Là một người thuộc thế hệ nhà văn hậu chiến, Hoàng Minh Tường thành công lớn trên con đường sự nghiệp văn chương với nhiều thể loại khác nhau. Có thể nói rằng, ông là một nhà văn đa dạng, phong phú trên hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình như truyện ngắn, bút kí, phóng sự, thơ… nhưng đặc biệt xuất sắc hơn cả là thể loại tiểu thuyết. Chạy dọc quá trình nghiệp văn, Hoàng Minh Tường luôn miệt mài không mệt mỏi đi tìm con đường riêng, phong cách không giống với ai, không lạc lẫn với một người nào khác. Nhà văn trình làng cuốn tiểu thuyết đầu tay Đồng chiêm (1979). Trong hành trình đi tìm chân lý cho cuộc sống, “viết không phải cho mình mà cho đời, vì đời”. Với quan điểm ấy, tác giả đã khẳng định tài năng nghệ thuật cùng sự trải nghiệm cuộc sống của mình lần lượt qua nhiều tác phẩm. Tiểu thuyết Vùng gió quẩn được ấp ủ từ lâu và bản thảo viết hoàn thành năm 1982, nhưng phải mười lăm năm sau, tác phẩm này mới được “chào đời” với tên gọi Thủy hỏa đạo tặc. Vậy là “vàng đã thử lửa” và một năm sau (1997), tiểu thuyết được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Chưa bao giờ ngừng nghỉ, năm 2000, Đồng sau bão ra mắt đọc giả như thiên chức của nó phải tồn tại nhằm nối tiếp và trả lời thay cho những gì Thủy hỏa đạo tặc còn dang dở. Trong suốt 30 năm cầm bút, nhà văn Hoàng Minh Tường vinh dự và xứng đáng nhận: Giải thưởng 10 tiểu thuyết xuất sắc về Nông nghiệp Nông thôn 1980 – 2010 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Hội Nhà văn Việt Nam đã trao cho bộ tiểu thuyết Gia phả của đất (Thủy hỏa đạo tặc – tập 1 và Đồng sau bão – tập 2). Đây chính là nỗ lực của một nhà văn chân chính khẳng định tên tuổi và vị thế của mình trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển cùng với nền văn học thế giới.
Nhà văn Hoàng Minh Tường
Nhân dịp Gia phả của đất được tái bản lần thứ 4, do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành vào quý IV năm 2012, ta có dịp nhìn lại nông thôn Việt Nam nói chung và nông thôn của đồng bằng sông Hồng nói riêng để khám phá chặng đường gần nửa thế kỷ qua.
Nhà văn Dương Hướng đã cho rằng: “Nhiệm vụ cao cả của nhà văn là tìm cái chân, cái thiện, cái mĩ và chống cái ác. Có viết về cái ác cũng để cho cái thiện trường tồn” và bộ tiểu thuyết Gia phả của đất ra đời như minh chứng cho điều đó. Đấy chính là một bức tranh sinh động và sâu sắc được Hoàng Minh Tường khắc họa lại hiện thực cuộc sống nông thôn và người dân lao động vùng đồng bằng Bắc bộ những thập niên 80 của thế kỷ XX một cách chân thực thông qua một xã Thanh Bình, huyện Giang Thủy. Đây là thời kỳ đất nước còn mang âm hưởng chiến công mùa Xuân 1975, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, với kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của Đảng và Nhà nước trong công cuộc khôi phục và xây dựng đất nước. Trong đó, mô hình hợp tác hóa nông nghiệp được thực hiện trên quy mô lớn. Dưới ngòi bút đa tài, nhạy bén, tác giả mở ra một thời gian dài… và một không gian rộng…cùng nhiều tầng lớp nhân vật lúc ở hiện tại, khi quay về quá khứ, có sự hồi tưởng xen lẫn liên tưởng rất linh hoạt đã hiện lên trên từng trang sách một nông thôn của sự phá vỡ cơ chế cũ (Thủy hỏa đạo tặc) và một nông thôn mới trong cơ chế thị trường (Đồng sau bão). Từ đó, ta có cái nhìn toàn diện, khách quan và đối sánh về nông thôn Việt Nam trong những năm đổi mới và hiện nay để thấy được những tồn tại, thiếu sót và lạc hậu cũng như sự tiến bộ của nông thôn một thời không xa. Chính điều này khẳng định thêm dấu ấn của tác giả trong văn chương nước nhà.
