Lịch sử Việt Nam từng được khảo cứu, đánh giá qua con mắt của người nước ngoài với nhiều công trình biên khảo, nghiên cứu tâm huyết và có giá trị. Nhưng lịch sử Việt Nam trở thành nguồn cảm hứng trong sáng tạo nghệ thuật của tác giả nước ngoài là không nhiều. Bên cạnh những dấu ấn trong lĩnh vực điện ảnh (phần lớn lấy đề tài từ các cuộc chiến tranh ở Việt Nam), văn học cũng ghi nhận những thành tựu không nhỏ của các tác giả nước ngoài viết về lịch sử và con người Việt Nam. Qua những tác phẩm ít ỏi đó, bên cạnh sự biểu hiện nồng nàn của tình cảm, minh chứng cho quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa quốc tế, chúng ta còn bắt gặp cách nhìn sinh động, thú vị, nhiều chiều đối với các vấn đề về lịch sử, văn hóa, con người Việt trong quá khứ, trong hiện tại và cả tương lai mà Yveline Feray cùng hai tiểu thuyết lịch sử Vạn Xuân (Dix Mille Printemps) và Lãn Ông (Monsieur le Paresseux) là trường hợp tiêu biểu.

Vạn Xuân không chỉ gây sửng sốt xen lẫn sự khâm phục nơi độc giả bởi dung lượng lớn (gần 1000 trang), thời điểm lịch sử được lựa chọn tái hiện khá xa hiện tại (thế kỉ XIV-XV trong Vạn Xuân, thế kỉ XVIII trong Lãn Ông), mà còn đem lại sự hứng thú, tò mò bởi đây là những trang sử Việt được hình dung, thiết kế, phục dựng trong con mắt của một nữ văn sĩ nước ngoài khác biệt về địa – văn hóa, địa – chính trị. Tìm hiểu cảm thức lịch sử cũng như nghệ thuật viết tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Y. Feray sẽ giúp chúng ta thêm một góc nhìn khác về lịch sử Việt Nam. Qua đó bàn góp tiếng nói đối thoại về những vấn đề đang gây tranh cãi xoay quanh văn xuôi hư cấu lịch sử.

1. Khởi đi từ cảm thức lịch sử và đối thoại với nhãn quan phương Tây về phương Đông/Việt Nam

Đã từ lâu, phương Đông là một đề tài hấp dẫn đối với văn học phương Tây bởi nó ẩn chứa một thế giới huyền bí, kì lạ, thôi thúc tính hiếu kì, ưa phiêu lưu, khám phá trong tính cách người phương Tây. Thế kỉ XIX ở Pháp đã hình thành nên dòng văn học hương xa (exotisme) với tinh thần cơ bản là đi tìm “cái khác lạ” ở thế giới bên ngoài. Phương Đông trở thành nguồn dưỡng chất màu mỡ cho những sáng tạo văn chương của nhiều tác giả phương Tây. Theo quan điểm của Victor Segalen (1878 – 1921), nhà thơ và nhà văn lớn nước Pháp, phương Đông được các tác giả phương Tây tiếp cận, khám phá ở hai góc độ: không gian và thời gian. Về giá trị không gian, phương Tây xem phương Đông như một vùng đất mới cần được khai phá, mở mang. Về giá trị thời gian, phương Tây bày tỏ sự ngưỡng mộ và luyến tiếc với một thế giới phương Đông cổ điển đã bị chôn vùi trong quá khứ. Vì vậy nhiều nhà văn đã tìm về suối nguồn văn hóa phương Đông qua những truyện kể dân gian, những truyền thuyết xa xưa, những câu chuyện kì dị, ma quái như một nỗ lực “kiến thiết” lại hình ảnh phương Đông cổ xưa. Chúng ta nhận thấy sự gặp gỡ giữa quan điểm của V. Segalen với Edward Said, nhà Đông phương học nổi tiếng, tác giả chủ chốt của phê bình hậu thực dân. Trong công trình Đông phương học (Orientalisme) của mình, E. Said đã nhận thấy có hai phương Đông tồn tại trong trí óc, tâm thức của người phương Tây: “Phương Đông vừa là một thế giới cổ mà người ta muốn trở lại, như trở lại thăm vườn Eden hoặc Thiên đàng, để xây dựng một phiên bản mới về thế giới cổ đó, đồng thời vừa lại là một nơi hoàn toàn mới mà người ta đến thăm như chuyến đi của Colombus đến châu Mĩ”. Song song với dòng văn học hương xa, ở phương Tây diễn ra một quá trình tìm đến phương Đông như một nguồn bảo lưu những giá trị nhân bản/nhân loại cổ xưa. Phương Đông được nhìn nhận như một thế giới tĩnh tại, ít biến động, lạc hậu, hoang sơ; theo đó/hơn thế, nó chứa đựng một nguồn tư liệu văn hóa lâu đời và quý giá. Người ta thấy được ở phương Đông những “dưỡng chất” để bổ sung/thay đổi/phục sinh lại một châu Âu già nua, đang dần rơi vào cuộc “khủng hoảng thừa”. Tuy nhiên, khi đối diện với một phương Đông hiện đại bằng tư duy duy lí – kinh nghiệm, đóng đinh trong những diễn ngôn đã tồn tại trước đó về phương Đông khiến cho sự kiêu hãnh của phương Tây trở thành cái gọi là “sự vỡ mộng trong quá trình tái hiện phương Đông”.

Nhãn quan thực dân về phương Đông/Việt Nam tính thể hiện khá đậm nét trong tác phẩm điện ảnh phương Tây như Đông Dương, Người Mĩ trầm lặng… Ở đó, diễn ngôn của phương Tây về phương Đông kiến tạo ra một thế đối lập khác: cực tính nam – phương Tây – sáng rõ, trật tự, nhạy bén, nguyên tắc, mạnh mẽ; và cực tính nữ – phương Đông – phi logic, thụ động, phi nguyên tắc, duy cảm, mềm yếu.

Đối thoại nhãn quan, diễn ngôn thực dân về Việt Nam tính có tính chất áp đặt của quyền lực phương Tây, Y. Feray đã thể hiện sự cộng cảm sâu sắc bằng một tình yêu chân thành dành cho Việt Nam, xứ sở đã từng là thuộc địa của dân tộc bà. Bằng tác phẩm của mình, bà đã “cảnh tỉnh” thế giới phương Tây: Không thể nhìn phương Đông/Việt Nam bằng con mắt định kiến của “trung tâm”, “văn minh”, nếu không muốn rơi vào bi kịch “vỡ mộng”, “lại giống”. Sáng tác của bà đã thể hiện cảm quan mới mẻ phát xuất từ tư duy biện chứng, sự tôn trọng, ngưỡng mộ được chắt lọc, thẩm thấu trong một lối viết hiện đại, sáng tạo. Viết về lịch sử Việt Nam, trong quan niệm của nữ văn sĩ người Pháp không phải do sự hối thúc thoát li thực tại phương Tây như quan niệm của dòng văn học hướng xa, càng không phải là sự kiến tạo diễn ngôn của phương Tây về phương Đông ẩn chứa tham vọng bá chủ hợp thức của chủ nghĩa đế quốc phương Tây như quan điểm phê bình hậu thực dân; mà trước hết nó phát xuất từ trực giác của người nghệ sĩ khi tìm được mối tương liên, đồng điệu tâm hồn: “vừa choáng ngợp trước sự cao đẹp biết bao hùng tráng, vừa tê tái trước biết bao thảm kịch!”. Trong Lời tựa cho bản dịch tiếng Việt tiểu thuyết Lãn Ông, Y. Feray đã nhắc đến cách nhìn của V. Segalen đối với phương Đông và đặc biệt nguồn cảm hứng từ lịch sử, văn hóa Việt Nam như một “chỉ dẫn” để bà “tìm đến sự hiệp thông thực sự về văn hóa và phản bác điều khẳng định của Kipling “Đông là Đông và Tây là Tây”. Hơn nữa đó còn là sự thôi thúc của tâm thức người nghệ sĩ khi được “trở về với nền văn hóa Xentơ gốc rễ của mình” [3; tr.7-8]. Bà quan niệm quá trình sáng tạo cũng đồng thời là “chu kì hòa nhập cá nhân với hi vọng tái hiện được một Việt Nam thế kỷ 18 với một Việt Nam quen thuộc và bình dị giống sự thật hơn cả sự thật”.

Không chỉ đối thoại với nhãn quan phương Tây về phương Đông/Việt Nam, Y. Feray còn gợi ý, đề nghị độc giả phương Tây một cách đọc trong một không gian đọc khác: “hãy dấn thân đóng khung vào trong cái thế giới Á Đông lưỡng diện này (Trung Hoa – Việt Nam): không còn dựa vào những tiêu chuẩn quen thuộc của mình, nghĩa là độc giả ấy sẽ đi vào bên trong (hoặc đứng từ bên trong) một nền văn hóa có những cách suy tư, biểu lộ, ứng xử khác với mình và có thể khiến mình khó chịu nữa”. Có như vậy độc giả mới thật sự đồng sáng tạo, thụ hưởng lịch sử với nhà văn trong một niềm say mê, kinh ngạc chưa từng có bao giờ.

Như vậy, với cảm thức lịch sử trong tâm thế đối thoại với nhãn quan, diễn ngôn phương Tây về Việt Nam, Y. Feray đã tìm cho mình một nẻo đi riêng để tiếp cận, luận giải lịch sử và con người Việt vô cùng sâu sắc, chân thực và quyến rũ.

2. … Để khác biệt trong nghệ thuật viết tiểu thuyết

Cũng như nhiều nhà văn khi lựa chọn lịch sử làm đề tài sáng tác của mình, Y. Feray cũng đã tìm tòi và sáng tạo nghệ thuật viết tiểu thuyết lịch sử. Làm thế nào để vừa đảm bảo tính chân thực của lịch sử vừa phát huy đặc tính hư cấu, sáng tạo của tiểu thuyết. Có thể nói, thông qua Vạn XuânLãn Ông, người nghệ sĩ đã giải quyết hài hòa, tinh tế, thấu đáo mối quan hệ cốt tủy đó. Một mặt, nhà văn vẫn dựa vào các sự kiện, biến cố, nhân vật được ghi trong chính sử làm phông nền, bối cảnh cho tác phẩm của mình. Viết Vạn Xuân Lãn Ông, tác giả đã dành ra một khoảng thời gian rất lớn để tìm tòi, nghiên cứu khối tài liệu khổng lồ liên quan đến thời đại và nhân vật lịch sử mình quan tâm; gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam (Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp); tham vấn các giáo sư, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa trong và ngoài nước; tranh thủ ý kiến của các nhà trí thức, nghệ sĩ nổi tiếng (Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi); nhờ người dịch các tài liệu ra tiếng Pháp (Thượng Kinh kí sự của Lê Hữu Trác, Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái). Bên cạnh những tư liệu chính thống, tác giả đã sử dụng tinh tế, chừng mực giấc mơ, điềm báo định mệnh nhuốm màu sắc giai thoại, truyền thuyết, huyền thoại và những câu tục ngữ, ca dao, dân ca đậm chất Việt được lưu truyền trong dân gian tạo từ trường hấp dẫn cho độc giả. Trên hết, với Y. Feray, cứ liệu và chân lí lịch sử dù có phong phú, chân thực đến đâu cũng không thể thay thế được chân lí, hư cấu nghệ thuật. Bà đã tìm cho mình một phương án, một cứu cánh để tiếp cận, khám phá lịch sử. Nhà văn đã phát huy cao độ tính ưu việt của tiểu thuyết để việc khắc phục sự thiếu vắng của cứ liệu lịch sử: “trong lúc các sử gia thấy phạm vi công trình nghiên cứu của mình về đề tài này (cuộc đời Nguyễn Trãi – NVH) bị hạn chế, thì trái lại tôi bỗng nhớ bài giảng của thầy dạy tôi, ông Georges Duby, chất liệu phong phú đầy tính tiểu thuyết lại mở ra cho nhà viết truyện những vùng rộng lớn bao la cho trí tưởng tượng”. Vận dụng sáng tạo công thức nổi tiếng của tiền bối Alexandre Dumas, bà đã thả trí tưởng tượng vào cuộc đời “phiêu lưu” muôn màu muôn vẻ đầy quyến rũ của Nguyễn Trãi (Vạn Xuân) từ khi sinh ra, thăng trầm qua bao biến thiên của dân tộc đến bi kịch Lệ Chi Viên; và sáng tạo thay cho Lãn Ông một cuộc hành trình khác với chuyến đi mà ông đã thuật lại trong Thượng Kinh kí sự. Nhà văn đã thực sự khiến người đọc phải sửng sốt, ngỡ ngàng, mãn nhãn bằng những sáng tạo tuyệt vời của mình. Bà công khai “sửa” lại lịch sử khi “sáng tạo ra một đứa trẻ” – Thế tử Trịnh Cán, đặt nhân vật trong mối quan hệ tưởng tượng với Lê Hữu Trác, làm đảo ngược vai trò của các nhân vật, hư cấu đoạn kết của câu chuyện tạo nên một cuộc “phiêu lưu” kì lạ, quyến rũ trong cuộc sống của “ông già lười”. Tác giả đã phục dựng sinh động, chân thực bức tranh của hai thời kì đầy biến động trong lịch sử Việt Nam: giai đoạn cuộc kháng chiến thần thánh chống quân Minh, tái thiết đất nước trải dài từ thế kỉ XIV sang thế kỉ XV trong Vạn Xuân; thời kì rối ren của “thế kỉ ánh sáng Việt Nam” đầy rẫy những mưu toan, tranh giành quyền lực cung đình trong Lãn Ông. Với Vạn XuânLãn Ông, ở một phương diện nào đó là những bản anh hùng ca về nền văn hiến đầy khí phách, về một dân tộc đầy bản lĩnh, về con người giàu lòng nhân ái.

