Một nền văn học phát triển không bao giờ chấp nhận sự bảo thủ, đơn điệu. Đó là con đường đưa nhà văn đến ngõ cụt của sáng tạo ngôn từ. Với nghệ thuật, sáng tạo đồng nghĩa với phát triển và sáng tạo luôn được đặt trên tinh thần khẳng định cái tôi hay nói cách khác là tính cá thể hóa trong nghệ thuật. Nghiên cứu văn học xét đến cùng là đi đến khẳng định tính cá thể của hình tượng nghệ thuật, của tác phẩm, của tác giả. Nhà văn sáng tạo gì? Sáng tạo như thế nào? Đóng góp của nhà văn đối với tiến trình văn học ở đâu? Tất cả câu trả lời đều tiềm ẩn nơi hình tượng nghệ thuật. Hình tượng nghệ thuật có quan hệ mật thiết với hiện thực, vô cùng phong phú đa dạng và luôn mang dấu ấn tác giả đậm nét. Vì thế, vấn đề hình tượng tác giả được đặt ra một cách nghiêm túc. Liệu thật sự có hình tượng tác giả và nếu có thì phải xem xét nó như thế nào? Trả lời câu hỏi ấy thật không dễ. Hình tượng tác giả rõ ràng là một sáng tạo của nhà văn nhưng lại không giống các hình tượng nghệ thuật khác cùng tồn tại trong tác phẩm. Nó luôn cố che giấu bản thân bằng mặt nạ ngôn từ, mang tính ẩn lậu, gián tiếp. Tuy nhiên, nếu có thể lột dần chiếc mặt nạ bao bọc bên ngoài đó, ta sẽ có cơ hội tiếp cận gần hơn thế giới nghệ thuật đích thực mà mỗi nhà văn sáng tạo, gửi gắm


Tính cá thể hóa trong sáng tạo văn chương và hình tượng tác giả

Tính cá thể là tính chất riêng lẻ, cụ thể của đối tượng. Nó thuộc yếu tố nội tại bên trong bản chất sự vật, hiện tượng hay con người giúp khẳng định nét khu biệt thông qua sự cụ thể hóa. Văn chương – loại hình nghệ thuật ngôn từ tồn tại như một cá thể trong hệ thống các loại hình nghệ thuật. Hoạt động sáng tạo của nhà văn cũng mang tính chất cá thể. Tuy nhiên, do đặc thù của mình, tính cá thể trong sáng tạo văn chương là tính chất của một quá trình cụ thể hóa đối tượng thẩm mỹ qua sự sàng lọc của tư tưởng nhà văn và được vật chất hóa bằng ngôn từ nghệ thuật. Quá trình này bắt đầu từ những ấn tượng hiện thực để lại trong nhận thức chủ thể tạo nên dự đồ nghệ thuật cho đến khi ấn tượng trừu tượng trở thành hình tượng nghệ thuật cụ thể, sinh động và có một đời sống riêng. Như một quy luật, hình tượng nghệ thuật ấy quay trở lại giúp chủ thể sáng tạo khẳng định mình. Tính cá thể hầu như bao quát toàn bộ mọi khía cạnh trong quá trình lao động sáng tạo của nhà văn. Ở đây, bài viết chỉ đi vào khảo sát hình tượng tác giả như là nơi tập trung thể hiện của tính cá thể.

Văn học là một hình thái ý thức xã hội thể hiện đời sống hiện thực bằng tư duy hình tượng. Hình tượng nghệ thuật trước hết như là sản phẩm của hư cấu, tưởng tượng, sáng tạo trên cơ sở quan điểm thẩm mỹ người nghệ sỹ nhằm tái tạo hiện thực khách quan. Nó vừa mang tính chủ quan vừa mang tính khách quan. Tiếp cận tác phẩm văn học là tiếp cận thế giới hình tượng nghệ thuật. Vậy hình tượng tác giả có phải là hình tượng nghệ thuật hay không? Nếu đúng như vậy thì có thể xem xét nó trên những phương diện, khía cạnh nào?


