Đầu năm 2007, đang còn là nữ sinh lớp 12, Yến Linh đã được nhận tặng thưởng “Tác giả trẻ” trong cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn Nghệ. Nhà văn Dạ Ngân (trưởng ban văn xuôi báo Văn Nghệ) nhận xét: “Nếu cuộc thi này dành cho tuổi hai mươi thì có thể Linh sẽ là một hiện tượng văn chương…”. Chỉ vài tháng sau đó truyện của Yến Linh xuất hiện đều đặn trên các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Áo Trắng… Cho đến nay Yến Linh đã có 6 đầu sách được xuất bản.

Trò chuyện với VNT trước giờ công bố kết quả cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ 2011- 2012, Yến Linh chia sẻ: “kể từ khi truyện ngắn đầu tiên được đăng trên báo Văn Nghệ thì tôi bắt đầu tự tin hơn, viết nhiều hơn ở mảng đề tài người lớn. Tôi tin vào khả năng của mình hơn, biết rằng mình có thể viết được cái gì đó. Nếu không có cuộc thi năm ấy, có lẽ tôi vẫn mãi viết những câu chuyện học trò dành cho tuổi mới lớn”

Nếu không có cuộc thi năm ấy…

  • Tặng thưởng dành cho tác giả trẻ trong cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 2006 – 2007 có phải là giải thưởng văn chương đầu tiên mà bạn nhận được?

Vâng, đó chính là giải thưởng đầu tiên tôi nhận được.

  • Giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào với bạn?

Khi tôi bắt đầu viết, những truyện ngắn đầu tiên gắn liền với lứa tuổi học trò – như chính tuổi tôi lúc ấy. Tôi không nghĩ mình sẽ có thể viết được gì đó lớn hơn, già dặn hơn. Nhưng kể từ khi truyện ngắn đầu tiên được đăng trên báo Văn Nghệ thì tôi bắt đầu tự tin hơn, viết nhiều hơn ở mảng đề tài người lớn. Tôi tin vào khả năng của mình hơn, biết rằng mình có thể viết được cái gì đó. Nếu không có cuộc thi năm ấy, có lẽ tôi vẫn mãi viết những câu chuyện học trò dành cho tuổi mới lớn, lãng đãng nhẹ nhàng như nhiều tác giả trẻ khác.

  • Có thể nhận thấy, sau cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ, bạn viết rất sung sức, hầu như năm nào cũng có sách mới. Dường như các truyện ngắn của bạn thường viết rất nhanh?

Giai đoạn tôi viết nhiều nhất, thường xuyên nhất là giai đoạn tôi học đại học. Thời đó, hầu như ngày nào tôi cũng viết. Có khi 2, 3 ngày tôi đóng cửa, ở lì trong phòng trọ nóng bức, chật chội để viết, đến độ cơ thể bị kiệt sức vì thiếu oxi. Những năm đầu tuổi hai mươi, tôi viết nhiều, có đêm thức trắng là hoàn thành một truyện ngắn.

  • Theo dõi các tập sách đã xuất bản của bạn, đặc biệt là những tập sách ban đầu, có cảm nhận bạn hướng tác phẩm của mình vào độc giả tuổi mới lớn. Vì sao bạn có sự lựa chọn như vậy?

Những tập sách đầu tay của tôi, đối tượng bạn đọc là tuổi mới lớn, vì gần gũi với chính độ tuổi tôi lúc ấy. Tôi trải nghiệm như độ tuổi của họ, nên có gì đó gần gũi với nhau. Sau mấy tập sách tuổi mới lớn đầu tiên, đối tượng độc giả tôi hướng đến không còn là tuổi mới lớn nữa. Họ là những thanh niên khoảng 20-25 tuổi. Họ nhiều ước mơ, lý tưởng nhưng cũng lắm nỗi hoang mang, mất mát, sợ hãi. Tôi đang là một phần trong số họ, nên tôi nghĩ tôi viết về mảng lứa tuổi này sẽ tốt hơn.

  • Tôi nhớ câu chuyện bạn từng chia sẻ trên báo chí rằng bạn có một đoạn ký ức khá buồn, và suốt một quãng thời gian dài, bạn cứ hay nghĩ về nó, đến mức ám ảnh. Vậy kí ức có phải là động lực thúc giục bạn cầm bút?

Quả thật, với tôi, ký ức chính là một phần chất liệu để sáng tác. Có những chuyện cần sẻ chia, có những câu chuyện cần được kể ra để thấy nhẹ nhõm hơn. Nhưng không phải lúc nào ký ức đó cũng là của tôi mà có thể là của những người tôi gặp, những liên tưởng,… Tôi hay bị ám ảnh bởi những câu chuyện ký ức. Gặp một ai đó, dù họ sang giàu, hạnh phúc viên mãn hay nghèo khổ, đau khổ, tôi vẫn hay tưởng tượng ra ký ức của họ. Tôi đặt những câu hỏi rằng đằng sau khuôn mặt kia là câu chuyện gì? Tôi thích được nghe người lạ kể chuyện. Chúng trở thành phần nào chất liệu sáng tác.

Quan trọng không phải là viết nữa, mà là viết gì

  • một tâm lý thường thấy ở các tác giả trẻ, bước đầu thử sức với văn chương, đó là sự hoang mang, bối rối. Những tác phẩm gửi đi đến các tòa soạn rơi vào im lặng vì thực sự các biên tập viên không thể trả lời cặn kẽ hết các thư bài gửi đến. Và các tác giả thì nghĩ rằng mình không có khả năng văn chương. Điều này dễ khiến các tác giả trẻ thấy nản. Còn bạn, khi mới đến với văn chương, bạn có gặp rào cản tâm lý ấy không?

