Cháu nội của một thầy lang

(Kính tặng hương hồn bố)

Nhân năm Việt Nam tại Pháp

Như mọi ngày, Hùng đến bệnh viện Thế Giới làm việc mà lòng phơi phới. Anh vui khi nhìn thấy các đồng nghiệp Pháp, chia sẻ với họ li cà phê sáng trước máy cà phê tự động. Hỏi han nhau vài câu, đôi khi chỉ là xã giao, rồi ai nấy lại bắt đầu vào nhiệm vụ của mình. Anh là bác sỹ chuyên khoa tim mạch, làm việc tại bệnh viện 108 Hà Nội, được gửi sang bệnh viện này tu nghiệp hai năm.

Vào phòng làm việc, vừa rửa tay sát trùng xong thì một ông già Pháp chống gậy bước vào. Nhìn thấy anh, ông ta hỏi ngay:

– Ông là bác sỹ ư? – Mặc dù tấm biển nhỏ màu xanh lam ghi docteur Hung hiện rõ trên ngực áo blouse trắng của anh.

Thoạt đầu, ngỡ ông già vui tính hỏi đùa, anh vui vẻ đùa lại:

– Không, tôi là gã đồ tể đáng gờm đấy!

Ông già cứ nhìn anh chằm chằm. Sau khi hỏi thăm bệnh lí, đến đoạn anh đề nghị nằm lên bàn khám để nghe bệnh thì ông ta bỗng đứng phắt dậy, loạng choạng mở cửa chạy vụt khỏi phòng, miệng la toáng trong hành lang bệnh viện:

– Không được, anh ta sẽ giết tôi mất, tôi cần một bác sỹ khác, tôi muốn nói chuyện với trưởng khoa…

Tiếng kêu của ông được hành lang thăm thẳm của bệnh viện truyền đi rất xa và thu hút rất nhiều cặp mắt của các y, bác sỹ và các bệnh nhân mới được chuyển đến!

Hùng tức thời tẽn tò, không hiểu. Từ gần hai năm tác nghiệp tại bệnh viện này, anh luôn được các đồng nghiệp Pháp đánh giá cao, cả về thái độ nhân từ tận tâm với người bệnh lẫn trình độ nghề nghiệp. Vậy mà hôm nay, tại sao ông già này chưa kịp để anh khám bệnh đã quy chụp rằng anh muốn giết ông ta chứ?

Giáo sư Jean-Marie Dupont – bác sỹ trưởng khoa, sau khi nhận được thông tin, đã hối hả chạy đến. Ông già lúc này đang hổn hển, ôm ngực thở dốc, miệng vẫn lẩm bẩm: “anh ta sẽ giết tôi, ai cứu tôi… Hãy cứu tôi!” Có vẻ như ông đang lạc vào một cơn hoang tưởng. Hùng bối rối trước ánh mắt của vị trưởng khoa. Ông già càng ngày càng thở gấp, hỗn loạn và bất tỉnh, dần chìm vào hôn mê. Nét mặt ông hằn rõ sự đau đớn, những đường nhăn hình như càng sâu hơn trên khuôn mặt già nua…

Sơ cứu cho ông xong, toàn bộ ê kíp họp hội chẩn chớp nhoáng và quyết định có lẽ sẽ phải tiến hành phẫu thuật tim cho vị bệnh nhân già, càng sớm càng tốt.

Chia tay các đồng nghiệp. Sau tách cà phê uống vội, dù mệt nhoài nhưng Hùng cũng cố quay lại phòng tra cứu hồ sơ bệnh lý của ông. Chiếc ví da, chùm chìa khóa cũng đã được bác sỹ trưởng khoa trao lại cho anh để gom chung với đồ đạc và quần áo. Trong phần tiểu sử: André Lefèvre sinh năm…, đại tá sĩ quan lục quân Pháp. Tham gia cuộc chiến tranh Đông dương từ năm 1940 đến năm 1953. Nghỉ hưu năm 1970… Góa vợ từ năm 1985, không tục huyền. Sống một mình trong biệt thự tại… Không có bệnh sử nghiêm trọng… Nhìn chiếc ví da mỏng manh trên tay, anh đắn đo. Rồi tặc lưỡi muốn biết cái «kho Alibaba» của ông già chất chứa điều gì, liệu chúng có liên quan đến cơn giận dữ và những «lời cáo buộc» mà ông dành cho anh không ?

Anh mở ví. Ngoài vài tờ 20, 10 và 5 E, thẻ nhà băng, thẻ bảo hiểm và giấy chứng minh nhân dân, vài con tem sưu tầm in hình những con vật biển và chim bay chợp chờn trên ngọn sóng, còn có một bức ảnh…

Một bức ảnh khổ nhỏ, đen trắng. Trong hình là một sỹ quan Pháp tầm trên dưới bốn mươi tuổi, khổ người cân đối, đẹp trai, quân phục chỉnh tề, tay đặt trên khẩu súng ngắn đeo trễ bên hông. Miệng tươi cười, chân ghếch lên gờ tường thấp, cạnh một tượng voi nhỏ nằm phủ phục. Hùng giật mình! Hình ảnh này quen quá! Con voi đá phủ phục trong tư thế chầu, cây đại cổ thụ khẳng khiu và xa xa là đầm sen… Anh hồi hộp kéo ngăn bàn làm việc để lấy chiếc kính lúp và đưa bức ảnh lại gần hơn. Những gì nhìn thấy khiến anh củng cố thêm trí nhớ thời thơ trẻ của mình. Hàng chữ mờ trong bức ảnh hiện ra rõ hơn. Được gắn trên phiến đá vuông mòn vẹt : Đình làng Chuông… Hùng buông rơi tấm ảnh, bức ảnh xoay vài vòng, rồi như trêu ngươi, rơi sấp xuống mặt bàn, trưng ra hàng chữ đã mờ đi theo thời gian nhưng vẫn còn đọc được : Dinh Lang Chuong, TT, Viet Nam, ngày… tháng… năm 1947.

Anh bắt đầu lờ mờ linh cảm rằng những cơn hoang tưởng và tiếng la hét hồi nãy của người bệnh nhân già kia có gì đó liên quan đến anh. Anh rút tấm ảnh nhỏ bỏ vào ví mình, với ý định sẽ đi scanner để điều tra vụ này, mặc dù biết rõ việc làm này là trái với thông lệ…

Vừa qua mùa Vu Lan ít ngày nên tâm tư kẻ xa xứ có phần lãng đãng. Hơn bao giờ hết, Hùng cứ miên man nghĩ về ông nội mình. Bố Hùng ít khi kể cho các con nghe về cái chết của ông nội. Hình ảnh mà anh có về ông mình chỉ là bức truyền thần vẫn được treo tại nơi trang trọng nhất cùng với ảnh các cụ tại phòng thuốc đồng thời cũng là phòng khám bệnh của bố. Trong ký ức, theo hình dung của anh, ông nội là một ông già búi tó, luôn mặc quần áo lụa trắng và có một chòm râu bay phất phơ, đứng trước tủ thuốc để bốc thuốc, hay đang bắt mạch cho một con bệnh…

Anh đã mơ có một người ông nội biết bao nhiêu, khi nhìn bọn trẻ hàng xóm chơi với ông nội lúc bố mẹ chúng bận việc. Đánh bóng, đi dạo, đùa với ông. Vậy mà ai đã tước đi niềm hân hoan trẻ thơ ấy của anh?

