Chuyên mục TRUYỆN HAY, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn mini của nhà văn Đỗ Trọng Khơi

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi tên thật là Đỗ Xuân Khơi

sinh ngày 17-7-1960

quê ở Trần Xá, Văn Cẩm, Hưng Hà, Thái Bình.

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001; Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình.

Hiện ông đang sống tại TP. Thái Bình.

Các tác phẩm:

Trước ngôi mộ thời gian (thơ, 1995);

Ma ngôn (tập truỵên ngắn, 2002);

Con chim thiêng vẫn bay (thơ, 1992);

Gọi làng (thơ, 1999);

Tháng mười thương mến (thơ, 1994);

Cầm thu (thơ, 2002);

Bến thời gian (thơ, in chung, 1995);

Tập truyện ngắn Ma ngôn (2001)

90 lần nhật nguyệt (thơ, 2004);

Thơ hay – một cách nhìn (tập bình thơ, 2006).

Với tay ngắt bóng (2010)

Hành trang tâm linh (2011)

Ở thế gian (tập thơ)

Giải thưởng:

Giải Nhì cuộc thi thơ Tuần báo Văn nghệ năm 1989-1990

Giải C của Uỷ ban Trung ương liên hiệp VHNT cho tập thơ “Con chim thiêng vẫn bay” năm 1993.

Giải A Lê Quý Đôn – UBND tỉnh Thái Bình 1991-1996.

Giải nhì cuộc thơ do nhóm thơ Thanh Xuân Hà Nội tổ chức năm 1992

Giải khuyến khích cuộc thi âm nhạc trẻ do nhà hát tuổi trẻ tổ chức năm 1992

Giải nhì và ba truyện ngắn của Báo Tài hoa trẻ (các năm 1998 và 2002)

Giải B của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2002

Giải tư cuộc thi thơ Đây biển Việt Nam do Vietnamnet tổ chức năm 2001

Giải Nhì của Uỷ ban Trung ương liên hiệp VHNT tập truyện ngắn “Ma Ngôn” năm 2003.

Giải ca khúc trẻ do Hội Nhạc sỹ Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ trao tặng.

Giải thơ quốc tế dành cho người tàn tật của Đài Truyền hình NHK (Nhật Bản).

CHÙM TRUYỆN MI NI

CỦA ĐỖ TRỌNG KHƠI

QUYỀN VÀ ĐỨC

Ngày Nguyễn Trãi chào đời, bảng nhãn Nguyễn Phi Khanh mời nhạc phụ và một ông thầy tử vi người Tầu tới xem số bát tự. Quẻ lập xong, vẻ mặt quan Tư đồ nửa vui nửa lo âu. Rồi chẳng phán bảo gì ông rũ áo bỏ đi vào trong nhà. Còn thầy tử vi sau ba ngày đêm đèn sách, người trong nhà thấy vẻ mặt ông ta cũng mang sự lưỡng lự vui buồn. Mọi người lấy làm thắc mắc lắm.

Bảng nhãn Nguyễn Phi Khanh gặng hỏi. Ông thầy tử vi bảo, chỉ vẻn vẹn có sáu chữ:

– Mệnh này phúc quốc, họa nhà!

Hỏi cách hóa giải thì trả lời, giọng buồn và ghê như vượn khóc:

– Cho yểu tử!

Bà phu nhân họ Trần nghe vậy ngã vật xuống giường bất tỉnh.

Quan Tư đồ thì giọng trầm uẩn nhủ:

– Họa dù một nhà mà phúc cho bách tính, chẳng phải đạo trời hằng lấy một dưỡng muôn, đó ư! Mệnh được vậy chẳng đáng để kẻ sĩ sống trong cõi trời đất này dốc lòng gắng gỏi sao! Ý trời đặt thế, nhà ta chấp thế. Nề chi! Nề chi! Ha… Ha… Đoạn quan Tư đồ ngửa mặt cười sang sảng.

Nghe cha con quan Tư đồ đối đáp, ông người Tầu rùng mình toát mồ hôi, miệng lẩm bẩm: “Chí lớn, đức dầy. Nhân ấy, địa ấy sức nào chế ngự được!“. Rồi ông tạ từ, giữ mấy cũng không ở lại.

Câu chuyện trên nếu chưa làm bạn đọc thỏa mãn thì ba cuộc thoại sau, tấm chân dung tinh thần Nguyễn Trãi sẽ được khắc họa hơn chăng. Ba cuộc thoại ghi theo cuốn sách dạng tộc phả nhà một người họ Đỗ, ngụ ở chân núi Phượng Hoàng, cách Côn Sơn chừng dăm bảy dặm đường.

