Nhà thơ Trần Quang Quý sinh năm 1955 tại Thanh Thủy – Phú Thọ
Từ năm 1971 đến năm 1977, nhà thơ Trần Quang Quý tham gia lực lượng Công an Nhân dân vũ trang, (nay là Bộ đội Biên phòng) tại các tỉnh Nghệ An, An Giang, Kiên Giang. Từ năm 1977 đến năm 1982, ông là cán bộ văn hóa thông tin Phú Thọ. Từ năm 1983 đến năm 1985, ông theo học khóa II Trường Đại học Viết văn Nguyễn Du. Từ năm 1988 đến năm 1994, ông là Trưởng ban biên tập báo Nông dân Việt Nam (nay là báo Nông thôn ngày nay). Từ năm 1994 đến năm 1998, ông là biên tập viên, rồi Tổng biên tập tạp chí Dân số & Gia đình. Từ năm 1996 đến năm 2000: ông theo học và tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Từ năm 1998 đến năm 2005, ông là Tổng biên tập báo Gia đình & Xã hội. Năm 2009, ông chuyển sang làm Phó Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2019.
Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Nguyên Phó ban Nhà văn Trẻ khóa 7, Hội Nhà văn VN.
Ông được biết đến là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ Việt hai thập niên đầu thế kỷ 21.

Xuất bản hơn 20 tập thơ, ký và truyện ngắn
Đoạt nhiều Giải thưởng Trung ương và Địa phương
Giải thưởng Nhà nước

Đây là kênh youtube chính thức của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, xin mời đăng ký kênh tại đây: Cầm Kỳ Official
https://www.youtube.com/c/CầmKỳOfficial2022
để ủng hộ trang và nhận được thông báo mỗi khi có video mới.

Trên một số nền tảng số khác như:
Facebook: https://www.facebook.com/CamKyOfficial
Website: https://tonvinhvanhoadoc.net

Võ Thị Xuân Hà
Cầm Kỳ
Nàng Thê

Email: [email protected]
Zalo & hotline: 0393 996 018

Bờ sông trăng sáng
Truyện ngắn của Trần Quang Quý


Làng tôi nằm kẹp giữa hai con sông, sau lưng là núi. Một bước về xuôi phải đi đò, rất hãi! Từ xưa, các cụ đã bảo: “Vào cửa quan không bằng van đò Lời”. Văn tự cổ của dòng họ tôi ghi, xưa kia sông bé, hai bờ trông rõ mặt nhau. Thế đất rồng chầu. Người đầu tiên đến khẩn hoang, tức thành hoàng sau này, biết đất vượng, bèn lập ấp. Chẳng may, đào giếng chạm long mạch. Từ đó, sông lở rộng mãi ra. Làng bị thuỷ phong. Nghèo lắm!
Bù lại, làng tôi đẹp. Tháng Ba, cây gạo ven đê nức nở đỏ. Chuối xanh rợp phù sa. Ký ức của tôi là những vườn chuối tươi tốt gối bờ sông. Ánh trăng ướt át chảy lóng lánh trên những tàu non. Đêm huyền bí bâng khuâng. Phụ nữ làng ra sông nằm hóng mát, ngồn ngộn phơi trăng. Trẻ con chơi ú tim trong khu vườn đến khuya. Tôi và chị Châu cũng vậy. Nhưng chị Châu lại hay cho tôi chơi với bọn gái lớn của chị. Chỉ mình tôi là trai. Tôi cũng thích thế. Chị bảo: “Mày có duyên chơi với đàn bà”. Anh Quân, choai choai, hơn chị Châu ba tuổi, bảo: “Thằng này vượng âm đáo để. Nay mai lớn, phải biết”. Tôi chả hiểu câu nói của họ. Tôi còn bé. Tám, chín tuổi thời đó rất ngờ nghệch, chỉ ham chơi. Có nhiều đêm còn đái dầm, tưởng đang tè gốc chuối. Tắm sông, làm gì có quần đùi như bây giờ. Trai gái cứ lộ thiên cả lũ.