*

Sau buổi trực, Hùng không về nhà ngay mà đi thẳng ra hiệu scanner bức ảnh rồi phóng xe đến chùa Trúc Lâm. Anh nghiệm thấy mỗi khi tâm hồn bối rối, hay những lúc nhớ nhà thì chính tại đây, anh thường tìm được sự tĩnh tại trong tâm hồn.

Đậu xe. Đi lên chùa. Sau khi thỉnh thầy trụ chì và đi thắp hương nơi chính điện, anh ra ngoài lang thang, bước lên mấy bậc thềm đá đã bị rêu phủ kín rồi ngồi trầm tư mặc tưởng trước bức tượng Phật lộ thiên khổng lồ, trắng toát ngự trên tòa sen. Xa xa trước mặt anh, rừng bạt ngàn phủ khắp vùng thung lũng, xa hơn nữa đã lại là thành phố. Tất cả đều đang chìm dần trong buổi hoàng hôn chạng vạng. Những đám mây lững lờ bắt nắng trở lên hồng hồng tim tím. Xung quanh anh thật tĩnh lặng, và thoang thoảng mùi hương trầm anh vừa thắp.

Anh muốn gọi điện cho bố để hỏi rõ sự tình… Nhưng có nên không, hay chỉ khiến bố đau buồn khi nhắc lại chuyện xưa. Vết thương đã lành thì còn chọc mũi dao vào làm gì? Hùng lục tìm trong trí nhớ và thầm reo lên… Chú Lãng!

Chú Lãng, người cùng làng và là bạn thân của bố. Chú Lãng đã viễn xứ tại Paris từ nhiều chục năm nay. Do công việc nên từ hồi sang anh mới đến thăm cô chú ấy được một lần. Anh bấm máy. Thấy người đầu dây đằng kia bắt máy, anh lên tiếng:

– A lô, chú Lãng phải không ạ, cháu Hùng đây…

Anh nói muốn gặp ông bởi có chuyện muốn kể cho ông nghe và muốn hỏi ý kiến ông.

– Vậy hả? Hiện thời chú không ở Paris. Ngày kia chú mới về. Nếu không bận trực thì qua nhà nhé. Tối ấy chú sẽ rảnh. Cô đi thăm con gái dưới tỉnh rồi. Chú cháu mình kiếm chút gì uống chơi. Từ dạo cháu tới thăm chú rồi mất hút luôn… – Rồi chú hỏi tiếp: Có chuyện gì, gấp lắm không? Nói chú nghe qua xem…

Hùng nói rằng chuyện này chỉ có thể nói trực tiếp, chứ qua điện thoại không tiện. Hùng chưa muốn thổ lộ rằng anh muốn ông kiểm chứng bức ảnh.

– Vậy cố chờ, khi về đến Paris, chú sẽ gọi cháu ngay.

Sau một hồi hỏi thăm về gia đình, làng xóm, công việc, cả hai chào nhau rồi cúp máy, trước khi hẹn sẽ gặp lại nhau sớm.

Hùng đảo mắt nhìn đồng hồ, đã hơn 18 giờ. Anh ngước nhìn bức tượng Phật, cao lồng lộng, vời vợi giữa nền trời xanh thẳm đang ngả sang màu tía. Thấp thoáng vài đọn khói thoát ra từ những ống lò sưởi gia đình, bay lơ lửng giữa trời, lan tỏa rồi quấn quện vào các ngọn cây. Trời chiều cuối thu gần rừng đã lành lạnh. Anh muốn ngồi nán thêm chút nữa. Anh cảm thấy hơi sương đang bốc lên…

Anh cứ ngồi đó, một mình đối diện với sự bao la của đất trời, giữa tiếng rì rầm vẳng đến từ những cánh rừng trước mặt. Anh bỗng cảm thấy quê nhà sao mà xa quá, bố mẹ khi này đang làm gì? Còn Hà, người yêu anh lại cứ giục phải làm giấy tờ cho nàng sang Pháp chơi. Mỗi lần điện thoại là lại hờn lại trách, chỉ lo anh “bên đó có ai khác”. Nàng đâu hiểu rằng anh luôn bận tối đầu ở bệnh viện, về nhà lại tham khảo các cuốn sách mà anh phải lục tung các thư viện mới tìm thấy. Nhiều cuốn còn không được đem về nhà mà chỉ được tra cứu tại chỗ… Rồi còn chuyện này chuyện khác, ví như chuyện sáng nay…

Mặc dù nỗi buồn thăm thẳm trong tâm hồn và những biến động trong ngày, các ý nghĩ lộn xộn, chấp chới, không đầu không cuối, nhưng từ ngày dấn thân vào ngành Y, anh đã rèn được cho mình sự quyết tâm, lòng dũng cảm, sự nhẫn nại để đối đầu với những gì cam go nhất. Bằng kinh nghiệm bản thân, anh nhận thấy cuộc sống dẫu khắc nghiệt thì vẫn luôn có sự tinh tế thú vị của nó, chỉ có điều ta phải chịu khó quan sát, tìm hiểu để nắm bắt lấy. Việc gì cũng có hướng giải quyết. Trường hợp của ông bệnh nhân già đây, hẳn có ẩn tình… Tiếng chuông nhà thờ đâu đó lanh lảnh vẳng tới báo 19 giờ. Anh đứng lên, luyến tiếc nhìn chốn thâm nghiêm rồi thở dài, lững thững ra xe.

Ghé vào một quán Phở Việt Nam nằm trong khu Montparnasse ăn nháo nhào mặc dù không thấy đói. Hùng về căn hộ của mình, nằm trong quận 7, mà cứ day dứt về ánh mắt giận dữ pha đầy lo sợ và hoảng loạn của ông già. Anh lại nhủ mình nhất quyết phải tìm hiểu về vụ này, «Giờ đi ngủ đã, ngày mai chắc sẽ dài lắm…!»

Anh bật đĩa nhạc yêu thích của mình. Qua đoạn dạo đầu, giọng Ray Charles vang lên, tiếng hát của người nghệ sỹ mù này luôn khiến anh mê mẩn. Anh nằm mãi mà không ngủ được. Ánh trăng cuối tháng len qua ô cửa sổ, rọi vào tận nơi anh nằm. Tiếng nhạc jazz vấn vương đệm theo giọng hát nồng ấm đầy tình người của Ray Charles khiến anh cứ trằn trọc…

*

Sáng hôm sau đến cơ quan, Hùng cố giữ vẻ mặt như thường lệ. Tươi cười chào hỏi vài đồng nghiệp gặp tại cổng bệnh viện và trong hành lang, anh đến ngay phòng ông già. Ông già nằm trên giường, dây dợ quấn đầy người… Ông đang ngủ, thở khó nhọc, thi thoảng ran lên, miệng ông ngáp ngáp như bị thiếu khí… Việc đầu tiên là anh xem bảng điện tâm đồ, các đường chạy hơi chấp chới, nhưng chưa đến mức báo động.

Về tới phòng làm việc, giở sổ xem lịch tiếp bệnh nhân mà ngoài phòng lễ tân chuyển vào, mới đầu giờ mà đã có đến bốn người xếp hàng.

Có tiếng gõ cửa, Yvonne, nữ y tá thò mặt vào:

– Trưởng khoa nói anh qua phòng họp hội chẩn…

– Vâng, tôi sang ngay.

Hùng sang phòng hội chẩn, sau khi đã bấm máy nội đàm báo phòng lễ tân, nói các bệnh nhân sẽ phải chờ ít phút.