Theo M. Bakhtin, tác giả tồn tại độc lập, tác động và giao tiếp với các hình tượng khác nhờ sự đối thoại từ bên trong của ngôn ngữ hình tượng. Ông viết: “Tác giả miêu tả ngôn ngữ đó, đồng thời đàm thoại với nó, sự đàm thoại xâm nhập vào bên trong hình tượng ngôn ngữ, đối thoại hóa nó từ bên trong. Và tất cả các hình tượng tiểu thuyết có giá trị đều như thế: đó là hình tượng được đối thoại hóa từ bên trong – hình tượng ngôn ngữ của người khác, phong cách của người khác, thế giới quan của người khác” [2; tr.85]. Cũng theo ông, lối đối thoại từ bên trong giữa tác giả và các nhân vật là kiểu đối thoại tiểu thuyết đặc thù. Không chỉ ở tiểu thuyết đa thanh, tác phẩm văn chương nói chung lúc nào cũng cùng tồn tại hình tượng ngôn ngữ nhân vật, hình tượng ngôn ngữ tác giả trong quan hệ đối thoại nhau.


Điều đó không có nghĩa M. Bakhtin đồng quan điểm với V. Vinôgrađốp thu hẹp phạm vi hình tượng tác giả trong hình tượng chủ thể của ngôn từ, là hình thức tổ chức ngôn từ. Tất nhiên mọi hình tượng nghệ thuật văn chương đều được xây dựng từ chất liệu ngôn từ. Ông nhấn mạnh sự hiện diện tác giả trong tác phẩm qua cái nhìn, quan niệm nghệ thuật về cuộc sống và con người. Nghiên cứu Tội ác và trừng phạt, M. Bakhtin tập trung vào cái nhìn nghệ thuật về con người của Đôxtôiepxki. Ông còn nhấn mạnh vấn đề “tự ý thức” của nhân vật. Nhưng sự “tự ý thức” ấy xuất phát từ lập trường, cái nhìn của tác giả. Tức trong tương quan đối thoại, nhà văn cũng tự ý thức về mình.


Từ ngôn ngữ học, Jacovson chú trọng đến chức năng thi ca (chức năng thi ca không phải chỉ bó hẹp trong phạm vi thơ ca mà bất cứ thể loại nào). Nếu M. Bakhtin khảo sát phần lớn tiểu thuyết thì Jacovson lấy Bauderlaire làm điểm tựa phân tích. Dẫu tiểu thuyết hay thơ trữ tình, cái tôi tác giả đều rất quan trọng: “Định hướng dùng ẩn dụ một cách cơ bản thì ai cũng biết, vấn đề còn lại là xác định cấu trúc chủ tố (structure thematique) của khuynh hướng trữ tình của nhà thơ – xung động trữ tình – như chúng tôi đã nói – được sinh từ “cái tôi” của nhà thơ” [4; tr.244]. L. Ghindơbua nhận thấy nhà thơ thường xuyên hình dung về mình, tự giới thiệu về mình. Bonexkaia cho rằng hình tượng tác giả biểu hiện qua nhân vật.


Nhà  nghiên cứu văn học Lại nguyên Ân nhận định: “Chỉ vận dụng vào các thể loại tự sự mới có thể nói đến hình tượng tác giả – người trần thuật với tư cách là hình thức có  mặt gián tiếp của tác giả ngay bên trong tác phẩm của mình. Ở văn xuôi nghệ thuật, nói hình tượng tác giả hoặc tiếng nói tác giả là để nói đến dấu ấn cá nhân của những lớp ngôn từ nghệ thuật mà người ta không thể gán cho các nhân vật chính hoặc người kể chuyện hư cấu. Có quan niệm coi hình tượng tác giả là hình tượng lời nói” [1; tr.147]. Ông quan tâm đến việc giải phóng giọng điệu cá nhân hình thành hình tượng tác giả. Gần M. Bakhtin, ông gắn hình tượng tác giả với tiếng nói tác giả nhưng chỉ giới hạn hình tượng tác giả trong văn xuôi nghệ thuật. Tác giả tất nhiên bộc lộ trong mọi tác phẩm kể cả tác phẩm văn học dân gian nhưng hình tượng tác giả chỉ xuất hiện khi giọng điệu cá nhân được giải phóng, khi mà “các phương diện nội dung của nhân cách tác giả (tính cách, thế giới quan, đặc biệt là lập trường tư tưởng – thẩm mỹ) ngày càng nhập sâu vào cơ cấu nghệ thuật của tác phẩm. Các trào lưu văn học thời cận đại và cận hiện đại đã sản sinh nhiều hình tượng tượng trưng (thường mang tính triết lý) về sự tự ý thức của tác giả” [1; tr.146].


Theo Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán- Trần Đình Sử- Nguyễn Khắc Phi), hình tượng tác giả được xem là “phạm trù thể hiện cách tự ý thức của tác giả về vai trò xã hội và vai trò văn học của mình trong tác phẩm” [6; tr.149]. Hình tượng tác giả vừa cho thấy vị trí số phận nhà văn vừa mang đậm cá tính tác giả tức phong cách. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu nêu lên cơ sở tâm lý hình tượng tác giả, cơ sở nghệ thuật của nó và tính chất gián tiếp của văn bản nghệ thuật.


Mỗi người trên cơ sở quan điểm của mình đưa ra một cách hiểu về hình tượng tác giả. Nó cho thấy vấn đề hình tượng tác giả còn nhiều điều cần làm rõ. Nếu các hình tượng nghệ thuật khác như thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật, nhân vật… giúp chúng ta chiếm lĩnh thế giới hiện thực trong tác phẩm thì hình tượng tác giả cho ta hiểu về chủ thể sáng tạo của nó, phong cách tác giả. Cho nên hình tượng tác giả phức tạp hơn các hình tượng nghệ thuật khác. Nó ẩn trong mọi hình thức nghệ thuật. Nghiên cứu không – thời gian, nhân vật… thực chất là nghiên cứu hình tượng tác giả gián tiếp.


Vì phức tạp nên khó tránh khỏi nhập nhằng nội dung khái niệm. Có người hiểu quá hẹp, có người mở rộng phạm vi hình tượng tác giả ở mọi thành tố cấu tạo tác phẩm: từ cách quan sát, cách suy nghĩ, thích cái gì, ghét cái gì trong lập trường đời sống, đến giọng điệu lời văn – cả giọng điệu người trần thuật và giọng điệu nhân vật. Thi pháp học nghiên cứu hình tượng tác giả như các hình tượng nghệ thuật khác “là một hình tượng của tác giả được sáng tạo ra trong tác phẩm như là các nhân vật khác, sáng tạo ấy hoàn toàn không theo ý muốn chủ quan của cá nhân” [8; tr.65]. Hình tượng ấy được thể hiện như thế nào trong tác phẩm và vì sao được thể hiện ra như vậy? Trong trường hợp này, hình tượng tác giả không dung nạp tác giả với nghĩa chủ thể sáng tạo tác phẩm vốn được mặc nhiên thừa nhận.


Hình tượng tác giả – kết quả của sự cá thể hóa chủ thể với tư cách đối tượng thẩm mỹ

Sáng tạo văn chương là một quá trình cá thể hóa và mang tính cá thể. Nếu xem tính cá thể trong sáng tạo văn chương là sự cụ thể hóa đối tượng thẩm mỹ qua sự sàng lọc của lập trường, thế giới quan nhà văn thì phải xét trên hai phương diện: cá thể hóa khách thể, cá thể hóa chủ thể


Khách thể là thế giới hiện thực khách quan tồn tại độc lập không phụ thuộc vào ý thức con người. Trong mối quan hệ với chủ thể, khách thể là đối tượng nhận thức, chịu sự chi phối của chủ thể. Tuy nhiên, văn chương lấy con người làm đối tượng trung tâm nên mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống con người đều được khách thể hóa trở thành đối tượng để nhà văn nhận thức, khám phá. Khi các nhà văn hiện đại mở rộng nhãn quan, đi sâu khai phá những vùng đất mới lạ đầy bí ẩn như vô thức, tiềm thức, tâm linh thì rõ ràng quan niệm văn chương cũ cần phải thay đổi. Đối tượng nhận thức, tái hiện, sáng tạo rõ ràng đã vượt qua ranh giới của những gì khách quan hữu hình, nằm trong vùng ý thức của con người, hướng đến cái mà ý thức còn chưa thể vươn tới.


Khách thể khi đi vào tác phẩm đã qua “gia công”  nhà văn nên không còn là khách thể tự nó nữa. Khách thể được thể hiện cụ thể, sinh động, hấp dẫn thành hình tượng nghệ thuật. Nhân vật không tồn tại chung chung, độc lập mà tham gia vào các quan hệ xã hội trong không – thời gian xác định với những đặc điểm ngoại hình, tính cách, tâm lý cụ thể. Nhân vật như đi lại, thủ thỉ, kêu than trên trang sách, thậm chí thét vào nhà văn với tư cách bạn đọc đầu tiên. Từ cái cụ thể làm nên nét khu biệt ở từng hình tượng nghệ thuật.


Cá thể hóa khách thể phải đảm bảo hài hòa giữa cái chung với cái riêng. Cá thể hóa khách thể không bắt nhà văn bỏ thế giới rộng lớn miêu tả cái nhỏ bé, riêng tư. Vấn đề quan trọng là nhà văn phải từ cái cụ thể sinh động khái quát lên thành quy luật chung của cuộc sống hiện thực. Tức cá thể hóa luôn gắn liền với điển hình hóa.


Khách thể đi vào tác phẩm cụ thể, khái quát nhưng như thế chưa đủ để khách thể văn chương tồn tại như hình tượng nghệ thuật độc đáo, giàu sức sống. Bêlinxky định nghĩa về điển hình nghệ thuật như là “một người lạ mặt quen thuộc”. Tự bên trong điển hình nghệ thuật tồn tại sự thống nhất hai yếu tố: khái quát hiện thực cuộc sống và khám phá mới lạ. Và dĩ nhiên, yếu tố mới lạ của khách thể chỉ có được nhờ quá trình cá thể hóa qua thế giới quan, phong cách nhà văn. Tính mới lạ thường nhờ sáng tạo hình thức nghệ thuật song cũng không ngoại trừ nhiều trường hợp nhà văn có những khám phá độc đáo về nội dung. “Con người tha hóa” trong văn chương đương đại rõ ràng là một đóng góp lớn về phương diện nội dung nghệ thuật khi các nhà văn đi sâu vào con người cá nhân dưới tác động xã hội mạnh mẽ. Tuy nhiên, nội dung ấy ở mỗi nhà văn lại có một cách thức thể hiện riêng. Phạm Thị Hoài, Đỗ Hoàng Diệu, Vi Thùy Linh gia tăng tối đa yếu tố tính dục khi xây dựng nhân vật (cả tự sự lẫn trữ tình). Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh… trao cho nhân vật những phát ngôn hết sức bạo liệt có phần tục tĩu kiểu chợ búa.


Như vậy, hình tượng tác giả bộc lộ gián tiếp từ việc lựa chọn chất liệu xây dựng hình tượng và đặc biệt thể hiện rõ ở tính “lạ mặt” của nhân vật điển hình. Những biểu hiện gián tiếp này sẽ được làm rõ ở phần phong cách. Ngược lại quá trình cá thể hóa chủ thể là phương diện mà hình tượng tác giả được thể hiện trực tiếp trong tác phẩm. Chủ thể lúc này phân thân, lưỡng hóa vừa đứng ở vị trí chủ thể vừa là đối tượng nhận thức, tái tạo. Trường hợp nhà văn này trở thành đối tượng thẩm mỹ trong mắt nhà văn khác không thuộc vấn đề đang khảo sát mà ở đây chính chủ thể tự cá thể hóa mình, tự miêu tả mình trong tác phẩm.

