Đạo đức (ethic, morality), luân lý (moral), theo Edgar Morin, hai khái niệm này không tách rời nhau, đôi khi chồng lấn và có thể sử dụng bất cứ từ nào(1).
Chúng tôi nghĩ rằng, luân lý là trật tự mà mọi người phải tuân theo. Đạo đức là giá trị mà mọi người thừa nhận, noi theo: “Đạo đức (道 德) là cái lý pháp người ta nên noi theo”(2). Cái tuân theo và cái noi theo không đồng nhất. Có thể tuân theo mà không thừa nhận, không noi theo. Cũng như, có khi vẫn noi theo nhưng không (thể) tuân theo. Luân lý là lý trí, nghiêng về cái (được cho là) đúng của xã hội – “Những điều lý về đạo đức của loài người -倫理”(3), còn đạo đức nghiêng về cái tốt – “đức hay tính tốt”(4) (Phan Chu Trinh). Luân lý thỏa mãn yêu cầu hợp lý, còn đạo đức thỏa mãn nhu cầu hợp tình, hợp lòng. Luân lý thay đổi tùy theo khả năng hợp lý, hợp thức của nó, đạo đức bền vững hơn do có những giá trị phổ quát không hoặc chậm thay đổi. Đạo đức có thể hàm chứa luân lý, nhưng luân lý có thể không phải là đạo đức(5). Vì những ranh giới không dễ phân định cũng như những trường hợp chồng lấn của khái niệm đạo đức và luân lý, chúng tôi sử dụng khái niệm luân lý cho tiểu luận trên tinh thần tán thành cách lý giải của Edgar Morin: “tạm dùng chữ đạo đức để chỉ định một quan điểm trên cá nhân hoặc siêu cá nhân, chữ luân lý, đạo lý để định vị ở cấp độ quyết định và hành động của cá nhân”(6). Tuy nhiên, trong quan điểm của chúng tôi, cá tính sáng tạo và luân lý là một quyết định, hành động phù hợp giữa luân lý tự thân với luân lý của cộng đồng, nghề nghiệp (luân lý mỹ học thi ca). Nghiên cứu chủ thể từ phương diện cá tính sáng tạo, tiểu luận của chúng tôi nhấn mạnh đến mối quan hệ của cá tính như là bản sắc cá thể trong sáng tạo với luân lý tự thân – một thành tố trong cấu trúc: xã hội – cá nhân – nghề nghiệp.
Bối cảnh xã hội sau khi đất nước thống nhất và tiến hành đổi mới đã tạo nên cơ hội cho con người cá nhân bản thể có điều kiện phát triển và trở thành trung tâm của đời sống xã hội. Vấn đề chúng tôi suy nghĩ ở đây là: mọi ý thức và thực hành sống, sáng tạo nghệ thuật thơ ca phải bắt nguồn từ nhu cầu đáp ứng “điều đáng làm” đối với bản thân con người đương đại. Và, như Soloviev đã nói: “Con người là một sinh thể hữu luân”(10) mà luân lý đầu tiên, nguyên thủy nhất thuộc về bản thể. Như vậy, thực hành luân lý tự thân phải được xem là móng nền, là căn bản cho những thực hành luân lý xã hội và thẩm mỹ.
