Áo là một nước nhỏ (về diện tích) có nền văn học vĩ đại nhưng ngành xuất bản lại không tương xứng, có những tác gia hàng đầu thế giới nhưng lại có truyền thống sang Đức in sách mới nổi tiếng được.
Mới đây, GS Johann Holzner, Giám đốc Viện Nghiên cứu Brenner-Archiv tại Đại học Tổng hợp Innsbruck (Áo) đã sang Việt Nam dự hội thảo về Văn học Áo tại Việt Nam ngày 1 – 2/7 tại Hà Nội. Hội thảo do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức.
Áo có hoàn cảnh khá giống Việt Nam ở chỗ trải qua chiến tranh một thời gian rất dài: hơn 200 năm trước năm 1945.
Trào lưu “đi về phía nước Đức”
Nền văn học tiếng Đức của nước Áo đã sản sinh ra những tên tuổi như Franz Kafka (thuộc đế quốc Áo – Hung trước đây), Stefan Zweig, Elfriede Jelinek. Hai cái tên đầu tiên đã quá nổi tiếng ở Việt Nam (Kafka với Hóa thân, Lâu đài, Vụ án, Zweig với Bức thư của người đàn bà không quen), còn nữ nhà văn Jelinek được biết đến chủ yếu nhờ là chủ nhân giải Nobel văn học 2004 và các tác phẩm Cô gái chơi dương cầm, Tình ơi là tình.
Theo GS Holzner, trong những năm 70-90 của thế kỷ trước, ngành xuất bản ở Áo khá mạnh, thậm chí còn ảnh hưởng đến Đức và Thụy Sĩ, nhưng sau năm 90 thì mọi chuyện thay đổi và không thể trở lại như trước.
|
“Hiện nay, văn chương Áo và Thụy Sĩ đều hướng đến thị trường Đức, trong khi các nhà xuất bản (NXB) lớn nhất của Đức cũng đã đều bị Mỹ mua lại. Vì thế, bộ máy tiếp thị văn chương ở Đức cực kỳ mạnh. Các NXB ở Đức nắm cả báo chí. Các tờ báo Đức muốn sống thì đều phải có mục điểm sách do các NXB chi phối. Ai mà cưỡng lại xu hướng đó thì coi như tự sát” – GS nói.
“Đó là một trào lưu khiến tôi rất lo lắng, bởi khi người ta đã độc quyền thì người ta chỉ bán các sản phẩm có tính thương mại cao” – GS Holzner bày tỏ.
Hiện nay các NXB Áo chỉ in sách của các tác giả trẻ, văn học thử nghiệm với số lượng ít ỏi. Người cầm bút luôn muốn có đông độc giả mà điều đó thì các NXB trong nước Áo không thể đáp ứng được. Một điều đáng tiếc đối với một nền văn học có nội lực.
Cả tác gia Nobel cũng bị yêu ghét lẫn lộn
Khoảng 20 năm nay, ở Áo có một trào lưu rất “tự ti”, đó là độc giả không ưa chuộng các nhà văn bản địa. Jelinek là nhà văn Áo duy nhất đoạt giải Nobel nhưng không may là văn của bà lại có tính đả kích xã hội và bị độc giả phản đối vì bị coi là “vạch áo cho người xem lưng”. Nhưng giới trẻ, những người ham phá cách thì lại thích Jelinek.
Trường hợp Jelinek đầy mâu thuẫn vì độc giả trong nước vừa yêu vừa ghét, bởi dù sao bà cũng đoạt giải Nobel mang vinh quang về cho nước Áo và là một cây bút đầy cá tính.
“Tôi vẫn an ủi Jelinek thế này: Ở Áo có truyền thống là nhà văn nào bị ghét thì khi chết vẫn rất nổi tiếng” – GS Holzner nói.
Thể thao & Văn hóa