Đặng Huỳnh Thái

          Lịch sử Việt Nam là những bản hùng ca. Đất nước Việt Nam là đất nước từng chịu đựng máu lửa chiến tranh. Chúng ta, những thế hệ về sau mãi mãi cũng không thể thấu hiểu được những điều mà cha ông ta đã trải qua. Điều may mắn là chúng ta có những thế hệ cha ông dũng cảm bước qua thời gian khó khăn ấy và hôm nay, có những chứng nhân viết lại điều đó cho hậu sinh.

Trang bìa tiểu thuyết Đất và Máu của tác giả Đặng Huỳnh Thái

Đó là những năm của nạn đói, những năm kháng chiến chống Nhật Pháp đầy khó khăn gian khổ, trải dài cho đến thời nay xây dựng cuộc sống mới, dưới ngòi bút của tác giả Đặng Huỳnh Thái trong tiểu thuyết ĐẤT VÀ MÁU ngổn ngang thế sự.

Đất và Máu, Cuốn tiểu thuyết viết về Việt Nam trong dòng lịch sử khai hoang, lập điền, dựng nước và giữ nước của thế hệ cha ông. Một cuốn tiểu thuyết có dòng cốt truyện như một bài văn chính luận với những lập luận logic của tác giả Đặng Huỳnh Thái:

  • Ông cha ta đã khai hoang lập địa, lấn biển, máu của bao người đã đổ trên đất hơn chục đời nay để có một ngôi làng như hiện tại.

Những lập luận ấy bắt nguồn từ đời ông cha ta – từ ngày cụ tổ khai hoang lấn biển, lập lên làng, xã. Trong quá trình khai hoang, lấp biển, đổ đất lập làng ấy, ông cha ta đã hải trả giá rất đắt, phải đối mặt với thiên tai bão lũ, nhiều người đã hy sinh “Máu của bao người đã đổ” trên đất. “Đất nuôi sống người – Đất nhuộm máu người và đất vĩnh hằng bao bọc con người.”. Mặc dù vậy, ông cha ta vẫn một lòng kiên trì khai phá, lấn biển với tinh thần vững chắc rằng “Máu hôm nay có đổ, người hôm nay có chết, nhưng con cháu họ mai sau có mảnh đất cắm dùi.”

Tác giả Đặng Huỳnh Thái

Ấy vậy mà, trên mảnh đất đó, từ đâu xuất hiện quân Pháp đô hộ rồi sau chiến tranh thế giới thứ hai, Pháp thua trận, Nhật cho quân vào nước ta lấy danh nghĩa giải giáp để xâm chiếm khiến dòng dõi đời sau của họ chịu đủ mọi bất công, chèn ép cơ cực tới độ: “Sống không có đất ở, chết không có đất chôn, đất đã không nuôi nổi người. Máu thịt hòa vào đất, vào dòng sông, chảy ra biển cả mênh mông… 

  • Chúng ta khai hoang lập địa, xây làng, trả giá nhưng lại không được làm chủ mà chịu đủ mọi cướp bóc, bất công, loạn lạc, đau thương dưới hai tầng xiềng xích Pháp, Nhật.

Dòng dõi đời sau của các cụ tổ khai hoang lập nền trong cuốn tiểu thuyết này họ đang sống yên ổn. Cuộc sống của họ vốn đang đi lên, họ vốn là những con người khỏe mạnh, dũng mãnh trước thiên nhiên, cường tráng trong xây dựng làng mạc, lại bị bọn Pháp tới đô hộ; Nhật lùn tới xâm lược, áp bức thuế má, cướp giết thẳng tay khiến kiếp người bần hàn, cơ cực. Những trai tráng khỏe mạnh thì trở nên teo tóp, gầy guộc; những thợ lặn chuyên nghiệp siêu hạng của làng cũng bị áp bức cho tới chết (Cụ Vận, một tay thợ lặn siêu hạng trong làng đã hy sinh thân mình, nuốt trai sống để giữ báu vật, tám viên ngọc trong bụng, cho sóng biển khỏi cuốn đi. Cuối cùng, vì không hoàn thành nhiệm vụ của quan Tổng đốc tỉnh Thanh Bình – lấy cho đủ một trăm linh tám viên ngọc mầu đen, đều hạt để quan dâng lên Hoàng hậu Tây Phương, nhân tiết mừng thọ ngũ tuần. Vì vậy, cụ phải bị phạt vạ). Đau khổ, chết chóc, đói kém bao trùm trên toàn xã hội. Rồi sau đó, khi quân Nhật lùn vào thì:

Cụ Vận, “con cá kình siêu hạng”, hô hoán trai tráng trong làng chạy trốn, còn cụ đương đầu với Quan Nhật giữ đất, giữ làng đã bị một phát súng.

 Mẹ Tráng “hát ví dặm gọi nắng, đuổi mưa” ốm yếu nằm tại chỗ, đã ép hơi thở cuối cùng rặn ra bãi cứt ném vào mặt bọn xâm lược và bán nước hại dân. Thân hình Mẹ cháy đen, co quắp trong đống tro tàn, người ta phải cầm chặt hai chân và ấn xuống mới đẩy được thẳng người ra, lòi từng miếng da, miếng thịt khét lẹt.