M. Bakhtin thấy sự xuất hiện yếu tố tự truyện và hồi ký không đơn thuần tự nhiên mà mang đầy chủ ý. Nó xuất hiện ở thể loại “cười cợt- nghiêm túc” trong quá trình chuyển giao thể loại, xóa bỏ khoảng cách sử thi, diễn ra cuộc cách mạng lật đổ chuẩn thời gian và trường miêu tả, thân mật hóa đối tượng miêu tả. Tác giả có mặt ở trường miêu tả là kết quả sự thân mật hóa ấy: “Tiểu thuyết tiếp xúc với môi trường cái hiện tại chưa hoàn thành, chính đặc điểm này không cho phép thể loại ấy bị đông cứng lại. Người viết tiểu thuyết thiên về tất cả những gì còn chưa xong xuôi. Anh ta có thể xuất hiện trong trường miêu tả ở bất cứ tư thế tác giả nào, có thể mô tả những sự việc có thật trong đời mình hoặc nói ám chỉ đến chúng, có thể can thiệp vào cuộc trò chuyện giữa các nhân vật, có thể bút chiến công khai với các địch thủ văn học của mình” [2; tr.57]. Nhưng đấy chỉ là vế đầu thôi. M. Bakhtin quan tâm nhiều hơn đến việc tác giả xuất hiện trong tư thế đối thoại với nhân vật tạo nên hiện tượng đa thanh, phức điệu. Ông mong đợi ở hình tượng tác giả nhiều hơn: “Chính nhờ vị thế mới ấy của tác giả nguyên sinh, tác giả chính danh trong khu vực tiếp xúc với thế giới được miêu tả mà hình tượng tác giả có thể xuất hiện trong trường miêu tả. Cái vị thế mới ấy của tác giả là một trong những hệ quả quan trọng nhất của sự khắc phục khoảng cách sử thi (tôn ti).Vị thế mới ấy có một ý nghĩa lớn như thế nào về mặt hình thức – cấu trúc và phong cách đối với các đặc trưng của thể loại tiểu thuyết – điều ấy hà tất phải giải thích” [2; tr. 57].


Việc cá thể hóa chủ thể như đối tượng thẩm mỹ thể hiện khá rõ ở thể loại hồi ký hay phần tự thuật. Thơ trữ tình thường khó phân định do nhân vật trữ tình và tác giả thường xuyên phân thân, hòa lẫn vào nhau. Ở hồi ký và tự thuật, tác giả độc lập, bình đẳng với các hình tượng nhân vật khác. Hình tượng tác giả được xây dựng theo đúng nguyên tắc sáng tạo nghệ thuật. Hồi ký nặng sự thật, gần tiểu sử khoa học nhưng không bao giờ tránh khỏi yếu tố chủ quan. Nhà văn tự nhìn mình bằng con mắt người nghệ sỹ, chọn lọc chi tiết, ngôn từ miêu tả. Tác giả cũng đi đứng, nói năng, độc thoại, đối thoại như bao nhân vật khác. Thật không đâu như trong hồi ký, nhà văn tự biểu hiện mình đa diện, đa chiều hơn. Nhờ đó, người đọc có thể tiếp cận, nắm bắt hình tượng tác giả dễ dàng như hình tượng nhân vật khác. Tạm gọi đó là nắm bắt hình tượng tác giả trực tiếp ở bề mặt.


Tuy nhiên, không thể dừng lại ở mức độ xem hình tượng tác giả như nhân vật tác giả trong tác phẩm. M. Bakhtin cho rằng, nói về hình tượng tác giả là nói về phong cách, tức là tính cá thể của nhà văn chứ không phải đối tượng. Mà phong cách lại đòi hỏi năng lực tưởng tượng, sáng tạo vượt bậc trong khi hồi ký lại hạn chế khả năng khám phá, tái tạo hiện thực.


Vấn  đề phong cách qua hình tượng tác giả

Phong cách hình thành khi văn học dần xa rời lối “cự ly hóa sử thi” có xu hướng cá thể hóa. Hình tượng tác giả và dấu ấn cá nhân càng ngày càng đậm nét, độc đáo hơn khi cái “tôi” cá nhân tìm cách thoát khỏi kìm kẹp của giáo hội thời trung cổ hay phong kiến phương Đông. Văn học không chỉ quan tâm khẳng định số phận cá nhân mà còn đặc biệt chú trọng tính cá thể trong sáng tạo nghệ thuật của mỗi nhà văn.

Tác giả thể hiện phong cách gián tiếp qua những thành tố khác của tác phẩm. “Hình tượng nhân vật trong tác phẩm thì có hành động, có ngôn ngữ… Còn hình tượng tác giả thì không như vậy. Tác giả ít khi miêu tả bản thân mình trong tác phẩm. Tác giả đứng ở một thế giới khác là người quan sát, miêu tả, phân tích nhân vật” [8; tr.66]. Vì gián tiếp nên muốn nhìn thấy hình tượng tác giả bắt buộc phải bóc dần lớp vỏ bọc ngôn từ. Hình tượng nhân vật Chí Phèo chưa phải là hình tượng tác giả Nam Cao. Hình tượng tác giả, ngôn ngữ tác giả chỉ hiện lên khi tìm ra mối quan hệ đối thoại bên trong giữa nhà văn và nhân vật. Hơn nữa, khi khách thể được cá thể hóa thành hình tượng nghệ thuật, nó không còn là sản phẩm của giới tự nhiên mà thuộc về sự sáng tạo chủ thể. Con người hành động có mục đích, nên: “Văn học nói đủ thứ chuyện, về đủ các hạng người, những con người dạt dào tình cảm cũng như những sự vật vô tri, nói chuyện tâm hồn cũng như chuyện chiến đấu, sản xuất hay cơm áo gạo tiền, nhưng bao giờ cũng là qua lăng kính của nhà văn, cũng phải mang phần tâm huyết, gan ruột của nhà văn”[6; tr.78].


