Xuân Quỳnh
Nhà thơ Xuân Quỳnh (1942-1988) vừa được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT, tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, vốn là diễn viên múa từ năm 13 tuổi, có thơ đăng báo năm 19 tuổi, trở thành nhà thơ chuyên nghiệp sau khi qua lớp bồi dưỡng những người viết văn trẻ khoá đầu tiên của Hội Nhà Văn Việt Nam (1962-1964).

Nhà thơ Xuân Quỳnh

Chủ đề thơ Xuân Quỳnh thường là những vấn đề nội tâm: kỷ niệm tuổi thơ, tình yêu gia đình… Hiện thực xã hội, sự kiện đời sống hiện diện như một bối cảnh cho tâm trạng. Do vậy thơ Xuân Quỳnh hướng nội, rất tâm trạng cá nhân nhưng không là thứ tháp ngà xa rời đời sống. Thơ chị là đời sống đích thực, đời sống của chị trong những năm đất nước còn chia cắt, còn chiến tranh, còn nghèo, còn gian khổ, là những lo toan con cái, cơm nước, cửa nhà của một người phụ nữ, người phụ nữ làm thơ thường ngược xuôi trên mọi ngả đường bom đạn. Xuân Quỳnh không làm ra thơ, không chế tạo câu chữ mà chị viết như kể lại những gì chị đã sống, đã trải. Nét riêng của Xuân Quỳnh so với thế hệ nhà thơ hiện đại cùng thời chính là ở khía cạnh nội tâm đó. Thơ chị là thơ mang tâm trạng. Thời ấy nhiều bài thơ thiên về phản ánh sự kiện, cốt để được việc cho đời, còn tâm trạng tác giả thường là tâm trạng chung của xã hội, vui buồn tác giả hoà trong vui buồn chung của công dân. Tâm trạng thơ Xuân Quỳnh là tâm trạng nảy sinh từ đời sống của chính chị, từ hoàn cảnh của riêng chị. Viết trên đường 20 là bài thơ chiến tranh nhưng lại mang nỗi lòng trăn trở xao xác của một người đang yêu. Có bài bề bộn chi tiết hiện thực như một ký sự. Những năm ấy, đúng là ký sự về đời sống Hà Nội những năm chống Mỹ, nhưng nó không thành ký mà vẫn là thơ do nỗi lòng riêng của tác giả đã tạo nên một mạch trữ tình xâu chuỗi các chi tiết rời rạc của ngày thường lại, tổ chức nó thành kết cấu của bài thơ. Xuân Quỳnh có tài toả lên các chi tiết ngẫu nhiên quan sát được từ đời sống một từ trường cảm xúc của nội tâm mình, biến các chi tiết đời trở nên thơ, có sức gợi, sức ám ảnh kỳ lạ (Trời trở rét, Không đề, Gió Lào cát trắng, Mùa hoa doi, Hoa cỏ may…)

Thơ Xuân Quỳnh giàu tình cảm, tình cảm sâu và tinh tế nhưng lẩn khuất phía sau tình cảm ấy lại là tư tưởng có tính khái quát, triết lý (Cơn mưa không phải của mình, Đồi đá ong và cây bạch đàn, Chuyện cổ tích về loài người, Những người mẹ không có lỗi…) Đấy là những triết lý nảy sinh từ đời sống, nó có tính thực tiễn, giúp ích thật sự cho người đọc nhận thức và xử lý việc đời, không phải thứ triết lý tư biện, viễn vọng mà chẳng dùng được vào việc gì.

Đề tài, đối với Xuân Quỳnh, không phải là quan trọng. Điều chị quan tâm là chủ đề. Thơ Xuân Quỳnh bao giờ cũng có tứ, chị dùng tứ để bộc lộ chủ đề. Đây là một đóng góp đáng quý của Xuân Quỳnh vì giai đoạn ấy thơ chúng ta rất lỏng về tứ. Xuân Quỳnh có năng khiếu quan sát. Chị quan sát bằng tất cả giác quan và phong phú trong liên tưởng. Chi tiết vốn quen thuộc bỗng trở nên mới lạ, tạo ý vị cho câu thơ. Một màu cỏ mùa xuân: Cỏ bờ đê rất lạ/ Xanh như là chiêm bao. Tiếng mưa trên lá cọ: Mưa trên cọ bàng hoàng rồi vụt tạnh.

