Nửa giấc yên hoa cười mộng cũ
Hai hàng si lệ khóc tình xưa.
– Bà đã về ạ. Mời bà vào hàng nhà cháu xơi chén nước. Có riêu cua ngon lắm. Rước bà vào.
Người đàn bà đon đả chào mời cô gái tỉnh thành. Quế cười không đáp. Có cúi đầu dưới mái rơm tối thấp, bước vào quán nước. Hai người đàn ông quần vén cao đến bẹn, bắp chân đầy bùn, nhích ra mãi đầu ghế, nhường chỗ cho cô gái tỉnh thành. Quế sẻ mảnh báo trong chiếc làn mây lau ghế rồi mới ngồi. Không ai lấy cử chỉ ấy làm lạ, người ta nghĩ rằng cái vạt áo lụa màu hoa râm bụt kia, cái đũng quần lụa trắng nõn kia không thể đặt dễ dãi xuống cái ghế cụt què bẩn thỉu. Phí của đi, vả người tỉnh thành bao giờ cũng sạch.
Bà hàng hai tay bưng hát bún riêu đặt lên chõng, trước mặt Quế. Bà ta rút đôi đũa trong ống tre, lau cẩn thận rồi mới đưa cộ Quế “xin phép quà” tất cả mọi người. Bà hàng và hai người thợ cày vội đáp: “Không dám ạ”. Họ đáp cùng một lúc, sốt sắng và kính cẩn. Quế ăn ngượng nghịu, cô liếc thấy không những lũ trẻ xúm đến nhìn cô, cả hai người thợ cày cũng ngắm cô chăm chú.
“Cô tân thời, đẹp quán nhỉ!” – Lũ trẻ bảo nhau.
“Chuyện! ăn trắng mặc trơn mà lại không đẹp. Chứ như bu chúng mày ấy nhá!” Một bà già ngồi phơi nửa mình da cóc, nghiêng mái tóc bạc, tuốt trứng rận ở mảnh áo cánh nâu, cười, bảo với lũ trẻ.
Quế ăn xong, bưng bát chè tươi tráng miệng. Mùi ngái của những lá xanh khiến cô nao nao nhớ lại những buổi chiều ngày xưa trên mảnh sân lát gạch bát tràng rộng của nhà, về vụ gặt, sau những bữa cơm ầm ỹ, cũng có những bát chè tươi vàng nóng thế này, dưới ánh giăng, tiếng đập thóc và tiếng hát của bọn thợ gặt cất vang làng xóm.
– Nước ngon đậm quá! Bà nấu bằng nước sông?
– Thưa bà, sông dạo này cạn, bẩn lắm. Nhà cháu nấu bằng nước giếng, nấu khéo cũng ngon.
Quế trả tiền, đứng lên. Ở sân nhà bên kia, cách quán một bờ rào râm bụt có tiếng người con gái hát. Không phải câu hát ví von của gái đồng ruộng, mà là bài hát “gửi thư”. Cái hơi gió đoạn trường thấm ngay vào lòng Quế, như hơi sương giá thấm mái tóc con người cô độc đi trong đêm khuya. Quế vén cành lá, ghé mắt nhìn vào sân. Người con gái mặc chiếc áo lót mình màu hồng đã vá, rách, đang ngồi giặt bên chum nước. Quế nghĩ tới phận mình. Năm sáu năm trời, đã có biết bao nhiêu buổi sáng, buổi chiều, Quế cũng ngồi giặt như thế kia, cũng đôi khi buồn miệng thì hát lên vài câu hát thuộc lòng mà Quế đã hát đêm đêm cho người ta nghe. Hai cánh tay yếu đuối giũ vò mớ áo quần nát bẩn vì canh rượu nô đùa, vì cuộc yêu đương ô trọc phần nhiều là uy hiếp. Giặt giũ xong thì mắt Quế hoa lên, hâm hấp sốt. Những lúc đó Quế chỉ mong được giấc ngủ bù cho đỡ ốm, không thiết gì ăn uống.
– Khổ, ở đây thì ma nó hát ư!
Quế tắt vội ý nghĩ trên kia bằng câu nói thầm thì ấy. Cô rẽ ra xạ Người đàn bà bán bún riêu cũng chạy ra, chừng đi đâu nhổ cốt trầu rồi quay lại toe toét cười:
– Ấy, thưa bà, cái nhà tơ này mới dọn được hai tháng naỵ Cũng có khi có khách liền năm sáu tối. Khách toàn là bọn các thày đề, thày lại, chánh, phó, lý cả. Cũng có khi ba bốn đêm ngồi ế. Cứ sáng giăng mà vắng khách là các cô ấy mặc quần áo trắng lồm lộp dắt nhau đi nhởn nhơ như mà trơi, trông mà ghê.