Điều đáng làm hay luân lý của bản thân trong xã hội đương đại là gì? Về nhận thức, luân lý tự thân chính là nhu cầu đáp ứng tiếng gọi của cá nhân khi soi chiếu trong hệ giá trị phổ quát của nhân loại. Ở đây, có một điểm cần phân biệt với con người cá nhân, cá thể (nổi bật thời Thơ mới). Con người cá thể, cái tôi cá thể thời Thơ mới phát hiện ra chính mình, say sưa với thế giới của mình nên dẫu có hoài nghi, bi quan, dẫu lo âu sợ hãi thì cái tôi đó vẫn tin vào chính mình. Luân lý của cái tôi Thơ mới là luân lý cá thể – Tôi là một căn cước có tính uy quyền trong tương quan với xã hội. Đặc biệt, như ta biết, xã hội Thơ mới là xã hội tiểu tư sản, trung lưu thành hình sau khi đánh đổ cái ta vô ngã thời trung đại nên nó đắc thắng và tin tưởng. Trái lại, con người cá nhân bản thể trong môi trường đại đô thị với sự phân hóa mãnh liệt hơn, với những khả năng và nguy cơ lớn hơn, dần mất đi niềm tin vào chính mình. Không tin mình và càng không tin xã hội, tha nhân, thế nên cái tôi bản thể chỉ còn có thể vin vào các giá trị phổ quát có tính căn bản, nền móng cho việc xác lập chủng loài (Người). Ở đây, trong không gian đương đại, con người là một hiện hữu tự nhiên và xã hội (NTT nhấn mạnh). Chính ở đây, Morin đã khẳng định: “Cá nhân con người ngay trong tính tự chủ của mình vẫn đồng thời là 100% sinh học và 100% văn hóa”(11). Bất kỳ một âm mưu làm khuất lấp hay tước bỏ một khía cạnh nào thuộc về sinh học và văn hóa của con người đều là hành vi “phi nhân”. Và, trong ý nghĩ đó, cái tôi bản thể cho rằng, hành vi phi nhân đó đã vi phạm vào luân lý của bản thể, nghĩa là một hành vi phi luân. Sống, lúc này là được là chính mình, được đi tới tận cùng những nhu cầu của con người tự nhiên và xã hội, được vươn tới những giá trị mà nhân loại tuyên xưng không phân biệt chủng tộc, quốc gia, tôn giáo,… Một trong những nhu cầu có tính nguyên thủy, căn bản nhất của con người bản thể chính là nhu cầu được sống, nhu cầu chống lại cái chết, chống lại sự hủy diệt của thời gian, của các tai ương, hiểm họa trong đời sống. Song hành với bản năng chết là bản năng kháng cự cái chết. Bởi vậy, trong thơ cũng như trong các hoạt lực sống, con người nỗ lực hóa giải ám ảnh chết. Trong thơ Việt Nam đương đại, Trương Đăng Dung là một thi sĩ mà cá tính sáng tạo hình thành “diện trường kinh nghiệm”(12) âu lo về cái chết và hiện hữu. Đồng thời, tri thức và kinh nghiệm thẩm mỹ của ông trở thành một đối trọng để thích ứng với các vấn đề xã hội, văn hóa, tự nhiên, lịch sử, thời đại và các hệ giá trị khác trong một tư thế phản biện sâu sắc và tự chủ. Tuy nhiên, càng tích lũy nhiều vốn tri thức, văn hóa, lịch sử, va chạm với các hệ thống giá trị Đông Tây, tương tác với các diễn ngôn kiến tạo con người, giá trị, lịch sử đã dẫn đến việc hình thành tư tưởng bi quan trong con người Trương Đăng Dung. Tư tưởng bi quan của Trương Đăng Dung là nguyên nhân, ngọn