Cũng có thể vì có tài quan sát mà ở một số bài Xuân Quỳnh ham tả, ham kể. Kể có duyên nhưng vẫn làm loãng chất thơ. Những bài thơ dài của Xuân Quỳnh thường dài vì rậm chi tiết.

Xuân Quỳnh được coi là nhà thơ nữ hàng đầu của nửa cuối thế kỷ 20.

Tác phẩm:

Thơ:
– Gió Lào cát trắng, NXB Văn học, 1974
– Hoa dọc chiến hào, NXB Văn học, 1968
– Tự hát, NXB Tác phẩm mới, 1984
– Lời ru trên mặt đất, NXB Tác phẩm mới, 1978
– Sân ga chiều em đi, NXB Văn học, 1984
– Truyện Lưu, Nguyễn (truyện thơ), NXB Kim đồng, 1983
– Thơ viết tặng anh Tp. Hồ Chí Minh, Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 1988

Dịch:
– Bố ơi, bố làm con sợ đi (truyện tranh, t/g: Tamara Đăngblông), NXB Kim Đồng, 1989

Truyện:
– Bến tàu trong thành phố, NXB Kim Đồng, 1984
– Vẫn có ông trăng khác (tập truyện ngắn), NXB Kim Đồng, 1988
– Bao giờ con lớn (truyện tranh), NXB Kim Đồng, 1975
– Mùa xuân trên cánh đồng, NXB Kim Đồng, 1981
– Bầu trời trong quả trứng, NXB Kim Đồng, 2005

(Nguồn: Thi viện)

 

 

THƠ XUÂN QUỲNH

 

LỜI TỪ GIÃ CỦA TRUNG ĐOÀN THỦ ĐÔ

 

Mũ sắt mưa bay lất phất
Trung đoàn lặng lẽ ra đi
Bãi Long Biên gió buốt
Dòng sông đen rì rầm
Ngoảnh nhìn Hà Nội rưng rưng
Liên khu Một bập bùng lửa cháy
Phất Lộc, Nguyễn Siêu, Hàng Chiếu
Ô Quan Chưởng, Cột đồng hồ
Mái nhà cao thấp nhấp nhô
Bao giờ trở lại?
Hà Nội ơi Hà Nội
Những tên người tên phố thân yêu
Những chiến lũy cao
Chồng chất tủ giường bàn ghế
Có chiếc hòm nâu của mẹ
Người mẹ nghèo đầu ô
Chiếc xe nôi trẻ thơPj
Lỗ chỗ đầy vết đạn
Chiếc dương cầm nhà ai
Tiếng dây đứt trong đêm chờ giặc
Ta có thằng bạn học
Hy sinh chôn dưới nền nhà
Đêm nay đơn vị rút ra
Các cậu nằm ở lại

