Thưa quý vị

Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu một cây bút trẻ của tỉnh Hòa Bình, tác giả Kiều Xuân Quỳnh, với chùm truyện ngắn sau:

1. Cơn mưa trên đỉnh Phù Vân

2. Hồi sinh giữa dòng Pác Ban

3. Nước mắt của dòng sông

4. Miền tam giác mạch

5. Đêm trăng xứ Mường

Tác giả Kiều Xuân Quỳnh

Sinh năm 1988

Hiện là hội viên Hội Văn Học Nghệ Thuật tỉnh Hòa Bình

Đã có truyện ngắn, tản văn đăng trên các báo, tạp chí của trung ương và địa phương.

Giải thưởng:

Giải nhất cuộc thi viết: “Valentin đầu tiên” của Ban Thanh thiếu niên, kênh VTV6, đài Truyền hình Việt Nam năm 2012, với bài viết “Có khi nào ta gặp lại nhau”.

Giải ba cuộc thi “Nói lời tri ân” lần 2 do Diễn đàn “Phật Học Vườn Tâm” thuộc Giáo hội Phật giáo tỉnh Đắc Nông tổ chức năm  2014, với bài viết “Chiếc xe mang biển 81”.

Giải ba cuộc thi thơ và truyện ngắn Những làn gió Tây Bắc 2017-2018 với truyện ngắn “Nước mắt của dòng sông”.

Quan điểm sáng tác: Với tôi viết là sự sẻ chia từ những điều gần gũi trong cuộc sống.

Cơn mưa trên đỉnh Phù Vân

         truyện ngắn của Kiều Xuân Quỳnh

 Hân khẽ vuốt ngón tay xuống trang bìa cuốn nhật ký đã mủn mục chỉ còn giữ lại dòng chữ đã mờ nhòe: Nguyễn Thị Cúc – ngày 30 tháng 4 năm 1967.

Hân nhắm mắt nghĩ về giấc mơ khi bắt đầu đọc trang đầu tiên trong cuốn nhật ký. Hân thấy mình mặc bộ quân phục màu xanh chạy theo những cô gái trẻ măng xuống dòng suối nơi bìa rừng. Các chị cởi bỏ bộ quân phục vắt lên tảng đá rồi lội xuống, trầm mình vào dòng nước trong. Hân ngồi trên bờ tựa lưng vào gốc cây nhìn theo dòng bọt trắng mơn man trên bầu ngực căng tràn thanh xuân của các chị. Các chị té nước đùa nghịch, vẫy gọi nhưng Hân xấu hổ không dám lội xuống. Lúc trở về, chị Cúc đi bên cạnh và bảo Hân, ngày đầu vào thanh niên xung phong còn e ngại, nhưng cuộc sống trong rừng thiếu thốn nên phải tập thích nghi. Cả tiểu đội chỉ mình cái Hường đã lập gia đình. Hường từng tâm sự, chỉ mong gặp lại chồng nơi tiền tuyến. Ước mơ chưa thành hiện thực thì nhận được tin chồng hy sinh. Hân chưa kịp nghe hết câu chuyện thì gió đêm thổi bung thanh tre trên mái quán rơi xuống chiếc võng đánh thức Hân khỏi giấc mơ.

Từ ngày Hân đọc quyển nhật ký, những giấc mơ cứ đến rồi trôi qua trong khoảnh khắc. Sau khi chằng buộc lại mái quán, Hân nằm xuống võng cố gắng kiếm tìm lại giấc mơ nhưng chỉ nghe thanh âm của gió réo rắt nơi đỉnh đèo. Đêm ấy, Hân lại say mê trôi theo câu văn chị Cúc viết:

“Ngàytháng năm 1967

Tiểu đội thanh niên xung phong của mình gồm: Thảo, Thương, Thơ, Hồng, Hường, Hằng mỗi đứa đến từ một miền quê, cùng sống trong chiếc lán tre giữa rừng. Ngày đêm nghe tiếng đạn nổ, bom rơi nên đã quen, chẳng đứa nào còn cảm thấy giật mình lo sợ. Sau những ngày đầu nhớ nhà,  nụ cười trong như tiếng suối đã trở về trên đôi môi những cô gái can trường. Chỉ riêng Hường vẫn chưa vượt qua sự đau thương khi biết tin chồng hy sinh. Lần đầu tiên cả tiểu đội được nghe Hường hát khi nhận được thư của gia đình. Vậy mà lá thư mang đến chia ly. Cả tiểu đội ôm nhau khóc vì thương nó, địch bắn phá ác liệt chẳng thể về quê chịu tang chồng.

