Lâu nay, nhắc đến truyện ngắn Bảo Ninh, nhiều người mặc nhiên coi đó là những truyện ngắn chiến tranh. Với họ, chiến tranh là một đối tượng phản ánh chuyên nhất, duy biệt và ổn định trong mạch cảm hứng sáng tạo của ông. Về hình thức điều này có thể đúng…

Bìa cuốn truyện ngắn của Bảo Ninh


1.  Người lính già đầu bạc kể tiếp chuyện Nguyên Phong?

Bảo Ninh được độc giả trong và ngoài nước biết đến với cuốn tiểu thuyết nổi tiếng:“Nỗi buồn chiến tranh”. Dường như những điều này cũng ít nhiều làm mờ đi những đóng góp đáng kể của ông trong thể tài truyện ngắn. Với cách thế: cẩn mực, chậm rãi, kiệm lời, như ông vẫn thế. Năm năm sau “Nỗi buồn chiến tranh” ông ra tập “Truyện ngắn Bảo Ninh” (Nxb Công an Nhân Dân năm 2002), bảy năm sau tập truyện này, tập “Chuyện xưa, kết đi, được chưa?” (NXB Văn Học năm 2009) mới được hạ sinh, như một chủ âm trong tổng phổ mang tên “Hồi niệm chiến tranh”. Chiến tranh – cảm hứng chủ đạo xuyên suốt hành trình sáng tạo của Bảo Ninh. Nếu thử một thao tác theo lối “liên văn bản” khi đọc tác phẩm của Bảo Ninh trên ấn bản điện tử, dùng một tấm hình chân dung của ông để tạo hiệu ứng mờ chồng, trên nền văn bản (Tex); hình ảnh người đàn ông trung niên, với mái đầu úa bạc và cái nhìn nhức nhối, thấp thoáng trên âm hưởng trầm của những câu chuyện buồn như giọt lệ tan trong cơn mưa ấy, thì điều gì sẽ xảy ra? Sự cộng cảm với tác phẩm có thể sẽ khiến độc giả xem chân dung tác giả như một thành tố văn bản, thành tố “phi văn tự” để từ đó bắc cầu đến câu thơ của Trần Nhân Tông:Bạch đầu quân sĩ tại/ Vãng vãng thuyết Nguyên Phong”. Quả nhiên, người cựu binh bạc đầu đó đã dành nhiều tâm lực đời mình để kể về chiến tranh thật, từ “Trại bảy chú lùn” (1987) đến “Truyện ngắn Bảo Ninh” (2002), rồi “Chuyện xưa, kết lại được chưa?” gần đây. Trong đó số lượng những tác phẩm chỉ thuần viết về chiến tranh không nhiều, nhưng số lượng tác phẩm có yếu tố liên quan đến chiến tranh hoặc hậu chiến thì lại chiếm số lượng áp đảo. Ví như trong tập “Truyện ngắn Bảo Ninh” gồm 16 truyện ngắn thì có đến 13 truyện viết về đề tài chiến tranh chống Mỹ: trong 13 truyện ngắn đó, chỉ có một truyện mô tả cuộc chiến ở thời điểm nó diễn ra  (Bên lề cuộc tấn công) còn lại là truyện đan xen giữa hiện tại và quá khứ. Trong các truyện ngắn chiến tranh ấy có đến 9 nhân vật chính là người lính, thì đã có đến 8 nhân vật là người lính trở về. Trong tập “Chuyện xưa, kết đi, được chưa” có 14 truyện, thì 12 truyện có yếu tố liên quan đến chiến tranh, nhưng không có truyện nào kể về chiến tranh ở thời điểm quá khứ… Thống kê như vậy để thấy rằng, dường như tác giả đang đặt lại nghi vấn: phải chăng sự tàn bạo nhất của chiến tranh đâu phải chỉ là cái sự tước đi sinh mệnh con người? Thông qua các mảnh “thời tiết kí ức”, chiến tranh trong sáng tác của ông, dù mang gương mặt của một trận đánh hay một cuộc tình, thì vẫn chỉ là hai mặt của một thực tại duy nhất, thực tại của cái cõi “thảm sầu, vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người”. Chiến tranh và tình yêu, là hai dòng trong – đục của một dòng sông, hai đối cực của một hiện thể. Tình yêu thì tạo sinh, chiến tranh thì hủy diệt. Những thiên truyện tình yêu trong sáng tác của Bảo Ninh thường mang màu sắc bi kịch. Thấp thoáng đâu đó là những cuộc gặp gỡ tình cờ, mơ hồ như một ảo thị, ẩn hiện như cánh bướm trong mơ. Người đàn bà trong “Khắc dấu mạn thuyền”; cô thiếu nữ tên Giang trong truyện ngắn cùng tên… Đó là những cuộc gặp chỉ một lần, để rồi vĩnh viễn lùi xa vào vùng sương mù kí ức. Dung môi đầy độc tính của chiến tranh không cho phép những hạt giống non nớt của tình yêu, cái đẹp được đâm chồi. Tình yêu mang thông điệp của cái thẩm mĩ hòng có thể cứu vãn thực tại tàn khốc song ác nỗi, nó lại mỏng mảnh dễ vỡ vô cùng. Bảo Ninh có cách diễn tả thật ấn tượng, “cái búng”, vâng! Chỉ một cái búng nhẹ, là cái đẹp đã vỡ tan.