Chị Châu quý tôi, thường dắt đi chơi. Chị không đẹp rực rỡ nhưng có duyên lạ. Con gái ven sông lớn ít đẹp? Chả biết, được cái khoẻ. Da nâu. Săn thớ. Các cụ bảo: “Gái làng này như thài lài gặp cứt chó. Đứa nào đứa nấy nhanh tươi tốt”. Chị Châu mười ba tuổi, đã nây ghê. Cái duyên của chị càng nhìn càng mê. Khi cười, cái lúm đồng tiền lệch chôn sống khối đôi mắt đàn ông. Bọn trai lớp lớn gặp chị hay ghẹo. Anh Hoàng, người ở thị trấn, bạn anh Quân về chơi, thường thích ngủ lại. Gặp tôi ở bờ sông, anh Hoàng gọi “Cu!”. Tôi “Gì?”. Anh Hoàng, anh Quân vẫy lại cho kẹo. Tôi nghe anh Hoàng nói với anh Quân: “Cha cái duyên con gái. Nó làm bọn đàn ông ngớ ngẩn hết”. Hình như họ nói về chị Châu. Anh Hoàng bảo: “Tớ phải bám thằng cu đấy nhá”. Anh Quân chỉ vào tôi tủm tỉm cười: “Nó là thằng Kiên”. Hai anh dạy tôi hát. Chả biết lời bài hát từ đâu, nghe rất ngộ: “Sáng giăng suông tay luồn vào vú, anh hỏi cô nàng có thú hay không?”
Tôi đâu đã biết gì mà thú. Thấy hay hay thì hát, có vậy thôi. Tôi hát nghêu ngao trên đường làng: “Sáng giăng ấy a suông, tay luồn là luồn tình chung… vào vú. Anh hỏi í a, hỏi cô nàng, có thú là thú… hay không?”. Không biết cô nàng nào. Ai nghe cũng tưởng hỏi mình. Hỏi cả làng. Mấy cô thôn nữ đi cấy về, đấm lưng nhau thùm thụp, rúc rích cười. Chị Châu dỗi: “Không thích Kiên hát thế!”. Tôi bảo: “Anh Quân, anh Hoàng dạy mà?”. Chị đỏ mặt tủm tỉm.
Nhưng thật ra, chị Châu cũng còn con nít lắm. Chị thích chơi đồ hàng cơ. Có hôm trăng sáng, một mình chị cũng rủ tôi ra bờ sông chơi. Dòng sông đêm loang loáng ánh bạc. Mấy chiếc đò dọc buông dầm “tõm” từng nhát xuôi trăng, nghe thăm thẳm, mơ hồ. Người ta xuôi mãi về đâu nhỉ? Tôi cũng ước về xuôi mà chả biết về đâu, một ước vọng mơ hồ nhưng ngọt ngào của tuổi thơ. Gió cứ rì rầm trên những tàu chuối. Tiếng côn trùng kêu tỉ mỉ dưới những bụi cây lúp xúp. Chị Châu ngắt lá chuối, rải. Tôi và chị nằm ngắm trăng. Chị kể chuyện cổ tích và chỉ cho tôi đâu là chú Cuội trên mặt trăng kia. Tôi gác chân ngang bụng chị như gác lên bạn trai. Tóc chị bay lất phất sang tôi, gãi vào mặt tôi buồn buồn, thoảng mùi da thịt đàn bà.
Chán ngắm trăng, chị bảo: “Hay chơi đồ hàng, Kiên”. Tôi nói: “Hôm nay chỉ có hai người, chả thích”. Chị xìu, giọng lấp lửng: “Hai người thì chơi trò… mẹ con vậy?’ Thấy chị buồn, tôi gật đầu: “Được, nhưng em chưa biết chơi”. Chị nắm lấy tay tôi: “Thế này nhá”. Bàn tay chị mềm ấm, run run. Bỗng chị vén áo, đặt tay tôi lên ngực chị. Vòm ngực nõn nường, lẩy bẩy. Sau này lớn, nghĩ lại mới ngượng. Lúc ấy tôi chỉ có cảm giác chị hồi hộp. Chị hổn hển: “Em làm con… sờ tí… mẹ nhé!”. Ừ thì sờ tí. Có lúc tôi chả sờ tí mẹ tôi là gì. Chợt nhớ bài hát anh Quân, anh Hoàng dạy: “Sáng giăng suông…”. Tôi rụt tay ra chạy trốn bản năng mà chỉ khi trưởng thành hơn, trời mới phú cho người ta.