Ngày… tháng… năm 1967

Những làn khói mù mịt sau trận bom của địch trút xuống tàn phá, đốt cháy con đường, rừng cây khiến mình nhớ đến những ngọn khói bếp từ ngọn lửa mẹ nhen nơi quê nhà. Khói len qua mái gianh, loang ra phía hàng dừa nghiêng tán lá xâm xấp mặt ao. Nghĩ về ngọn khói bình yên trên quê hương và khói lửa tàn khốc trên chiến trường khiến mình rơi nước mắt. Mình và mấy đứa em thường ví những tàu lá dừa như những chiếc quạt nan khổng lồ phe phẩy quạt mát cho đàn cá. Cậu Út vẫn thường làm súng từ tàu lá dừa, Út bảo lớn lên sẽ đi bộ đội. Mình hy vọng rằng khi Út lớn lên đất nước sẽ hòa bình không còn những cuộc chia ly nhuộm màu máu đỏ. Giá như đất nước không có chiến tranh mình sẽ vẽ những bức tranh về phong cảnh bình yên nơi quê nhà…”

Chị Cúc nhắc đến quê hương khiến Hân mơ hồ hồi tưởng về quê ngoại qua lời mẹ kể bằng sự chắp vá hình ảnh của sân đình, cây đa, bến đò… Chưa bao giờ mẹ đưa Hân về thăm quê. Mẹ bảo, ông bà ngoại mất khi một quả bom rơi trúng mảnh vườn sát hầm trú ẩn của gia đình. Hôm ấy, mẹ đi học nên thoát chết. Họ hàng của mẹ cũng ly hương sau mỗi lần tản cư.

Suốt quãng tuổi thơ, Hân sống cùng mẹ trong khu tập thể của lâm trường cao su. Dãy nhà thưng bằng ván gỗ chỉ nghe giọng nói của đàn bà và trẻ nhỏ. Vài gian phòng toàn đàn bà chung sống cảnh cô đơn bên nhau. Đêm đêm tiếng thở dài trống vắng của họ vọng qua vách gỗ mục lẫn vào tiếng lá rừng rụng trong đêm. Đôi lần nghe mọi người nhắc về chiến trường, Hân biết mẹ và các cô cùng tiểu đội thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn. Chiến tranh kết thúc, mọi người nhận nhiệm vụ về lâm trường chăm sóc, thu hoạch mủ cao su. Sau giờ tan học, Hân cùng đám trẻ con trong lâm trường thường đi mót mủ cao su. Mỗi lần đánh nhau vì tranh giành cốc mủ, đám trẻ thường dọa sẽ về mách cha – người đàn ông mà chúng chưa từng biết mặt. Theo lời mẹ chúng kể thì cha là bộ đội nên đứa trẻ nào cũng hình dung đến người đàn ông cao lớn đầu đội mũ sao vàng, thắt lưng đeo súng. Khi tâm thức biết cảm nhận sự thiếu vắng tình thương, Hân từng hỏi mẹ về cha. Nhưng mẹ cũng như những người đàn bà trong lâm trường thường không muốn nhắc đến người đàn ông của đời mình. Mẹ thường trả lời Hân bằng đôi mắt sắc lẹm như chiếc dao cạo mủ và những cáu gắt của chiếc ủng cao su quật tím bầm cơ thể Hân.

“Ngày… tháng… năm 1968

Đã lâu rồi, mình lại viết nhật ký nên đã quên ngày tháng. Đôi khi cầm bút, mở sổ mà phải dừng lại làm nhiệm vụ. Địch điên cuồng trút bom xuống những con đường làm cả tiểu đội vất vả san lấp những hố bom sâu hoắm. Cái Thơ mộng mơ ví tiếng cuốc xẻng roàn roạt chạm vào sỏi đá như tiếng nhạc khích lệ mấy chị em giữa trời nắng ran. Đêm đêm, ngước nhìn ánh trăng mỏng manh lọt qua mái lán, mấy chị em rúc rích cười khi nhắc về người con trai mình yêu thương. Cái Thảo tiếc nuối nói với mấy chị em. Nếu như trước hôm người yêu ra mặt trận, em đừng ngăn cản bàn tay anh ấy thì đã vơi nỗi niềm nhớ mong. Có khi cứ để ánh trăng đồng lõa với vạt cỏ mềm nơi triền đê có thể em đã được làm mẹ. Nếu như không có chiến tranh chị em mình đã trở thành những người vợ thảo hiền chăm sóc yêu thương những đứa trẻ”.

