Hà Chi
“Chuyện đời tôi” với tự truyện, tư liệu, tài liệu, hồi ức, thư từ… của đại văn hào Hans Christian Andersen lần đầu tiên ra mắt bạn đọc Việt Nam, cho độc giả một góc nhìn khác về tác giả của những câu chuyện cổ tích lung linh.
“Chuyện đời tôi” do Omega Books ấn hành, được dịch giả Đăng Thư chuyển ngữ từ bản tiếng Anh “The Story of My Life” do nhà xuất bản Hurd & Houghton xuất bản năm 1871.
Lâu nay, Andersen được nhớ đến với những tuyển tập truyện thần tiên đầy huyền ảo như “Chú lính chì dũng cảm”, “Chú vịt con xấu xí”, “Bà chúa tuyết”, “Nàng tiên cá”, “Giấc mơ cuối cùng của cây sồi”… đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ bạn đọc trên khắp thế giới. “Chuyện đời tôi” là cách ông kể những câu chuyện về chính mình sau khi đã kể chuyện về biết bao cuộc đời của hoa lá cỏ cây, đồ vật…
Năm 1855, khi một hợp tập các tác phẩm của Andersen được xuất bản ở quê hương Đan Mạch, ông đã viết lại tự truyện của mình để đưa vào hợp tập này. Andersen giữ nguyên bản phác thảo ban đầu như đã in ở Đức, rồi chèn thêm chi tiết, bổ sung hồi ức, tư liệu, thư từ, văn trích… vào các phần đã viết, và cập nhật thêm nội dung về quãng đời 10 năm kế tiếp. Bản tự truyện thứ 2 này không có bản dịch tiếng Anh riêng biệt, mà được dịch từ nguyên tác tiếng Đan Mạch là “Mit Livs Eventyr”.
Với cuốn tự truyện “Chuyện đời tôi”, độc giả Việt Nam có dịp tiếp cận đại văn hào ở đa diện góc nhìn hơn, khi ông xuất hiện ở tư cách một nhà thơ, một kịch tác gia, một tiểu thuyết gia trước khi là một nhà văn chuyên viết truyện thần tiên cho thiếu nhi. Cũng qua tự truyện này, không chỉ thuật lại những năm tháng tuổi thơ cùng nhiều duyên may định mệnh đã tạo nên bước ngoặt thay đổi đời mình, Andersen còn tiết lộ những chi tiết thú vị về đời sống viết lách phong phú của mình, với chất liệu dồi dào được ông thu thập qua biết bao những chuyến du ký qua nhiều xứ sở châu Âu, những cuộc gặp và tương tác với nhiều nhân vật nổi tiếng, tiêu biểu của thế kỷ 19 ở Đức, Pháp, Ý, Hà Lan, Thụy Điển, Anh, và cả những vùng đất và những công quốc mà giờ đây chỉ còn được chúng ta biết đến qua các tài liệu lịch sử…
Xuyên suốt cuốn sách, nhất là ở phần 2, ta sẽ thấy Andersen xứng đáng là một phượt thủ, ông rất hay được bạn bè ở các nước châu Âu mời đến chơi và sống. Các chi tiết trong những chuyến du hành của Andersen cho chúng ta thấy: Thế kỷ 19, châu Âu quan tâm đến văn hóa nghệ thuật như thế nào? Bố cục địa chính trị của châu Âu ở thế kỷ 19? Tầm quan trọng của các công quốc nhỏ nay thuộc Đức ở châu Âu? Kịch có vai trò quan trọng ở châu Âu vào thế kỷ 19, theo sau đó là tiểu thuyết; vai trò của báo chí của châu Âu.
Ở phần 3 của tự truyện, Andersen có đưa vào rải rác khoảng chục bài thơ trọn vẹn. Đây là những bài thơ tự tình, ca ngợi phong cảnh, viết tặng bạn… để minh họa cho một sự việc nào đó.
Cuốn sách “Chuyện đời tôi” thuộc tủ sách về các nhân vật lịch sử Omega Plus, trong đó Andersen là một trong hiếm hoi nhân vật không có xuất thân chính trị. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của ông đối với thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa là không thể phủ nhận.
Andersen (1805-1875) là một trong những đại văn hào của thế giới, ông cũng là đại diện tiêu biểu của dòng tác phẩm văn chương folklore của châu Âu. Ngoài các tác phẩm thuộc thể loại truyện thần tiên, Andersen còn là kịch tác gia, nhà thơ với số lượng tác phẩm khá đồ sộ, thể hiện nhiều khía cạnh đa dạng đa màu sắc trong thế giới quan và nhân sinh quan của ông, cũng như phần nào thể hiện đời sống châu Âu thế kỷ 19.
Theo báo Nhân Dân