Là một người “chung tình với đề tài nông thôn”, Hoàng Minh Tường đưa người đọc trở về những thập niên ấy để thấy rõ mô hình duy ý chí, lỗi thời, được biểu hiện rõ trong Thủy hỏa đạo tặc. Nông thôn miền Bắc đang phải trải qua thời kỳ khó khăn, thử thách và cả những ấu trĩ “nông thôn đang giẫm phải con đường mà chính Liên Xô đã thoát ra từ những năm sáu mươi” [130]. Thời kỳ bao cấp, làm ăn kiểu trại lính, lẽ ra phải thay đổi. Chỉ trong bộ máy chính quyền hợp tác xã Thanh Bình đã có hai luồng tư tưởng khác nhau. Giữa một bên là những con người cố chấp, bảo thủ, giáo điều đại diện là một số cá nhân lãnh đạo “sáo mòn” và “trì trệ”, “họ làm việc với vốn hiểu biết hạn chế về chủ nghĩa xã hội, với kinh nghiệm sống và sự thông minh tháo vát trong khuôn khổ tâm lý của người nông dân” [189] và một bên là những con người truyền thống gắn bó với ruộng đồng, quyết tâm xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh, tiến bộ đem lại cuộc sống ổn định, ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Với bản lĩnh và lòng yêu nghề của một nhà văn, Hoàng Minh Tường khá xuất sắc khi xây dựng một loạt nhân vật đại diện cho những cán bộ lãnh đạo như Trần Sinh (Bí thư huyện ủy), Cơ (chủ nhiệm hợp tác xã), Biền, Thiển, Lõa, Cản… (cán bộ chủ chốt của xã). Mỗi tên gọi của nhân vật đều mang một ý nghĩa khác nhau và đó là dụng ý của tác giả. Nhà văn muốn ám chỉ đó là những kẻ tham ô, tham nhũng, và những thành phần cơ hội. Trần Sinh tiêu biểu cho loại lãnh đạo Maoits, một mẫu người nhan nhản thời đó. Dưới sự chỉ đạo của ông theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp hay nói đúng hơn là của cá nhân ông ta làm cho cuộc sống của người dân lao động gặp nhiều điêu đứng. Trần Sinh muốn có được một hợp tác xã điển hình về phong trào nông nghiệp. Mục đích của vị bí thư này không phải mang lại cơm no áo ấm, vì lợi ích chung của người nông dân mà chính là sự tích lũy thêm thành tích cá nhân để được thăng quan tiến chức từ huyện lên tỉnh và lên dần cao hơn. Cũng bởi thành tích mà Trần Sinh ngày một lún sâu vào con đường tha hóa. Nhà lãnh đạo “tài ba” này là “một con người chống khoán đến tận cùng, tiêu diệt khoán từ khi còn trứng nước” [322]. Một người đứng đầu của huyện nhưng mang trong mình tư tưởng bảo thủ, trì trệ làm cuộc sống nhân dân đã cơ cực nay không còn lối thoát. Căn bệnh khoa trương của Trần Sinh đã “đẻ ra” một Vũ Đình Cơ tuân thủ những tư tưởng và chính sách của ông. Chính điều đó biến Cơ thành một cái máy, một con robot làm theo một lập trình soạn sẵn. Cơ chính là “bản sao” của Trần Sinh hay nói cách khác Cơ “chính là mẫu người ông muốn đào tạo, xây dựng”. Cơ vẫn biết nếu làm như vậy sẽ ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người nông dân nhưng vì lợi ích cá nhân anh ta vẫn theo chỉ thị của người anh trai kết nghĩa. Trong Thủy hỏa đạo tặc, nhân vật trung tâm xuyên suốt tác phẩm là Vũ Đình Cơ – chủ nhiệm hợp tác xã Thanh Bình. Một cán bộ ấu trĩ, hám danh, Cơ luôn cố tỏ ra là người thông hiểu và vì lợi ích chung của người lao động nhưng kì thực chỉ vì bệnh thành tích của mình. Anh tung ra con số sáu trăm tấn lương thực cả năm của một hợp tác xã nộp nghĩa vụ cho nhà nước, một mặt chiều lòng Trần Sinh nhưng mặt khác muốn chấm mút tí chút “phân đạm, vật tư, dầu chạy máy… mà chỉ cần một chữ kí của ông (Trần Sinh) là những thứ đó sẽ từ kho nhà nước tuôn về hợp tác xã” [10]. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ xã như Biền, Thiển, Lõa, Cản… là anh em một dòng họ cấu kết với nhau. “Họ Đào Hữu vốn có cái truyền thống liên kết dòng họ cố hữu từ xưa. Nên mặc nhiên ba anh em chú cháu phải liên kết với nhau như môi với răng” [161] nhằm tạo nên sức mạnh quyền lực cũng như tranh thủ giúp đỡ hợp lực ăn chặn, bớt xén của nhân dân, lấy của công làm lợi tư. Biền là con người “khôn khéo, lọc lõi. Đánh hơi thấy lợi là hắn sẵn sàng lao vào” [164]. Vì thế, Biền núp dưới danh nghĩa tập thể mà khai man tỉ lệ thóc mất trong đợt bão lũ, ngập úng lên tới bảy mươi phần trăm; Cản cũng vậy, anh ta tranh thủ cơ hội lúc Luyến- cô thủ kho cô đơn nhất và cần có một đứa con để thương yêu, hắn đã lẻn vào lấy cắp lúa trong kho hợp tác. Anh em dòng họ Đào Hữu còn lấy tiền hợp tác xã mua bột lương khô bộ đội trái phép và luôn tiện mua riêng gỗ để đóng tủ bàn cho gia đình… Trong nội bộ chính quyền xã có nhiều mâu thuẫn sâu sắc với nhau không thể giải quyết được. Vì mục đích cá nhân, anh em Đào Hữu xây một bức thành kiên cố, thẳng tay tuyên chiến với Cơ, tìm mọi cách loại trừ Cơ ra khỏi bộ máy chính quyền. Tuy nhiên, Cơ lại là cái bóng của Trần Sinh nên dù bằng mọi cách cũng không thể lung lay góc rễ anh chủ nhiệm. Thay vào, Cơ ngày một tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp của mình… Những kẻ làm cán bộ đó không nhiều thì ít đục khoét, vơ vét của nhân dân. Dưới sự lãnh đạo theo lối áp đặt tập thể vào mô hình hợp tác hóa nông nghiệp lỗi thời của một bộ phận cán bộ, đã làm cuộc sống người nông dân càng thêm vất vả, khổ cực, thiệt thòi nay lại thiếu thốn đủ đường.
Chính cách thức lãnh đạo áp đặt máy móc của cấp trên không phù hợp với thực tiễn làm nảy sinh những vấn đề bấp cập và tiêu cực, những chuyện dở khóc dở cười trong cuộc sống của nông dân. Người “nông dân suốt đời yêu đến không còn biết nghĩ đến nơi nào khác ngoài cái làng quê của mình ấy nữa, mà bây giờ đã chán cả những thửa ruộng”, [178] bỏ nông nghiệp lên các tỉnh phía bắc buôn bán kiếm sống. Họ đã có những hành động tư lợi, gặt trộm lúa của hợp tác xã đưa về gia đình để chia nhau cứu đói. Vì họ nghĩ đó “cũng là mồ hôi nước mắt của mình”. Rồi gây mâu thuẫn, xung đột xô xát, ẩu đả trong quần chúng nhân dân mà chính họ cũng không hề muốn. Ngay cả một người như ông Trạc, “người nhiệt tình gắn bó thực sự với những cánh đồng” dù sống chết thế nào cũng bám lấy ruộng đồng, cày sâu cuốc bẫm “Ai lười thì mặc xác họ, chứ mình rời khỏi mảnh ruộng thì chết đói” [79]. Vậy mà, chính ông cũng từ bỏ ruộng đồng để mua một con bò chăn dắt riêng. Đó là cái bi kịch chung của làng quê Việt Nam trước đổi mới. Chỉ với hình ảnh thu nhỏ của một hợp tác xã mà ta thấy được toàn bộ xã hội Việt Nam vô cùng phức tạp. Trước tình cảnh ấy, Hoàng Minh Tường vô tình tạo nên hai cơn bão trái mùa số chín và số mười làm cuốn phăng đi tất cả mọi hi vọng và khát khao của những kẻ ưa chuộng thành tích cũng như mong muốn một mùa màng bội thu của người nông dân. Những cơn bão của thiên nhiên xảy ra nhưng cũng chính là cơn bão thời đại báo hiệu cho một sự đổi mới cần thiết phải thực hiện.
