Đặng Thiều Quang sinh năm 1974 tại Lào Cai. Học Đại học Kiến trúc Hà Nội nhưng Đặng Thiều Quang lại mê viết văn. Từ khi còn là sinh viên anh đã là một tác giả nổi tiếng trong Hội bút Hương đầu mùa (Hoa Học Trò) với bút danh D’Artagnan. Đến nay, Đặng Thiều Quang đã xuất bản các tiểu thuyết Hoen gỉ (1996), Chờ tuyết rơi (2007), Đảo cát trắng (2008), Bóng giai nhân (2009), cùng các tập truyện Tôi và D’Artagnan (2007), Phải lòng (2009). Với anh, công việc của một nhà văn là kể lại những giấc mơ, trước khi nó bị lãng quên.

“Săn cá thần” là tiểu thuyết mới ra mắt của Đặng Thiều Quang. Khác hẳn với phong cách văn chương anh xác lập trước đây, “Săn cá thần” đầy kịch tính, hoang đường, phiêu lưu và đượm chất kinh dị.

Câu chuyện ly kỳ này kể về hai gã đàn ông trẻ dấn thân vào cuộc săn con cá thần trên con sông Thiêng miền Tây Bắc. Một kẻ thành công, mạnh mẽ, tự tin, một người thất bại, nhút nhát, yếu đuối, một kẻ quyết săn cá thần để chứng tỏ tài năng và sức mạnh, một kẻ a dua cuộc săn “cho có chuyện” để giết thì giờ, nhưng cả hai đều đã bị cuốn vào cuộc săn mà càng về sau càng trở nên kỳ quái không thể nào thoát ra được. Và cuối cùng, cuộc đời họ rẽ sang những ngả mới mà không ai ngờ tới.

Đặng Thiều Quang trình diễn cuộc “Săn cá thần” của mình bằng lối viết cách hiện thực huyền ảo. Anh khoác lên cuốn tiểu thuyết tấm màn huyền ảo với con cá thần nơi khúc sông hoang vu, những giấc mơ báo ứng, lão thầy cúng bị cắn cụt tay, rồi con cá khổng lồ đội nước phi lên bờ trước nỗi sững sờ của tất cả đám người trần tục… Những câu chuyện hoang đường này được Đặng Thiều Quang kể một cách chi li, tường tận, thản nhiên, xen kẽ với những mảng miếng hiện thực chẳng xa lạ với chúng ta, khiến toàn bộ bức tranh dựng nên như thật và đầy sức cuốn hút. Nhưng trong khi người ta còn bán tín bán nghi với chuyện cá thần thì ngược lại, người ta lại tin chắc vào cái cốt lõi hiện thực mà tiểu thuyết thể hiện. Cuộc đi săn trưng ra một hiện thực cuộc sống trần trụi với tiền và dục vọng, với những con người hiện đại đầy tự tin, không sợ bất cứ điều gì, và muốn chiếm hữu những thứ “đỉnh” nhất. Con cá thần như là biểu tượng về niềm tin, về một giá trị thiêng, và sự mất niềm tin khiến con người ô trọc và tàn độc. Nhưng may thay, giá trị không phải là thứ mà cứ có ý chí hay công nghệ hiện đại là giành được. Đám người đi săn đã giáp mặt cá thần, nhưng chỉ để nhận về một nỗi khinh bỉ khôn cùng.

