Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin đươc giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Đào Quốc Vịnh.

Gồm các truyện sau:

1. Ngọc bút vẫn nở hoa

2. Hào quang của đất

3. Mối tơ vò

4. Cạm bẫy

5. Giấc mộng buồn

Nhà văn Đào Quốc Vịnh

Sinh năm 1955

Quê quán: Hà Nội.

Thời phổ thông, ông đang học cấp 3 thì nhập ngũ. Sau hai năm phục vụ trong quân đội, ông được xuất ngũ trở về địa phương, và theo cha đi làm thợ mộc.

Đầu năm 1974 ông quay lại học nốt chương trình phổ thông tại Trường cấp 3 Dương Xá, Gia Lâm Hà Nội, rồi thi vào khoa Văn Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội.

Vì đạt điểm thi cao, ông được gọi vào học tại khoa Lưu học sinh Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, nhưng vì những lý do của thủ tục hành chính lúc bấy giờ, ông nhận giấy gọi đại học và nhập học muộn hai tháng, nên phải chuyển sang học khoa tiếng Nga hệ đào tạo trong nước của Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.

Tốt nghiệp đại học ông được phân công lên làm giáo viên dạy tiếng Nga tại Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Việt Bắc, sau đó chuyển về công tác tại một đơn vị trực thuộc Bộ Nội Thương, sau thành Bộ Thương Mại và nay là Bộ Công Thương.

Vốn là một người yêu và khát vọng được dấn thân vào con đường văn chương từ khi còn cắp sách đến trường, nhưng vì những thăng trầm của cuộc sống mưu sinh, mãi đến khi đã ở độ tuổi xế chiều, bước sang phía dốc bên kia của cuộc đời, ông mới cầm bút. Ông sáng tác thơ, từ thơ lục bát, đến thơ tự do, thơ dành cho thiếu nhi.

Ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020 và tiếp tục sự nghiệp văn chương của mình khi lấn sân sang sáng tác văn xuôi từ truyện ngắn đến tiểu thuyết. Nhưng dù là làm thơ hay viết văn, thì trong mỗi trang viết của ông vẫn mang hơi thở của cuộc sống đương đại, với những chất liệu sống ngồn ngộn mà một đời lăn lộn, làm nhiều nghề, đến nhiều nơi để kiếm sống nuôi thân đã chất chứa trong ông.

Cho đến nay, sau gần năm năm cầm bút, ông đã cho ra đời được tám tác phẩm văn học, trong đó có sáu tập thơ, một tập truyện ngắn và một tiểu thuyết dành cho thiếu nhi, ngoài ra là những tác phẩm văn học thuộc thể loại thơ và truyện ngắn đăng rải rác trên các báo trung ương và địa phương.

Tác phẩm đã xuất bản:

Cây ngọc bút vẫn nở hoa – tập thơ, NXBHNV 2018; Tình thơ – tập thơ NXBHNV 2019; Ước mơ của em – tập thơ thiếu nhi NXBHNV 2020; Em yêu nhà mình – tập thơ thiếu nhi NXBHNV 2021; Trăng Thề – tập thơ NXBHNV 2022; Hào Quang của đất – tập truyện ngắn NXBHNV 2022; Những Đôi Mắt Khoảng Trời – tập truyện NXBHNV 2023; Nắng Trong Mưa – tập thơ NXB HNV 2023.

Khi nói về mình, ông từng viết, “ta như ngọn nến bỏ quên”.

Ngọn nến văn chương Đào Quốc Vịnh đã bùng lên ngọn lửa tận hiến và sẽ tiếp tục mang đến cho bạn đọc những tác phẩm thơ, và văn xuôi trong những dự án mà ông đang theo đuổi thực hiện.

