Ông Tiên và bố Tráng. Cuộc sống của họ hằng ngày đã khổ cực, hết đói kém hành hạ, dịch bệnh ốm đau, bom đạn, bây giờ lại đến kẻ thù làng xóm, vô cùng đau đớn lắm rồi, nên dù họ đã mất, cũng nên để mọi người nhìn họ với hình hài đầy đủ và đẹp đẽ hơn. Thủ cấp của ông Tiên bị nó mang về đồn, đành phải lấy gáo dừa gói gém cẩn thận đặt tạm vào quan tài cho đủ thân người “đầu gáo, xương dâu”. Nửa phần trên của Tráng bị trâu kéo bừa quần đảo nát bét, phải đốt đuốc, đau lòng bới cát nhặt từng mảnh xương, mảnh thịt. Sen khóc nức nở bên xác chồng. Lăn trên bãi cát. Đất và Máu nhuộm đỏ khắp thân người. Mất mát quá lớn, bố chết, vợ bị thằng Bằng bắt về đồn, căm giận tột cùng, Còi cắm phập con mã tấu xuống cát, gào thét gọi mẹ, gọi bố, gọi vợ, gọi trời, gọi biển…  

Những quả pháo sáng từ đồn Mả Nàng, vụt lên, xé tan bầu trời đen kịt, thị uy, đe dọa dân làng Khánh Hữu.

Tất cả các cổng làng đóng chặt, chỉ còn lại một lối nhỏ đi lên bờ đê, từng đoàn người bồng bế nhau chạy tản cư, người vác, người khênh, người cho con trẻ vào thúng gánh. Họ bỏ lại nhà cửa, tài sản, chỉ kịp mang theo ít quần áo, vật dụng cần thiết. Nhiều nhà bị cháy không còn gì để mang, vừa đi vừa khóc, dân làng đoàn kết thương yêu nhau, lá lành đùm lá rách. Dưới ánh trăng thượng huyền vằng vặc, sáng đến hồn nhiên thanh thản, gió mơn man phe phẩy, đuổi dài bãi cỏ sát mép sông. Bóng người đổ trên sườn đê cao vời vợi. Đoàn người lặng lẽ, lầm lũi bước đi.

Để phá tan cái không khí nặng nề ấy, hai anh Mộc và Tồn có tiếng là tài nói chuyện tiếu lâm, hễ có tý rượu thịt chó vào là tuôn ra ầm ầm. Thấy hai anh chàng hay đi với nhau, ai thắc mắc, đều nhận được ngay câu trả lời ‘‘Mộc tồn là cây còn, cây còn là con cầy, con cầy là con chó’’. Chuyện trên trời dưới biển, đông tây, nam bắc cái gì cũng biết. Anh ta mà nói thì ai cũng há hốc mồm ra nghe. Nhất là các bà, các cô mặt đỏ nhừ, quay đi, nhưng tai vẫn nghe rồi cười như nắc nẻ. Chả thế mà cái hồi chống dịch tả, liều ăn tiết canh chó với mắm tôm, bị Cụ Tiên cho một trận mười roi, bắt uống thuốc chứ không cũng nằm ngoài Hoang Điền rồi. Hôm nay bom đạn chết chóc, tang gia bối rối, bồng bế đi tản cư còn tâm địa đâu mà nghe tiếu lâm, Võ Tòng đánh mèo; hắn quay qua chuyện chiều nay.

Không biết học ở đâu, mà cả hai đều thuộc làu làu, những câu chuyện không đầu không đuôi, nhưng ai cũng thích.

Mộc kể rằng cụ kỵ ngày xửa, ngày xưa đầu quân cho các chúa Trịnh ở đàng ngoài đánh nhau với chúa Nguyễn ở đàng trong. Chả là ngày ấy, Nguyễn Hoàng lo sợ vị trí của mình trong triều đình, bèn cho sứ giả về Vĩnh Bảo gặp cụ Trạng Trình – Nguyễn Bỉnh Khiêm hay còn gọi là Tuyết Giang phu tử. Hiểu ý cụ cầm tay sứ giả dắt ra hòn non bộ, chỉ vào đàn kiến đang bò và bảo: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” nghĩa là một giải Hoành sơn có thể dựa vào, dung thân được. Sứ giả về tâu lại với Nguyễn Hoàng ngầm ý ấy. Nguyễn Hoàng bèn nhờ chị xin với anh rể là Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa từ Đèo Ngang trở vào, nhờ đó mà dựng lên nhà Nguyễn. Mấy trăm năm nồi da nấu thịt, hai đầu đất nước Trịnh, Nguyễn phân tranh, giành nhau từng tấc đất. Biết bao đầu rơi máu chảy còn kinh khủng hơn vạn vạn lần quả bom napan ném xuống Khánh Hữu sáng nay. Chúa Nguyễn còn kéo quân đánh chiếm quân Chiêm Thành, quân Cao Miên, mở rộng đất nước vào tận mũi Cà Mau. Mãi đến thời vua Quang Trung Nguyễn Huệ mới kéo quân ra đánh tan ba mươi vạn quân Thanh bên Tàu lập nên chiến thắng Đống Đa. Rồi Vua Lê Chiêu Thống gả con gái Lê Ngọc Hân cho, đất nước mới tạm yên.