Với cảm xúc mạnh mẽ của người trong cuộc, người đã từng lội qua thung lũng máu tìm xác đồng đội, có lẽ hơn ai hết, ông trải nghiệm nhiều lần cảm giác đau đớn và sợ hãi khi sinh mạng bị hăm dọa. Nhưng hình như vượt qua cảm giác này, nhà văn muốn nhắc nhở mọi người về những di hại hậu chiến còn kinh hãi hơn nhiều. Đó là một thứ độc chất ngấm thẳng vào thùy não, rồi trở đi, trở lại giày vò, hành hạ nạn nhân mãi không thôi. Khảo sát, trường hợp những người lính trở về trong truyện ngắn của ông thì thấy, họ đều là những con người cô đơn, hụt hẫng vô cùng. Đó có thể là những người đàn ông tình nguyện ở lại núi rừng, lập trại mưu sinh chứ không trở lại với cộng đồng (Trại bảy chú lùn) hoặc có thể họ vẫn trở về, vẫn hòa nhập. Nhưng trong muôn mặt đời thường của những cựu binh ấy, các vết thương tâm lý đã vĩnh viễn không thể liền sẹo. Họ bị giày vò bởi các hồi ức thương đau, nhiều người chuyến choáng trong đời sống hư thực, mộng mị. Khi chọn điểm nhìn của nhân vật, từ cõi siêu tôi dường như cái ngân hàng kí ức chiến tranh của Bảo Ninh đã chuyển sang ở thùy não phải và trở thành một phần trong đời sống tâm linh của ông. Cõi nhớ mênh mông, ông tiếp cận nó từ tầng sâu nhất của hoạt động tâm lý, ông đã gọi tên được những xung động vi tế và huyền bí trong vũ trụ tâm lý con người. Những điều này được kết hợp khá hoàn hảo với khiếu quan sát nhạy bén và kỹ thuật trần thuật, phục dựng, mô tả đầy chất thẩm mỹ. 

Truyện ngắn Bảo Ninh không đặt trọng tâm trong sắp đặt kết cấu cầu kì rắc rối, hay sự làm duyên câu chữ. Mà là ở cảm xúc ăm ắp trên từng con chữ, khiến cho câu chuyện được ướp trong mùi hương say đắm có tên là kỉ niệm. Những cốt truyện của ông khá độc đắc, kết quả của một vốn sống phong phú. Tất cả những điều này tạo nên cảm giác nghiêm cẩn, mực thước trong văn ông. Khó có thể trả lời câu hỏi: liệu Bảo Ninh có còn tiếp tục viết về đề tài chiến tranh? Bởi hình như có lúc chính tác giả có thể cũng từng phát bực bội thốt lên: “Chuyện xưa, kết đi, được chưa?!”. Song lẫn trong tiếng hỏa khí vọng về từ những cuộc xung đột diễn ra hàng ngày trên thế gian, cũng mơ hồ vọng đến một câu trả lời mà nhà văn đã biết trước, “Chuyện xưa kết được chưa ư? – Còn lâu!


