Nghề văn, theo tôi bốn phần là khoa học, một  phần là bí ẩn.

Bốn phần năm là khoa học?! Đương nhiên rồi. Vì để viết lên một tác phẩm, nhà văn cần có chất liệu. Vậy là học tập, rèn luyện không ngừng; đi khắp muôn phương, đọc thiên kinh vạn quyển, gặp gỡ biết bao con người. Một quá trình lao động khổ sai, vất vả. Để xác tín một chi tiết, đôi lúc nhà văn phải sục vào thư viện, xới tung những ngóc ngách, tìm kiếm nhân chứng, tư liệu, đối chiếu. Có đầy đủ chất liệu rồi chỉ là điều kiện cần. Cái quyết định để tác phẩm ra đời là viết. Đây mới là một công việc đầy thử thách, cam go, có khi đi hoài không tới đích, bởi từ ý tưởng đến hiện thực tưởng gần mà đôi khi là khoảng cách xa vạn dặm. May thay, cả nước có khoảng 1.000 hội viên. Một số hội viên tuổi cao sức yếu, vật lộn với bệnh tật, một số rẽ ngang đường, một số tắc tị thì chắc còn khoảng vài trăm hội viên ở khắp miền đất nước đêm đêm trăn trở, miệt mài với những con chữ.

Có nhà văn viết đều đặn mỗi ngày mấy tiếng như công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Có nhà văn viết thâu đêm suốt sáng. Có nhà văn chỉ viết giờ nghỉ trưa. Có nhà văn tối ngủ như gà, bắt đầu viết lúc 3 giờ sáng. Có nhà văn lấy ngày làm đêm cho công việc viết lách… Đủ kiểu. Và đủ loại tác phẩm ra đời. Hàng năm, hàng trăm tác phẩm dự giải thưởng như bươm bướm bay vào văn phòng Hội Nhà văn ở số 9 Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Một số lặng lẽ nằm đâu đó trong các tiệm sách, thư viện, tủ sách gia đình…

Một phần của nhà văn là sự bí ẩn nhưng trớ trêu, khắc nghiệt thay, sự bí ẩn đó lại là yếu tố quyết định làm nên sự thành công hay thất bại của một nhà văn. Xét cho cùng, sự bí ẩn đó chính là độ nhạy cảm của một con người trước những hiện tượng và sự vật. Đó là linh khiếu. Linh khiếu ấy là quà tặng đặc biệt của tạo hóa dành cho mỗi nhà văn. Hàng triệu người mới có được một linh khiếu, như Isaac Newton nhìn thấy quả táo rơi đã tìm ra thuyết vạn vật hấp dẫn nổi tiếng, trong khi nhân loại hàng tỷ người vẫn thờ ơ trước quả táo rơi. Nghề viết văn cũng vậy. Đã đành phải hiểu biết, trải nghiệm một vấn đề, đề tài nào đó mới viết được nhưng không phải ai hiểu biết, trải nghiệm cũng viết ra được tác phẩm. Hàng triệu lượt thanh niên miền Bắc vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu nhưng hiếm hoi số thanh niên ấy viết được những tác phẩm dấn thân để được trở thành nhà văn. Nếu am hiểu lịch sử mới trở thành nhà văn thì hàng vạn nhà sử học đã trở thành nhà văn rồi. Sự bí ẩn cũng chính là ở chỗ đó!

“Tôi giàu có vì tôi đa cảm”. Tôi nhận ra mình như thế. Những nhà văn nữ có một lợi thế Trời cho. Đó là lòng trắc ẩn và đa cảm. Tôi kiêu hãnh vì được làm đàn bà bởi thế giới nhìn qua lỗ kim đàn bà cho tôi cái nhìn sâu thẳm, đa chiều về những thứ xung quanh. Tôi nhớ thời sinh đứa con đầu lòng, mới 20 ngày, tôi ngồi viết kiếm tiền nuôi con. Hồi đó tôi chưa đủ tiền mua máy vi tính. Mười ngón tay mong manh của tôi gõ lên phím. Chiếc máy chữ cũ kĩ khô dầu, cọc cạch. Từng con chữ biến thành sữa. Nước mắt trộn lẫn mồ hôi làm mắt tôi cay xè. Tôi đưa tay vuốt mặt, chợt nhận ra mặt mình đầy máu. Tôi nhìn xuống đôi bàn tay mình, chợt nhận ra mười ngón tay mình mưng mủ, tứa máu. Lúc ấy, tôi mới chợt nhớ ra lời khuyên của người lớn, sinh con còn non ngày tháng rất kỵ đánh máy chữ, bởi những đầu dây thần kinh lúc đó rất mong manh, sẽ ảnh hưởng tim. Tôi không biết lời khuyên ấy có đúng không nhưng nhìn bàn tay túa máu của mình, tôi cảm thấy vừa ngậm ngùi, vừa kiêu hãnh. Thật tuyệt vời khi tôi là phụ nữ. Bởi sự dấn thân, hy sinh, tinh tế của người phụ nữ cũng là tài năng của họ. Tình mẫu tử đã giúp họ làm nên nhiều điều kỳ diệu.  Phụ nữ tuy yếu mềm nhưng trong nhiều tình huống trở nên dũng cảm, quyết liệt đến không ngờ. Tóm lại, tôi không có gì phiền trách khi là phụ nữ. Phụ nữ viết văn nhờ tinh tế nên cảm nhận, phát hiện được nhiều điều mà đàn ông không “ngửi” tới được! Thật thú vị, bởi cùng là sự đa cảm  của nhà văn, đàn ông đàn bà cũng khác nhau nhiều lắm!

