Mấy năm trước, có lần tôi cần một bản dịch chuyện ngụ ngôn Aesop. Tuân thủ đúng những điều đã được dạy trong nhà trường, tôi tìm lấy một bản dịch tốt nhất. Hóa ra đó là một công việc khó khăn, lắm lúc làm tôi rối bời.

Hóa ra một số thứ trong chương trình văn học lại nhỏ hơn, hay đơn giản hơn, so với những gì Aesop kể. Người ta giả định rằng, ai ai cũng đã từng đọc truyện cổ tích. Nhờ có Aesop, chúng ta có một sự hiểu biết chung về loài sói đội lốt cừu, về kiểu chia cỗ của sư tử, về chuyện thỏ thi chạy với rùa, về chú châu chấu nghịch ngợm, giàn nho xanh, bánh xe cọt kẹt, v.v…

Thường được coi như những bài học văn chương dành cho trẻ nhỏ, những câu chuyện ngụ ngôn còn được nhiều người lớn yêu thích nhờ có tài năng của Aristotle, Erasmus, và Leonardo. Plutarch đưa Aesop vào danh sách 7 hiền nhân Hy Lạp cổ. Còn trong thời gian chờ đợi án tử hình, Socrates làm thơ về Aesop. John Lydgate dịch và đưa 7 câu chuyện của Aesop vào nước Anh trung cổ, Martin Luther dịch 20 truyện sang tiếng Đức, và Marie de France dịch 103 truyện cổ sang tiếng Pháp. Một số lớn các chuyện ngụ ngôn của La Fontaine từng được kể lại từ cái gốc Aesop, thậm chí La Fontaine còn đưa chính cuộc đời Aesop vào các câu chuyện…

Luther, de France, Erasmus, và các nghệ sĩ khác luôn nhớ đến Aesop như một nô lệ, và trong phần lớn lịch sử Châu Âu, người ta đều coi ông có nguồn gốc Ethiopia, tức da đen, Châu Phi. Kết quả là, trong hầu hết các cuốn sách văn học sử, các câu chuyện của ông đều được ghi chú như là truyện kể của tầng lớp nô lệ. Mà chuyện có gì đáng nói hơn? Không đâu, cả cuộc sống lẫn văn học đều không đơn giản như vậy.

Các câu chuyện ngụ ngôn của Aesop được xuất bản thường xuyên đến nỗi, người ta cho rằng, ở Châu Âu, dường như chỉ có Kinh Thánh là có nhiều bản hơn. Tôi đồ rằng, đó chỉ là giả định, và vẫn thường tự hỏi, thực ra thì thế nào? Làm việc với rất nhiều nguồn tài liệu, tôi đã có được một hình dung về tình hình xuất bản Aesop trong tiếng Anh từ năm 1484 đến tận 2007. Tôi giới hạn chỉ trong những sách in và những bản dịch, còn thì bỏ qua một số lớn những câu chuyện kể lại, hay những câu chuyện trích dẫn lẻ tẻ.

Có 9 dịch giả thống lĩnh các câu chuyện Aesop trong suốt 500 năm qua, và một số người mới thì đang ganh đua để giành được sự chú ý. Các bản dịch nói lên điều gì? Cứ như thể có rất nhiều Aesop. Trong nhiều bản dịch hay bản in lại, các con thú đã bị thay đổi lung tung. Có bản nói con sư tử lừa được 3 con bò, có bản nói 4. Con chồn có khi biến thành con mèo, cóc biến thành ễnh ương, quạ biến thành diều hâu, gấu thành hổ, sư tử thành báo…

