Giới thiệu tác giả.

Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn trẻ Lê Thị Kim Sơn.

Gồm các truyện ngắn sau:

1. Người trốn bão.

2. Làng.

3. Buổi trời nhuốm đỏ.

4. Cây cảm xúc

5. Phóng sanh

Nhà văn Lê Thị Kim Sơn sinh năm 1986, quê quán ở Hoàng Hoá, Thanh Hoá, hiện đang làm giáo viên dạy mĩ thuật tiểu học tại huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai. Bén duyên với văn chương đã khá lâu nhưng Lê Thị Kim Sơn viết khá lặng lẽ, không thích ồn ào phô diễn, mỗi tác phẩm như một lời giãi bày, tâm sự giống như Sơn đã từng nói về trang viết của mình: “Lời ngắn quá lại chưa đủ ý, lời dài nghe chừng lê thê quá, như một cuộc dạo chơi bất ngờ cất tiếng thở dài muốn giãi bày cũng ai đó”.

Năm 2012, truyện ngắn Những nụ cười bị đánh cắp của Sơn được bình chọn Top mười truyện ngắn hay của báo Văn Nghệ Trẻ. Truyện ngắn Giấc mơ lơ lửng được bình chọn Truyện ngắn hay nhất năm 2020 của Tạp chí Sông Hương. Năm 2020 là một năm đầy bứt phá của Lê Thị Kim Sơn khi ra mắt bạn đọc hai tập sách là tập tạp bút Hoa nắng Tây Nguyên và tập truyện ngắn Hẹn yêu.

Lê Thị Kim Sơn viết truyện theo cảm xúc, không bị bó buộc, hay ám ảnh thiết chế kỹ thuật viết, nên đọc truyện của Sơn không bị khô cứng và sáo ngữ. Với lối viết nhẹ nhàng, cùng đồng cảm, ngậm ngùi và cùng giằng xé với số phận của nhân vật, Sơn khiến cho độc giả cảm thấy xót xa hơn cho từng cuộc đời, những tấn bi kịch trong cuộc sống hiện đại, khiến người đọc chạm đến nhiều cung bậc cảm xúc, suy tư về những mất mát trong cuộc đời và giúp người đọc biết trân trọng hơn giá trị của tình yêu, cuộc sống.

CÂY CẢM XÚC

Truyện ngắn Lê Thị Kim Sơn

– Ối làng nước ơi! Nó giết con trai tôi, nó giết con trai tôi rồi! Tiếng rú đột ngột xé toang màn đêm yên tĩnh, bà lao công hốt hoảng buông rơi cây chổi, dáo dác nhìn xung quanh tìm tiếng kêu, có tiếng vỡ loảng xoảng của kính, tiếng thình thịch của những bước chân chạy qua, chạy lại trên lầu của căn nhà trước mặt bà lao công. Hàng xóm bắt đầu bật dậy, mở đèn, rồi lao đi tìm chìa khóa, lật bật ngó ra ngoài, xôn xao, ồn ào. Có người chỉ có cái quần tà lỏn trên người, dép còn xỏ chiếc này chiếc kia đã vội lao sang ngôi nhà đang cất ra tiếng kêu váng trời thảm thiết kia. Cánh cửa kiên cố loảng xoảng, khóa mở ra, mọi người túa vào, trên lầu có ba người đang xúm xít lại khiêng một thân hình bất động, mấy ông con trai lập tức lao lên phụ giúp người bị nạn, các bà lại tiếp tục ồn ào, nhốn nháo, “Sao, sao thế? Gọi xe, gọi xe cấp cứu, gọi xe mau lên”. Bà lao công cũng chen vào bên cửa nhìn vào, thấy dòng người vẫn hối hả, ồn ào, kêu khóc, lao nhao, đi theo người bị nạn, bà nhìn thấy cô, gương mặt xanh lét, bủn rủn người nép trong góc tối cầu thang, chả ai để ý. Bà nhớ lại gương mặt bà nhìn thoáng qua nơi tấm ảnh cưới treo phòng khách, cô gái có vẻ là con nhà này và đang hoảng sợ. Bà bước tới, nắm tay nhằm an ủi cô gái, cô run sợ nép vào bà, lập cập va những chiếc răng vào nhau, bà cố gắng xoa hai bàn tay lạnh ngắt của cô cho ấm hơn, nhưng không thể.