Chân bước lòng đau nhói
Đâu những mặt hồ sương muối
Những sân trường lá rụng áo bay
Những đường xưa héo hắt mặt gầy
Cách mạng, tình đầu nắng chói
Nước Cộng hòa một tuổi
Chiến xa quân thù
Như bóng đêm gầm gừ trở lại
Tháng chạp bốn bề lửa khói
Quyết tử quân ra đời
Những công nhân máy đèn
Thợ sắp chữ nhà in
Vai áo dầu lem luốc
Anh giáo tư rút rát
Đưa bàn tay trắng trẻo nhận thanh gươm
Anh sinh viên trường Thuốc ngang tàng
Mang đến con dao giải phẫu
Anh kéo đàn tiệm rượu
Bác phở rong mũ dạ
Ông thợ già bẻ ghi
Những lưng áo suốt đời vá rách
Những bàn tay suốt đời im lặng
Linh hồn của Hà Nội thủ đô
Những người phiêu bạt không nhà
Bốc vác bến sông, gầm cầu nằm ngủ
Gái nhảy, vú em, anh xe, chú tiểu
Có kẻ lần đầu tiên được sống
Có người ngỡ đời mình đã hết
Trong khói thuốc chán chường
Hôm nay ném bút bước ra đường
Đứng vào chiến lũy
Đã quá nhiều đêm nô lệ
Nước Việt thân yêu giờ phút mất còn
Già dặn hay măng tơ
Chân đất hay cà-vạt
Người theo đạo Tin Lành
Người đọc mòn sách Khổng
Và anh, người cộng sản
Hôm xưa vượt ngục Hỏa Lò
Dân phố chỉ biết tên
Qua tấm hình truy nã
Hôm nay ôm bom ba càng
Đi hàng đầu dẫn tất cả xông lên
Đục tường nhà nối lại mọi đời riêng
Sáu mươi ngày quyết liệt
Từng thềm gạch từng tấc đất
Tiếng xung phong tiếng thét rung trời
Địch từ Đồn Thuỷ kéo lên
Từ Cửa Bắc xông ra
Pháo đài Láng quân ta bắn xuống
Cầu Gỗ, Hàng Đường, Cửa Nam, Hàng Bột
Ô Cầu Rền, nhà thương Vọng, hãng dầu Sen
Giặc máy bay xe tăng
Ta súng trường chai cháy
Giặc chiếm nhà ngoài, ta xông ra chiếm lại
Giặc lên gác hai ta gỡ mái nhào vào
Định ở Bắc Bộ Phủ
Thực ở Giảng Võ
Và bao người đã ngã xuống không tên
Bác hàng rong chợ Đồng Xuân
Vung đòn gánh đuổi quân thù quanh phản thịt
Anh bán vé chết trong toa tàu điện
Bác đưa thư già tóc bạc
Trên thềm nhà bưu điện hy sinh
Túi thư chưa kịp gửi khoác bên mình
Tiểu đội nữ cứu thương
Ngã xuống miệng còn ca hát
Những cô gái Ngọc Hà, Lãng Bạc
Những mẹ già Lai Xá, Thụy Khuê…
Đêm nay ra đi
Nhớ từng gương mặt
Nhớ thằng em liên lạc
Nhớ rạp hát Tố Như
Nhớ đường phố cùng ta ngăn bước giặc
Cho khắp nơi cuộc kháng chiến bắt đầu
Nhớ khóm rau xanh bên những cành đào
Trên chiến lũy mưa phùn ướt đẫm
Đêm giao thừa khói trầm nghi ngút
Đọc dòng thư, tất cả rưng rưng:
“Các em quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”
Đôi mắt già Hồ thăm thẳm

Sớm mai thành phố vào tay giặc
Chúng nó đừng hòng khuất phục
Hà Nội là của ta
Một cột điện một mái nhà
Một thằng bạn một thằng em
Một sớm mai yên tĩnh
Ai hát bài “Suối mơ”
Tiếng xe chạy, tiếng rao quà
Hà Nội lầm than, Hà Nội hào hoa
Hà Nội đêm nay nhắc gọi
Ra đi hôm nay để mãi mãi trở về…
Mưa bay lồng lộng bờ đê
Hà Nội nhòe trong nước mắt
Tam Đảo sau lưng sừng sững
Việt Bắc chiến khu bát ngát
Hồng Hà cuồn cuộn réo sôi

Chỉ xuống dòng sông đỏ rực
Chúng ta thề sẽ trở về

 

 

THƠ TÌNH CUỐI MÙA THU

 

Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
Mùa thu đi cùng lá
Mùa thu ra biển cả
Theo dòng nước mênh mang
Mùa thu vào hoa cúc
Chỉ còn anh và em

Chỉ còn anh và em
Là của mùa thu cũ
Chợt làn gió heo may
Thổi về xao động cả:
Lối đi quen bỗng lạ
Cỏ lật theo chiều mây
Đêm về sương ướt má
Hơi lạnh qua bàn tay

Tình ta như hàng cây
Đã qua mùa gió bão
Tình ta như dòng sông
Đã yên ngày thác lũ

Thời gian như là gió
Mùa đi cùng tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi
Chỉ còn anh và em

Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại…
– Kìa bao người yêu mới
Đi qua cùng heo may

 

TỰ HÁT

 

Chả dại gì em ước nó bằng vàng
Trái tim em, anh đã từng biết đấy
Anh là người coi thường của cải
Nên nếu cần anh bán nó đi ngay