Đáng chú ý hơn, chúng ta cũng có thể nhận thấy cách các ấn bản cạnh tranh với nhau, và chúng ta có thể hiểu được vì sao các tình tiết được thay đổi. Các bản dịch của William Caxton (phổ biến trong khoảng 1484-1676) bị cắt ngắn bởi Nội chiến ở Anh, và sau đó bị thay thế bởi sách của Roger L’Estrange (gồm 9 lần tái bản trong khoảng 1692-1740). Trong câu chuyện Đại bàng và cáo, bản của Caxton kể về cách một đại bàng mẹ cướp lấy cốc sữa của cáo để nuôi lũ đại bàng con. Cáo mẹ van xin đại bàng rủ lòng thương, xin lại cốc sữa, nhưng đại bàng mẹ từ chối. Nhưng đến L’Estrange, một người bảo hoàng đang chống lại John Milton để phục hồi lại đế chế Anh, thì sự việc phải khác. Cáo mẹ nổi giận chất rơm dưới gốc cây có tổ đại bàng, châm lửa. Lũ đại bàng con chưa đủ lông cánh bị ngã xuống lửa trong niềm hân hoan của lũ cáo. Thực sự là L’Estrange đã làm hài lòng Vua Stuarts vừa trở lại quyền lực và đang muốn trả thù phái cộng hòa.

Rồi đến Samuel Croxall (47 lần tái bản trong khoảng 1722-1865). Các bản dịch của ông này chuyên chú dành cho trẻ em, do vậy các câu chuyện của Aesop dường như đơn giản hơn. Nhiều thế hệ độc giả do vậy đã không còn để ý đến các ý tưởng nguyên khai của Aesop.

Khi người Anh mở rộng đế chế, những câu chuyện ngụ ngôn của Aesop đã dần chịu sự giám hộ hoàn toàn của các giáo sĩ Anh. Croxall thống lĩnh những bài học đạo đức của Aesop suốt hơn một thế kỷ, trước khi bị Thomas James (với 30 lần tái bản trong khoảng 1848-1912) và George Fyler Townsend (20 lần tái bản trong khoảng 1867-1911) thay thế. Rồi đến Jacobs và Jones, hai dịch giả được in từ đầu thế kỷ XX đến nay.

Dấu ấn của Croxall có thể nhận thấy rõ trong câu chuyện Gà trống và chuỗi hạt, một tác phẩm rất được yêu thích ở Anh, và thường được in đầu tiên trong các bộ sách của Caxton, John Ogiby (7 lần tái bản trong khoảng 1651-1687), L’Estrange, Croxall, và Joseph Jacobs (33 lần trong khoảng 1894-1967). L’Estrange kể thế này: “Một con gà trống bới đống phân, nó bỗng bới được một viên kim cương. Hay thật, nó tự nhủ, cái vật lóng lánh này chắc là của lão nghệ nhân gần khu mình đây, và có thể còn là kiệt tác làm nên tên tuổi lão nữa. Nhưng nếu vào tay mình, thì thà nó là một hạt ngô non còn tốt hơn nhiều“. Thông điệp đạo đức của L’Estrange chỉ ngắn gọn là: “Chú gà trống siêng năng này không cần những vật xa xỉ, nên chú sẽ không bao giờ bị quáng mắt bởi những đồ trang kim bóng bẩy“.

Nhưng đến Croxall thì khác. Ông kể: “Một chú gà trống nhanh nhẹn, cùng mấy ả gà mái mơ, lũ thị tì của chú, đang bới rác để tìm chút gì vui vẻ. Bỗng chú bới được một chuỗi hạt. Chú đủ biết vật gì là đẹp, bởi cái vật trước mặt chú quá lóng lánh, nhưng chú lại không biết làm gì với nó, nên chỉ biết gáy vang và vùi chuỗi hạt xuống đáy. Rồi chú nhún vai, xõa cánh lắc đầu, ra ý rằng, mày đẹp đấy, nhưng tao chẳng cần. Tao chẳng đắn đo để tuyên bố rằng, khẩu vị của tao hơi khác. Tao thà có một hạt thóc còn hơn chuỗi hạt dưới ánh mặt trời“.

Rõ ràng, Croxall vẽ ra một bài học đạo đức ba chiều, để nói với những “gã điển trai” mà ngu ngốc kiểu chú gà rằng, giá trị thực sự của chuỗi hạt là thứ mà họ không thể nào hiểu được. James dường như muốn nói với chúng ta: “Có nhiều người ngốc nghếch bỏ qua những điều thực sự giá trị chỉ bởi vì họ không hiểu chúng“. Jacobs nói: “Những điều đẹp đẽ chỉ xứng đáng với những người cao quý“. Vậy đấy, phần thưởng là ý nghĩa của câu chuyện ngụ ngôn. Tác giả Phaedrus nói với chúng ta bằng tiếng Latinh: “Câu chuyện này tôi muốn kể cho những kẻ không thích tôi“.