 Những dòng chị Cúc viết khiến trái tim Hân thêm se sắt. Mẹ của Hân từng là thanh niên xung phong mà sao Hân không tìm thấy từ mẹ tính cách mộng mơ, dịu hiền như những người phụ nữ chị Cúc nhắc đến. Chiến tranh hay những tháng năm trống vắng khiến trái tim, tâm hồn của mẹ chai sạn? Người đàn ông của mẹ luôn bí ẩn trong quãng tuổi thơ của Hân. Có lần mẹ đi làm, Hân lục chiếc rương gỗ kiếm tìm manh mối về người đàn ông của mẹ nhưng chỉ thấy bên trong chiếc ba lô đựng vài bộ quân phục bạc màu.

*

Quán của Hân nằm trên đỉnh đèo quanh năm khô hạn. Người ngang qua gọi nơi đây là đỉnh Phù Vân bởi gió lớn thường xua tan những đám mây khi bầu trời xám xịt báo hiệu một cơn mưa. Đến mùa rét mướt, ngọn đèo chỉ lắc rắc vài giọt mưa chẳng thể nhuộm màu ướt át lên khung cảnh núi rừng.

Nhiều lần, Hân và nhóm thợ cố gắng tìm mạch nước phía trong rừng bạch đàn. Bao hố sâu được nhóm thợ đào lên. Sau những nỗ lực kiếm tìm chỉ là ánh mắt thất vọng rơi xuống chiếc hố dưới gốc cây. Hân dừng lại cuộc tìm kiếm mạch nước khi một người thợ đào được chiếc ba lô nhiều vết rách. Người thợ bảo có thể nơi đây từng là căn cứ của bộ đội giải phóng rồi đưa chiếc ba lô cho Hân. Hân tìm thấy cuốn nhật ký của chị Cúc lẫn trong những thứ đồ quân trang đã hoen rỉ.

Sinh hoạt thường ngày của Hân từ những can nước cánh lái xe tải mua giúp trong thành phố dưới chân đèo. Cánh lái xe nói, họ từng sợ hãi khi nhìn thấy khuôn mặt trầy xước, rớm máu của cô chủ quán ngồi đọc sách bên ngọn đèn dầu. Họ hoài nghi, lo lắng rồi thành khách quen khi những vết xước trên mặt Hân mờ đi.

Họ thường đến quán Hân vào giữa đêm, ăn uống, nghỉ ngơi đợi trời sáng để vượt đèo. Khi họ chìm vào giấc ngủ trên những chiếc võng. Hân thường đọc cuốn nhật ký rồi miên man trôi vào giấc mơ.

Buổi sáng những người lái xe thức giấc, Hân  định hỏi họ có trôi vào giấc mơ giống như mình. Nhưng nhìn vào mọng mắt căng không còn sự mỏi mệt, Hân đoán họ đã trải qua giấc ngủ không mộng mị. Trước lúc rời đi họ còn tếu táo đùa, sẽ tìm cho Hân một người đàn ông để ban ngày quán bớt trống vắng. Câu đùa vô ý của họ lại làm Hân nghĩ về người đàn ông của mẹ và chàng trai của đời mình.

 Một ngày, mẹ bất ngờ giải đáp thắc mắc cho Hân khi căn bệnh ung thư đã di căn sang giai đoạn cuối. Trước khi mất, mẹ day dứt nhắc đến mối tình dang dở của Hân với chàng trai cách nhà cả ngàn cây số. Giá như mẹ không mang trọng bệnh thì Hân đã hạnh phúc với người mình yêu. Rồi mẹ bảo Hân tìm lại chiếc ba lô của mẹ dưới gốc cây cao su.

 Mảnh giấy viết dòng tên và địa chỉ bằng nét chữ rắn rỏi khác với nét chữ nghiêng của mẹ đưa Hân tìm đến một làng quê Bắc bộ. Sau khi nghe Hân hỏi tên người đàn ông, bà lão bán nước dưới gốc đa hướng đôi mắt về phía dòng sông nói giọng trầm buồn. “Khổ thân! Hồi còn sống, khi đò vắng khách ông ấy vẫn ngồi đây uống nước. Ông ấy kể, vào bộ đội rồi làm lính tình báo. Kết thúc chiến tranh, những người đồng đội hy sinh, chẳng còn thứ giấy tờ nào xác nhận nên chẳng ai tin. Sau thời gian cải tạo ông ấy về làng mang tội danh phản quốc, sống đơn độc với con đò”.