Người đàn bà vui tính, hay nói lấy câu chuyện làm quà cho người hàng tỉnh. Nhưng Quế không muốn nghe. Cô đi vội ra cái xe ngựa chở khách ở dẫy cây bàng cách sân ga một quãng.
Cái xe ngựa tồi tàn, thay xe kéo, đã có mấy người đàn bà, đàn ông ngồi giữ chỗ trước. Trên mui xe chất đầy thúng mủng. Xe đi khỏi nhà gạ Hình ảnh người con hát gày còm trong góc vườn chuối kia nhắc Quế nghĩ đến bao nhiêu hình ảnh người con hát nữa ở thị thành. Quế sáng nay vừa ở đấy lọt ra, giải thoát linh hồn xác thịt dăm ba ngày. Dăm ba ngày sẽ qua đi rất chóng. Quế sẽ lại phải quay trở lại cái đời người con hát, sáng tắm rửa giặt giũ, chiều đưa đón, đàn ca.
Nỗi buồn làm ê ẩm lòng Quế, cô quay nhìn ra bên đường. Khách đàn ông, đàn bà chuyện trò ầm ỹ. Vó ngựa giẫm lộp cộp trên mặt đất rắn khô đầy đá vụn. Gió mát cánh đồng lúa xanh mướt, câu chuyện ồn ào về việc ruộng nương buôn bán trong xe làm cho Quế khuây dần. Cô cũng góp dăm ba câu chuyện với họ. Cái vui sống nơi đồng ruộng, quê hương, bị mất đi trong cái thân hình héo tàn vì son phấn, chợt trở lại một cách thư thái, hồn nhiên. Quế để ý nhìn người đàn bà ngồi trước mặt. Ở người đàn bà ấy, Quế nhận ra cái miệng nhai trầu, cái giọng nói nho nhỏ giống mẹ mình. Người đàn bà mở khăn tay lấy trầu cau ăn. Bà ta mời một bà bên cạnh, tiện tay mời cả Quế. Bà bên cạnh cười bảo:
– Bà ấy răng trắng, ăn gì cái của nợ này đấy!
Quế nhanh nhảu đáp:
– Có ạ, cháu xin cụ một miếng làm phần cho… đẻ cháu.
Quế toan nói là ụ Nhưng gọi là u thì quê mùa. “Mình là người tỉnh phải gọi là mẹ hay là đẻ”. Quế vẫn nghĩ thế mỗi lần gặp mẹ, hay về quê.
Quế nhặt một miếng trầu, bỏ vào “sắc”. Mọi người chú ý ngắm chiếc ví da đen. Miệng ví mở ra, cái khóa mạ kền bóng nhoáng bấm vào nhau kêu “tách” một tiếng làm cho họ lấy làm lạ lắm.
– Bẩm, cụ lớn nhà có khỏe mạnh không?
Người đàn ông xanh xao, rách rưới ngồi ở cuối ghế gãi đầu nói thế.
Quế sửng sốt quay sang phía người đó. Bác ta lại gãi tai, cặp cổ con chó vàng ghẻ lở vào giữa hai cái đùi gầy nhô xương.
– Bẩm bà lớn không biết cháu. Cháu là cu Hĩ, ở xóm Ruối làng bên đấy ạ.
Mặt Quế đỏ bừng lên. Năm năm giời, bỏ bình khang lấy lẽ một ông quan già, chửa đẻ hai lần, rồi lại trở về bình khang. Quế đã đành coi là một giấc mộng hồng nhan, hồ quên đi thì kẻ kia lại nhắc nhủ Quế nhớ đến nỗi chua cay của số kiếp mình giữa một trường hợp bất ngờ, đột ngột.
Quế ngượng nghịu, khẽ đáp:
– Cảm ơn ông… nhà tôi vẫn mạnh.
“Bà phủ đấy”. Người đàn ông ôm chó ghẻ thì thầm với một ông già. Chừng ý anh ta muốn khoe khoang, sĩ diện với mọi người là anh ta quen biết một bà vợ quan. Cũng như những người làng bên, anh ta yên trí Quế vẫn là bà phủ như thường. Người làng Quế thì đều biết Quế đã bỏ chồng, bây giờ đành phận gửi hai con cho bố mẹ Ở quê nuôi. Họ còn tin rằng Quế mở một cửa hàng thóc gạo ngoài Hà Nội.