Khi Hùng tới nơi thì toàn bộ ê kíp đã có mặt đầy đủ, những tấm phim chụp X quang và hình 3D đã được trưởng khoa Jean-Marie Dupont ghim trên bảng…

Thì ra đêm qua, khi anh đang trằn trọc kiếm giấc ngủ thì các đồng nghiệp đã làm việc đáng kể trên thân thể vị sỹ quan quân đội cao cấp hồi hưu đó.

– Theo diễn biến bệnh lý của bệnh nhân André Lefèvre, và những gì ta nhận thấy khi quan sát những tấm phim chụp này thì có thể chấn đoán rằng…, – Jean-Marie Dupont lên tiếng bắt đầu cuộc hội chẩn.

Sau một hồi giảng giải giải thích, lắng nghe ý kiến các đồng nghiệp, ông kết luận:

– Phải tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân này ngay. Theo tôi càng sớm càng tốt, bởi nghẽn tĩnh mạch tại điểm X. này, mặc dù không gây nguy hiểm tức thời, nhưng thường có diễn biến phức tạp, chỉ cần một chấn động tinh thần nhỏ…

– Có vội quá không thưa ông? – Hùng chen ngang, – theo tôi nên để bệnh nhân nằm dưỡng sức thêm vài ngày, một mặt ta cứ truyền đạm và nước…

– Không được, bệnh nhân đã cao tuổi nên ta không thể lạm dụng đạm, – không để Hùng nói hết, ông Dupont cắt ngang. Hơn nữa, chiểu theo sự “va chạm” sáng hôm qua, các anh chị đã thấy tinh thần bệnh nhân đột ngột thay đổi dẫn đến tình trạng hôn mê… Ông ta đến khám bệnh định kỳ, thì tự nhiên bị giữ lại đây. – ông nói trong lúc đưa mắt nhìn sang Hùng. Bác sỹ Hùng sẽ là phụ mổ chính cho tôi, ông nói tiếp. – Quyết định vậy đi, 15h chiều nay sẽ tiến hành. Giờ tôi tuyên bố giải tán cuộc họp.

Ai về phòng làm việc của người đó. Kể từ lúc ấy, Hùng khám bệnh cho bệnh nhân mà lòng không khỏi hồi hộp chờ đến 15 giờ chiều, dẫu đây không phải là lần đầu, anh là phụ mổ chính của giáo sư-bác sỹ Dupont.

Đúng lúc cả ê kíp đã sẵn sàng, áo đã mặc, khẩu trang đã đeo thì từ phòng lễ tân, Hélène Civet hấp tấp chạy vào:

– Bác sỹ tưởng khoa Dupont, ông đợi chút. Có cuộc điện thoại khẩn gọi ông.

– Cô không thấy sao? – ông Dupont giơ hai bàn tay đã đeo găng, rồi chỉ lên mặt mình.

– Thưa, rất khẩn ạ. Là phu nhân của ông. Nghe nói con gái ông…

Nghe đến đó, Dupont sững lại, tháo găng tay, kéo khẩu trang, xin lỗi các đồng nghiệp, bảo họ chờ giây lát rồi rảo bước theo chân cô lễ tân. Điện thoại vẫn gác trên bàn.

Chẳng biết người trong điện thoại nói gì, nhưng thấy mặt bác sỹ trưởng khoa chuyển dần từ sững sờ sang tái. Ông đưa máy cho Hélène rồi đi như chạy về phòng mổ, nói mà như hụt hơi:

– Vợ và con gái tôi gặp tai nạn. Con gái tôi đang rất nguy cấp… Giờ tính sao đây?

Kể từ khi làm việc cùng ông, Hùng thấy đây là lần đầu tiên, vị trưởng khoa nhìn đám đồng nghiệp dưới quyền như cầu cứu. Ánh mắt ông đưa hết từ người này sang người khác. Các đồng nghiệp im lặng, người cúi nhìn mũi giầy của mình, người lẩn tránh ánh mắt của trưởng khoa…

Hùng mạnh dạn:

– Ở Hà Nội, tôi đã từng đứng mổ chính, nếu ông tin tưởng tôi, tôi sẽ cố gắng hết sức…

Không nói ra nhưng Dupont rất tin tưởng khả năng của Hùng. Ông đã theo dõi anh kể từ khi anh đến đây. Nói là tu nghiệp, chứ tay nghề của anh còn hơn hẳn một số bác sỹ Pháp khác. Ở anh có sự nhạy cảm của người bác sỹ, có sự tận tâm với nghề, và nhất là có đầu óc tiến thủ, thích khám phá, luôn luôn học hỏi, trau dồi kinh nghiệm…

– Thôi được, tôi tin tưởng cậu, – ông bỗng đổi cách xưng hô thân mật khiến Hùng dù gì cũng hơi xúc động.

Cuộc phẫu thuật vẫn tiến hành, nhưng dưới sự thực hiện của bác sỹ Hùng.

Sau gần sáu tiếng giải phẫu, có lúc tưởng như thất bại vì mạch đập của ông già rất yếu, rồi toàn ê kip cũng thở phào khi cuối cùng ca mổ đã thành công. Hùng cám ơn cả ê kíp, bởi mọi người đã rất ăn ý nhau, và đều tận tâm.

Để những y tá thu dọn dụng cụ. Trán lấm tấm mồ hôi, Hùng ra khỏi phòng mổ. Anh hơi giật mình, khi vừa quay lại thì va phải bác sỹ trưởng khoa. Thì ra ông đã đứng ngay sau lưng anh từ lúc nào, chỉ quan sát anh tiến hành mà không ra mặt…

– Chúc mừng cậu, cậu khá lắm.

Ông Dupont xúc động ôm anh thật chặt!

Rồi vừa rửa tay, đi đến bên máy cà phê tự động, ông kể cho anh nghe rằng sau khi đến nơi xảy ra tai nạn, được biết người ta đã chuyển ông vợ con vào bệnh viện Necker. Ông lao bổ vào bệnh viện. Vợ ông không sao, dù tinh thần bấn loạn, còn con gái thì bị trật khớp và trầy da chân, tay và mặt có bị xước… đã được các đồng nghiệp của ông tại đó chăm sóc kỹ lưỡng. Ông trấn an, xin lỗi vợ rồi lao bổ về viện mình. Đúng lúc cuộc giải phẩu đã tiến hành được già phân nửa, nhìn những thao tác thuần thục của anh, nên ông đã không tham gia, chỉ đứng xem nếu có biến sẽ can thiệp…

– Nhưng xem ra mọi chuyện đều suôn sẻ nhỉ, – ông nói thêm rồi lại vỗ vào vai anh!

– Vâng, hình như thế, nhưng vẫn còn phải chờ xem 24 giờ nữa, – Hùng đáp lời vị bác sỹ đáng kính mà lòng không khỏi dấy lên chút tự hào!

– Tất nhiên! Thôi, uống cà phê xong thì về nghỉ đi, muộn quá rồi, – ông liếc đồng hồ. Đã gần sang ngày mới rồi đấy. Mai cho cậu nghỉ cả ngày nhé. Tôi sẽ trực tiếp thông báo diễn biến của bệnh nhân cho cậu.

– Vâng, cám ơn anh, – Hùng cũng đổi cách xưng hô.

Nói rồi quay gót luôn, vị trưởng khoa lại hối hả bước đi thăm các bệnh nhân khác. Hùng nhìn theo ông mà không khỏi thán phục. Ông đúng là một người bác sỹ chân chính, tận tụy hết mình với bệnh nhân vào bao dung với đồng nghiệp cấp dưới. Ông sẵn lòng chỉ bảo nếu ai đó muốn tham khảo những gì liên quan đến ngành y.

