Bảo Ninh – tác giả “Nỗi buồn chiến tranh” – nói viết về ký ức thời lính với ông là một cách làm hòa nỗi đau quá khứ.

Hồi tháng 3, tập truyện ngắn Hà Nội lúc không giờ của Bảo Ninh được chuyển ngữ, xuất bản tại Mỹ với tên Hà Nội at Midnight. Đây là tác phẩm thứ hai của Bảo Ninh được dịch sang tiếng Anh, sau Nỗi buồn chiến tranh, xuất bản lần đầu ở nước ngoài vào 1994.

Dịp tác phẩm mới ra mắt, ngày 18/6, nhà văn trả lời phỏng vấn The Washington Post về chủ đề thường trực trong văn của ông – chiến tranh. Hà Mạnh Quân – dịch sách Hà Nội lúc không giờ – phụ trách chuyển ngữ phần trả lời phỏng vấn của nhà văn sang tiếng Anh.

Trên Washington Post, Bảo Ninh cho biết ông vui khi mối quan hệ giữa Việt Nam – Mỹ tốt đẹp. Hậu chiến, Việt Nam thân thiện, chào đón người Mỹ. Ông từng tiếp nhiều nhà văn, nhà báo, khách du lịch và cựu chiến binh Mỹ đến thăm tại Hà Nội. Có lúc, tác giả sang Mỹ, thăm gia đình cựu chiến binh tham chiến ở Việt Nam.

Bìa sách “Hà Nội at Midnight”, Nhà xuất bản của Đại học Công nghệ Texas phát hành vào tháng 3.
Hà Mạnh Quân dịch và Cab Trần hiệu đính. Ảnh: Texas Tech University Press

Những năm đi lính tạo nên nhà văn Bảo Ninh hôm nay. Ông ra chiến trường từ 1969 – 1976 và chưa bao giờ muốn trở thành nhà văn. Chiến tranh kết thúc, ông dành một năm chôn cất liệt sĩ tại miền Nam. Nhiệm vụ này khiến tác giả cảm nhận sâu sắc về chiến tranh khốc liệt.

Xuất ngũ năm 1976, Bảo Ninh làm lụng vất vả để nuôi sống gia đình. 11 năm sau, vào thời điểm đất nước không còn chiến tranh, ông chiêm nghiệm quá khứ và bắt đầu viết. Bảo Ninh nói nếu không là một người lính, ông sẽ không trở thành một nhà văn.

Theo đó, từ khi bắt đầu sáng tác từ năm 1987. lúc 35 tuổi, đến nay, ông viết về nỗi đau khổ của người Việt, cách họ sống trong và sau chiến tranh. Ông cho biết: “Tôi viết về chiến tranh để chống lại chiến tranh, viết về chiến tranh là viết về hòa bình – về tình yêu, niềm vui, sự tha thứ, hòa giải và những ý tưởng nhân văn khác”.

Qua nhiều năm, ông thân thiết với bạn bè quốc tế, cảm nhận ở họ sự chân thành, không khoe khoang, kiêu ngạo. Nhà văn cho rằng người Việt giỏi hòa giải vì trải nhiều đau thương, chiến tranh trong quá khứ, người Việt học được cách đương đầu mạnh mẽ. “Chúng tôi nhanh chóng gác lại quá khứ, làm hòa với kẻ thù cũ và không duy trì ác cảm – một cảm xúc tai hại”, nhà văn nói trong bài phỏng vấn.

Hướng đến tương lai hòa bình, trái tim tác giả vẫn đau nhói khi nhớ đến đồng đội cũ. Niềm vui hiện tại không xóa nhòa nỗi buồn chiến tranh trong ông.

Tập truyện Hà Nội lúc không giờ vừa phát hành ở Mỹ là một thông điệp hòa bình ông gửi đến thế giới. Sách gồm 12 truyện ngắn, trong đó 10 truyện được dịch mới, riêng hai tác phẩm Gió dại, Bí ẩn của làn nước – đã có bản tiếng Anh trước đó – được chuyển ngữ lại, theo dịch giả Hà Mạnh Quân. Các truyện nói về ký ức chiến tranh và đời sống hậu chiến, xen kẽ là những chân dung người Việt hồn hậu, giàu tình cảm.

Nhà văn Bảo Ninh (trái) và giáo sư, dịch giả Hà Mạnh Quân, tại nhà riêng của tác giả ở Hà Nội, ngày 28/4.
Ảnh: Dịch giả Hà Mạnh Quân cung cấp

Bảo Ninh viết bằng ký ức khó quên của năm tháng đạn bom. Trong lời đề tựa của Hà Nội lúc không giờ, Bảo Ninh viết: “Dành tặng các anh em đồng đội của tôi ở trung đoàn 24, sư đoàn 10 bộ binh, và những người đã chiến đấu, hy sinh cho hòa bình ở Việt Nam”.