nguồn của sáng tạo như là hành vi chống lại cái chết, chống lại sự bất lực của con người trong giới hạn mà anh ta hiện diện. Tuy nhiên, điều khiến Trương Đăng Dung khác biệt, chính là tư tưởng, hành vi ấy khai mở và vận hành trên nền tảng của một sự nhận thức mang tầm khái quát, có tính siêu hình học. Cái khác của con người này chính là ở chỗ, trong quyển văn hóa đương đại, nhất là trong thơ, ý niệm phổ quát về thân phận con người – không bị ngăn cách bởi chủng tộc, quốc gia, tôn giáo, thể chế,… (Trương Đăng Dung gọi một cách hình tượng là Những bức tường) còn rất hiếm hoi. Tư tưởng này điều phối mọi hành vi của Trương Đăng Dung. Và, sáng tạo chính là con đường để thi sĩ đối thoại với tồn tại, làm hiện lên nghĩa lý đời sống của bản thể. Con người bản thể là con người mang tính phổ quát ở tầm nhân loại. Những thực hành thơ đương đại, dẫu đào sâu vào con người riêng tư, vẫn cứ bị chi phối bởi kinh nghiệm cá thể, chưa chạm đến các vấn đề thiết cốt, phổ quát của nhân sinh, hiện hữu. Có lẽ, tư chất triết gia – thi sĩ(13) đã giúp Trương Đăng Dung có được cái nhìn tiệm cận hơn với thân phận của con người và sứ mệnh của nghệ thuật. Con người ở mọi thời, mọi nơi, mọi sắc tộc, thể chế đều đang phải đối mặt với những hiểm họa, những nguy cơ tiến nhanh đến cái chết. Chiến tranh, khủng bố, thiên tai, nghèo đói, bệnh tật, sự vô cảm, dục vọng,… đang vây bủa con người từng ngày, đòi thực thi bản án tử hình đã thụ nhận từ khi lọt lòng. Ý niệm ấy xuyên suốt trong hành trình làm người, làm thi sĩ của Trương Đăng Dung. Bởi thế, trong thơ ông, ta thấy niềm âu lo, sợ hãi, thấy những chán chường, ảm đạm, thấy những trầm tư buồn bã, ngay trước cái đẹp: Em đã đến/ đẹp như ánh trăng/ cô đơn như ngọn gió/ chúng ta nằm trên cỏ/ sợ hãi trước chân trời (Chân trời). Chân trời hữu hạn của loài người, tình yêu, sự sống, cái đẹp,… cứ đến gần hơn khi sợi tóc rơi qua kẽ tay, trong khóe mắt, trong tiếng bước chân xa dần, trong mỗi ban mai mở cửa, mỗi mùa hè đang qua, mỗi mùa thu gió thổi, ánh nắng rời bỏ khóm hoa,… Có thể nói, trong niềm bất an, sợ hãi ấy, Trương Đăng Dung nghĩ về thời gian, về kiếp người bằng nỗi ám ảnh sự chết. Cá tính sáng tạo trong thơ Trương Đăng Dung là kết tinh của nỗi ám ảnh chết và kháng cự cái chết.
Trở lại với cái nhìn trên bình diện bao quát về thơ Việt Nam đương đại, cái tôi bản thể và những đòi hỏi “đáng làm” của nó như là một bổn phận, một xác tín luân lý đã hình thành và dần hiện diện một cách phổ biến từ sau đổi mới. Thử điểm lại những cá tính sáng tạo trong thơ Việt từ sau thời điểm 1986, với những tên tuổi như: Lê Đạt, Hoàng Hưng, Dương Tường, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Nguyễn Bình Phương, Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh, Lãng Thanh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Inrasara, Nhóm Ngựa trời, Ly Hoàng Ly, Phan Thị Vàng Anh, Đinh Thị