Đoàn Minh Tâm là nhà phê bình trẻ thường ứng dụng con mắt phân tâm học vào phê bình. Tập sách đầu tay của anh thể hiện rất rõ điều này. Tuy nhiên anh khẳng định không theo đuổi phân tâm học một cách khiên cưỡng, “cố đấm ăn xôi”.

– Người ta vẫn nói, làm phê bình không nên ra sách dưới 30 tuổi, có phải vì thế mà anh chờ đến khi vừa chạm tuổi 30 để in tập sách đầu tay?

– Có lẽ đúng như thế, xưa nay tôi vẫn theo quan niệm của Khổng Tử “tam thập nhi lập”. Ra muộn hoặc sớm quá theo tôi đều không nên. Cứ tuổi nào làm việc ấy, thuận với tự nhiên là hay hơn cả. (Cười)

– Nếu đọc tập “Văn học trẻ như tôi hình dung” sẽ có người bảo, Đoàn Minh Tâm chỉ dám viết về tác phẩm của những người trẻ chứ ít dám “sờ” đến các “cây cao bóng cả”. Ý kiến của anh thế nào?

– Thì tôi đã làm đúng ý đồ của mình, viết về những người cùng thế hệ. Tôi rất thích câu nói của nhà phê bình Hồng Diệu “Thời đại nào, phê bình ấy”. Phê bình văn học nên gắn với những người cùng thế hệ mình. Còn các bậc “cây cao bóng cả” tôi cũng có viết nhưng đúng là còn thưa thớt và cũng chưa công bố nhiều.


Tác giả Đoàn Minh Tâm.

– Tôi muốn nói đến những “cây cao bóng cả” đang hoạt động văn học thuộc thời đại chúng ta đang sống. Có điều gì khiến anh ngần ngại khi tiếp cận với tác phẩm của họ?

– Chắc trong thời gian tới tôi sẽ viết nhiều hơn về “các cụ”. Tôi nghĩ cũng đã đến lúc mình nên mở rộng “phạm vi phủ sóng”. Sự ngần ngại như anh nói thì có nhưng nó không đến từ phía tác giả mà chủ yếu ở khía cạnh chuyên môn. Là “cây cao bóng cả” nên tác phẩm của họ có nhiều người viết: nhà phê bình, bạn bè văn chương, sinh viên làm khóa luận, người làm cao học, nghiên cứu sinh… rất khó biết và tìm đọc được hết được. Tôi ngại nhất là khi vừa viết ra lại bắt gặp một bài viết khác có cùng ý tưởng, luận điểm đăng trước bài của mình.

– Khi công bố các bài viết phê bình tác phẩm có khi nào anh gặp phản ứng ngược từ phía tác giả?

– Có chứ, nhưng tôi coi đó là chuyện bình thường. Thậm chí nếu lâu lâu không gặp phản ứng ngược thì lại thấy… nghi nghi vì nó không giống hoạt động phê bình văn học cho lắm.

– Làm phê bình không thể không “đụng chạm”, không chỉ với các tác giả có tác phẩm được phê bình mà còn với ngay các đồng nghiệp. Anh đã gặp sự cố nào chưa?

– Tôi hiểu chữ “đụng chạm” đựng trong ngoặc kép của anh. Nếu theo nghĩa trong ngoặc kép thì chưa và tôi cũng hy vọng nó không xảy ra, nhưng tôi có khá nhiều cuộc tranh luận học thuật với các đồng nghiệp, tranh cãi có lúc ác liệt trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Trong khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội nhân văn, không ai có thể vỗ ngực mà cho rằng mình là “duy ngã độc tôn”. Cần biết lắng nghe những ý kiến tranh biện từ phía đồng nghiệp.

Phê bình văn học hiện nay đang có nhiều tranh luận khá nóng với nhiều ý kiến “bắt bệnh” khác nhau. Từ góc nhìn của một người làm phê bình trẻ, anh thấy những ý kiến đó thế nào?

– Tôi nghĩ bắt bệnh thì dễ, nhưng chữa bệnh mới khó.

– Là người theo đuổi phê bình phân tâm học từ khá lâu, anh có thể nói một chút về phương pháp nghiên cứu văn học này?