May mắn, tôi không bị rơi vào trạng thái hoang mang đó. Có lẽ vì tôi đến với văn chương khi chưa hề biết văn chương thực sự ý nghĩa như thế nào. Văn chương lúc ấy với tôi chẳng khác nào một cách ghi nhật ký có cao trào.

Tôi đã từng gặp những trường hợp im lặng như thế. Khi ấy, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng mình viết chưa tốt, nên viết một cái gì đó khác hơn. Và sự im lặng cho tôi thêm động lực để viết. Tôi vẫn nhớ như in những ngày tôi mới tập tễnh viết văn. Tôi chưa biết mình sẽ gửi truyện ngắn đi đâu, có ai sẽ đọc đó. Nhưng tôi cứ viết. Mỗi buổi tối, sau giờ học bài là tôi lấy xấp giấy A4 ra, ngồi viết rồi đọc cho những đứa trẻ trong xóm nghe, đưa cho chúng đọc. Đó là những độc giả đầu tiên của tôi.

Sau này, một lần tình cờ, tôi đọc báo biết nhà xuất bản Kim Đồng đang có tủ sách tuổi mới lớn, có rất nhiều cây bút học trò được in sách ở đó. Vậy là tôi liều, gửi truyện về Kim Đồng. Tôi may mắn khi giai đoạn đầu sáng tác, tôi đã gặp những người rất tận tâm như nhà thơ Cao Xuân Sơn, nhà văn Đoàn Thạch Biền,… Tôi nhớ, ở báo Văn Nghệ, khi tôi gửi những truyện ngắn đầu tiên, có một biên tập viên đã gửi email nhận xét rất tận tình cho tôi. Những người viết trẻ, họ cần những người tận tâm như thế.

  • Những bước chập chững ban đầu đến với văn chương, bạn thấy mình cần nhất điều gì?

Tôi không nghĩ gì nhiều khi tôi viết. Đơn giản là cần kể câu chuyện mình đang nghĩ trong đầu ra trang giấy. Thứ tôi cần lúc ấy và đến bây giờ vẫn là kiến thức, một nền tảng văn chương, triết học,… để những thứ mình viết ra chứa đựng điều gì đó, đem đến cho người đọc chút ít thứ mà họ tìm kiếm chứ không phải là những câu chuyện nhàn nhạt, đọc rồi quên. Tôi nghĩ vậy, nhưng để làm được điều mình muốn, chắc mất cả đời (Cười)

  • Hiện nay có nhiều cuộc thi sáng tác văn học được mở ra. Bạn có hào hứng với các cuộc thi đó không? Tại sao?

Thật sự, tôi không thích những cuộc thi truyện ngắn cho lắm. Vì tôi nghĩ, mỗi cuộc thi sẽ có một tiêu chí nào đó, và cần đáp ứng được các tiêu chí của nó, nếu muốn đạt giải. Khi đã tự biên tập mình, tự bắt mình đáp ứng yêu cầu nào đó thì việc sáng tác đã không còn là sự tự do nữa. Nhưng những cuộc thi truyện ngắn vẫn rất cần thiết, vì đó là nơi phát hiện ra những tài năng mới. Nhưng tôi ước gì, những cuộc thi đơn giản chỉ là thi, ai muốn viết gì thì viết, sáng tác như thế nào cũng được, miễn hay thì sẽ được tôn vinh, không phải để đáp ứng yêu cầu này, yêu cầu khác.

  • Bạn từng tâm sự rằng: “Thời gian trôi qua, mỗi ngày ý thức mình đã một khác đi”. Bạn tự nhận thấy sự khác biệt lớn nhất của mình bây giờ với thời nhận tặng thưởng tác giả trẻ nhất của cuộc thi truyện ngắn Tuần báo Văn nghệ 2006- 2007?

Khi tôi mới viết, tôi suy nghĩ về tác phẩm rất hồn nhiên, cứ đơn giản là viết. Bây giờ, quan trọng không phải là viết nữa, mà là viết gì. Cái viết sau có khác cái viết trước, có hay hơn cái trước hay không, có đem đến điều gì cho bạn đọc không?

  • Năm nay, tác giả Yến Linh có điều gì đặc biệt dành tặng độc giả hay không?

Tôi nghiệm rồi, nói trước thường bước không qua lắm. Nên thôi, cứ chờ thời gian xem mình làm được gì (Cười)

  • Tôi chắc chắn sẽ rất háo hức chờ đón những tác phẩm mới của bạn. Cảm ơn bạn về cuộc trò truyện.

Yến Linh sinh ngày 26/11/1989 tại Biên Hoà, Đồng Nai.

Các tập sách đã xuất bản: Dù thế nào Adam cũng sinh trước Eva (2006), Mọi người đều đặc biệt (2007), Tôi vẫn chỉ là con nít (2008), Ngày thôi không chờ đợi (2008), Nụ cười hồn nhiên (2010) và Một phẩy sáu nhân hai (2011).

Tặng thưởng dành cho tác giả trẻ trong cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ (2006 – 2007); Giải nhì cuộc thi truyện ngắn “Tuổi thanh xuân” của Tập san Áo Trắng (2010).


Exit mobile version