Em cũng không mong nó giống mặt trời
Vì sẽ tắt khi bóng chiều đổ xuống
Lại mình anh với đêm dài câm lặng
Mà lòng anh xa cách với lòng em

Em trở về đúng nghĩa trái tim
Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Biết lấy lại những gì đã mất
Biết rút gần khoảng cách của yêu tin

Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em
Biết khao khát những điều anh mơ ước
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu

Mùa thu nay sao bão giông nhiều
Những cửa sổ con tàu chẳng đóng
Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm
Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh

Em lo âu trước xa tắp đường mình
Trái tim đập những điều không thể nói
Trái tim đập cồn cào cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn

Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi

 

SÓNG

 

Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể

Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ

Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?

Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức

Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương

Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở

Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ

Biển Diêm Điền, 29-12-1967

 

KHÚC HÁT NHỮNG NGƯỜI ANH

 

Hồng Hà ơi ta nhớ mùa thu xưa (Nhạc Đỗ Nhuận)

Bãi cát nghiêng nghiêng
Bờ lau bát ngát
Đồi cao xào xạc
Gió nương chè

Những người đi
Áo mờ sương phủ
Vách dựng ngút ngàn tre nứa
Lưng đèo hoa chuối rung rinh
Dép lốp mũ nan
Súng thô mác nhọn
Lô, Thao mây trắng
Trập trùng quân sang
Quê hương Việt Bắc
Làng xanh núi xanh
Những mùa chiến dịch
Những đêm mưa rừng…

Khúc hát các anh
Chúng tôi hát mãi
Tuổi thơ mê mải
Theo ngả đường thần thoại chín năm
Những tên vang vọng trong lòng
Tiểu đoàn Lũng Vài, trung đoàn Tây Tiến
Phủ Thông, Bông Lau, Đèo Khách
Đoan Hùng, Đèo Khế, Phố Lu
Các anh giữ đất trung du
Các anh tiến về biên giới
An Châu, Khâu Luông, Bản Trại
Cao Bằng rừng núi mến yêu
Những ông ké thưa râu
Mế già bên bếp lửa
Đèo Mã Phục dốc cao đá nhọn
Bên kia là Trung Quốc
Diên An, Nhị Lạng Sơn…
Các anh kéo pháo lên Tây Bắc
Xẻ núi đào hào vây Điện Biên
Sốt rét da xanh
Măng rừng cơm nắm
Dốc núi cao cao, vực sâu thăm thẳm
Nghe câu hò thương bộ đội rưng rưng
Các anh vệ quốc quân
Các anh văn nghệ
Làm thơ trên giấy bản
Ôm đàn đứng hát
Dưới đường hào Hồng Cúm, Him Lam

Khúc hát các anh
Những người giành lại nước
Lên đường buổi sớm đầu tiên
Những người rũ tung xiềng xích
Bao la mây núi sông rừng

Chúng tôi lớn lên
Bờ đê cỏ mọc
Những bãi mía đồng ngô cháy nắng
Những ngả đường khói cuộn
Sông Hồng rào rạt
Mênh mông trôi cát
Chân làng quê
Chúng tôi đi
Rập rờn áo lá
Quanh co đèo cao gió lửa
Hai mươi mùa bão mưa
Những người anh xưa
Đã trán nhăn tóc bạc
Có khu rừng chúng tôi đến
Các anh chưa qua
Có những vui buồn yêu giận
Các anh chưa lo

Khúc hát các anh
Chúng tôi vẫn hát
Tuổi trẻ các anh
Dậy chúng tôi làm người tốt đẹp:
Còn một em bé rách
Lòng ta vẫn bồn chồn”
Đất nước thức vạn đêm
Chưa một ngày vui trọn
Làm sao lòng có thể nguôi yên?

Khúc hát các anh
Mãi mãi dòng sông
Chúng tôi đến uống
Ngọn lửa đầu tiên trong ngực
Chúng tôi mang suốt cuộc đời

 

 

HÁT RU CHỒNG NHỮNG ĐÊM KHÓ NGỦ

 

Anh không ngủ được ư anh?
Để em mở quạt quấn mành lên cho
Lặng sao cái gió mặt hồ
Ghét sao cái nóng đầu mùa đã ghê!
Đoàn thương binh mới trở về
Đánh nhau trước cửa hàng bia lúc chiều

Anh không ngủ được anh yêu?
Nghe chi con lũ đang chiều nước dâng
Ngày mai cây lúa lên đòng
Lại xanh như đã từng không mất mùa
Con sông bạn với con đò
Con người bạn với câu hò trên sông.