Có ai đó chen vào:

– Gì mà dài dòng thế.

Mộc tự ái, đùn cho Tồn, Tồn ừ luôn:

– Thì kể. Thời vua Tự Đức, thực dân Pháp ép triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Nhâm Tuất. Vua cử phái đoàn đình nghị, do cụ Phan Thanh Giản làm chánh sứ. Trước khi đi, nhà vua tự tay rót ngự rượu ban cho và dặn mỗi câu: “Đất đai, không thể nào bán cho ai được”. Nhưng, năm này qua năm khác cuộc tranh dành đất đai không ngừng diễn ra. Hết giặc xâm lăng Tàu, thực dân Pháp lại đến để quốc Nhật ùn ùn kéo vào. Thằng Tàu nhăm nhe chiếm đất, bá quyền bành trướng, đô hộ dân ta hàng nghìn năm. Thằng Pháp bắt làm nô lệ, vơ vét cả cứt phơi khô mang về quý quốc. Muôn kiếp người Việt chưa có một ngày ngơi nghỉ. Thế thôi hết.

Đoàn người vừa đi, vừa kể chuyện rì rầm. Đi mãi, đi mãi đến gần canh ba mới dừng chân, dựng lều, đào hầm trú ẩn.

Hôm nay, cúng tuần đầu ông Tiên, bà Lang Tế và các nạn nhân trong vụ bom na pan. Mặc cho bọn địch ở đồn Mả Làng uy hiếp. Thắng vẫn lệnh cho Thuận, trèo lên gác chuông dóng một trăm linh tám tiếng chuông. Bà Tiên ngồi trong chùa gõ mõ niệm Phật. Mọi người lo sợ đưa đi tản cư, bà bảo rằng: “Phải ở lại hương khói cho hương hồn ông Tiên và những người xấu số, được siêu thoát về cõi vĩnh hằng. Lạy chín phương Trời, mười phương Phật, che chở và phù hộ. Adiđàphật…”. Mỗi một tiếng chuông ngân vang, lại một tiếng súng nổ từ đồn Mả Nàng bay vèo đến. Còi và mấy tay dao, tay súng canh phòng các cổng làng rất chặt.

Trên bờ đê sông Cái, cuộc sống của dân tản cư dần dần ổn định. Dân làng ưu tiên cho ông Lang Tế dựng một thưng liếp tre ở giữa làng, tản cư. Mọi người gom góp cây tre, cây nứa và tấm cỏ gianh để có chỗ chui ra chui vào. Toàn bộ nhà cửa trong làng ông giao cho Thắng và Hạnh Mỹ làm cơ sở chỉ huy, nơi tập kết sau mỗi trận chiến đấu. Ngoài này chỉ có cậu Thanh và ba em nhỏ. Giữa gian lều, là bàn thờ Bà Lang, một chiếc gậy tre và bộ áo xô của Hanh người con cả dựng bên tay phải. Bàn thờ bé nhỏ nghi ngút khói hương, một nải chuối xanh, bát cơm lồng và quả trứng luộc. Trong lúc bom đạn khó khăn, thế này là tươm tất rồi. Thanh và Chinh, Vang ngồi ôm cậu út Sanh mới hai tuổi, từ hôm mẹ mất đến nay, nó khóc suốt ngày đêm gọi mẹ. Chinh là chị gái xưa nay được tiếng ngoan, khéo giỗ, thế mà giỗ mãi vẫn chẳng được. Nó càng khóc bao nhiêu thì thầy Lang càng quặn lòng bấy nhiêu. Để Thầy yên vui, Thanh bế Sanh và dẫn các em gọi thêm thằng Sửu cùng chị Sen ra bờ sông thả mồi, cất vó tép. Những con tép, nhảy trong vó vải màn lách tách, từng đôi mắt tép đỏ li ti, xanh tươi nhẩy ào ào trong vó làm lũ trẻ thích thú thay nhau vồ, cười đùa quên đi mọi chuyện. Anh Tráng chết rồi chị Sen buồn lắm, dải khăn tang lúc nào cũng thấm đậm nước mắt. Hàng này chị phải chăm sóc thằng Sửu, Thằng Kiện, thằng Cây con nhà Na, bây giờ giúp cho cụ Lang Tế trông coi thêm thằng Sanh, lấy công việc làm vui. Đối với trẻ nhỏ chúng cần tình yêu thương của mẹ. Nếu không được chăm sóc chu đáo, chúng dễ mắc phải những căn bệnh khó trị. Khi lớn lên, trở thành những kẻ hung ác, vô cảm và ích kỷ. Chị Sen sinh đẻ xong, vỡ da vỡ thịt, dịu dàng phúc hậu, có đôi mắt sáng thiện cảm, là người mẹ rất giỏi về việc này, chị đã nuôi dạy thằng Sửu khi còn trứng nước. Lũ trẻ vui đùa bắt tôm, bắt tép. Chị Sen kho tép thơm phức, mỗi đứa làm hai bát, căng bụng rồi lăn ra ngủ.