Đời người chả mấy ai được trọn vẹn. Tạo hoá cho cái này lại ăn bớt cái kia. Tôi thấy phận chị Châu là thế. Là nói về sau này.
Anh Hoàng, anh Quân đều ra trận. Có tin anh Hoàng hy sinh. Tôi đi học trung cấp, sau lấy vợ giáo viên ở làng. Vợ tôi, một phụ nữ nết na, chăm chỉ. Một nửa thời gian của cô ở trường, một nửa là mấy sào ruộng, hai con lợn và tôi. Không chạy hai chân thì đói. Vì làng tôi vẫn cứ ba bề sông, điện chỉ lấp lé ở bên kia bờ. Không thể nhấc làng đi đâu được. Làng vẫn như trăm năm, nghìn năm trước. Kinh tế thị trường vượt sông sang làng bằng đò, ì ạch lắm. Chị Châu cũng chỉ còn tôi là chỗ chia sẻ. Chỉ khác ở chỗ, chị Châu thiếu nữ và chị Châu đã đứng bóng bây giờ. Vừa ngày nào, chị đã ngoài băm rồi. Ngoài băm vẫn ở vậy. Lúc như hoa tươi, khi như cỏ héo. Đời chị sao trời bắt khổ thế?
Thực ra, chị đã chờ một người. Năm ấy chị đang tuổi dậy thì, mơn mởn. Tôi cũng đã lớn để đủ biết anh Quân, anh Hoàng cùng yêu chị. Khổ cho họ, là bạn nhau, chả ai dám loại trừ ai. Tôi làm liên lạc cho cả hai chàng mê gái. Quân chân quê, ít táo bạo hơn. Quân bảo tôi: “Cùng xóm, phải ủng hộ nhau, Kiên nhé”. Tôi “vâng”. Ra là Quân đào sâu tình đồng hương xóm. Quân tỉ mẩn làm cho tôi con diều đẹp. Bù lại, Quân dúi mấy củ khoai lang mật hoặc vài quả sấu xanh, bảo: “Chuyển giúp”. Tôi dấm dứ chị Châu: “Vừa thích ngọt lại vừa thích chua, là sao?”. Chị không giải thích, chỉ nói: “Bạn bè cả thôi. Nhưng đừng cho ai biết, Kiên nhé. Bố mẹ chị mắng chết”. Đàn bà đến phức tạp. Bảo vậy mà không phải vậy. Nói không thích mà không phải là không thích.
Anh Hoàng khác anh Quân. Kiểu tán gái của anh Hoàng là kiểu phố huyện. Xem ra chị Châu thích hơn. Ai chả thích lạ. Có hôm, Hoàng dám rủ chị Châu lẻn lên phố huyện xem văn công. Lại ra hóng gió bờ sông nữa. Nhưng chị chả bảo tôi đi cùng để chơi đồ hàng như trước. Tôi tức, định phục ném cứt bò vào Hoàng. Hoàng biết cách xoa dịu đúng lúc. Những món quà phố huyện làm cho tôi vênh nhất lớp. Trẻ con thích nịnh. Tôi lại chuyển tới chị Châu, lúc cái cặp tóc mới, khi cuốn truyện. Toàn truyện tình yêu. Thế mới độc. Lão Quân lép là phải. Tôi thương người đồng hương xóm lắm. Nhưng chị là của ai, chỉ có chị biết. Làm ngược chị giận, lại chả cho đi chơi. Thiệt!
Có một tối trăng suông, Hoàng bảo tôi dẫn đến ngõ nhà chị. Tôi có nhiệm vụ gọi chị Châu cho anh. Tôi lẻn qua vườn chuối, áp sát hiên nhà. Trong nhà, bố và mẹ chị đang ngồi nghe đài, buổi Thời sự thì phải. Trông họ ốm yếu, lọ mọ. Cái đài chả rõ hiệu gì, dây dợ lằng nhằng, pin kẹp bằng hai mảnh nứa bó ở bên ngoài. Thỉnh thoảng nó kêu rọt rẹt, tịt tiếng. Bố chị vỗ vỗ mấy cái, lại nói. Năm đứa em chị, những năm đứa: cái Chiên, cái Miền, thằng Quát… tôi chả nhớ hết tên. Đứa ngồi tẽ ngô, đứa học. Đèn dầu tù mù. Nhưng không có chị.
