(Đọc “Vàng son thạch thủy khí” của Võ Thị Xuân Hà, NXB Hội Nhà văn, 2012)
Bước chân vào lĩnh vực nào (truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản, khảo cứu,…), nhà văn Võ Thị Xuân Hà đều để lại ấn tượng khá sâu sắc đối với bạn đọc. Gần đây, với không ít yếu tố tự truyện, huyền ảo và đậm cá tính nữ, Võ Thị Xuân Hà đã mở ra những trang viết mới, “chất” cho tập truyện ngắn Vàng son thạch thủy khí. Vàng son thạch thủy khí hay không chỉ về mặt đề tài, nghệ thuật xây dựng hình ảnh, chi tiết mà còn hay vì sự tinh tế, nhạy cảm, sắc bén của một tâm hồn xa xót trước thân phận của người phụ nữ.
“… Phụ nữ thường mạnh ở cái chỗ là họ đưa tất cả cuộc đời và tâm hồn họ vào trang sách” (Đặng Anh Đào). Đó là thế mạnh trong sáng tác nữ. Chúng ta thấy khá rõ trong sáng tác của Võ Thị Hảo, Trần Thùy Mai, Lê Minh Khuê, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương,… Tuy nhiên, với những tác phẩm có thiên hướng tự truyện, chúng ta không thể đồng nhất nhân vật tôi trong tác phẩm với chính tác giả. Từ nhân vật đến tác giả đã trải qua một quá trình hư cấu và sự khác biệt về mặt không – thời gian rồi. Nhưng với kiểu đề tài “tự ăn mình” thế này, nó có những mặt đóng góp nhất định. Thứ nhất, người sáng tác có điều kiện thể hiện những cảm xúc bên trong, những chuyển động trong tình cảm và kể cả những chuyện riêng tư, thầm kín cũng được phơi trải. Thứ hai, họ có điều kiện để thể hiện những đánh giá, cách nhìn nhận thế giới và cuộc sống bằng góc nhìn nữ giới. Mỗi cách “tự ăn mình” của sáng tác nữ, nhờ đó, mở ra những vùng kí ức, những nỗi niềm riêng, không ai giống ai, bởi lẽ, tất cả như đi từ cuộc đời họ mà ra.
Trong một bài viết, Bình Nguyên Trang có đề cập: “Phần đa người viết thường viết về những thứ liên quan đến mình, gần gũi nhất với mình. Còn Võ Thị Xuân Hà lại thường không viết cái liên quan đến mình. ‘Nếu có liên quan đi nữa, thì khi vào tác phẩm của tôi, tất cả đã trở thành những cuộc đời khác’”[1]. Nếu soi chiếu bằng truyện ngắn Vàng son thạch thủy khí, chúng ta thấy dường như chị đang viết về chính dòng họ Võ Công của mình. Dẫu chị đã đón đường bằng lời đề từ: “Những tên người, địa danh trong câu chuyện này đều do tôi tự nghĩ ra. Những câu chuyện tôi kể dưới đây có thể chưa bao giờ có ở trên thế gian này…”[1; 5] nhưng cách chọn ngôi kể, cũng như cách xử lý yếu tố không gian, thời gian đã hé lộ phần nào sự tương đồng giữa nhân vật tôi và tác giả. Dòng họ ấy được Võ Thị Xuân Hà tái dựng với biết bao thăng trầm, biến cố xảy ra từ thời Pháp thuộc. Chị còn khéo léo dựng lại các chi tiết liên quan, gắn chặt với số phận của các thành viên trong đại gia đình: từ gia cảnh của ông bà nội đến bố mẹ, Chú Hai, Chú Ba, chú Năm, chú Út,… Đặc biệt, những thăng trầm của dòng họ Võ Công còn được chị gắn liền với hàng loạt các ngôi mộ kết: vàng, son, thạch, thủy, khí. Việc lý giải một cách khoa học về vấn đề mộ kết hiện nay còn là vấn đề bỏ ngỏ. Theo tín ngưỡng dân gian, trong gia đình có mộ kết thì gia đình ăn nên làm ra nhưng nếu bị “lộ thiên cơ” thì gia đình sẽ gặp nhiều chuyện không may, tổn thất, mất mát về vật chất lẫn tinh thần. Khai thác theo hướng này, Võ Thị Xuân Hà đã tạo đà, làm nền cho sự phát triển của yếu tố kỳ ảo. Cuối truyện, tác giả hòa quyện hai yếu tố hư thực ngay trong phút lâm chung của người cha. Cuộc nói chuyện giữa cha và thần chết nhằm thi vị hóa cái chết, giảm bớt nỗi đau thương và thăng hoa tình cảm giữa cha đối với con và ngược lại.