Từ chân dung lịch sử nhà văn đã hư cấu thành những chân dung tiểu thuyết vô cùng sắc nét và sinh động. Viết về cuộc đời những nhân vật lịch sử ít nhiều đã “sống” trong lòng dân tộc từ rất lâu, Nguyễn Trãi – danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng dân tộc, Lê Hữu Trác – đại danh y, ngôi sao sáng của văn hóa Việt Nam tưởng chừng dễ mà lại vô cùng khó. Dễ vì cuộc đời, sự nghiệp của nhân vật đã được định vị, minh chứng qua thời gian; khó là làm sao để người đọc nhận diện được chân dung Nguyễn Trãi, Lãn Ông và hơn nữa, một Nguyễn Trãi, một Lãn Ông với những phát hiện, kiến giải mới. Viết về Nguyễn Trãi, nhiều tác phẩm đã để lại ít nhiều dấu ấn trong lòng độc giả (Đất trời của Nam Dao, Vằng vặc sao Khuê của Hoàng Công Khanh, Sao Khuê lấp lánh của Nguyễn Đức Hiền), cũng không ít tác phẩm của các nhà văn Việt Nam gây ra nhiều tranh cãi gay gắt (Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Trở về Lệ Chi viên của Nguyễn Thúy Ái) và có cả những tác phẩm nhanh chóng bị lãng quên… Đến Vạn Xuân,Y. Feray đã hình dung một Nguyễn Trãi của riêng mình vừa gần gũi vừa độc đáo bằng chính quan niệm khác biệt của mình: “Cuốn sách này (Vạn Xuân – NVH) không nhằm trình bày một cuộc đời được tiểu thuyết hóa, hay một tiểu sử được thêm màu mè văn vẻ”. Hai xu hướng tác giả né tránh là “tiểu thuyết hóa” lịch sử và viết/minh họa “tiểu sử”, dù cho nó khá thịnh hành trong giới sáng tác những năm gần đây. Cái nhà văn quan tâm là làm sao thông qua số phận con người trong cơn biến thiên của lịch sử để phân tích, luận giải những “hằng số” lịch sử bằng chính nhãn quan cá nhân của mình.