Chợt nghe phía giếng nước có tiếng dội ào ào. Chị tắm chăng? Hình như có ai vừa rê thóc xong. Nong nia vẫn ở sân. Tôi men theo hàng rào tới gần. Nhà tắm là những lá chuối khô quây thấp thoáng. Trời ơi, chị! Chị hiện ra một đường cong thon lẳn. Vòm ngực tròn nây, vồng lên dưới ánh trăng như hút hết chưởng lực của thiên nhiên. Toàn thân chị óng mượt toả sáng – chị như chính là ánh trăng. Ánh trăng rì rào trên vườn chuối. Tôi vội nhắm mắt, quay mặt đứng chờ. Ngực tôi đập thấp thỏm. Cảm giác kỳ lạ chạy rần rần dọc tuỷ sống, hơi ớn lạnh. Lát sau, tôi ngắt một búp chuối non, chọc vào. “Ối!”, chị hét lên. “Em đây, Kiên đây, khẽ chứ”, tôi thì thào. Chị quát nhỏ: “Khỉ! Sao mò đến đây? Hết cả hồn”.
Tôi lảng xa để họ tự nhiên. Dưới ánh trăng, thấy chị cứ cúi mặt, vê đuôi tóc xoã. Hoàng cũng lúng túng, nói gì nghe không rõ. Chợt anh ôm ghì chị, hôn như gắn xi. Chị giãy vài cái thì im. Hai tay buông xuôi, đờ đẫn. Chị khuỵu đổ như người không xương. Anh Hoàng chới với mất đà, cũng đổ ụp. Họ ngã đè lên hàng rào râm bụt. Vài giọng chó nhách húc hắc sủa. Chị hoảng hốt bò dậy, chạy thụt vào ngõ. Tôi không ngờ, đấy là buổi gặp cuối cùng của họ. Phía trước là chiến tranh.
Kẻ thì mất, người thì biệt tăm. Trai tráng làng tôi đều nhập ngũ. Chỉ còn lại mấy anh điếc, anh khèo, làm sao chị lấy được chồng? Với lại, chị không tin “người ta” chết. Chị hy vọng và hy vọng. Cứ thế, vài năm sau thì chị gặp một chuyện bàng hoàng: Bố và mẹ chị chết cách nhau chỉ vài tháng. Người làng bảo đó là trùng tang. Lúc trăng trối, mẹ chị bảo: “Châu ơi, mẹ lạy con! Thay mẹ nuôi các em con nhé! Nhà ta nghèo khó… nhưng giấy rách cũng phải giữ lấy lề. Mẹ chỉ lo…”.
Lời mẹ buộc chị. Tình yêu trinh trắng và hy vọng buộc chị. Hoàn cảnh gieo neo buộc chị. Chị héo úa. Nhiều đêm, chị cứ ra thơ thẩn bờ sông, chả rõ trông mong về đâu. Nước vẫn chảy xuôi. Đò dọc ngày ngày qua. Không một chàng trai nào rẽ thuyền, cập bến. Người làng tôi bảo: “Con bé được cả người cả nết mà rõ khổ!”. Lấp vào trống vắng, chị làm hùng hục. Trong xóm, nhà ai có cưới hỏi, cất nhà, đào ao cũng nhờ chị sang giúp. Có chị, đình đám tươm tất đâu vào đấy. Do sớm phải thay vai mẹ, chị thạo việc, hoạt, khéo léo. Vại cà muối chị làm giòn hơn nhà khác. Quả bưởi do tay chị gọt thì ngọt và nhiều nước. Có nồi khoai lang bở hay bát dưa ngon cũng chạy mời láng giềng sang nếm hoặc chia bớt cho người thân. Vợ chồng tôi vẫn được chị cho khi cà muối, khi quả mướp, bát riêu cua. Vợ tôi vẫn khen chị đảm, tinh tường, khéo léo, học được chị còn mệt. Rõ rồi. Người như chị trong thiên hạ được mấy? Chị như là hiện thân cái đẹp, cái nết, cái tình làng nghĩa xóm, cái văn hoá làng níu giữ muôn thuở của làng tôi. Láng giềng cũng thương quý chị, người đỡ đấu gạo, người cho vay tiền may áo quần, đèn sách cho mấy đứa em chị học hành. Buổi tối hiên nhà chị thường đông người đến chuyện trò. Vì thế mà ngôi nhà bớt hoang lạnh.

*
Bất ngờ, Quân trở về, chả biết ém mình ở đâu mà kỹ thế? Bấy nhiêu năm bộ đội, gia tài anh mang về là chiếc tivi đen trắng, chạy ắc quy. Đây có lẽ là chiếc tivi đầu tiên ở xóm. Không hiểu sao, anh Quân cũng chả vợ con gì. Tôi mừng quá. Duyên chị đến lúc rồi ư? Ngay buổi tối đầu, với ý nghĩ ấy, tôi đến nhà Quân.
Anh Quân mừng lắm. Hỏi hết chuyện chị Châu, rồi hỏi tôi: “Chú sống thế nào? Có đúng vượng âm không?”. Tôi cười: “Cũng đúng. Yêu vài bốn cô nhưng vợ thì chị Châu chọn hộ”. Quân rướn mày: “Sao thế?” Tôi bảo: “Chị Châu bảo, yêu và mộng mơ thì thích nhưng khổ. Lấy vợ là lấy người sống cho mình. Em cưới vợ như bất ngờ dội bom”. Anh Quân tủm tỉm: “Hay nhỉ? Chị Châu chú như lão phó mộc, chuyên đóng giường cho người, còn mình nằm chõng tre”. Tôi vặn: “Còn anh?” Quân hì hì: “Ờ… nhỉ. Mà cũng tại chị chú đấy”. Thì ra, Quân cũng còn nhớ nhung, mơ mộng đáo để.
Tôi kể về Quân cho chị nghe, chị chỉ mỉm cười. Cái lúm đồng tiền lệch vẫn còn tít lắm, dù đã phôi pha. Thế mới biết, cái duyên ăn đứt cái đẹp. Chị không còn hào quang xưa nhưng tuổi hồi xuân đang về. Gương mặt thần khí đã rạng hơn. Nét duyên đằm. Chả trách khối kẻ qua đường ngầm liếc thèm thuồng. Ở xóm Thượng có lão tuổi đã uể oải, nhưng vẫn liều sang nhà chị “tỏ tình”. Chị khéo đuổi lão về. Chị rơm rớm khóc, than với vợ tôi: “Chả lẽ chị lại xuống hạng đến thế rồi ư!”.
Không thấy chị hào hứng, tôi bực: “Chả hiểu chị còn chờ đợi, kén chọn gì nữa? Ông Hoàng thành ma từ lâu rồi!”. Chị bảo: “Chị cũng thích anh Quân nhưng lấy anh Quân thì khổ”. Tôi hỏi: “Sao chị biết?”. Chị lại bảo: “Chị biết từ hồi anh Quân tỉ mẩn làm diều cho cậu. Lại cái cách anh ấy rón rén bật nút vô tuyến. Người như vậy chu đáo nhưng nghèo”. Tôi ngạc nhiên: “Chị đã sang nhà anh Quân?”. Chị nói: “Sau cái hôm cậu ở đấy, anh Quân mời chị sang xem vô tuyến”. Tôi lại hỏi: “Thế chị thích tiền?” Chị cười: “Thích chứ. Nhưng không phải tiền “bẩn”. Nhà nghèo mà. Chị đã quen vai mẹ hơn là làm người tình”.
Anh Quân mở tivi. Cả xóm đến xem. Anh mở chủ yếu là chờ chị Châu. Tối nào cũng vậy, anh chải tóc mượt bằng nước lã, ra ra vào vào ngóng đợi. Người đến xem ngồi chật cái sân gạch. Mỗi người lót một mảnh lá chuối, ngồi trật tự hơn rạp chiếu bóng quốc doanh. Lại có tinh thần xây dựng nếp sống mới. Hoan hô nền văn hoá điện tử đã về làng! Làng háo lâu quá rồi. Có cụ gần đất xa trời còn bảo con cháu khênh sang, cốt nhìn thấy cái văn minh người Tây. Chỉ băn khoăn cho Quân, sáng nào cũng phải dậy sớm quét dọn lá chuối, tàn thuốc. Được vài hôm, vườn chuối nhà anh chả còn lá nào lành.
