Những “gánh hàng rong” ở Paris vẫn còn. Bất chấp pháp luật, họ đứng bán nhan nhản ở khu châu Á quận 13 lập thành một chợ “liều” trên vỉa hè.

Một góc chợ “liều” trước hai siêu thị châu Á lớn “Tangfrères” và “Paris Store”, quận 13 Paris
Một góc chợ “liều” trước hai siêu thị châu Á lớn “Tangfrères” và “Paris Store”, quận 13 Paris

Ở Pháp khác với nhiều nước châu Âu, người nước ngoài nhập cư ngày càng đông. Paris phồn vinh là “thiên đường” hấp dẫn  những người tị nạn. Vấn đề giúp người tị nạn hòa nhập cùng người bản xứ luôn được chính quyền Pháp quan tâm. Nhưng điều kiện được tị nạn phải trải qua nhiều giai đoạn, phải nộp đơn xét. Chính quyền Pháp càng ngày càng xiết chặt việc cấp giấy tờ tị nạn nhất là sau những đợt khủng bố ở Paris. Nhiều người tị nạn trong khi chờ giấy tờ đã kiếm sống bằng bán hàng ở chợ.

Họ chủ yếu là người Hoa và người Việt. Những tiểu thương tự phát này không đóng thuế môn bài và không cần vốn lớn. Chỉ mấy hộp các tông cứng, hộp xốp, hộp gỗ dán là thành bàn để bày hàng. Hàng được bỏ trong túi kéo đi chợ hết sức
đơn giản.

Cảnh sát đuổi, họ thu tất cả vào túi, rồi chạy, hoặc giả làm người đi chợ. Cảnh sát Pháp cũng ngán vì cứ dẹp xong thì đâu lại vào đấy. Toàn những người không có thẻ cư trú, hoặc giấy tờ giả, vô gia cư nên có bắt cũng không có nơi để giam. Mỗi lần cảnh sát đi qua, “Chợ liều” này lại tan tác như qua cơn gió lốc. Hộp các tông, hộp xốp lăn lóc, nằm chỏng chơ, ngổn ngang giữa đường đi. Những khuôn mặt thẫn thờ, đau khổ, mắt trước mắt sau quan sát.

Bất kể thời tiết nào họ cũng đứng bán. Họ bày bán các loại rau tươi hợp khẩu vị người Á châu, như rau muống, bí đao, bí xanh, dưa cải, đậu đũa và các thức ăn khoái khẩu như lạc luộc, bánh cuốn, chè thập cẩm, bánh bột lọc, bánh rán…

Hàng bán rẻ hơn chút xíu trong cửa hàng, nhưng người mua có thể ghé ô tô bên lề đường, mua nhanh khỏi tìm chỗ đậu vất vả, đỡ xếp hàng. Chất lượng hàng hóa không ai kiểm duyệt và người tiêu dùng cũng không thể khiếu nại nếu gặp phải hàng hỏng. Hàng của họ nhiều khi họ tự làm hoặc mua ở nơi bán sỉ ra bán lẻ kiếm chút chênh lệch.

Hầu như họ đều ở tuổi trung tuần. Nhiều người Việt tưởng Paris là một thiên đường. Họ vào Paris từ mọi nẻo qua các nước XHCN cũ như Ba Lan, Tiệp, Nga, Bungaria, Rumania, Hungaria…

Nhiều người đã bỏ một khoản tiền lớn để qua được nước nào đó rồi vòng vèo qua Pháp. Họ nghe đồn nhau cứ ở Pháp một thời gian sẽ có giấy tờ, hưởng trợ cấp, chờ chính phủ cấp nhà vì chính sách nhân đạo. Tất cả đều bị bọn dẫn đường bày cho khai mất giấy tờ, và khai tên giả, quê giả để cảnh sát không thể trao trả về nước nếu bị bắt.