Như Thúy, Từ Huy, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Lê Anh Hoài, Trần Nguyễn Anh, Đặng Thân,… chúng ta sẽ bắt gặp ở đó một chủ thể sáng tạo với thực hành thơ như là thực hành sống trong ý niệm tối cao về bản thể. Sống đúng với chính con người của mình, được là mình, tưởng là điều không phải bàn cãi, nhưng kỳ thực đã có thời gian chúng ta không được sống hoàn toàn với lẽ tất nhiên ấy. Bởi vậy, ngay khi có những cơ chế, tiền đề để con người trở lại “ngôi nhà của hữu thể”, các thi sĩ đã cất lời về thế giới của cái tôi bản thể: Lê Đạt làm hiện hữu Bóng chữ, Vân chữ trong sứ mệnh của một gã “phu chữ”; Hoàng Hưng lao đi trên con tầu vô định để tìm kiếm khuôn mặt, nhân dạng; Dương Tường tự nguyện “Đứng về phe nước mắt”; Nguyễn Quang Thiều từ âu lo đến hy vọng đều kỳ vỹ; Mai Văn Phấn liên tục “vong thân” để kiếm tìm bản thể; Nguyễn Lương Ngọc nung chảy mình để tìm lõi, xé toang mình để kết cấu; Dương Kiều Minh làm một lữ thứ nhọc nhằn kiếm tìm mình; Nguyễn Bình Phương lặng lẽ, u uẩn; Vi Thùy Linh: “Một bản thể đầy mâu thuẫn”,… Nghĩa là, các thi sĩ đương đại đã thực hiện “phác đồ người” (Heidegger) của mình thông qua thực hành nghệ thuật, lấy nghệ thuật làm cứu cánh của hiện hữu. Với họ lúc này chỉ có một điều kiện duy nhất: phải được là mình. “Điều đáng làm” lúc này là làm một con người trong nghĩa lý toàn diện nhất của nó. Nếu không được là mình, mọi lời nói, hành vi đều không có nghĩa lý hoặc rơi vào điêu trá, ngụy tạo hoặc thỏa hiệp. Chẳng thế mà, trong thơ của các thi sĩ đương đại, người ta thấy hiện ra những khuôn mặt, những tâm hồn mang cá tính riêng biệt, không đồng nhất như trước. Ở đó ta gặp một Lê Đạt tự Xưng danh: “Phó thường dân/ phố nhỏ vô danh/ vô giai thoại”. Và, con người “phó thường dân” này ý thức rằng: “đừng tìm tôi chỗ những ghế ngồi” (Quá trình công tác); một Phùng Cung: “Quất mãi nước sôi/ trà đau nát bã/ không đổi giọng Tân Cương”; một Nguyễn Bình Phương muốn vung tay vẽ nét bập bùng của lửa “kẻo cái chức nhìn nhằng vẽ bậy xuống đời ta”. Phải được là mình trở thành nhu cầu tiên quyết, căn bản của con người đương đại. Nhà thơ, với khiếu năng của mình, với thể loại ưu tiên tính chủ quan càng ý thức rõ tầm quan trọng của việc được là mình trong sứ mệnh hiện hữu thơ và hiện sinh người: “Trong cơn mơ đói và buồn/ Các cô gái đẹp mặc váy cưỡi xe máy phóng qua/ Như dao sắc phất vào tôi ứa máu/ Tôi nấc lên câu hỏi như người sặc khói/ Rằng nếu tôi lấy họ/ Tôi sẽ ngủ với họ thế nào/…/ Các cô gái buôn chuyến đang ngoẹo đầu ngủ/ Tóc tai áo quần sặc mùi cá khô/ Giấc mơ sẽ thế nào trong giấc ngủ thế kia/… Rằng nếu tôi lấy họ/ Tôi sẽ ngủ với họ như thế nào” (Câu hỏi cuối ngày – Nguyễn Quang Thiều). Bài thơ là một ẩn ngữ về sự hình thành thể tính, nhân cách, nhân dạng trong các điều kiện, không gian, thể chế khác nhau. Dĩ nhiên, đó là các khả thể, nhưng cái cách mà Nguyễn Quang Thiều