Lòng đa cảm thúc đẩy nhà văn cầm bút. Những con chữ theo nước mắt, những cơn co thắt con tim mà trào ra, tỏa sáng, thăng hoa. Thật nghịch lý để nói nhà văn rất tinh khôn mà cũng hết sức ngây thơ. Nếu quá khôn thì văn chương khô cứng. Quá ngây thơ thì tác phẩm ngô nghê. Nhưng không đa cảm, ngây thơ thì không có tác phẩm. Không yêu, ghét rạch ròi, không phẫn nộ trước điều bất bình, trước cái ác, cứ giấu mình để an toàn thì không thể có nhà văn.

Nói cho cùng, những đại văn hào đông tây kim cổ cũng bắt đầu từ rung cảm đó thôi. Trước sự thối nát của xã hội đang sống, Lỗ Tấn nhận ra việc chữa căn bệnh xã hội bức thiết hơn chữa những triệu chứng lâm sàng của con bệnh. Vì rung cảm trước vẻ đẹp thiên nhiên, số phận con người, sự tàn khốc chiến tranh, bất công xã hội, lòng ái quốc… mà nhà văn lao vào viết để hôm nay, chúng ta có được kho tàng văn học  của nhân loại. Nhà văn chắc chắn là những người thương vay khóc mướn. Đó là những con người siêu đa cảm như Nguyễn Du. Ông khóc Kiều ba trăm năm trước, lại chạnh lòng rơi nước mắt không biết ba trăm năm sau ai khóc mình đây?! Có nhà văn miệt mài, hùng hục viết hàng ngàn trang sách, chỉ để minh oan cho số phận một con người, để chứng minh sự phản biện của mình trước những nghịch lý, lối mòn xưa cũ. Nhà văn đa cảm, yêu hết mình nên cũng dễ bất bình, phẫn nộ trước lập lờ, giả dối nhất. Tôi đoan chắc một ngàn nhà văn Việt Nam chẳng mấy ai hân hoan trước lòng tốt của ông Tập khi ông sang Việt Nam nói vài câu hữu hảo về tình láng giềng, hứa cho láng giềng nghèo với nồi cơm ngân sách mấp mé bể bạc vay một tỷ nhân dân tệ. Một câu hỏi phản biện dội lên dành cho những con Rồng cháu Tiên: Sao không ít đi tượng đài, lễ hội, siêu xe, hội thảo, truyền hình trực tiếp, tham quan học tập nước ngoài, tham nhũng, lãng phí… để nhân dân mình không phải xòe tay nhận “1 tỷ đồng viện trợ”?! Chúng ta sống giản dị hơn, ăn ít ơn, bớt xa xỉ hơn để tiết kiệm “1 tỷ nhân dân tệ”, kiêu hãnh vươn lên từ nội lực của mình. Ngày xưa, thời chống Pháp, có những bà mẹ lập Hội mẹ chiến sĩ, mỗi ngày bớt đi một nắm gạo, làm nên phong trào “hũ gạo nuôi quân” cho bộ đội đánh giặc. Sao chúng ta không đồng lòng mỗi ngày tiết kiệm đi một ít xa xỉ để góp vào ngân sách nhà nước cho những công trình dân sinh?! Cám ơn lòng tốt của ông Tập nhưng một tỷ nhân dân tệ của ông như muối bỏ biển so với những tổn thất từ yếu kém lãnh đạo, quản lý của đất nước có nguồn gốc Tiên Rồng. Thật đau xót nhìn những nhà máy ngàn tỷ từ tiền thuế của  dân đắp chiếu, han rỉ. Đau xót, phẫn nộ; nhà văn thông qua tác phẩm của mình kêu gọi mọi người chung tay hành động. Trong những ngày gieo neo, lương cơ quan bị cắt giảm, nợ xấu, ngân sách thâm hụt; chúng ta học theo những bà mẹ năm xưa, mỗi người góp một nắm gạo cho lòng tự tôn dân tộc!

Nhà văn rung cảm và bất bình đủ thứ nên có “Tiếng nói nhà văn” ở báo Văn nghệ. (Sức lan tỏa tiếng nói ấy đến đâu lại là một chuyện khác). Tôi không quá ảo tưởng về tính dự báo của văn học nhưng rõ ràng, nhà văn dư thừa lòng đa cảm để buồn trước cái buồn của thiên hạ, thờ ơ trước cái vui của thiên hạ, cũng giống như một nhà văn Nhật Bản tự bạch: “Tôi bận rộn điều người khác không bận rộn”. Đó cũng là bản lĩnh, sắc thái của nhà văn.

Và nghề văn, cuối cùng cũng có một phần bí ẩn, bởi nhiều người cũng đa sầu đa cảm, yêu ghét, xao xuyến, rung cảm, bất bình, phẫn nộ đó thôi nhưng để diễn giải bài bản, có đầu có đũa, có hệ thống, truyền dẫn đến công chúng, xuyên tim, xuyên không gian, thời gian là nghề của nhà văn. Linh khiếu của nhà văn cũng là thứ Trời cho. Trời cũng không cho ai tất cả. Cũng có người có được nhiều tài năng bẩm sinh nhưng phung phí nó. Ngược lại, cũng có người kiên trì, khổ luyện mà “đức năng thắng số”, có được tác phẩm thành danh. Còn vị trí nhà văn thì không có gì bàn cãi. Nhà văn nghĩ mình có quyền năng nhưng chẳng có gì cả. Nhà văn ảo tưởng mình quan trọng nhưng thật ra chẳng quan trọng gì cả. Cái nổi tiếng của nhà văn cũng hết sức bọt bèo. Buông cây viết ra thì mình trắng tay!

 

– Nhà văn Trầm Hương – Vanvn.net

Exit mobile version