 

“Săn cá thần” được Đặng Thiều Quang đặt bút viết vào đúng ngày 1.4.2009 và đặt dấu chấm kết thúc bản thảo vào 19.1.2013. Vậy là Quang vật vã gần bốn năm cho cuốn sách này. Trong đó hơn một năm trời, do mưu sinh, việc viết lách của Quang bị đứt đoạn. Anh kể, thời gian đó mình “lặn ngụp” vào việc quản lý một câu lạc bộ hoạt động 24/7, sống và tiếp xúc với đủ các hạng người như dân chơi về đêm, dân cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá… Nhờ thế, anh có điều kiện trải nghiệm và hiểu hơn về những ngóc ngách cuộc sống, vốn tiếng lóng phong phú hơn. Chính một năm dừng bút, lặn vào đời sống giúp cho anh có sự lột xác trong văn chương, và có được những trang văn sống động và “rất đời” trong “Săn cá thần”. Quang tâm sự: “với một nhà văn, ngay cả khi anh ta tạm dừng viết, thì câu chuyện vẫn cựa quậy và tiếp diễn trong đầu anh ta, nung nấu, suy tư về nó, cho dù anh ta đang làm việc này việc nọ để mưu sinh”.

Sự khác biệt lớn nhất của cuốn sách lần này với những cuốn đã ra mắt trước đây của Đặng Thiều Quang như “Chờ tuyết rơi”, “Bóng giai nhân”… đó là mạch truyện nhất quán, kết cấu đơn giản, rõ ràng. Các nhân vật được khắc họa sắc nét hơn. Một điều khác biệt nữa là ngôn ngữ mạng cũng hiện diện trong các trang viết của anh lần này, từ thực tế anh tham gia rất nhiều diễn đàn, nơi mà văn nói đang thịnh hành, với vô số những lối chơi chữ lắt léo, những cách nói tắt, một kiểu gần như thứ ngôn ngữ “Sát thủ đầu mưng mủ”. Nhận thấy đây là một hiện tượng thú vị, Quang đã đưa nó vào tác phẩm của mình, vừa là phá vỡ sự tẻ nhạt của văn phong truyền thống, vừa đối trọng cân bằng lại với những ẩn dụ hay ý đồ nghệ thuật. Với sự thay đổi này, anh tin là độc giả sẽ thấy nó hiện đại, chân thực, tự nhiên. Họ sẽ tin vào cái thế giới mà tác giả đã vẽ ra.

 

Còn nhớ, năm 2009, tiểu thuyết “Chờ tuyết rơi” từng được nhà phê bình Nguyễn Hòa khen ngợi đây là cuốn hay nhất của Đặng Thiều Quang. Cuốn sách được nhận xét là đậm chất văn chương, tuy hơi khó đọc cho đại chúng, nó phù hợp hơn với những độc giả khó tính có tâm hồn u uẩn, duy mỹ, yêu vẻ đẹp của văn chương, yêu thích bi kịch. Còn lần này, với “Săn cá thần” Đặng Thiều Quang thử sức với một phong cách mới, nên cảm giác vừa trăn trở, hồi hộp; vừa phấn khích .

Anh chia sẻ : Những bầm dập cuộc đời khiến tôi thay đổi tư duy về văn chương, những trải nghiệm dã ngoại câu cá nơi hoang dã cũng dạy tôi cách tìm lại những cảm xúc nguyên sơ như nỗi sợ hãi, bản năng sinh tồn, những bài học sơ đẳng về sinh tồn, và trên hết là nhận thức lại chính mình, đi tìm lại chính mình.

Có một điều thú vị ở Đặng Thiều Quang, đó là nhiều tiểu thuyết của anh được khởi viết từ một truyện ngắn và ngược lại. Anh giải thích: “Một truyện ngắn khi có khả năng gợi mở để triển khai thành một cuốn tiểu thuyết đầy đặn, nhà văn nên bám ngay lấy mạch nguồn vừa được khơi ra này. Ngược lại, có một số truyện ngắn của tôi lại “ăn theo” chính những tiểu thuyết của tôi, bởi dư âm cuốn tiểu thuyết vẫn còn âm vang trong tôi một thời gian dài sau khi đã đặt dấu chấm hết cho bản thảo tiểu thuyết. Có thể bởi các nhân vật vẫn còn đi lại và suy tư trong đầu tôi, nói năng càu nhàu về chuyện này chuyện nọ, và thế là tôi bèn viết những truyện ngắn trùng tên, vừa ăn theo nhưng lại cũng vừa tự tạo nên một huyền thoại về những cuốn tiểu thuyết của chính mình. “Bóng giai nhân”, “Đảo Cát Trắng”, “Chờ tuyết rơi” chính là những tiểu thuyết và truyện ngắn trùng tên như vậy của tôi. Rất có thể tôi sẽ viết một truyện ngắn Săn cá thần nay mai, tại sao không?”.

