Tuổi trẻ trên trang viết của cây bút sinh năm 1978 vừa có vẻ đẹp thanh xuân vừa có nỗi cô đơn và lạnh lùng với hiện thực cuộc sống.

– Tập truyện “Thành phố của những linh hồn lạc” vừa phát hành của anh khá thu hút độc giả trẻ. Không có sex, không có bạo lực, cũng không có những cuộc tình đầy nước mắt… Anh nghĩ điều gì khiến tác phẩm của mình thu hút?

– Tôi nghĩ điều lớn nhất là ai cũng có thể thấy một phần tuổi trẻ của họ khi đọc những gì tôi viết. Bởi hầu hết chúng ta đều từng trải qua những cung bậc cảm xúc, những cảm giác đáng nhớ của một thời qua đi không trở lại. Tôi luôn khao khát khám phá tận cùng tâm hồn của người trẻ. Bởi tôi yêu tuổi trẻ đến cuồng nhiệt.

Tác giả Hoàng Anh Tú.

– Nhưng cuốn sách của anh còn đề cập đến “Bọn.Người.Xám” và “Đám.Lưng.Chừng” cho thấy sự mất niềm tin vào sự vô cảm của một bộ phận giới trẻ, vì sao thế?

– Tôi không mất niềm tin mà chỉ muốn phản ánh một hiện thực: ngày càng có nhiều Bọn.Người.Xám và Đám.Lưng.Chừng trong cuộc sống hiện nay. Đó là những người trẻ vô cảm hoặc bị hạn chế cảm xúc. Có người đặt vấn đề, liệu có phải Internet là nguyên nhân khiến họ mất đi khả năng biểu hiện cảm xúc hay không. Tôi cho là, không hẳn Internet gây ra điều đó mà là vì người trẻ đang bị lệ thuộc vào Internet. Chúng ta có rất nhiều các anh hùng bàn phím mà mất dần đi những anh hùng đời thực.

Ngài ra, cũng có một bộ phận người trẻ mà trái tim họ bị vây bủa bởi quá nhiều những giáo điều, mơ ước hay áp đặt từ cha mẹ.

– Theo anh thì bao nhiêu phần trăm người trẻ đang như vậy?

–  Tôi không có thống kê chính xác song tôi nghĩ rằng con số đó đang mỗi lúc một đông đảo và nguy hiểm hơn. Đặc biệt là trong cách mà họ hành xử trước mỗi sự kiện xảy ra trong xã hội. Có đôi khi, tôi sợ hãi họ!

– Anh giải quyết nỗi sợ hãi “sự vô cảm” đó trong trang viết của mình ra sao?

– Tôi muốn người trẻ nhìn thấy phiên bản khác của họ. Tôi muốn họ nhìn thấy không chỉ sự trả giá mà còn cả nỗi cô đơn cùng cực mà họ đang sở hữu.

– Trong cuốn sách mới, anh chọn lối viết huyễn hoặc. Anh nghĩ sao khi nói: những điều thực tế trong cuộc sống không còn đủ sức hấp dẫn khiến người viết phải nương náu vào những câu chuyện như thế?

– Tôi chọn lối viết huyễn hoặc thay vì thứ văn chương thông tấn mà tôi đã có chút ít thành công trước đây bởi tôi bị thôi thúc cần làm mới mình. Lối viết huyễn hoặc giúp tôi diễn giải thành công hơn những vấn đề của xã hội hiện tại. Huyễn hoặc để nói được nhiều hơn những câu chuyện nhạy cảm cũng như tiếp cận bạn đọc trẻ một cách hấp dẫn hơn.

Bạn đọc trẻ hiện nay có quá nhiều lựa chọn đọc khi thị trường sách không chỉ có các tác giả Việt. Thế nên việc chinh phục họ cần nhiều hơn nội dung – thông điệp mà nhà văn viết ra. Nhà văn rất cần cách thể hiện mới hơn, cách tiếp cận mới.

– Anh thuộc độ tuổi cuối 7X, đầu 8X, anh nhận ra khoảng cách của mình so với thế hệ trẻ hiện nay thế nào?

– Khi chúng tôi đưa ra khái niệm thế hệ 8X cách đây 11 năm trên một tờ tạp chí dành cho giới trẻ trong nước, chúng tôi nhìn thấy một thế hệ rất khác. Họ là những người được sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước đổi mới, mở cửa và hội nhập nên họ cũng đầy háo hức, sẵn sàng trải nghiệm, mong muốn được đi được bày tỏ cái Tôi chính kiến của họ. Và họ đã tạo nên những thành công nhất định, thay đổi được rất nhiều khái niệm, định nghĩa khác nhau của xã hội, thậm chí còn tạo ra rất nhiều giá trị mới.