Trông cho đàn con, cháu ngủ, nước mắt Sen lại trào ra, tí tuổi đầu đã phải hai lần chịu tang, thật khổ.  Bao nhiêu hình ảnh thân thương về cuộc đời ngắn ngủi lại hiện về. Sau cái lần, nặn sữa cho thằng Sửu, Sen ngượng chín người, phải lâu lắm mới dám gặp lại Tráng. Vậy thôi chứ trong lòng cuồn cuộn như sóng biển xô bờ. Nhớ về người chồng cũ, vũ phu đòi ăn gan người. Hai mẹ con ôm nhau nhảy tùm xuống biển bơi vào bờ trốn thoát. Bà Tiên như bậc thánh hiền, do trời phái xuống cứu độ chúng sinh. Chú Tráng hiền lành đức độ, bao dung, nhưng sao lại vậy cơ chứ, có trái đạo lý không, có phụ lòng người không? Bao câu hỏi quanh quẩn trong đầu Sen. Ông Tiên, Thầy Lang Tế là những bậc cao niên, trí tuệ thuộc nhiều kinh sử và kinh nghiệm đường đời, vậy cớ gì mà không nghe lời dạy của các ông được. Sen và Tráng vui vẻ trong đám cưới tập thể do ông bà Tiên tổ chức. Cả hai như hạn, gặp mưa, cây cối nẩy mầm, khai hoa nở nhụy. Thằng Kiện sinh ra như một chồi non trên thân cây gồ ghề, vững chãi giữa phong ba, bão tố. Tráng quý con, yêu con, đi đâu xa là nhớ, những ngày đi biển về, không cần tắm rửa, thay quần áo cứ thế sà vào bế con. Bà Tiên mắng, Tráng cười khì nói: ‘‘Bà ơi, phải cho nó biết mùi tôm cá ngay từ giờ, thì lớn lên nó mới không sợ biển, sợ sóng to gió lớn đấy ạ’’. Đêm hôm trước trận bom napan, lúc canh hai, Tráng đi tuần về, vội vàng sục vào ổ rơm hai mẹ con Sen đang ngon giấc. Ôm chầm lấy vợ, Tráng thì thào: “Mình ơi, cho anh tý”. Sen nhẹ nhàng: “Ứ đâu để cho con ngủ”. Hơi nóng lại phả vào tai Sen: “Giam hãm hai tháng rồi, nhớ quá”. “Thì cứ đợi đã, cơm không ăn thì gạo còn đấy”. Nói vậy, chứ Sen khẽ dịch người về phía con để cho Tráng ghé lưng xuống. Cái ổ rơm trũng giữa, càng động, càng sát vào nhau. Chân quặp lên đùi vợ rồi gồng mình, tay lần sờ giải yếm, Tráng hổn hển: “Cứ làm tý cho yên, ngộ nhỡ không đợi được thì sao?”. “Gở mồm”. Xoay người lại Sen ôm chặt lấy Tráng, hai người quần đảo trên ổ rơm. Sức vóc anh thợ cày, bàn tay anh kéo lưới làm cho Sen ngộp thở, căng cứng toàn thân. Ôi cái “ma thuật ấy” của anh đã làm Sen rên lên ngây ngất, lần đầu tiên thấy mình được chiều chuộng, một cảm giác rất khác lạ, đang chơi vơi trên một đỉnh cao mờ sương, mệt nhoài, rơm rạ dưới ổ tung tóe. Thằng Kiện lăn sang một bên khóc thét. Kệ, đang cơn “nóng”, khóc rồi mày sẽ nín. Bà Tiên trên nhà khó ngủ, nghe tiếng thằng Kiện khóc lâu, bà ra hiên gọi “Cái Sen đâu, để con khóc khản cả cổ ra thế, dỗ nó đi, ngủ gì mà ngủ say thế?”. Giật mình, Sen vội vàng vâng vâng, dạ dạ rồi bảo nhau dọn dẹp lại ổ rơm.