Trên chuyến xe trở về, Hân nhớ về trại cải tạo cách lâm trường cao su không xa. Hằng ngày, những phạm nhân vẫn cùng công nhân lâm trường thu hoạch mủ cao su trong sự quản giáo của cán bộ công an. Phải chăng Hân và những đứa trẻ ở xóm lâm trường được sinh ra từ sự khát khao làm mẹ của những người còn sống sau cuộc chiến tranh tàn khốc. Ước mơ bình dị giữa đời thường đã phá tan ranh giới của hận thù. Phải chăng đó là lý do mà những người đàn bà luôn giấu nhẹm những đứa con về cha và người đàn ông của đời mình.

Chuyến xe chênh chao, rung lắc đưa Hân trôi vào giấc mơ lạ kỳ. Hân thấy mình được bàn tay người phụ nữ đỡ lấy khi rơi xuống vực sâu. Chị đặt Hân lên chiếc cáng thương binh rồi cùng những người đồng đội khênh Hân chạy ngược lên vách núi.

Khi tỉnh dậy, Hân thấy khắp cơ thể đau nhức. Dưới vực sâu, ánh đèn pin và tiếng người nhốn nháo bên chiếc xe khách lật nghiêng. Người đàn ông trong đội cứu hộ mang cho Hân chai nước nói Hân là người duy nhất còn sống trong vụ tai nạn vừa xảy ra. Hân lạnh toát sống lưng nghĩ đến đôi bàn tay vừa đỡ mình khi rơi xuống vực sâu.

Sau thời gian điều trị, Hân trở lại đỉnh đèo thuê người xây một chiếc miếu thờ bên bờ vực. Hân nhìn xuống phía vực sâu thẳm, một thân cây héo úa đang cố gắng níu giữ sự sống nơi khô cằn bằng chút sức lực cuối cùng. Hân chợt thấy mình cũng hoang hoải, trống vắng như thân cây kia. Hân chẳng còn người thân, công việc để có thể trở về. Trước lúc đi tìm cha, Hân nộp đơn xin thôi việc ở lâm trường cao su để giải thoát mình khỏi những tiếng thở dài vọng vào đêm tĩnh lặng. Hân lững thững đi bộ ngược lên đỉnh đèo rồi bắt gặp rừng bạch đàn nằm cạnh đường lớn. Những người thợ xây miếu đã giúp Hân dựng cái quán nhỏ bằng những vật liệu tìm thấy trong rừng. Quán nhỏ cách miếu không xa nên hàng ngày Hân vẫn đến nhang khói cầu nguyện cho những linh hồn nằm lại dưới vực sâu.

*

Đêm nay, những chiếc xe tải đến muộn chỉ còn gió lật giở trang nhật ký. Gió thổi bạt những đám mây trên đỉnh Phù Vân nhưng chẳng thể lau khô nước mắt trên má Hân. Đêm trước, trong giấc mơ, Hân lại chứng kiến thêm sự chia ly. Hân đứng bên các chị bỏ mũ mặc niệm trước những nấm mộ không tấm bia ghi danh. Chị Cúc kể một quả bom rơi vào hầm trú ẩn khiến cơ thể của Thơ, Hường, Hằng chẳng còn vẹn nguyên. Suốt mấy hôm, những câu từ chị Cúc viết cứ ám ảnh trong dòng cảm xúc của Hân:

“Ngày… tháng… năm 1969

Bom đạn quân thù san lấp cả con suối nhỏ hiền hòa ven cánh rừng và cướp đi những người đồng đội của mình. Chỉ mới hôm qua mấy chị em còn hát véo von trước bữa cơm với rau rừng. Cái Hằng khéo tay nhất đơn vị vẫn thường thêu giúp đồng đội bông hoa hồng, đôi chim câu vào chiếc khăn mùi xoa. Vậy là những đồng đội sẽ không còn cùng mình “đồng cam cộng khổ” trên những chặng đường giải phóng đất nước. Hôm trước Hường bảo nằm mơ thấy chồng nắm tay mình chạy trên đường làng. Chẳng ngờ giấc mơ là điềm báo sự chia ly. Chiếc khăn mùi xoa, Hằng vẫn đang thêu dở đôi chim bồ câu. Hằng nắn nót từng đường chỉ để hòa bình trở về sẽ tặng cho người con trai mình yêu thương…”

Hân lật tiếp cuốn nhật ký chỉ còn những trang giấy ố vàng không nét chữ thân quen.