– Nói là theo đuổi thì cũng chưa hẳn đúng. Phân tâm học với tôi cũng chỉ là một phương pháp như nhiều phương pháp nghiên cứu, phê bình văn học khác. Có điều là tôi ứng dụng nó thường xuyên hơn các phương pháp khác thôi.


Trang bìa cuốn sách của Đoàn Minh Tâm.

– Phê bình phân tâm học không dành cho đại chúng, tại sao anh lại lựa chọn cánh cửa hẹp này để lập nghiệp?

– Tôi nghĩ không chỉ phân tâm học mà nhiều phương pháp khác cũng không dành cho đại chúng. Đa số bạn đọc (nếu có đọc) thì cũng chỉ quan tâm xem bài phê bình này hay hoặc dở thế nào chứ ít khi quan tâm đến việc bài phê bình đó viết bằng phương pháp gì. Đó là câu chuyện của giới nghiên cứu chuyên nghiệp. Như đã nói ở trên, do văn học đương đại có khá nhiều tác phẩm có thể áp dụng phân tâm học nên tôi sử dụng phương pháp này khá nhiều trong những ngày đầu theo nghiệp phê bình mà thôi. Dù có cảm tình nhưng tôi luôn coi phân tâm học chỉ là một trong những phương pháp nghiên cứu, phê bình. Thậm chí có lần tôi còn “hứa lèo” với GS Mã Giang Lân – thầy hướng dẫn tốt nghiệp – là sau khóa luận “Hàn Mặc Tử từ điểm nhìn phân tâm học” sẽ không bao giờ sử dụng phương pháp này nữa. (Cười) Nhìn chung, tôi thấy hợp với tác phẩm thì dùng, không thì thôi. Tôi chưa bao giờ “cố đấm ăn xôi” áp dụng phân tâm học một cách khiên cưỡng cả. Như thế vừa không đạt hiệu quả vừa phản cảm. Mà sự phản cảm của phân tâm học anh cũng biết rồi đấy: Rất ghê gớm.

– Tại sao anh lại có nhiều “cảm tình” với phê bình phân tâm học?

– Tôi tìm đến phân tâm học trước nhất với tư cách một phân môn của tâm lý học để lý giải một vài vấn đề mình còn thắc mắc, sau đó mới đến khía cạnh một phương pháp nghiên cứu, phê bình văn học. Có thể do nhờ giải quyết được một số khúc mắc nên tôi dành cho phân tâm học một số “cảm tình” nhất định.

– Tại Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII, trong tham luận của mình anh đã chỉ ra một số căn bệnh của dân sáng tác trẻ như lười lao động nghề nghiệp, ngủ quên trên vinh quang và chạy theo thị hiếu đám đông. Còn với dân làm phê bình trẻ, anh thấy có căn bệnh gì?

– Tôi không nghĩ những căn bệnh đó là của riêng người sáng tác. Tôi nói thế chắc anh hiểu ý tôi chứ.

– Thế anh thấy bản thân mình mắc những căn bệnh nào trong số những bệnh kể trên, và bệnh nào là “trầm kha” nhất?

– Cái này để người ngoài nhận xét có lẽ khách quan hơn. Bản thân tôi cũng tự thấy mình có nhiều “thói hư tật xấu lắm” nên ngày nào cũng phải lấy câu “ngô nhật tam tỉnh ngô thân” của người xưa để răn mình. Nhưng xem ra hiệu quả cũng chưa được cao cho lắm. (Cười)

– Người trẻ làm phê bình có nhiều khó khăn, nhưng theo anh khó khăn lớn nhất đối với họ là gì?

– Khó khăn thì có nhiều, nhưng tôi nghĩ khó nhất là giữ được tình yêu nghề.

Đoàn Minh Tâm sinh năm 1982 tại Hà Nội. Tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn – Khoa Sư phạm (nay là Đại học Giáo dục) – Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện làm việc tại Ban Lý luận phê bình, Tạp chí Văn nghệ quân đội. Anh theo đuổi mảng văn học đương đại và thường tiếp cận sáng tác của những nhà văn trẻ. “Văn học trẻ như tôi hình dung” là tập sách đầu tay của anh do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2012.

 

Nguồn: Evăn.vn

Exit mobile version