Là một quốc gia thuộc bán đảo Đông Nam Á nằm bên bờ biển Thái Bình Dương, Việt Nam, theo cách nói gần đây là một “cường quốc biển” với chỉ số chiều dài hơn 3.000km. Trên dải đất ba ngàn cây số biển từ Trà Cổ – Móng Cái – Quảng Ninh đến Đất Mũi – Cà Mau ấy, cộng đồng người Việt đã tồn tại, sinh trưởng cùng thủy triều lên xuống, mưa nắng ngày đêm, có lúc thì trời yên biển lặng, nhưng lúc khác lại sóng lớn gió to… Song song với chỉ số chiều dài biển Đông là dải đất duyên hải trải dài Bắc – Trung – Nam. Có thể phác thảo dáng hình đất nước Việt Nam qua câu thơ của Thanh Thảo: Tổ quốc kiên trì nhoài ra phía biển. Đó không chỉ là hình hài Tổ quốc mà còn là khí chất của con người Việt Nam. Bao đời nay, biển đảo luôn là vẻ đẹp tráng lệ của mỗi miền quê, là địa danh ghi dấu những chiến công hiển hách của lịch sử chống ngoại xâm, là bản sắc văn hoá và là nguồn cảm hứng bất tận của văn học nghệ thuật.

Biển Việt là một không gian vô cùng rộng lớn, nơi hình thành các cơ tầng, trầm tích và nuôi dưỡng các nền văn hoá Việt cổ, là “đường dẫn”, kênh giao tiếp cực lớn để nối liền với thế giới. Nhưng đồng thời, và quan trọng nhất, đó là phần lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, khẳng định, khắc ghi chủ quyền dân tộc. Đặc biệt là ở thời điểm hiện tại, khi tình hình biển Đông đang “dậy sóng” và “nóng” lên từng ngày, thực thể Việt Nam một lần nữa lại cần phải được nhìn từ biển.

Trong bức tranh toàn cảnh của văn học Việt Nam nói chung, chủ đề biển đảo làm nên một dòng chảy liên tục, xuyên suốt từ văn học dân gian sang văn học viết gồm nhiều thể loại như thơ, phú, kí, truyện ngắn, tiểu thuyết… Mỗi giai đoạn, mỗi thể loại sẽ có những kiểu sáng tác và hệ hình thi pháp riêng nhưng chung quy đều hướng tới việc khám phá đời sống con người cùng những đa dạng về sinh thái học: cảnh sắc thiên nhiên, chân dung tâm hồn, phong tục tập quán, nguyên tắc và văn hoá ứng xử trước biển… Biển đảo, do vậy, là một đề tài vừa mang tính duy mĩ, vừa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đây thực sự là một lưu vực lớn trong địa lí văn chương Việt.

Riêng đối với thơ, biển là cả một “trường tương tư” bao la, rộng mở. Đại dương muôn đời vẫn mênh mang sóng nước, vẫn là bình minh, hoàng hôn, trời xanh, biển biếc…, nhưng thi nhân bao đời đã truyền sức sống và thức dậy rất nhiều mới mẻ cho những điều xưa cũ ấy. Chính vì vậy, trong sinh thể thơ ca Việt, biển là một “cấu trúc động” bởi luôn có những biến hình kí hiệulàm say mê nhiều thế hệ bạn đọc.

Biển trước hết là một không gian trữ tình gắn với những câu chuyện tình yêu. Từ xa xưa, trai gái thương mến nhau thường chọn biển làm đối tượng để gửi gắm tình cảm, kí thác tâm tư, làm không gian tình tự để trao gửi, đong đo cảm xúc lứa đôi theo kiểu “thề non hẹn biển”. Khi tương tư, trai gái trong ca dao thường coi biển như một bối cảnh rộng lớn để diễn tả nỗi niềm:

Tìm em như thể tìm chim,

Chim ăn bể bắc, đi tìm bể đông.

Ngó hoài ra tận biển Đông,

Thấy mây thấy nước sao không thấy chàng.

Những phương thức ví von, ẩn dụ được vận dụng hiệu quả, linh hoạt nhằm biểu đạt ước mong về một tình yêu sâu sắc, bền chặt. Chủ thể xưng “anh” dù có lúc bóng gió xa xôi nhưng chủ ý giao tiếp vẫn rất mực coi trọng sự thủy chung – một phẩm giá đưa đến cái kết thúc tốt đẹp và hạnh phúc trọn vẹn cho mọi cuộc tình. Lời thơ trở nên ngọt ngào với những giả thiết có sức cảm hoá, mang lại niềm tin:

Chừng nào con sóng bỏ ghềnh

Cù lao bỏ biển, anh mới đành bỏ em.

Hoà nhập vào khung cảnh biển có sóng, gió, bão, ghềnh, “thân phận tình yêu”, theo đó, cũng bộc lộ được nhiều cung bậc, nỗi niềm, những tâm trạng buồn vui như một lẽ thường tình…

Sang thời kì hiện đại, một trong những giá trị tinh thần nổi bật mang đến nguồn cảm xúc lai láng cho thi ca nhạc họa vẫn là tình yêu. Sự biến hình kí hiệu từ không gian vật thể sang không gian tâm tưởng vốn đã thi vị, nên thơ càng trở nên lung linh, kì ảo. Độ nông sâu của lòng biển, tiếng âm vang của từng con sóng vỗ bờ, vị mặn mòi của muối, sắc xanh trong như hòa lẫn vào nhau giữa nước và trời… đã trở thành những tín hiệu tình yêu trong thơ. Về phương diện này, thi pháp thơ hiện đại ít nhiều tương đồng với thi pháp ca dao. Vì lẽ đó, chủ đề tình yêu trong ca dao và thơ hiện đại gần gũi về tâm thế tiếp nhận và có tính dân chủ cao.

