Nằm trong chương trình hưởng ứng Ngày sách Việt Nam lần thứ nhất, sáng 15/4 Ban Nhà văn Trẻ Hội Nhà văn Việt Nam đã có buổi giới thiệu tác phẩm “Nhắm mắt nhìn trời” của nhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ. Tại đây, một cuộc tranh luận nhỏ về “cách viết” đã được đặt ra giữa tác giả và độc giả.

Thấy gì từ “Nhắm mắt nhìn trời

Buổi giới thiệu sách được tiến hành trong không khí trẻ trung, ngoài một số nhà văn “lớn tuổi” đếm trên đầu ngón tay, còn lại thành phần tham dự hầu hết là các cây bút 7X, 8X. Từ đầu đến cuối, không có phần dành cho đọc tham luận như thường thấy mà trực diện bằng các cuộc hỏi – đáp xung quanh tác phẩm và công việc viết lách của tác giả.

Nhắm mắt nhìn trời là cuốn tiểu thuyết thứ ba, được hoàn thành trong vòng ba năm của nhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ, sau Biển xanh màu láSát thủ online. Ba cuốn tiểu thuyết là ba lĩnh vực khác nhau, ba không gian khác nhau. Ở Nhắm mắt nhìn trời được xây dựng trên bối cảnh một ngôi làng ngoại thành Hà Nội trong quá trình đô thị hoá với hiện thực ngồn ngộn đầy bi hài kịch. Nhân vật chính trong tác phẩm là nhà văn, nhà báo Nguyễn. Nguyễn nhìn thấy bi kịch của những người xung quanh đang sống nhưng bất lực. Nhan đề của tác phẩm “Nhắm mắt nhìn trời” cho thấy rõ sự mệt mỏi, bất lực của nhân vật chính. Nhưng đấy chỉ là cảm giác thức thời của cái con người thể xác. Còn con người bên trong, con người nhà văn đầy trách nhiệm thì không thể “nhắm mắt”. “Tôi nhắm mắt vì xung quanh quá nhiều cái xấu, cái ác. Tôi nhắm mắt vì không muốn nhìn thấy những câu chuyện buồn. Tôi nhắm mắt vì tôi bất lực trước thực tại không như tôi mong muốn. Nhưng tôi nhắm mắt cũng là để mơ về một bầu trời xanh”.

Bên cạnh Nguyễn, Thành… đại diện cho tầng lớp trí thức, còn có một loạt nhân vật đại diện cho tầng lớp cần lao, dưới đáy xã hội như Nhợn, Hiền… ất cả bị cuốn vào vòng xoáy đô thị hoá chóng mặt của vùng đất mà trước đây là đồng ruộng yên bình. Người ta không đủ những chuẩn bị cần thiết để đón nhận một sự thay đổi lớn nên không tránh khỏi chuyện cười ra nước mắt.

Đánh giá về cuốn sách mới, nhà phê bình Nguyễn Hoà cho biết, ở cuốn tiểu thuyết Sát thủ online còn nhiều tính báo chí. Nhưng đến Nhắm mắt nhìn trời thì đã có giọng văn riêng. Ông hi vọng và tin rằng sau khi đọc xong cuốn sách độc giả không phải “nhắm mắt” mà ngược lại “mở mắt nhìn đời”. Nhìn để thấy nhiều thứ trong cuộc đời đang “lộn tùng phèo”, và nhìn để không phải bất lực, buông xuôi, để sống tiếp, lựa chọn cách sống. Nói về không gian mà Nguyễn Xuân Thuỷ khai thác, Nguyễn Hoà cho rằng, tác giả mượn bối cảnh vùng đất ven đô để kể câu chuyện của mình. Vùng đất ven đô, phố huyện và các vùng đất nông thôn mới là bộ mặt thật sự của Việt Nam, chứ không phải các đô thị như Hà Nội, Sài Gòn, Huế… là tiêu biểu của Việt Nam.

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng ghi nhận bước chuyển mình rõ rệt của Nguyễn Xuân Thuỷ ở cuốn tiểu thuyết thứ ba, đây được xem là “lối rẽ” của Nguyễn Xuân Thuỷ.

Còn trưởng ban Nhà văn trẻ Võ Thị Xuân Hà thì coi đây là cuộc ngụp lặn, tìm kiếm của Nguyễn Xuân Thuỷ. Anh có cái tài tử của một nhà văn trong việc tả cảnh, tả tình, tả văn.


Tại buổi tọa đàm cuốn “Nhắm mắt nhìn trời” sáng 15/4

Thử đi tìm “công thức văn chương”

Buổi giới thiệu sách ghi nhận rất nhiều góp ý thẳng thắn cho cuốn sách. Người tham dự đã không “né tránh” những cảm nhận của mình. Trước đây, nhiều người nghĩ rằng, một buổi ra mắt sách, giới thiệu tác phẩm (không phải toạ đàm, hội thảo) nên tránh những tiếng “chê”, nhất là trước “bàn dân thiên hạ”, xung quanh lại không thiếu cánh báo chí. Nếu có thiện chí góp ý thì cứ email, cafe “nói riêng” cho tác giả là đủ. Nhưng, rất đáng ghi nhận, trường hợp Nhắm mắt nhìn trời không “bị” thế. Một cuộc tranh luận bổ ích cho những người cầm bút trẻ đã diễn ra khá sôi nổi và ít nhiều vượt qua khỏi giới hạn buổi giới thiệu sách. Liệu rằng, với người viết trẻ có một “công thức” chung nào không?