Thế hệ 9X hiện tại không còn sự bỡ ngỡ ấy khi các lối đi lại đã được khai phá. Thế nên, dĩ nhiên là họ rất khác so với thế hệ 7X, 8X. Ở thế hệ 9X, việc khẳng định cái Tôi được “nâng cấp” lên thành cái Tôi mang tính cá nhân hóa hơn. 9X là những đứa trẻ có nhiều điều kiện và cơ hội khẳng định bản thân hơn.

Hoàng Anh Tú bên vợ và ba con của anh.

Mạng xã hội như facebook chẳng hạn, có ý nghĩa như thế nào với anh, ngoài vai trò là một nguồn tư liệu phong phú tạo ý tưởng viết lách?

– Cá nhân tôi đang quản lý ít nhất 6 fanpage của các ấn phẩm cơ quan mà tôi công tác và fanpage của riêng tôi nên nếu nói tôi là nhà văn thời facebook thì cũng đúng. Facebook đã và đang trở thành một cầu nối tương tác rất tuyệt cho các nhà văn. Nó còn giúp các nhà văn giới thiệu sách của mình, tiếp cận độc giả và tạo ra những giá trị gia tăng cho tác phẩm của mình. Đặc biệt là nó giúp bán sách rất tốt (cười).

Và một điều thú vị khá, mạng xã hội là một phiên bản khác của mỗi người trẻ. Nó giúp tôi dễ dàng tiếp cận với phiên bản ấy và so sánh chúng với các phiên bản gốc ngoài đời.

– Kế hoạch viết lách tiếp theo của anh là gì?

– Tôi đang lên kế hoạch cho một cuốn sách về gia đình và một cuốn sách cho trẻ em. Tôi muốn viết một cuốn sách cho 3 đứa nhỏ nhà tôi- một cuốn sách khiến chúng thích và đọc được!

Đó sẽ là một dự án sách tương tác để trẻ con có thể đọc – sử dụng nó với cha mẹ mình và với chính bạn bè chúng. Thông điệp của cuốn sách vẫn là gửi yêu thương – nhận yêu thương. Tôi cho rằng bất cứ cha mẹ nào cũng sẽ thích và mua chúng cho con mình. Tôi thích được nhìn thấy cảnh cả nhà quây quần với nhau, cha mẹ dành nhiều thời gian để trò chuyện cùng con cái và hơn cả thế, cha mẹ phải học cách bày tỏ tình yêu với con cái mình trước khi đòi hỏi con cái thể hiện tình yêu với mình.

– Theo anh, không khí viết lách trong nước hiện nay ra sao?

– Gần đây, chính xác là khoảng ba đến năm năm trở lại đây, ngành xuất bản đã đi được những bước dài khi “mọc” lên rất nhiều nhà sách mới. Các tác giả trẻ đã có nhiều cơ hội để ra sách. Tôi may mắn là được nhiều bạn viết yêu quý và thường gửi bản thảo cho tôi đọc trước cũng như nhờ tư vấn. Tôi cũng có thói quen đi dạo nhà sách vừa là xem sách mình bán ra thế nào cũng là mua những cuốn sách của bạn bè mình như: Khánh Linh, Phan Ý Yên, Nguyễn Quỳnh Trang, An Hạ, Trương Anh Ngọc, Nguyễn Phong Việt, Hamlet Trương, Phan Hồn Nhiên, Trang Hạ, Phan Việt, Dương Thụy, Đặng Thiều Quang… Có thể nói, đây là một giai đoạn khá sôi động nhưng thực sự vẫn chưa có cuốn sách nào nổi bật lên. Nhưng tôi tin rồi cũng sẽ có lúc có những đầu sách ấn tượng xuất hiện thôi khi mà hiện nay người viết có nhiều cơ hội thế này kia mà!

Nhìn chung, chúng ta đang có một thị trường rất tuyệt vời cho văn học. Song, tôi phải nói thật là có một số nhà sách rất bất ổn khi chọn lựa bản thảo kém chất lượng, thậm chí ăn cắp, mập mờ bắt chước các nhà sách khác, sao chép một cách cẩu thả và nói thẳng ra là chạy theo lợi nhuận bắt chẹt tác giả.

Nguồn: Vnexpress.net

Exit mobile version