Trong bài “Tựa” mở đầu cho cuốn truyện Thầy Lazaro Phiền(1887), tác giả Nguyễn Trọng Quản viết: “Đã biết rằng: xưa nay dân ta chẳng thiếu chi thơ, văn, phú, truyện nói về những đấng anh hùng hào kiệt, những tay tài cao trí cả rồi đó; mà những đấng ấy thuộc về đời xưa chớ đời nay chẳng còn nữa.

Bởi đó tôi mới dám bày đặt một truyện đời nay là sự thường có trước mặt ta luôn, như vậy sẽ có nhiều người lấy lòng vui mà đọc, kẻ thì cho quen mặt chữ, người thì cho đặng giải phiền một giây”.

Đọc truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX, chúng ta thấy hiện lên một xã hội trong buổi đầu tiếp xúc với nền văn hoá phương Tây về mọi mặt. Có thể nói luồng gió văn hoá mới phương Tây đã làm chao đảo nhiều giá trị văn hoá, tinh thần của con người Việt Nam. Cây tư tưởng Nho học bám rễ bao đời trong tâm thức con người Nam Bộ cũng lay chuyển theo từng cơn lốc Tây học.

Thể hiện rõ nhất của quá trình hiện đại hoá văn học là sự lựa chọn đề tài, chủ đề. Lúc bấy giờ, những tác phẩm văn học đang thịnh hành đều là những truyện Tàu, “ít thấy có truyện nào nói việc xứ mình. Nay tôi ngụ ý soạn một bổn nói việc xứ mình, dùng tiếng tầm thường cho mọi người dễ hiểu đặng (…). Truyện này tuy là đồ huyết, song theo cuộc đời thường tình thiên hạ hằng có như vậy luôn, chẳng nói việc dị đoan sang đàng quá trí khôn cho con người” (Trần Chánh Chiếu).

Như vậy, tác giả  Trần Chánh Chiếu đã nói rõ ý định viết để phản ánh những điều mắt thấy tai nghe trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, không cần vay mượn của người ngoài nữa. Vì vậy, đề tài không còn bó hẹp trong “trung , hiếu, tiết, nghĩa” mà là những câu chuyện rất đời thường của nhân tình thế thái, rất gần gũi mà người đọc từng thấy xảy ra xung quanh.

Làn sóng Âu hoá tràn sang vùng đất Nam Bộ tạo ra sự phân hoá giai cấp mạnh mẽ; kinh tế hàng hoá buổi sơ khai, sự thông thương buôn bán đã tạo ra  một lớp nhà giàu mới. Vì mới nổi nên họ thường tự đắc hơn người. Họ học đòi nhiều thứ, trong đó có sự học đòi làm sang nhằm khoe khoang vẻ “phong lưu”. Truyện ngắn Chủ nhà phong lưu (1911) kể về một người “mỗi năm góp ước đặng 4, 5 chục ngàn giạ lúa, cho nên có ý tập tánh sửa hình cho ra vẻ nhà phong lưu, người chủ hộ”. Anh ta mướn một người ở và căn dặn rằng: “Tánh tao là người phong lưu, nho nhã (…) hễ mỗi lúc tao mở miệng ra nói một tiếng chi, mầy phải hiểu cho xa mà làm cho đủ việc”… Cuối cùng anh ta bị người ở “hiểu cho xa” đã sắm sửa quan tài, đồ cúng, rước thầy chùa vào chuẩn bị làm đám ma vì trước đó anh ta than: “Sớm mai giờ tao bợn dạ làm như muốn thổ, nên ăn không đặng”. Theo “ý tứ mà suy” thì người đầy tớ hiểu là chủ nhà sắp chết đến nơi nên đã làm những việc cười ra nước mắt…

Truyện Thời sự tiểu thuyết (Huỳnh Minh Phụng- 1911) đề cập một đề tài khác. Đó là coi trọng con người có chí, làm ăn thức thời, thiết thực và biết làm rạng danh gia đình, giúp ích cho đời, cho nước. Câu chuyện kể về  một gia đình, nhân ngày họp mặt, sáu anh em mỗi người đưa ra cái chí hướng sống, làm ăn của mình. Mỗi người đều có những ý hướng riêng và anh Cả đã chấm cho người em thứ năm là nhứt “Thằng Năm rõ thông thời vụ; làm trai như vậy nên phong, học hành là sự nở nang ai chẳng mộ những người lịch sự, (trải việc). Chấm gộp: thằng năm bực nhứt, thằng bốn bực nhì, thằng ba đứng bực ba.”

Đề tài tình yêu đôi lứa cũng được quan tâm đề cập và quan điểm sáng tác có những bước tiến rất xa. “Ôi! ái tình” là một truyện ngắn hấp dẫn, có nhiều tình huống bất ngờ, lâm ly của tác giả Công Bình (1922). Câu chuyện kể về mối tình giữa thầy VD và cô Lê Thị, con gái ông Hương Cả nhà giàu. Mâu thuẫn nảy sinh khi cô Lê Thị không chịu sự ép gả cho con nhà giàu của ông Cả và cô chủ động tìm đến với thầy VD giãi bày uẩn khúc. Trước ngày cưới, một lần nữa cô Lê Thị tìm đến thầy và họ bàn cách trốn nhà lên Sài Gòn tá túc. Bất chấp mọi sự ngăn cản của ông Hương Cả, họ nên vợ nên chồng và thầy VD vì không chịu được sự hắt hủi của ông Hương Cả, đã đổi lên Sài Gòn dạy học.

Những tưởng đôi lứa sẽ hạnh phúc bên nhau nhưng từ khi lên chốn phồn hoa đô hội, thầy VD theo bạn xấu rủ rê, sa vào chốn ăn chơi, bỏ mặc cửa nhà, vợ con và bị tên bạn làm phản. Thầy bị một ả giang hồ lừa gạt; vợ thầy vì đau buồn mà quyên sinh. Thầy VD hối hận, phát điên và chết thảm…

Đề tài về thời cuộc, về trách nhiệm của công dân, về đạo làm người, về việc học để mở mang đầu óc trong thời cuộc mới cũng được đề cập trong truyện ngắn “Giấc mộng” (Bửu Đình- 1926).

Trong một giấc mộng, tác giả gặp một bậc tiền bối khả kính cùng đàm đạo về sự học rất tâm đắc. Qua câu chuyện đời, chúng ta thấy tác giả quan niệm học làm nô lệ thì dễ, học để hiểu mình, hiểu người; học để tự lập thì mới là khó. Càng biết học khó bao nhiêu càng kính phục sự  học bấy nhiêu.

Bên cạnh đó là quan niệm rất mới về đạo làm người trong xã hội “Làm người mà biết đau biết khổ, biết nhục biết giận, biết giử lợi quyền cho mình, biết binh vực lợi quyền cho người, biết thương kẻ lâm nạn, biết khuyên người cô quả, thấy giàu phi nghĩa chẳng màng, thấy sang bất nhân chẳng ham, phải thì làm, trái thì thôi, chẳng khinh người nghèo, chẳng hiếp người yếu”.

Mặt khác, tác giả phê phán những kẻ có tư tưởng học để làm ông này ông nọ, chỉ biết cái lợi của riêng mình mà không màng đến vận nước.

Nằm trong mảng đề tài đó, truyện ngắn Đồ hèn mạt (Thúc Anh- 1931) đã phê phán mạnh mẽ những kẻ mất gốc, nhuốm mùi kim tiền mà quên mất bổn phận đối với quê hương, đất nước.

Hai người bạn đang ngồi ngắm cảnh bên rạch Thị Nghè, một người là thầy giáo Trung Ngôn và người kia là ông Tú tài Cao Quốc Sĩ mới du học bên Pháp về. Thầy Trung Ngôn cho rằng khí hậu mát mẻ, cảnh hữu tình, tâm hồn thơ thới, còn Tú Cao nghĩ ngược lại: khí hậu nóng, cảnh vật ở ta không bằng cảnh vật bên Pháp…

Tú Cao nhờ thầy Trung Ngôn làm mai với điều kiện con gái nhà giàu mới có của hồi môn lớn; đặng phần nào bù đắp công sức học và xứng với cái bằng Tú tài của ông ta.

Tú Cao cho rằng: “Vợ cho đúng đắn là phải có của hồi môn cho nhiều. Anh nghĩ coi như tôi học hành mười mấy năm trời, cực trí não, mệt tinh thần mới được chức Tú tài này chứ phải dễ dàng gì. Cô nào muốn làm vợ tôi, hưởng quyền tước của tôi thì ít nữa phải bù chi cho tôi mới là công bình chứ (…). Đời này là đời kim  tiền, mỗi món gì cũng phải có tiền mới là xong, anh còn lạ gì sao ?”.

Tác  giả mượn lời thầy Trung Ngôn để phê phán hạng người biến chất đó: “Ai ai cũng trông mong mau thành tài đặng đem cái học thuật của ông về bồi bổ cho non sông tổ quốc, khai hoá đám dân ngu, nưng cao quốc hồn Việt Nam. Nào hay ông về tới xứ sở ông chê khí hậu, khinh thị giang san, lại còn bày tỏ cái tâm lý khả ố của ông ra nữa… Ông học nhiều, nhiều lắm, nhiều cho đến nỗi ông quên ông là An Nam. Ông đem văn bằng ông trưng ra để làm mồi câu của hồi môn; ông không muốn hiểu nghĩa “hạnh phước” trong gia đình theo á đông; ông cứ lo đục lợi không kể gì tốt xấu, không quản chi nhơn nghĩa, ông thiệt là “đồ hèn mạt”.