Đâu chừng một tuần, bỗng không thấy chị Châu đến xem tivi nữa. Đêm thứ nhất, đêm thứ hai, rồi đêm thứ ba… Anh Quân buồn lắm. Thực ra, chị Châu đến là để anh bớt nhớ, để nhìn chứ chả nói chuyện riêng được. Nhưng thế thì yên tâm, thấy ấm lòng.
Bây giờ không có chị, anh bưng tivi vào hòm lúa, khoá lại, tuyên bố với xóm: “Để nó nghỉ cho đỡ nóng máy”. Máy gì mà ba bốn ngày chưa hết nóng nhỉ? Bọn choai cáu, chúng bứt hết vườn chanh nhà anh. Gạch bay vù vù, rơi loảng xoảng trên mái ngói. Có hôm cả một mê cứt trâu đặt ở giữa thềm. Đêm mót tiểu, Quân dậy, mắt quáng tưởng con mực nằm khoanh, vỗ “tét” vào nó. Giời ơi! Hiền như anh Quân cũng phải văng: “Tiên sư cái quân mất dạy!”. Có biết đứa nào? Chắc ăn hơn, ngay hôm sau, Quân đèo cái tivi lên phố huyện bán. Anh đi giữa lúc người làng đi làm đông. Ý bảo, tôi bán thật rồi đấy nhá, không phải cất trong hòm lúa cho nguội máy đâu mà chờ.
Khi ở phố huyện về, anh tạt vào nhà tôi, dò: “Hình như Châu ốm?”. Anh Quân chân quê của tôi ơi, anh đâu biết, mấy hôm nay, có một tay buôn chuối nào đó, tên Phó đã cập kề nhà chị rồi. Tôi sang dọi lại mấy viên ngói thủng giúp chị, gặp Phó. Phó đút cọc tiền loại năm ngàn đồng phè ra túi quần. Phó rút bao “ba số” mời tôi. Tôi bảo: “Sang nhỉ”. Phó bảo: “Kinh tế thị trường”. Chắc muốn lấy lòng tôi, Phó gạ: “Chú bỏ quách cái chân văn thư cạo giấy uỷ ban xã, theo anh buôn chuối. Thời buổi kinh tế thị trường”. Tôi bảo: “Chả có vốn”. Phó nháy mắt: “Chị chú là vốn rồi”. Tôi muốn vả vào cái mặt mắt la mày lém của hắn, nhưng kìm được: “Chị Châu không phải là món hàng”. Phó xoa tay: “Anh xin chú. Nói cho vui mà chú đã nóng. Thật tình là anh muốn chú theo kinh tế thị trường”. Hắn học mót, nói cho có vẻ thời thượng, thành quen. Cái gì cũng kinh tế thị trường. Tôi gọi Phó là “Ông thị trường”. Hắn toét cười. Khoái! Thế đấy, tôi biết nói với Quân làm sao? Tôi an ủi: “Chị ấy khổ nhiều, từ từ hãng hay”.
Rồi chị cho thằng Quát gọi tôi đến ăn cơm. Thực ra, bữa cơm do Phó chủ chi. Có cả hai ông lái chuối. Phó khôn. Mục đích của hắn là giới thiệu vùng chuối đầy tiềm năng của quê tôi để khách tin tưởng làm ăn. Hắn cũng biết marketing, đưa bạn hàng về tận nông thôn đấy chứ. Bữa cơm vui. Rượu ngất ngư, coi như ký xong hợp đồng. Chỉ tôi là vô duyên, không có chuyện gì để nói. Nhớ nét mặt buồn của Quân hôm bán tivi, tôi trách chị: “Chị tiến lên thị trường tốc độ quá, quyên cả người quê ta rồi”. Chị bảo: “Kiên ơi, lúc nào mới hiểu chị?”.