Hình tượng tác giả hiểu như vậy quả thật rộng. Nó thể hiện tập trung ở cái nhìn nghệ thuật, ngôn ngữ nghệ thuật. Đấy là những điểm nổi bật như chiếc chìa khóa đi vào hình tượng tác giả.


Cái nhìn nghệ thuật

Nói tới cái nhìn nghệ thuật người ta thường nhấn mạnh quan niệm chủ thể sáng tạo đối với hiện thực mà anh ta phản ánh. Nó quyết định cách thức thể hiện của tác phẩm. Cái nhìn là cái nhìn của chủ thể sáng tạo, mang đậm dấu ấn cá nhân độc đáo của anh ta. Cùng một đối tượng thẩm mỹ nhưng mỗi người với cái nhìn riêng sẽ tạo nên hình tượng nghệ thuật mang quan niệm, giá trị thẩm mỹ riêng. Khác điểm nhìn nghiêng về phương thức, phương tiện khám phá chỉ vị trí, chỗ đứng mà tác giả (hoặc người trần thuật, nhân vật) nhìn, miêu tả sự vật, cái nhìn nghệ thuật là điều kiện tiên quyết tạo nên những khám phá mới mẻ ở đối tượng của nhà văn.


Dù  nhân vật giữ vị trí trung tâm nhưng mọi khía cạnh liên quan đến con người đều trở thành đối tượng nhận thức, phản chiếu cái nhìn nhà văn vào đó. Mối tình Kim Trọng – Thúy Kiều cho thấy cái nhìn vượt chuẩn của Nguyễn Du về tình yêu. Cái nhìn ấy quy định các hình tượng được miêu tả trong tác phẩm. Tình yêu vượt chuẩn đòi hỏi nhân vật phải phá chuẩn: “Xắn tay mở khóa động đào/ Rẽ  mây trông tỏ lối vào thiên thai”, hay “Cửa ngoài vội rủ rèm the/ Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”.

Không có cái nhìn phi chuẩn, Truyện Kiều khó vượt qua phong cách thời đại ghi dấu ấn cá thể với bạn đọc mọi thời đại. Mộng liên đường chủ nhân khi viết lời tựa đã tinh tế nhận ra nét đẹp mới lạ của Truyện Kiều nhờ sáng tạo Tố Như tử: “Truyện Thúy Kiều chép ở trong lục Phong tình, ta không cần bàn làm gì. Lục Phong tình cũng đã cũ rồi, Tố Như tử xem truyện, thấy việc lạ, lại thương tiếc đến những nỗi trắc trở của kẻ có tài, bèn đem dịnh ra quốc âm, đề là Đoạn trường tân thanh, thành ra cái lục Phong tình thì vẫn là cái lục cũ, mà cái tiếng Đoạn trường thì lại là cái tiếng mới vậy” [3; tr.4]. Cái nhìn Nguyễn Du thấm đẫm chữ tình, tấm lòng thương tiếc người tài tình và số phận con người ở cõi trăm năm. Đạt đến cái nhìn thâm thúy như thế không phải chuyện dễ. Truyện Kiều trở thành bộ bách khoa thư về tâm trạng, tình cảm, số phận con người là vậy: “Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”[3; tr.5].

Chi tiết nghệ thuật là nơi cái nhìn nghệ thuật được cụ thể hóa. “Tác giả thể hiện trong văn mạch của tác phẩm, tuy tác giả vô  hình nhưng ta luôn luôn thấy con mắt của tác giả đặt vào các chi tiết” [8; tr.66]. Việc lựa chọn, phân tích, nhấn mạnh chi tiết này, lướt qua chi tiết kia tức là nhà văn đã gián tiếp thể hiện quan niệm của mình.