“Vâng, cháu nó buôn bán ngoài ấy, nhờ giời phật cũng khá, bận lắm, thỉnh thoảng mới về thăm cháu được”.
Bà mẹ Quế thường đáp mọi người như vậy. Duy ông cụ sinh ra Quế, là nhà nho, chỉ thở dài lặng lẽ.
Từ nãy chiếc xe ngựa đã chạy qua mấy cánh đồng và bao nhiêu quán nước cô độc bên đường vắng ngắt.
Quế mong chóng đến nơi. Quế rất lo người đàn ông ôm chó kia gợi đến chuyện chồng con, chuyện “danh giá” của mình ngày cũ, những chuyện đã khiến Quế khóc nhiều rồi.
Xe đỗ. Quế đi trên con đường nhỏ vào làng. Làng vào đám. Cửa đình cờ lọng uy nghị Dân đang tế. Quế qua cửa đình, đầu cúi xuống. Bao nhiêu người chào. Nhất là những bà, những cô đang xem tế. Ông cụ sinh ra Quế ngồi trong sân đình với các bô lão trông ra thấy con, vẫn ngồi yên không nhúc nhích. Bà mẹ Quế thì tất tưởi dắt hai cháu chạy ra đón. Quế tay ẵm đứa nhỏ, tay dắt đứa nhớn, chào hỏi mọi người, nói với mẹ, nựng hai con, rối rít.
Về đến cổng nhà, con chó vện xổ ra sủa ầm ỹ. Bà mẹ quát mắng chó. Quế cười bảo mẹ:
– Mẹ đừng mắng nó. Tại lần này nó trông con khác đi chăng, nên nó lạ.
Bà mẹ nín lặng, rồi đáp:
– Ừ, ta trông độ này cô béo đẫy ra đấy. Chó lạ là phải.
Quế vừa bước lên thềm vừa nói:
– Nhưng sao con vện gày ốm thế kia?
Bà cụ lại nín lặng. Một lát, bà mới chép miệng.
– Giời đất này, con tính, ở nhà quê người chẳng có mà ăn, lại còn đi trách chó gầy.
Quế nghe mẹ nói, rầu mặt lại. Cô nhìn xuống đôi giầy mới và chiếc áo lụa màu rượu vang lộng lẫy của mình. Quế nghĩ đến những bữa cơm gạo hẩm, cà mặn, rau già ở nhà quê để so sánh với những canh rượu trắng đêm của bọn khách chơi nói tục, uống say, đập phá, ném tiền như rác.
Quế thở dài. Bà mẹ mắng:
– Cái con bé này cứ thấy mặt là thấy thở dài. Không trách, trong tử vi, bố mày bảo mày là khổ.
Nỗi đau xót nén nuốt từ bao lâu đến lúc này Quế không còn nén nuốt đi được nữa. Quế lăn ra giường nức nở.
Bà mẹ nhìn con, lại chép miệng cúi đầu bước ra sân, xuống bếp. Một lúc, bà lên, đập vào chân con gái:
– Con ngủ đấy à. Dậy ăn cơm. Có xôi thịt lộc thánh ông ấy dặn để phần cho con gái ông ấy đây. Chả báu lắm đấy!
Quế bừng mở mắt, vươn vai, ngồi lên, cười;
Thế mà con ngủ thật à. Đêm qua thức suốt tới sáng mà lại.
Hai đứa con xán đến gần mẹ. Quế ôm con vào lòng hôn hít. Bà mẹ ngồi xuống giường, xới cơm cho con ăn:
– Mày là mẹ trẻ con rồi mà vẫn như con trẻ, khóc ngay đấy, cười ngay đấy. Giá mày đi hát chèo thì đóng vai Vân dại được. Ăn đi, rồi tối ra đình. Đón được một phường, thấy bảo là hay lắm.
Quế buông đũa, nhìn ra sân. Bóng nắng chiều đã tắt. Quế mỉm cười nghĩ bụng: “ừ, anh ấy, một lần, cũng viết thư bảo mình khóc cười như Vân dại”.
Anh ấy là Phong, một người đàn ông trẻ tuổi đã thương và yêu Quế. ái tình gặp gỡ trên chiếu rượu, thường như mọi sự gặp gỡ của ái tình. Nhưng có lẽ do nợ nần, duyên nghiệp gì đó, nên Quế đã thấy ngay cái tình che chở, cái tình đùm bọc lâu bền có thể trông chờ được ở con người này. Anh không nhìn Quế như nhìn một con hát. Quế mỗi lần ngồi trước đôi mắt anh ấy, lại nhận thấy ở đáy lòng nẩy ra những tình cảm kính nể, trong đó chứa cả một sự phục tòng.