2. Nỗi buồn không mang tên chiến tranh

Tôi có một ấn tượng khó quên, khi lần đầu được đọc truyện ngắn Bảo Ninh. Lúc đó khi còn là một chàng trai trẻ, rất trẻ, khi đọc xong truyện ngắn “Khắc dấu mạn thuyền” tôi bị rơi vào cảm giác tiếc nuối, hụt hẫng, như vừa mất mát một cái gì quí giá lắm! Cảm giác đó rất gần với một kỷ niệm ấu thời, lần đó chị tôi đem đến cho tôi một giọt thủy ngân, chị lấy được từ chiếc nhiệt kế bị vỡ, chị gọi nó là hạt ngọc, giọt thủy ngân tròn trịa, đỏ thắm, trong suốt, long lanh di chuyển qua lại như không hề bén dính vào nền men sứ trắng bóng. Tôi nhìn ngắm và gìn giữ nó với tất cả niềm hân hoan. Tuy nhiên, cảm giác tuyệt diệu đó đã nhanh chóng tắt lịm sau tiếng quát quyền uy của một bậc phụ huynh, buộc tôi phải vứt cái thứ nước độc hại kia đi. Chỉ một cú chao nhẹ, “hạt ngọc” kì diệu ấy đã vĩnh viễn biến mất trong đám cỏ dại bám đầy cát bụi trước hiên nhà. Sau này, khi đã đã có  sự quan tâm nhiều hơn đến văn chương, cảm giác ấy, cũng trở lại vài lần trong kinh nghiệm đọc của tôi. Có lúc tôi đã  tự hỏi: có mối liên hệ gì giữa “khắc dấu mạn thuyền” của Bảo Ninh với “Số phận một con người” của M. Sholokhov và hơn nữa là “Lâu đài” của F. Kafka. Giữa “Số phận một con người” khả dĩ còn có điểm chung về sự “mất” giữa người cựu binh của M. Sholokhov và anh lính trẻ của Bảo Ninh. Nhưng giữa anh chàng nhân viên đạc điền bị lạc vào mê lộ “Lâu đài”, với anh lính trẻ vĩnh viễn không tìm lại được người xưa, thì có gì quan hệ? Phải chăng, họ đã gặp nhau ở cái sự “mất” trầm trọng nhất, của bản thể là đánh mất sự tồn tại của một cá nhân! Lịch sử một cá nhân được xây dựng chẳng phải là thông qua những sự kiện tâm lý? Và trong đó thì kinh nghiệm cảm xúc chính là mã khóa (code) để mở cửa vào ngân hàng kí ức của con người? Có thể sẽ có rất nhiều sự kiện đã xảy đến với K. trong chuyến công vụ kỳ quặc đến “Lâu đài”, song chắc chẳng bao giờ anh ta có thể gột bỏ được cảm giác vướng dính bởi ánh mắt thậm thụt, lấm lét của  tên nhân viên được “Lâu đài” cử đến giám sát, khiến cho anh không thể yên thân để làm cái việc riêng tư, ý nhị nhất trên đời với cô nàng lễ tân sau quầy bar. Với M. Shokolov trong “Số phận một con người”, cuộc chiến đã cướp mất hết của anh những người thân yêu. Nhưng điều khiến anh giày vò, ân hận nhất chính là cú xô đẩy thô bạo  của anh đối với vợ mình, lúc cô ta không thể kìm nén xúc động lao vào ôm lấy anh trong lần gặp mặt cuối cùng hôm anh lên đường nhập ngũ. Điều gì khiến anh chàng này hành xử lỗ mãng như vậy. Cá tính ư? Tuyệt nhiên không phải. Hay phải chăng, anh đã bắt gặp cái nhìn quở trách, hoặc châm biếm của ai đó, một cán bộ tuyển quân, hay những người bạn đồng ngũ? Tất nhiên cũng không, vì tình tiết của thiên truyện không nói lên điều này. Có lẽ phỏng đoán gần sự thật nhất là, cái hùng tâm, tráng chí nam nhi, “ra đi không vương thê nhi” đã khiến anh ta  xô ngã người đàn bà thân yêu nhất của đời mình, đúng vào lúc phải giang tay mà ôm lấy cô ấy. Rõ ràng vào lúc đó, cái con người chân ngã, trong sáng, tận mỹ, tận thiện của anh ta đã biến mất. Thay vào đó là cái phàm ngã, mê lầm đang bị mê dụ, chi phối bởi biết bao thẩm quyền.