Thật hạnh phúc, gần đây có những bản dịch mới, ví dụ của Olivia và Robert Temple (không đặt tên, chỉ tổng quan là Những câu chuyện ngụ ngôn Hoàn chỉnh, Nxb Đôi cánh Chim cánh cụt 1998, với 358 chuyện, khó có thể gọi là hoàn chỉnh), của Laura Gibbs (lấy tên Truyện ngụ ngôn Aesop, Nxb Kinh điển Thế giới Oxford, 2002, với 600 chuyện). Tận đến những bản này, Aesop vẫn được dịch chủ yếu bởi nam giới (trừ cuốn Ngụ ngôn Aesop dưới từng âm tiết của Mary Godolphin, 1868). Gibbs phục hồi giới tính cho các chim thú từ nguyên bản Hy Lạp và Latinh, từng bị những dịch giả tiền nhiệm bỏ qua.

Vậy cuối cùng bản dịch Aesop nào mới là tốt nhất? Đạo đức thì luôn gắn liền với các truyện ngụ ngôn, các bức minh họa, các bản in và những chú giải cũng đều như vậy. Tóm lại, tôi vẫn không giấu được những câu hỏi: Bản dịch nào đáng tin nhất so với nguyên gốc? Dịch giả nào trung thành nhất với bản thảo gốc Hy Lạp?

Bản dịch của Caxton là từ một bản tiếng Pháp được dịch từ tiếng Latinh của một người Đức năm 1476. L’Estrange cũng dịch từ tiếng Latinh, nhưng bản gốc cũng từ cùng một nguồn. Không quan tâm đến những sai sót có thể xảy ra khi “tam sao thất bản”, Croxall hiệu chỉnh Aesop theo kiểu riêng của mình. Jacobs là một học giả kỹ lưỡng, nhưng lại dịch chỉ những mảnh rời rạc của một thể thống nhất. Cuối cùng, tôi dành sự kính trọng tới Gibbs. Bà dịch Aesop từ chính tiếng Hy Lạp, lấy nguồn từ Ben E. Perry và Aemilius Chambry. Bà cũng đối chiếu được nhiều nguồn tài liệu nhất so với những người đi trước, và sản phẩm của bà cũng nói được với chúng ta nhiều ý nghĩa nhất, chứ không đơn thuần chỉ là những bài học mộc mạc. Ngay cả những chú giải của bà cũng không thể so sánh, và bà có thẩm quyền để tạo ra những hiệu ứng hậu ngụ ngôn, dưới nhiều dạng khác nhau (Ngay cả những quy luật ngữ pháp, ví dụ trật tự tiếng Hy Lạp, cũng được Latinh hóa một cách nhuần nhuyễn). Các bản dịch của bà gắn chặt với những tài liệu học thuật của Perry và Chambry, còn những ý kiến của bà thì được coi như những luận cứ xác đáng.

Nếu bạn giờ đây vẫn muốn có… 2 Aesop, thì bạn có thể đọc những câu chuyện ngụ ngôn sống động qua bản dịch của L’Estrange. Qua bản rút gọn kiểu sách cho mọi người, ông đã tóm tắt được rất nhiều bài học của cuộc đời Aesop, một đặc trưng khá hiếm gặp trong các bản dịch hiện đại.

Khá dễ để giải thích sự hấp dẫn của cuộc đời Aesop, chúng vốn chẳng giống ai, và chẳng thể nhòa nhạt. Nhưng thực ra những người lớn chúng ta đôi khi vẫn muốn nhiều hơn thế, và chúng ta có thể có cơ hội nhiều hơn lũ trẻ con.

Willis G.Regier (Anh)

Lã Thanh Tùng lược dịch từ Chronicle.com

Nguồn: Văn nghệ.