Nhà thơ Hoàng Cầm (ảnh Nguyễn Đình Toán)
Cái sự “hành” đến với ông từ cả phía lẽ đời, lòng người, với không ít oan khiên, hệ lụy và cả từ phía số ông như được sinh ra để “chịu tội” cho nàng thơ. Cũng chẳng phải chờ cho đến khi ông về cõi vĩnh hằng, mà ngay lúc bình sinh, thi hữu đã “làm lợi” cho ông bằng cách đội lên đầu vương miện “Thi Thánh” của nền thi ca Việt Nam đương đại từ lúc nào mà chính ông cũng không hay biết, khiến ông càng trở nên lao đao, vất vả.
Nhưng theo chúng tôi, phần “Nhịp Năm- Còn em” trong đó chủ yếu là bộ ba “Cây- Lá- Quả” được xem là hồn cốt của cả tập “Về Kinh Bắc”. Trong bộ ba này, thực sự ngôn ngữ nghệ thuật và giá trị thẩm mỹ của hình tượng Em đã vượt quá xa cấu trúc văn bản thơ, như là một “Cõi Em- Vô thường”.
Xênh Một: Cây tam cúc
Trò chơi bài tam cúc của con trẻ được nhà thơ Hoàng Cầm mô tả khá cụ thể, từ quân bài đến chỗ chơi, quá trình chơi đến cảm thức của người chơi. Cuộc chơi ở đây chỉ có hai người là Chị và Em. Cuộc chơi tưởng chừng chỉ để chơi mà thôi, nhưng ai ngờ phía sau cuộc chơi là số phận của hai con người:
Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm
Em đừng lớn nữa Chị đừng đi
Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa
Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì…
Em suốt đời mong ước không lớn nữa để Chị cũng đừng ra đi. Em ở đây không phải là người con gái, mà lại chính là tác giả bài thơ. Ở đây đã diễn ra quá trình “nhất thể hóa” đối tượng thẩm mỹ với chủ thể thẩm mỹ trong tư duy sáng tạo thơ của Hoàng Cầm. Ông đã tự “nhập đồng” vào Em lúc nào mà không hay biết. Còn Chị ở đây chính là một người chị bằng xương, bằng thịt, cùng làng với nhà thơ. Trớ trêu là hai Chị- Em hơn kém nhau gần mười tuổi, Em chưa kịp lớn, còn Chị đã xuân thì, vậy mà trong cái ổ rơm nơi quê mùa thôn dã kia, khi: Chị gọi đôi cây, mà em đã thầm nghĩ đến trầu cay má đỏ và còn mơ mộng xa ngái hơn là kết xe hồng đưa Chị đến quê Em. Mơ mộng là thế, nhưng em lại cũng chỉ dám “đi đêm” mà thôi, vì chưa kịp lớn:
Em đi đêm tướng điều sĩ đỏ
đổi xe hồng đưa Chị đến quê Em
Đi đêm là một qui tắc có thật của trò chơi tam cúc trước đây trong sinh hoạt văn hóa dân gian ở những vùng quê như Kinh Bắc. Từ một sự việc có thật ấy, nhà thơ sử dụng nó như một công cụ để diễn tả một quan hệ có thật khác, đó là mối tình thầm kín, vụng trộm của hai Chị- Em. Rõ ràng là trong hoàn cảnh này, mối tình giữa Em và Chị dù trong sáng đến mấy cũng khó được dư luận đương thời chấp nhận, nên cả hai đều không dám “công khai”, “minh bạch”. Chính vì sự vụng trộm ấy mà mối tình trở nên mờ ảo, thi vị hơn. Thế rồi, bỗng chốc mối tình lãng mạn ấy bị một sự thật phũ phàng khác làm cho tan tành khói mây, bởi ông quan Đốc đồng oai vệ, áo đen, nẹp đỏ, sẵn sàng đem tượng vàng đến rước chị đi:
Năm sau giặc giã
Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ
thả tịnh vàng cưới Chị.
Giá mà Chị đừng đi, còn Em chẳng bao giờ lớn thì đâu đến nỗi Em phải gửi tình theo mây gió, mà gọi đôi:
võng mây trôi
Em đứng nhìn theo Em gọi đôi…
Xênh Hai: Lá Diêu bông
Phụ nữ Kinh Bắc trước đây mặc váy là một cơ hội vừa để khoe với bạn bầu về tài nghệ khâu vá, ăn mặc, khoe với mọi người vẻ đẹp hình thể của cặp giò thon thẳng, bộ ngực nở nang của người con gái ở tuổi xuân thì, vừa để biểu lộ tình yêu và khát vọng tình dục của mình trước người khác giới: Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Đằng sau câu thơ là sự ẩn giấu một phản xạ vô thức khát vọng của con người tự nhiên, mà không một người nào không có. Nhưng có dám nói thật lòng mình hay không thì chẳng phải ai cũng có thể.