Đến với biển, người thơ sẽ dễ dàng tìm được mối đồng cảm, đồng điệu giữa tâm trạng và cảnh quan. Nhà thơ Xuân Diệu sau 1945 dù “nhan sắc” thơ không còn độ “rực rỡ xuân thì” nhưng danh hiệu “ông hoàng thơ tình”, “thi sĩ của tình yêu” vẫn chưa có người thay thế. Một trong những bài thơ tình nổi tiếng của Xuân Diệu giai đoạn này là Biển. Không còn những thoáng cô đơn rợn ngợp của thời “Gửi hương cho gió”, tiếng nói tình yêu trong thơ Xuân Diệu giờ đây khoẻ khoắn hơn, tư thế trữ tình cũng mạnh mẽ hơn:

Anh không xứng là biển xanh

Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng

Bờ cát dài phẳng lặng

Soi ánh nắng pha lê…

Bờ đẹp đẽ cát vàng

Thoai thoải hàng thông đứng

Như lặng lẽ mơ màng

Suốt ngàn năm bên sóng…

Đã hôn rồi hôn lại

Cho đến mãi muôn đời

Đến tan cả đất trời

Anh mới thôi dào dạt.

Cùng thế hệ với Xuân Diệu, nhà thơ mang “phong cách suy tưởng” Chế Lan Viên cũng nhờ biển nói hộ những vui buồn, nhung nhớ, cách trở của tình yêu:

Anh xa cách em như đất liền xa cách bể

Nửa đêm sâu nằm lắng sóng phương em

Em thân thuộc sao thành xa lạ thế

Sắp gặp em rồi sóng lại đẩy xa thêm.

(Chùm nhỏ thơ yêu)

Chính niềm ước mong hạnh phúc đã “mềm hoá” kiểu tư duy thiên về lí tính sáng suốt của nhà thơ, khiến liên tưởng thơ đi về phía miền cảm xúc:

Cái rét đầu mùa anh rét xa em

Đêm dài lạnh chăn chia làm hai nửa

Nửa đắp cho em ở vùng sóng bể

Nửa đắp cho mình ở phía không em

(Rét đầu mùa nhớ người đi phía biển)

Với Xuân Quỳnh, biển vừa “dữ dội” vừa “dịu êm”, vừa “ồn ào” vừa “lặng lẽ”… Thiên tính nữ và lối viết nữ ở Xuân Quỳnh được chị gửi gắm, kí thác một cách đầy tin cậy vào muôn ngàn lớp sóng giữa đại dương, vào con thuyền và những cánh buồm…; từ đó, hiểu mình hơn qua mối rung động vừa êm ái, vừa mãnh liệt của một khát vọng tình yêu trẻ trung, đầy màu sắc “nữ quyền”:

Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau – rạn vỡ

Nếu từ giã thuyền rồi

Biển chỉ còn sóng gió

Nếu phải xa cách anh

Em chỉ còn bão tố

(Thuyền và biển).

Với tư thế trữ tình “nam quyền” cậy mình “dài rộng”, song chỉ khi đối diện với biển, Hữu Thỉnh mới cảm nhận sâu sắc hơn sự trống trải, cô đơn vì thiếu vắng nửa kia của tình yêu:

Anh xa em

Trăng cũng lẻ

Mặt trời cũng lẻ

Biển vẫn cậy mình dài rộng thế

Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn

Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn

Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím…

(Thư viết ở biển).

“Thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa một thời gian dài sau Góc sân và khoảng trời đã “tái xuất” khá ấn tượng với “vai giao tiếp” mới: lính đảo hát tình ca trên biển. Những năm tháng tắm mình vào cảnh sắc biển đảo, mang theo tâm tư và nhịp sống đồng đội, tiếng nói tình yêu trong thơ Trần Đăng Khoa là sự cộng hưởng cảm xúc giữa “biển” và “em”, giữa tâm sự riêng và lí tưởng chung:

Ngày mai, ngày mai, khi thành phố lên đèn

Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc

Thăm thẳm nước trời nhưng anh không cô độc

Biển một bên và em một bên

(Thơ tình người lính biển).

Và rất nhiều nhà thơ thuộc các thế hệ khác nhau như Tế Hanh, Vũ Quần Phương, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hải Kỳ… đều có chung gặp gỡ khi nương nhờ vào điệp khúc biển để cất lên tiếng lòng, để tìm thấy mối tương giao giữa thi tứ và thi tình, giữa tâm và cảnh.
Trong tiến trình thơ hiện đại về đề tài chiến tranh cách mạng, dưới tầm ảnh hưởng và sự chi phối của cảm hứng anh hùng ca, biển gắn với vận mệnh dân tộc và hiện diện như một không gian sử thi; được đánh dấu bởi sự ra đời của một loạt các tác phẩm trường ca viết về chiến tranh như Những người đi tới biển – Thanh Thảo, Đường tới thành phốTrường ca biển – Hữu Thỉnh, Sóng Côn Đảo – Anh Ngọc… Ngay trong trường ca viết về con người và núi rừng Tây Nguyên Bài ca chim Chơ-rao của Thu Bồn, biển vẫn luôn ẩn hiện qua hình bóng người vợ biển quanh năm chài lưới, bàn tay có nắng mặt trời và có tâm hồn sóng biển; qua những đồng hiện giữa quá khứ và hiện tại:

Ăn trái gấm nhớ trái dừa tha thiết

Uống ngụm nước suối trong nhớ biển biếc bao la

Những đêm mưa rừng sấm động

Nhớ làm sao tiếng sóng vỗ quanh nhà.

Dải đất miền Trung núi nhoài ra biển là một cơ chế địa – văn hoá đặc trưng. Bản sắc riêng của một miền thơ không được tạo nên bởi những tương phản, đối lập mà là sự hoà trộn, thống nhất giữa rừng và biển:

Đây không biển thì rừng làm biển cả

Mặt biển xanh với cồn sóng ngút trời

(Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm)

hoặc:

Hiểu biển nhiều nên ta quý núi núi ơi

Biển mênh mông và núi cao vời vợi

Nhìn thấu biển phải trèo lên tận núi

(Ba dan khát – Thu Bồn).