Bên cạnh việc tập trung miêu tả nhân vật chính (Nguyễn Trãi, Lê Lợi trong Vạn Xuân; Lãn Ông, Trịnh Cán trong Lãn Ông), Y. Feray còn dụng công khắc họa hệ thống nhân vật phụ (có thật và hư cấu) cũng không kém phần sắc nét, chân thực. Từ Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh, Trần Thị Thái, Hồ Quý Ly, Hoàng Phúc đến Đạo sĩ Vô Kỷ, anh thợ mộc Từ Chi, Hương Thầm, Tiểu Mai (Vạn Xuân), từ Trịnh Sâm, Thị Huệ, Hoàng Đăng Bảo, Đặng Báo đến bà Tuyết, cô Lan, chú Soạn, thầy Châu (Lãn Ông) … ai cũng có diện mạo, tính cách, tư chất riêng, thậm chí có cả những cố tật riêng. Các nhân vật được nhìn nhận, khám phá trong muôn vàn mối quan hệ đời tư, thế sự, khiến tất cả trở nên gần gũi, đời thường hơn bao giờ hết. Ngoài những suy tư, trăn trở về số phận con người trong cuộc biến thiên lịch sử, nhà văn còn “giả/giải lịch sử”, soi rọi nhân vật dưới tọa độ đời tư –  thế sự – nhân văn làm nên hệ chủ đề trong các hư cấu tự sự lịch sử của mình: khát vọng tự do, lòng nhân nghĩa, tình yêu đôi lứa, hạnh phúc gia đình, dục vọng bản năng… Những khát vọng mang tính nhân bản có tầm phổ quát này đã đem lại sức ám ảnh khôn nguôi cho các tác phẩm của Y. Feray. Trong tiểu thuyết của nữ văn sĩ Pháp, chủ đề tình yêu có một sức hút kì diệu, nó cho thấy từ sâu thẳm tính người, nhân loại khi đi tìm ý nghĩa đích thực của đời sống đều gặp nhau ở điểm hẹn tình yêu. Đó là mối tình phong nguyệt, trắc trở, nhiều cung bậc của Nguyễn Phi Khanh và Trần Thị Thái; mối tình mang màu sắc tài tử – giai nhân xen lẫn bản năng và xảo nghệ của Nguyễn Trãi và Tiểu Mai; mối tình định mệnh tri âm tri kỉ, với những khao khát nhân tính không vẹn tròn của Nguyễn Trãi và Thị Lộ; mối tình vừa chứa đựng tình mẫu tử, vừa pha lẫn dục vọng của Lê Thái Tông và Thị Lộ; mối tình lặng lẽ của nô tì Nhụy Nhài với ông chủ Nguyễn Trãi. Nhờ đó, lịch sử trở nên vô cùng gần gũi, đời thường khi mang gương mặt của khát vọng tình yêu.

Nghệ thuật viết tiểu thuyết lịch sử của Y. Feray mang một sứ mệnh lớn lao là truy tìm trong quá khứ những “gương mặt người”. Nó vừa giống như một sự đối thoại với lịch sử, khước từ những quy phạm cũ, vừa đề xuất những giá trị mới để đánh giá con người: hệ giá trị nhân bản. Nhờ đó, văn học có những khám phá toàn diện, nhiều chiều về con người, mở ra những tầng sâu mới mẻ và thú vị trong đời sống bí ẩn, vô cùng vô tận của những “bản ngã người” sinh động và chân thực.

Y. Feray qua tiểu thuyết của mình đã đề xuất cách nhìn mới về lịch sử, mở rộng cái nhìn đối với nhiều thời đại trong quá khứ, truy tìm, suy ngẫm và giải mã những vấn đề trong quá khứ, ráo riết tìm lời giải đáp cho các câu hỏi thiết thực của hiện tại. Lịch sử trong tiểu thuyết lúc này trở thành lịch sử trong cảm nhận cá nhân, được nhà văn nhìn nhận bằng điểm nhìn văn hóa, triết học lịch sử và thụ hưởng trên tinh thần nhân văn hiện đại. Sự thành công của Vạn XuânLãn Ông mang lại những tín hiệu vui cho những sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử trong nỗ lực đổi mới, hội nhập với thế giới.  Ở một góc độ nào đó, tiểu thuyết của Y. Feray như một tham khảo sống động, bổ ích về nhãn quan, sự luận giải và nghệ thuật viết cho các nhà văn Việt Nam trong hành trình lưu giữ và khai phóng kí ức.

Nguồn: vannghequandoi

Exit mobile version