“Trời ơi! gở thật rồi, lần cuối cùng em dành cho mình. Thế là mình đã đón nhận đầy đủ nỗi vui, nỗi buồn của kiếp nhân sinh để ra đi thanh thản. Em không còn duyên để gặp lại mình ở kiếp sau nữa rồi, mình ơi”. Hôm đám tang Tráng, Sen khóc thầm như vậy…        

 Ngoài đường có tiếng chạy rầm rập, thầy Lang Tế cũng ù té chạy theo. Một lúc sau người ta khênh bà Tiên về máu me đầy mặt. Thì ra lúc bà ngồi tụng kinh trong chùa, bọn lính ở Mả Nàng bắn Moóc chê trúng vào mái chùa, gạch ngói vỡ tung rơi trúng đầu, làm bà bị thương. Thầy Lang nhanh chóng đắp lá cầm máu và cho uống thuốc. Chị Sen phục bên bà khóc nức nở. Nước mắt đã dành cho bao đau thương, tang tóc trong mấy ngày qua, hôm nay lại vắt kiệt trái tim chị. Chị gào lên gọi, gọi kiếp trước đã giắt chị vào bể khổ đau thương này. Ông Tiên cho người kéo chị ra rồi nhẹ nhàng khuyên giải.

“Con hãy tỉnh lại, để còn chăm sóc cho lũ trẻ. Con ốm, nằm đấy thì gánh nặng này, ông làm sao nổi. Đời chúng ta đang nhận những chùm quả của muôn kiếp trước. Vượt qua nghiệp chướng này, chúng ta sẽ nhận được những quả ngon, quả ngọt đó con. Dòng đời chảy xuôi mênh mông, nhưng với từng người, đều có những quãng đường đầy bão giông và chật hẹp. Tất cả vui buồn, cay đắng, tử tế và độc ác rồi cũng bị thời gian làm mờ phai. chỉ còn tình người là ở lại. Hãy cố lên con, cố lên mọi người”.

Thầy cho tìm Thắng, Còi, Thuận đến giao việc:

– Đây là việc hệ trọng – Thầy Lang im lặng rồi nói nhỏ – Các anh phải giữ bí mật, bằng mọi cách lấy được thủ cấp của Ông Tiên mang về mai táng, không thể người một nơi, đầu một nẻo. Ông Tiên, cả cuộc đời với dân làng, bây giờ dân làng không thể để mặc thế được, rõ chửa?

Tất cả ngừng một giây suy nghĩ, đồng thanh hứa:

– Chúng con xin nghe lời Thầy và sẵn sàng.

Đêm ấy trời mưa to tầm tã, sấm chớp đùng đùng, mặc dù vất vả, nhưng là cơ hội tốt. Thắng chỉ huy một tiểu đội xuất phát từ sân nhà Thầy Lang tiến ra cánh đồng, bảo vệ vòng ngoài và yểm trợ cho tốp xung kích thọc sâu, đột nhập vào đồn Mả Nàng. Tốp xung kích gồm Còi và Thuận cùng con chó Mực. Mực là một trong bốn con chó được Ông Tiên nuôi mười năm nay, nặng hơn mười lăm cân, rất khỏe và khôn. Hồi mới lên làm Chủ tịch ông đã bán ba con đi, con Mực thì được giữ lại. Hàng ngày, Thuận huấn luyện, chạy nhanh và bền sức, nhẩy qua hàng rào cao hơn mét. Đặc biệt bơi lặn và bắt cá dưới biển cực giỏi. Có chuyến Thuận cho đi biển xa, gặp giông bão thuyền đắm, Mực đã lặn xuống tìm và cứu vớt người. Hôm ông Tiên mất, Mực ra bãi tha ma Hoang Điền, bỏ cơm nằm phủ phục bên mộ hai ngày trời, Thuận phải dỗ mãi mới chịu về. Hôm nay được đi theo Thuận tìm thủ cấp ông Tiên, Mực mừng lắm, không khóc nữa, chạy ra chạy vào vẫy đuôi liên tục, giục giã lên đường.