Một ngày giữa tháng bảy,  Hân trở về quán sau khi thắp hương cho ngôi miếu bên bờ vực sâu. Nắng hè cùng sự mệt mỏi sau quãng đêm mưu sinh đưa Hân vào giấc ngủ trên chiếc võng. Dưới vực sâu chị Cúc hét lên khi thấy Hân đứng trên mép vực “Chạy đi máy bay đó”.

 Hân giật mình chạy về phía chị Cúc. Nòng súng trên chiếc trực thăng lia những tia lửa theo bước chạy của Hân. Mảnh đạn găm vào những thân cây tứa màu nhựa đỏ như máu. Hân vấp vào cành cây khô ngã xuống, đôi mắt thảng thốt nhìn lên nụ cười đắc thắng của gã đàn ông trên chiếc trực thăng đang chĩa súng về phía mình. Ngón tay gã đàn ông siết cò, chị Cúc lao đến lấy cơ thể che chở cho Hân. 

Hân giật mình tỉnh giấc bởi cái vỗ vai của người đàn ông mặc quân phục. Người đàn ông nói điều gì đó nhưng Hân không nghe rõ bởi còn mơ hồ khi lần đầu tiên có một giấc mơ giữa buổi trưa liên quan đến quyển nhật ký.

– Cô nấu cho tôi chút đồ ăn. Xe tôi đi đến đây thì bị hỏng.

Người đàn ông nhắc lại khi tưởng Hân còn ngái ngủ. Hân cảm thấy mắt của Khánh (Hân biết tên anh từ chiếc phù hiệu trên ngực áo) như rực lên tia hy vọng khi trông thấy cuốn nhật ký đặt trên bàn. Khánh khẽ lật từng trang nhật ký rồi so sánh nét chữ với lá thư anh mang theo. Khánh reo lên giọng hơi nghèn nghẹn:

– Cuốn nhật ký của cô ruột tôi. Trước khi mất bố tôi dặn bằng mọi giá phải đưa cô trở về quê hương. Tôi đã mất nhiều thời gian ngược xuôi khắp các nghĩa trang Trường Sơn kiếm tìm, nhưng…

Nghe Khánh nói về những đợi chờ, hy vọng sau chiến tranh khiến Hân lại nghĩ về những niềm hy vọng chưa thực hiện được trong đời mình. Thủa nhỏ, Hân ao ước sẽ được cha ôm ấp trong vòng tay. Còn bây giờ Hân ao ước bầu trời sẽ mang mưa về trên đỉnh Phù Vân. Phải chăng chiến tranh đã lấy đi những giọt nước mắt của trời khi chứng kiến nhiều sự đau thương. Rồi Hân kể cho Khánh nghe về những giấc mơ vụt trôi trong đêm. Hân nhắc đến bờ vực sâu nơi chiếc xe khách lao xuống. Hân là người duy nhất sống sót khi được đỡ bởi bàn tay của những nữ thanh niên xung phong. Và giấc mơ chị Cúc che chắn cho Hân loạt đạn của quân thù.

Đêm ấy, lần đầu tiên Hân ngủ ngon cùng gió mát trên đỉnh Phù Vân sau khi Khánh cầm theo cuốn nhật ký trở về đơn vị.

*

Một sớm, Khánh cùng người thân trở lại đỉnh đèo. Lần đầu tiên, anh đi tìm mộ liệt sỹ không cùng nhà ngoại cảm. Nhưng anh tin vào linh cảm của mình và giấc mơ cuối cùng của Hân. Mọi người vừa thoát khỏi con đường chênh vênh dẫn xuống vực, bỗng Hân nhắm mắt chạy nhanh rồi ngất xuống bên dưới gốc cây héo.

Khánh và mọi người chạy đến vừa khi Hân tỉnh lại. Hân nói hình như có điều gì đó kiểm soát cơ thể và đưa Hân nằm xuống đây.

Một người bảo có thể là cô Cúc chỉ đường, dẫn lối. Khánh thắp hương khấn rồi bắt đầu bổ cuốc vào khoảng đất sỏi đá chỗ Hân vừa nằm. Sau một hồi đào xới, chiếc võng bọc những mảnh xương dần lộ ra trong đất khô cằn. Tay Khánh run run, đôi mắt đỏ hoe khi đọc mảnh giấy ghi thông tin chiến sỹ được lấy ra từ chiếc lọ. Anh nghẹn ngào: “Cô ơi! Vậy là con đã tìm thấy cô…”.

Hài cốt liệt sỹ Nguyễn Thị Cúc vừa được đưa lên ô tô cũng là khi mây đen giăng kín bầu trời. Mưa ào ào trút xuống đỉnh Phù Vân.

                                                                                      K.X.Q