Cạm bẫy

Thắng nhìn tôi dò hỏi. Cứ như anh chưa bao giờ gặp tôi. Đôi mắt Thắng đờ đẫn. Tôi cảm thấy nhói đau tới tận tâm can. Cuộc đời sao lại có thể tàn độc đến vậy. Sự dối trá, sự lừa đảo, sự vô pháp, vô luật lệ đã dồn đẩy Thắng trở thành một con người tàn phế hoàn toàn về tâm hồn. Anh ngờ vực tất cả những ai bỗng dưng xuất hiện, bỗng dưng nở nụ cười thiện ý với anh. Dường như nằm bên trong cái vẻ bề ngoài tàn phế đến ngu ngơ ấy là một trái tim luôn cảnh giác. Cảnh giác với vợ. Cảnh giác với con. Cảnh gác với hết thảy bạn bè. Bởi với anh, xung quanh chỉ là cạm bẫy…

***

Chuyện đã từ lâu, lâu lắm, từ khi cái Thanh mới hơn hai tuổi. Hạnh để con bé ở lại Việt Nam với Thắng – chồng Hạnh, để đi thực tập sinh ở mãi tận Liên Xô.

Thắng đẹp trai, học giỏi. Anh là lưu học sinh học ở Liên Xô về nước với tấm bằng đỏ, được phân công về Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, rồi lên trên Việt Bắc làm giảng viên của một trường đại học. Anh gặp Hạnh cũng là giáo viên cùng trường. Hai người thường chuyện vui với nhau sau mỗi giờ tan học. Rồi họ yêu nhau, lấy nhau, có con gái đầu lòng là cái Thanh.

Thắng vốn là người thẳng thắn, hào hoa. Anh rất nghiêm túc trong công việc. Vì thế sinh viên học anh, nếu là người giỏi thì rất mến anh. Ngược lại, những cậu sinh viên lười học thì e ngại vì không bao giờ anh nhân nhượng với những cô cậu học trò lười học.

Thắng đưa con sang nhà trẻ rồi đi sang khu gang thép, vào nhà một người quen. Số là, người quen này có một cái tủ lạnh “Xa-ra-tốp” đã dùng một thời gian muốn bán. Cũng may là vừa hai hôm trước có một người cũng ngay bên gang thép ngỏ ý nhờ anh tìm giúp cái “Xa-ra-tốp”. Anh định xem xong sẽ lấy để giao tay ba luôn. Vợ đi thực tập sinh vắng, lương giảng viên mấy chục đồng nên hai bố con sinh hoạt cũng khó khăn. Mua ngay, bán ngay được một cái tủ lạnh Liên Xô hiệu “Xa-ra-tốp” cũng lãi được mươi đồng, gọi là thêm tiền đường sữa cho con Thanh. Ở cái trường này, chỉ có giáo viên cơ bản dạy các môn toán, lý, hoá là còn đi dạy thêm cho học sinh ôn thi đại học được. Các giáo viên dạy chuyên ngành thì đói. Kẻ không biết giữ mình, làm chuyện xấu như lo điểm chác cho sinh viên thì còn kiếm được chút ít chứ người nghiêm túc như Thắng thì chỉ có lương ba cọc, ba đồng thôi. Đi buôn bán vòng vèo có kiếm thêm một chút ít nhưng cũng đầy nguy hiểm. Tai tiếng đến bộ môn hay đến khoa là mất dạy như chơi. Thời ấy, người ta coi buôn bán lòng vòng là chuyện hết sức xấu xa, vi phạm đến đạo đức người thầy đứng trên bục giảng.

Thắng đạp xe đạp đến nhà người quen đặt mua chiếc tủ lạnh. Căn phòng trật ních người đang xúm quanh chơi tam cúc ăn tiền. Thoả thuận giá cả, cách thức thanh toán xong, người đàn ông cần mua tủ lạnh yêu cầu bạn bè giải tán, lấy tủ lạnh xong mọi người lại chơi tiếp. Thắng làm giá cái tủ còn 90% có giá là 80 đồng, yêu cầu đặt trước 30 đồng. Người đàn ông đưa cho Thắng 30 đồng. Thống nhất nếu đến nơi đúng hàng, đúng chất lượng mà bên mua không mua thì sẽ bị mất 30 đồng.

          Cả đám người còn chưa tỉnh khỏi cơn sát phạt vì những ván tam cúc kết tứ tử đen, cùng kéo nhau đi theo Thắng.

Khi đến nơi có chiếc tủ lạnh “Xa-ra-tốp” thì chủ nhà nhận ra người mà Thắng môi giới mua tủ lại là người cùng phân xưởng. Câu chuyện về mua bán khép lại. Thắng nháy mắt gọi người định mua hàng ra trả lại tiền đặt cọc. Anh nghĩ họ đều quen nhau, sao mình có thể ăn hoả hồng của họ được. Anh định bụng ra về thì cả chủ nhà và khách cố níu kéo bằng được anh ngồi lại.

