NGUYỄN HỮU QUÝ

Hoạt động ngoại khóa của sinh viên khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí MInh).

LTS – Vấn đề đào tạo viết văn, bồi dưỡng tài năng sáng tác theo mô hình trường lớp… đang được nhìn nhận với những điểm khác nhau khá thú vị. Nhân dịp Trường ĐH Văn hóa Hà Nội vừa tổ chức hội thảo “Đào tạo tài năng sáng tác văn học” với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu, sáng tác, Thời Nay xin giới thiệu bài viết – ý kiến của đại tá – nhà thơ Nguyễn Hữu Quý. Tên bài do tòa soạn đặt.

1/ Tại hội thảo mà chúng tôi vừa tham dự, những ý kiến tham luận đã xoáy sâu vào các vấn đề chính đối với việc đào tạo tài năng sáng tác văn học như: tiêu chí tuyển chọn sinh viên tài năng; tiêu chí mời người giảng dạy và nội dung chương trình ra sao cho phù hợp để đạt hiệu quả cao.

Với tư cách một nhà thơ từng làm biên tập ở tạp chí Văn nghệ quân đội nhiều năm và đã được Khoa Viết văn – Báo chí, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội mời tham gia tuyển sinh, thỉnh giảng, hướng dẫn sinh viên hoàn thành tác phẩm tốt nghiệp một số khóa, tôi cảm nhận, việc đào tạo tài năng sáng tác văn học là thách thức không nhỏ.

Nhiều người cho rằng không thể đào tạo ra tài năng. Điều đó cũng có nghĩa là khó đào tạo ra nhà văn. Tài năng là cái trời phú, khó ai dạy dỗ nên để trở thành nhà văn đích thực, ngoài các kiến thức nền tảng học được, còn cần đến năng khiếu sáng tạo văn chương. Ngay đến một nhà văn thì không phải lúc nào, bao giờ cũng sinh hạ được những sáng tác ưng ý. Tôi thường nghe các nhà văn ví việc sáng tác như chuyện đi câu vậy; may mắn trời cho bắt được cá lớn, còn có khi cả đời chỉ túm được cá bé, tệ hại hơn chỉ là đám ròng ròng tí xíu lăng xăng.

Tuy nhiên, với việc đào tạo sáng tác, theo tôi, chúng ta chỉ nên giới hạn một cách khiêm nhường ở phạm vi phát hiện, chăm sóc, bồi dưỡng, tạo môi trường cho những ai có năng khiếu rõ rệt về sáng tác văn chương đi đúng con đường và thực hiện được ước mơ đẹp đẽ của họ.

2/ Trước hết là phát hiện tài năng. Nói chuẩn xác hơn là năng khiếu. Tôi nghĩ, năng khiếu sáng tạo văn học của mỗi người thường thể hiện ở sự đọc (cảm thụ tác phẩm) và sự viết (sáng tác) của họ. Ở giai đoạn khởi đầu đừng cầu toàn, chỉ cần thấy trong tác phẩm của những người đăng ký tuyển sinh có những điểm sáng, những chấm mới lạ, ta phải để tâm ngay. Có khi thầy phải đi tìm trò chứ không phải lúc nào trò cũng tìm tới thầy. Phát hiện những tài năng văn chương ở đâu? Đó là các trường chuyên, các hội văn nghệ địa phương và có thể nhờ vào sự giới thiệu của các nhà văn. Đương nhiên, việc tuyển chọn phải thực hiện thật nghiêm túc. Một tác phẩm của người dự tuyển nhất thiết phải được sự thẩm định của những nhà văn có uy tín, sau đó đưa ra hội đồng xét chọn.

3/ Quá trình học tập để thu nhận kiến thức nền tảng về khoa học xã hội nhân văn và cả khoa học tự nhiên nữa nếu thấy cần thiết, cũng là quá trình thực hành sáng tác văn chương. Trong thực hành sáng tác, sinh viên cần có những nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình uy tín theo dõi, trao đổi góp ý. Nhà văn sẽ trở thành bạn đồng hành thân thiết của sinh viên. Nếu được thì mỗi nhóm sinh viên khoảng hai đến ba người chọn cho mình một nhà văn làm bạn đồng hành.

Chương trình đào tạo phải toàn diện nhưng nên nghiêng về thực hành. Những nhà văn tương lai không thể không có hiểu biết cơ bản về triết học, lịch sử văn học thế giới và Việt Nam, các trường phái, trào lưu văn học… Nhưng rất cần thiết phải có môi trường để nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo và được trang bị những kỹ năng viết văn. Vì thế, cần ưu tiên thời gian và dung lượng cho những bài học về kỹ năng ứng dụng trong viết văn. Tài năng sáng tác văn học thể hiện rõ nhất ở khả năng tưởng tượng, hư cấu, của người cầm bút nhưng không vì thế mà coi nhẹ sự thâm nhập cuộc sống của họ. Tại sao văn học tư liệu, văn học ký ức lại đang phát triển và thu hút bạn đọc ngày càng lớn như hiện nay! Đời sống là chất liệu không thể thiếu được của người cầm bút.

Điều tôi muốn nói thêm, không có nhà văn lớn nào lại không có tư tưởng tiến bộ và gắn bó với số phận dân tộc và nhân dân mình. Mọi sự thoát ly, quay lưng lại với Tổ quốc và nhân dân chắc chắn không mang lại thành công cho sáng tạo văn học.

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài