1. Trong Thi nhân Việt Nam, phần mở đầu tiểu luận “Một thời đại trong thi ca”, Hoài Thanh đã xác quyết: “Một xã hội suốt mấy ngàn năm kéo dài một cuộc sống gần như không thay đổi về hình thức cũng như về tinh thần. (…) Nhưng, nhất đán, một cơn gió mạnh bỗng từ xa thổi đến. Cả nền tảng xưa bị một phen điên đảo, lung lay. Sự gặp gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ” (1). Và trong cuộc biến thiên ấy có sự biến thiên của đời sống văn học dân tộc trong đó có lý luận – phê bình. Có thể nói sự gặp gỡ văn hóa phương Tây đã tạo tiền đề cho việc hiện đại hóa nền văn học dân tộc cũng như mở ra cánh cửa để đưa văn học nước nhà hòa nhập vào văn học thế giới, đặc biệt là việc khai sinh ngành lý luận – phê bình văn học mà trong nhiều năm dài của thời kỳ trung đại chúng ta chưa xây dựng được. Nhưng chỉ trong 45 năm nửa đầu thế kỷ XX, khi tiếp xúc với văn hóa phương Tây, chủ yếu là văn hóa Pháp, chúng ta đã có nền lý luận – phê bình văn học thực thụ với nhiều khuynh hướng lý luận – phê bình văn học ảnh hưởng phương Tây như: phê bình trực cảm, phê bình giáo khoa, phê bình phân tâm học… Những khuynh hướng phê bình này đã đem đến nhiều thay đổi trong hệ hình tư duy lý luận – phê bình văn học thể hiện rõ trong các quan niệm về văn học, thể loại, thi pháp, tâm lý sáng tạo của nhà văn… mà trước kia trong thời trung đại chưa được đúc kết thành những hệ thống quan niệm mang tính học thuật. Bởi lẽ: “Những thiết chế về xã hội, giáo dục, văn hóa mà chế độ thực dân Pháp xây dựng trên đất nước ta đã là những điều kiện khách quan đưa đến ảnh hưởng lớn lao của phê bình văn học Pháp đối với phê bình văn học Việt Nam” (2)

Sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây không chỉ thay đổi ở nội dung mà cả về hình thức của lý luận – phê bình. Vì vậy, lý luận – phê bình văn học giai đoạn này đã có sự phát triển khá sinh động, góp phần làm phong phú diện mạo nền văn học dân tộc. Đó là sự hình thành các chuyên mục “điểm sách”, “đọc sách mới”, “tin sách”, “phê bình sách mới” xuất hiện trên các báo: Phụ nữ Tân văn, Phong hóa, Tiểu thuyết thứ bảy, Sông Hương, Hà Nội báo, Tri Tân, Thanh Nghị… Đây cũng là thời kỳ nở rộ của phê bình báo chí mà trước kia chưa từng xuất hiện trong đời sống văn học nước nhà. Những hoạt động sôi nổi của lý luận – phê bình đã hình thành một đội ngũ những nhà lý luận – phê bình mà tên tuổi và trước tác của họ đã được tôn vinh như những nhà khai sáng của nền lý luận – phê bình văn học dân tộc và cho đến nay hào quang vẫn còn lấp lánh trên bầu trời văn học như: Thiếu Sơn với Phê bình & Cảo luận; Hoài Thanh – Hoài Chân với Thi nhân Việt Nam; Dương Quảng Hàm với Việt Nam Văn học sử yếu; Vũ Ngọc Phan với Nhà văn hiện đại, Trần Trọng Kim với Phê bình Nho giáo; Trương Tửu với Kinh thi Việt Nam, Đặng Thai Mai với Văn học khái luận; Thạch Lam với Theo giòng, Trần Thanh Mại với Trông dòng sông vị, Hàn Mạc Tử, Nguyễn Bách Khoa với Nguyễn Du và truyện Kiều; Kiều Thanh Quế với Phê bình văn học… Đáng chú ý, ở giai đoạn này là sự xuất hiện của nhóm Xuân thu nhã tập với Nguyễn Đỗ Cung, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Xuân Sanh, Đoàn Phú Tứ, đã đưa ra một số quan điểm nghệ thuật mang tính hiện đại và cách mạng, rõ nhất là quan niệm về thơ, làm dậy sóng đời sống lý luận – phê bình lúc bấy giờ. Và từ đây, văn học Việt Nam đã đi vào quỹ đạo của văn học thế giới. Nhận định về ảnh hưởng của văn hóa phương Tây đối với xã hội Việt Nam, trong đó có văn học nghệ thuật, Phạm Văn Đồng cho rằng: “Trong khoảng thời gian dưới chế độ thực dân Pháp, dân tộc ta đã tiếp thụ và vận dụng những thành tựu của văn hóa văn minh phương Tây, một thành tựu nổi bật là sự ra đời của chữ quốc ngữ chữ viết của dân tộc ta ngày nay. Những phong trào văn hóa đa dạng trong những thập niên đầu thế kỷ XX, với sự đổi mới rõ rệt và sự phát triển mạnh mẽ của các lĩnh vực văn học nghệ thuật, phong hóa và lối sống, một lần nữa chứng tỏ sự nhạy cảm và khả năng thâu hóa của dân tộc ta đối với những trào lưu văn hóa từ bên ngoài” (3)

2. Một biến cố lịch sử làm thay đổi vận mệnh dân tộc và vận mệnh văn học nước nhà là cuộc cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp. Đây là thời kỳ nhận đường và chuyển biến tư tưởng của nhà văn trong đó có các nhà lý luận – phê bình. Thời kỳ này do tập trung cho cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, nên sinh hoạt lý luận – phê bình cũng có phần chững lại. Không khí phê bình không diễn ra sôi động và phong phú như giai đoạn trước mà có phần trầm lắng hơn. Tuy nhiên, cũng có một số tác phẩm đáng quan tâm như: Chủ nghĩa nhân văn thời kỳ văn hóa Phục Hưng (1949), Giảng văn Chinh Phụ Ngâm(1950) của Đặng Thai Mai; Có một nền văn hóa Việt Nam (1946), Quyền sống con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du(1949), Nói chuyện thơ kháng chiến (1951) của Hoài Thanh… Vì vậy, có thể nói đây là thời kỳ lý luận – phê bình văn học đã bắt đầu “ly khai” văn hóa phương Tây để chuyển mình đi vào quỹ đạo của khuynh hướng lý luận – phê bình xã hội học mà cơ sở tư tưởng là mỹ học Mác – Xít đã được định hướng từ Đề cương Văn hóa của Đảng năm 1943.

Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, với Hiệp định Geneve tháng 7/1954, đất nước tạm thời chia cắt làm hai miền với sự ảnh hưởng của các trào lưu văn hóa và ý thức hệ khác nhau nên đời sống văn học, trong đó có lý luận – phê bình đã có những dị biệt nếu không muốn nói là hoàn toàn khác biệt, bởi sự chi phối của ý thức hệ cũng như các nền văn hóa mà mỗi miền tiếp nhận. Điều này đã tạo nên sự khác biệt trong tiến trình vận động và phát triển của văn học dân tộc trong đó có lý luận – phê bình văn học.

Ở miền Bắc, trong giai đoạn 1954-1975, do chỉ tiếp nhận văn hóa của Liên Xô và các nước XHCN với hệ tư tưởng duy nhất là mỹ học Mác – Lê nin nên đã tạo ra một nền lý luận – phê bình thống nhất, đơn thanh. Đó là khuynh hướng phê bình xã hội học vốn có tiền đề phát triển từ những năm kháng chiến chống Pháp. Khuynh hướng này coi trọng nội dung phản ánh của tác phẩm văn học, ít quan tâm hoặc không quan tâm đến giá trị nghệ thuật của tác phẩm, đến phong cách và cá tính sáng tạo của nhà văn. Tình trạng này đã dẫn đến tính đồng phục trong sáng tác cũng như trong lý luận – phê bình, từ đó hình thành lối phê bình xã hội học, thâm chí xã hội học dung tục mà ngày nay đọc lại những tác phẩm lý luận – phê bình văn học ở thời kỳ này chúng ta dễ dàng nhận ra điều ấy.

Phần lớn các tác phẩm lý luận – phê bình văn học giai đoạn này là của những nhà văn có tên tuổi và thành danh từ thời kỳ trước, nay tiếp tục sáng tác như: Đặng Thai Mai với Văn thơ Phan Bội Châu (1958) Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX (1961); Hoài Thanh với Phê bình và tiểu luận tập 1 (1960), tập 2 (1965), tập 3 (1971); Nguyễn Đình Thi với Mấy vấn đề văn học (1956), Công việc của người viết tiểu thuyết (1964); Xuân Diệu với Ba thi hào dân tộc (1959), Phê bình giới thiệu thơ (1960),Hồ Xuân Hương bà chúa thơ Nôm (1961), Dao có mài mới sắc (1963), Thi hào dân tộc Nguyễn Du (1966), Đọc thơ Nguyễn Khuyến (1971), Và cây đời mãi xanh tươi (1971); Chế Lan Viên với Nói chuyện thơ văn (1960), Phê bình văn học (1962), Suy nghĩ và bình luận (1971)… Ngoài ra còn có tác phẩm của các nhà giáo, cán bộ nghiên cứu văn học như: Hoàng Như Mai vớiVăn học Việt Nam hiện đại (1961); Lê Đình Kỵ với Phương pháp nghệ thuật (1962), Đường vào thơ (tập 1, tập 2) (1969), Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực thời đại Nguyễn Du (1970); Nguyễn Văn Hạnh với Suy nghĩ về văn học (1972); Phan Cự Đệ vớiPhong trào Thơ Mới (1969), Cuộc sống và tiếng nói nghệ thuật (1971); Nguyễn Huệ Chi với Mấy vấn đề về sự nghiệp và thơ văn Nguyễn Trãi (1963); Hoàng Trinh với Phương Tây văn học và con người (tập 1, 1969, tập 2, 1971); Hà Minh Đức với Nhà văn và tác phẩm (1971); Phong Lê với Mấy vấn đề văn xuôi Việt Nam 1945-1970 (1972)…

Hầu hết các tác phẩm lý luận – phê bình văn học ở miền Bắc trong giai đoạn này dù viết về hiện tượng văn học nào cũng đều khai thác theo khuynh hướng phê bình xã hội học lấy mỹ học Mác – Lê nin làm cơ sở tư tưởng để đánh giá các hiện tượng văn học cũng như các giá trị văn học. Vì vậy, điều dễ nhận thấy trong lý luận – phê bình văn học ở miền Bắc lúc này là không tiếp thu tinh hoa văn hóa Phương Tây được thể hiện qua các trường phái lý luận – phê bình hiện đại như: chủ nghĩa hiện sinh, hiện tượng luận, cấu trúc luận, thi pháp học, phong cách học, mỹ học tiếp nhận… Thậm chí, do quan niệm ấu trĩ và hẹp hòi, trong giai đoạn này, các trường phái lý luận – phê bình văn học phi Mác xít trong đó có lý luận – phê bình văn học phương Tây đều là bị cho là “suy đồi, phản động”. Từ đó dẫn đến tình trạng kỳ thị, xem thường lý luận – phê bình phương Tây và độc tôn vai trò của mỹ học Mác xít trong lý luận – phê bình văn học làm cho đời sống lý luận – phê bình trở nên đơn điệu, nghèo nàn. Đây là một thiệt thòi đáng tiếc cho nền lý luận phê bình văn học dân tộc trong nhiều năm liền mà hiện nay có một số người vẫn chưa nhận ra hoặc cố tình không nhận ra cái điều đơn giản ấy. Bởi lẽ, việc độc tôn bất cứ một khuynh hướng lý luận – phê bình nào cho dẫu đó là khuynh hướng lý luận – phê bình được xây dựng trên cơ sở hệ tư tưởng mỹ học “tiên tiến” nhất thì bản thân nó cũng không thể lý giải hết những vấn đề đặt ra trong đời sống văn học vốn là sản phẩm của văn hóa. Mà văn hóa bao giờ cũng đa dạng, phong phú và luôn biến đổi. Một nền văn hóa ngưng đọng là một nền văn hóa chết. Bởi nói như Mahatma Gandhi: “Không văn hóa nào có thể tồn tại nếu nó tìm cách trở nên độc tôn”. Chính sự khép kín trong việc tiếp nhận các trào lưu văn hóa đặc biệt là văn hóa phương Tây, cho nên, nền lý luận – phê bình văn học ở miền Bắc lúc này không có những công trình khám phá các hiện tượng văn học từ nhiều điểm nhìn với những khuynh hướng triết mỹ khác nhau. Đây là nguyên nhân dẫn đến tính đồng phục trong lý luận phê bình văn học ở miền Bắc và cũng là đặc điểm cơ bản để khu biệt nền lý luận phê bình văn học ở hai miền Nam Bắc lúc bấy giờ.

3. Khác với miền Bắc, có thể nói, xã hội miền Nam từ 1954-1975 là một xã hội tích hợp nhiều nền văn hóa, trong đó có văn hóa phương Tây và văn hóa Mỹ. Với chủ trương mở cửa du nhập văn hóa nước ngoài một cách tự do, nhiều trường phái triết học, mỹ học, lý luận – phê bình văn học phương Tây đã tràn vào miền Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống lý luận – phê bình văn học. Vì vậy, bức tranh lý luận – phê bình văn học ở miền Nam đã xuất hiện nhiều trường phái lý luận – phê bình văn học ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây như: phân tâm học; chủ nghĩa hiện sinh; mỹ học tiếp nhận; cấu trúc luận; hiện tượng luận, thi pháp học… cũng là điều tất yếu. Bởi, nếu trong những năm 1930-1945, khi trào lưu lãng mạn chủ nghĩa của phương Tây tràn vào văn học chúng ta qua phong trào Thơ Mới và tiểu thuyết Tự lực Văn đoàn làm biến đổi sâu sắc nền văn học nước nhà thì theo Lý Hoàng Phong ở miền Nam “nếu trào lưu hiện sinh, trào lưu siêu thực có tác động trong văn thơ chúng ta cũng là thường” (4). Tình hình này cho thấy sự đa phức trong đời sống lý luận – phê bình văn học ở miền Nam với việc khám phá các hiện tượng văn học từ nhiều điểm nhìn khác nhau giữa các khuynh hướng lý luận – phê bình là hệ quả của sự ảnh hưởng sâu sắc từ các trào lưu tư tưởng và văn hóa phương Tây thông qua các trường phái lý luận – phê bình được du nhập vào miền Nam lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, về một phương diện nào đó, sự tiếp biến các khuynh hướng lý luận – phê bình phương Tây không chỉ tạo nên sự đa dạng của lý luận – phê bình văn học ở miền Nam mà còn góp phần làm phong phú và hiện đại hóa lý luận – phê bình văn học dân tộc vốn còn nghèo nàn và lạc hậu so với lý luận – phê bình văn học hiện đại của thế giới. Nói như Nguyên Sa – Trần Bích Lan: “Nhìn tổng quát cả một thế kỷ văn chương ta thấy sự giao tiếp với văn học nghệ thuật Tây phương thúc đẩy ta tiếp nhận mau lẹ để tiếp nhận cái khác. Ta như bị thúc đẩy với một tiếng nói không âm thanh: phải đổi thay thật nhanh, phải biến dịch thật mau, cho nên, người này vừa làm xong cổ điển, không đợi những thế kỷ 18 và 19 trôi qua, người kia tiến ngay đến siêu thực, cùng một tác giả có thể nhảy từ tả chân sang siêu thực rồi đến hiện sinh. Và cái sự thay đổi mau lẹ đó, nhìn ở mặt trái nó đáng buồn vì chưa thật là ta, vì còn mang nặng dấu vết này, dấu vết nọ, nhưng nhìn ở mặt phải, nó nói lên sự khao khát đổi thay. Và khi họ đổi thay để bắt kịp những đổi thay của văn học nghệ thuật thế giới, sự khao khát đó sẽ đóng vai động lực của những sáng tạo lớn” (5).

Việc tiếp nhận văn hóa phương Tây trong đó có các trường phái lý luận – phê bình văn học đã tạo điều kiện cho sự phát triển của lý luận – phê bình văn học ở miền Nam với những khát vọng đổi thay trên tinh thần sáng tạo. Đây chính là động lực, là tiền đề quan trọng tạo những bước nhảy vọt trong tiến trình vận động và phát triển của tư duy lý luận – phê bình văn học ở miền Nam mà biểu hiện rõ nhất và việc nở rộ các nhà lý luận – phê bình và việc nghiên cứu, giới thiệu, ứng dụng các lý thuyết văn hóa, văn học phương Tây vào việc tìm hiểu giá trị của các hiện tượng văn học. Đây là nhân tố quan trọng nếu không muốn nói là quyết định đến sự hình thành và phát triển của nền lý luận – phê bình văn học ở miền Nam 1954-1975 mà chúng ta có thể nhận diện qua các tác giả và các tác phẩm tiêu biểu như: Nguyễn Văn Trung với Lược khảo Văn học (3 tập); Nhận định (6 tập); Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết; Ngôn ngữ và thân xác…; Thanh Lãng với Bảng lược đồ Văn học Việt Nam; Phê bình văn học thế hệ 1932;Văn học Việt Nam hai thế hệ dấn thân yêu đời… Lê Tuyên với Chinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày, Thời gian hiện sinh trong Đoạn trường tân thanh; Đỗ Long Vân với Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương, Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung; Đặng Phùng Quân với Triết học và văn chương; Đặng Tiến với Vũ trụ thơ; Trần Bích Lan – Nguyên Sa với Một bông hồng cho văn nghệ, Quan điểm văn học và triết học; Huỳnh Phan Anh với Văn chương và kinh nghiệm hư vô, Đi tìm tác phẩm văn chương; Võ Phiến với Tiểu thuyết hiện đại; Phạm Công Thiện với Ý thức mới trong văn nghệ và Triết học, Hố thẳm tư tưởng; Tam Ích với Ý văn, Văn nghệ và phê bình; Bùi Giáng với Thi ca tư tưởng, Tư tưởng hiện đại; Doãn Quốc Sĩ với Văn học và tiểu thuyết; Nguyễn Đăng Thục với Thế giới thi ca Nguyễn Du; Uyên Thao với Các Nhà văn nữ Việt Nam 1900-1970, Thơ Việt Nam hiện đại; Tạ Tỵ với Mười Khuôn mặt Văn nghệ, Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay; Trần Nhựt Tân với Dư Vang Nghệ thuật; Nguyễn Văn Xung với Thẩm mỹ học thông khảo… Hay một số bài đăng trên các báo như: “Nhân vị trong Hồn bướm mơ tiên” của Đỗ Minh Vọng (Đại học số 4, 5/1958); “Thời gian hiện sinh trong Đoạn trường tân thanh” (Đại học số 9/1959), “Biện chứng phản diện trong Cung oán ngâm khúc” (Đại học số 3/1958) của Lê Tuyên; “Gặp gỡ giữa Ôn Như Hầu và Albert Camus” (Văn số 2/1964) của Đặng Tiến; “Nỗi khắc khoải siêu hình trong thơ Hàn Mặc Tử” (Văn số 73-74 /67) của Nguyễn Xuân Hoàng;“Thử phác họa một bản đồ địa ngục theo Chế Lan Viên” (Văn học giai phẩm /1974) của Đỗ Long Vân… Vì vậy, chỉ trong hai mươi năm, lý luận – phê bình văn học ở miền Nam từ những bước đi ban đầu mang tính khai phá ở thập niên Năm mươi khi bước đầu giới thiệu một số trào lưu tư tưởng và văn hóa phương Tây như: Chủ nghĩa hiện sinh, Hiện tượng học trên các tạp chí: “Vấn đề giải thoát con người trong Phật giáo và Tư tưởng J.P.Sartre” của Nguyễn Văn Trung (Đại học số 2/1958); “Phật giáo và chủ nghĩa hiện sinh J.P.Sartre” của Quang Ninh (Văn hóa Á Châu số 9/1958); “Khái niệm về chủ nghĩa hiện sinh” của Quang Ninh (Sáng tạo số 28/1959)… đã phát triển khá nhanh và phong phú ở thập niên Sáu mươi, Bảy mươi của thế kỷ XX với những bài điểm sách, điểm tình hình thời sự văn học, những cuộc trao đổi, thảo luận về một số vấn đề lý luận – phê bình và tiếp tục giới thiệu các trào lưu tư tưởng phương Tây như: Cấu trúc luận, Mỹ học tiếp nhận, Thi pháp học, Phê bình mới, Phong cách học, Văn học đối chiếu… Đó là một số công trình: “Nhân vật trong tiểu thuyết”, “Nói chuyện về thơ bây giờ”, “Nhìn lại văn nghệ tiền chiến ở Việt Nam” trên Sáng tạo (1960); phỏng vấn các nhà văn quan niệm “về truyện ngắn”, “về sáng tác” trên Bách khoa (1961) của Nguyễn Ngu Í, “Vị trí trào lưu hiện sinh trong lịch sử triết lý” của Trần Văn Toàn (Đại học số 12/1960; “Thuyết cơ cấu và phê bình văn học” (Bách khoa số 289 – 294/1969) của Trần Thái Đỉnh; “Tìm hiểu cơ cấu luận như một phương pháp, một tiểu thuyết và đặt vấn đề tiếp thu” (Bách khoa số 293 – 294/1969) của Nguyễn Văn Trung; “Phấn đấu cho một nền tiểu thuyết mới” của Alain Robbe – Grillet, do Trần Thiện Đạo dịch và giới thiệu (Văn số 33/1965); “Những vấn đề của văn nghệ phương Tây hiện đại” của Triều Sơn (Văn số 34/1965); “Phân tâm học và thiền” của Chơn Hạnh (Tư tưởng số 1/1967); “Samuel Beckett và thẩm quyền của ngôn ngữ”của Huỳnh Phan Anh (Khởi hành số 29/1969); “Nietzsche và Mật Tông” của Ngô Trọng Anh (Tư tưởng số 5/1970); “Văn học đối chiếu” của Doãn Quốc Sỹ (Tư tưởng (1/1974)…

Với việc ứng dụng lý thuyết của các trường phái lý luận – phê bình văn học phương Tây hiện đại vào tìm hiểu nhiều hiện tượng văn học, các nhà lý luận – phê bình văn học miền Nam đã thổi vào đời sống văn học một luồng sinh khí góp phần tạo ra những giá trị mới cho nhiều tác phẩm văn học của dân tộc vốn chỉ được nhìn nhận qua hệ qui chiếu của triết học và mỹ học phương Đông. Vì thế, trong việc ứng dụng các hệ lý thuyết vào phê bình văn học, các nhà lý luận phê bình văn học miền Nam không vận dụng cứng nhắc một lý thuyết nào mà luôn kết hợp nhiều lý thuyết khi đánh giá các hiện tượng văn học. Bởi theo Tam Ích nếu “nhắm mắt lại mà áp dụng các giáo điều thì đều mắc phải bệnh ấu trĩ cho nhà sáng tác. Rồi đến ấu trĩ cho nhà phê bình cũng theo những nguyên tắc có sẵn mà nói, và ấu trĩ luôn cho độc giả”(6). Có lẽ đây cũng là một trong những vấn đề cần được nhận thức lại trong việc đổi mới tư duy lý luận – phê bình văn học của chúng ta hôm nay.

Như vậy, với việc đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt lý luận – phê bình, việc mở rộng du nhập nhiều trường phái triết học, mỹ học, văn hóa phương Tây, sự phát triển của lý luận – phê bình văn học ở miền Nam 1954-1975 đã có những bước phát triển nhanh chóng. Đó là bức tranh lập thể nhiều sắc màu, là dàn đồng ca nhiều giọng điệu, là bầu trời nhiều vì sao tuy sinh động nhưng phức tạp và cũng có những giới hạn nhất định. Nhưng những thành tựu của lý luận – phê bình văn học ở miền Nam trong giai đoạn này từ ảnh hưởng của văn hóa phương Tây thông qua các trường phái lý luận – phê bình hiện đại như đã trình bày ở trên là điều không thể phủ nhận.

Trần Hoài Anh

(Còn nữa)

——————–

(1) Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1988, tr.17

(2) Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (1900 – 1945), Nxb. ĐHQG TP HCM, 2004, tr.189

(3) Phạm Văn Đồng, Văn hóa và đổi mới, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 31

(4) Lý Hoàng Phong, “Có chăng một sự kỳ lạ trong văn nghệ mới”, Văn nghệ số12/1962, tr.13

(5) Nguyên Sa, Một bông hồng cho Văn nghệ, Nxb Trình Bày, Sài Gòn, 1967, tr.93-94.

(6) Tam Ích, Ý Văn1, Nxb Lá Bối, Sài Gòn 1967, tr.29

Nguồn: Tổ quốc

Exit mobile version