Đề tài về nhân tình thế thái tuy mô-típ cũ nhưng mang nội dung mới, cách kể mới. Truyện Trời Phật công bình (Trần Quang Nghiệp- 1929) kể về một vụ án mạng xảy ra trên một chuyến tàu lửa từ Nha Trang đi Sài Gòn. Kẻ thủ ác giết chết một người, cướp của rồi nhảy xuống tàu tẩu thoát. Trên đường chạy trốn, hắn thấy một ngôi nhà bên đường và dự tính vào tìm chỗ nghỉ chân. Nào ngờ đây là hang ổ của hai vợ chồng chuyên nghề cướp của  giết người. Tên cướp bị hai vợ chồng ấy giết chết  và bất ngờ họ  nhận ra đứa con trai của mình phiêu dạt mấy năm nay không về… Quan niệm “ác giả ác báo” của dân gian được nâng lên ở một tầm giáo huấn mới.

Xét trên bình diện nghệ thuật, chúng ta thấy truyện ngắn Nam Bộ trong giai đoạn này có những bước chuyển biến mạnh mẽ về các mặt như kết cấu, bố cục, dựng cảnh; tạo ra một sức sống mới trên bước đường hiện đại hoá văn học.

Về kết cấu, hầu hết các truyện ngắn nêu trên đều có kết cấu chặt chẽ, tình tiết câu chuyện đưa ra một cách tự nhiên.

Quan niệm về nhân vật khá rõ ràng qua cách xây dựng nhân vật (Ôi! ái tình). Ngôi kể ở đây là ngôi thứ nhất (Tôi) làm cho câu chuyện trở nên khách quan, chân thực. Một nét khá hiện đại là kết cấu “truyện lồng trong truyện” rất gần với kết cấu của truyện ngắn thế kỷ XX! Mở đầu truyện “Ôi! ái tình” là một mẩu tin trên báo, sau đó tác giả ngược dòng thời gian kể lại. Hoặc đang kể, dừng câu chuyện lại và đưa ra lời nhận xét, bình phẩm về nhân vật và kể tiếp.  Kết  thúc các câu chuyện đều ở dạng mở, làm cho người đọc phải suy nghĩ, nghiền ngẫm về nhân vật, về câu chuyện, về thế thái nhân tình…

Có sự giằng co, diễn ra âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt giữa tư tưởng cũ và tư tưởng mới. Cách diễn đạt mới mẻ, hiện đại; ngôn ngữ bình dân, dễ hiểu đã làm cho các câu chuyện sát thực với đời sống hơn. Bên cạnh những câu văn biền ngẫu (đã được Nam Bộ hoá) là những câu văn hiện đại (có câu dài tới 102 chữ, sử dụng 11 dấu ngắt câu trong truyện Chủ nhà phong lưu). Câu văn trong sáng, diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu.

Một điều cũng cần lưu ý là nhân vật tuy mang nét xưa, dáng dấp xưa nhưng mang suy nghĩ mới mẻ, thức thời. Bên cạnh đó, nghệ thuật dựng cảnh thật hấp dẫn, lôi cuốn và nền cảnh có tác dụng hỗ trợ cho tính cách nhân vật. Dựng cảnh sinh động cũng là yếu tố, là biểu hiện của quá trình hiện đại hoá văn học. Cảnh đa dạng, phong phú, không còn mang tính ước lệ.

Xung đột giữa cái cũ (Nho học) và cái mới (Tây học) cũng là sự xung đột giữa một bên là tư tưởng muốn bảo tồn cái bổn gốc; cái hồn, cái đẹp ngàn xưa của dân tộc và một bên là muốn xoá bỏ những gì lạc hậu, cổ hủ đang cản trở con đường đi tới.

Cuối cùng, những nét đẹp tinh hoa của dân tộc, những gì phù hợp với quan niệm của nhân dân đều được bảo tồn như lòng yêu quê hương, đất nước; như đối nhân xử thế đúng đắn, có thuỷ có chung, trọng nghĩa khinh tài, bao dung, độ lượng… Những gì không dung nạp được đều bị lên án, đào thải như lối sống vì tiền, thiếu nhân nghĩa, thiếu trách nhiệm với dân tộc, với cộng đồng …

Do văn học Nam Bộ trong giai đoạn này đi sát cuộc sống đời thường nên hình thành một công chúng văn học bình dân rộng rãi, đều khắp và đã tác động trở lại một cách tích cực cuộc sống lúc bấy giờ nên nhiều tác phẩm lần lượt xuất hiện để đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giải trí của mọi tầng lớp độc giả…

Lê Đức Đồng

Nguồn: vanvn.net.