Như thế, hình thức tự thuật bắt nguồn từ chính cuộc đời và gia đình chị làm nền cho truyện ngắn này đã dựng lại được một thời kỳ vàng son của mảnh đất Thần kinh, được chứng kiến nếp ăn nếp nghĩ cũng như những khó khăn của người dân xứ Huế qua cách phối hợp linh hoạt điểm nhìn bên trong và bên ngoài của nhân vật tôi. Câu chuyện về dòng họ Võ Công cũng như là câu chuyện của những dòng họ khác, thân phận khác ở xứ Thần kinh.
Xác định kiểu sáng tạo của văn học kỳ ảo, Lã Nguyên có viết: “Thế giới ảo là một phần của sự sống… Sáng tạo ra cái ảo, nhân loại đã sáng tạo ra cả một thế giới nghệ thuật. Cho nên, nghệ thuật kỳ ảo nói chung, văn học kỳ ảo nói riêng là một kiểu sáng tạo, một phương thức tư duy hiện thực của người nghệ sỹ”[2]. Như thế, yếu tố kỳ ảo không còn xa lạ gì với văn học. Nó đưa đến kiểu tư duy nghệ thuật mới trong cách nhìn nhận, khám phá cuộc sống và thế giới tâm hồn con người, góp phần làm phong phú hơn đời sống hiện thực. Ở tập Vàng son thạch thủy khí, phương thức tư duy hiện thực của nhà văn Võ Thị Xuân Hà là không khoác áo kỳ ảo cho nhân vật. Nhân vật dù ở thiên ngục hay địa ngục cũng đều mang dáng dấp của một con người bình thường. Chị chỉ ảo hóa không gian, thời gian và một số chi tiết nghệ thuật. Đặc biệt, không gian và thời gian mà chị sử dụng làm nền cho câu chuyện như đi về giữa hai cõi hư và thực, khó tìm thấy khoảng cách đối lập, khó xác định đâu là thực, đâu là mộng tưởng. Nhờ đó, cuộc sống và con người hiện lên với những nỗi niềm thường nhật, gần gũi. Cũng nhờ đó, Võ Thị Xuân Hà làm nên cái khác biệt cho truyện ngắn của mình. Món ăn không lạ nhưng người đọc không có cảm giác ngán, mà ngược lại, tính kiến tạo được phát huy, thấy được cái hữu hình trong cái vô hình, trải nghiệm hiện thực ngay trong mảnh đất huyền ảo.
