Văn học viết về đô thị, vừa quen vừa lạ. Quen vì đa phần các nhà văn ở ta đều tập trung đông ở đô thị và ít nhiều đều viết về đô thị. Còn lạ vì ngoảnh đi ngoảnh lại, hàng thế kỷ nay dân số Việt Nam vẫn chiếm hơn 70% là nông dân. Vậy người cầm bút có nên khai thác các trang viết về đô thị không?

Nếu như vài năm về trước, khi nhắc đến văn học đô thị, nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng chúng ta chưa có văn học đô thị, mặc dù đã có Số đỏ của Vũ Trọng Phụng tồn tại lừng lẫy từ mấy chục năm về trước.

Thế nhưng, dường như cùng với thời gian, đô thị đang trở thành đề tài được khai thác với mật độ ngày càng đông đảo. Những nhà văn được sinh ra và lớn lên tại các đô thị thì dường như đấy là chuyện bình thường và dễ hiểu như Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Việt Hà… Tuy nhiên, cùng với cuộc “nhập cư”, “di cư” về các thành phố lớn của một số các cây bút thì văn chương hình như cũng có cuộc dịch chuyển, hướng về đô thị.

Sự thay đổi này có thể thấy ở ngay đội ngũ sinh viên đam mê viết lách và lựa chọn con đường văn chương. Không gian sống thay đổi, từ các miền quê đổ về các đô thị khiến sáng tác của họ đã có bước thay đổi. Giai đoạn đầu thường là những trải nghiệm, so sánh sự khác biệt , thậm chí níu kéo, bấp bênh giữa hai không gian sống quen thuộc và lạ lẫm mà họ đã và đang nếm trải. Và sau, nếu quyết định sinh sống, lập nghiệp tại các đô thị thì sáng tác của họ dần dần và tự nhiên đi sâu vào đô thị.

Nhà văn Đỗ Bích Thuý, khi nói đến tên, đa phần độc giả sẽ nghĩ ngay đến hương vị, màu sắc, chất liệu cuộc sống, con người của núi rừng Hà Giang như một đặc sản. Tuy nhiên, tác phẩm mới nhất của nữ nhà văn đã tạm xa bối cảnh quen thuộc để dành không gian cho phố phường Hà Nội, nơi chị đang sinh sống và làm việc.

Nhà văn Phong Điệp, cũng có nhiều trang viết dành cho người trẻ sống ở đô thị. Họ vừa chênh vênh nơi phố xá, vừa khắc khoải về miền quê êm đẹp. Nhưng rồi, cũng lại có những người phải gồng mình, phải thích nghi với cuộc sống hối hả đô thị như bàn chân đã trót leo lên chuyến tàu một chiều lao về phía trước nơi phồn hoa đô hội.

Phải nói là hầu hết những người cầm bút đã và đang sống ở đô thị, bất chấp tuổi tác, xuất thân đều ít nhất có một lần viết về đề tài này.

Nhà văn Khuất Quang Thuỵ từng chia sẻ, những sáng tác xuất hiện trên một tờ báo trung ương  phải phản ánh được đa dạng, nhiều mặt của đời sống, trong đó không thể không kể tới các cây bút ở mọi vùng miền đất nước. Không thể trông chờ vào các chuyến công tác của các cây bút ở  đô thị phản ánh chân thực, đa chiều một vùng đất nào đó bằng người bản địa được. Vì thế xét ở góc độ nào đó, một số cây bút ở địa phương lại nhận được sự ưu ái. Chẳng hạn, cũng là tên tác giả lạ, nhưng khi tác phẩm ở trên mặt bàn của tôi, tôi sẽ tìm đọc tên tác giả ở địa phương trước.

Nhà phê bình Nguyễn Hoà cũng nhận định, rằng, các đô thị lớn như Hà Nội, Sài Gòn hay Huế không phải là bộ mặt tiêu biểu, thật sự của đất nước ta. Mà bộ mặt thật sự của Việt Nam nằm ở vùng đất ven đô, phố huyện và các vùng đất nông thôn.