Theo nhà xuất bản, xuyên suốt tác phẩm, độc giả cảm nhận sự yên tĩnh của khu rừng trụi lá, dòng sông ô nhiễm, không khí nồng mùi xác người. Đan xen là nước mắt người ở lại rơi trong buổi chia tay tân binh, sự âu lo của cha mẹ già và ước nguyện chưa thành của người ngã xuống. Hà Nội lúc không giờ thể hiện chiến tranh phức tạp và cách các mối quan hệ của con người thay đổi, trong quá trình chữa lành chấn thương tâm lý.

Trong truyện Rửa tay gác kiếm, ông miêu tả chi tiết tác động của chất độc hóa học da cam. Nhà văn muốn người đọc quốc tế biết chất dioxin vẫn là một vũ khí diệt chủng đối với người Việt Nam sau chiến tranh. Trong thế kỷ 21, khoản đầu tư cải tạo hệ thống sinh thái, môi trường rất nhỏ so với những gì con người đã đầu tư vào chiến tranh. “Đối với tôi, đây là đặc điểm tự mâu thuẫn và đáng sợ, cho thấy mặt vô nhân đạo và ngớ ngẩn nhất của loài người”, Bảo Ninh nói với The Washington Post.

Các truyện giới thiệu đến độc giả Mỹ được Bảo Ninh chọn, bao quát từ nỗi niềm người lính đến nét đẹp cổ truyền, bình dị của quê hương. Một số tác phẩm như Gọi con, Lá thư từ Quý Sửu, Vô cùng xưa cũ, Ngôi sao vô danh – là những cái tên này đều quen thuộc với bạn đọc Việt nhờ từng đăng trên các tạp chí.

Đối với một tác phẩm Việt xuất hiện trên văn đàn thế giới, phần chuyển ngữ vô cùng quan trọng. Theo người dịch, tác giả Bảo Ninh muốn sách “giữ trọn vẹn cái đẹp của tiếng Việt, tinh thần dân tộc và bản sắc văn hóa”.

Trong 3 năm hoàn thiện chuyển ngữ tác phẩm, dịch giả Hà Mạnh Quân cố gắng thực hiện đúng lời nhà văn. Anh ưu tiên giữ nét thuần Việt cho từ vựng. Hà Nội, cùng tất cả tên riêng, được viết đầy đủ dấu, không theo xu hướng bỏ dấu khi dịch sang tiếng nước ngoài.

Ngoài ra, các từ đặc trưng như dép cao su, lá dong, Tết, mũ tai bèo, bếp Hoàng Cầm được chú thích kỹ ở nguồn gốc, bối cảnh nhằm giúp độc giả Mỹ hiểu. Trong nhiều tháng, Bảo Ninh và dịch giả thảo luận cùng nhau liên tục để đem đến bản dịch dễ hiểu, hấp dẫn. Người dịch nói nhờ nhà văn, anh mới biết “té nước” còn có nghĩa là mắc bệnh sốt rét.

Bảo Ninh cho rằng bản tiếng Việt là của ông, còn bản chuyển ngữ thuộc về dịch giả. Trong một ngôn ngữ mới và đi qua bộ lọc của người dịch, biên tập, tác phẩm được thổi một sức sống mới và có thể tồn tại độc lập với bản gốc. Như truyện Rửa tay gác kiếm được dịch lại gãy gọn, đơn giản hơn, thành Farewell to a soldier’s life (Giã từ đời lính), phù hợp với bạn đọc quốc tế.

Bảo Ninh, hiện 70 tuổi, vào bộ đội lúc 17 tuổi. Ông chiến đấu ở mặt trận B3 Tây Nguyên, tại tiểu đoàn 5, trung đoàn 24, sư đoàn 10. Năm 1975, ông giải ngũ, sau đó làm việc ở Viện Khoa học Việt Nam. Từ 1984 – 1986, tác giả học tại Trường viết văn Nguyễn Du.

Nhà văn nổi tiếng với quyển Nỗi buồn chiến tranh (1991) đi sâu vào thân phận con người và nỗi niềm cá nhân. Tác phẩm được dịch sang nhiều thứ tiếng, ở Mỹ có tên là The Sorrow of War. The Guardian gọi ông là tác giả Việt Nam được biết đến nhiều nhất tại nước ngoài.

Bảo Ninh là trường hợp hiếm, chỉ xuất bản một quyển sách trong hơn 30 năm qua, bên cạnh nhiều truyện ngắn đăng trên báo, tạp chí. Tác giả từng nói với The Observer rằng ông so sánh những áng văn mới với những gì đã viết trong quá khứ và “tự kìm mình lại”. Có thể cuối năm, nhà văn Bảo Ninh ra mắt sách mới, dịch giả Hà Mạnh Quân cho biết.

Quỳnh Quyên – Vnexpress.net