Quế đã thú lòng mình. Người đàn ông ít nói, chỉ lặng lẽ dang cánh tay ra đón lấy mái tóc đen ngả xuống, và chỉ im lặng “nghe” những giọt lệ rơi trên má người đoạn trường.
Quế đang nghĩ miên man, thì ngoài ngõ lao xao tiếng người cười nói. Mấy người bước vào sân. Đó là mấy cô bạn ngày nhỏ của Quế. Bây giờ họ đã có chồng, có con. Cô nào cũng làm ra đứng đắn, ăn mặc thì già nua, xồ xề.
– Bà đã về đấy ư!
Một cô khác nói:
– Ăn cơm ngoài tỉnh quen, về quê gạo thế kia thì bà nuốt sao được nhỉ!
Họ nói thực tình, chứ không có ý gì. Nhưng Quế tưởng đó là những câu mai mỉa. Quế đáp:
– Các chị đến hay! Bọn đánh chắt với nhau cả, mà sao bây giờ các chị cứ gọi em là bà. Em còn ít tuổi hơn các chị. Gọi thế còn gì là thân tình nữa.
Sự thực thì Quế cũng biết rằng họ kính nể cái danh “bà lớn” của Quế, tuy đã hai năm nay Quế bỏ chồng. Cho nên, sự tôn trọng kia càng thêm gợi tủi hờn cho Quế, và càng bắt Quế đau đớn cái oan nghiệp hiện giờ. Quế đứng lên. Các cô bạn vui vẻ kéo nhau ra ngõ, họ sẽ đến rủ Quế đi xem chèo. Tiếng guốc dép khua lẹp kẹp, tiếng cười nói nô đùa của các cô vang ngoài ngõ tre.
Quế đứng lặng giữa sân, lẩm bẩm:
– Ấy, thà rằng cục mịch nhà quệ Các chị ấy thế là yên phận. Có chị tốt số đã được nhà chồng có trâu cầy ruộng cấy. Có chị đã gây nên cơ nghiệp, ruộng cả ao liền. Cũng có chị gặt thuê, cấy mướn, nhưng thôi thì cũng lần hồi đủ áo mặc cơm ăn cho chồng cho con. Còn mình thì… lênh đênh đâu nữa vẫn là lênh đênh, chả ra làm sao cả!
Quế chạnh thương phận mình, nấc lên khóc. Bà mẹ đã dắt hai cháu đi nhờ người đến trèo cau trẩy một buồng cho cô con gái chốc nữa ra chùa lễ.
Quế đứng khóc một mình giữa sân. Bóng giăng non mờ xanh giãi tà tà trên nền sân gạch. Một lần nữa, trong cái vắng lặng, thấy mình chơ vơ, Quế lại vụt nghĩ đến ngày xưa, ruộng đất còn nhiều, đã có những tối sáng giăng về vụ gặt, trên khu sân rộng rãi này ngát mùi cơm mới, vang lên tiếng đập lúa, tiếng hát ví lẳng lơ của phường giai gái gặt thuệ Bây giờ sa sút đi rồi, ruộng đất đã về tay kẻ khác. Bố mẹ thì già. Quế thì không chồng mà vẫn đèo bồng hai con. Thân tàn đi, tuổi thêm lên mãi, Quế chưa biết rồi mai sau ra thế nào.
“Anh Phong ơi!”
Người kỹ nữ xót xa ngửa mặt ngước nhìn ngôi sao Hôm mọc chơ vơ giữa vùng giời cao rộng. Nàng nghĩ đến hình bóng đôi cánh tay ai giơ lên trong ánh giăng lạnh đêm xuân.
Người đàn ông trẻ tuổi, buổi chiều nay, cũng đi với Quế một chuyến tàu. Mỗi người xuống một gạ Cảnh chia tay trên đường trường lần thứ nhất đã khiến Quế lo sợ ngày biệt lỵ Vẫn đã biết “Ca trường nào thiếu biệt ly”. Quế trải biệt ly nhiều rồi. Nhưng lần này, tạm chia tay người đàn ông trẻ tuổi kia trong cuộc đồng hành, Quế thấy lòng muốn khóc, tưởng như là chia tay trọn kiếp. Quế tưởng tượng giờ này người ấy cũng đang đứng một mình giữa cái trại mênh mông ở quê nhà, và có lẽ người ấy cũng nhìn sao để nghĩ đến mình đây. Quế nhớ, một lần, người đàn ông ấy đã ngỏ lòng mình trong một phút rung động nhất: “Đêm kia, ở trại, anh đã ngủ dưới một tà áo xanh”. Quế không hiểu. Nhưng rồi Quế cũng hiểu được rằng: anh ấy nằm dưới một vòm trời đêm xanh, mà nghĩ rằng nằm dưới tà áo xanh của Quế. Thâm tình đó khiến Quế kiêu hãnh với chính mình, nhưng càng khiến Quế phải khóc thêm nhiều.
