Tiếng kèn đồng của ban nhạc hòa tấu Thánh ca  bên làng Bái Môn, dồn dập ngân dài. Cụ Tiên đứng giữa sân chống ba toong, vểnh tai nghe cho rõ, cụ lẩm bẩm “Lại có người chết rồi”. Quay lại nói với thầy Lang Tế đang mải mê bắt mạch:

– Bên đó, Lý Khoái làm lý trưởng, thầy có biết không?  

Thầy Lang Tế nghĩ một lúc mới nhớ ra:

– À tôi nhớ, có một lần chữa gót chân cho ông ấy. Nặng quá, đứt gân không liền được, tội nghiệp.

– Đâu phải ngã, léng phéng với con mẹ hàng cơm trên phố huyện, chồng nó bắt được, cắt đứt gân chân đấy.

Cao hứng thầy Lang Tế ngâm mấy vần thơ:

Ta rằng ta chả có ghen.

  Vợ ta sao nỡ theo mày,

  Ta nghiến, ta nghiền ra tro.

Tất cả mọi người cười vui thoải mái, dịu đi cơm đau đang hành hạ. Được thể Thầy Lang Tế lại động viên lấy tình yêu thương làm sức mạnh. Có tình yêu thương là có tất cả, đẩy lùi mọi bệnh tật – Nào cười lên, một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Những tiếng cười lại vang lên, lúc đầu yếu ớt, dần dần vang cả sân đình. Ai đó trong đám bệnh nhân vừa cười, vừa nói “Thầy giỏi quá, còn bầy cho chúng con cười để chữa bệnh, vô cùng quý đấy ạ”

Anh trương tuần được cụ Tiên sai đi dò xét tình hình bên Bái Môn chạy về thưa:

– Bẩm cụ bên Bái Môn nguy to rồi ạ.    

– Nói rõ xem nào? Cụ Tiên nghiêm mặt quát.

 Trương tuần thở hổn hển, nói không ra hơi.

– Dạ, lão Lý Khoái chết rồi ạ.

Không khí im lặng lắng xuống giây lát. Sau đó một vài tiếng to nhỏ xì xào. Cụ Tiên đi đi, lại lại mấy bước rồi hỏi:

– Thổ tả, hay chết bệnh?

Trương tuần líu ríu nói không đầu, không đuôi:

– Bẩm cụ, tất cả đường qua cầu vào làng Bái Môn đóng kín. Sông Nê nước đục ngầu, cá tôm chết nổi lềnh bềnh. Con đứng ở bên này hỏi một người đang vớt cá, anh ta bẩu, người bị thổ tả chết ối ra – Con lại hỏi không uống thuốc gì à? Anh ta trả lời – Có đâu mà uống, mặc, chán rồi khỏi. Nội bất xuất ngoại bất nhập. Ông Lý Khoái thượng thổ hạ tả, đến giờ dần thì chết, đang chờ thằng Bằng con cả về chịu tang. Hết đấy ạ.

  Thầy Lang Tế, đứng phắt dậy:

– Không để thế được, phải chữa trị ngay, tất cả thu xếp sang giúp họ.

Cụ Tiên suy nghĩ rồi nhẹ nhàng phân tích:

– Không được. Khánh Hữu với Bái Môn còn một lời nguyền muôn thuở, không vào được.

Không nghe lời cụ Tiên, thầy Lang Tế nói giọng hờn dỗi:

– Đó là hận thù của ông, chứ không phải của thầy trò chúng tôi. Hãy buông bỏ hận thù, cứu người như cứu hỏa. Nào tất cả lên đường.

Đoàn người chống dịch, gồng gánh qua cầu sông Nê, sang Bái Môn. Cụ Tiên và nhiều người Khánh Hữu đành phải nuốt hận đi cùng. Cổng làng giữa cầu đóng kín, trên treo lá cờ báo tang. Thằng Bỗng bác loa tay gọi mấy lần không ai thưa. Trong làng tiếng kèn trống đám ma vọng ra ầm ỹ. Hồi lâu mới có ba người vác gậy gộc chạy ra hỏi:

– Các người là ai? Anh ta nhìn qua khe cổng nhận ra, rồi à lên một tiếng:

– Dân Khánh Hữu hả? Cấm không cho ai vào.