Hình ảnh “những người đi tới biển” trong trường ca cùng tên của nhà thơ Thanh Thảo là một sự khái quát về hành trình cuộc chiến tranh chống Mĩ đến ngày toàn thắng. Người lính sống với rừng, thấm thía nỗi khổ bao đời của đất và người Tây Nguyên:

Anh đã đi qua heo hút những cánh rừng

Trẻ em khát muối hơn chúng mình khát nước…

Với những người đói muối biển chỉ là muối trắng

Họ liếm vành môi khô nhạt đắng

Lưỡi khát thèm tưởng uống cạn một đại dương.

Chính vì vậy, khát vọng biển, hướng về biển là đồng nghĩa với giấc mơ chiến thắng. Nếu “ám ảnh muối” đối với đồng bào Thượng là một khía cạnh của vô thức tộc người thì “ám ảnh biển” đối với người lính là ý thức thế hệ về truyền thống lịch sử, về sức mạnh lấn biển mở mang bờ cõi của cha ông:

Nơi trộn lẫn mặt trời muối mặn đời ta

Tổ quốc kiên trì nhoài ra phía biển

Ôm những quần đảo trong vòng tay thương mến

Mắt dõi nhìn hút cánh hải âu bay.

Trong niềm vui trời bể ngày dân tộc đoàn tụ, gương mặt và hình bóng người mẹ báo hiệu sự yên bình sau những sóng gió chiến tranh. Đó là một hình tượng lồng ghép giữa mẹ, biển và đất nước:

Con sẽ chạy về rát bỏng bàn chân

Vầng trán mẹ giờ này lặng sóng

Sau mưa bão mía ngọt dần lên ngọn

Vẫn chỗ ướt mẹ nằm đất nước mình ơi...

Cùng chung tâm thế băng mình ra biển, bằng âm hưởng của liên khúc trữ tình, qua hình ảnh năm cánh quân từ những cánh rừng tràn về Sài Gòn, tạo nên một thành phố đầy áo trận; và từ “viên ngọc viễn đông” những đoàn quân lại ào ạt đổ về Thái Bình Dương, kết thúc cuộc chiến tranh chống Mĩ bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với mốc son ngày 30 tháng 4 năm 1975, Hữu Thỉnh đã nhân lên niềm vui chiến thắng qua phép cộng hưởng giữa nhịp điệu trong trái tim người lính với những chuyển động của đất trời, giữa nhịp điệu ngân nga trong tâm hồn với khúc khải hoàn của đại dương:

Biển đang lắc những hồi chuông đoàn tụ

Phù sa nào mát rượi súng và xe…

Chiến sĩ vừa đi vừa hát

Cành ngụy trang qua gió thổi ba miền

(Đường tới thành phố).

Trường ca biển là sự tiếp nối, đi xa, đi sâu hơn của Hữu Thỉnh vào cảm hứng sử thi – thế sự biển. Đặc biệt là những vấn đề xoay quanh thềm lục địa biển Đông. Ngay trong những giờ khắc tột cùng hân hoan, khép lại một chặng đường vẻ vang của dân tộc, Hữu Thỉnh đã có những dự cảm về sự phức tạp đang dấy lên như một hiện tượng “áp thấp” cách xa đất liền nhưng bất an:

Anh biến thành một tấm áo choàng

Che đồng đội những cơn mưa xích đạo .

(Đường tới thành phố).

Và vùng áp thấp ấy đã dâng lên thành bão – một cơn bão biển dữ dội:

Bão vò cây gào rít điên cuồng

Tóc của bão là lá cây rách tướp

Tay của bão là sóng thần rợn ngợp

Cả đất trời say sóng ở Trường Sa

(Trường ca biển)

Vận mệnh dân tộc thêm một lần thử thách ý chí và sức chịu đựng của người lính:

Trong bão gió chúng tôi đo Tổ quốc

Bằng đôi tay vượt biển lính xa nhà.

(Trường ca biển).

Trường Sa trong thơ Hữu Thỉnh hiện lên qua những “đối thoại biển”: “Đến một ngày kia những người lính đã tới biển của mình. Cuộc gặp gỡ của triệu năm với đứa con trận mạc. Không chỉ là người lính lạ lẫm, chính biển lạ lẫm đầu tiên. … Và biển chỉ hỏi anh đơn giản điều này: – Anh có biết bơi không?”: là những đảo cát vô cùng nhỏ nhoi: Đảo nhỏ quá nói một câu là hết/ Có gì đâu chỉ cát với chim thôi (Trường ca biển); là những đợt sóng muôn trùng lớp lớp, có lúc hiền hoà: Trường Sa biển/ Trường Sa trời/ Có câu song sóng có lời tăm tăm, nhưng khi đáy biển đã xuất hiện những tâm chấn thì trở nên khủng khiếp: Trước mặt tôi bây giờ là biển cả/ Lại gặp núi non trong những chóp sóng thần. Với triết lí: Sống với nước hãy bắt đầu từ nước và Đất đi qua biển thì mau/ Người đi qua nỗi khổ đau thì dài, những thông điệp được phát đi từ Trường ca biển của Hữu Thỉnh là sự khẳng định tư cách và chủ quyền biển đảo của dân tộc. Ở đâu có “dấu chân người lính”, ở đó là quê hương xứ sở:

Đảo hiện ra thử thách bạc màu

Bàn chân lính đánh vần trên đất đai Tổ quốc

Biển có đảo biển đỡ lặp lại mình

Đảo có lính cát non thành Tổ quốc…

(Trường ca biển).

Có thể thấy, sự kết hợp nhịp nhàng giữa âm điệu hào hùng của cảm hứng sử thi với chiều sâu thế sự lịch sử, tính đa thanh về giọng điệu và sắc thái triết luận, khả năng dự báo… đã tạo nên sắc diện nổi bật và mô hình không gian “bán sử thi” cho tập trường ca về biển của Hữu Thỉnh.

Năm 1986 đánh dấu một bước đổi mới toàn diện trên nhiều lĩnh vực trong đó có văn học nghệ thuật. Đặc biệt đối với thơ ca, đó là sự gia tăng tinh thần phản biện, khuynh hướng đối thoại đa chiều và ý thức phản tỉnh, tự nhận thức. Tuy vẫn mang đặc tính của loại hình diễn ngôn trữ tình để ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên, tình yêu lứa đôi và tình cảm quê hương đất nước, nhưng hệ biểu tượng biển trong thơ ca giai đoạn này đã được mở rộng và khơi sâu thêm những tầng nghĩa mới. Cùng với tính chất luận đề riết róng được đề cập theo tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật” qua một số tác phẩm văn xuôi tiêu biểu như Đứng trước biển, Cù lao Tràm (Nguyễn Mạnh Tuấn), biển đã trở thành không gian thế sự, phản chiếu tư tưởng thời đại và thăng hoa theo mạch cảm hứng của nhà thơ. Cũng cần nói thêm là yếu tố thế sự trước biển đã từng tồn tại lâu đời trong những áng thơ của Trần Nguyên Đán, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… Sang thời kì hiện đại, những câu thơ kiểu Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ Chẳng biết xa lòng có những ai (Vọng Hải đài – Phạm Hầu) cũng gợi lên tư thế và tâm cảm của thế hệ thi nhân tiền chiến. Sau 1945, Xuân Diệu cũng đã để lại hai câu thơ bất hủ với độ triết lí sâu thẳm: Trái đất ba phần tư nước mắt/ Đi như giọt lệ giữa không trung (Lệ). Tuy nhiên, để trở thành tâm thế thi ca mang dấu ấn chung thì phải đến những thập niên cuối thế kỉ XX, khi xuất hiện xu hướng “nhìn lại và suy ngẫm”. Trước thềm Đổi mới, ngay từ trong mạch cảm hứng sử thi, Thanh Thảo đã viết:

Những dòng sông băng qua những vết thương

Về với biển đâu phải tìm yên nghỉ

Tới cửa sông là bắt đầu sóng gió

Những cây giá xoay trần ngấm nước giữ phù sa

(Những người đi tới biển).

Cũng như sau này, ông đã tìm được “triết lí biển” bằng con mắt từng trải: Ngay khi mặt biển im lặng đừng nghĩ dưới đáy sâu không có những đợt sóng ngầm (Trò chuyện với nhân vật của mình). Trong thơ Hữu Thỉnh, đó là sự trộn hoà cảm hứng thế sự – đời tư, cá nhân – thời thế. Đặc biệt, những tiếng vọng dập dồn từ phía Trường Sa – Song Tử đâu?/ – Nam Yết đâu?/ – Sinh Tồn đâu?/ Tiếng lính gọi mịt mù bão cát/ Tiếng lính gọi từng giây khẩn thiết/ Đảo tìm nhau xếp lại đội hình (Trường ca biển) đã báo hiệu một cuộc đối chiến mới dữ dội, quyết liệt như một trận cuồng phong giữa biển Đông…

Vượt qua “tầm đón đợi” quen thuộc như âm điệu du dương của sóng biển là tiếng hát trái tim ngập tràn hạnh phúc, sự bao la bất tận của biển là cảm xúc vô hồi vô hạn của tình yêu, vị mặn mòi của biển là tấm lòng thuỷ chung, son sắt…, thơ thời kì Đổi mới lại soi vào biển để nhận diện và thấm thía hơn những mặt trái, những khổ đau mà tình yêu mang đến ngoài sự mong đợi của con người. Lâm Thị Mỹ Dạ đã rất cô đơn khi một mình chạm li với biển và nhận được từ biển một vết thương lòng sâu xoáy. Hữu Thỉnh trong giấc mơ tìm kiếm tri âm, tri kỉ lại phải đón nhận sự “phản bội ngọt ngào”: Vừa dào dạt cùng tôi/ Biển đã thành sương khói (Vừa trong mơ cùng tôi). Có thể ví biển như một tấm gương tự vấn khổng lồ mở ra muôn vàn đối thoại. Không chỉ trong lãnh địa tình yêu riêng tư mà là nỗi niềm nhân thế, là những mặn ngọt của cuộc đời:

Bao nước mắt trăm sông dồn góp lại

Mặn đến triệu năm không gạn lấy chút ngọt lành

Vậy mà biển chiếm đến ba phần tư trái đất

Để làm chi hay chỉ để mênh mông?

Nếu không có con người tặng cho tư cách biển

Thì dù đại dương vẫn mãi mãi thiếu linh hồn

(Phản biện biển – Hồ Thế Hà)

 

Trong sinh thể thi ca Việt, biển đảo là một nguồn cảm hứng lớn, một dòng chảy mạnh mẽ, liên tục qua các thời kì từ sơ khai đến đương đại, chưa bao giờ bị thu hẹp, đứt đoạn hoặc bị thay thế. Hệ biểu tượng và những biến hình kí hiệu về biển trong thơ là sự khúc xạ diện mạo tư tưởng và đặc điểm diễn ngôn của mỗi chặng đường phát triển. Đây là mảng văn chương chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, sinh thái, nhân văn, là hành trang và kí ức dân tộc, là tấm căn cước văn hoá của người Việt để đối thoại với các nền văn minh, khẳng định chủ quyền trước các cộng đồng trong khu vực và trên toàn thế giới

 

Theo Lý Hoài Thu – VNQĐ

Là một quốc gia thuộc bán đảo Đông Nam Á nằm bên bờ biển Thái Bình Dương, Việt Nam, theo cách nói gần đây là một “cường quốc biển” với chỉ số chiều dài hơn 3.000km. Trên dải đất ba ngàn cây số biển từ Trà Cổ – Móng Cái – Quảng Ninh đến Đất Mũi – Cà Mau ấy, cộng đồng người Việt đã tồn tại, sinh trưởng cùng thủy triều lên xuống, mưa nắng ngày đêm, có lúc thì trời yên biển lặng, nhưng lúc khác lại sóng lớn gió to… Song song với chỉ số chiều dài biển Đông là dải đất duyên hải trải dài Bắc – Trung – Nam. Có thể phác thảo dáng hình đất nước Việt Nam qua câu thơ của Thanh Thảo: Tổ quốc kiên trì nhoài ra phía biển. Đó không chỉ là hình hài Tổ quốc mà còn là khí chất của con người Việt Nam. Bao đời nay, biển đảo luôn là vẻ đẹp tráng lệ của mỗi miền quê, là địa danh ghi dấu những chiến công hiển hách của lịch sử chống ngoại xâm, là bản sắc văn hoá và là nguồn cảm hứng bất tận của văn học nghệ thuật.

Biển Việt là một không gian vô cùng rộng lớn, nơi hình thành các cơ tầng, trầm tích và nuôi dưỡng các nền văn hoá Việt cổ, là “đường dẫn”, kênh giao tiếp cực lớn để nối liền với thế giới. Nhưng đồng thời, và quan trọng nhất, đó là phần lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, khẳng định, khắc ghi chủ quyền dân tộc. Đặc biệt là ở thời điểm hiện tại, khi tình hình biển Đông đang “dậy sóng” và “nóng” lên từng ngày, thực thể Việt Nam một lần nữa lại cần phải được nhìn từ biển.

Trong bức tranh toàn cảnh của văn học Việt Nam nói chung, chủ đề biển đảo làm nên một dòng chảy liên tục, xuyên suốt từ văn học dân gian sang văn học viết gồm nhiều thể loại như thơ, phú, kí, truyện ngắn, tiểu thuyết… Mỗi giai đoạn, mỗi thể loại sẽ có những kiểu sáng tác và hệ hình thi pháp riêng nhưng chung quy đều hướng tới việc khám phá đời sống con người cùng những đa dạng về sinh thái học: cảnh sắc thiên nhiên, chân dung tâm hồn, phong tục tập quán, nguyên tắc và văn hoá ứng xử trước biển… Biển đảo, do vậy, là một đề tài vừa mang tính duy mĩ, vừa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đây thực sự là một lưu vực lớn trong địa lí văn chương Việt.

Riêng đối với thơ, biển là cả một “trường tương tư” bao la, rộng mở. Đại dương muôn đời vẫn mênh mang sóng nước, vẫn là bình minh, hoàng hôn, trời xanh, biển biếc…, nhưng thi nhân bao đời đã truyền sức sống và thức dậy rất nhiều mới mẻ cho những điều xưa cũ ấy. Chính vì vậy, trong sinh thể thơ ca Việt, biển là một “cấu trúc động” bởi luôn có những biến hình kí hiệulàm say mê nhiều thế hệ bạn đọc.

Biển trước hết là một không gian trữ tình gắn với những câu chuyện tình yêu. Từ xa xưa, trai gái thương mến nhau thường chọn biển làm đối tượng để gửi gắm tình cảm, kí thác tâm tư, làm không gian tình tự để trao gửi, đong đo cảm xúc lứa đôi theo kiểu “thề non hẹn biển”. Khi tương tư, trai gái trong ca dao thường coi biển như một bối cảnh rộng lớn để diễn tả nỗi niềm:

Tìm em như thể tìm chim,

Chim ăn bể bắc, đi tìm bể đông.

Ngó hoài ra tận biển Đông,

Thấy mây thấy nước sao không thấy chàng.

Những phương thức ví von, ẩn dụ được vận dụng hiệu quả, linh hoạt nhằm biểu đạt ước mong về một tình yêu sâu sắc, bền chặt. Chủ thể xưng “anh” dù có lúc bóng gió xa xôi nhưng chủ ý giao tiếp vẫn rất mực coi trọng sự thủy chung – một phẩm giá đưa đến cái kết thúc tốt đẹp và hạnh phúc trọn vẹn cho mọi cuộc tình. Lời thơ trở nên ngọt ngào với những giả thiết có sức cảm hoá, mang lại niềm tin:

Chừng nào con sóng bỏ ghềnh

Cù lao bỏ biển, anh mới đành bỏ em.

Hoà nhập vào khung cảnh biển có sóng, gió, bão, ghềnh, “thân phận tình yêu”, theo đó, cũng bộc lộ được nhiều cung bậc, nỗi niềm, những tâm trạng buồn vui như một lẽ thường tình…

Sang thời kì hiện đại, một trong những giá trị tinh thần nổi bật mang đến nguồn cảm xúc lai láng cho thi ca nhạc họa vẫn là tình yêu. Sự biến hình kí hiệu từ không gian vật thể sang không gian tâm tưởng vốn đã thi vị, nên thơ càng trở nên lung linh, kì ảo. Độ nông sâu của lòng biển, tiếng âm vang của từng con sóng vỗ bờ, vị mặn mòi của muối, sắc xanh trong như hòa lẫn vào nhau giữa nước và trời… đã trở thành những tín hiệu tình yêu trong thơ. Về phương diện này, thi pháp thơ hiện đại ít nhiều tương đồng với thi pháp ca dao. Vì lẽ đó, chủ đề tình yêu trong ca dao và thơ hiện đại gần gũi về tâm thế tiếp nhận và có tính dân chủ cao.