Những ngày như mơ đó có quay về được không? Đôi chân không chạm được vào hiện thực, con người thật ra không còn sống nữa, chỉ còn hơi thở tàn tạ phả vào nhau vô ý như tự mình phả hơi vào ô cửa kính mùa đông. Bàn tay lạnh ngắt thèm một làn hơi ấm, cầm được nắm lấy, vỗ về, ủ ấm mà không được. Chi miết đôi môi son của chính mình vào bàn tay từng yêu thương lạnh lẽo đó, mà chảy dài nước mắt, mà trải dài đau thương. Làm sao có thể đi được hết cuộc đời này với nhau đây, đã từng xuất hiện yêu thương, đã từng là yêu thương, đã từng có yêu thương mà hiện giờ không thấy dấu vết, không có dấu vết và không còn dấu vết. Nếu có thể ngủ vùi đi, ngủ đi mãi mãi bên nhau như vậy Chi cũng yên lòng, nếu chỉ đơn giản như thế mà cùng anh đi đến hết cuộc đời này thì như vậy là quá dễ dàng. Giọt nước mắt tràn ly, ngoài kia gió, ngoài kia mọi người vẫn sống, ngoài kia có tiếng cười, còn trong căn phòng cưới hạnh phúc của Chi chỉ có nước mắt, có uẩn ức, có dằn vặt, có khổ đau, không có yêu thương. Ngoài kia gió, ngoài kia vẫn gió, Chi yêu gió, anh cũng yêu gió, nhưng giờ, chính Chi cũng chỉ có thể chạm vào gió qua ô cửa sổ nhỏ kia thôi. Chi bí bách, Chi muốn ra ngoài với gió, chỉ một chút, một chút thôi, Chi muốn được gió bao bọc, Chi muốn được gió ôm ấp, Chi muốn được gió vuốt tóc, muốn được gió thay anh lau khô đi giọt nước mắt yêu thương đang cạn dần trong Chi. Chi đẩy cửa, cánh cửa bị khóa, Chi quên mất, mỗi tối bước về căn phòng này, Chi sẽ chỉ còn ở trong bốn bước tường, Chi không được ra, Chi không cần phải ra ngoài làm gì – mọi người ngoài kia nghĩ vậy.

Cái cây vẫn cười đùa với nắng, cái cây vẫn cười đùa với gió, nụ cười tinh khôi. Cái cây cười ngỏn ngoẻn, ăn thìa cơm được xúc, cười vung vãi với vệt nắng lay động trong căn phòng. Cái cây cũng cần tình yêu, cái cây cũng cần được chăm sóc, nhưng cái cây này không thể cho Chi gió, cũng không cho Chi bóng mát, không cho Chi chút hoa thơm hay trái ngọt nào, còn không cho Chi một chút không khí gọi là trong lành. Mà cái cây này đang bòn rút sinh lực Chi, đang bắt Chi phải chăm sóc, phải hầu hạ, và tranh chấp cuộc sống với Chi. Nó là một thứ cây tầm gửi không hơn không kém, phải rồi, Chi trợn mắt quay lại nhìn cái cây, nó là cây tầm gửi, nó đang bám trên người Chi, đang hút hết sức sống của Chi, đang xiết chặt nhằm giết chết Chi. Chi phải làm gì đó, làm gì đó để thoát khỏi cái cây tầm gửi này.

Chi trở nên nhạy cảm điên cuồng, bước vào bất cứ căn phòng nào cũng khiến Chi bất an, Chi luôn lấm lét nhìn quanh, quan sát kĩ căn phòng mà mình sắp bước vào. Dù cho đó có là tolet đi chăng nữa, Chi đều muốn chắc chắn, sẽ không có tiếng khóa, sẽ không có ai có thể nhốt Chi trong đó. Bất cứ khi nào bước vào một căn phòng, Chi đều dựng hết tất cả  mọi giác quan lên, căng nó ra, để lắng nghe, để nhìn, để hít thở, để nếm trải, để quờ quạng chệch choạng đôi chút xem trong tiếng cửa khép sau lưng Chi có ai đang rình rập, lẩn khuất, để bấm chốt một khóa to đùng nào đó không. Chi bị ám ảnh đến mụ mị đầu óc, căn phòng của Chi và cái cây. Chi muốn ngợp thở.