Bà mẹ đã nhờ được người về bẻ cau. Bà vui vẻ giục con rửa mặt để ra đình.
Quế dắt con, cùng mẹ ra ngoài xóm. Trong đình, phường chèo đã khua trống mõ giáo đầu.
Quế bước vào đình. Ai cũng ngoảnh ra nhìn người đàn bà tỉnh thành sang trọng, xinh đẹp, thứ nhất người đàn bà ấy đã là một bà quan. Quế cúi chào các cụ. Các cụ bèn truyền cho phường hát tạm im trống mõ. Quế đưa ông thủ từ cái khay đồ lễ, kèm ba đồng bạc giấy mới. Ông từ mời Quế vào lễ. Một hồi chuông trong cung thánh vang lên. Không khí u tịch. Lễ xong, các cụ sai “giai hóa” mời “bà phủ” ngồi lên chiếu hoa nghe hát.
Quế cáo mệt xin về. Sau lưng, Quế nghe thấy người ta xì xào khen mình trẻ đẹp. Họ bàn với nhau “bà ấy buôn bán chắc phát tài lắm. Người cứ mỗi ngày thêm béo trắng ra”.
Ra khỏi chỗ ồn ào, Quế thấy dễ chịu. Vẻ trang nghiêm mà người ta đã tạo nên vì cái sự “lễ thánh”, và chính cũng vì cái “danh giá không còn nữa” của mình khiến Quế hổ thẹn và khó chịu.
Bà mẹ giữ cháu ở lại xem hát. Một mình Quế ra khỏi đình, đi về xóm.
Ánh giăng trắng các ao bèo và loáng trên những cành tre.
Về đến nhà, Quế đã thấy ông Khóa đang buông màn ở cái giường vẫn dành riêng cho Quế những khi về đình đám hay giỗ tết. Ông quạt muỗi gài màn cẩn thận rồi bảo con, giọng nghiêm mà nhân hậu:
– Thôi con đi mà nghỉ. Đi đường mệt.
Ông chỉ nói vậy thôi, rồi lẳng lặng ngồi bên đèn, mở sách xem. Quế biết tính cha vẫn thế. Từ ngày Quế lạc vào nơi yên hoa, rồi thì cuộc đời chìm nổi bao lần, ông chỉ nghiến răng, vuốt bụng thở dài. Ông không mắng, không han hỏi, cũng không bao giờ nhìn dung nhan con gái.
Do thế, Quế càng kính sợ cha, kính sợ để thương xót thêm nhiều.
Quế lén ra ngoài thềm, ngồi phệt xuống dựa lưng vào thân cột. Quế nhìn bóng ông Khóa in lên vách, câm lặng như một tượng hình khổ hạnh nghìn đời. Quế nhắm mắt lại, mơ trong ánh giăng đôi mắt chiêu đăm và nghiêm nghị của người đàn ông trẻ tuổi chắc đêm nay cũng ngồi câm lặng như cha mình.
Tiếng trống chèo ở ngoài đình đưa văng vẳng vào trong xóm, tiếng tù và rúc xa ngoài cánh đồng giăng.
Ông Khóa, không ngẩng lên, khẽ gọi:
– Quế vào thầy bảo.
Quế rón rén bước vào.
Ông nạp mồi thuốc lào vào điếu, hút. Giọng ông thấp xuống như những khi tàn canh rượu, ông, một mình, thủ thỉ với sách đèn.
– Số con đào hoa thủ mệnh. Bấy lâu tình duyên lênh đênh, âu chẳng qua số mệnh. Nhưng tới hạn năm nay khá, Thiên khôi, Thiên việt, quý nhân tới. Đào, hồng, hỷ, hội ở cung phu, chiếu vào cung mệnh, tất năm nay con gặp được người tử tế.
Quế đỏ mặt cúi đầu, tay mân mê vạt áo. Dáng điệu thẹn thò như cô gái đào tơ lần đầu nghe đến chuyện lương duyên.
Một lát, Quế ngẩng nhìn ra sân. Quế có cảm tưởng ánh giăng xanh hơn ban nãy.
Tiểu thuyết thứ bảy, Số 458, 1943. – Nhà văn Ngọc Giao