Nhưng điều thú vị ở đây không chỉ là mối tình giữa Chị và Em, mà hơn thế mối tình ấy lại đến từ trò chơi đố – tìmthuở ấu thơ cách đây hơn hơn nửa thế kỷ, khi mà những luật tục cấm kỵ, kiêng khem của lễ giáo phong kiến ở các vùng nông thôn nước ta còn rất nặng nề. Điều đó chứng tỏ tình yêu trong lòng cậu bé- thi sĩ Kinh Bắc Hoàng Cầm và cô chị hàng xóm từ thuở nhỏ đã mãnh liệt đến mức không một thứ đạo đức phong kiến nào có thể cản được. Nó đã vượt ra ngoài phạm vi của một trò chơi đố – tìm thông thường của con trẻ. Chuyện tình này đã diễn ra khi cậu bé Cầm mới chỉ 12 tuổi, còn chị Vinh đã bước vào tuổi 20. Ký ức của mối tình đơn phương đầu đời đã trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi trong tâm tưởng nhà thơ như một định mệnh, bám riết và day dứt suốt cuộc đời nghệ sĩ của ông:
Toàn bộ cảm hứng của bài thơ đều xoay quanh việc tìm chiếc Lá Diêu bông, một loại lá không có thực trên đời này, như chính nhà thơ Hoàng Cầm đã thú nhận. Vậy mà khi được chị đố:
Đứa nào tìm được Lá Diêu bông
Từ nay ta xin gọi là chồng…
thì cậu em băng băng đi tìm, những mong được chị gọi là chồng, chỉ thế thôi! Nhưng sự trớ trêu của cuộc đời là dù em đã bốn lần tìm thấy lá vào những thời
điểm khác nhau:
Hai ngày Em tìm thấy lá…
Mùa đông sau Em tìm thấy lá…
Ngày cưới Chị Em tìm thấy lá…
Chị ba con Em tìm thấy lá…
Nhưng vẫn bị chị từ chối “gọi bằng chồng” cho đến ngày chị đã ba con, mà em mãi vẫn là cậu bé Cầm chưa kịp lớn. Để rồi suốt đời em cầm trong tay chiếc Lá Diêu bông như ôm một lá bùa định mệnh của tình yêu thuở ban đầu đi khắp thế gian này mà ngẩn ngơ, ngậm ngùi và tiếc nuối:
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời…
…ới Diêu bông…!
Hóa ra trên cõi đời này tìm một cái không có thực như chiếc Lá Diêu bông còn
dễ hơn trăm lần tìm một tình yêu đích thực (?!). Câu chuyện về chiếc Lá Diêu bông
gắn liền với nỗi đam mê thanh cao mà tục lụy của nhà thơ Hoàng Cầm. Chiếc Lá Diêu bông không chỉ là biểu tượng chung cho những tình yêu đầy trắc ẩn và trái ngang của bao lứa đôi trên thế gian này, mà còn là cội nguồn của cảm hứng thi ca của chính nhà thơ.
XÊNH BA: QUẢ VƯỜN ỔI
Vẫn là cảm hứng “Cõi Em” từ hai bài trước. Ở đây tình cảm được bộc lộ rõ hơn:
Nằm trên bãi cát thư tâm
Sông nước sinh thuyền Em đẩy tới
Có gió có buồm có dòng có lái
Trách gì ai xô giạt đến bờ hoang
Em mười hai tuổi tìm theo Chị
Qua cầu bà Sấm bến cô Mưa
Đi…,
nhưng vẫn không kém phần ngơ ngác, tiếc nuối.
Động từ “đi” ở cuối đoạn tạo nên cảm giác bất cần, vô phương định đối với Em, biết tìm Chị nơi nào. Dù vậy Em vẫn cứ đi. Không đi sao được. Càng tìm không thấy Chị, Em càng đi dẫu biết rằng chẳng thể trách được ai đã xô giạt Em đến bờ hoang. Em ở đây là một thực thể, hiện hữu đang khao khát, kiếm tìm cái mà chỉ một mình Em biết, còn Chị thờ ơ, một mình xuôi theo con thuyền hạnh phúc, hay ít ra cũng là sung sướng, còn bao nỗi khổ đau, tục lụy trên cõi đời này, Chị để lại phía sau mặc Em:
Chị xoạc cành ngang
Em gốc cây
– Xin Chị một quả chín
– Quả chín quá tầm tay
– Xin Chị một quả ương
– Quả ương chim khoét thủng
Lẽo đẽo Em đi vườn mai sau
cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng...
Lại một lần nữa, Em chẳng thể nào được ăn ổi chín, ổi ương, đành nhặt quả rụng vậy, chẳng khác hôm nào Emđứng nhìn theo võng mây trôi, mà gọi đôi hay cầm trong tay chiếc Lá Diêu bông giữa cánh đồng gió quê vi vút gọi…Diêu bông hời…ới Diêu bông…!
Hạ chầu
Tất nhiên, trong 8 bài thơ còn lại của “Nhịp Năm- Còn Em”, Cõi Em vẫn là một yếu tố đặc biệt quan trọng tham gia vào quá trình tư duy sáng tạo nghệ thuật thơ của thi sĩ Hoàng Cầm, tạo nên một đặc trưng thi pháp rất riêng, mà chỉ có tài thơ như ông mới có thể sáng tạo ra được./.
ĐỖ NGỌC YÊN
Nguồn Hội Nhà văn Việt Nam