Ngoài ra, còn có những con người mang đậm chất truyền thống văn hóa của dân tộc, của người dân Bắc bộ. Những người quanh năm lam lũ với từng tấc đất, thửa ruộng mong có cuộc sống no ấm, bình yên sau lũy tre làng. Ông Điền (bí thư xã) luôn khát khao và hi vọng trong đội ngũ cán bộ hòa đồng, đoàn kết hoàn thành nhiệm vụ vì nước, vì dân. Một người đảng viên mẫu mực, chân chính nhưng vì quá nhu nhược nên ông cũng không thể thay đổi được đời sống nông dân; những con người như Luyến, Thắm, Vy… có nhận thức sâu sắc về cuộc sống, có học vấn trình độ kĩ thuật, có tư tưởng tiến bộ nhưng vẫn chìm dần nếu không muốn nói là bị trù dập bởi những cá nhân tham lam, ích kỷ và đầy thủ đoạn.
Không thể dửng dưng trước cái đói quay quắt của bà con, nghị lực được tu luyện ở chiến trường bao năm giúp Thanh quyết tâm xây dựng quê hương. Là một bộ đội phục viên về làm kinh tế nông nghiệp, Thanh cùng với ông Trạc và Lập đã thực hiện phong trào khoán chui với khát khao sẽ mang lại bát cơm cho người dân lao động để họ bớt nghèo khổ trên chính ruộng đồng của mình. Thanh đã “mạnh dạn chia ruộng cho các xã viên, chia giống, chia phân đạm cho họ và khoán sản lượng trên diện tích đất đã trồng” [206]. Đây là một hình thức khoán ruộng, khoán sản phẩm, thực hiện một thao tác phá vỡ một cơ chế cũ và hình thành một cơ chế mới đạt hiệu quả và năng suất cao hơn. Bởi cách làm ăn cũ không phù hợp với nông thôn thời kỳ lúc bấy giờ. Cuối cùng, “nhân nào quả ấy”, cậu cháu anh Thanh, ông Trạc đã thành công về phong trào khoán. Là những con người tiên phong cho phong trào khoán 10, khoán 100 về nông nghiệp. Sự thành công của nông dân xã Thanh Bình mà đứng đầu là Thanh và ông Trạc “những người anh hùng mở màn cho trận đánh khoán sản phẩm trong nông nghiệp” [317] đã nhân rộng, được chính phủ cho thực thi chủ trương khoán trong cả nước. Kết quả, lần đầu tiên trong sản xuất, nông nghiệp đã “phá tung cửa ải 20 triệu tấn lương thực để cho năm cuối thế kỷ XX này Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới” [322]. Thắng lợi hơn nữa là ông Trạc đã thực hiện được phòng trào VAC ở xã Thanh Bình và đi báo cáo thành tích cũng như kinh nghiệm khắp các xã trong huyện Giao Châu. “Là người đầu tiên trong cả nước đi tiên phong trong phong trào VAC vườn – ao – chuồng. Lão xứng đáng được Nhà nước phong Anh hùng Lao động” [341]. Một thành tích xuất sắc đáng ghi nhận của người nông dân làm tăng thêm ngành nghề và nâng cao đời sống nhân dân.
Như vậy, qua Thủy hỏa đạo tặc, với một người nghệ sĩ đầy tài năng và “bút lực”, Hoàng Minh Tường đã “dựng lại toàn bộ khung cảnh nông thôn một thời vật vã chuyển mình” [317] trước đổi mới của miền Bắc. Là một người con của nông thôn, Hoàng Minh Tường luôn thao thức, trăn trở và suy tư: Nhà nước phải làm thế nào để xây dựng nông thôn, đảm bảo cuộc sống cho người nông dân không phải chịu vất vả, lo toan. Đó chính là tư tưởng mà nhà văn muốn gửi gắm trong tác phẩm của mình.
*
“Văn học là nhân học”. Từ quan niệm đó, Hoàng Minh Tường khao khát và hi vọng giữa con người với nhau luôn có tình yêu thương, sự sẻ chia buồn vui, bằng tấm lòng vị tha, sự độ lượng, biết cảm thông và thấu hiểu với mọi hoàn cảnh xung quanh. Những thông điệp ngắn ngủi ấy nhà văn đã gửi gắm vào trong mỗi tác phẩm. Nhờ nhân vật nói hộ lòng mình đến người đọc như một lời nhắn nhủ thiết tha, chân thành và sâu lắng.
Đất nước ngày một phát triển theo xu hướng cơ chế thị trường làm đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội ở nông thôn cũng biến đổi theo. Chính Đồng sau bão là sự tiếp nối của một nông thôn mới. Nông thôn sau 20 năm khi phong trào khoán thực sự đã hoàn thành, nông thôn của đô thị hóa, của cơ chế thị trường. Sự thay đổi đó thêm lần nữa tạo điều kiện cho một bộ phận cá nhân có cơ hội lạm dụng quyền lực thăng quan tiến chức, tham ô tham nhũng, vơ vét của tập thể bỏ vào túi của mình. Họ là những con người được sinh ra ở nông thôn nhưng chối bỏ nông thôn và trở nên thoái hóa biến chất trong thời buổi cơ chế đô thị mới như Trần Sinh, Cơ, Thúy Ngân…
Như một quy luật, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, sự thật nào rồi cũng được phơi bày ngoài ánh sáng. Nhà văn ngẫu nhiên tạo ra một vụ nổ máy bay trên không với độ cao chín nghìn mét của năm cuối cùng thế kỷ XX là sự kiện đánh dấu kết thúc một thế kỷ, mở ra thiên niên kỷ mới. Chính tai nạn đó làm nên cái chết của Trần Sinh. Khi sự sống của vị chủ tịch sáng giá không tồn tại trên thế gian thì những gì xấu xa, bỉ ổi, vô liêm sỉ nhất được lột trần ra trước mắt. Cả tiểu thuyết Đồng sau bão như trở đi trở lại cuộc đời của Trần Sinh. Người đọc cứ ngỡ Trần Sinh là một Chủ tịch “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, một “thần tượng” vĩ đại. “Một người con ưu tú”, “một cán bộ cách mạng giản dị, liêm khiết, sống khắc khổ”, “cả đời cống hiến” cho đất nước. Vị quan chức này sẽ “hạ cánh an toàn” sau ba năm nữa. Nhưng cái chết vô tình ấy lại phanh phui những gì bẩn thỉu, nhơ nhớp của Trần Sinh. Với bốn mươi năm làm việc, ông không chỉ cướp công của Thanh và ông Trạc về phong trào khoán nông nghiệp mà còn chiếm đoạt của Nhà nước và nhân dân ba tỉ đồng dưới các dạng “vàng thỏi vàng lá từng xấp, những dây chuyền và nhẫn quý” [351] (…) “có cả một con chó bằng vàng ròng to bằng quả dưa chuột” [351] và cả “tiền đô la, tiền fơ – rans, tiền mác, tiền nhân dân tệ” [352]. Trần Sinh đã nhân danh quyền lực lấy của chung làm lợi cho cá nhân. Sau cái chết bốn chín ngày, tác giả còn cho chúng ta thấy Ngài không những là một ông quan tham mà còn hủ hóa và có những thủ đoạn rất tinh vi. Người đảng viên này còn có cả vợ bé và con thơ sống ở Biên Hòa, Loan và con trai Trần Danh mười hai tuổi đã dắt díu nhau về ra mắt và nhận họ hàng. Trần Sinh đã thẳng tay cướp người yêu của Đắc (lái xe riêng của ông) và ngang nhiên đẩy anh vào tù. Không những thế cùng với Thúy Ngân, Thúy Nga và Cơ, ông âm mưu xây dựng một biệt thự lớn ở “làng du lịch” mà chưa nơi nào có trên đất nước để sau này đưa mẹ con Loan về sống chung… Như vậy, Trần Sinh vừa thoái hóa về nhân cách vừa biến chất về phẩm chất tư tưởng. Một con người trượt dài trên con đường tha hóa.
Bằng giọng văn lạnh lùng khách quan nhưng trung thực và táo bạo, Hoàng Minh Tường tiếp tục mang đến cho độc giả những tình huống bất ngờ diễn ra trong cuộc sống đời thường. Bên cạnh, Cơ – Nga nhiều mưu mô xảo quyệt trong nghề kinh doanh bất động sản nhà đất thì sự xuất hiện của nữ kiến trúc sư Thúy Ngân góp phần làm hoàn thiện hơn bức tranh thời buổi cơ chế đô thị hóa. Thúy Ngân là người khôn khéo và luồn lách, nhiều mánh lới. Theo cách gọi của tác giả, Thúy Ngân là “sao, siêu sao cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng” trong giới kiến trúc sư, với bí quyết “Tình và tiền”. “Tình là đối sách của thời trẻ”, còn khi hết thời Thúy Ngân “dùng tiền là phương tiện giao dịch, quan hệ”. Chính những kế sách hay nói đúng hơn là những thủ đoạn đó làm nên danh và lợi cho bà. Cái “làng du lịch” – VIE103 cũng nằm trong kế hoạch của người đàn bà toan tính, sắc sảo này. Sự phát triển đô thị hóa ngày một cao hơn làm ảnh hưởng đến nông thôn – nơi làng quê thanh bình yên ả, nơi có cây đa, giếng nước, mái đình, có những đồng lúa vàng óng, mượt mà thẳng cánh cò bay. Cùng với đời sống nhân dân càng ngày được cải thiện và nâng dần thì cũng là lúc các tệ nạn xã hội len lỏi vào cuộc sống người nông dân. Trong cái chòi của ông Cản diễn ra đủ các loại cờ bạc, rượu chè, ma túy, mại dâm… Và, chính bốn đứa con ông Cản thằng nghiện hút, thằng giỏi xóc đĩa và tổ tôm, thằng trộm cắp, lừa lọc… là nguồn gốc của những tệ nạn xã hội đó. Ngoài ra, những kẻ thủ đoạn như Cơ – Nga “một anh nông dân bị tha hóa, tự loại bỏ mình ra khỏi ruộng đồng, với một ả thị dân ranh ma trục lợi trong cơ chế thị trường” [359] hay Bạt và Từ gian xảo về nông thôn dựa vào sự khốn khổ và cả tin của người nông dân phỉnh phờ bắt con gái làng quê phục vụ “khách làng chơi” hay lừa lọc tuyển chọn con em xuất khẩu lao động nước ngoài mong có cơ hội đổi đời. Đó là những trò lừa bịp lấy tiền đối với những người mất cảnh giác bỏ vào túi chúng.
Tuy nhiên, song song với những người tha hóa ấy vẫn có những con người chân chính, giữ được những nét đẹp bản sắc, đạo lý, nhân cách làm người nơi thôn quê (như ông Điền, cô Luyến, cô Thắm, chị Vy…), những con người luôn quyết tâm xây dựng nông thôn mới nhằm đảm bảo cuộc sống cho người nông dân, đem lại cơm no áo ấm và hạnh phúc cho họ (như ông Trạc, Thanh, Lập, Luyến, Toại…). Là những con người một lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân. Họ là những người luôn có ý thức làm thế nào cho quê hương ngày một giàu mạnh. Những con người một đời làm ăn chân chính, đóng góp thầm lặng trí tuệ và sức lực cho mãnh đất sinh ra và nuôi dưỡng mình. Nhưng cuối cùng, cái họ nhận lại được trong cuộc sống đời thường là sự đói nghèo, cơ cực, vất vả, xót xa hơn nữa là những mất mát, bất hạnh không thể và không bao giờ lấy lại được.