bộc bạch suy tư của mình đã cho thấy ở đấy trước hết đang hiện hữu một bản thể thành thật với chính suy nghĩ của mình. Khi Dư Thị Hoàn chấp nhận Tan vỡ bởi sự “lơ đễnh đến là” vô ý của người yêu sau phút êm đềm trên ghế đá nghĩa là người con gái ấy muốn không chỉ tình nhân mà cả thế gian hiểu rằng: em là một bản thể có đời sống riêng và giá trị riêng, cần được sống và tôn trọng giá trị, bản sắc ấy. Sau họ, những người con gái khác, những người trẻ lại yêu, và bày tỏ tình yêu trong ý thức bản thể của mình: “Khỏa thân trong chăn/ Thèm chồng. Thèm có chồng ở bên. Chỉ cần Anh gối lên đùi/ Mình ôm lấy Anh ôm mình/ Biết sự bình yên của mặt đất” (Chân dung – Vi Thùy Linh). Trong thơ của các thi sĩ đương đại, bản năng người trỗi dậy như một nhu cầu thiết yếu để sống. Điều cần nhấn mạnh là những phức cảm này tái sinh mạnh mẽ do đã sống quá lâu trong những vùng không gian có tính cộng đoàn, tập thể mà quên đi tiếng kêu của bản thể trong tư cách là một con người tự nhiên – xã hội. Mặc cảm bị “thiến hoạn” đã được giải tỏa, con người hướng đến những giá trị có tính phổ quát của “giống loài”(14) nhằm bù đắp phần thiếu hụt vẫn luôn âm ỉ, thôi thúc trong vũng tối của tiềm thức, vô thức. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của ý thức phản tư, tâm linh, tính dục, nữ quyền, ngoại vi, bên lề, bề trái, thiểu số,… đã trả lại cho đời sống, thơ ca những trường thẩm mỹ (mới) như là sự bổ khuyết làm nên đời sống con người bản thể. Thơ Phạm Thị Ngọc Liên, Dư Thị Hoàn, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Dạ Thảo Phương, Phan Huyền Thư, Lynh Bacardi, Khương Hà, Thanh Xuân, Nguyệt Phạm, Phương Lan, Vi Thùy Linh,… giúp con người nhận ra diện mạo của mình mà trước hết là rọi sáng những khoảng khuất lấp vốn dĩ không tách rời để làm nên thân phận. Từ sự kiến tạo chủ thể sáng tạo đến kiến tạo con người đương đại, các thi sĩ đã nỗ lực tái cấu trúc thân phận, diện mạo trong bối cảnh đương đại đang mở rộng, dung nạp tất cả các hình thái, khả năng,… Có thể, nhà thơ không bận tâm lắm đến những tri thức này, nhưng chính họ, trong lẽ sống của mình đã đòi hỏi sự tự biểu hiện như là một nhu yếu. Sự trở lại của con người bản thể là biểu hiện nổi trội của luân lý tự thân trong xã hội đương đại. Các nhà thơ viết bằng chính trải nghiệm, thể nghiệm của họ, viết để được là chính mình: Mười ngón tay xòe ra/ bưng lấy khuôn mặt bé xíu/ ửng lên vì niềm vui lần đầu tiên/ em… khóc nưng nức/ nước mắt tràn ngập khắp thân thể/ trong giây phút tận hiến/ Đau chiếc khăn thắm màu trinh tiết Mẹ Nữ Oa/ phủ mặt trong lần đầu linh thánh/ giây phút bắt đầu khai triển nhân loại/ Những ngón tay sần lên sục sạo/ khắp khe hang đồi núi vực sâu/ Niềm hạnh phúc chực ộc ra nóng ấm/ ôm lấy tấm thân non trẻ/ Anh trở vẻ mùa yêu đương/ trên tay kiêu hãnh thanh kiếm chiến chinh bén sắc/ chực đâm thủng những ngày nhàn nhạt (Hợp nhất – Nguyệt Phạm).