Đến với biển, người thơ sẽ dễ dàng tìm được mối đồng cảm, đồng điệu giữa tâm trạng và cảnh quan. Nhà thơ Xuân Diệu sau 1945 dù “nhan sắc” thơ không còn độ “rực rỡ xuân thì” nhưng danh hiệu “ông hoàng thơ tình”, “thi sĩ của tình yêu” vẫn chưa có người thay thế. Một trong những bài thơ tình nổi tiếng của Xuân Diệu giai đoạn này là Biển. Không còn những thoáng cô đơn rợn ngợp của thời “Gửi hương cho gió”, tiếng nói tình yêu trong thơ Xuân Diệu giờ đây khoẻ khoắn hơn, tư thế trữ tình cũng mạnh mẽ hơn:

Anh không xứng là biển xanh

Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng

Bờ cát dài phẳng lặng

Soi ánh nắng pha lê…

Bờ đẹp đẽ cát vàng

Thoai thoải hàng thông đứng

Như lặng lẽ mơ màng

Suốt ngàn năm bên sóng…

Đã hôn rồi hôn lại

Cho đến mãi muôn đời

Đến tan cả đất trời

Anh mới thôi dào dạt.

Cùng thế hệ với Xuân Diệu, nhà thơ mang “phong cách suy tưởng” Chế Lan Viên cũng nhờ biển nói hộ những vui buồn, nhung nhớ, cách trở của tình yêu:

Anh xa cách em như đất liền xa cách bể

Nửa đêm sâu nằm lắng sóng phương em

Em thân thuộc sao thành xa lạ thế

Sắp gặp em rồi sóng lại đẩy xa thêm.

(Chùm nhỏ thơ yêu)

Chính niềm ước mong hạnh phúc đã “mềm hoá” kiểu tư duy thiên về lí tính sáng suốt của nhà thơ, khiến liên tưởng thơ đi về phía miền cảm xúc:

Cái rét đầu mùa anh rét xa em

Đêm dài lạnh chăn chia làm hai nửa

Nửa đắp cho em ở vùng sóng bể

Nửa đắp cho mình ở phía không em

(Rét đầu mùa nhớ người đi phía biển)

Với Xuân Quỳnh, biển vừa “dữ dội” vừa “dịu êm”, vừa “ồn ào” vừa “lặng lẽ”… Thiên tính nữ và lối viết nữ ở Xuân Quỳnh được chị gửi gắm, kí thác một cách đầy tin cậy vào muôn ngàn lớp sóng giữa đại dương, vào con thuyền và những cánh buồm…; từ đó, hiểu mình hơn qua mối rung động vừa êm ái, vừa mãnh liệt của một khát vọng tình yêu trẻ trung, đầy màu sắc “nữ quyền”:

Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau – rạn vỡ

Nếu từ giã thuyền rồi

Biển chỉ còn sóng gió

Nếu phải xa cách anh

Em chỉ còn bão tố

(Thuyền và biển).

Với tư thế trữ tình “nam quyền” cậy mình “dài rộng”, song chỉ khi đối diện với biển, Hữu Thỉnh mới cảm nhận sâu sắc hơn sự trống trải, cô đơn vì thiếu vắng nửa kia của tình yêu:

Anh xa em

Trăng cũng lẻ

Mặt trời cũng lẻ

Biển vẫn cậy mình dài rộng thế

Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn

Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn

Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím…

(Thư viết ở biển).

“Thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa một thời gian dài sau Góc sân và khoảng trời đã “tái xuất” khá ấn tượng với “vai giao tiếp” mới: lính đảo hát tình ca trên biển. Những năm tháng tắm mình vào cảnh sắc biển đảo, mang theo tâm tư và nhịp sống đồng đội, tiếng nói tình yêu trong thơ Trần Đăng Khoa là sự cộng hưởng cảm xúc giữa “biển” và “em”, giữa tâm sự riêng và lí tưởng chung:

Ngày mai, ngày mai, khi thành phố lên đèn

Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc

Thăm thẳm nước trời nhưng anh không cô độc

Biển một bên và em một bên

(Thơ tình người lính biển).

Và rất nhiều nhà thơ thuộc các thế hệ khác nhau như Tế Hanh, Vũ Quần Phương, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hải Kỳ… đều có chung gặp gỡ khi nương nhờ vào điệp khúc biển để cất lên tiếng lòng, để tìm thấy mối tương giao giữa thi tứ và thi tình, giữa tâm và cảnh.
Trong tiến trình thơ hiện đại về đề tài chiến tranh cách mạng, dưới tầm ảnh hưởng và sự chi phối của cảm hứng anh hùng ca, biển gắn với vận mệnh dân tộc và hiện diện như một không gian sử thi; được đánh dấu bởi sự ra đời của một loạt các tác phẩm trường ca viết về chiến tranh như Những người đi tới biển – Thanh Thảo, Đường tới thành phốTrường ca biển – Hữu Thỉnh, Sóng Côn Đảo – Anh Ngọc… Ngay trong trường ca viết về con người và núi rừng Tây Nguyên Bài ca chim Chơ-rao của Thu Bồn, biển vẫn luôn ẩn hiện qua hình bóng người vợ biển quanh năm chài lưới, bàn tay có nắng mặt trời và có tâm hồn sóng biển; qua những đồng hiện giữa quá khứ và hiện tại:

Ăn trái gấm nhớ trái dừa tha thiết

Uống ngụm nước suối trong nhớ biển biếc bao la

Những đêm mưa rừng sấm động

Nhớ làm sao tiếng sóng vỗ quanh nhà.

