Nhà văn Đức, tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Measuring the World” cho rằng, danh tiếng chỉ tạo thêm phiền phức chứ không làm thay đổi con người thực của anh.

– Anh vừa tham dự World Literature Weekend tại Anh – sự kiện tôn vinh các tác phẩm văn học dịch. Cá nhân anh cảm thấy thế nào khi tác phẩm của mình được dịch sang một ngôn ngữ khác?

– Đó là vinh dự to lớn. Tôi thật lấy làm thích thú khi biết rằng, ở một quốc gia khác, có một nhà xuất bản, với những con người nhất định đang dịch và biên tập cuốn sách của mình. Tất nhiên, tôi hầu như không thể đánh giá được chất lượng các bản dịch, vì tôi không đọc và hiểu được các ngôn ngữ đó.

– Vậy còn với các bản dịch tiếng Anh thì sao?

– Với các bản dịch tiếng Anh, tôi làm việc với Carol Janeway – một người bạn, đồng thời là phó giám đốc nhà xuất bản các tác phẩm của tôi ở Mỹ. Cô ấy là người Scotland sống tại Mỹ. Vì vậy, bản dịch của cô ấy phù hợp cả ở Anh và Mỹ. Chúng tôi thường hợp tác làm việc với nhau rất vui vẻ. Cô ấy hiểu ý tôi rất nhanh.

Nhà văn Daniel Kehlmann. Ảnh: Guardian.

– Anh nhận xét thế nào về nền văn học Anh?

– Với tôi, nền văn học Anh rất nhạy cảm khi phản ánh sự phức tạp của đời sống xã hội và sắc thái của quá trình tác động lẫn nhau giữa những con người ở các tầng lớp khác nhau. Tôi ngưỡng mộ các nhà văn Anh đương đại như Zadie Smith, Ian McEwan, Adam Thirlwell.

– Cuốn tiểu thuyết mới nhất của Anh được đặt tên là “Fame” (Danh tiếng). Vậy, danh tiếng với anh có ý nghĩa như thế nào?

– Danh tiếng hết sức siêu thực, bởi nó chẳng liên quan gì đến con người thực của bạn. Nhưng danh tiếng tạo nên những điều bất tiện. Người ta sẽ không quan tâm đến những người bình thường xung quanh mình nhưng với người nổi tiếng thì lại khác. Người nổi tiếng thường hay bị hiểu lầm.

– Chủ đề tại sự kiện này là Lịch sử và Ký ức. Các nhà văn Đức có mối quan hệ như thế nào với lịch sử nước Đức?

– Tôi được thuyết phục rằng, một trong những nhiệm vụ của nền văn học Đức là khai thác và tìm hiểu lịch sử nước Đức thế kỷ 20. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là bất cứ cuốn sách nào cũng phải đề cập đến lịch sử, bất cứ nhà văn nào cũng phải viết về lịch sử nước Đức. Tôi biết sớm hay muộn tôi cũng sẽ đối mặt với vấn đề này. Nhưng tôi vẫn chưa tìm được góc nhìn thích hợp để tiếp cận.

– Bố anh là một đạo diễn điện ảnh, đạo diễn sân khấu. Anh có nuôi ý định viết kịch bản sân khấu hay điện ảnh?

– Thực ra, tôi vừa hoàn thành kịch bản phim chuyển thể từ tiểu thuyết Measuring the World (Đo thế giới). Phim sẽ bắt đầu bấm máy vào tháng 10. Nó sẽ được sản xuất theo định dạng 3D. Tôi rất thích thú.

Tôi cũng sẽ viết vở kịch thứ hai, dự định công diễn tại Áo vào tháng 9. Thật nguy hiểm khi bị hút vào niềm đam mê viết kịch bản điện ảnh và sân khấu. Bạn sẽ đánh mất thói quen làm việc trong tĩnh lặng, cô đơn khi viết tiểu thuyết – điều mà tôi coi là quan trọng hơn trong sự nghiệp của mình.

Hà Linh

Nguồn: eVan.