Luân lý tự thân là một hình dung trong sự phân biệt với luân lý của cộng đồng – tha nhân. Vấn đề luân lý tự thân còn dẫn chúng ta đến những suy tư về bổn phận, đức tin, tín ngưỡng, sự sùng bái cá nhân,… chi phối rất lớn đến cá tính của chủ thể. Những khía cạnh luân lý này không tách rời với cộng đồng, nhưng có khi lại phủ định, đi ngược lại luân lý cộng đồng. Về mặt ý hướng luân lý, những động thái này không phải là phi luân, mà nó hướng đến (kiến tạo) những bình diện luân lý khác. Con người là những bản thể không lặp lại. Bởi vậy, một sự lặp lại hay “bản sao” của một ai đó luôn có xu hướng trở nên vô nghĩa, rơi vào tình trạng tự hủy diệt. Điều này lý giải vì sao chính M.B.Khravchenko đã phê phán quan điểm đồng nhất về thế giới quan khi nghiên cứu loại hình sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Không thể có sự đồng nhất về thế giới quan, có chăng là sự tương đồng về mặt cơ chế, cấu trúc. Những bản thể không lặp lại trong không gian đương đại đòi hỏi được thể hiện trở thành sức mạnh, thành uy quyền chi phối diễn ngôn của con người đương đại, chủ thể sáng tạo và các thiết chế liên quan đến chủ thể. Tuy nhiên, ngay khi con người xác lập vị thế, bản sắc chủ thể của mình trong ý thức và hành vi tuân thủ luân lý tự thân, họ vẫn chưa phải là một chủ thể sáng tạo – một thi sĩ. Chỉ khi nào ý thức, hành vi của họ đáp ứng luân lý xã hội và luân lý mỹ học khi đó thi sĩ mới hiện diện như là một hình thái hiện hữu của chủ thể sáng tạo, của cá tính nghệ thuật.
N.M.T
(SH323/01-16)
…………………………………………….
1. Edgar Morin: Phương pháp 6: Đạo đức học (Chu Tiến Ánh dịch; Phạm Khiêm Ích biên tập và giới thiệu), Nxb. Tri thức, H., 2012.
2. Đào Duy Anh: Hán Việt từ điển, Trường Thi xuất bản, S., 1957, tr.251.
3. Đào Duy Anh: Hán Việt từ điển, Sđd, tr.521.
4. Phan Chu Trinh: “Đạo đức và luân lý Đông Tây”, Nguồn: icevn.org.
5. Về vấn đề này, xem thêm Phan Chu Trinh, “Đạo đức và luân lý Đông Tây”, Tlđd.
6. Edgar Morin: Phương pháp 6: Đạo đức học, Sđd, tr.13.
7. Vladimir Soloviev: Siêu lý tình yêu (Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, dịch, giới thiệu và chú giải), Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây & Nxb. Văn hóa thông tin, H., 2005, tr.482.
8. Edgar Morin: Phương pháp 6: Đạo đức học, Sđd, tr.18.
9. “Diện trường kinh nghiệm” là khái niệm được đưa ra bởi Kate Hamburger. Theo đó, cái tôi trữ tình tạo nên diện trường kinh nghiệm và không bị đòi hỏi kiểm chứng với tiểu sử chủ thể. Trong cách hiểu của chúng tôi, diện trường kinh nghiệm này lại có ý nghĩa thể hiện cá tính sáng tạo của chủ thể bởi chính diện trường này là sản phẩm của cái tôi trữ tình, mà cái tôi trữ tình lại là một nhân cách, một cá tính đại diện vốn có quan hệ mật thiết với luân lý của con người tiểu sử. Xin xem Kate Hamburger:Logic học về các thể loại văn học (Vũ Hoàng Địch, Trần Ngọc Vương dịch), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, tr.374.
10. Xin xem tiểu luận của chúng tôi (dưới hình thức đối thoại giả định, mô phỏng “Trên đường đến với ngôn ngữ” của M. Heidegger): “Trên đường đến với Những kỷ niệm tưởng tượng”, trong Nhiều tác giả: Những kỷ niệm tưởng tượng – Tác phẩm và dư luận, Nxb. Văn học, H., 2014.
11. Morin trong khi phân tích về đặc tính luân lý của con người cá nhân đã xây dựng trên ba trụ cột: cá nhân, xã hội và giống loài. Xin xem Edgar Morin: Phương pháp 6: Đạo đức học, Sđd, tr.18.
(Nguyễn Thanh Tâm – Tạp chí Sông Hương)