Thằng Bỗng nhanh nhảu lên tiếng thay cho các cụ:

– Nghe tin cụ Lý mất, dân Khánh Hữu chúng tao sang viếng cụ. Nghĩa tử là nghĩa tận, trước sau như một, có gì nói chuyện sau. Mở cổng đi.

– Để tao vào thưa với cậu cả Bằng đã.

Chắc là người bên đó cũng là thằng mõ, quen biết nhau nên họ xưng hô ngôn ngữ đồng nghiệp.

Một người chạy vào làng, còn hai người vẫn nhăm nhe gậy gộc đứng canh. Thầy Lang Tế tranh thủ bàn với cụ Tiên: – Tôi và cụ vào viếng để xem tình hình, rồi hãy nói đến chuyện khác, được không? Cụ Tiên – Hay hay, thượng sách. Nói rồi cụ ra hiệu cho mọi người để hai cụ ở lại trên cầu còn đám người gồng gánh quay trở về bên kia sông chờ đợi. Một hồi lâu hai người kèm Bằng đi ra. Trong bộ trang phục lễ tang Bằng đứng ở đầu cầu nói vọng sang:

– Các người làng Khánh Hữu muốn vào, phải mang nộp thằng Còi cho ta.    

Vẫn giọng thằng Bồng, cụ Tiên đứng sau nói nhỏ để nó nói lại:

– Thằng Còi chết rồi.

– Nói láo, bằng chứng đâu?

– Thật đấy cả nhà nó chết hết. Không tin sang Nghĩa địa Hoang Điền mà tìm.

– Ta tin. Những ai cùng đi?

– Cụ Tiên Hách và thầy Lang Tế ân nhân của cụ Lý nhà ta đấy, mở cổng đi.

– Đúng vậy thì được.

Bằng ra lệnh cho ba dân phòng mở cổng. Thằng Bỗng dẫn đường, hai cụ rảo bước đi theo. Bằng không chào hỏi ai đi nhanh về nhà, đứng bên linh cữu cha để làm nghi thức đáp lễ. Trong gian chính giữa ngôi nhà rộng năm gian là bàn thờ đơn giản, một bảng tên Thánh Phedo, một bình hoa huệ trắng, cây thánh giá. Phía sau quan tài, treo một tấm vải có thêu tên giáo xứ Bái Môn. Bà con trong làng và trong khu ngồi chật ba gian nhà đọc kinh, cầu cho linh hồn người đã mất. Ngồi hàng ghế đầu là bà vợ Lý Khoái mắt mũi kèm nhèm, không nhận ra ai vào ai. Kế bên là Na vợ Bằng, con dâu chưa cưới. Tiếp đến là ông em ruột, Lý Khiếu, chú của Bằng. Thằng Bỗng nháy mắt, ghé vào tai cụ Tiên thì thầm “Ông nhìn, cái Na đấy nó phải lòng thằng Còi nhà Tráng làng ta, tý nữa thì gọt đầu bôi vôi. Bây giờ bụng lại phưỡn ra với thằng Bằng”. Cụ Tiên gạt phắt “Tơn hớt vừa thôi”.

Thực hiện lòng tôn kính đối với người quá cố, hai cụ vào làm nghi thức viếng, lạy hai lạy. Bằng và gia quyến đứng bên linh cữu trả lễ một lạy.

Ngồi tiếp nước hai cụ sau khi viếng là bà Cả, vợ lớn của quan tri huyện Nguyễn Quan Trường, mẹ nuôi của Bằng cũng là thông gia tương lai. Trong câu chuyện bà nhận ra thầy Lang Tế. Thời thế đã thay đổi, bà Cả ăn mặc bình thường hơn, lời nói cũng dịu dàng và hạ xuống vài ba cung bậc. Sau ngày Quan Trường chết, Tuyết Hồng bế con lai chạy theo Robel chuồn về Pháp. Gia thất quan lại bị lụn bại, lâm vào thế tan nát không còn vực dậy được. Thế nhưng bà Cả lại vui mừng, vui vì từ đây được toàn quyền cai quản cái gia tài khổng lồ ấy. Thời thế thay đổi, chỉ thay cái người đứng đầu. Không gọi là quan, họ gọi là cái gì đó – mặc. Quan trọng là ruộng đất của Bà, vẫn là của bà, có khi lại còn nhiều hơn. Ai giám bảo Bà là người nhà quê.