Vàng son thạch thủy khí có 13 truyện thì đã có đến 9 truyện sử dụng ngôi kể thứ nhất, xưng tôi. Nhưng chị biết lạ hóa lối kể chuyện ngôi thứ nhất này. Ví như ở truyện Vụng dại, có hai chuyện lồng vào nhau. Chuyện giữa nhân vật tôi – nhà văn và người khách. Chuyện nhân vật tôi và anh đang được nhân vật tôi – nhà văn viết dở vào buổi tối đầu tuần. Nhân vật tôi thứ nhất thực hiện vai trò người dẫn dắt chuyện. Nhân vật tôi thứ hai vừa là nhân vật chính vừa là người kể lại câu chuyện của chính mình. Nhờ vậy, số phận của người phụ nữ được soi chiếu rõ hơn, qua hai lần tư duy, chiêm nghiệm. Truyện Cadillac đỏ chọn ngôi kể thứ nhất nhưng nhìn nhận cuộc sống và con người ở góc nhìn nam giới. So với những truyện có ngôi kể thứ nhất, truyện này nhẹ nhàng hơn, không có yếu tố hư ảo, không thiên về khám phá chiều sâu tâm hồn. Truyện có những khoảnh khắc đẹp, những trò đùa nghịch ngợm của tuổi học trò nhưng cũng vấn vương nỗi buồn của nhân vật tôi trước cuộc thế. Truyện Hai chín chữ cái buồn tẻ vô nghĩa chọn kiểu viết thư để bộc bạch tâm sự của một cô gái với người mẹ đã sinh ra người đàn ông mà mình yêu. Việc chọn hình thức viết thư làm nền cho diễn biến câu chuyện, những riêng tư, thầm kín đã được cởi trói. Chưa một lần gặp mẹ, nhưng những gì mà cô hình dung, phụng dưỡng, sẻ chia với mẹ đã thể hiện tình cảm hết sức mãnh liệt, chân thành của cô với con trai mẹ. Liệu người mẹ có đọc được lá thư này không, liệu cô gái có đốt “lá thư được ghép bằng hai mươi chín chữ cái, và rồi thả nắm tro tàn xuống huyệt mộ” [1; 182] của mẹ hay không,… Có thể và không thể. Nhưng, ở đây, có một điều đã được chứng thực: “…thứ hạnh phúc mà con người không thể nào nhìn ra trong cõi anh minh, đôi mắt nhân gian của con người chỉ nhìn thấy những gì được tạo nên bằng thể sống, nhưng chính những vô hình vô ảnh trộn lẫn bao quanh một năng lượng sống mới làm nên hình hài trái tim, dòng máu đỏ và nhịp đập rộn ràng” [1;181].
Truyện Dưới nước có sự linh hoạt điểm nhìn, linh hoạt người kể chuyện. Đoạn 1, người kể chuyện xưng tôi kể lại câu chuyện của mình với quyết tâm đi tìm anh ấy. Đoạn 2, câu chuyện được trao cho người kể chuyện hàm ẩn, kể về cuộc gặp gỡ giữa cô và một người đàn ông trong hành trình đi tìm “người ấy”. Đoạn 3, trở lại người kể chuyện xưng tôi, nhưng đã trao vai kể, nhân vật tôi lý giải vì sao tôi không thể gặp em, để “mặc em vác túi đá nặng trên vai, đi liêu xiêu trong gió” [1; 170], bởi, ở dưới nước có một gã ngăn cản không cho tôi được gần em, đến bên em: “Gã là ai tôi cũng không rõ, giống như cái bóng của em vậy. Cái bóng nằm sâu dưới nước, ngủ cùng nước, và lặng lẽ yêu em” [1; 169]. Đoạn 4, người kể chuyện xưng tôi như đoạn 1. Vậy, việc linh hoạt như trên, tạo nên sự sáng tạo trong cách kể của tác giả, đồng thời, giúp tác giả thâm nhập, xoáy sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật cũng như việc khẳng định sự bất tử của tình yêu.
Tập truyện Vàng son thạch thủy khí viết về bi kịch của con người. Trong đó, phần nhiều, nhà văn Võ Thị Xuân Hà hướng đến bi kịch thân phận của người phụ nữ. Ở đó, nhà văn bày tỏ khát khao cháy bỏng của người phụ nữ là được yêu thương, được gắn bó chân thành. Họ thủy chung ngay cả khi bị phản bội (Một đóa không), khi rơi vào bi kịch của tình yêu (Hai chín chữ cái buồn tẻ vô nghĩa). Họ đang đi tìm cái đích của hạnh phúc. Dẫu ở thiên ngục, họ vẫn khôn nguôi tìm về mối tình xưa (Dưới nước). Sự đổ vỡ trong tình cảm gia đình, trong tình yêu không làm người nữ trong truyện của chị rơi vào bế tắc mà soi vào đó, họ bày tỏ được tình cảm chân thành, trong sáng cũng như niềm tin về cuộc sống ngay cả khi đã ở thế giới bên kia.