Nhà văn Nguyễn Khải đã từng nhận xét: “Chiến tranh ồn ào náo động mà lại có cái yên tĩnh, giản dị của nó. Hòa bình yên tĩnh, thanh bình mà lại chứa chấp những sóng ngầm, những gió xoáy bên trong. Nhiều người không thể chết trong nhà tù, trên trận địa, trong chiến tranh mà lại chết trong “ao tù trưởng giả” khi cả nước giành được độc lập và tự do”. Thanh là người đại diện cho điều đó. Một người trải qua hơn mười năm chiến trường ác liệt với chiến tích mười lăm vết sẹo trên cơ thể. Anh trở về quê hương, quyết tâm thay đổi cách làm ăn và xây dựng đời sống nông thôn mới. “Thanh đã tiếp tục cuộc chiến đấu không tiếng súng, không đổ máu, nhưng không kém phần cam go, quyết liệt, ấy là trận đấu trên mặt trận nông nghiệp đầy phức tạp và gian khổ suốt hai mươi năm qua” [320]. Chính anh là người đầu tiên thực hiện chính sách khoán nông nghiệp thành công nhưng công trạng ấy không được vinh danh. Hơn nữa, sự thật đó bị bóp méo sau hai mươi năm. Ra trận chiến đấu anh dũng không sợ gian nguy nhưng vợ ở hậu phương bị kẻ khác nẫng tay trên và kẻ đó chính là Cơ. Vết thương lòng trong Thanh không bao giờ lành nhưng anh hiểu và biết tha thứ cho lỗi lầm của Vy. Bất hạnh hơn, hậu quả chiến tranh, chất độc màu da cam cướp mất đứa con gái đầu lòng đẹp hơn hoa khôi của Thanh. Đau đớn và cay đắng về tinh thần chưa đứng dậy được thì bồi thêm sự mất mát về vật chất. Cuộc sống tuy rất khó khăn nhưng Vy cố gắng vay mượn, chạy chọt để con trai được một suất đi xuất khẩu lao động nước ngoài mong đổi đời nhưng lại bị bọn lừa đảo cướp mất. Nỗi đau nối tiếp nỗi đau đã quật ngã hai vợ chồng Thanh – Vy không gì có thể bù đắp được.
Luyến cũng vậy. Mười năm chờ đợi người yêu đi chiến trận làm Luyến trở thành gái già cô đơn. Cô rất đau đớn khi phải đón nhận cái tin người yêu hi sinh trong chiến tranh. Tám năm làm thủ kho, Luyến quản lý chặt chẽ, công bằng không bao giờ hao hụt, thiếu sót. Hơn thế, Luyến còn làm lợi cho nông dân rất nhiều. Công trạng đó chưa được kể ra thì khát vọng đời thường của người phụ nữ mong muốn quyền được làm mẹ của Luyến đã bị xé toạc và bị khai trừ ra khỏi Đảng vĩnh viễn vì tội hủ hóa… Cùng cảnh ngộ, Thắm một cô bí thư chi đoàn xinh đẹp nhất làng nhưng lại chịu khổ cực và bất hạnh. Chiến tranh biên giới phía Bắc đã cướp Đạt, chồng sắp cưới, đó là tình yêu và hạnh phúc đầu đời của cô, làm cho Thắm mất duyên thời con gái. Khi lập gia đình với Đắc, cuộc sống cũng luôn khó khăn vất vả. Anh chồng Đắc không giúp được gì cho cô mà còn thêm gánh nặng nợ đời. Chung một hoàn cảnh, ông Trạc – người nông dân lầm lũi một đời trên ruộng đồng, với ý chí thiết lập cách làm ăn mới. Ông có công thực hiện khoán nông nghiệp cùng Thanh cũng không được nhắc đến, cái chết đột tử của ông là biểu hiện của sự quá sốc và cũng như một lời tố cáo đanh thép đối với xã hội. Bởi “mới hai mươi năm mà lịch sử đã hoàn toàn bị bóp méo, thậm chí quay ngoắt một trăm tám mươi độ” [319]. Người tiêu diệt khoán thì có công danh còn người mở đường thì luôn đói khổ; Và ông Điền, Vy, bà Soi, bà Sinh… mỗi người một hoàn cảnh nhưng không ai có được cuộc sống vui vẻ, đầy đủ và hạnh phúc.