Nhìn chung, cái nhìn nghệ thuật là sản phẩm của mỗi người, là bình diện quan trọng làm nên phong cách nhà  văn. Hình tượng tác giả vốn vô hình nên cái nhìn nghệ thuật cũng mờ ảo. Song, tác phẩm văn học, sáng tạo văn chương không thể thiếu cái nhìn nghệ thuật bởi “đối với nhà văn cũng như đối với nhà họa sĩ, phong cách không phải là vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề cái nhìn” (Macxen Pruxt) [8; tr.109]. Sáng tạo văn chương nghệ thuật thực chất là sáng tạo cái nhìn nghệ thuật. Truyện ngắn về đề tài lịch sử (như Nguyễn Huy Thiệp) thực chất là sáng tạo cái nhìn đối với vấn đề quen thuộc tạo ấn tượng mới lạ trong cách tiếp nhận.

Ngôn ngữ nghệ thuật

Nếu cái nhìn nghệ thuật cho ta cảm nhận khái quát về hình tượng tác giả thì ngôn ngữ nghệ thuật giúp người đọc nắm bắt hình tượng cụ thể hơn. Ngôn ngữ nghệ thuật là chất liệu xây dựng các hình tượng, trong đó có hình tượng tác giả. Ngôn ngữ nghệ thuật biểu hiện nhiều mặt khác nhau mà chủ yếu tập trung vào đối thoại giữa các loại ngôn ngữ.

Người ta thường phân ngôn ngữ nghệ thuật thành ngôn ngữ độc thoại và ngôn ngữ đối thoại. Nhưng xét đến cùng nói văn học là nói đến tính đối thoại: nhân vật – nhân vật, nhân vật – nhà  văn, nhân vật – bạn đọc, nhà văn – bạn đọc… Ở bất kỳ hình thức đối thoại nào, hình tượng tác giả cũng để lại dấu ấn của mình.


Về mặt lý thuyết, đối thoại nằm trong phạm trù lời nói của tác phẩm tự sự bao gồm lời nhân vật trong mối quan hệ tương tác với lời người kể  chuyện, tạo nên tính chỉnh thể của cấu trúc văn bản nghệ thuật, bộc lộ đặc trưng phong cách của tác phẩm và quan niệm nghệ thuật của tác giả.

Trên thực tế, đối thoại giữa các lời nói diễn ra rất đamdạng, phức tạp vì nhà văn luôn muốn thể  hiện mình qua đối thoại, lấn át, hòa lẫn ngôn  ngữ mình vào ngôn ngữ nhân vật. Tác giả cố tình làm ra vẻ khách quan, lạnh lùng đứng ngoài cuộc chứng kiến, không tham gia vào đối thoại các nhân vật. Nhưng thật khó đạt tới thái độ khách quan ấy. Tác giả và nhân vật thực chất đã đối thoại với nhau, cuộc đối thoại diễn ra ở bề sâu chi phối đối thoại bề mặt với hình thức đối đáp.


Hình tượng tác giả bộc lộ rõ nét hơn khi tác giả biến ngôn ngữ nhân vật thành ngôn ngữ thứ hai của mình. Lời nhân vật và tác giả lẫn vào nhau, xóa hòa ranh giới các lời nói. M. Bakhtin gọi đó là lời song điệu của ngôn từ văn xuôi nghệ thuật. Ông viết: “Trong một lời nói như thế có hai tiếng nói, hai ý tứ, hai cung cách biểu cảm. Mà hai tiếng nói ấy quan hệ đối thoại với nhau, chúng dường như biết về nhau (như hai câu vấn đáp trong đối thoại biết về nhau và được xây dựng trong cái thế biết về nhau ấy), dường như đàm thoại với nhau” [2; tr.136]. Nhiều lúc không chỉ hai mà một lời có thể mang nhiều chủ thể: nhân vật, tác giả, người kể chuyện… Lúc ấy, lời nói mang tính đa trị, đa thanh. Đa thanh theo nghĩa này vượt ra cách hiểu nhiều giọng điệu, nhiều tiếng nói cùng tồn tại trong một tác phẩm mà tập trung vào tính phức hợp lời nói: lời người này ẩn trong lời người kia, nói cái này để ám chỉ cái khác, một lời mà nhiều chủ thể. Chúng được tạo lập trên cơ sở các lời nói bình đẳng, tương tác lẫn nhau hình thành tính phức điệu ngôn ngữ. Hình thức đối thoại này cho thấy tư thế chủ động của tác giả nhằm khám phá cuộc sống và con người đa chiều. Nó phổ biến trong văn học hiện đại khi cả nhà văn lẫn bạn đọc đều có nhu cầu lý giải mọi hiện tượng ở bề sâu của nó.