*

Mệt nhoài và hân hoan vì cuộc giải phẫu thành công. Về đến nhà, Hùng chỉ kịp nấu vội bát mì tôm, ăn nhoáng nhoàng xong là vào giường ngủ ngay. Anh chỉ thức giấc khi nghe tiếng chuông reo. Là chú Lãng. Thấy giọng anh còn ngái ngủ, chú la:

– Sao giờ này còn nằm trên giường hả? Chú lại sợ cháu đang bận khám bệnh cho bệnh nhân kia đấy…

Liếc nhìn đồng hồ, Hùng giật mình vì đã hơn 14 giờ. Anh lúng búng đáp:

– Vâng, tại đêm qua ca mổ kết thúc đã gần nửa đêm, nên hôm nay cháu được nghỉ bù…

– Vậy ngủ đã mắt chưa, đến chú. Nghe cháu nói có chuyện muốn thổ lộ, chú đã thu xếp công việc để về sớm hơn dự kiến. Sang chú nhé!

– Vâng ạ, cháu sẽ rỗi hết ngày hôm nay. Hơn tiếng nữa, cháu sẽ qua chú!

Nhà chú Lãng nằm ở thành phố ngoại ô, Vitry/Seine.

Nói rồi cụp máy. Nước vòi hoa sen mát lạnh khiến Hùng tỉnh ngủ hẳn và cảm thấy sảng khoái, anh thấy đói cồn cào… Nhưng biết chắc đến chú Lãng thế nào cũng ăn nhậu, nên anh mặc quần áo xong, mở tủ lấy chai rượu ngon nhất, trên đường đi còn ghé quận 13 mua hẳn một con vịt quay.

Chú Lãng đã đứng ngay trên mảnh sân nhỏ trước nhà, hồ hởi tiếp anh.

Hai người đàn ông vừa trò chuyện, vừa bày đồ nhậu lên bàn. Nhà chú Lãng rất sẵn dưa cà muối, nồi cơm điện cũng đang xì xì bốc khói.

Khi tiệc đã gần tàn, chuyện về quê quán, gia đình cũng vơi dần, chú Lãng hỏi:

– Thế cháu muốn hỏi chú chuyện gì?

Hùng kể hết cho chú nghe về ông già bệnh nhân André Lefèvre, về những linh cảm của mình…

– Cái gì? Là André Lefèvre à? Hắn ta người cao, nếu tính tuổi thì hiện nay cũng tầm trên dưới tám mươi, đúng không?

– Vâng, theo như trong sổ bệnh án thì năm nay ông ta 82 tuổi…

– Vậy thì đúng rồi, chính hắn đó!

– Cháu còn có cái này. – Hùng lúc đó mới rút tấm ảnh ra. Đã được phóng to, hàng chữ trên tấm bia đá hiện lên rất rõ.

Chú Lãng chăm chú xem bức ảnh, rồi bỗng từ bối rối, chuyển sang tức giận. Một cơn tức giận điên cuồng dữ dội.

– Ông nội anh, anh biết không, là một thầy lang nổi tiếng nhất vùng chữa trị cho con bệnh mà không hề để tâm xem họ giàu hay nghèo… – ông bất thình lình đổi cách xưng hô với Hùng. – Chỉ vì một sự tố giác giời ơi của một kẻ ganh ghét với gia tộc anh mà chúng đã đến bắt và tra tấn dã man vì cho rằng ông nội anh là cơ sở của cách mạng, của Việt Minh ư? Ông nội anh ấy, trói gà không chặt thì Việt Minh cái nỗi gì chứ… Rồi hắn, chính hắn đó, mấy ngày trước còn đến nhà anh đánh cờ, chơi bài, chén chú chén anh với ông nội anh, lại đang tâm ký lệnh bắt rồi tra tấn dã man. Khi gia đình được gọi đến bốt đem ông về thì ông chỉ còn là một hình hài bươm rách, đầy máu… Hai hôm sau thì chết…

Đúng lúc ấy thì điện thoại di động của Hùng kêu bíp bíp, thông báo có tin nhắn. Là Dupont. Ông thông báo tình hình của André Lefèvre tiến triển rất tốt…

Chú Lãng lúc này hết sức xúc động, cả người chú run lên :

– Giờ cháu tính sao ?

Câu hỏi đường đột, khiến Hùng không biết trả lời thế nào, chỉ thốt lên :

– Cháu không biết, cháu là bác sỹ…

– Bác sỹ cũng không được quên thù nhà ! Đây là cơ hội tốt nhất đấy… Chỉ cần một động tác nhỏ mà không ai có thể phát hiện ra…

Hùng mở to mắt nhìn trừng trừng chú Lãng, một Việt kiều tri thức, đã sống tại Pháp cả mấy chục năm mà nói vậy ư… Anh chỉ nhỏ nhẹ đáp lại sau một hồi suy nghĩ :

– Cháu sẽ tính…

Rồi làm như vô tình, anh ngước nhìn đồng hồ treo tường. Đã hơn 21 giờ. Lấy cớ ngày mai phải đi làm, anh xin phép ra về.

Trăng đã lên, mọi nẻo đường trong thành phố ngoại ô này đã vắng người. Anh cho xe chạy chậm trên con lộ xuyên qua cánh rừng thưa. Trăng tưới xuống trần gian luồng sáng ướt rượt lạnh lẽo của nó. Ánh trăng nơi đây không bị pha lẫn với ánh đèn cao áp. Một con sóc hay thỏ chạy băng qua đường, theo phản xạ, anh nhấn gấp chân phanh. Tiếng rít của bánh xe trượt trên nền đường khiến con vật giật mình, đứng sững nghe ngóng rồi quay lại ngó trừng trừng hai chiếc đèn pha. Sau đó, như sực tỉnh lại cong đuôi vọt mất. Sự hối hả của nó làm anh nhoẻn cười…

Rồi không biết do cố ý hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà trên đường anh qua, ánh đèn pha thi thoảng lại va phải tượng đài tổ quốc ghi công. Hàng chữ khổng lồ mà ta có thể đọc được khi cách hàng chục mét : «Hi sinh vì tổ quốc 1914 – 1918. Hi sinh ở Đông Dương 1946 – 1954. Hi sinh ở Algérie… »

Về đến nhà, Hùng còn đứng rất lâu bên cửa sổ. Vầng trăng đã bị tòa nhà cao tầng chắn mất, chỉ còn vô vàn những vì sao nhỏ tí ti nhấp nháy, như trêu ngươi anh. Cả tâm hồn lẫn đầu óc Hùng trống rỗng. Anh bỗng mong lại được bận rộn như đêm qua, được thực thi công việc của một người thầy thuốc.

*

Hùng đến nơi làm việc mà lòng trầm lắng hơn thường ngày. Chuyện lộ rõ đến nỗi Dupont cũng phát hiện ra. Ông hỏi anh có chuyện gì. Anh nói không, chỉ hơi mệt và xin phép đến thăm vị bệnh nhân già.