Ông Phiêu “mặc áo Thành hoàng đuổi giặc” là người cuối cùng trong nhà bị xóa sổ, ba người đổ máu, nhuộm đỏ trong cát và nước biển, để giành lại tình yêu và quê hương đất Tổ.

Chị Sẹo “đoan trang, trinh tiết” chết trong đau đớn, chưa nhìn được mặt con, để lại mười dấu vân tay son đỏ, gửi lại cho đời sau?

 Hương Cán và trương tuần bám đuôi bọn xâm lược hại nước, hại dân, bị quan Nhật cho hai phát súng vào đầu. Vợ Hương Cán làm ma cho chồng tại nhà và xây lăng tẩm riêng.

Những con người, dòng dõi gây dựng đất nước buổi ban đầu đều cố gắng hết mình chiến đấu, phản kháng quân xâm lược đã hy sinh, chỉ còn lại Tráng và con cháu. Tiếp nối dòng dõi họ đó là Còi, là Mận, là Na, là Bùng, là Xoa,… họ vẫn chưa chết nhưng đang phải chịu những bất công, đói khổ, trốn chạy để thoát cái chết. Đặc biệt, những nơi họ chạy tới cũng đang chịu sự cướp bóc, đàn áp,… của chế độ xã hội, của quân Pháp, Nhật tới mức tác giả phải viết lên: Đất nuôi sống người, người sống nhờ đất. Đến bây giờ đất không nuôi nổi người, người bỏ luôn đất.

  • Dòng dõi, thế hệ sau nối tiếp truyền thống, khởi sự chống giặc và giữ nước.

Phần lớn cuốn tiểu thuyết đều viết về câu chuyện xoay quanh những con người và những người còn sống trong gia đình Tráng. Đó là Tráng, là Còi, là Mận.  Xoay quanh họ có cháu Xoa, có Bùng, có Na, có Sen, có chị Sử, ông bà Tiên Hách, quan lại,…

Bùng và Còi, sau khi chạy trốn nhiều ngày đêm họ đã tới vùng rừng núi của người Sán Dìu. Tại đây, họ được trưởng bản Á Pàu thu nhận, cứu sống và dạy cách sống để hòa nhập với dân làng. Pháp, Nhật chiếm đóng, cướp bản, cướp đất lập đồn điền. Sau ngày giành độc lập (1945), Bùng lấy vợ là một cô gái xinh đẹp Sán Dìu. Còi – con trai anh Tráng quay trở về nhà. Trên đường về nhà, Còi đã gặp và tham gia vào giải phóng quân. Anh bắt đầu có ý thức về việc chiến đấu chống quân xâm lược.

Xoa và Tráng sau những ngày lênh đênh đối đầu với cái chết cũng đến được một vùng đô thị và gặp gia đình một thầy lang tốt bụng cứu sống. Ở đây, dưới sự cai trị, chèn ép của Nhật, Pháp. Đời sống nhân dân cũng loạn lạc, đói kém, thây xác chất chồng. Quan lại tham lam, vơ vét. Quân Pháp, Nhật yêu cầu thu thuế, người dân đói kém di cư, nằm như ngả dạ khắp mọi nẻo đường. Người sống, người chết, người ngấp ngoải đều bị vứt lên xe đi chôn sống. Tráng cũng bắt đầu có ý thức cùng với người dân phá kho thóc nhật cách tự phát.

Mận, phận là con gái, sau khi trôi dạt ngoài biển thì may mắn được một kỹ sư người Pháp tốt bụng cứu, nhận làm con nuôi và đưa về về Pháp nuôi.

Sau giải phóng năm 1945, đời sống nhân dân được thay đổi tích cực hơn, bản làng được thay áo mới. Hai bố con Tráng và Còi lại có cơ hội trở về làng, gặp nhau cùng với những người yêu nước khác trong làng bắt đầu xây dựng lại nếp sống vui vẻ, ổn định, khắp mọi nơi từ bản núi đèo đến cư dân vùng biển như khoác trên mình bộ áo mới. Niềm vui lặp lại chưa bao lâu thì quân giặc và tay sai lại đồng loạt kéo vào, hiên ngang gây hấn, giết người vô tội. Tráng và cụ Tiên Hách cũng bị giết cách tàn bạo, công khai. Chỉ còn lại lớp trẻ là Còi, là Thắng dưới con đường, chủ chương cách mạng cùng với những người yêu nước trong làng chiến đầu giữ làng, giữ nước, giữ cồn Bà. Dù đau thương, chết chóc nhưng họ vẫn kiên trì cùng nhau chiến đấu cho đến ngày thắng lợi.

Sau chiến thắng, Còi và mọi người bắt đầu bước vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế đất nước.

Cuốn tiểu thuyết dài về lịch sử một thời của người Việt đã chứng minh một điều chúng ta vẫn luôn lưu giữu và phát huy ấy là “Người còn đất còn” cho dù có phải trả giá, phải “Máu và đất cát lộn nhào. Sóng biển dồ lên, cuốn đi. Một vùng nước đỏ rực. Mặt trời đằng đông nhô lên, cả vùng trời, vùng biển nhuộm trong máu đỏ”, Máu hòa cùng đất, hòa vào nước biển, máu và đất là một.

HỒNG NHUNG