Đến sát hàng rào thép gai đồn Mả Nàng, Còi  Thuận và Mực, tất cả ướt sũng, lợi dụng cơn chớp sáng lòe, Thuận nhìn thấy một lối nhỏ xuyên qua hàng rào dây thép gai, nhanh chóng ra hiệu cho Mực lách vào. Còi đầu đội vòng lá, tết bằng dây mơ lông thơm phức, quanh người quấn đủ các loại cành cây. Thuận đội cái bị cói, mặc bộ quần áo bao tải, mùa rét vẫn mặc đi cày, cho gọn nhẹ, dễ chạy theo Mực. Hai người nằm sát đất nín thở, nhìn theo Mực đang lao như tên bắn vào góc sân đồn. Kia rồi cây tre treo thủ cấp ông Tiên đang lắc lư theo chiều gió. Mưa vẫn đổ ào ào xuống, rửa sạch những vết nhơ bẩn, bám trên mặt ông. Cách đó không xa, Mực nằm phục áp tai xuống đất nghe ngóng một hồi, rồi như cái lò so, Mực bật tung người bám vào thân cây tre, cây tre lắc lư, Mực rơi bịch xuống đất. Một lần không thành, hai lần rồi ba lần. Mực leo lên cao hơn, cây tre uốn cong hẳn xuống, dập dình một lúc rồi gẫy gập. Mực lăn lóc trên mặt đất, chắc đau lắm, nhưng vội vàng đứng dậy, lao đến, ôm lấy thủ cấp, ngậm, chặt búi tóc cứ thế phi nhanh ra ngoài. Còi và Thuận hồi hộp theo dõi từng cử động, chờ Mực đến nơi, Thuận đỡ lấy thủ cấp, đặt vào bị cói, đội lên đầu. Còi suýt ngã nhào xuống ruộng, Mực vui mừng nhẩy lên ôm lấy cổ hôn hít và vẫy đuôi liên tục. Cả ba, nhanh chóng lội ruộng trở về. Tiểu đội yểm trở của Thắng không tốn một viên đạn, hân hoan hoàn thành nhiệm vụ.

Mặc cho trời mưa to và bọn giặc ở đồn Mả Nàng nã súng vào bất kỳ lúc nào, nhưng thầy Lang Tế và nhân dân Khánh Hữu vẫn làm lễ tế Thành Hoàng giữa sân đình, xin phép thần linh, chúa đất và các vong linh nghĩa địa Hoang Điền để ông Tiên được về cõi Tịnh độ với đầy đủ thân xác, hiền lành đức độ. Trong tấu sớ Thầy Lang tâu rằng: “Khi còn sống, ông nguyện là ánh lửa, cháy rực rỡ tới phút cuối của cuộc đời để soi tỏ lòng người, mang lại ấm no, hạnh phúc cho muôn dân. Lúc chết đi, ông nguyện là hoa tuyết, lất phất rơi, hóa thành cát bụi. Thân xác ông sẽ phải tiêu tan, nhưng Trí tuệ của Giác ngộ sẽ trường tồn vô tận trong thực thể của dân làng Khánh Hữu”.

Không cầm được nước mắt, thầy Lang Tế bọc thủ cấp của ông Tiên trong vải đỏ rồi đặt vào hũ sành, chôn riêng không thể đào mộ lên đặt thủ cấp vào đấy được, khi nào sang cát sẽ đặt cốt vào sau. Chôn thủ cấp ở đâu bây giờ là điều vô cùng tuyệt mật. Chuyện đời xửa, đời xưa khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, để đảm bảo an toàn thi thể, sau này bọn gian thần và nghịch tặc không thể đào bới ám hại. Triều đình đã giao cho bẩy vị quan bí mật, mang thi thể Vua đi thật xa vào các hang núi Tràng An, Ninh Bình chôn cất. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bảy vị quan đã nhẩy xuống sông tự vẫn. Đến bây giờ không ai biết hài cốt Vua Đinh Tiên Hoàng nằm ở đâu, chỉ còn thấy đền thờ bảy vị quan trung thần đó. ở Tràng An gọi là Phủ Khống. Thời xưa là vậy, thời này kẻ xấu nhiều hơn người tốt, biết tin ai. Thầy Lang Tế ngồi kiểm lại: Ông bà Tiên không có con, họ hàng, anh em cũng tịch từ lâu, nhà giầu có, đất đai ruộng vườn, nhiều kẻ nhòm ngó. Thằng Sửu danh chính ngôn thuận là con nuôi, mong muốn của ông bà là nối nghiệp đích tôn, nhưng xem tử vi thì tính ngỗ ngược, cung điền trạch phát tán, ông lắc đầu chưa tin được. Thằng Còi gần đây qua lại vì thằng Sửu em nó, chứ cũng chẳng mặn mà gì, xa xưa nhà nó với nhà ông Tiên có mối nợ nần, phải làm thuê gán nợ hai sào ruộng. Thắng là người trú ngụ, là cán bộ nay đây mai đó biết đâu mà tìm. Mấy anh tá điền, trung thành thật đấy nhưng sau này nếu thời cuộc thay đổi thì mọi sự sẽ đảo ngược. Tóm lại là không ai có thể trao cho việc quản lý cái thủ cấp này, giờ chỉ còn Thanh, nhưng nó lại là con trai Thầy. Thầy tính nó không có liên quan họ hàng, ruộng đất không dính một mẩu, cái cốt lõi là lòng nhân từ và tình yêu thương, không chê vào đâu được. Thanh phải gánh vác công việc này, thay mặt thầy trả ơn đáp nghĩa ông bạn đồng môn chí cốt, vào sinh ra tử.        