***

Hồi còn ở động Thanh Hư với ông ngoại, quãng thời Nguyễn Trãi khoảng mười lăm mười sáu tuổi.

 (Ghi chú: Có sách ghi rằng Nguyễn Trãi sinh năm Canh Thân – 1380, xét thấy chưa thỏa đáng. Vì thân phụ Nguyễn Phi Khanh kết hôn với thân mẫu Trần Thị Thái năm 1374, khi ấy bà Thái đã có thai và Nguyễn Trãi lại là con đầu…).

Một buổi quan Tư đồ hỏi:

– Chữ “quyền” và chữ “đức” có thể chung hòa làm một không?

Đáp:

Quyền do thời tạo, đức do đời sinh. Khi chung hòa làm một là khi đờithời không chỗ phân chia, không cao, thấp, trong, ngoài. Ấy là thời vượng đạo!

Lại hỏi:

– Mệnh quốc gia gặp buổi chữ thời lấn át chữ đời, thì có nên nương theo thời mà cầu danh phận không?

Tới đây sách không ghi lời đáp của Nguyễn Trãi. Là do tuổi ấy Nguyễn Trãi chưa đủ trí lực, hay còn chưa muốn bộc lộ chí hướng?

Cuộc thoại hai.

Nguyễn Mộng Tuân hỏi:

– Tại sao Tiên sinh không đáp lời quan Tư đồ buổi đàm đạo xưa ấy?

(Điểm này cho thấy mối quan hệ giữa ông Mộng Tuân và Nguyễn Trãi khá gần gũi).

Đáp:

– Ta muốn lấy đức chế quyền, được chăng?

Hỏi:

– Họa lớn có phải thường nấp ở đấy không?

Đáp:

– Nề chi! Nề chi!

(Tôi đồ rằng, câu đáp này Nguyễn Trãi không vô tình khi dùng chữ của quan Tư đồ).

Hỏi:

– Từng nghe lấy đoạt vương, lấy quyền lấn đức. Ít thấy vương định , đức lấn quyền. Vì đâu?  

Đáp:

– Vì, vương thuộc tâm, thuộc vật chăng?

Lại hỏi:

– Có câu, tâm mượn vật mà hiện. Đức có phải mượn quyền để hiện không?

Đáp:

– Có thể. Ta muốn theo cách này!

(Tới đây, sách ghi lời bình: “Vật thuộc cõi thực, tâm ở cõi hư. Vật vốn dễ dụ người, dễ quyến tình. Tâm thì khôn soi khó xét. Khổ thay cho Nguyễn! Khó thay cho Nguyễn!. Không rõ lời bình của ai. Tôi ngờ rằng, lời bình này có cái văn phong của ông Nguyễn Mộng Tuân).

Cuộc thoại ba.

Bảng nhãn Nguyễn Phi Khanh hỏi:

– Nhạc phụ của ta theo gương dòng Thánh phả, bỏ lệ kết hôn dòng tộc, cho bà Quận chúa xe duyên cùng ông tướng họ Phạm, nhờ thế ta và mẫu thân con mới nên vợ nên chồng. Con là người cảm được lẽ huyền vi, thông điều mệnh số. Rồi mai đời tới điểm thái (cực), hay gặp vận chung (kết), con có theo được gương tổ Tuệ Trung không?

(Sách tả, Nguyễn Phi Khanh nói với giọng thương cảm, vẻ mặt ai hoài lắm).

Đáp:

– Tâm con tĩnh, ý chẳng tham cầu. Chỉ e đời lại cầm buộc tâm con.

Hỏi:

– Con nói rõ hơn, ta nghe.

Đáp:

– Thời tổ Tuệ Trung là thời vương đạo. Quốc có vương đạo, nhân được tâm an. Đạo Phật hoằng pháp là ở lẽ đời ấy. Nhân tâm nay buổi bất an, quốc thời nguy khốn. Kẻ sĩ có thể ngoảnh mặt rũ áo, vịn vào tích trượng mà vượt dốc đời được ư?

Lại hỏi:

Quyền – đức kỵ nhau. Thời nuôi đức, thời thái nuôi quyền. Chao ôi! Lẽ đời ngàn năm chênh vênh là vậy. Con muốn thời thái càng phải nuôi đức dưỡng tâm ư? Con muốn theo lẽ đời ấy chăng?

