Yếu tố kỳ ảo xuất hiện rất sớm và đã trở thành một dòng chảy liên tục trong lịch sử văn học nhân loại từ thời cổ đại, qua trung đại đến cận, hiện đại. Kỳ ảo là sản phẩm của trí tưởng tượng sáng tạo của nghệ sĩ, là phương thức tư duy nghệ thuật được thể hiện bằng những yếu tố có tính siêu nhiên nằm ngoài tư duy lý tính của con người. Nó được các nhà văn sử dụng trong quá trình phản ánh hiện thực, chiếm lĩnh đời sống, thể hiện quan niệm về con người, về cuộc đời cũng như phản ánh ước mơ, khát vọng và cả nỗi sợ hãi, bất bình… của con người trước cái phức tạp và bí ẩn của đời sống.

Trong văn học Việt Nam, kỳ ảo là một yếu tố có tính truyền thống. Nó xuất hiện ngay từ các tác phẩm văn học dân gian với tính chất nguyên thuỷ nhất, và phát triển thêm những điểm độc đáo, hấp dẫn trong văn xuôi tự sự trung đại với tác phẩm của Nguyễn Dữ, Phạm Đình Hổ… Sang giai đoạn đầu thế kỷ XX đến năm 1945, yếu tố kỳ ảo có mặt trong tác phẩm của nhiều nhà văn có tên tuổi như Thế Lữ, Thanh Tịnh, Nguyễn Tuân… mang sự hoà trộn giữa chất kỳ của phương Đông và chất kinh dị của phương Tây. Sau 1975, đặc biệt từ 1986, việc xuất hiện trở lại của yếu tố kỳ ảo đã góp phần quan trọng cho sự đổi mới về tư duy nghệ thuật của văn học thời kỳ đổi mới. Có mặt trong sáng tác của hầu hết những cây bút văn xuôi tiêu biểu như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Lưu Sơn Minh, Y Ban, Võ Thị Hảo, Hồ Anh Thái, Hoà Vang…, yếu tố kỳ ảo đã phả một luồng gió mới vào đời sống văn học đương đại. Sự nở rộ trong phương thức sáng tác độc đáo này, theo nhận xét của Trần Quốc Vượng, “có thể diễn giải như một cơn lốc giải toả những khát vọng sáng tạo bị dồn nén từ lâu. Các nghệ sĩ trẻ đang tìm kiếm bản sắc riêng của mình dựa trên những trải nghiệm cá nhân và cách nhìn riêng biệt, càng ngày càng tỏ ra tự tin và táo bạo trong công việc sáng tạo”. Yếu tố kỳ ảo chính là một phương thức nghệ thuật đắc dụng giúp các nhà văn hiện đại đi sâu khám phá thế giới tâm linh trừu tượng, khó nắm bắt của con người, nhằm thấu hiểu được con người ở phần nhân tính, mơ hồ và huyền diệu. Bên cạnh đó, sự tái xuất của yếu tố kỳ ảo cũng cho thấy sự bứt phá của các nhà văn ra khỏi lối viết được xem là “khuôn vàng thước ngọc” một thời. Tác động của trào lưu văn học thế giới như chủ nghĩa hiện thực huyền ảo cũng ít nhiều ảnh hưởng đến các nhà văn Việt Nam đương đại. Quan niệm hiện thực không chỉ là cái nhìn thấy, cầm nắm được, hiện thực còn là những giấc mơ li kỳ, là niềm tin tín ngưỡng, những ước mơ ngoài tầm với, những ảo ảnh chập chờn… xuất hiện trong thế giới tinh thần con người, việc sử dụng yếu tố kỳ ảo đã giúp cho nhà văn có cách tiếp cận sâu hơn, nhiều chiều hơn hiện thực cuộc sống.

Hồ Anh Thái là một trong những nhà văn sử dụng khá đậm đặc và nhuần nhuyễn yếu tố kỳ ảo trong sáng tác. Tiểu thuyết và truyện ngắn của anh đều có yếu tố này, đặc biệt là truyện ngắn. Trong các tập truyện Mảnh vỡ của đàn ông, Tiếng thở dài qua rừng kim tước, Tự sự 265 ngày, Bốn lối vào nhà cười có sự kết hợp hết sức linh hoạt giữa chất kỳ trong văn học truyền thống phương Đông và cái huyền ảo trong văn học hiện đại phương Tây để khắc họa chân dung nhân vật với những nét đặc sắc riêng. Nhà văn vận dụng hình thức phục sinh nhân vật trong truyền thuyết để xây dựng nhân vật mang năng lực thần thánh, hình thức tiên tri để xây dựng nhân vật tiên tri, dự báo tương lai, hoặc hình thức biến dạng để xây dựng những nhân vật dị thường. Mỗi nhân vật đều được thể hiện sinh động và giàu sức biểu đạt.

