Kỷ niệm 12 năm ngày mất nhà thơ Thu Bồn, ngày 19/6/2015, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã tổ chức lễ ra mắt tác phẩm Tuyển thơ Thu Bồn. Điều hành buổi sinh hoạt là nhà phê bình Ngô Thảo và nhà văn Trung Trung Đỉnh. Đông đảo văn hữu nhiều thế hệ đã cùng ôn lại tiểu sử, sự nghiệp sáng tác của Thu Bồn và kể cho nhau nghe những câu chuyện về người thơ này.

Nhà văn Nam Hà phát biểu tại lễ ra mắt “Tuyển thơ Thu Bồn” (Ảnh: PV)


Nhà thơ Thu Bồn (01/12/1935 – 17/6/2015), tên khai sinh là Hà Đức Trọng. Quê quán: xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông tham gia thiếu sinh quân từ năm 12 tuổi, làm liên lạc cho bộ đội và trực tiếp chiến đấu. Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông liên tục có mặt ở các chiến trường gian khổ, ác liệt như Tây Nguyên, Khu V, Quảng Trị, biên giới Tây Nam; lúc làm phóng viên mặt trận, lúc làm lính xung kích, lính pháo. Ông từng là biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ, biên tập viên và cán bộ sáng tác Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Tác phẩm chính đã xuất bản: Bài ca chim Chrao (trường ca, 1962), Tre xanh (thơ, 1969), Mặt đất không quên (thơ, 1970), Quê hương mặt trời vàng (trường ca, 1975), Badan khát (trường ca, 1976), Campuchia hy vọng (trường ca, 1978), Organ 76 ngọn (trường ca, 1979), Người vắt sữa bầu trời (trường ca, 1985), Thông điệp mùa xuân (trường ca, 1985), Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên (thơ, 1992), Ôi nhớ mưa nguồn (thơ, 1999), Chớp trắng (tiểu thuyết, 1970), Hòn đảo chân ren (tiểu thuyết, 1972), Dòng sông tuổi thơ (tiểu thuyết, 1973), Những đám mây màu cánh vạc (tiểu thuyết, 2 tập, 1975), Em bé trong rừng thốt nốt (truyện, 1979), Đỉnh núi (tiểu thuyết, 1980), Mắt bồ câu và rừng phi tiễn (tiểu thuyết, 1986), Vùng pháo sáng (tiểu thuyết, 1986), Cửa ngõ miền Tây (tiểu thuyết, 1986), Em bé vào hang cọp (tiểu thuyết, 2 tập, 1986), Dưới tro (truyện ngắn, 1986)…
Giải thưởng văn học: Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1965) với trường ca Bài ca chim Chrao; Giải thưởng thơ Báo Hà Nội mới (1969) với bài thơ Gửi lòng con đến cùng cha; Giải thưởng văn học quốc tế (Hội Nhà văn Á Phi, 1973) với trường ca Bài ca chim Chrao; Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I, năm 2001.
Trong bài viết thay lời giới thiệu đầu cuốn sách Tuyển thơ Thu Bồn, nhà văn Trung Trung Đỉnh nhận định: “Đối với nhà thơ Thu Bồn, ông gần như chỉ có làm thơ viết văn và làm thơ viết văn, tự nhận mình là kẻ “đánh đu cùng dâu bể”, cái dâu bể sâu nặng ân tình đối với đồng đội, nhân dân, Tổ quốc, chính nó đã tạo nên vẻ đẹp thơ ông, cái vẻ đẹp phong trần, nhuốm bụi đời vừa gian nan khúc khuỷu vừa ngạo nghễ kiêu hùng và lãng mạn, với một lối viết hoành tráng tuôn trào, luôn luôn gắn liền với số phận đất nước, non sông, bằng một phong cách cuồn cuộn sức sống, cuồn cuộn cảm xúc, không ngừng không nghỉ, kể từ khi xuất hiện cho đến khi mang bệnh về già”.
Tại buổi sinh hoạt, bạn bè đồng nghiệp, đặc biệt là những người có thời gian trực tiếp công tác với nhà thơ Thu Bồn, đã kể lại những câu chuyện, đưa ra những nhận định, đánh giá với tất cả tấm lòng thương mến, trân quý, ngưỡng mộ giành cho thi sĩ tài hoa, phong tình, phong nhã này. “Thu Bồn – người đặc biệt, thơ đặc biệt” (nhà thơ Nam Hà). “Thu Bồn, nói theo cách nói của Trịnh Công Sơn, là người lúc sống thì đầy ắp sự có mặt, lúc mất thì đầy ắp sự vắng mặt” (nhà thơ Anh Ngọc). “Đáng nể nhất ở Thu Bồn là năng lượng sống, năng lượng thơ. Anh sinh ra để làm thơ, chuyện ấy bình thường/ giản dị như hai với hai là bốn” (nhà thơ Ngô Thế Oanh). “Bản thân cuộc đời Thu Bồn là một cuốn tiểu thuyết, một bản trường ca. Thu Bồn sinh ra để viết trường ca, viết tiểu thuyết” (nhà thơ Nguyễn Đức Mậu). “100% con người Thu Bồn là nhà thơ, là nghệ sĩ. Ông sinh ra không phải để làm công chức” (nhà thơ Hoàng Cát). “Thu Bồn là một nhà thơ trường sức, vạm vỡ của thơ chống Mỹ. Thơ Thu Bồn giàu chất tài hoa và đầy tính dự báo. Những gì mà nhà thơ này chắt chiu, tận hiến dường như chưa được đánh giá thỏa đáng” (nhà thơ Nguyễn Hữu Quý). “Nói đến Thu Bồn là nói đến sự đắm mê đến tận cùng và sự tự do đến tận cùng” (nhà thơ Nguyễn Quang Thiều). “Thu Bồn với tính cách ngang tàng, phóng khoáng, mang một bản năng vừa hoang dã, vừa vạm vỡ, vừa cao cả. Ít người làm được như Thu Bồn, đó là sống hết mình như mình muốn” (nhà văn Nguyễn Trí Huân). “Thu Bồn sống với ai, yêu ai cũng hết lòng, cho đi mà chẳng hề nghĩ đến chuyện nhận lại” (nhà phê bình Ngô Thảo)… Có thể nói, câu chuyện về nhà thơ Thu Bồn là câu chuyện kể mãi không hết. Mặc dù người thơ đã đi xa nhưng yêu thương năm tháng vẫn còn đầy.
Tuyển thơ Thu Bồn do nhà lý luận-phê bình Ngô Thảo, nhà văn Trung Trung Đỉnh và nhà thơ Đoàn Ngọc Thu cùng biên soạn, như nén tâm nhang thành kính tưởng nhớ thi sỹ tài hoa nhân kỷ niệm 12 năm ngày mất nhà thơ Thu Bồn .
Được biết, toàn bộ số tiền thu được từ việc bán sách sẽ dùng để ủng hộ quỹ học bổng “Nhà thơ Thu Bồn” ở chính quê hương nhà thơ và gây quỹ học bổng “Nhà thơ Thu Bồn” ở một trường học trên địa bàn Tây Nguyên, nơi khởi sinh thi hứng Bài ca chim Chrao.

Theo Đăng Hoàng (Văn nghệ quân đội)