Nước mắt chảy mòn vào vệt thảm não, giấc ngủ không mong đợi của cơn gió hiếm hoi ngày hè, căn phòng ngột ngạt được thay đổi đôi chút, tấm rèm mỏng thổi tung lên, nhẹ nhàng, lướt qua người Chi, cô vẫn không ngủ, đêm thứ mấy rồi, cô không biết, cô muốn gào khóc cho thỏa, cô muốn được san sẻ cho vơi, mọi thứ trong Chi giờ đã căng cứng, chật đầy mọi kỉ niệm về Thắng, mọi giáo lý của cha mẹ, tình cảm vợ chồng chưa kịp thành hình đã biến mất, sợi dây nối Chi với gia đình chồng thì mỏng manh và thoi thóp, ai cũng đúng, ai cũng có lý, quầng mắt Chi tối đen. Chỉ có Chi là không đúng, chỉ có Chi là bội bạc, là tồi tệ, chỉ có Chi là con đàn bà hư hỏng. Chi cuộn mình, không cựa được, căn phòng không còn tiếng thở, Chi xanh xao như lá, Thắng xanh xao như lá, hai con người đã chết từ lâu, chỉ là khác trạng thái đôi chút, chỉ là thay thế nhau đôi chút. Vì là hai cái xác, nên yêu thương giờ cũng không có, muốn nhìn ngắm nhau cũng không thể, đôi mắt Chi đã trống rỗng, Chi không thể nhìn thấy đường nét yêu thương trên con người nằm trên giường với Chi, mùi tử khí muốn bốc lên bao quanh Chi, muốn trùm lấy Chi, muốn nhấn Chi chìm sâu trong cơn lũ trầm cảm, nhưng lại như một thói quen, Chi lần đến bên giường, cố đỡ lấy cái cây xanh lét, bất động nặng nề ra khỏi giường, kiểm tra bỉm, rồi lại nhanh chóng như một thói quen, một thao tác bất định, Chi dìu cái cây vào tolet, cọ rửa, thay bỉm. Bàn tay vẫn nhịp nhàng lau rửa, mà không cảm giác, chỉ là thói quen, chỉ là vô thức, hai năm, mới có hai năm mà cuộc sống của Chi đã trở thành vô thức.

Tại sao? Tại sao tất cả mọi người lại quay lưng lại với Chi, bỏ Chi với bóng tối, với bốn bức tường u ám, với nỗi tuyệt vọng đang gậm nhấm dần dần thân thể Chi thế này? Chi cũng muốn nằm đó, hơn một ngàn lần Chi ước mình là người nằm đó, nhưng không thể, không thể thay đổi sự thật, người nằm đó là Thắng, người bất động đó là Thắng. Cái tai nạn nghiệt ngã ngay ngày về của tuần trăng mật biến một con người sôi nổi, tràn đầy yêu thương như Thắng bất động, hôn mê sâu, và giờ thành một đứa trẻ ngây ngô luôn cần người chăm bẵm. Biến Chi từ cô dâu ngất ngây hạnh phúc, vui vẻ, nồng nàn với cái nhìn tin tưởng thẳng thớm vào cuộc đời thành một người u uất, luôn cắm cúi đi, cắm cúi sống, cắm cúi ậm ừ cho qua những trách nhiệm, những lời an ủi vẫn ngày ngày tháng tháng tràn vào Chi mải miết như cơn lũ không điểm dừng.