Ở truyện Ván thế, chọn lối trần thuật xưng tôi, chị viết như đi từ trong sâu thẳm nỗi lòng của người phụ nữ để thâu tóm bi kịch của họ trước cảnh đời khắc nghiệt. Chọn ngôi kể thứ nhất cùng với những dòng độc thoại nội tâm xen lẫn với đối thoại nội tâm, những nỗi niềm của người vợ (nhân vật tôi) thêm phần đắng xót. Người chồng có được những “ván thế” để có thể so đo, đối chọi với đối thủ nhưng “không bao giờ thấu được ván thế” của cuộc đời. Sự kiên trì, nhẫn nại, hi sinh của người vợ cũng không thể thay thế được niềm đam mê quên cả mọi thứ trên đời để tìm ván thế của ông chồng. Người vợ sống trong sự nhẫn nhục và bất chấp. Và ngay cả số phận của mẹ chồng, cũng như cô con dâu, không thoát ra được bi kịch của chính mình. Dẫu người vợ đã tìm cách thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của số phận nhưng cuộc sống phía bên kia sông cũng chỉ là “ảo ảnh”, là “ánh trăng” mà thôi. Hay trong truyện Một đóa không, cũng viết về bi kịch của người phụ nữ nhưng chị biết biến tấu, đưa nó vào trường hư thực, làm cho câu chuyện tình giữa nhân vật tôi và người đàn ông trở nên khác lạ. Họ mãi kiếm tìm nhau trong thế giới “đi mây về gió”. Yếu tố hư thực khiến cho khoảng cách của họ càng xa vời: “Mãi mãi, suốt những kiếp dài, anh vẫn không nhận ra mùi hương quanh anh chỉ là ảo giác. Mà tôi lại không màu không mùi” [1; 120]. Trong cõi ấy, nhân vật tôi cũng hiện ra một cách hư ảo. Có lúc nhân vật tôi thốt lời như người xa lạ: “Tôi không biết gì về cuộc đời người đàn ông ngồi bên tôi giờ khắc này. Không biết căn phòng anh. Không biết anh thức dậy đón bình minh với nụ cười hay chìm sâu trong nỗi bâng khuâng mỗi khi hoàng hôn buông xuống” [1; 118]. Có lúc phải kìm nén lòng mình: “Tôi đứng lên. Tôi không muốn anh nhận ra tôi. Đã lâu lắm rồi chúng tôi không gặp nhau. Trên dốc Phượng Tây năm nào, tôi đã tiễn anh đi. Khi đó anh lạnh lùng và thản nhiên nhìn những giọt nước mắt của tôi rơi xuống cỏ” [1; 118]. Như thế, dẫu có uống nước sông Đoạn Hà, dẫu chỉ còn là ảo ảnh, nỗi đau không dễ dàng nguôi ngoai. Hay việc sử dụng yếu tố hài hước trong truyện Chuyện có thật về một gã trộm và một nhà văn cũng là cách Võ Thị Xuân Hà làm mới kiểu đề tài “tự ăn mình”. Truyện có nhiều chi tiết xuất phát từ chính cuộc đời của chị. Không cần biết chuyện có thật hay không có thật, người đọc vẫn nhận thấy được sự bộc bạch tự nhiên, gần gũi của một cái tôi cá nhân. Sự việc nhà văn VXH bị mất trộm vừa hóm hỉnh, bông đùa nhưng hết sức tinh tế, nhiều ẩn ý.