Thế là sau khóa lễ, chờ cho mọi người về hết Thầy Lang Tế và Thanh bí mật mang ba hũ sành giống nhau chôn cất ở ba nơi. Hai hũ không, một chôn ở bờ giếng làng dưới gốc cây dừa, một chôn ở sau nhà để kiệu. Còn hũ có Thủ cấp của ông Tiên cất sau hậu cung của đình làng. Thầy vẽ lược đồ chi tiết rồi đưa cho Thanh, dặn: “con phải nhập tâm, ngộ nhỡ mất còn biết chỗ mà tìm”. Thanh ê a một hồi, nhập tâm thuộc lòng rồi hai thầy trò mang vào đình, đặt dưới đế tượng Thành Hoàng làng.

Xong việc, tạnh mưa, trời ửng hồng. Khánh Hữu qua một đêm vật lộn với trời, với lòng người, trở lại an bình.

Đồn Mả Nàng nhốn nháo, kẻng báo động, kèn tò te tý te thu quân, đổ xô đi tìm thủ cấp của cụ Tiên, biến hóa như tiên.

2

Đồn trưởng Bằng không tiếc cái đầu ông Tiên, mà nó sợ có kẻ nào đã lọt vào đây mà quân lính không biết, canh gác kiểu này, nguy rồi, phải trừng trị ngay để răn đe. Lập tức nó lôi thằng lính gác đêm qua ra bắn, chưa kịp bấm cò, thằng Toái nắm chặt tay hắn:

– Không thèm cái đầu lâu ấy, quan trọng là bọn tù binh và con Na, Đồn trưởng quên rồi sao?

Đồn trưởng Bằng, ngửa cổ lên trời cười khành khạch, bắn một phát chỉ thiên, kéo nhau vào phòng chỉ huy, rót hai cốc rượu Whisky Single Malt nốc ừng ực. Đặt cốc, Bằng hãnh diện:

– Trung úy Toái, mày xứng đáng làm phó cho tao, có rất nhiều mưu kế, hay!.

Toái khoái chí, bộ dạng khác hẳn ngày xưa, không còn gù gù, gò lưng kéo lưới, bàn tay to bè, thô ráp của anh dân chài. Không còn cái giọng nịnh hót, lừa lọc, cầu xin ông Tiên vào cái chân đánh chuông chùa và mảnh đất cho con trai cưới vợ. Con người hắn đã biến đổi như thời tiết biển đông, lúc trăng thanh biển lặng, lúc sóng thần, gầm gào quái ác. Hai con mắt đầy máu sôi lên sùng sục, bàn tay gân guốc chém phăng thủ cấp của người mà hắn phải mang ơn. Bây giờ là trung úy, có quyền lực, có vũ khí trong tay, mơ ước về một tương lai giầu có, ruộng đất thẳng cánh cò bay. Cái gì đã xoay đổi kiếp người nhanh như vậy? Thiện, ác trong người hắn cách nhau một sợi tóc. Hắn biết, cả làng Khánh Hữu hận hắn muôn đời. Cơn lốc xoay đổi kiếp người, trong hắn vẫn quay cuồng mãnh liệt. Hắn vỗ hai bàn tay ra lệnh. Một tên lính có mặt, dậm chân nghiêm chỉnh chờ lệnh. Toái hất hàm, hiểu ý, tên lính làm theo, một lát sau nó đẩy Na vào. Bị cú huých mạnh, Na lảo đảo xiêu vẹo, đầu tóc rũ rợi, hai tay bị trói quặt ra phía sau. Ngẩng cao đầu, Na hét toáng:

– Các người muốn làm gì tao?

– Cởi trói. Tên lính ban nãy nhẹ nhàng cởi trói.

– Em ngồi xuống đi – Bằng giơ ly rượu về phía Na – Uống đi em. Chúng ta lại gặp nhau, bao nhiêu kỷ niệm “đẹp”, em quên sao?

– Quân khát máu. Na gạt tay, cốc rượu bay xuống đất vỡ tan tành.

Thằng Toái định xông vào, Bằng ngăn lại:

– Xéo! 