Nhà chị thành đại lý chuối xanh. Phó đóng đại bản doanh luôn ở đấy. Đã có người nghi ngại, như thế có tốt không? Nhưng làng tôi tấp nập người bán chuối cho Phó. Lần đầu tiên, kinh tế thị trường rõ nét nhất trên lưỡi dao bầu sáng loáng. Phạt. Chuối gục. Cắt. Bán. Tôi gọi đấy là nền công nghệ “ba nhát” của ông thị trường Phó. Nhưng chị lại cười tươi mới khổ. Cái lúm đồng tiền lệch lẽ nào lại bón vào môi Phó? Tôi cứ tưởng tượng cái miệng gặm thịt gà rau ráu của ông thị trường sẽ ăn nghiến ngấu chị. Tôi xót! Xót cho ai nhỉ, hay xót cho mình? Cảm xúc lẫn lộn quá. Nhưng chắc chắn không lẫn lộn là, cái tivi của Quân ra đi, của chị bỗng về.
Làng tôi còn thay đổi hơn khi Phó mang cả bộ video về mở. Một cái máy phát điện chạy xăng phành phạch suốt ngày. Các phim trưởng hò hét, đấm đá loạn xì ngậu. Trẻ con xem đông còn hơn đi hội. Vài hôm, trên đường làng đã có những cuộc “thử găng” hộc máu mồm bằng thế trưởng học lỏm ở video của Phó. Than ôi, nền công nghiệp băng hình đã thăng hoa ở cái làng ba bề sông của tôi.
Và một buổi nhám tối, chị ào đến, bảo: “Cho chị ăn cơm”. Vợ tôi bảo: “Sợ bác chê cơm quê”. Chị mắng: “Cái con này, láo nào! Giáo với ướt gì mà ăn nói thế. Tao không bảo thằng Kiên lấy cho thì ngồi đấy nhá”. Ào ào thế thôi nhưng ăn cơm ngon. Tươi tắn. Hơi thở hồi xuân lại phập phồng trên ngực chị. Tôi cũng thầm cầu trời cho chị đừng đen vận nữa.
Cơm xong, chị bảo: “Hai đứa này”. Lại chuyện gì nữa đây? Chị thở dài: “Chị sắp lấy chồng”. Tôi bảo: “Biết rồi. Ông thị trường chứ gì?”. Chị “ừ”. Vợ tôi gàn: “Lấy làm gì lão ấy. Trông cái tướng nhấc nháo của lão, em sợ”. Ừ, con vợ giáo viên pha nông dân của tôi thế mà tinh. Tôi cứ ngỡ cô ấy chỉ thạo công nghệ nuôi lợn và gõ đầu trẻ.
Im lặng một lát, chị bảo: “Chị cũng thích Quân nhưng… sợ chết nghèo giống bố mẹ chị. Còn lão Phó, chả yêu, nhưng cũng có cái được của lão. Chị còn ba đứa em ăn theo. Chả lẽ cứ nghèo khổ mãi? Nghèo nhục lắm!”. Thế nghĩa là chị đã quyết rồi. Tôi mừmg cho chị và cũng hồi hộp lo cho chị. Cuối cùng thì chị Châu của tôi cũng sẽ có một tấm chồng. Chị nói: “Chị muốn gặp anh Quân. Kiên sang mời Quân giúp chị. Chị đợi ở bờ sông. Chỗ ngày xưa ấy, nhớ không?”. Làm sao tôi không nhớ. Đó là chỗ chị dạy tôi chơi trò mẹ con, cái đêm trăng ấy.
Quân mừng lắm. Anh chưa biết chị đã quyết định lấy chồng. Tôi chả dại nói làm gì. Cứ để họ tự giải quyết với nhau. Nhưng tôi biết, đó là đêm khát khao nhất, kỳ diệu nhất, phiêu lưu nhất của đời chị, và cả Quân.
Là lúc vầng trăng cuối tháng mảnh dẻ toả dịu khu vườn. Tiếng chuối gọi thì thầm. Bầy lá giăng nhau bao bọc họ. Dòng sông rì rầm như kể một câu chuyện lãng mạn cổ xưa. Chị ngã vào lòng anh. Cả hai đều hồi hộp, đều sung sướng trong một cảm giác dâng hiến muộn mằn, nhưng quyết liệt. Chả khác cánh đồng nứt nẻ khô hạn, bỗng gặp trận mưa ngầu bọt tơi bời. Anh thì thào: “Sao em lại…?”. Chị oà khóc. Nước mắt ướt đầm vai anh. Vài giọt lăn xuống cổ, chậm chạp bò qua ngực anh ươn ướt, nhồn nhột, tụt dần xuống. Chị bảo: “Em cho anh cái trinh trắng đời em… em… đi lấy chồng”. Anh sững sờ: “Sao?”. Chị vừa đóng khuy áo, vừa bỏ chạy. Anh gào lên: “Anh yêu em, Châu! Anh yêu em!”.