Thông qua Gia phả của đất, dưới cảm hứng nhận thức, và đánh giá lại lịch sử, tác giả “được mệnh danh là cây bút của làng quê viết về nông thôn có hạng” đã cho chúng ta thấy được cái nhìn sâu sắc và toàn diện về bức tranh nông thôn của một làng quê miền Bắc vật vã chuyển mình sau 30 năm, đó là hình ảnh trọn vẹn, đa chiều, phức tạp của một đất nước mang văn hóa truyền thống nông nghiệp lúa nước. Tiểu thuyết không chỉ phản ánh hiện thực nông thôn theo mô hình hợp tác xã làm ăn theo cơ chế cũ, cơ chế quan liêu bao cấp mang tính cộng đồng, tập thể thực hiện dưới sự áp đặt của một bộ phận lãnh đạo đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể, mà còn mang âm hưởng chính luận và tính phản biện sâu sắc cũng như tính dự báo xã hội được tác giả thể hiện trong cặp đôi tác phẩm. Có lẽ, vì thế mà tiểu thuyết Thủy Hỏa Đạo Tặc nằm bẹp dí trong ngăn kéo các nhà xuất bản mười lăm năm (1982-1996). Với Đồng Sau bão (tập 2) cũng thế, những vấn đề về phẩm chất cán bộ, nạn tham nhũng, sự tha hóa, thói đạo đức giả của nhiều cán bộ chủ chốt, đến giờ vẫn đang là những vấn đề nhức nhối.
Sẽ là thiếu sót nếu ta không nói đến những nghệ thuật tiêu biểu mà nhà văn đã thể hiện trong bộ tiểu thuyết. Tác giả đã rất linh hoạt trong sáng tạo đan xen giữa các thể loại cùng một tác phẩm. Sự giao thoa giữa tiểu thuyết và thơ, các thể loại hòa quyện vào nhau rất nhịp nhàng uyển chuyển. Cùng với cách sử dụng ngôn ngữ ẩn dụ, biểu trưng và nhiều kênh ngôn ngữ như thư từ, nhật ký… làm cho tiểu thuyết mang tính sinh động, hấp dẫn và giàu sức lôi cuốn người đọc. Với lối kết cấu kết thúc mở của tác phẩm, đó là khoảng trống mà tác giả muốn dành cho người tiếp nhận tác phẩm một chút băn khoan, suy ngẫm và đồng sáng tạo cùng nhà văn trong cuộc sống đời thường. Mỗi trang viết của Hoàng Minh Tường “còn dồi dào bút lực và lắm biến tấu, phá cách ra trò nghĩa là vẫn còn trẻ và gây bất ngờ thú vị”( lời nhà văn Ma Văn Kháng). Nhà văn đã thổi hồn vào từng con chữ. Qua đó, chúng ta thấy được trong tác phẩm sự chuyển hóa, đan cài vào nhau giữa cái cao cả, cái thấp hèn, cái bi và cái hài, chất luận đề và chất trữ tình, chất văn xuôi và chất thơ… Đó là thành công không phải ai cũng làm được. Đồng thời tạo nên phong cách riêng và góp phần làm phong phú thêm thể loại tiểu thuyết Việt Nam.
Nếu ai chưa một lần biết đến những năm tháng vất vả, gian khổ và cả những hi sinh mất mát cũng như chưa thấy được bộ máy chính quyền xã huyện làm ăn như thế nào ở nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng nước ta thời ấy, hãy tìm đọc nhân dịp tiểu thuyết Gia phả của đất tái bản, để một lần được sống trong cảm giác một thời đã qua ở vùng nông thôn miền Bắc. Và phần nào thấu hiểu cuộc sống cũng như con người nông dân sau đổi mới mà bằng tài năng và lòng đam mê nhiệt huyết trên con đường sáng tạo nghệ thuật, Hoàng Minh Tường đã khắc họa nên trong bộ tiểu thuyết xuất sắc này.
Đà Nẵng, tháng 12-2012
N.T.T.H
Nguồn: tapchinhavan.vn