Việc tổ chức hình thức đối thoại như thế nào sẽ khẳng định phong cách tác phẩm, phong cách tác giả. Đa thanh (nhiều giọng, nhiều tiếng nói) thì  tác phẩm tự sự nào cũng có, nhưng chỉ tiểu thuyết Đôxtôiepxki bằng cách tổ chức lời nói riêng mới hình thành loại tiểu thuyết độc đáo được Bakhtin gọi là “tiểu thuyết phức điệu” ảnh hưởng mạnh suốt hơn thế kỷ sau đó.


Văn chương lấy ngôn từ làm chất liệu thứ nhất. Bản lĩnh, tài năng nghệ sỹ phần nhiều được khẳng định từ phương diện dụng ngôn. Các nhà Hình thức luận Nga quan niệm nghiên cứu văn chương phải nghiên cứu tính văn chương và tập trung vào chức năng thi ca, thủ pháp lạ hóa: “Theo Shklovski, nhận thức của con người có xu hướng tự động hóa để giảm bớt năng lượng tư duy. Bởi vậy, người ta thích dùng những từ ngữ quen thuộc đến sáo mòn. Văn chương phải chống lại sự tự động hóa đó thì mới gây được sự chú ý của người đọc. Phải lạ hóa thứ ngôn ngữ quen thuộc bằng từ mới, cách dùng từ độc đáo, hình ảnh lạ… Coi trọng lạ hóa, tức là mang trả lại sự hồn nhiên, sự tinh khôi cho ngôn ngữ, tức là coi trọng tính độc đáo, sự sáng tạo, cá tính, phong cách… những phẩm chất đích thực của văn chương” [8; tr. 10-11]. Nhìn vào tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX và kết quả bước đầu ở văn xuôi Tự lực văn đoàn và Thơ mới, hiện đại hóa văn học không gì khác là hiện đại hóa ngôn ngữ văn học, làm cho ngôn ngữ thêm uyển chuyển, linh hoạt, trong sáng, mới lạ. Sáng tạo văn chương là quá trình lao động ngôn từ mang tính cá thể đơn nhất.


Văn hào Gớt nhận xét rằng mỗi nhà văn bất kể muốn hay không muốn đều miêu tả chính mình trong tác phẩm của mình một cách đặc biệt – đặc biệt nên cuốn hút, thú vị; đặc biệt nên khó phát hiện; đặc biệt nên không thể lẫn lộn vào đâu được. Hình tượng tác giả có ý nghĩa rất lớn làm nên tính cá thể của sáng tạo văn chương. Nó làm cho đời sống văn chương như khu vườn đầy hoa thơm cỏ lạ. Cần phải đề cao hình tượng tác giả khi sáng tác cũng như nghiên cứu văn học nghệ thuật.

………………………………………………………….

Tài liệu tham khảo

1. Lại Nguyên  Ân, 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999.

2. M. Bakhtin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Trường Viết văn Nguyễn Du, Hà Nội, 1992.

3. Nguyễn Du, Truyện Kiều (Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu giải), Nxb Đồng Nai, 1994.

4. Jacovson, Thi học và ngữ học (Lý luận văn học phương Tây hiện đại), Nxb Văn học, Hà Nội, 2008.

5. Lê Bá Hán – Trần Đình Sử – Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2009.

6. Lê Đình Kỵ, Tìm hiểu văn học, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1984.

7. IU. M. Lotman, Cấu trúc văn bản nghệ thuật, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007.

8. Trần Đình Sử, Giáo trình Thi Pháp học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1993.

9. Trần Đình Sử, Giáo trình dẫn luận Thi Pháp học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998.

…………………………………….

(*) Bùi Khánh Ly: ThS. Bảo vệ tại Trường Đại học Đà Lạt


Nguồn: vanhocviet.org

 

Exit mobile version