Người chủ nhà nói vợ anh ta đi mua mấy thứ đồ nhắm và can rượu lậu về mời mọi người vui giết thời gian. Bữa rượu kéo dài đến nhập nhoạng tối. Thắng bỗng giật mình nhớ tới con Thanh đang còn ở nhà trẻ. Anh định đứng dậy về đón con thì mấy người khách lạ đi theo từ nhà người định mua chiếc tủ lạnh kéo anh lại, nói:

– Thầy giáo, anh bùng à? Trả lại tiền đặt cọc tủ lạnh đi, thầy giáo!

Thắng ngoái cổ nhìn, tìm người mà Thắng vừa trả lại tiền đặt cọc, nhưng không thấy anh ta đâu.

– Tiền nong gì các anh! Tôi trả lại anh ấy rồi! – Thắng nhẹ nhàng trả lời – Cho tôi về, tôi đón cháu kẻo muộn.

– Chờ tý đã! Chờ ông Tam về cái đã, cho rõ chuyện tiền nong rồi đi đâu hãy đi thầy giáo!

Đúng lúc ấy, người đàn ông có tên là Tam, người đã thoả thuận mua chiếc tủ lạnh đẩy cửa bước vào, đi sau là hai người mặc cảnh phục công an.

– Ông Tam, nãy ông đi vắng ông thầy định chạy làng cuỗm luôn cả số tiền 30 đồng ông đặt cọc đấy nhé! – Một người đàn ông có khuôn mặt đen như đít nồi, dáng vẻ bặm trợn nói như rít lên. 

– Tiền đó tôi trả ông Tam rồi – Thắng vẫn nhẹ nhàng.

– Tất cả anh em ở đây có ai nhìn thấy ông Tam đặt cọc cho thầy giáo đây 30 đồng không? – Người đàn ông bặm trợn lại rít lên.

– Có, có.

– Tất cả sáu anh em mình cùng nhìn thấy ông Tam đưa tiền cho thầy giáo.

– Có ai nhìn thấy thầy giáo trả lại ông Tam tiền đó chưa…? – Người đàn ông ấy lại hỏi.

– Đã trả lại đâu mà nhìn thấy!

– Chưa trả lại!

Cả đám đồng thanh khẳng định Thắng chưa trả lại Tam số tiền Tam đã đặt cọc.

Thắng ú ớ đưa mắt nhìn Tam. Tam đưa con mắt nhìn sang hướng khác. Bất giác buông một câu gọn lỏn:

– Lát nữa thầy giáo trả ngay đây mà! – Rồi hắn nhếch mép cười. Nụ cười thật ranh ma, quỷ quyệt.

– Sao anh nói vậy? Tôi trả anh tiền rồi mà! – Thắng lạc giọng đi trong tức giận.

– Có gì đâu mà trả! – Vừa nói, Tam vừa đưa hai tay lột hết tất cả các túi cho mọi người xem. Tôi còn đồng nào trong túi đâu mà thầy trả?!

Cả nhóm người nhao nhao lên, áp đảo Thắng. Mọi người ai cũng khẳng định Thắng chưa hề trả lại tiền cho Tam.

Hai người mặc cảnh phục lập biên bản, lấy lời khai của từng người. Riêng Thắng, vẫn khẳng định là anh đã trả tiền cho Tam ….

Bẵng đi đến dăm hôm, mọi việc tưởng như đã trôi đi, thì đùng một cái, một nhóm ba người mặc cảnh phục vào trường. Sau khi làm việc với tổ chức nhà trường, người ta đã xuống đọc lệnh bắt tạm giam ba tháng đối với Thắng và tiến hành khám nơi ở của Thắng.

Ngôi trường nhỏ nằm trên một triền đồi chênh vênh như chao đảo. Cái tin Thắng lừa đảo chiếm đoạt tài sản vang đi khắp ngõ ngách, vang đến từng quán hàng quanh trường. Đâu cũng thấy túm năm tụm ba kháo chuyện của Thắng. Một thầy giáo Thắng đạo mạo, mô phạm, lời nói nhẹ nhàng với một chất giọng miền trung ngọt nào đầm ấm, đầy cuốn hút học trò bị vùi lấp bởi một nhân cách tha hoá, trộm cắp, gian thương lừa đảo.