Một số phụ nữ phải trả “lương hộ tống”. Do không biết tiếng Pháp và sợ bị trấn lột, họ  phải nhờ những người đàn ông đứng bên cạnh. Số này, biết chút tiếng Pháp, là những đồng hương thất nghiệp, ăn trợ cấp. Cảnh sát đến, nhanh như chớp, những người “thông dịch” này giúp cánh phụ nữ giấu hàng, giữ hàng, giả vờ như hàng đi mua từ cửa hàng ra. Những người bán hàng không giấy tờ bỏ đi lúc sau quay lại như cũ.

Họ sống chui rúc trong một buồng nhỏ thuê “lậu” chung với những người cùng cảnh ngộ, để đỡ tiền thuê nhà. Nhiều cô gái châu Á trở thành điếm bất đắc dĩ đứng lang thang quanh quẩn để chờ khách.

Trời nắng, chợ “liều” đông hơn. Một số “họa sĩ” mang cái thùng xốp và đồ nghề,  giấy ra bán tranh, vẽ chữ như các cụ đồ nho, nhưng là chữ cái Latinh viết hoa vẽ Paris, rồng bay phượng múa xanh đỏ tím vàng lôi cuốn các bà già và trẻ con hiếu kì muốn viết tên để làm kỷ niệm Paris.

Đứng chợ “liều” đã khổ, nếu bệnh tật ốm đau thì còn khổ hơn rất nhiều. Họ không có bảo hiểm sức khỏe. Tất nhiên nước Pháp luôn có tổ chức nhân đạo giúp đỡ khi những người cư trú bất hợp pháp bị bệnh. Bệnh nặng họ phải nhờ người đồng hương giúp đi dịch và xin chữa bệnh. Có người chẳng bao giờ kịp có giấy tờ, và tiền để trở về quê hương một lần trước khi nhắm mắt.

Trời mưa lạnh lẽo. Paris đón giao thừa và năm mới. Nhiều cửa hàng đèn hoa rực rỡ. Mưa như táp vào mặt, nhiều người vẫn cầm ô, mặc áo mưa chùm kín, đứng dưới mưa để bán.

Tết sắp đến. Quê hương xa xôi. Mấy ai dám nói sự thật cuộc sống họ đang phải trải qua ở Paris hoa lệ. Những cú điện thoại ríu rít kể thao thao về cuộc sống bình an, hạnh phúc nơi xa xứ.  Những bức ảnh chụp tuyệt vời đứng bên những bình hoa đào, hoa mai rất hoành tráng trưng bày ở các cửa hàng ngày lễ để báo với gia đình bên này họ đang đón Tết rất vui.

Những tấm ảnh nghiêng mình bên tháp Eiffel, cạnh sông Sen lung linh ánh đèn được gửi về đầy quyến rũ những người ở quê nhà cùng những lời hứa hẹn viển vông sẽ đón qua Paris, hứa sẽ giúp đỡ nếu qua gặp khó khăn. Sự giúp đỡ đơn giản chỉ có thùng giấy và túi kéo, và chỗ ngủ tạm bợ vài ngày đầu.  Họ đã bị lừa ra đi đầy ảo mộng. Thay bằng nói ra sự thật,  họ vẫn muốn người khác tiếp tục theo chân họ cho đỡ tủi thân, cho có phường, có bạn, cho đỡ nhớ quê hương.

Nhiều gia đình nơi thôn quê nhận được hình con cháu với 100 euro mừng rỡ tưởng con đã thành công trên đất lạ. Gia đình không bao giờ tưởng tượng được người thân của mình đang run rẩy lạnh cóng giữa mưa tuyết bay trắng trời Paris cùng những giọt nước mắt âm thầm chảy ướt gối khi màn đêm buông xuống.

Cảnh sát Pháp cũng ngán vì cứ dẹp xong thì đâu lại vào đấy. Toàn những người không có thẻ cư trú, hoặc giấy tờ giả, vô gia cư nên có bắt cũng không có nơi để giam.
Theo Trần Thu Dung – Tiền phong
Exit mobile version