Toái lặng lẽ đi ra, trong phòng còn hai người, Bằng quay lại vuốt má Na:

– Em vẫn đẹp, anh yêu em mà! Bây giờ em đã là bà đồn trưởng rồi. Hãy quên ngay cái thằng Còi khố rách áo ôm ấy đi. Bao nhiêu ruộng đất và những kẻ chân lấm, tay bùn đang thuộc về em. Thế nào bà đồn trưởng.

Cổ họng Na khát bỏng, hai môi nứt nẻ, hai con mắt đỏ ngầu bốc lửa. Sức mạnh trong người bây giờ không còn nhân văn, mà là bạo lực, không có vũ khí nào khác. Đứng dậy, Na lấy hết sức thúc đầu gối vào háng thằng Đồn trưởng. “Chỗ ấy” đau điếng, hoa mắt nó ôm đũng quần gục xuống, một phát súng nổ, nhưng vội vàng, không trúng vào Na mà xuyên thẳng vào đùi thằng lính hầu đứng chờ ngoài cửa. Nó la lên và lăn đùng xuống đất. Toái chạy vội vào, kéo Na tống xuống hầm giam. Binh lính trong đồn, nhốn nháo chạy loạn xạ. Tất cả kéo đến, vây chặt nhà chỉ huy Đồn trưởng. Thấy vậy, Nho và Bỗng bỏ cả nồi cá kho đang kho dở, chạy ra đánh hôi…

Từ ngày bị bắt vào đây, thằng đồn phó Toái nghĩ tình bạn bè từ khi còn để truồng bắt cua, bắt ốc và cũng họ hàng bên ngoại mấy đời, nên nó ưu ái cho Nho vào đầu bếp. Nho buôn cá giống, biết chọn con nào ngon, con nào ít xương. Đặc biệt là món gỏi cá mè, đồn trưởng Bằng mê nhất. Nho tự do tung hoành, không bị trói giam ở dưới hầm tối tăm, hôi hám. Bữa nào cũng vậy Nho và Bỗng bí mật dành những miếng ngon và phần nhiều cho anh em trong hầm ăn no. Có bữa Na bị tra tấn đau, mệt, Nho đã lẻn vào đút cho thìa cháo cá, hành tươi thơm phức. Vì vậy mà toàn thế anh em trong hầm giam đều khỏe mạnh. Thằng Bằng đồn trưởng lại rất thích tính của Bỗng, mồm miệng đỡ chân tay. Ngay từ ngày còn làm mõ, bên Bái Môn có việc, Lý Khoái lại nhờ nó đi rao hộ. Nghĩ đến cái giọng, lúc nói kiểu người miền biển nặng chịch, lúc lơ lớ ‘‘Con tâu tắng tui bờ te tụi’’. Rồi tiếng Nghệ Tĩnh “Mông tui tui xoa, mông enh, enh xoa, nỏ được xoa mông tui”, Bằng lại cười một mình, cái thằng Bỗng này giỏi. Mấy đêm nay bọn Khánh Hữu cứ bắc loa nói ra rả, đòi thả bọn tù binh. Bố láo, cái giọng con Hạnh Mỹ the thé như xé vải. Mẹ nó chết cháy, mà không chừa, bắt được, tao rạch họng. Nghĩ vậy, nhưng chưa bắt được, chẳng lẽ mình bị thua, Bằng liền giao cho thằng Bỗng làm vè đối đáp lại, bắt nó vào đây rồi, không nhẽ để phí. Thế là Bỗng được gọi lên phòng chỉ huy, ngồi vào bàn giấy. May mà đợt bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ, Bỗng được Na dạy viết, dạy đánh vần được dăm ba chữ. Loay hoay đến nửa ngày mới viết ngoằn ngoèo gần hết trang sách học trò, Bỗng đưa cho Bằng:

– Mày củ soát đi, hay ra phết.

Thằng Toái đứng đó, nghe vậy quát:

– Tao với mày là thế nào? Thưa đồn trưởng. Nói lại.

– Ừ thì từ xưa đến nay, tao với nó chả cưởi truồng bơi sông, đánh khăng, đánh đáo trên bãi cát là gì. Còn đồn trưởng với mày, chứ với tao thế đéo nào được. Ông Lý Khoái còn sợ nữa là…

– A thằng này láo.

Toái định xông vào đánh, nhưng Bằng muốn được việc đành xoa dịu:

– Thôi đi nào, đưa tao xem.