Dải đất miền Trung núi nhoài ra biển là một cơ chế địa – văn hoá đặc trưng. Bản sắc riêng của một miền thơ không được tạo nên bởi những tương phản, đối lập mà là sự hoà trộn, thống nhất giữa rừng và biển:

Đây không biển thì rừng làm biển cả

Mặt biển xanh với cồn sóng ngút trời

(Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm)

hoặc:

Hiểu biển nhiều nên ta quý núi núi ơi

Biển mênh mông và núi cao vời vợi

Nhìn thấu biển phải trèo lên tận núi

(Ba dan khát – Thu Bồn).

Hình ảnh “những người đi tới biển” trong trường ca cùng tên của nhà thơ Thanh Thảo là một sự khái quát về hành trình cuộc chiến tranh chống Mĩ đến ngày toàn thắng. Người lính sống với rừng, thấm thía nỗi khổ bao đời của đất và người Tây Nguyên:

Anh đã đi qua heo hút những cánh rừng

Trẻ em khát muối hơn chúng mình khát nước…

Với những người đói muối biển chỉ là muối trắng

Họ liếm vành môi khô nhạt đắng

Lưỡi khát thèm tưởng uống cạn một đại dương.

Chính vì vậy, khát vọng biển, hướng về biển là đồng nghĩa với giấc mơ chiến thắng. Nếu “ám ảnh muối” đối với đồng bào Thượng là một khía cạnh của vô thức tộc người thì “ám ảnh biển” đối với người lính là ý thức thế hệ về truyền thống lịch sử, về sức mạnh lấn biển mở mang bờ cõi của cha ông:

Nơi trộn lẫn mặt trời muối mặn đời ta

Tổ quốc kiên trì nhoài ra phía biển

Ôm những quần đảo trong vòng tay thương mến

Mắt dõi nhìn hút cánh hải âu bay.

Trong niềm vui trời bể ngày dân tộc đoàn tụ, gương mặt và hình bóng người mẹ báo hiệu sự yên bình sau những sóng gió chiến tranh. Đó là một hình tượng lồng ghép giữa mẹ, biển và đất nước:

Con sẽ chạy về rát bỏng bàn chân

Vầng trán mẹ giờ này lặng sóng

Sau mưa bão mía ngọt dần lên ngọn

Vẫn chỗ ướt mẹ nằm đất nước mình ơi...

Cùng chung tâm thế băng mình ra biển, bằng âm hưởng của liên khúc trữ tình, qua hình ảnh năm cánh quân từ những cánh rừng tràn về Sài Gòn, tạo nên một thành phố đầy áo trận; và từ “viên ngọc viễn đông” những đoàn quân lại ào ạt đổ về Thái Bình Dương, kết thúc cuộc chiến tranh chống Mĩ bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với mốc son ngày 30 tháng 4 năm 1975, Hữu Thỉnh đã nhân lên niềm vui chiến thắng qua phép cộng hưởng giữa nhịp điệu trong trái tim người lính với những chuyển động của đất trời, giữa nhịp điệu ngân nga trong tâm hồn với khúc khải hoàn của đại dương:

Biển đang lắc những hồi chuông đoàn tụ

Phù sa nào mát rượi súng và xe…

Chiến sĩ vừa đi vừa hát

Cành ngụy trang qua gió thổi ba miền

(Đường tới thành phố).

Trường ca biển là sự tiếp nối, đi xa, đi sâu hơn của Hữu Thỉnh vào cảm hứng sử thi – thế sự biển. Đặc biệt là những vấn đề xoay quanh thềm lục địa biển Đông. Ngay trong những giờ khắc tột cùng hân hoan, khép lại một chặng đường vẻ vang của dân tộc, Hữu Thỉnh đã có những dự cảm về sự phức tạp đang dấy lên như một hiện tượng “áp thấp” cách xa đất liền nhưng bất an:

Anh biến thành một tấm áo choàng

Che đồng đội những cơn mưa xích đạo .

(Đường tới thành phố).

Và vùng áp thấp ấy đã dâng lên thành bão – một cơn bão biển dữ dội:

Bão vò cây gào rít điên cuồng

Tóc của bão là lá cây rách tướp

Tay của bão là sóng thần rợn ngợp

Cả đất trời say sóng ở Trường Sa

(Trường ca biển)

Vận mệnh dân tộc thêm một lần thử thách ý chí và sức chịu đựng của người lính:

Trong bão gió chúng tôi đo Tổ quốc

Bằng đôi tay vượt biển lính xa nhà.

(Trường ca biển).

Trường Sa trong thơ Hữu Thỉnh hiện lên qua những “đối thoại biển”: “Đến một ngày kia những người lính đã tới biển của mình. Cuộc gặp gỡ của triệu năm với đứa con trận mạc. Không chỉ là người lính lạ lẫm, chính biển lạ lẫm đầu tiên. … Và biển chỉ hỏi anh đơn giản điều này: – Anh có biết bơi không?”: là những đảo cát vô cùng nhỏ nhoi: Đảo nhỏ quá nói một câu là hết/ Có gì đâu chỉ cát với chim thôi (Trường ca biển); là những đợt sóng muôn trùng lớp lớp, có lúc hiền hoà: Trường Sa biển/ Trường Sa trời/ Có câu song sóng có lời tăm tăm, nhưng khi đáy biển đã xuất hiện những tâm chấn thì trở nên khủng khiếp: Trước mặt tôi bây giờ là biển cả/ Lại gặp núi non trong những chóp sóng thần. Với triết lí: Sống với nước hãy bắt đầu từ nước và Đất đi qua biển thì mau/ Người đi qua nỗi khổ đau thì dài, những thông điệp được phát đi từ Trường ca biển của Hữu Thỉnh là sự khẳng định tư cách và chủ quyền biển đảo của dân tộc. Ở đâu có “dấu chân người lính”, ở đó là quê hương xứ sở:

Đảo hiện ra thử thách bạc màu

Bàn chân lính đánh vần trên đất đai Tổ quốc

Biển có đảo biển đỡ lặp lại mình

Đảo có lính cát non thành Tổ quốc…

(Trường ca biển).