Tình yêu và tình dục luôn song hành. Trong sáng tác của các tác giả trẻ hiện nay thường xuất hiện lối viết đầy chất sex với tần suất khá mạnh. Mỗi người đều có thế mạnh riêng. Sự tràn trề cảm xúc từ bản năng thiên tính nữ ảnh hưởng không ít đến vấn đề này. Chính sự trải nghiệm cũng như việc “tự ăn mình”, nhà văn nữ thường đứng bên trong nội tâm của người nữ để soi chiếu, cởi trói tâm hồn và phóng chiếu những ẩn ức, dồn nén của tính dục. Nhờ đó, mảng đề tài này, ở sáng tác nữ giới, có những độ lắng, độ cuốn hút nhất định so với sáng tác của nam giới. Trong tập Vàng son thạch thủy khí, xuất phát từ góc nhìn nữ giới, Võ Thị Xuân Hà có những trang viết thấm đẫm chất sex. Chị không khai thác sex bằng hình thức “tự ăn mình” như một số cây bút khác, nhưng ở đó, chị viết khá tinh tế, có sự đam mê, có sự mãnh liệt khi biểu đạt những giây phút khoái lạc, hưng phấn của người nữ. Miên trong truyện ngắn Đêm dài vừa là người phụ nữ đầy khoái lạc nhưng cũng là người phụ nữ cô đơn. Nếu trong lần ân ái với Lượng, Miên còn ở thế bị động thì những lần sau, với Biệng, với người đàn ông bản “khê nồng mùi thuốc rê”, với Bình, Miên hoàn toàn chủ động. Những khoái cảm tính dục lớn dần bao nhiêu càng khiến Miên rơi vào cô đơn bấy nhiêu. Bởi lẽ, tất cả chỉ là những thỏa mãn tạm thời, không lâu dài. Thằng Biệng phải lấy vợ. Ông già bản cũng chỉ đến một lần vào một tuần trăng. Mà ở cái thì “gái một con”, xinh đẹp “làm đau lòng” các cô gái ở trong buôn như thế, Miên không thể trì hoãn được những ẩn ức tính dục của mình. Miên phải giải tỏa bằng những trận khát dục. Vì thế, cô chấp nhận tất thảy mọi người, kể cả vài thằng bạn của Biệng. Không phải Miên sa đọa, mà Miên đang muốn thoát khỏi nỗi cô đơn, trống vắng. Những cơn lốc tình không làm cô nguôi đi nỗi nhớ với Lượng. Hình ảnh Lượng luôn ám ảnh, xuất hiện, kể cả sự xuất hiện trong những lần ân ái với người khác. Càng đắm chìm trong quan hệ thân xác, Miên càng đớn đau, càng rơi vào bế tắc. Lượng đến với Miên chỉ mấy ngày cùng đi trên tàu và anh đã để lại cho cô giọt máu của mình. Khởi thủy của nỗi đau này đưa cô rơi vào thân phận đơn chiếc của người đàn bà có con mà không chồng. Những tưởng cuộc đời của cô phải chịu khổ đau về tinh thần như thế là quá nhiều, những tưởng tác giả đã bù đắp cho cô bằng cuộc gặp gỡ với Bình là trọn vẹn nhưng Bình cũng không thể mang lại cho cô hạnh phúc. Bình phát điên do sự ảnh hưởng của chất độc điôxin. Lúc này, trong trái tim cô, một tình yêu đã thực sự nảy nở khi được Lượng báo mộng về đứa con mà cô đang mang trong bụng. Cô quyết tìm Bình, săn sóc Bình. Một tương lai đang chờ đón cô phía trước. Đêm dài đã qua: “Cô đi trên con đường núi bắt đầu nở những bông mai vàng và thoang thoảng hương của những bông mận trắng bung ra bên sườn đá” [1; 88].
Để làm mới mảng đề tài về thân phận nữ giới, nhà văn Võ Thị Xuân Hà còn làm tấy lên nỗi đau đớn của Miên bằng cách sử dụng chi tiết kỳ ảo. Việc Miên có thai mà không biết hậu quả của ai trong khi quan hệ với nhiều người được giải mã bằng giấc mơ: “…một đêm anh Lượng hiện về bảo: đấy là con anh Bình, nhưng em cẩn thận nhé, sợ con không thành người” [1; 87]. Giấc mơ tiên đoán ấy đã trở thành hiện thực mang màu sắc của huyền thoại và cổ tích: “Cô sinh ra một cái bọc thịt” [1; 87]. Cách giải quyết của tác giả ở đoạn này khá hay. Đây chính là cách tác giả gián tiếp đề cập đến dư chấn, hậu quả sau chiến tranh. Bên cạnh đó, cách xử lý, đưa đẩy vấn đề tính dục, giọng điệu, cách trần thuật của Võ Thị Xuân Hà ở trong tác phẩm này rất phù hợp với tâm trạng của Miên khi tái hiện mỗi giai đoạn đời. Không táo bạo khi sử dụng yếu tố sex nhưng vẫn gợi nhiều ám ảnh, lôi cuốn người đọc. Bởi đằng sau câu chữ ấy là lòng thương cảm, xa xót trước sự mất mát, thiệt thòi của người phụ nữ trong và sau chiến tranh.