Khi sáng tác “Săn cá thần”, Đặng Thiều Quang vừa viết vừa công bố trên facebook. Tuy nhiên, với một số nhà văn mạng, họ khai thác lợi thế từ việc tương tác với độc giả để điều chỉnh tác phẩm của mình cho phù hợp với nhu cầu của bạn đọc; còn với Đặng Thiều Quang, việc bạn đọc và chia sẻ, góp ý cho tác giả các hướng đi của tác phẩm… lại không ảnh hưởng nhiều đến việc sáng tác của anh. Quang bảo: tôi trung thành với bản thân mình mà thôi. Khi sáng tác tôi luôn chỉ đối diện với chính mình. Đừng nhìn nhận mọi thứ theo những gì xảy ra trên bề mặt và sự quy chụp tiện lợi của mọi người, hôm nay ta gọi là tương tác mạng nghe có vẻ thời thượng và mới mẻ, nhưng lời đề từ trên cuốn “Chuông nguyện hồn ai” của Hemingway cách đây vài chục năm đã viết rồi đó, đại ý là: “Một hòn đá bên bãi biển rơi xuống biển cũng có nghĩa là Châu Âu đã mất mát nhỏ bé đi một chút…”. Những nhận xét hay phỏng đoán của độc giả, nó giống như chất xúc tác để ta hứng thú viết tiếp thì đúng hơn. Giống như ta đá bóng trong sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả vậy. Đừng có nói là nhà văn không cần sự cổ vũ nhé, họ rất cần là đằng khác, trong bối cảnh đời sống văn chương èo uột như hiện nay.

Trở lại câu chuyện về đời sống của chính nhà văn, không ít người lo ngại cho cái mà họ quan niệm là sự vất vả, lận đận của Đặng Thiều Quang, bằng chứng là: Nghề nghiệp của Quang luôn không ổn định, nay đây mai đó: lúc mở quán, lúc đi buôn cây, lúc làm thiết kế, và bây giờ là bán cafe. Từng có thời kì Quang dấn thân vào buôn bán, để rồi cuối cùng nhận lại hai bàn tay trắng với nhiều khoản nợ. Những chật vật trong mưu sinh của Quang, khiến cho việc sáng tác của anh cũng bị gián đoạn và chi phối khá nhiều. Nhưng bản thân Quang thì không nghĩ vậy. Thậm chí, anh còn chạnh lòng khi thấy các bạn mình ổn định trong cái vỏ ốc, và chấp nhận an phận. Anh ước mình có thể nay đây mai đó. Anh mong, một ngày nào đó khi những trách nhiệm về chuyện mưu sinh không còn đè nặng trên vai, anh sẽ lang thang nay đây mai đó cho thỏa mãn bản thân mình. Nó cũng là cách sống mà anh lựa chọn cho mình.

Một niềm vui với Đặng Thiều Quang là ngay sau khi tiểu thuyết “Săn cá thần” ra mắt, anh đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ những người có tiếng là khó tính trong làng văn. Quang chia sẻ: “tôi rất vui, nhưng nếu nói là ưng ý thì chưa, tôi vẫn tâm niệm cuốn sách hay nhất là những cuốn mà tôi đang viết, sẽ viết, đó là bộ tiểu thuyết “Vua xứ mù”, đó mới là cuộc phiêu lưu vĩ đại đầy tham vọng mà tôi đã khởi thảo trước cả “Săn cá thần”.” Chúng ta hãy cùng chờ xem.

 

Văn nghệ Trẻ

 

 

Exit mobile version