André Lefèvre vẫn nằm li bì, nhưng hơi thở đã bình thường hơn và bảng điện tâm đồ chạy đều đều. Mắt Hùng chuyển từ hình hài cũ mèm của người bệnh sang các ống dẫn nước. Từng giọt tí tách rơi. Bỗng chốc cơn giận dữ của chú Lãng tối qua lây sang anh…  Chả lẽ kẻ già nua ốm yếu đang nằm trên giường bệnh, mình vướng đầy dây dợ, mặt đeo ống dẫn khí kia từng là đồng phạm tra tấn ông nội anh đến chết ư ? Bố anh không kể chuyện ông nội làm sao mà chết, nhưng anh nhớ mỗi khi bố kể về ông nội thì đều rất xúc động… Anh những muốn đưa tay vặn cho dòng nước kia chảy nhanh hơn một chút, hoặc dùng kim đâm thủng ống dẫn ô-xy…

Anh kịp dừng lại khi hai cánh tay đang chấp chới, chạy bổ ra vườn bệnh viện và bấm máy gọi điện về cho bố. Kể cho bố nghe tất cả mọi chuyện, kể cả những lời của chú Lãng… Bố nghe xong lặng đi, anh phải a-lô a-lô mấy lần liền, bố mới lại lên tiếng :

– Hãy xử sự sao cho tổ tiên, ông nội và bố mẹ tự hào về con…

– Nhưng…

– Chẳng nhưng gì cả, bố anh cắt ngang. Sau một hồi im lặng, ông nói tiếp : – con nên nhớ, con là thầy thuốc…

– Vâng, con cám ơn bố. Con biết mình nên làm gì rồi. Bố đúng là bố của con!

Vừa quay lại phòng làm việc, lại là Yvonne đến báo có Jean, con trai ông già André muốn gặp bác sỹ đã giải phẫu cho cha anh ta.

Jean cho Hùng biết là công tác tại Lyon, được tin cha cấp cứu tại bệnh viện đã vội vã đến ngay. Jean là nhà khảo cổ học, đi công tác nước ngoài thường xuyên, anh vừa đi Etopia về.

– Tình hình của bố tôi…, – Jean lo lắng hỏi ngay bác sỹ Hùng.

– Vâng, kể cũng khá nguy hiểm, bởi bố anh không có tiền sử về bệnh này, bất thình lình đột quỵ, cũng may có sự sáng suốt của bác sỹ trưởng khoa. Điều nguy hiểm nhất đã qua, giờ chúng tôi còn phải theo dõi thêm. Nhưng…

Hùng đắn đo, mắt nhìn Jean dò hỏi.

– Vâng, bác sỹ cứ hỏi. Tôi sẽ trả lời thành thực trong phạm vi hiểu biết của mình.

– Chuyện này… Thực ra…

Anh gợi ý Jean đi dạo ngoài khuôn viên bệnh viện để tránh những cặp tai tò mò của những cô y tá cứ đi qua đi lại trong hành lang và không ngừng liếc nhìn anh, kể từ vụ hét toáng của ông già André hôm trước.

– Vâng chuyện này… thực ra không liên quan trực tiếp đến bệnh của bố anh…, – Hùng dừng lại giây lát, liếc quan sát thái độ của Jean, rồi ngước nhìn bầu trời khi ấy cuối hè rất trong xanh, gió nhẹ khiến hàng cây chuyển mình, đưa đến tai anh những tiếng rì rào… – Tức là… Đây là trường hợp ngoại lệ khi một bác sỹ tò mò vào đời tư của bệnh nhân, vào những gì không liên quan đến bệnh án. Nhưng do hôm ấy bố anh đã có thái độ rất lạ trước tôi và những đồng nghiệp của tôi…

Rồi anh kể lại cho Jean nghe cảnh hôm trước.

Jean lắng nghe chăm chú và trầm ngâm ít phút trước khi trả lời:

– Vâng. Tôi không ngạc nhiên về chuyện này! Theo tôi, đó là một câu chuyện khá dài liên quan đến quãng đời binh nghiệp của ông trước đây…

Rồi bằng chất giọng chậm rãi, Jean kể cho Hùng nghe một số cảm nhận của mình về người bố mà anh rất ngưỡng mộ. Anh nói cảm nhận, bởi bố không bao giờ kể cho bất kỳ ai nghe về những tháng ngày binh nghiệp của ông, nhất là những năm tháng tham trận tại Đông Dương…

– Bố tôi trở về Pháp khi tôi còn nhỏ. Hồi đầu ông rất giận dữ, luôn miệng ta thán về các chính sách chiến thuật chiến lược của những người cầm quân tại Đông Dương. Sau đó, họ điều ông đi Algérie, ông kiếm cớ ở lại, thậm chí còn dọa nếu họ cứ ép thì thà ông đào ngũ chứ nhất định không đi… Và rồi, người ta đã nhượng bộ vì cấp bậc của ông. Nhưng suốt ngần ấy năm tại ngũ tại Pháp, ông chỉ xử lý những vụ hành chính ở bộ Quốc Phòng mà không bao giờ muốn hay không được tham gia vào những sự kiện quan trọng tầm Quốc gia nữa cho đến khi ông nghỉ hưu…

Ngừng lại giây lát để theo dõi sắc mặt người bác sỹ trẻ. Người này vẫn chăm chú lắng nghe và khuyến khích Jean nói tiếp.

– … kể từ khi cha tôi nghỉ hưu thì bỗng trở nên ít nói hẳn. Mười mấy năm ở Đông Dương chắc phải có nhiều chuyện để kể, có người còn khuyên ông viết sách… Nhưng ông đã trở thành một con người lầm lì, ăn chay và hay đi lễ nhà thờ. Hay làm từ thiện, và nhất là ông đã tích cực đưa vụ Ngôi làng Đông Dương bị lãng quên ra ánh sáng dư luận Pháp. Anh hình dung nổi không? Cả ba thế hệ sống cùng trong cái trại ấy…

Thấy Jean có vẻ như lạc đề, Hùng lên tiếng:

– Tôi có nghe nói về ngôi làng này nằm gần Bordeaux. Thế sau đó bố anh thế nào?

– Từ ngày mẹ tôi mất, ông gần như không ra khỏi nhà, không quan tâm đến thế sự nữa. Thi thoảng con cháu về thăm. Gần đây, ông hình như rất hay bị những cơn ác mộng hành hạ…

Trước khi chia tay, Jean khẩn cầu Hùng hãy thông báo thường xuyên cho anh biết những chuyển biến về bệnh tình của ông già…

André Lefèvre  không hổ thẹn là một cựu quân nhân, bởi chỉ sau ca giải phẫu vài ngày, ông đã ngồi dậy được, và ông đã có thể ngồi xe đẩy ra vườn bệnh viện hít khí trời.

Từ lúc tỉnh lại, ông vẫn đinh ninh là bác sỹ Dupont đã cứu sống ông. Hôm cả ê kíp tổ chức đến thăm và chúc sức khỏe ông đã hồi phục. Ông cứ nắm tay bác sỹ Dupont mà cám ơn.

– Không đâu, người hùng cứu sống ông đây này, – Dupont đáp lại và đẩy Hùng lên trước mặt André Lefèvre.

Ông già chỉ dám nhìn lướt qua mặt Hùng rồi ngoảnh đi chỗ khác. Ông cũng không bắt tay “người hùng” khi anh đưa tay ra.