(Tới đây, sách không ghi gì thêm. Tôi rất lấy làm thắc mắc. Vì sao trong ba cuộc thoại kể tới chỗ cần phân định lẽ chữ quyềnđức thì Nguyễn Trãi hai lần lấy sự “lặng im” thay lời bàn, đáp?!).

***

– Khi chia tay ở ải Nam Quan, cha con dặn trở về đền nợ nước, rửa thù nhà.

(Ghi chú: Có sách cho rằng Nguyễn Trãi theo cha sang tận xứ Hồ Bắc – nước Tầu).

– Ờ. Tốt! Và con đã làm trọn.

– Còn một ý, con đã không làm được.

– Ý gì?

– Cha con muốn con noi gương tổ.

– Vậy có được chăng? Vậy có trọn chăng?

Lâu sau, Tuệ Trung Thượng Sỹ tiếp:

– Con thường tự xem mình không bằng được Trương Lương xứ Tầu và lại muốn noi bước ta. Thực ra, ông Trương Lương ấy đâu có bằng ta, mà ta thì đâu bằng con. Không phải thế a? Lẽ cao khoát nhất của kẻ nhập thế là dụng tâm mà định thế. Lấy lời hùng văn mà phá cường quyền. Lẽ này ta và Trương Lương có bằng được con không? Còn với kẻ xuất thế, tâm cốt tận tĩnh, thế cốt tận diệt. Mô Phật! Nếu đời đạt tới vậy rồi thì Phật đâu còn phải cầu nữa. Vả nữa, đời đã vậy thì pháp đâu cần, tăng đâu cần. Cứu lấy nhân, độ thế chẳng phải là duyên ý của Phật sao! Điều hơn, thua, lẽ sướng, khổ, Phật không nương, hiền sỹ lương thần không dựa. Con còn bận ý nỗi gì?

Đường từ Yên Tử về Côn Sơn phải vượt qua dãy Phượng Hoàng trong màn sương thu se lạnh, bất giác Nguyễn Trãi choàng tỉnh giấc mộng. Ấy là đêm 15 tháng Tám năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3. Ngày mai, 16 tháng Tám, cả ba họ nhà Nguyễn Trãi ra pháp trường.

Hồi đầu vạn sự giấc Nam Kha!

Chợt Nguyễn Trãi ngửa mặt xướng lên sang sảng.

%

CHUYỆN NGÀY RẰM

Chở xong chuyến đò về đến bên này sông thì ngày đã nhạt nắng. Gió thổi mạnh.

– Ông có mua hương hoa không? Bà Thủy ra đón hỏi.

– Có. Trong túi xách ấy, đủ cả. Ông lơ đễnh đáp.

Nhà ông bà Thủy ở cạnh bến sông, cách xa làng vài trăm mét. Nhà có vườn trái rộng xum xuê. Cảnh sông nước thoáng mát và yên vắng. Cảnh ấy với người tâm tính ưa suy tưởng như ông thì hợp, với bà nó thêm gợi nỗi trống trải, nhớ nhung những đứa con xa.

Trong bữa cơm bỗng dưng bà chép miệng than thở:

– Biết đến bao giờ ngôi đình mới được phục hồi di tích nhỉ?

Ông hỏi:

– Đình nào?

Bà làm vẻ giận dỗi:

– Ông cứ như dân ngụ cư mới đến làng. Đình thờ cụ võ quan trong Thập nhị sứ quân thời nhà Đinh – Lê, thờ người khai sinh ra cái làng Khảm này, chứ còn đình nào.

Ông Thủy vẫn vẻ gì đó suy nghĩ lung lắm.

Hồi sau bà lại lên tiếng. Tính bà vốn vậy. Sự trầm lắng có khi còn hơn lửa đốt lòng:

– Ngôi đình bề thế, tôn nghiêm là thế đùng một cái thành ra kho hợp tác. Người qua kẻ lại bỗng dửng dừng dưng, cứ y như qua ngôi nhà có án. Đám thanh niên thì kéo nhau đến tán tỉnh, đàn đúm. Lũ trẻ nhỏ thì leo trèo gỡ cả ngói ném nhau. Thật là…

Ông Thủy chống đũa lặng nhìn bà. Gặp được tâm sự đồng cảm lòng ông thư thả đi vài phần. Sớm nay có việc đi qua ngôi đình, nhớ là ngày rằm ông vào thắp hương mà không tìm được chỗ cắm, đành cắm hương xuống một kẽ vữa nứt mé tường. Lòng ông rưng rưng. Nỗi trầm uất ông mang trong lòng một ngày nay là bởi lẽ đó. Song giờ đây ông vẫn nói xê xoa đi không muốn bàn kỹ về chuyện ngôi đình lúc này. Vả lại có bàn cũng chỉ chuốc thêm nỗi sầu lòng chứ giải quyết được gì. Việc là việc của làng của xã.