Đêm hôm sau, cảm giác cũ còn chưa tan trên cơ bắp, lòng khao khát lại bùng dậy, cùng với khổ đau và ghen tuông, kết thành một tráng sĩ Quân táo tợn, khác hẳn Quân hôm qua, Quân của ngày trước. Người ta vẫn bảo, người hiền hay cục. Quân thủ một cây gậy tre đặc, lầm lì đi.
Quân băng qua vườn chuối, vào phía gian đầu hồi nhà chị. Thằng cha căng chú kiết ấy sao có thể cướp đi người mà anh ước mong, thầm nguyện như một tín ngưỡng ngay từ thuở học trò một cách dễ dàng như vậy được. Chợt Quân nghe có tiếng người thào thào bên trong. Rồi rúc ra rúch rích. “Đồ đểu!” – Quân hét lên, đẩy cửa xông vào, chả cần biết hậu quả là thế nào.
Chị không hiểu gì, ngơ ngác nép vào góc nhà. Vỏ chăn quấn quanh người run lật bật. Phó chồm lên, vớ con dao bầu để ở mặt bàn gần đó, con dao chặt chuối vốn được giới thiệu là tiện lợi. Chị kịp hiểu điều gì sẽ xảy ra. Chị hét: “Không! Anh Quân, anh Phó, không được làm thế! Các anh muốn em chết không?”. Nghe tiếng kêu của chị, Quân như tỉnh cơn mê. Chiếc gậy tre sững lại, lỏng tay. Nhưng con dao chặt chuối của Phó chỉ có một hướng phóng về phía trước, đúng lúc chị lao vào để cản hai người. Chị “hứ” một tiếng, quặn người lên, rồi đổ ụp xuống sàn.
Tôi biết cái tin khủng khiếp ấy vào lúc hơn mười giờ đêm. Vợ tôi rú lên, ngất lịm. Tôi bê vợ lên giường, gọi người nhà trông nom rồi chạy đến nhà chị. Chưa có sự kiện nào làng tôi lại quan tâm đến thế. Già trẻ lớn bé kéo đến chật ngõ. Nhiều người sụt sùi thương cảm. Người thì bảo khổ thân chị, người lại bảo đau nhất bây giờ là ông Quân, trông như thằng dở người. Chị chết là hết, còn biết gì. Một thiếu phụ nói với một cô gái trẻ: “Thấy chưa, mở mắt ra nhé. Đừng tưởng của lạ, tưởng ngon ăn mà bập ngay vào. Thời buổi nhiễu nhương, cứ hơn hớn như mày, có ngày toi!”. Tôi kịp thấy cô gái trẻ lườm: “Chị chỉ được cái độc miệng. Chả may thì thế. Cái đau của chị ấy là đau cả xóm ta”.
Người ta chuẩn bị khám tử thi. Chiếc vỏ chăn hoa hồng kéo xuống ngang eo chị. Kìa, chị vẫn như một thiên thần dang ngủ. Cơ thể đẹp đến thành tội ác. Mắt chị nhắm hờ, như phảng phất điều gì còn dang dở, còn phiêu diêu cõi trần thế. Chị Châu ơi, có lẽ nào chị chết vì một con dao bầu? Không, chị chết vì một cái gì đó kinh khủng hơn thế đang gặm nhấm vào sự yên tĩnh của làng tôi. Tôi đau đớn, không chịu nổi cảnh tượng bi thương, không chịu nổi những tiếng khóc quằn quại, rầu rĩ. Tôi chạy. Tiềm thức dắt tôi đi hay sức mạnh thần bí nào? Chân tôi cứ chạy về một hướng. Chạy mãi. Chạy trong hoảng loạn mơ màng, trong sự trống rỗng vô tận vì mất chị. Để cuối cùng, bàn chân lại vẫn là nơi ấy, vườn chuối bờ sông.

29/ 10/ 1995
T.Q.Q