Dupont lại một lần nữa đưa ánh mắt khó hiểu sang nhìn Hùng, Hùng chỉ biết nhún vai lắc đầu. Chỉ khi cả nhóm nói chào ông già đi ra thì ông mới thều thào đề nghị Hùng ở lại. Ông bỗng gọi anh là con:

– Con trai ạ, ta thật không biết nói sao để cám ơn con. Ta thật xấu hổ…

– Tôi biết rồi, nhưng hiện giờ sức khỏe ông chưa bình phục hẳn đâu, nên tránh xúc động mạnh, chuyện gì thì từ từ sau này sẽ nói. Mong ông gắng ăn uống đầy đủ, dùng thuốc đúng giờ…

– Con biết rồi ư? – ông già nhìn Hùng với ánh mắt nghi ngờ. Vậy mà con vẫn cứu ta?

– Tôi chỉ đoán lờ mờ thôi. Nhưng ông nên nhớ, ở đây tôi là bác sỹ còn ông là bệnh nhân. Bác sỹ cứu sống bệnh nhân thì đâu chỉ có một mình tôi làm! Giờ ông nghỉ cho khỏe đi!

– Đương nhiên rồi, ta sẽ không nhắm mắt khi chưa được nói chuyện riêng với con.

*

Một tuần sau, khi bệnh nhân cuối cùng ra về, vào lúc nghỉ ăn trưa, từ cửa sổ nhìn ra, Hùng thấy nữ hộ lí đang đẩy xe đưa ông già André đi dạo ngoài vườn. Anh lững thững đi ra:

– Ông thấy trong người thế nào? – Hùng hỏi khi đã đến ngang tầm xe ông già và gật đầu chào cô hộ lý.

– Chào con trai, ô không, chào bác sỹ Hùng. Tôi khá hơn nhiều lắm rồi, cám ơn ông!

– Đừng khách sáo thế, hãy xưng hô với tôi như ông muốn, nếu điều ấy khiến ông vui!

– Cám ơn bác sỹ, bác sỹ tử tế quá. Vậy hãy cho ta được gọi con là con trai nhé!

– Ông cứ tự nhiên.

Hùng nói nhỏ với nữ hộ lí rằng anh có thể chăm sóc ông già được, cô có thể đi loanh quanh đâu đó một lát.

Sau vài lời bình luận về thời tiết và nạn ô nhiễm mỗi trường. Ông già bắt đầu

– Con trai ạ, hãy cho phép ta nói, dù những gì ta nói đôi khi hơi lộn xộn do năm tháng và tuổi tác, con đứng chấp nhặt nhé.

– Không sao cả. Tôi sẽ chuyển từ bác sỹ tim mạch sang bác sỹ tâm lý để trị bệnh cho ông, nếu ông muốn. – Hùng lại đùa. Nói xong anh mới thấy chột dạ, đưa mắt theo dõi từng động tác, sắc thái trên mặt ông già.

Không có gì chuyển biến nơi ông khi nghe xong câu nói đó của anh. Ông nheo nheo mắt nhìn ra xa, mà như nhìn về một thời xa ngái nào đó…

– Có những thời khắc trong cuộc đời, – ông già nói tiếp, thì nói hay không nói có nghĩa gì đâu, khi mà ta nói mà không ai thèm nghe. Những suy nghĩ chân thành xuất phát từ đáy lòng mình bị rơi tõm xuống hồ nước, dưới đáy đại dương mênh mông. Học xong trường sỹ quan Pháp, khi được bổ nhiệm tới Đông Dương, ta hăng hái lên đường với niềm tin đi khai phá một dân tộc mông muội như trong trường học người ta đã cố nhồi nhét vào đầu chúng ta. Họ nói rằng với các dân tộc mông muội thì không nên nhân nhượng, không được dùng tình cảm, mà chỉ có mệnh lệnh và hành động. Tới Đông Dương, ta ngay lập tức áp dụng triệt để những điều đã học. Ta bắn, ta giết không tiếc tay, lon sao cứ thế mà lên như diều gặp gió ! Rồi đến khi ta làm quen với Những người văn minh của Claude Farrères[1], Batouala của René Maran[2]…, những tác phẩm văn học vang bóng một thời và nhất là cuộc gặp định mệnh với ông nội con. Một người An Nam nho nhã thông thái, những lần đến nhà con chơi cờ, đọc thơ ngắm trăng xem hoa quỳnh nở…, – ông già dừng lại để thở và cũng như để nén sự xúc động. Thấy vậy Hùng xen vào :

– Ông mới khỏe, nên tránh xúc động mạnh !

– Không sao, – ông già khua tay, rồi nói tiếp, – con cứ để ta nói.

Rồi như đã ít nhiều lấy được tinh thần : …- Ta như bị tinh thần phân lập vậy, lúc ở với ông nội con, những lúc đọc sách nghe thơ thì ta mơ mộng… Ta mơ đến một đến một thế giới văn minh, một xã hội văn minh. Người Đông Dương sống hòa bình với người Pháp. Nhà nhà đề huề gia đình, vợ chồng hạnh phúc, con cái học hành hiểu biết…

Nhưng khi trở về với bộ quân phục và chiếc quân hàm cấp tá quân đội viễn chinh Pháp, ta lại trở thành một kẻ ham hố, đầy tham vọng thăng tiến. Cho đến tận bây giờ ta thực tình không thể kết luận liệu ông nội con có phải là Việt Minh, nhưng ta kính phục ông. Ta làm sao quên được ánh mắt rắn rỏi của ông nhìn ta khi đám lính của ta dùng cực hình để tra tấn ông. Thân hình ông vốn nho nhã. Cả người ông bươm rách, tơi tả, bê bết máu, lọn tóc thường ngày búi tó, giờ tã tượi trong bộ áo lụa trắng đã sỉn màu do máu đọng khô lại, ta đau lắm, nhưng con hiểu cho, trước mặt đám dưới quyền, ta không thể làm khác đi được. Đó là chiến tranh…

– Nhưng, ông nên nhớ chiến tranh và sự tra tấn dã man, dùng cực hình man dợ… không giống nhau… – anh cáu kỉnh ngắt ngang lời ông già

Ông già hình như không để ý đến câu nói của anh mà cứ tiếp tục, giọng đều đều theo luồng hồi tưởng hơi lộn xộn của ông:

– Rồi chúng ta lại tiếp tục hành quân đi nơi khác. Trên đường, ta gặp một đứa trẻ cứ nguềnh ngoàng bò khóc bên cạnh mẹ nó, «… mẹ ơi, mẹ dậy đi, con đói… !» Trong khi người mẹ đã bất động với một viên đạn xuyên qua ngực, máu vẫn đang rịn chảy! Ta ra lệnh dừng xe, sau khi chôn cất người đàn bà xấu số đó bên vệ đường, ta cho đem đứa trẻ về đơn vị, nhận nó làm con nuôi của tiểu đoàn…

… con biết không, kể từ cái chết của ông nội con, ta bắt đầu tìm quên, làm ngắn quãng đời binh nghiệp của ta tại Đông Dương bằng cách đọc sách. Ta đã đọc nhiều sách của các nhà triết học phương Đông. Từ đó, ta vỡ lẽ ra nhiều điều trong cuộc sống. Những điều mà trong các trường quân sự Pháp, người ta không bao giờ dạy… Ta khâm phục triết lý sống theo kiểu nhà Phật của ông nội con : «Họ xấu với mình nhưng mình không xấu với họ là được. Trồng cây Phúc như thế nào thì sẽ hái được trái như thế đó… »…

Một chiếc trực thăng cấp cứu đậu xuống bãi cỏ sân bệnh viện, tiếng ồn khiến cuộc hội thoại dừng lại. Nhìn đám đồng nghiệp hối hả chuyển ra ba bốn chiếc băng ca. Dù rất muốn nghe tiếp chuyện của ông già André, nhất là khi ông nhắc đến ông nội, nhưng Hùng đành tiếc nuối hẹn ông già buổi khác. Khoác tay ra hiệu cho nữ hộ lý đứng gần đó đến đưa ông già về phòng. Hùng tất tả chạy…

Trong hành lang bệnh viện, khu cấp cứu, là một sự nháo nhào không tưởng, tiếng người thầm thì bị át đi bởi những tiếng chân chạy hối hả, tiếng bánh xe băng-ca trượt trên nền đá hoa.