– Thôi. Bỏ chuyện ấy lại. Bà thu dọn bát đĩa nhé. Tôi uống ngụm nước rồi vào trong làng có một chút việc.

Ông buông bát đũa đứng lên lấy ấm trà pha nước. Dọn dẹp xong bà đến ngồi cạnh ông, lấy túi trầu ra ăn. Nhìn ông, bà bảo:

– Có người hỏi mua vài ba đôi rợ, phải quấn ngay cho họ. Ông ra miếu thắp hương giúp tôi, có được không?

Ông chau mày, nét mặt thêm vẻ suy tư.

Hiểu ý, bà đưa đón xoa dịu:

– Xét cho cùng người ta cũng là người bạc mệnh. Phải chết trôi chết nổi. Còn mình, âu cũng là vì cái chữ Nhân tâm. Thì chính ông thường nhủ về lẽ sống ấy, chứ ai!

Ông vẫn ngồi lặng.

Bà hạ giọng:

– Hồi này xem ra dân làng nhà nào cũng hương nhang cầu nguyện ở ngôi miếu. Không linh ứng thì sao được tín vậy. Làng lại bàn quyên góp kẻ công người của để xây dựng miếu to đẹp hơn. Chỉ riêng ông… là cố chấp.

Giọng ông không vui:

– Nhân tâm là mối lòng cầm cho vững đã khó, hành cho đúng còn khó hơn. Ác nữa là khi điều Nhân tâm phải chịu sự chi phối của thứ lòng tốt do ngộ nhận, do những ngẫu nhiên đưa đẩy thì tác hại thật khó lường, bà ạ!

– Úi dào… Bà nguýt ông. Về vườn rồi mà vẫn cứ “tuyên huấn” mãi. Với người làng Khảm này chỉ cần tới sự linh ứng, phù trợ cụ thể nhỡn tiền.

Nói rồi bà đứng lên đi sắp hương nhang, sửa lại khăn trùm đầu và xăng xái bước ra ngoài sân đi về hướng ngôi miếu. Bà nói vọng lại, ông nghe loáng thoáng.

– Chẳng nhờ nhõi gì ông nữa, nhưng xin ông cứ ngồi lại trong nhà, tôi đi nhoáng cái là về. Trộm đạo dạo này lại nổi như rươi. Chẳng hiểu xã hội chuyển biến theo cách nào nữa…

Ngoài bến sông gió vẫn thổi mạnh.

Rét năm nay về đúng cữ đây. Mình quên không mặc thêm áo ấm. Bà Thủy vừa đi vừa nghĩ. Nói mạnh với ông ấy thế chứ mỗi khi đứng trước ngôi miếu, nhớ xưa nó chỉ là cái doi đất vô thừa nhận. Nghe các cụ kể lại người nằm trong âm phần đó vốn không mấy tốt đẹp gì, chết trôi từ bến Bạch Đằng về. Dân làng thương tình vớt lên đắp điếm cho một doi đất gọi là giữ xác. Sau dần doi đất hóa gò thành đống. Nay thì thành miếu. Tuần rằm được hương nhang chu đáo. Lòng bà không khỏi chạnh nhớ tới ngôi đình. Di tích là thế. Tôn nghiêm là thế. Lại nghĩ, cõi tu có người buông dao đồ tể cũng thành Phật. Tâm linh thăm thẳm quá. Chẳng nghĩ, chẳng bàn thấu được! Thôi thì có linh thì có cảm. Không linh mà được ngưỡng vọng là linh, âu cũng là điều thiện lưu lại tâm người. Lại nhớ lời ông chồng bảo, con người ta sống là sống trong vòng đạo lý. Khi lẽ đời thế tục đã làm thương tổn, hay làm mất đi đạo lý thì lẽ tâm linh trở nên tối khuất, mông lung rối rắm…

Chân bước bỗng liêu xiêu, loạng choạng bà đành ngồi xuống, dựa lưng vào một gốc cây ven đường. Phải mất một hồi bà mới đứng lên đi vào trong miếu thắp nhang. Xong rồi bà lặng lẽ đi đến ngôi đình. Cửa đình đóng im ỉm. Bà bật diêm soi, tay sờ soạng trên mặt khung cửa. Gặp một kẽ gỗ nứt, bà thắp nén nhang và cắm vào đấy… 

%

THẮP ĐÈN

Đã ba đêm mất điện rồi. Ly không ngủ được phần vì nóng, phần vì lo sợ. Có con vật gì gây ra tiếng động loạt soạt ở phía cuối giường.