Sự kết hợp hai thể loại thơ và văn xuôi không phải là sáng tạo mới lạ trong văn học hiện nay nhưng Võ Thị Xuân Hà vẫn tạo được chất thơ riêng cho văn xuôi. Trong Vàng son thạch thủy khí, Võ Thị Xuân Hà sử dụng nhiều câu thơ, đoạn thơ của các nhà thơ khác như: Miên Thẩm Tùng Thiện Vương, Trần Vàng Sao, Hữu Việt, Lãng Thanh, Nguyễn Quang Hưng. Không chỉ thế, chị còn tự sáng tác thơ, đan cài thơ vào truyện ngắn của mình như ở truyện Hoàng hôn có khói trắng bay, Cadillac đỏ, Một đóa không, Dưới nước, Ván thế. Chị khá linh hoạt khi sử dụng các câu thơ, đoạn thơ. Có lúc dùng đoạn thơ làm đề từ. Có lúc đan cài thơ với văn xuôi làm tăng thêm chất thơ cũng như gia tăng nghĩa cho văn xuôi. Với góc nhìn liên văn bản như trên, người đọc cần tìm hiểu văn bản gốc của bài thơ. Bởi, phần thơ đề từ hay phần thơ nằm trong tác phẩm đều có liên quan đến nội dung tác phẩm cũng như tâm sự của chính tác giả gửi gắm trong đó. Việc chị sử dụng, đan cài các đoạn thơ (của chính chị) vào truyện Một đóa không là một ví dụ. Các khúc ca ai oán ấy có linh hồn riêng của nó. Nó đã giúp nhà văn làm rõ hơn câu chuyện tình đầy nhức nhối, thổn thức, ám ảnh: Anh ơi hoa ngày cưới/ Hãy giữ tặng cho em/ Một bông màu đỏ thắm…// Anh ơi tiền dẫn cưới/ Hãy bớt lại vài xu/ Mua quà cho con trẻ/ Đùa vui trên tầng trời [1; 117]. Như thế, các đoạn thơ không phải để làm “đỏm dáng”, tăng sự lãng mạn cho câu chuyện, mà thông qua đó, người đọc có thể thâu tóm nỗi niềm của nhân vật tôi.
Vàng son thạch thủy khí dung nạp vào nó khá nhiều phương diện: tính chất tự thuật, yếu tố sex, cái kỳ ảo, chất dí dỏm, hài hước, đan xen văn xuôi và thơ… Giọng văn khá chắc trong việc tổ chức điểm nhìn, xử lý không gian, thời gian, tạo được những lát cắt tâm trạng, kết cấu truyện ngắn theo dòng ý thức, theo hình thức bức thư,… Kèm theo đó là sự đa dạng trong cách viết, sự phơi trải từ góc nhìn nữ đã đưa đến cho tập truyện những nét cuốn hút, hấp dẫn riêng, thể hiện rõ giá trị nhân văn sâu sắc. Ở đó, sự đồng cảm và sự chia sẻ của nhà văn về vẻ đẹp tâm hồn, thân phận người phụ nữ vẫn không thôi ám ảnh đối với người đọc trước sức sống và niềm tin của họ.
Quảng Bình, ngày 28/8/2012
———–
[1]. Bình Nguyên Trang, “Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Văn chương là một đời sống khác”, http://antgct.cand.com.vn
[2]. Lã Nguyên, Văn học kỳ ảo: nhìn từ hệ hình thế giới quan,
Nguồn: Vanvn.net