Cả thảy có đến năm bệnh nhân, nghe nói của cùng một gia đình. Họ gặp tai nạn trên đường cao tốc trong chuyến đi nghỉ… Ông già và người đàn ông trung niên, quần áo bê bết máu. Ông già nằm im thin thít, mắt nhắm nghiền vẻ mặt lộ rõ sự đau đớn, trong khi người đàn ông trẻ hơn vẫn cố nghển lên để hỏi thăm tình hình mẹ và vợ con…

Những băng-ca sau lần lượt đưa vào một bà già, một phụ nữ trung niên và một bé trai. Cả ba người đều lành lặn, mặc dù áo quần lấm tấm những giọt máu. Đứa trẻ cứ hét váng gọi mẹ và kêu sợ. Người đàn bà trong cơn hoảng loạn kịch phát cứ đòi trèo xuống khỏi băng ca để chạy theo chồng. Còn bà già thì mở to cặp mặt hãi hùng… nhìn mà như chẳng thấy gì cả.

Hùng chạm mặt bác sỹ Dupont trong hành lang, ông nói ngay:

– A, cậu đây rồi, tôi đang tìm cậu đấy! Hãy qua phòng cấp cứu giúp các đồng nghiệp một tay đi. Bệnh nhân cấp cứu nhiều thế này, chắc họ sẽ cần giúp đỡ đấy!

– Vâng, tôi đi ngay đây !

Hùng đáp lại rồi cũng hối hả chạy…

*

Ngày hôm sau, cũng vào giờ nghỉ trưa, Hùng lại đảo mắt ra vườn tìm ông già. Quả đúng như anh dự đoán, ông già hình như cũng đang ngóng đợi anh.

Lần gặp gỡ hôm nay không còn phải khách sáo nữa. Nữ hộ lí thấy anh ra thì cúi xuống thì thầm vào tai ông già rồi quay sang nở nụ cười với Hùng:

– Tôi để hai người tự nhiên nhé. Tôi sẽ không đi xa đâu, gọi tôi khi cần nhé !

Nói xong cô bỏ đi. Hùng cám ơn sự tế nhị của cô !

– Con biết không ? – ông già vào đề ngay mà không đợi Hùng hỏi. Như thể ông đã chuẩn bị câu chuyện từ trước đó rồi. – Người đời đều biết sống là vui mà chưa biết sống là khổ, đều ghét cái chết mà chưa biết chết là nghỉ ngơi… Thôi, hay con hãy để ta chết đi. Gặp được con là ta mãn nguyện rồi. Chết xuống địa ngục thì chớ, còn nếu mà được gặp ông nội con thì ta cũng an lòng, mong ông ấy rộng lượng mà tha thứ cho ta. – Ông già André tự nhiên đổi giọng, khiến Hùng giật mình…

Anh an ủi ông già :

– Nước mặc dù yên tĩnh nhưng cũng có lúc gợn sóng, cái cân mặc dù thăng bằng nhưng cũng có lúc sai lệch. Một cây khô không làm mất dáng vẻ xum xuê um tùm của rừng cây dày đặc. Và nhất là chuyện gì xảy ra thì đã xảy ra rồi… Thế nên ông đừng tự dằn vặt mình quá nhiều nữa vì một hành động nhất thời của tuổi trẻ…

Cứ như thể được trấn an. Ông già im lặng giây lát rồi lại trở về với luồng suy nghĩ của mình :

– Sau « việc làm » tàn bạo ấy, mà ta đã viết báo cáo và nhận trách nhiệm về mình với những lời tự phê nghiêm khắc, cùng với ý kiến phản đối các chính sách của quân đội Pháp tại Đông Dương, rồi chính ta đã tuyên bố rằng quân đội Pháp sẽ thất bại ở Đông Dương mà thôi, khi thấy viên tướng tổng chỉ huy quân đội viễn chinh đã chọn Điện Biên Phủ làm phòng tuyến. Ít lâu sau, ta có quyết định trở về Pháp. Ta biết rõ đây là một quyết định cho ta về «trồng rau », để tránh rầy rà cho nhà cầm quyền tại đó. Nhưng ta chấp nhận. Ta không còn đủ kiên nhẫn nhìn sự ngu xuẩn của đám chỉ huy. Ta không còn có thể chịu được những thảm cảnh người dân vô tội bị tàn sát dã man. Hoang dã ư, dân tộc An Nam là hoang dã ư? Không… Ai hoang dã? Ai văn minh? Mọi thứ liên quan phải chăng đã được định nghĩa rõ ràng nhường ấy sao? Claude Farrères, người vốn thông hiểu Đông Dương, đã đặt câu hỏi và đã trả lời: “… những con người này (người châu Á) tiến sớm hơn trong thời đại chúng ta, là những người văn minh, còn chúng ta (người Pháp) chính là những kẻ hoang dã”…

Giọng ông già bỗng cất cao như hét khiến Hùng lo lắng đảo mắt nhìn ra xung quanh. May làm sao, sân bệnh viện thưa thớt. Chỉ có vài người đi dạo mãi tận cuối vườn. Còn nữ hộ lí đang đứng gần đó nhìn anh, huơ tay ra hiệu xem anh có cần sự giúp đỡ không.

Anh lắc đầu. Nghé sát tai ông già, anh thì thầm :

– Ông có thể nói nhỏ hơn chút được không ? Chỉ có hai chúng ta thôi mà…

Như nhận ra sự vô lí của mình, ông hạ giọng nhưng vẫn tiếp tục luồng suy nghĩ :

– … Mà có hoang dã đi nữa, thì đó là một kỳ thú, nó kỳ thú bởi chính sự hoang dã của nó. Nước Pháp dưới chiêu bài bảo hộ, nhưng bảo hộ ai đây? Người An Nam đâu cần bảo hộ! Khi ta tận mắt chứng kiến sự kiên cường của dân bản địa, mà người Pháp gọi là quân phiến loạn ấy… Đám sỹ quan chúng ta thời đó, ai mà chẳng nghe nói về sự kiện Yên Bái – Đêm rực lửa chứ ? Các nhân vật như Nguyễn Thái Học, như Nguyễn Thị Giang. Ta kính phục sự quả cảm và tình yêu của họ. Theo ta, trong tình yêu, không có người đàn ông mạnh mẽ, lẫn những người phụ nữ anh hùng, mà chỉ có những con người mang trái tim nồng nàn say đắm. Những cậu, những cô mãi mãi anh hùng, thì mang trong mình hành động của Thị Giang: phát súng nổ để kết thúc cuộc đời, để được đi theo và ở bên người yêu mình mãi mãi trong một đêm trên triền sông hoang vắng lạnh lẽo, trong lúc lũ chó trong những ngôi làng gần đó đang sủa trăng, sủa ma… Dẫu hành động này được thực hiện bởi một nữ bá tước, bởi một nữ giáo sư, một nữ công nhân hay bởi một thiếu nữ,… khi mà hành động ấy chỉ có một mục đích duy nhất là tình yêu vô tư của một người đàn bà dành cho một người đàn ông thì sẽ mãi mãi cao thượng và đẹp đẽ…