Có thể thấy, sự kết hợp nhịp nhàng giữa âm điệu hào hùng của cảm hứng sử thi với chiều sâu thế sự lịch sử, tính đa thanh về giọng điệu và sắc thái triết luận, khả năng dự báo… đã tạo nên sắc diện nổi bật và mô hình không gian “bán sử thi” cho tập trường ca về biển của Hữu Thỉnh.

Năm 1986 đánh dấu một bước đổi mới toàn diện trên nhiều lĩnh vực trong đó có văn học nghệ thuật. Đặc biệt đối với thơ ca, đó là sự gia tăng tinh thần phản biện, khuynh hướng đối thoại đa chiều và ý thức phản tỉnh, tự nhận thức. Tuy vẫn mang đặc tính của loại hình diễn ngôn trữ tình để ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên, tình yêu lứa đôi và tình cảm quê hương đất nước, nhưng hệ biểu tượng biển trong thơ ca giai đoạn này đã được mở rộng và khơi sâu thêm những tầng nghĩa mới. Cùng với tính chất luận đề riết róng được đề cập theo tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật” qua một số tác phẩm văn xuôi tiêu biểu như Đứng trước biển, Cù lao Tràm (Nguyễn Mạnh Tuấn), biển đã trở thành không gian thế sự, phản chiếu tư tưởng thời đại và thăng hoa theo mạch cảm hứng của nhà thơ. Cũng cần nói thêm là yếu tố thế sự trước biển đã từng tồn tại lâu đời trong những áng thơ của Trần Nguyên Đán, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… Sang thời kì hiện đại, những câu thơ kiểu Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ Chẳng biết xa lòng có những ai (Vọng Hải đài – Phạm Hầu) cũng gợi lên tư thế và tâm cảm của thế hệ thi nhân tiền chiến. Sau 1945, Xuân Diệu cũng đã để lại hai câu thơ bất hủ với độ triết lí sâu thẳm: Trái đất ba phần tư nước mắt/ Đi như giọt lệ giữa không trung (Lệ). Tuy nhiên, để trở thành tâm thế thi ca mang dấu ấn chung thì phải đến những thập niên cuối thế kỉ XX, khi xuất hiện xu hướng “nhìn lại và suy ngẫm”. Trước thềm Đổi mới, ngay từ trong mạch cảm hứng sử thi, Thanh Thảo đã viết:

Những dòng sông băng qua những vết thương

Về với biển đâu phải tìm yên nghỉ

Tới cửa sông là bắt đầu sóng gió

Những cây giá xoay trần ngấm nước giữ phù sa

(Những người đi tới biển).

Cũng như sau này, ông đã tìm được “triết lí biển” bằng con mắt từng trải: Ngay khi mặt biển im lặng đừng nghĩ dưới đáy sâu không có những đợt sóng ngầm (Trò chuyện với nhân vật của mình). Trong thơ Hữu Thỉnh, đó là sự trộn hoà cảm hứng thế sự – đời tư, cá nhân – thời thế. Đặc biệt, những tiếng vọng dập dồn từ phía Trường Sa – Song Tử đâu?/ – Nam Yết đâu?/ – Sinh Tồn đâu?/ Tiếng lính gọi mịt mù bão cát/ Tiếng lính gọi từng giây khẩn thiết/ Đảo tìm nhau xếp lại đội hình (Trường ca biển) đã báo hiệu một cuộc đối chiến mới dữ dội, quyết liệt như một trận cuồng phong giữa biển Đông…

Vượt qua “tầm đón đợi” quen thuộc như âm điệu du dương của sóng biển là tiếng hát trái tim ngập tràn hạnh phúc, sự bao la bất tận của biển là cảm xúc vô hồi vô hạn của tình yêu, vị mặn mòi của biển là tấm lòng thuỷ chung, son sắt…, thơ thời kì Đổi mới lại soi vào biển để nhận diện và thấm thía hơn những mặt trái, những khổ đau mà tình yêu mang đến ngoài sự mong đợi của con người. Lâm Thị Mỹ Dạ đã rất cô đơn khi một mình chạm li với biển và nhận được từ biển một vết thương lòng sâu xoáy. Hữu Thỉnh trong giấc mơ tìm kiếm tri âm, tri kỉ lại phải đón nhận sự “phản bội ngọt ngào”: Vừa dào dạt cùng tôi/ Biển đã thành sương khói (Vừa trong mơ cùng tôi). Có thể ví biển như một tấm gương tự vấn khổng lồ mở ra muôn vàn đối thoại. Không chỉ trong lãnh địa tình yêu riêng tư mà là nỗi niềm nhân thế, là những mặn ngọt của cuộc đời:

Bao nước mắt trăm sông dồn góp lại

Mặn đến triệu năm không gạn lấy chút ngọt lành

Vậy mà biển chiếm đến ba phần tư trái đất

Để làm chi hay chỉ để mênh mông?

Nếu không có con người tặng cho tư cách biển

Thì dù đại dương vẫn mãi mãi thiếu linh hồn

(Phản biện biển – Hồ Thế Hà)

Trong sinh thể thi ca Việt, biển đảo là một nguồn cảm hứng lớn, một dòng chảy mạnh mẽ, liên tục qua các thời kì từ sơ khai đến đương đại, chưa bao giờ bị thu hẹp, đứt đoạn hoặc bị thay thế. Hệ biểu tượng và những biến hình kí hiệu về biển trong thơ là sự khúc xạ diện mạo tư tưởng và đặc điểm diễn ngôn của mỗi chặng đường phát triển. Đây là mảng văn chương chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, sinh thái, nhân văn, là hành trang và kí ức dân tộc, là tấm căn cước văn hoá của người Việt để đối thoại với các nền văn minh, khẳng định chủ quyền trước các cộng đồng trong khu vực và trên toàn thế giới

Exit mobile version