Thực tế cho thấy “chất địa phương” trong mỗi tác phẩm ở những mức độ khác nhau ít nhiều đã tạo nên đặc sản, tạo dựng tên tuổi cho người cầm bút. Có thể kể đến vùng Đồng bằng Sông Cửu Long mênh mông sông nước độc giả sẽ nghĩ ngay đến Nguyễn Ngọc Tư, Võ Diệu Thanh… miền núi có Y Phương, Cao Duy Sơn, Đỗ Bích Thuý, Phạm Duy Nghĩa, Tống Ngọc Hân…

Có một nghịch lý, đô thị luôn được coi là trung tâm văn học, tập trung nhiều cây bút tài năng của mọi miền đất nước, tất nhiên trong đó không thể không kể tới các cây bút địa phương về đây sinh sống. Điều này đồng nghĩa với việc, đô thị càng ngày càng có nhiều nhà văn và trong tương lai, sớm hay muộn đề tài đô thị cũng được khai thác, mở rộng. Liệu rằng điều này có làm mất đi “đặc sản” văn chương không? Hay văn chương có bị bão hoà đề tài đô thị không?. Liệu rằng, để có những tác phẩm văn chương lớn, người viết có nên “giã từ đô thị” không?

Những vấn đề đặt ra trên đây, vừa dễ và vừa không dễ trả lời. Bởi suy cho cùng, đô thị cũng chỉ là một “không gian sống” của người cầm bút. Không gian này chưa hẳn cố định. Và trong tiềm thức sâu xa của mỗi người cầm bút không chỉ có mỗi đô thị chật hẹp mà dường như đều có trong mình một vùng quê, một miền quê để “đi đi về về” trong mỗi dịp đoàn tụ quan trọng. Như vậy, cùng một lúc đa phần người cầm bút đều được sống trong hai không gian, đô thị và nông thôn.

Thứ nữa, tác phẩm văn chương lớn không phụ thuộc vào đề tài. Mà phụ thuộc phần lớn vào tài năng của người cầm bút. Không thể phân định chắc chắn rằng, nhà văn lớn, tác phẩm lớn sẽ tập trung ở các miền quê. Và những ai tham vọng có tác phẩm lớn hãy trở về sinh sống ở nông thôn yên bình. Tài năng sẽ cho họ “điểm nhìn” quan trọng cho dù họ đang sống ở bất cứ đâu.

Cuộc “di cư đề tài” của người cầm bút đã và đang có xu hướng diễn ra rất tự nhiên. Nó cho thấy đô thị là mảnh đất đầy tiềm năng, có quá nhiều vấn đề để dung chứa. Người viết đang dần thân thuộc với đô thị và người đọc cũng phần lớn ở đô thị. Sự “không lạ nhau” này liệu có khiến văn học phản ánh về đô thị có bão hoà, na ná nhau hay không, câu trả lời chính là ở chất lượng tác phẩm. Bởi chẳng riêng gì đề tài đô thị, ở các đề tài khác những tác phẩm có chất lượng trung bình luôn khiến độc giả thấy bão hoà. Vượt lên sự trung bình, văn học mới tự cứu mình ở mọi đề tài.

Mặt khác, mặc dù đề tài đô thị đang ngày một dịch chuyển trong sáng tác nhưng nhiều nhà phê bình văn học vẫn đưa ra nhận định, chúng ta chưa có một dòng văn học đô thị. Vậy thì chúng ta có quyền hi vọng, một ngày nào đó sự xâm lấn này sẽ mạnh mẽ, hội tụ cả hai yếu tố số lượng và chất lượng để tạo nên một dòng văn học mới – văn học đô thị, đóng góp cho văn học nghệ thuật nước nhà.

Hà Anh

Nguồn: Toquoc

Exit mobile version