Một chiều tháng 5, khi Hạnh vừa kịp từ Liên Xô về nước để dự phiên toà sơ thẩm xét xử Thắng về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân, cô như thót tim lại. Trước mắt cô, Thắng gầy gò với khuôn mặt vô hồn, đôi mắt đờ đẫn và một nụ cười ngây ngô như một kẻ dở dại, nhìn thấy vợ mình mà như người xa lạ. Hạnh hiểu, Thắng đã trải qua nhiều đau đớn. Nhưng có lẽ đau đớn nhất đã vật ngã Thắng đó chính là lòng tự trọng bị chà đạp, lòng tin bị dày xéo. Thử hỏi một ngày đứng trên bục giảng, dạy người khác về kiến thức và đạo lý làm người với một trái tim nhân hậu, với một tâm hồn trong sáng, rồi ngay hôm sau thôi sa xuống cái vực thẳm nhơ nhớp của một phường trộm cắp, của một phường lừa đảo được nhuộm đầy người mình như vậy, bị cả xã hội bất biết sự thật là gì, chỉ cần một cơ quan pháp luật cho tay vào còng số tám là dè bỉu, khinh bỉ thì có lẽ chết đi được còn là một cơ may, một hạnh phúc kia đấy…!

Sau khi nghe quan toà cấp huyện phán quyết, Hạnh sụp xuống. Cái án Thắng phải lĩnh là 12 tháng tù giam. Nhưng cô không nghe thấy gì hết. Cô chỉ nhìn thấy những đôi mắt đồng nghiệp, chỉ nhìn thấy đôi mắt của kẻ tình địch ngày hai người quyết định lấy nhau đã hằn học nhìn theo Hạnh và khuôn mặt lưỡi cày dài ngoẵng của Tam rất quen thuộc với Hạnh. Dường như cô đã gặp hắn ở một kỳ thi lại nào đó mấy năm trước… cứ ám ảnh mãi trong tâm trí Hạnh.

Cuộc đời người làm thầy của Thắng chấm dứt. Cuộc đời làm con người bình thường của Thắng cũng chấm dứt. Anh thụ án được ba tháng thì được cho về nhà tại ngoại chữa bệnh tâm thần.

Hạnh bồng con đưa Thắng đi hết bệnh viện tâm thần này đến bệnh viện tâm thần khác để lo chữa bệnh cho Thắng.

Hạnh làm đơn đi khắp nơi để giải oan cho chồng. Viện Kiếm Sát Nhân dân cấp có thẩm quyền đã tuyên bố hủy bản án đối với Thắng. Chồng Hạnh được minh oan, được xóa án tích. Nhưng không một quyết định nào kéo Thắng trở về làm con người thực sự được nữa. Hơn ba chục năm nay lúc nào anh cũng sống trong hoảng sợ bị người khác lừa gat.Thỉnh thoảng lại ngửa mặt lên trời cười từng cơn sặc sụa. Rồi lại ngân nga hát những giai điệu huyền bí như anh đã học thuộc ở đâu đó ngoài cõi con người…

***

Thắng cười khanh khách nhìn tôi từ đầu đến chân. Tôi như hiểu nỗi sợ hãi, nỗi dày vò đang ám ảnh Thắng, cầm lấy tay Thắng:

– Tớ đây cậu! Bạn học với cậu hồi bên Nga đây!

Thắng giật mạnh, vùng ra khỏi tay tôi. Dướn đôi lông mày rậm như hình lá ổi, đưa đôi mắt trắng đục nhìn thẳng vào mặt tôi, nhổ một bãi nước miếng rồi chửi:

– Cút mẹ nhà ông đi! Loài lừa đảo! Cút! Cút! Cút…!

Thắng chạy xiên lên lưng sườn đèo chênh vênh những ngôi nhà cấp bốn, tường gạch và mái ngói đã phủ rêu phong, khô bong lên từng lớp.

Tiếng chửi của Thắng vọng vào tâm khảm tôi. Bất giác khiến tôi nhìn lại một lần kiếp con người mà tôi đang mang trên thân xác.