Có buổi sáng tinh mơ, có tình yêu lộng lẫy, có ngày cưới hạnh phúc, hạnh phúc thật sự vì tình yêu hiện diện, tình yêu được chúc phúc, con người đang hân hoan với hạnh phúc của mình, với tiếng nhạc, tiếng cười, tiếng leng keng của những chiếc ly chân cao trong veo như ánh sáng. Chi rạng người hạnh phúc trong chiếc váy trắng tinh khôi, Thắng ngập tràn hạnh phúc khi nhận được tay Chi từ tay bố Chi để sánh bước vào lễ đường hạnh phúc. Tất cả như mới đây thôi, và giờ đây như những thước phim không thật đang chiếu đi, chiếu lại trong đầu Chi. Bóp nghẹt Chi trong những yêu thương mắc kẹt. Thắng vẫn đây, Chi vẫn đây mà có thế Thắng không ở đây, Chi cũng không còn ở đây nữa, có lẽ cả Chi và Thắng đều đã mắc kẹt ở cái kí ức đó và lạc mất nhau. Chi quay sang Thắng, anh vẫn cười ngô nghê, không một chút chú ý vào màn hình tivi đang quay lại chính anh và Chi rạng rỡ trong tiệc cưới, dường như Thắng không thể để tâm vào điều gì ngoài con thú đồ chơi băng cao su nhỏ xíu anh đang cầm trên đôi tay to bè của mình.

“Nước mắt màu lam, vành khăn màu trắng, vành khăn yên ắng, đứa trẻ không reo”, Chi lẩm nhẩm như người mộng du, bước chân sau giờ làm của Chi không bước về phía cửa trước mà giật lùi về phía cửa hậu của tòa nhà, Chi né mọi ánh nhìn, Chi đã quen nhìn xuống, Chi chỉ lẩm nhẩm, cố bước thật nhanh về phía cửa sau. Thoát ra khỏi cánh cửa thoát hiểm nhỏ hẹp, vẫn một khung đường, vẫn ngang dọc người, chen lấn vội vã, nhưng không phải thấy ai đợi. Chi thở dài, sải bước, phải nhanh lên thôi, phải chạy thôi, nếu không Chi sẽ không kịp mất, Chi đã không kịp Chi từ lâu lắm rồi. Phải nhanh lên, nếu không mọi người sẽ đổ xô đi tìm Chi mất, Chi sẽ bị đem ra xử, đem ra đàm tiếu, đem ra giễu nhại về một tấm gương không ra gì, một con đàn bà hư hỏng, ích kỉ. Phải, Chi hư hỏng, Chi chạy thật nhanh. Không ngoái lại, bắt kịp chuyến xe bus vừa trờ tới, đôi chân Chi như muốn rủn ra, cũng đã lâu lắm rồi, Chi không được ngồi trên một phương tiện tầm thường như thế này. Chi luôn được đưa đi đón về để đảm bảo Chi không thoát khỏi ràng buộc đó, để đảm bảo Chi không thể chạy trốn, Chi đưa tay lên ngực, kìm giữ ở đó một tiếng rên khe khẽ. Chi nhắm mắt lại, không nhìn dáo dác ra đường, mà lặng im nhắm mắt, nhắm mắt để tận hưởng cảm giác giải thoát đôi chút. Chi bắt đầu thấy lo sợ về kế hoạch bỏ trốn của mình, người đi đón Chi đã nhận ra là Chi đã bỏ trốn chưa? Mọi người trong công ty đã xì xào gì chưa? Bố mẹ Chi đã biết chuyện chưa?

Những công việc lặp đi lặp lại nhàm chán, kéo dài triền miên, ức chế đến cuối ngày, trở mặt ra khỏi đống công việc bừa bộn ở công ty, là lại thấy có người chờ sẵn, đưa đi đến nơi, đón về tận chốn. vừa bước chân vào phòng là lại lau dọn, là lại làm những công việc không tên mang nghĩa vụ của người vợ, mà tê tái. Còn tê tái hơn, khi xong bữa ăn, dọn dẹp chén bát bước về phòng, tiếng bấm khóa cửa lạnh lùng phía ngoài như nuốt trọn Chi trong hoảng loạn. Lại những đêm triền miên mất ngủ, đợi trời sáng, đợi ngày sáng, tiếng lách cách mở khóa, một khuôn mặt nào đó mở ra, dáo dác nhìn vào xem cái cây mà Chi chăm sóc đã tươm tất gọn gàng chưa, rồi mới e hèm, như ra hiệu, Chi sẽ cun cút bước theo, mang theo cái cây xuống nhà ăn sáng cùng những gương mặt nửa quen nửa lạ. Sau đó lại thun thút lên xe, để được một trong những người quen lạ này chở đến công ty, và rồi buổi chiều lại xuống cổng, ngoan ngoãn lên xe, trở về nhà, lại lạnh người trươc tiếng khóa khi bước chân về phòng.  