Đầu tiên là nhà phê bình Nguyễn Hoà, ông thẳng thắn nói rằng kết thúc tác phẩm na ná như Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Rồi một số trang tế nhị viết về nhân vật Nhợn hơi quá liều lượng. Tác giả triết lý hơi thái quá, và liều lượng viết về nó có đến mức như thế không? Hay, lợi thế của tác giả có nhiều năm làm báo nên sở hữu rất nhiều chi tiết, nên có phần lãng phí chi tiết. Người cầm bút khi viết văn có cần điều tiết chi tiết không?

Ý kiến của nhà văn trẻ Nguyễn Anh Vũ cũng rất đáng quan tâm. Anh cho rằng, trong Nhắm mắt nhìn trời có nhân vật chính là Nguyễn, nhưng khi đọc lại không thấy nhân vật chính hiện lên rõ, là trung tâm của cuốn sách. Nhân vật chính và nhân vật phụ đều… như nhau. Phải chăng tác giả dùng thủ pháp “đi ven”, tiểu thuyết “vành đai ba”?

Đáp trả những thắc mắc đó, tác giả cho biết, anh hài lòng với cái kết. Và không có công thức nào cho một tác phẩm văn chương cả. Hiện thực đầy rẫy như một cái chợ. Tôi định nấu món gì thì sẽ quyết định chọn gì ở chợ. Còn ra món ăn ngon hay dở do tay nghề người nấu và cả người… thưởng thức!. Tác giả cũng khá ngạc nhiên vì phản hồi độc giả cho thấy nhân vật ấn tượng là nhân vật phụ chứ không phải nhân vật chính – Nguyễn.

Đồng quan điểm với Nguyễn Xuân Thuỷ, nhà văn Phong Điệp cũng khẳng định: “Các nhân vật có quyền xuất hiện bình đẳng”. Điều này có nghĩa là, tác giả có quyền xây dựng nhân vật chính hay phụ ngang nhau mà không cần cứng nhắc cho rằng nhân vật này là phụ chỉ cần những chi tiết như thế này, số trang này là đủ và ngược lại.

Không nằm ngoài phía “ủng hộ”, nhà văn Đỗ Bích Thuý cho rằng, tư duy của Nguyễn Anh Vũ là tư duy của người làm sân khấu, phải có thắt nút và mở nút, phải có chính phụ, cao trào. Văn chương không thế. Tư duu văn chương không phải thế. Nhà văn có thể vận dụng tất cả các cách viết, miễn là hay và phù hợp với cuốn sách. Một cuốn tiểu thuyết không hề mỏng như Nhắm mắt nhìn trời nhưng khi cầm trên tay khiến độc giả đọc một mạch đã là thành công rồi.

Không những ủng hộ mà còn cổ vũ, nhà văn Uông Triều nói thêm: Tác giả hãy viết những gì mình thích, mình cho là hợp lý, không cần chiều độc giả, không cần đắn đo có thể in được hay không. Thậm chí còn có thể viết sâu hơn nữa về những triết lý tế nhị mà mình tâm đắc. Bởi khi đọc một tác phẩm là người đọc đang hiện diện trong văn cảnh, bối cảnh đó chứ không phải mang riêng ra từng đoạn, cắt xén, bình luận. Nhà văn không chỉ mạnh dạn mà còn cần bản lĩnh khi cầm bút.

Trong lịch sử văn chương, đã có nhiều cuộc tranh luận giữa thơ có vần, thơ không vần, rồi cả đến thơ văn xuôi. Văn xuôi cũng có tranh cãi, đã là truyện ngắn thì phải có chuyện, phải có đầu – cuối, phải kể lại được. Thế mà lại có những nhà văn viết truyện “không có chuyện”, không kể lại được. Giờ đây lại có khái niệm, không có “nhân vật chính” trong tác phẩm. Liệu có thể chấp nhận được không?

Mọi thử nghiệm đều có thể chấp nhận được.

Việc lựa chọn nhân vật chính hay không là quyền của tác giả, là thủ pháp, thủ thuật của tác giả. Miễn là khi độc giả cầm cuốn sách trên tay, đọc thấy tự nhiên, chấp nhận được và quan trọng là, đằng sau mỗi câu chuyện nhỏ, mỗi chi tiết nó còn dung chứa thông điệp gì, ẩn dụ điều gì chứ không chỉ đơn thuần là việc bắt buộc phải kể ra một câu chuyện có đầu – cuối đơn giản. Bởi nếu chỉ có thể, đâu cần đến văn chương.

Hiền Nguyễn

Nguồn: Tổ quốc