Cảm tưởng ông già như đang lạc vào cơn hoang tưởng hoặc đang bị lạc đề, Hùng phân vân có nên khuyên ông già tạm thời dừng đã, hôm nay thế là đủ… Nhưng ông đã tiếp tục :

– … Văn minh và tiến hóa ư? Một dân tộc thông minh, cần lao và có một nền văn hóa truyền thống lâu đời, thì người ta không cần phải khai hóa văn minh. Chính người Pháp đã rèn cho «những bè đảng phiến loạn» sự quả cảm. Những con người ấy yêu tổ quốc họ, họ quằn quại đau đớn khi nhìn lũ ngoại bang xâm lấn, áp bức đồng bào họ… Họ nổi dậy để bảo vệ đất đai và lãnh thổ của họ… Cũng hệt như những người kháng chiến Pháp trong cuộc đại chiến thế giới thứ II chống Đức Quốc xã…

Thấy ông già bắt đầu miên man với ý thức hệ tư tưởng của ông, và chợt nhớ ra Jean – con trai ông đã nói rằng ông đã xa rời thời thế từ lâu và không quan tâm đến thế sự, Hùng lên tiếng :

– Ông ạ, người xưa có nói : «Trời đất có những điều rất tốt đẹp nhưng trời đất chẳng nói gì». Cái khiếm khuyết sẽ được toàn vẹn. Cái cong sẽ được uốn thành thẳng. Nơi trũng sẽ được lấp đầy. Cái cũ nát sẽ được làm mới. Nước Pháp đã sửa chữa những sai lầm. Họ đã thực hiện rất nhiều các dự án trợ giúp các nước thuộc địa trước đây của họ. Bằng chứng sống là tôi đã được chính phủ Pháp cấp học bổng, tiếp nhận tôi đến tu nghiệp tại bệnh viện này và đã may mắn được chữa trị cho ông… Thế nên những chuyện xưa, ta nên khép lại để lật sang trang mới. Trang sử của tình hữu nghị và hợp tác…

– Con nói đúng, – ông già sững lại khi nghe Hùng nói, – và ta rất vui khi con hiểu được điều đó bởi, không quảng đại thì không thể rải khắp ân trạch. Nhưng cũng cho phép ta được nói nốt những suy nghĩ của mình. Lòng người nói chung là sâu hiểm hơn sông núi, khó biết hơn trời, vì trời còn có hạn kỳ xuân, hạ, thu, đông, sớm mai, chiều tối, nhưng người thì bề ngoài kín đáo mà tình cảm sâu thẳm khó dò. Ví như lúc đầu nhìn thấy con, ta đã sợ con sẽ trả thù mà giết ta, hay chí ít cũng tố cáo ta. Con đã không làm điều đó mà còn cứu sống ta. Ta xin lỗi con vì đã nông nổi hàm hồ…

– Ông chớ nói thế, tôi chỉ thực hiện lương tri của người bác sỹ…

– Con ạ, hãy tin ta đi. Với tấm lòng bao dung độ lượng, con sẽ thu về mình rất nhiều thứ tốt đẹp. Bởi ta nghiệm thấy rằng nếu công khai làm ác sẽ bị người đời trừng phạt, lén lút làm ác sẽ bị quỷ thần trừng phạt… Thánh nhân trở về với cái đẹp của trời đất và thông đạt lý lẽ của vạn vật. Chí nhân ở lại trên dương thế làm việc mà không suy nghĩ thiệt hơn, không hiềm khích hằn thù. Con là bậc chí nhân của ta và của những ai may mắn gặp con trên đường đời…

Rồi chẳng biết ông già đã nói gì với giáo sư bác sỹ trưởng khoa Dupont mà một hôm, ông mời Hùng đi ăn trưa bên ngoài, trong một nhà hàng gần bệnh viện.

– Hùng này, còn mấy tháng nữa thì cậu kết thúc khóa tu nghiệp nhỉ ? – ông hỏi.

– Dạ, thưa anh, còn tháng rưỡi nữa ạ.

– Ông già André Lefèvre ngày mai ra viện rồi ! Ông ấy đã kể cho tôi nghe những gì liên quan giữa cậu và ông ấy…

– Vâng. Có chuyện gì không anh ?

– Tôi đã quan sát cậu ngay từ những ngày mới đến, và nhất là cuộc phẫu thuật vừa qua. Cậu đúng là một bác sỹ chân chính. Đây không phải là lời khen sáo đâu, mong cậu hiểu cho. – Dupont nói thêm.

– Cám ơn lời động viên của anh ! – mặt Hùng ửng đỏ.

– Nếu cậu muốn, tôi sẽ trực tiếp đề nghị giám đốc bệnh viện tuyển mộ sau khi kết thúc khóa tu nghiệp. Cậu sẽ chính thức là bác sỹ của bệnh viện và là đồng nghiệp của tôi…

– Anh ạ, trước tiên tôi xin cám ơn thịnh tình và niềm tin  tưởng anh dành cho tôi. – Hùng ngắt ngang lời Dupont, ánh mắt anh rõi nhìn ra xa. Ngoài kia trời nắng đẹp, khách bộ hành đi dạo đông trên vỉa hè, trong lối dẫn ra công viên. Từng đàn chim câu đang sà xuống nhặt những mẩu bánh mà mấy bà già rắc xuống cạnh gốc cây. – Như anh biết đấy, – Hùng nói tiếp, nghề của chúng ta là cứu người mà không phân biệt đẳng cấp hay màu da. Ở đây hay ở bất kỳ nơi nào khác thì đều là chữa bệnh cho con người. Tôi sẽ rất vui được là đồng nghiệp của anh, nhưng tôi thiết nghĩ đất nước tôi cần tôi hơn…

– Tùy cậu thôi, – ông Dupont nhoài qua bàn, đặt tay mình lên mu bàn tay Hùng và nhìn thẳng vào mắt anh. – Cậu nói đúng, ở đâu thì trách nhiệm của người bác sỹ cũng là cứu người. Tôi tôn trọng quyết định của cậu. Dù sao, từ giờ đến khi khóa tu nghiệp kết thúc, nếu đổi ý thì cậu biết tìm tôi ở đâu…

– Đương nhiên rồi, một lần nữa cám ơn anh !

Rồi Hùng nói thêm : – Dù thế nào chúng ta vẫn là đồng nghiệp kia mà, đúng không ?!

Đêm đó, đứng trước ô cửa sổ mở rộng, Hùng ngước mắt nhìn lên bầu trời sáng trong lấp lánh những vì sao huyền ảo. Vầng trăng đã lảnh lót hiện ra trước mặt anh. Đèn pha trên đỉnh tháp Ép-phen cũng bị ánh trăng khỏa lấp. Xa xa, một vì sao băng bay loang loáng, quét vết dài trên nền trời thăm thẳm. Lòng nhẹ nhõm, anh mở máy tính, gửi cho Hà – người yêu anh một bức thư dài thông báo ngày anh về, và nếu cô đồng ý, họ sẽ làm lễ cưới ngay trong năm.

Paris tháng 03 năm 2014

Hiệu Constant



[1] Nhà văn Pháp, đoạt giải Goncourt năm 1905 với tác phẩm Những người văn minh (Les Civilisés)

[2] Nhà văn Pháp gốc da đen. Ông đoạt giải Goncourt năm 1921 với tác phẩm Batouala.

Exit mobile version