Hôm ấy giữa lúc loạn lạc, Phủ đường bị tàn phá Bà và thằng Bằng vội vàng xông vào. Quan Trường, nằm chết co quắp ở trong phòng. Kệ. Bà bắt huyện thừa Bùi Kiệm ôm tất cả sổ sách, văn tự, địa bạ chạy theo mẹ con Bà về quê. Sau mấy ngày nuôi ăn, Bùi Kiệm ngồi rà soát, tất cả ruộng đất công, tư, bất cứ ở nơi đẩu, nơi đâu. Mảnh nào có dính dáng đến Quan Trường, Tuyết Hồng đều được sang tên cho bốn mẹ con Bà là thằng Bằng và hai cô con gái. Bùi Kiệm nhân danh huyện thừa, ủy quyền của tri huyện Quan Trường ký tên đóng triện tím, bầu dục. Chắc ăn bằng vạn lần cái hôm hấp hối, hai mẹ con van xin chữ ký thừa kế, chẳng được, lại còn bị mắng oan. Xong việc hai mẹ con mở tiệc khao huyện thừa Bùi Kiệm, một bữa say túy lúy. Đêm khuya làng xóm yên ắng, thằng Bằng và gia nô trói Bùi Kiệm ấn vào ró, cho xuống thuyền, căng buồm chở ra tận khơi xa, nén xuống biển phi tang. Thế là hai mẹ con Bà nganh nhiên chiếm một khối ruộng đất khổng lồ, cả huyện này không ai sánh kịp. Chính thể mới, lạ lẫm biết đâu mà lần, cái nào cũng hợp lý, hợp pháp. Lại một điều may mắn nữa, thầy Lang Tế không chữa khỏi bệnh cho Quan Trường; nếu còn sống thì sự thể khác rồi. Căm nhất là việc Bà Lang nhận nuôi thằng con lai của Tuyết Hồng. Bây giờ thì Bà lại hả hê, có đứa con lai ấy nó mới bám đít thằng Tây đen,  khuất mắt, cho Bà rảnh tay chuyên quyền.

Vô tình gặp thầy Lang Tế ở đây, Bà đắn đo mở đầu câu chuyện:

– May mắn quá, được hầu chuyện thầy. Đúng ra tôi phải gặp từ lâu để cám ơn. Mong thầy thứ lỗi.

Thầy Lang Tế xua tay phân trần:

– Không dám, xin bà cứ tự nhiên. Thực ra tôi cũng chưa biết chuyện gì.

– Thầy cứu đỡ gia đình chúng tôi nhiều, chúng tôi rất biết ơn.  Cái chết của ông nhà tôi thật bất ngờ, nếu đón được thầy sớm thì không đến nỗi thế.

Bà Cả ra điều cảm động trước cái chết của Tri huyện Quan Trường. Thầy Lang Tế, nhẹ nhàng giải thích:

– Tôi hiểu thưa bà. Dù có biết sớm cũng vậy thôi. Con người ta có luật: sinh, lão, bệnh, tử. Số mệnh không định trước mà bà.

– Đành là vậy, tôi chỉ ân hận là ông ấy không trăng trối điều gì…Con mẹ Tuyết Hồng thì nhơn nhởn vơ vét hết. Cái kiếp lấy chồng chung là vậy. Cả cuộc đời vì nước, vì dân, mà ra đi với hai bàn tay trắng. Bà Cả cố rặn ra vài giọt nước mắt trong đôi mắt khô khốc.

– Mười hai đường nhân quả Đức Phật đã dạy rồi: “Nếu tham lam lấy của người khác bao nhiêu thì cuộc đời ngày càng nghèo khó bấy nhiêu”. Ông nhà ta, buông hai bàn trắng ra đi là quý lắm đấy ạ.

Bà Cả giật mình, có khi lão thầy thuốc nho giáo này đã biết hết những việc làm hiểm ác của hai mẹ con mình, nên nói chữ xa xôi, gớm thật. Mặt Bà chảy xuống, thần sắc thay đổi, tim đập thình thịch, chưa kịp nói gì thì bất ngờ nhiều người đang đọc kinh ở trong nhà chạy ra quỳ trước mặt thầy Lang Tế cầu xin, chớp cơ hội, bà Cả vội vàng lẩn đi chỗ khác.