Ngủ đi, em khép cửa phòng
Để em lên gác em trông xem nào
Ai đồn rằng cọ cháy cao
Người dân Vĩnh Phú đốt bao nhiêu đồi
Hình như lửa đã tắt rồi
Gió không thổi nữa anh ơi yên lòng

Thương gì người đói lang thang
Xin ăn trên khắp phố phường ngoài kia
Ngủ đi anh hãy ngủ yên
Rồi mai họ sẽ trở về quê thôi
Lòng thương chỉ nói bằng lời
Lấy đâu ra gạo cho người được no

Khuya rồi anh hãy ngủ đi
Để em trở dậy em che bớt đèn
Đứa nào nó nói cùng anh
Cái tin chết của bạn mình vừa xong
Chắc là đường đất khó khăn
Nên thư từ chẳng thể năng gửi về
Anh ơi anh hãy ngủ đi
Thằng con ta nó nằm mê đó mà
Ngày chơi súng giả ba lô
Làm anh giải phóng hét hò suốt thôi
Mười năm sau lớn lên rồi
Sẽ quên đi những trò chơi bây giờ

Ngủ đi anh, hãy ngủ đi…

1974
THUYỀN VÀ BIỂN

 

Em sẽ kể anh nghe
Chuyện con thuyền và biển:

“Từ ngày nào chẳng biết
Thuyền nghe lời biển khơi
Cánh hải âu, sóng biếc
Đưa thuyền đi muôn nơi

Lòng thuyền nhiều khát vọng
Và tình biển bao la
Thuyền đi hoài không mỏi
Biển vẫn xa… còn xa

Những đêm trăng hiền từ
Biển như cô gái nhỏ
Thầm thì gửi tâm tư
Quanh mạn thuyền sóng vỗ

Cũng có khi vô cớ
Biển ào ạt xô thuyền
(Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên?)

Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu

Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau – rạn vỡ

Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió”

Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố

4-1963

 

LỜI RU TRÊN MẶT ĐẤT

 

Rào rào tiếng những bầy ong
Chuyên cần là tiếng cái tằm nhả tơ
Mẹ còn đang bận đưa ru
Cái hoa bận đỏ cái hồ bận xanh
Hạt cây đang bận nảy mầm
Con quay quay có một mình ngoài kia
Ngủ đi con hãy ngủ đi
À ơi… cái ngủ đang về cùng con
Từ trong lá cỏ tươi non
Vượt lên mặt đất vẫn còn mảnh bom
Từ ngôi nhà mới vừa làm
Nghe trong cái ngủ nồng nàn mùi vôi
Ngủ đi qua suối qua đồi
Qua trong lòng đất, những lời ru, qua…
Đây dòng sữa trắng như ngà
Dẫu thôi hạt sạn, dẫu xa cửa hầm
Vẫn còn bùn lấm đôi chân
Tuy nguồn nước đã trong ngần lời ru
À ơi… ngọn lửa ngày xưa
Mẹ nuôi dưới đất bây giờ về đâu?
Nhìn lên rực rỡ trên đầu
Lửa hôm qua đã trong màu cờ bay
Đất chung sống với ban ngày
Người chung sống với hàng cây người trồng
Lại thương con dế dưới hầm
Những năm bom đạn sống cùng lời ru
Đã tan những đám mây mù
Ông trăng tròn giữa đêm thu mát lành
Cái nôi thôi mắc cửa hầm
Trắng tinh cái tã, xanh trong bầu trời
“Ba tháng lẫy, bẩy tháng ngồi”
Con đường xa tắp đất thời mênh mông
Gió lên từ những khu rừng
Mùi hương thơm tự trong lòng của hoa
Bốn phương đâu cũng quê nhà
Như con tàu với những ga dọc đường
Đất qua rồi những đau thương
Có chăng lời hát vẫn còn mà thôi
À ơi… con ngủ… à ơi…

1975
SÂN GA CHIỀU EM ĐI

 