Sử dụng hình thức phục sinh nhân vật trong văn học cổ, Hồ Anh Thái đã tái hiện trong truyện ngắn của mình những con người từng xuất hiện trong truyền thuyết Ấn Độ, trong đó có người đã trở thành huyền thoại của cả một tôn giáo: Đức Phật – Buddha. Trong Chuyện cuộc đời Đức Phật, mặc dù Đức Phật chủ yếu được tái hiện bằng những chất liệu có thực nhưng nhân vật không trở thành đối tượng của việc lược sử mà hết sức sinh động, vừa dung dị gần gũi với cuộc sống con người vừa được bao phủ một màn sương khói huyền ảo. Huyền ảo ở sức mạnh chiến thắng cái xấu cái ác, ở sự cảm hoá cái ác bằng chân lý về tình yêu thương con người. Khi người em họ xua một con voi đã được cho uống rượu say lao về phía Buddha hòng giết chết Người, Người chỉ dùng ánh mắt ấm áp, chan chứa tình thương mà làm dịu cơn điên cuồng của con voi dữ. Người nói: “Chỉ có tình thương mới diệt trừ được mọi hờn oán. Lấy oán trả oán thì oán còn. Đấy cũng là một bài học lớn”. Mang sắc màu huyền ảo, nhưng Đức Phật vẫn bình dị, giàu cảm xúc như mọi con người bình thường. Người cũng vui buồn, lo âu, đau khổ, cũng thất vọng tràn trề khi nhận ra mình đã chọn chưa đúng đường đi… Phục sinh một huyền thoại, Hồ Anh Thái đã giúp chúng ta có cơ hội hiểu hơn về nhân vật với tư cách một con người.

Nhà văn còn sử dụng hình thức tiên tri để dựng lên kiểu nhân vật có khả năng kỳ lạ: tiên đoán được chính xác chuyện xảy ra trong tương lai. Đến muộn là câu chuyện về cuộc đời đức vua xứ Magadha diễn tiến theo lời tiên tri của một ẩn sĩ nổi tiếng. Hoàng hậu xứ này vào lúc sắp sinh đã có một giấc mơ lạ lùng: “Một sinh vật bèo nhèo méo mó từ bên sườn ta bay ra, kêu lên tiếng kêu của kền kền, của quạ và chim lợn, rồi nó lăn xả vào cây thì cây ngả sang màu đen, tự thối rữa, tự tan chảy thành những dòng dung dịch sền sệt đỏ quạch”. Vị ẩn sĩ nọ đã giải đoán giấc mộng rằng hoàng hậu sẽ sinh ra một kẻ khát máu, và kẻ ấy sẽ giết chết chính cha đẻ của mình. Một ẩn sĩ khác khi được mời đặt tên cho hoàng tử nhỏ đã chọn cái tên Ajatasatru, có nghĩa là “kẻ ôm oán thù từ trong bụng mẹ”. Sự thật xảy ra đúng như lời tiên tri. Chính Ajatasatru đã hãm hại vua cha để thoán ngôi, đẩy vua cha đến cái chết đau đớn, uất ức. Thực ra kiểu nhân vật có khả năng tiên đoán được tương lai không chỉ có ở tác phẩm của Hồ Anh Thái, mà còn xuất hiện trong các truyện của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Phạm Hải Vân… nhưng không khí và màu sắc Ấn Độ đậm đà có thể xem là nét riêng trong cách dựng cảnh, dựng người của nhà văn – nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông Hồ Anh Thái.

Đặc biệt, Hồ Anh Thái còn sử dụng hình thức biến dạng để xây dựng kiểu nhân vật tha hóa. Nếu trong văn học dân gian, nhân vật biến hoá chủ yếu do sự tác động của phép màu bên ngoài thì ở đây sự biến dạng lại bắt nguồn từ những nguyên nhân nội tại của bản thân nhân vật, gợi liên tưởng đến các nhân vật biến dạng của F. Kafka. Trong Vẫn tin vào chuyện thần tiên, khi một sớm thức dậy thấy mình biến thành một gã mắt xanh mũi lõ, nhân vật anh chàng người Việt đã hoang mang cực độ, rồi trở nên cô độc và đau khổ khi phải mang một cái lốt khác ngay trên chính quê hương mình. Hiện tượng biến dạng này đã phơi bày rõ cái tâm lý vụ lợi – sùng ngoại đến lố bịch, trơ tráo của không ít người, là hệ quả của lối sống và cách sinh hoạt bắt chước Tây, quá giống Tây. Còn trong truyện Món tái dê, sự kiện giám đốc Diên biến thành dê lại phản ánh một tình trạng tha hoá khác. Ở đó, con người tỏ ra bình tĩnh, thản nhiên chấp nhận sự biến dạng của mình. Theo bà vợ ông Diên thì “Hơn hai chục năm chung sống, tôi luôn nhìn thấy ông ấy như bây giờ”, còn vợ Hốt cũng thấy rất nhiều kẻ thoái hoá như thế: “Dê trong nhà, ngoài phố. Dê đi xe đạp, dê đi Honđa, thậm chí dê ngồi cả trong xe Toyota nữa”. Cái nhìn ấy cho thấy sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức, nhân cách trong thời hiện đại, bộc lộ thái độ châm biếm sâu cay của nhà văn. Trong trường hợp này, kỳ ảo không chỉ là một thủ pháp giúp nhà văn khắc hoạ sinh động nhân vật mà còn trở thành một yếu tố hữu hình hoá, biểu tượng hóa cái xấu, cái ác và phản ánh ước mơ về những giá trị chân – thiện – mỹ.

Sáng tạo những sự kiện kỳ ảo, Hồ Anh Thái cũng đặt nhân vật của mình vào hoàn cảnh đặc biệt để có cơ hội tự nhìn nhận thế giới xung quanh và nhìn nhận  lại chính mình. Trong Cả một dây theo nhau đi, bằng kiểu bố trí liên hoàn các sự kiện lạ lùng (cái chết này liên quan đến cái chết kia) và đảo trật tự (người tưởng chết thì lại sống, người tưởng sống hoá ra lại chết, cuộc sống lẫn lộn giữa hư và thực, giữa người với ma), tác giả đã tạo cho các nhân vật cơ hội để bộc lộ mình thật rõ. Kẻ thực dụng, thủ đoạn, mánh khoé, kẻ theo đuôi, kẻ sống sa đoạ… bấy nhiêu chân dung cứ thế tự phơi bày ra cái bản chất xấu xa, bỉ ổi lâu nay được che giấu thật khéo bên trong cái vỏ đứng đắn, đạo mạo. Truyện Chạy quanh công viên mất một tháng kể chuyện một công chức trong một buổi sáng chạy bộ thể dục trong công viên đã đột ngột bị bắt cóc và bị đưa đi rất nhiều nơi trong vòng một tháng, để rồi cuối cùng lại được đưa trả về đúng chỗ cũ ở công viên với lý do bị bắt cóc nhầm. Khi anh ta đang chứng kiến cảnh quả cau rơi khỏi túi áo một bà cụ tập thể dục và định cúi xuống nhặt hộ bà thì lập tức bị xốc nách kéo đi. Lúc được trả về công viên sau tròn một tháng, anh ta vẫn thấy quả cau đang lăn trên lối đi và cúi xuống nhặt cho bà cụ. Với dụng ý tạo ra một khoảng đứt gãy về thời gian và không gian, giống như một ảo ảnh, một giấc mơ, tác giả đã để cho nhân vật có cơ hội bứt ra khỏi cuộc sống ồn ào, hối hả, đầy rẫy những bon chen, vụ lợi để hồi tưởng lại những diễn biến chính của đời mình, hồi tưởng về những người sống xung quanh mình (thầy giáo, người thân, bạn bè, đồng nghiệp, lãnh đạo…) và suy ngẫm về cách hành xử của con người đối với nhau. Cuộc đối thoại của nhân vật với chính mình là một cuộc tự vấn để hiểu mình, hiểu đời hơn.

Trong truyện ngắn của Hồ Anh Thái, yếu tố kỳ ảo đã đem lại một hiệu quả sâu sắc trong việc định danh, định tính, giải thích hành trạng của nhân vật, tạo nên những nhân vật đầy đặn, có chiều sâu, những mẫu hình vừa quen thuộc vừa mới lạ, có sức hấp dẫn đặc biệt đối với người đọc

Nguồn: Vannghequandoi

Exit mobile version