– Chưa ngủ sao?

– Dạ, chưa. Thắp đèn lên bà.

– Ồ, cảnh đêm tối cũng có sự hay riêng. Cháu hãy nhìn xem…

Ly căng mắt nhìn.

– Không, cháu không thấy gì cả.

– Màn sáng mảnh mai, dịu dàng của những vì sao đang lan thấm vấn vít bên nhau. Tiếng người bà rất mỏng.

– Cháu lại cứ nghĩ bà chỉ về vật gì, hay cái… bóng gì cơ.

– Thần hồn nát thần tính thôi. Bây giờ cháu lại nghe xem thấy gì nào?

Ly đáp luôn:

– Có tiếng gì ở cuối giường, bà ạ. Đấy… đấy.

– Chả có tiếng gì. Hoàn toàn vắng lặng. “Im lặng” đó cũng là một cách thể hiện của sự vật, âm thanh. Tiếng tơ lặng ngắt bây giờ mới hay!

Người bà vốn là vũ nữ ba lê lại khá am tường về âm nhạc. Với bà thì trạng thái cuộc sống nào chả ẩn chứa vũ điệu, giai điệu. Chỉ cần, theo cách nói của bà, hãy sử dụng tốt hai khả năng: nghenhìn. Đêm nay Ly đã phát hiện rõ điều mà cả nhà bấy lâu láng máng nhưng chưa ai dám nói thẳng ra. Đôi tai bà kém rồi. Kém thật rồi! Chả thế rõ có tiếng con vật gì đang gây loạt soạt mà bà nó có nghe thấy đâu.

– Bà ơi, thắp đèn lên.

Nghe, nhìncảm nhận. Người ta hơn kém nhau là ở điểm đó đấy.

Người bà nói rồi lại chìm vào cõi suy tưởng nhạc họa. Ly thì không còn tâm trí nào để nhìn khi cái chức năng nghe đang loạt soạt lấn át. Con vật gì thế nhỉ? Chuột chăng? Cứ liền tù tì sục sạo thế thì chả mấy canh giờ nữa là đi tong một đồ vật gì đó. Bất giác Ly rùng mình co rúm lại.

– Im nào! Im nào…!

Vẫn một ngữ điệu du dương.

– Bà ơi, có con vật gì đang gặm nhấm thật đấy – Ly nhắc to hơn.

– Cha mẹ cô chứ, bà có điếc đâu.

Lại đành lặng im và lan man nghĩ ngợi. Cuối cùng con bé cũng nghĩ ra một cách là gạ bà kể chuyện cổ tích. Có tiếng người nói đều đều có thể con vật sẽ sợ. Gì chứ chuyện cổ tích thì bà có cả kho.

– Bà ơi, kể chuyện…

– Chao ôi, vài ngày nữa là tròn tuổi “gái thập tam”. Bé nhỏ nhỉ!

– Ứ, không đâu! Ly vờ giẫy chân xuống giường nũng nịu. Con vật bống ngưng hoạt động. “Trúng tủ rồi!” con bé vui mừng với mưu kế của mình.

– Thì kể. Một chuyện ngăn ngắn thôi nhé.

– Vâng ạ. Ly đáp và nó lại dẫy chân xuống giường.

Ly nghe câu chuyện có một tai còn một tai dành hướng về phía có tiếng loạt soạt. Câu chuyện cổ tích với con bé lúc này chỉ là chọn giải pháp cho tình thế. Nhưng cũng chỉ độ mươi phút con vật lặng im, sau nó lại cần mẫn loạt soạt. Rõ là con vật tinh quái đó biết tiếng chuyện cổ tích cùng tiếng giẫy chân chẳng thể làm hại được nó.

– Bà ơi, thắp đèn lên. Đành phải cắt ngang câu chuyện, giọng Ly khẩn thiết.

– Ơ la la. Ôi cháu gái nhút nhát của tôi.