Sân ga chiều em đi
Mênh mang màu nắng nhạt
Bụi bay đầy ba lô
Bụi cay xè con mắt

Sân ga chiều em đi
Gạch dưới chân im lặng
Bóng anh in thành tàu
Tóc anh xoà ngang trán

Sân ga chiều em đi
Bàn tay da diết nắm
Vừa thoáng tiếng còi tàu
Lòng đã Nam đã Bắc

Anh thương nơi em qua
Những phố phường nhộn nhịp
Bỡ ngỡ trong ánh đèn
Còn lạ người lạ tiếng

Anh thương nơi em qua
Những sương chiều mưa tối
Dặm đường xa nắng dãi
Chuyến phà con nước dâng

Em xao xuyến trong lòng
Nhớ về nơi ta ở
Mùa thu vàng đường phố
Lá bay đầy lối qua

Ngọn đèn và trang thơ
Tiếng thở đều con nhỏ
Màu hoa trên cửa sổ
Quán nước chè mùa đông

Con tàu và dòng sông
Ra đi rồi trở lại
Hà Nội ơi Hà Nội
Sân ga chiều em đi

NGHE RÉT ĐẾN, NHỚ VỀ HÀ NỘI

 

Em ở đây giữa nắng mênh mông
Mùa trái lạ, điệp trùng bờ bến lạ
Đất hoang dã gọi tay người đến vỡ
Thép gai còn nham nhở dấu ngày qua
Những đoàn người đi lập lại làng quê
Bàn tay trắng bắt đầu nhen bếp lửa
Trận mưa đầu trên luống cày mới vỡ
Hạt lúa đầu qua kẽ ngón tay chai
Đất ở đây gắn người với con người
Biết thương yêu và hiểu về Tổ quốc
Nhưng ở đây chưa bao giờ biết rét
Chỉ mình em nghe rét nhớ về anh
Miền nắng xa thăm thẳm một mình
Nghe rét đến nhớ về Hà Nội
Mùa thay lá của những hàng cơm nguội
Đường Nghi Tàm bát ngát gió Hồ Tây
Trời thủ đô đang đổi màu mây
Trong quán nhỏ tách cà phê ấm nóng
Thương màu cúc giữa đông vàng rạo rực
Đêm phương Nam em thức nhớ về anh
Căn phòng con riêng của chúng mình
Nước trong phích, hoa trong bình gốm cũ
Sách trong giá và thơ trong trí nhớ
Viết ra rồi, anh đọc em nghe
Cửa mở ra, đường phố dưới kia
Những màu áo báo gió mùa đã tới
Trẻ đi học thu hai tay vào túi
Nắng ẩn vào sau những mái nhà riêng
Chiều mùa đông anh đi dạo cùng em
Qua phố cũ, qua những đường phố mới
Gạch vừa lát, hàng cây còn trẻ tuổi
Những ngôi nhà như tiếng hát lên cao
Năm cửa ô, năm lối đi vào
Của hoa trái, su hào, bắp cải
Của tình yêu ra đi và trở lại
Mùa đông này biết có những ai xa?
Em ở đây, đất mới bao la
Bàn tay nhỏ che dưới trời nắng gắt
Những đàn chim bay tìm nơi đất ấm
Em muốn mang chút nắng tới quê nhà

 

CHUYỆN CỔ TÍCH VỀ LOÀI NGƯỜI

Trời sinh ra trước nhất
Chỉ toàn là trẻ con
Trên trái đất trụi trần
Không dáng cây ngọn cỏ
Mặt trời cũng chưa có
Chỉ toàn là bóng đêm
Không khí chỉ màu đen
Chưa có màu sắc khác