Nếu có khóc được, Chi sẽ khóc, những tháng ngày đã qua có thật, thật đến muốn xé tung Chi ra để chia cho đủ, những yêu thương bên Thắng, ngày đầu tiên hẹn hò, nụ hôn đầu tiên dưới góc khuất cầu thang tối của giảng đường, ngày Thắng cầu hôn Chi, ngày Chi e lệ khoác chiếc áo cưới, đoạn phim vui vẻ, đoạn phim yêu thương chỉ quay được tới thế, rồi khựng lại. Đứt hẳn, khoảng trống nặng nề xuất hiện sau những thước phim lại đẩy Chi vào những cơn trầm cảm nặng nề hơn. Chi không thể ngủ, Chi bắt đầu đi qua đi lại, Chi chỉ có thể đi qua lại, căn phòng chật hẹp đang phải chia thêm không khí cho cái cây xanh lét mà Chi chăm sóc, mà ban đêm theo Chi nhớ, cây xanh sẽ không quang hợp mà chỉ thải ra khí CO2, vậy là cái cây mà Chi đang chăm sóc đang tranh giành không khí với Chi. Chi quay ngoắt lại nhìn cái cây, nó vẫn đang trồi lên, hạ xuống theo một nhịp thở rất lạ, một cái cây kì dị, Chi tiến lại gần, đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ của Chi bỗng trở nên sáng rỡ, cái ánh sáng lấp lánh, vui vẻ đến ngỡ ngàng. Chi sẽ quẳng cái cây này đi, Chi không cần cái cây này, Chi không thích cây xanh nữa, Chi sẽ nuôi một con thú, nó sẽ biết quấn chân Chi, sẽ biết ve vuốt Chi mỗi khi Chi buồn, và quan trọng hơn là Chi sẽ không bị mọi người lên án khi chối bỏ một con thú cưng. Đúng rồi, Chi thật rồ dại, có thế mà cũng không nghĩ ra, cứ để mình phải quanh quẩn với những u mê lẩn khuất, đáng lẽ căn phòng này không cần có cây xanh, Chi sẽ nói lại với Thắng. Chi hăm hở, Thắng sẽ chở Chi đi chọn một con thú về nuôi, Thắng sẽ chiều Chi. Nhưng trước tiên, trước tiên Chi phải nhổ cái cây này ra khỏi phòng đã, cái cây này làm Chi ngột ngạt quá rồi.

Lại một vụ án chấn động, dư luận xôn xao, người người ồn ào, lên án người vợ độc ác định ra tay sát hại người chồng bị tai nạn của mình. Chẳng có ai trong cái chăn của Chi để biết trong chăn có rận, chẳng có ai ở vào hoàn cảnh của Chi để biết vì sao một ngày sau vụ bỏ trốn bất thành Chi lại ra tay định bóp cổ người chồng của mình. Mà quan tâm làm gì, mọi chuyện rồi cũng sẽ qua, vì Chi bây giờ, có nụ cười ngây ngô như Thắng, vì Chi bây giờ cũng chỉ là cây cỏ xanh lét yêu thương chả mang theo bất kì triết lý đạo đức nào, và triết lý đạo đức cần làm gì khi Chi đang lơ đãng trong trại tâm thần. Bản tóm tắt bệnh án ngắn gọn: Bệnh nhân nữ, 28 tuổi, khởi phát bệnh cách một ngày, nhập viện với lý do: Kích động, có ý định giết người. Biểu hiện lâm sàng với các triệu chứng sau: Hoang tưởng nghi hại, không ngủ được, cảm xúc không ổn định, sợ bị chốt khóa trong phòng kín, có ảo – tưởng ảo giác. Chẩn đoán xác định: Tâm thần phân liệt.