Giọng người bà giảm âm lượng tới mức tối đa. Ly biết, gặp cảnh tình hợp gu là bà nó quên hết mọi sự. Hình như giới nghệ sỹ đều có nết ấy. Ly không phải là nghệ sỹ. Nó sẽ đi theo con đường lập thân khác. Tính Ly ưa thực tế và lúc này đây nó muốn tìm một giải pháp hữu hiệu để chống lại con vật bí ẩn kia. Ở phía cuối giường có đồ vật gì quý không nhỉ? Ly vắt óc nghĩ. Những đồ vật rõ tên và chưa rõ tên nhảy múa trong đầu nó. Bà Ly chả có đồ vật gì bí mật ngoài… ngoài một cái phong bì đã chớm lên màu vàng ố. Một lần Ly hỏi, bà bảo: “Đó là tờ di chúc của ông nội!”. Đến cả bố Ly cũng chưa thực rõ nội dung cụ thể của tờ di chúc ấy. Chỉ biết, theo bà, đó thực là một di mệnh của gia đình không chỉ về giá trị vật chất mà chính về giá trị tư tưởng tinh thần. Nghe có vẻ to tát, song hẳn lời bà là thật. Tờ di chúc được bà cất kỹ lắm, kín lắm. Giờ đây, với con vật kia thì chả phải lo gì về tờ di chúc. Lo là lo cho một đồ vật nào đó. Vật gì nhỉ? Chịu! Căn phòng, chiếc giường tưởng nhỏ nhoi và quen thuộc bỗng hóa mông lung. Ly nhận ra sự bất lực làm chủ căn phòng của hai bà cháu. Chỉ có cây đèn – ngọn lửa mới giải cứu được tình thế này. Nhưng thuyết phục sao khi bà không hề cảm nhận được sự đe dọa. Ly đã ba lần khẩn cầu thắp đèn. Vả nữa, Ly sợ nếu cố tình thúc giục bà lại sai luôn nó đi tìm đèn châm lửa thì… chết. Cứ mỗi khi nghe tiếng con vật vẻ tiến lại gần là nó đã co rúm lại rồi. Đúng là Ly chưa thực đủ khả năng tự chủ. Đúng là vậy! Và vì vậy nó chỉ còn biết hy vọng vào sự đổi thay ở người bà…

Ly muốn ngủ quên.

Rồi Ly ngủ thật.

Ngủ một giấc say…

***

Người bà đón Ly dậy với nụ cười trêu “sáng tỉnh tình tinh rồi, cô mình”. Ly bật như lò xo về phía cuối giường.

– Lấy cho bà tấm áo dài, bà sắp sẵn để bên cái mền đó.

Bà mình để áo ra đó từ bao giờ nhỉ? Ly thầm thắc mắc, lòng thoáng lo âu.

– Diện đi đâu thế, bà? – Ly trấn an mình bằng cách nói to lên.

– Đi dự hội diễn. Một buổi lễ hội cực kỳ quan trọng và sang trọng! – Giọng người bà nhấn nhá nghe như từng âm ngữ đang nhảy múa.

Ly lật mền lấy áo. Chiếc áo dài màu hoàng yến rất đẹp.

– Chết rồi! Cháu ơi…!

– Chuột…! – Ly sững lặng, mắt trân trân nhìn tấm áo.

Đôi tay bà run rẩy lần dở tấm áo. Sau vài lần gấp áo lộ ra một bì thư màu vàng ố đã bị chuột cắn vụn từng mảnh.

– Bà ơi, sao lại thế này…! – Ly thảng thốt.

Người bà thất thần:

– Bà… bà… tính lấy ra trao cho bố cháu. Vận nhà ta đã đến lúc mở tờ di mệnh này… Thế là bà có lỗi lớn với ông nội con, với tổ nghiệp rồi…!

Sắc mặt người bà cứ dần tím tái lại.

Ly quỳ như đổ gục xuống bên bà, lòng thấy ân hận vô cùng. Ly muốn nói với bà, lỗi cũng là tại nó. Sao nó không đủ dũng cảm để đi tìm đèn châm lửa. Sao nó không đủ dũng cảm để nói với bà rằng, bà già rồi, tai điếc rồi!

Ôm chặt lấy bà, lâu sau Ly nghẹn lời hỏi:

– Bà ơi, bà có còn nhớ nội dung của tờ di chúc không? Bà có đi dự hội nữa không…?

ĐTK