***

Mắt trẻ con sáng lắm
Nhưng chưa thấy gì đâu!
Mặt trời mới nhô cao
Cho trẻ con nhìn rõ
Màu xanh bắt đầu cỏ
Màu xanh bắt đầu cây
Cây cao bằng gang tay
Lá cỏ bằng sợi tóc
Cái hoa bằng cái cúc
Màu đỏ làm ra hoa
Chim bấy giờ sinh ra
Cho trẻ nghe tiếng hót
Tiếng hót trong bằng nước
Tiếng hót cao bằng mây
Những làn gió thơ ngây
Truyền âm thanh đi khắp
Muốn trẻ con được tắm
Sông bắt đầu làm sông
Sông cần đến mênh mông
Biển có từ thuở đó
Biển thì cho ý nghĩ
Biển sinh cá sinh tôm
Biển sinh những cánh buồm
Cho trẻ con đi khắp
Đám mây cho bóng rợp
Trời nắng mây theo che
Khi trẻ con tập đi
Đường có từ ngày đó
Nhưng còn cần cho trẻ
Tình yêu và lời ru
Cho nên mẹ sinh ra
Để bế bồng chăm sóc
Mẹ mang về tiếng hát
Từ cái bống cái bang
Từ cái hoa rất thơm
Từ cánh cò rất trắng
Từ vị gừng rất đắng
Từ vết lấm chưa khô
Từ đầu nguồn cơn mưa
Từ bãi sông cát vắng…

Biết trẻ con khao khát
Chuyện ngày xưa, ngày sau
Không hiểu là từ đâu
Mà bà về ở đó
Kể cho bao chuyện cổ
Chuyện con cóc, nàng tiên
Chuyện cô Tấm ở hiền
Thằng Lý Thông ở ác…
Mái tóc bà thì bạc
Con mắt bà thì vui
Bà kể đến suốt đời
Cũng không sao hết chuyện

Muốn cho trẻ hiểu biết
Thế là bố sinh ra
Bố bảo cho biết ngoan
Bố dạy cho biết nghĩ
Rộng lắm là mặt bể
Dài là con đường đi
Núi thì xanh và xa
Hình tròn là trái đất…

Chữ bắt đầu có trước
Rồi có ghế có bàn
Rồi có lớp có trường
Và sinh ra thầy giáo…
Cái bảng bằng cái chiếu
Cục phấn từ đá ra
Thầy viết chữ thật to
“Chuyện loài người” trước nhất

 

VƯỜN TRONG THƯ VIỆN

 

1
Khu vườn vàng trong tiếng ve trưa
Trang sách mở dưới vòm cây râm mát
Con đường chạy về xa tít tắp
Bầu trời trong quang mây

Trang sách ngợi ca về những bàn tay
Những kiến trúc đã hoàn thành,
những công trình còn dang dở
Mùi vôi vữa say nồng, giọt mồ hôi đã đổ…
Tiếng hát nào như thoáng đâu đây

Khu vườn im nghe tiếng lá bay
Cây sấu trẻ lần đầu hăm hở gió
Phượng kiên nhẫn bao mùa hoa đỏ
Liễu nghiêng buồn như quá khứ từ lâu

Trang sách nói về những chuyện mai sau
Những dự định. Bao điều chưa hiểu hết
Phương trời lạ, cát vàng, gió biển
Con tàu đi quyết liệt giữa mưa dông
Trang sách nói về chuyện thay đổi dòng sông
Đắp bên lở, phá bên bồi. Mùa lũ

Khu vườn nghĩ đến mùa trở gió
Xanh mùa hè, vàng cuối mùa đông
Mùi khét nồng của năm tháng đạn bom
Những tuổi trẻ từ nơi này ra trận…

2
Yên tĩnh quá – tất cả đều yên tĩnh
Em cùng anh ngồi dưới vườn trưa
Ta lắng nghe chuyện những ngày xưa
Chuyện ngày sau và bây giờ – tất cả

Chúng ta thở cùng hơi thở lá
Mắt ta nhìn cùng ánh nắng qua mi…
Những con đường đang gọi ta kia
Từ trang sách, khu vườn này đã mở

Ta bỗng nhớ – bộn bề nỗi nhớ
Chất phù sa đỏ quánh dưới bàn chân
Thời gian xa và không gian xanh
Ánh đèn biển, con tàu rời bến
Trận mưa núi chập chờn. Ẩn hiện
Những căn hầm ta đến, ta đi
Ánh lửa rừng thức suốt đêm khuya
Quây quần lại tiếng hát người du kích
Bài hát nói về đêm diệt địch
Phút vui mừng khi gặp lại quên hương…

Nhưng chói lòng hơn là nỗi nhớ khu vườn
Là nỗi nhớ nhau – dẫu bây giờ gần gũi thế

Vanvn.net

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version