Trong ba ca trên, có lẽ, chỉ riêng anh chàng lính trẻ của Bảo Ninh, xem ra là có thể nhận chân thủ phạm gây ra bất hạnh của mình. Đó chính là chiến tranh. Tuy nhiên, nếu đặt những ca này cạnh nhau mới thấy, dù có hay không có dụng ý nghệ thuật, dù khác nhau trời vực về bút pháp thể hiện, thì cả ba nhân vật trên đều gặp nhau ở chỗ hầu như họ đã mất hết cái gọi là “cá thể tính của sự tồn tại”. Nếu còn chăng với nhân vật của M. Sholokhov, đó là cảm giác giày vò ân hận khi hồi tưởng về một kỉ niệm không đẹp. Còn với chàng lính trẻ của Bảo Ninh, đó là những chấm sáng mơ hồ trong vùng kí ức mờ tối về một kỉ niệm đẹp nhưng buồn. Với  nhân vật của F. Kafka thì tệ hại hơn, anh ta chỉ tồn tại với tư cách một kí tự!

Lâu nay, nhắc đến truyện ngắn Bảo Ninh, nhiều người mặc nhiên coi đó là những truyện ngắn chiến tranh. Với họ, chiến tranh là một đối tượng phản ánh chuyên nhất, duy biệt và ổn định trong mạch cảm hứng sáng tạo của ông. Về hình thức điều này có thể đúng. Qua các truyện ngắn của Bảo Ninh, có thể thấy dù là “tôi” trong “Khắc dấu mạn thuyền” hay Mộc trong “Trại bảy chú lùn”, Quang trong “Rửa tay gác kiếm” rồi Tư  trong “Hữu khuynh”, Vinh trong “Quay lưng”… đều giống nhau ở chung cục, luôn là những lữ hành “lỡ làng với chuyến đò hạnh phúc”. Cách “lỡ đò” của họ cũng thật khác nhau, người thì vô tình đến muộn, kẻ có vé nhưng chẳng thể bước lên, người lại cam tâm tình nguyện nhường vé cho kẻ khác. Tuyệt chẳng có ai có thể sang nổi bờ bên kia. Tất cả chỉ đồng qui vào một thủ phạm: chiến tranh. Sự hủy hoại của chiến tranh quả thật không thể nghi ngờ. Song, nếu vậy thì dường như chúng ta mới tiếp cận thế giới nghệ thuật của Bảo Ninh từ đối tượng chứ chưa phải mục đích. Phải luận giải sao về cặp vợ chồng bị mắc cạn trong hoàn cảnh vô cùng trớ trêu, trong truyện ngắn cùng tên của ông. Thoạt trông, sẽ tưởng họ chẳng qua cũng chỉ là nạn nhân  của số phận, nhưng nếu liếc qua sơ đồ tình sử hợp-tan-hợp của họ, mới thấy tịnh không có bóng dáng của những rung động của tình yêu, nếu không nương vào những sắp đặt ngẫu nhiên, thì cũng là những bài toán hạnh phúc thuần lý. Ngay cả trong các câu chuyện có yếu tố chiến tranh cũng vậy, những nhân vật trong các truyện ngắn: “Sách cấm”, “Cũ xưa”, “Cái búng”, “Thách đấu”… đều đang độ tuổi hồng, vì đâu những tình cảm tuổi học trò, thuần khiết vô tư, lại dễ dàng chết yểu? Truy tầm theo dấu vết mơ hồ kia tất sẽ thấy một hiện thực kinh hãi, đó là tình trạng tồi tệ của tâm hồn bị điều kiện hóa. Tình trạng ấy đã khiến cho cô bé Thủy “len lén xách cặp đi qua mà không dám nhìn tôi” (Sách cấm); làm cho cô gái đáng thương như Thảo của cô gái tên Thảo trong truyện ngắn “Bội phản” phải tức tưởi ra đi. Cuộc ra đi của cô như gửi đến chúng ta một thông điệp: khi nền đạo đức được định dạng theo khuôn mẫu và khước từ sự tồn tại của những tình cảm cá nhân, thì nó chỉ là một nền đạo đức giả. Còn tác giả sau những tác phẩm viết về chiến tranh và không về chiến tranh của ông. Dường như cũng tri cảm về một nỗi buồn không mang tên chiến tranh.

Trần Sáng

Nguồn: vanvn.net.