– Bẩm Thầy, bây giờ mới biết thầy. Chúng con là kẻ ốm yếu, bệnh tả đang hành hạ, nay sống mai chết, chẳng biết làm cách nào, xin thầy ra tay cứu giúp ạ.  

Thì ra từ nãy giờ họ ngồi đọc kinh cho vong linh Lý Khoái, nhưng vẫn xì xèo bàn tán về sự có mặt của hai cụ làng Khánh Hữu sang viếng. Cụ Tiên và thầy Lang Tế vội đứng dậy đỡ mọi người. Cụ Tiên ân cần nói:

– Đứng lên,…đứng lên, có gì cứ nói thầy Lang đây sẽ giúp.

Mọi người tranh nhau kể bệnh trạng của mình. Người thì đau bụng đi ngoài, người nói phều phào, thở không ra hơi, người xanh xao gầy còm… Nói chung, tất cả là triệu chứng của bệnh thổ tả. Một số đã lây lan sang người khác, cần phải chữa trị và cách ly ngay. Thấy ồn ào, Bằng đang phục bên linh cữu chạy ra quát:

– Làm gì mà ầm lên thế?

Cụ Tiên phân tích nhẹ nhàng:

– Cậu cứ để người ta nói, đây là những ngườì ốm cần được thầy Lang cứu chữa ngay. Chậm như ông nhà ta, sẽ không kịp đâu.

Ông Khiếu đứng đó nói thêm vào:

– Hôm ấy tôi chưa về kịp, ở nhà mọi người cuống hết cả lên. Ông ấy đau bụng quằn quại, lăn lê bò toài trên giường xuống đất. Thượng thổ hạ tả, hôi tanh khắp cả năm gian nhà. Nói ra cháu đừng giận, có vong linh anh đây, tha tội cho em. Cũng tại anh thôi, thương người mà tội đến thân. Cái con mẹ Hến nó chết, chồng con không có, thối rữa ra mới biết. Trương tuần, trai tráng sợ hết vía. Xưa nay anh ấy có làm như thế này đâu, mà lần này không biết ma xui, quỷ dắt thế nào, lại lôi tay nó ra, điểm chỉ vào tờ văn tự. Có nhiều nhặn gì, chỉ hai sào ba thước đất, mãi tận bãi ngoài quanh năm khô cằn. Không may, bẩn thỉu ở người nó dính vào, lây bệnh thế là lăn đùng ra đấy, được hôm trước hôm sau là đi. Trước khi nhắm mắt, anh ấy thì thào vào tai tôi: “Cái văn tự của con mẹ Hến tôi gối đầu giường, dành sẵn cho con thằng Bằng, sau này nó đẻ thì điền tên vào. Chú bảo nó, cưới ngay con gái nhà Cả Trường rồi sang tên mười hai mẫu ruộng cấy rẽ. Xin ở rể bên ấy được cả nhà lẫn đất, còn ruộng đất bên này cho phát canh, mỗi mùa cũng thu được ối thóc. Nó dại lắm, chú cố bảo ban nó cho tôi…”. Khổ thế đấy các cụ ạ, ông anh nhà tôi chu đáo lắm, đời mình thì không lo, đi lo cho con, cho cháu mấy đời sau. Cứ như tôi thì đời cua cua máy, đời cáy cáy đào. Có phải không ạ?

– Chú nói nhiều thế. Ai muốn làm gì thì làm. Bây giờ đổi mới rồi, ai cấm.

Bằng nghe sốt cả ruột, nổi cáu, nói càn rồi bỏ đi.

Mọi người kéo ra đẩy cổng làng, theo thầy Lang Tế về bên Khánh Hữu để bắt mạch và điều trị bệnh thổ tả. Tiếng kèn đồng trong đám lại cất lên bài hòa tấu Thánh ca buồn rầu, đau thương…

Đây là kênh youtube chính thức của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, xin mời đăng ký kênh tại đây: Cầm Kỳ Official

https://www.youtube.com/c/CầmKỳOfficial2022

để ủng hộ trang và nhận được thông báo mỗi khi có video mới.

Trên một số nền tảng số khác như:

Facebook: https://www.facebook.com/CamKyOfficial

Website: https://tonvinhvanhoadoc.net

#Võ Thị Xuân Hà

#Cầm Kỳ

#Nàng Thê

Email: [email protected]

Zalo & hotline: 0393 996 018