Bằng cầm tờ giấy, nhưng cũng chẳng đọc được chữ nào, hắn vẫn còn mù chữ, Chỉ nói được mấy tiếng Tây bồi, vợ dạy cho thôi. Đận trước cả hai vợ chồng phải chui cổng mù đi chợ là gì. Tờ giấy trên tay xoay đi xoay lại, ngược xuôi một lúc, hắn dõng dạc nói:

– Hay. Cứ thế đọc đi.        

Tối ấy ở Khánh Hữu vang lên giọng nói của Hạnh Mỹ từ cái chòi phóng thanh, trên ngọn cây xà cừ ở đầu đường cái. Đồn trưởng, đồn phó hô quân lính tập hợp giữa sân để nghe lời phát biểu hùng hồn của Đồn trưởng, do “ủy viên văn hóa” Bỗng soạn thảo và đứng trên lô cốt phát oang oang:

“Alô, alô! Hỡi anh em chiến hữu, hỡi đồng bào Khánh Hữu, chúng ta là con rồng cháu tiên, sống chung một làng, uống chung giếng nước, tế lễ một Thành Hoàng. Con cháu kết mối xe duyên, nhà nhà kết giao, đùm bọc chung sống, nhường cơm sẻ áo. Muôn kiếp nhân sinh vượt qua sóng gió, biển khơi. Vậy cớ sao cha giết con, vợ chém chồng, anh đâm em, đầu rơi máu chảy, tranh nhau từng tất đất. Đất nhuộm máu người, người vùi trong đất…”

Đám binh lính nhẩy lên hò reo, hay hay, đọc nữa đi, đọc to lên, đọc đi. Bỗng khoái chí, vuốt cổ áo hắng giọng định đọc tiếp thì giọng ngọt ngào của Hạnh Mỹ từ loa phóng thanh ở Khánh Hữu vang đến:

“Hỡi anh em binh sỹ đồn Mả Nàng, hãy hạ súng xuống, trở về với quê hương, làng xóm, mẹ già, vợ con đang đợi. Đồng ruộng cây lúa đang trĩu hạt trổ bông, ấm no hạnh phúc đang đến gần. Chúng ta không làm bia đỡ đạn cho Tây cho Tàu mà chém giết lẫn nhau. Đồng ruộng của ta, không phải là bãi chiến trường. Nhà ta, ta ở, chứ không phải nhà tù hãm hại lẫn nhau. Anh ơi, mau về đi em đợi, con đang khóc, con gọi tên anh!”…

Hàng loạt binh sỹ gục đầu vào nòng súng, nấc lên từng hồi, có tên ném mạnh xuống đất hô to: “Đéo cần, về đi, về đi anh em ơi”. Khẩu súng trong tay, thằng Toái giơ lên trời bắn ba phát chỉ thiên. Đồn trưởng ra lệnh:

– Đọc tiếp, bịt mồm con Hạnh Mỹ lại.

Bỗng không cần hẵng giọng, dõng dạc đọc:

Đồng bào hãy lắng nghe tôi đọc câu vè này:

“Bao giờ bão táp, phong ba,

Mưa to, gió lớn thì ra đón về”.

Đồn trưởng Bằng quay lại quát, vang cả ra loa:

– Mày nói thế nghĩa là sao? Văn bản lúc nãy, có đoạn này đâu?

Lúc này Bỗng không muốn mày tao như trước, sợ hỏng việc lớn, nên nhẹ nhàng thưa:

– Đấy là tôi nói vậy, đối đáp với bên kia, cũng như các cụ ngày xưa, đặt vè thách đố: Bao giờ chạch đẻ ngọn đa, Voi đẻ dưới nước thì ta lấy nàng. Làm sao có chuyện ấy. Bây giờ cũng vậy, chờ đến bao giờ mới phong ba bão táp. Muốn lũ lụt thì họ phải tạo ra vỡ đê xả lũ thì mới đón nàng về dinh được chứ. Đồn trưởng thấy có đúng không?

– Viển vông, giải tán.

Bằng hất hàm quay đi. Đồn phó Toái hô:

– Bồng súng, nghiêm, tất cả về vị trí chiến đấu.

Về đến bếp, Nho và Bỗng ôm nhau cười

– Mày lấy văn chương này ở đâu ra vậy? Nho hỏi

– Văn chương gì, đấy là ám hiệu, không biết các cụ ở nhà có hiểu không nhỉ? Bỗng lo lắng.

– Mày nói ra loa hết rồi còn gì.

– Đêm khuya, giữa đồng không mông quạnh, đến con gà gáy ba tổng còn nghe được, nữa là cái loa to tổ bố này.

– Đúng thế, ở nhà chắc nghe thấy hết, thầy lang Tế, anh Thắng còn giỏi bằng vạn mày, ấy chứ lỵ.

Đêm ấy bình yên. Sáng hôm sau, mây trắng về trời.